Những ngày biển yên sóng lặng, nắng mới từ trời xanh lung linh tưởng chừng như có thể chạm được. Xíu cảm thấy tâm hồn lâng lâng, cõi lòng mang mang thương nhớ đến vô biên. Xíu thấy thương người, thương đời; nhiều lúc cảm xúc dâng lên rung động mãnh liệt muốn nói gì đó mà không biết nói gì. Xíu dang tay giữa trời đất thinh không múa may quay cuồng trong vũ điệu không tên. Những lúc như thế dường như quên hẳn cái khái niệm vô thường, chẳng còn thấy khổ đau và dĩ nhiên không còn thấy hơn thiệt gì trong cuộc đời này. Xíu muốn hóa thân ngay lập tức vào mây trắng trời xanh, nhìn đám mây lững lờ nhởn nhơ trôi mà tự dưng cái cảm giác “vô quái ngại” từ Tâm Kinh hiện tướng.
Thật ra thì Xíu đang ở ngay trong đám mây trắng đó. Xíu nằm trong xanh thẳm của bầu trời. Xíu có mặt trong làn gió kia, có nơi nào mà không có Xíu, chỉ trừ những hành tinh xa xôi mà các phi hành gia và các khoa học gia chưa tìm thấy dấu hiệu của sự sống.
Xíu bay qua cõi nhân gian. Xíu theo hơi thở vào ra mà xâm nhập vào tận từng tế bào của cơ thể con người cũng như muôn loài. Xíu nghe tất cả tâm tư thầm kín nhất trong tâm hồn của con người. Có một điều là những tâm tư thiện lành thì ít và yếu ớt trong khi ấy nhưng tâm tư bất thiện thì nhiều vô cùng và rất mạnh bạo. Hầu hết mọi người đều nghĩ đến sắc dục, thao thức vì sắc dục và khổ đau vì sắc dục. Con người khó mà thõa mãn được tham muốn sắc dục nên khổ đau, cái ham muốn thì đầy dẫy, cái cần thì không có cái không cần thì cứ vây quanh; già trẻ, lớn bé, nam nữ, tây ta… đều như thế cả!
Một ngày kia Xíu bay qua vùng đất cũ nằm bên bờ biển Đông, nơi cuối dòng của hai con sông Hồng Hà và Cửu Long chảy qua. Mảnh đất này ngàn đời nay gắn bó với Phật giáo, là nơi Phật giáo được truyền đến trước cả Trung Hoa, có đủ các trường phái truyền thừa tông môn. Phật giáo ở đây cũng như nhiều nơi khác trên thế gian này, lúc thịnh lúc suy, lúc sáng lúc tối, có những giai đoạn trải qua pháp nạn tàn khốc và đau thương. Hiện nay nhìn bề ngoài thì Phật giáo xứ ấy có vẻ thịnh nhưng thực chất chỉ là cái vẻ sơn phết màu mè. Phật giáo xứ ấy đang khủng hoảng, những thế lực chính trị đang thao túng và lũng đoạn. Chính trị thế tục cài cắm nhiều tu sĩ giả, chiêu dụ những kẻ phá giới hoại đạo bại pháp… để sai xử. Nhiều tu sĩ nặng danh văn lợi dưỡng, thân chính, tham chính, phò chính, mượn đạo tạo đời, ngày ngày đăng đàn nói xàm làm bậy, thuyết pháp sai trái… điều này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những Phật tử sơ cơ thối thất tâm bồ đề. Quần chúng nhẹ dạ cả tin quay lưng với Phật giáo. Người dân đâm ra hoang mang nghi ngờ Phật giáo. Mạng xã hội và người ở đời có một luồng dư luận ngông cuồng, loạn động, phỉ báng và mạ lỵ, tấn công Phật giáo một cách ngu muội vô minh. Trong hoàn cảnh ấy đột nhiên xuất hiện một vị tu sĩ trẻ, đầu trần chân đất, mặc y phấn tảo, ôm bình bát du phương, ngày ăn một bữa, đêm ngồi ngủ gốc cây. Vị ấy buông xả một cách rốt ráo từ vật chất đến tinh thần, thân tâm buông xả rốt ráo. Vị ấy khiêm cung hạ mục với tất cả mọi người, thậm chí luôn cười và chúc phúc lành cho cả kẻ tấn công, mạ lỵ, đánh dập mình. Hiện tượng vị tu sĩ trẻ tu hạnh đầu đà đã thổi một luồng gió mới vào trong cái không khí nặng hình thức, trì trệ và bê bối của Phật giáo xứ sở này. Tất nhiên những ông tăng danh văn lợi dưỡng lập tức sân hận, đố kỵ nên không tiếc lời tấn công mạ lỵ vị tu sĩ hành hạnh đầu đà ấy.
