Xíu với anh em mình kéo về Ba Lê phó hội, người ta nói vui như hội quả là không sai tí nào. Ba Lê vốn là kinh thành ánh sáng, là trung tâm văn hóa – thời trang của thế giới. Ba Lê vốn nhộn nhịp hào hoa giờ lại càng thêm tưng bừng náo nhiệt, những ngày lễ càng thêm rực rỡ vàng son. Người Ba lê có danh hiệu riêng Parisian cứ như thể là một hạng dân riêng biệt vậy, cái thương hiệu Parisian thật đúng với phong cách hào hoa, phong nhã, thanh lịch, trình độ văn hóa và cái gu thẩm mỹ đều rất cao.
Một trăm năm trước người Pháp đã tổ chức đại hội thể thao Olympic, bây giờ lại tiếp tục việc này. Người Pháp đã có công khôi phục lại một đại hội thể thao lẫy lừng của người Hy Lạp xưa và cũng là của nhân loại. Olympic tổ chức để những lực sĩ khỏe, trẻ, đẹp, mã thượng… tranh tài. Nền văn minh Hy Lạp đã cống hiến cho nhân loại những giá trị to lớn: thể thao, mỹ thuật, văn hóa, tạc tượng, tinh thần tự do, dân chủ…
Những vận động viên thời ấy khi tham gia thi đấu đều phải khỏa thân, các phái đoàn từ các thành bang về Athen để thi đấu đều không được mang theo vũ khí. Đại hội thể thao đề cao sự thống nhất, hòa bình, mặc dù người nữ thời ấy không được tham gia thi đấu nhưng không hoàn toàn cấm ngặt, vẫn có một số ít được tham gia, tiêu biểu như Kyniska con gái của vua Archidamus xứ Sparta đã chiến thắng môn đua ngựa.
Thế vận hội là cuộc tranh tài thể thao lớn nhất hành tinh, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tham dự. Hơn 200 nước kéo quân về Ba Lê phó hội nhưng thật sự thì Thế Vận Hội vẫn là cuộc chơi của mấy ông lớn: Mỹ, Hoa, Anh, Pháp, Úc, Ý, Nhật, Hàn...Nam Hàn là một hiện tượng đặc biệt, là biểu tượng của sự trỗi dậy mạnh mẽ, một sự phát triển thần kỳ. Nghĩ cũng lạ đời, số phận nghiệt ngã làm sao? Cùng một dân tộc, một quốc gia nhưng nửa phía Nam thì phát triển như vũ bão về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, thể thao… nói chung là tất cả mọi mặt. Phát triển mạnh đến nỗi cạnh tranh khiến các ông lớn phải nể. Còn nửa phía Bắc thì đói nghèo, lạc hậu, tối tăm, chậm lụt nhưng lại vô cùng hung hăn và hiếu chiến… tất cả cũng chỉ vì giới đầu lãnh phía Bắc đi theo cái chủ thuyết hoang tưởng, độc tài và tàn bạo.
Xíu với anh em mình, giọt Xinh, giọt Điệu, giọt Út… tung tăng trẩy hội, bay qua khải hoàn môn, bơi lội trên sông Sein, đi qua những khu phố cổ kính, những cây cầu đầy tính mỹ thuật. Xíu reo lên:
- Trời ơi, đã đến từ bao đời rồi mà sao lần nào ghé thăm cũng thấy mới lạ, hào hứng vô cùng.