Xíu bay qua xứ sở cũ của một thuở ngày xưa và thấy nhiều chuyện cười ra nước mắt, thời tiết nhân duyên nó thế, không thể làm gì khác được, chỉ ngậm ngùi với cái quả đã trổ. Sau khi thăm viếng khắp các chùa chiền, đền miếu và gặp các vị tu sĩ nghe những chuyện không vui… Xíu thấy nặng lòng nhưng quyết buông xuống vì biết có giữ trong lòng cũng chẳng được gì, chỉ thêm mệt thân tâm. Chuyện đâu còn có đó, nhân nào thì quả nấy, quả này bởi tại nhân và duyên kia. Đã quyết buông xuống nên ý trống lòng không tình cũng phiêu bồng với gió mây. Xíu cùng với anh em vân du suốt dải non sông này, bà mẹ thiên nhiên thật kỳ diệu, ban cho con người bao nhiêu là đặc ân, đâu chỉ sự sống mà còn bao nhiêu thứ để nuôi sự sống ấy; không chỉ về phần vật chất cho thân mà còn ban cho bao nhiêu cái đẹp để nuôi dưỡng tâm hồn: Núi rừng hùng vĩ, non nước hữu tình, sáng sớm chiều sương, đời xanh cây lá, thắm sắc thơm hương… Xíu vốn mê cái đẹp, nơi đâu đẹp là tìm đến. Bắc – Nam – Trung đâu đâu cũng đẹp, mỗi nơi có sắc thái riêng. Non nước này cũng là duyên hợp, thuở ban đầu chỉ là một vùng trung du Bắc bộ, thế rồi xuống đồng bằng, rồi những cuộc Nam tiến mở cõi tiếnvề: Châu Hoan, Châu Ái, Ma Linh, Bố Chính, Đồng Dương, Đồ Bàn...cuối cùng vào tận mũi Cà Mau. Non nước này vốn là duyên hợp của Đại Việt, Chân Lạp, Phù Nam, Champa...Lịch sử xứ này trải qua bao đau thương, lắm máu lệ tuôn trào, thăng trầm liên miên. Những cuộc xâm lăng của người Hoa gây ra bao tang tóc điêu linh. Trách người thì cũng nhìn lại mình, suy xét cho đúng sự thật cho dù sự thật có đau lòng, thà rằng nhìn nhận sự thật để mà học lấy bài học còn hơn là lấp liếm để rồi cứ mờ mịt khổ đau. Đại Việt cũng gây tang thương cho to lớn cho người Champa, đành rằng hai bên đánh qua đánh lại nhưng mình đã diệt cả một quốc gia, diệt cả một dân tộc, dẫu tổ tiên anh hùng nhưng cũng phải thừa nhận cái ác của mình. Nổi tiếng hiền như vua Lý Thánh Tông vậy mà cũng đã từng đem quân đến Đồ Bàn, trong một buổi sáng quân binh đã chém 30.000 thủ cấp. Đến 1471 vua Lê Thánh Tông lại đem quân vào Đồ Bàn, Đại Việt đã chém 60.000 thủ cấp và san phẳng thành bình địa. Sự thật không thể lấp che hay chối cãi. Quân Đại Việt ta cũng say máu và tàn ác quá. Vua Champa là Trà Toàn đã nhiều lần xin hàng, xin tha nhưng Đại Việt vẫn quyết tâm diệt quốc. Đến thời vua Minh Mạng thì quyết tâm tiêu diệt Champa còn tàn bạo hơn, hàng loạt ngôi làng biến mất, bao nhiêu dân cư bị giết sạch… và Champa hòan toàn bị xóa tên. Có lẽ vì cái nghiệp sát mà dân xứ này cứ chịu bao nhiêu là chiến tranh tang tóc kéo dài tới thời hiện đại. Những cuộc nội chiến kinh hoàng giết chết hàng triệu người và rồi thì chịu sự cai trị của các thể chế gia đình trị, độc tài toàn trị… kiếp nạn cứ dài mãi, lúc bùng phát, lúc âm ỉ. Xíu nhớ có lần ngài đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi nhà cầm quyền hãy mở lòng, mở ý, mở tâm để chúc sinh cho người sống, chúc siêu cho người chết, chúc an cho dân nước...nhưng xem ra những tâm hồn mù mờ mê muội, những cái đầu đông đặc, cái ý chí sắt đá máu lửa không sao chấp nhận được lời kêu gọi tha thiết, chí tình và sáng suốt của ngài. Xíu ước mơ một ngày nào đó người dân và quốc gia xứ này có được cái ngày như thế, ngày chúc sinh, chúc siêu và chúc hòa cho cả dân tộc này.