Xíu ngắm nghía những lâu đài, dinh thự, bồn hoa, đài tưởng niệm...mê mệt. Xíu thích thú với khí hậu và con người Ba Lê. Ba Lê là biểu tượng chung của xứ sở này, cái quốc gia giàu có, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, gió thuận mưa hòa… Nghĩ đến đây Xíu không khỏi tự hào, cái khí hậu và sự thuận hòa mưa gió cũng nhờ công lao của Xíu và anh em Xíu. Giữa mùa hè Ba Lê tuy có nóng nhưng không đến nỗi như những xứ nhiệt đới hay là Texas bên xứ cao bồi. Chính phủ Pháp, chính quyền Ba Lê đã có những quyết định sáng suốt, hợp với đất trời thiên nhiên, đó là việc không xài máy lạnh. Tất cả vì môi trường thiên thiên, vì khí hậu. Hiện nay khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên, băng tan, biển dâng...Việc sống sanh, sống vì môi trường là một điều đáng quý. Không chỉ Pháp, nhiều nước Âu châu đều có những chính sách cứu vãn mội trường, phục hồi thiên nhiên. Người dân các xứ này cũng ý thức và hành động vì môi trường. Trong khi ấy ở Mỹ việc bảo vệ môi trường chẳng được mấy ai chú ý, chính phủ thì chỉ lo tăng trưởng kinh tế, người dân thì sống hưởng thụ tối đa, sống ích kỷ chỉ biết có bản thân mình. Nhiều nước Nam Mỹ, Á châu, Phi châu… cũng chỉ chăm chăm vào tăng trưởng kinh tế mà hy sinh môi trường tự nhiên. Xíu ước gì các chính phủ và dân các nước khác cũng ý thức như người Ba Lê thì môi trường tự nhiên sẽ được cứu vãn. Việc Xíu và họ nhà Xíu ưu ái Ba Lê hay những vùng đất đai phì nhiêu, phong điều vũ thuận là việc làm tự nhiên, hoàn toàn không có tâm thị phi nhân ngã, không sanh tâm phân biệt yêu – ghét. Đó là sự chiêu cảm của nhân lành qủa thiện từ con người xứ ấy. Thiên hạ nhiều người không hiểu hoặc hiểu sai lầm cho là Xíu bênh chỗ này bỏ chỗ kia, tham phú phụ bần, yêu -ghét không công bằng. Họ trách móc đủ điều: “Sao Xíu và anh em Xíu hổng đến những vùng khô hạn, sa mạc để cân bằng mưa nắng?”, “ Sao Xíu và anh em Xíu chỉ tập trung một chỗ rồi gây lụt lội hại người hại vật?”… thật oan cho Xíu và nhà Xíu. Những người ấy họ đâu có biết là Xíu và họ nhà Xíu vốn có mặt khắp mười phương chứ đâu chỉ có chỗ này mà không có chỗ kia. Tuy nhiên cái sự có mặt nó phụ thuộc vào nhân duyên, khi Xíu và anh em Xíu đến những vùng khô hạn thì lập tức mất mình ngay. Họ nhà Xíu kéo đến đây thì bị nghiệp lực ở đấy ngăn chặn không thể nào tụ hội đủ để mưa xuống. Còn những vùng ngập lụt thì sự chiêu cảm nghiệp lực của con người và vạn vật ở vùng đấy, là sự vận hành tự nhiên của đất trời, vũ trụ. Điều này nằm ngoài ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân nào, muốn cũng không được mà không muốn cũng không xong.
Ba Lê đẹp quá, sông Sein đẹp và thơ mộng vô cùng, dọc hai bờ sông là bao nhiêu cầu cống, dinh thự, đền đài, công trình kiến trúc… mang đậm dấu ấn kiến trúc thời phục hưng, đẹp đến khiến người ngẩn ngơ. Đô thành Ba Lê lớn và đông như vậy nhưng họ giữ được môi trường trong sạch, ít ô nhiễm. Buổi khai mạc vô cùng hào hứng sôi nổi, hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, cảnh quan, nghệ thuật biểu diễn… của người Pháp quá tuyệt vời, đậm tình nhân văn, khai phóng, dung hòa, mã thượng...tuy nhiên những thành phần bảo thủ, giáo điều vạch lá tìm sâu chỉ trích đủ điều, bọn ấy cho là phỉ báng tôn giáo! Biết làm sao được? nhân tâm muôn mặt, người đời đa diện và nhất là trong thế giới hôm nay mọi sự việc đều bị thổi phồng lên nhanh chóng bởi các mạng xã hội và hiệu ứng của nó lan nhanh, lan rộng một cách kinh khủng. Đám đông ở đời hay trên mạng đều cuồng lên, hồ đồ và loạn động.
Vận động viên của Thế Vận Hội nói riêng của thể thao thế giới nói chung mà Xíu hâm mộ nhất đó là tay bơi Micheal Phelp. Trời ơi, người đâu mà tài giỏi đến thế! Phải nói anh ấy là một kình nhân chứ hổng phải kình ngư. Anh ta thống lĩnh đường đua xanh, trùm của mọi đường bơi. Một mình anh ta chiếm đến 28 huy chương các giải của Olympic, trong đó có 23 huy chương vàng Olympic. Michael Phelps phá vỡ kỷ lục 12 huy chương vàng cá nhân Olympic của Leonidas, một kỷ lục tồn tại suốt 2168 năm. Nếu tính luôn các giải bơi lội khác của thế giới thì Michael Phelps có đến 66 huy chương các loại. Michael Phelp là một hiện tượng vĩ đại của Thế Vận Hội cổ đại cho đến Thế Vận Hội hôm nay. Kỷ lục của anh ta sẽ còn kéo dài không biết đến khi nào mới có thể có người đuổi kịp. Michael Phelp là một vận động viên vĩ đãi nhất của mọi thời đại. Thế giới trong nghề ngoài nghệ đều khâm phục Michael Phelp, nhiều nhà khoa học, huấn luyện viên, chuyên gia...tìm hiểu, phỏng đoán đưa ra nhiều giả thuyết nhưng không làm sao giải đáp đượcc cái khả năng kiệt xuất của anh ấy.
Xíu hâm mộ Michael Phelp, hãnh diện vì anh ta gần gũi với họ nhà Xíu. Từ thuở tượng hình anh ta đã nằm trong bọc nước ối, sống trong môi trường nước. Anh ta, loài người và hầu hết loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh cũng đều cần nước cả! Không có nước thì không có sự sống. Michael Phelp giống mọi người nhưng cũng khác mọi người. Sanh ra đã thích nước, thích bơi lội, suốt quãng đường tuổi thơ có điều kiện sống thoải mái, thõa thích bơi trong nước, lớn lên càng bơi nhiều, ngày tập 8 tiếng, bơi từ khi tượng hình cho đến khi thành công. Michael Phelp dầm mình trong nước, sống nhờ nước, trong người củaPhelp phần lớn cũng là nước. Michael Phelp thành công, đạt danh vọng, nhờ nước từ nước mà ra. Họ nhà Xíu với Michael Phelp quả là có duyên sâu xa với nhau. Xíu biết sự thành công danh vọng, tiền bạc của Phelp hôm nay là nhờ cái dư phước từ nhiều kiếp qúa khứ. Cái quả lành tốt đẹp hôm nay là nhờ cái nhân lành trong quá khứ, tuy nhiên cụ thể thế nào thì Xíu không biết và cũng chẳng có ai có thể biết, chỉ những vị nào chứng quả A La Hán thì mới biết mà thôi. Những giả thuyết về sự thành công của Phelp do các nhà khoa học đưa ra chỉ nói được phần ngọn của vấn đề chứ họ không thấy được cái căn bản gốc. Họ chỉ thấy Phelp khỏe, tập luyện nhiều, thầy giỏi, cấu tạo tay chân dài...nói chung chỉ là những điều hoa lá cành chứ không phải cái cốt lõi của vấn đề. Qua trường hợp của Michael Phelp, Xíu càng thấy nhân là thế, quả là thế và cái duyên quan trọng thế nào, nhờ thuận duyên mà cái quả lành đơm hoa kết trái. Nhân – duyên – quả là một sự vận hành vi diệu, không ai có thể biết hay can thiệp vào và cũng không ai có thể tránh được! Nhân – duyên – quả là quy luật vận hành tự nhiên, không ai đặt ra và dĩ nhiên cũng chẳng cần ai bảo trì hay vận hành. Ấy vậy mà không có một ai có thể ở ngoài vòng quay của nó. Chúng ta tạm dùng ngôn ngữ để gọi là luật nhân quả thế thôi! Nếu không dùng ngôn ngữ để gọi thì làm sao loài người nhận biết hay chỉ bảo nhau? Không chỉ là luật nhân quả, ngay cả với các pháp Tánh Không, Bát Nhã, Vô Ngã… cũng phải tạm dùng ngôn ngữ để giải bày. Mặc dù ngôn ngữ rất hạn chế nhưng không dùng ngôn ngữ thì làm sao loài người có thể nhận biết được!
Ngay cả bản thân Xíu, anh em nhà giọt nước… cũng chỉ là tạm dùng ngôn ngữ võ đoán mà gọi thế, nếu không dùng ngôn ngữ thì làm sao loài người nhận biết được đây?
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 0824