Những cuộc chiến tranh vô cùng thảm khốc, những cuộc chiến tranh xưa nay, bên Đông bên Tây cũng đều để lại vô vàn thống khổ đau thương. Con người đánh nhau vì đất, vì danh, vì vật chất, vì đức tin tôn giáo, vì ý thức hệ, vì sự hoang tưởng mưu đồ… có bao nhiêu lý do dù hữu lý hay vô lý để đánh nhau. Trong khi ấy có bao nhiêu lý do thiết thực và cần thiết đểu yêu thương nhau, thông cảm nhau, chia sẻ nhau thì con người chẳng chịu lắng nghe, chẳng chịu hành. Những lý do đánh nhau của con người thật vô minh, giá mà con người hiểu rõ thế giới này là sự kết hợp của duyên và rồi sẽ tan hoại vì duyên, nó đã thành thì nó sẽ hoại. Cái thân người cũng là duyên hợp của tứ đại và thức đại rồi nó sẽ tan rã khi hết duyên, ngay cái thân này còn không phải là ta, không phải của ta, chẳng phải tự ngã ta, vậy thì đất đai, ranh giới, của cải, danh vọng của ta được sao? Ấy vậy mà con người lao vào chém giết nhau, truy sát nhau, tru diệt nhau. Lịch sử con người từ mông muội xa xưa đến giờ là lịch sử của những trận đánh nhau, hiện giờ vẫn đánh nhau và ắt sẽ còn đành dài đánh mãi ở ngày sau.
Xíu và anh em tạm dừng bước phiêu du trên đầm Thị Nại, tha hồ chèo kayak, tắm biển, ngắm chim trời… cảnh quan đầm này sao giống hệt miền Tây, phong cảnh hữu tình và thanh bình chi lạ. Vậy mà thiên hạ có biết đâu nơi này từng xảy ra những trận thủy chiến kinh hồn trong lịch sử, những trận thủy chiến giữa Đại Việt và Champa, giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Vẫy vùng trong làn nước mát trong mà Xíu mường tượng máu lửa đầy ngập trên mặt đầm, tiếng thét xung trận, tiếng cà nông đùng đùng, gươm đao loạn chém, khói lửa ngút trời… Bất chợt Xíu nghe giọt Tròn hỏi cắc cớ:
- Thân tứ đại này không phải ta, không là ta, chẳng phải tự ngã của ta. Nhà Phật cũng bảo không có cái gọi là linh hồn, vậy thì một mai thân xác tắt hơi thở thì “ai” đi tái sanh? “ai” chứng tứ thánh quả? “ai” đọa tam đồ lục đạo?
Xíu và cả bọn ngừng bơi, chưng hửng đến ngớ cả người ra, lâu nay chưa từng biết việc này nên cũng chẳng ai trả lời được. Giọt Điệu õng ẹo:
- Trời, hỏi gì khó vậy ai biết mà trả lời?
Giọt Cả vốn là anh lớn, tuổi đời nhiều, đi nhiều, nghe thấy nhiều… nhưng cũng dè dặt:
- Đây là vấn đề lớn trong Phật giáo, trả lời được không dễ chút nào, cần có tư duy khá cao và sâu mới hỏi được câu này. Khó mà dùng ngôn ngữ để giải thích, nhiều thầy trò xưa nay thầm hiểu, thầm thẩm truyền ấn chứng sự giác ngộ chứ không thể giải bày. Câu hỏi này có thể xem như một công án.
Giọt Cả nói xong thì Xíu cũng dè dặt tiếp theo:
- Thân người vốn là duyên hợp của tứ đại, không đại và thức đại. Nó vốn không phải là một thực thể độc lập, thế giới này không có một cái gì để gọi là cái ngã tồn tại độc lập. Tuy nhiên con người từ vô thủy đến giờ lại chấp vào cái ngã, vì cái ngã này mà có khổ đau – hạnh phúc, cực lạc – địa ngục, thăng – đọa… và cũng vì thế mà có sanh tử luân hồi, có chết và tái sanh. Một khi phá sạch không còn chấp ngã nữa thì bấy giờ cũng chẳng có hạnh phúc hay khổ đau, thăng hay đọa, địa ngục hay cực lạc… cứ nhìn xem các vị Bồ Tát thì biết, các vị ấy phá hết ngã chấp, pháp chấp, không còn cái “tôi” nên chẳng còn nhân ngã thị phi, chúng sanh thọ giả cho nên một chiếc lá cũng là thế giới mà thế giới cũng là chiếc lá và dĩ nhiên chẳng có sanh tử luân hồi, thế giới nhất như thì lấy đâu ra cực lạc với địa ngục. Xíu chỉ nói những gì mà mình biết dù nó vốn cợn cợt non kém, hổng biết đúng sai thế nào. Xíu cần tham vấn thêm từ các sư, các thiện tri thức để hiểu thêm về vấn đế này.
Xíu dứt lời nhưng cả bọn cũng im lặng không ai nói tiếng nào, dường như cũng chẳng có lời nào để nói, vì vấn đề này không phải là vấn đề dễ nói. Lát sau thì gọt Út khẽ khàng:
- Khó hiểu quá, Út thấy chưa cần thiết để biết chuyện này, gì mà sanh tử luân hồi, gì mà cái ngã với vô ngã, rồi thăng đọa… mệt mình quá, Út đi nhảy sóng đây!
Cả bọn lập tức hưởng ứng lời Út tung tăng nhảy vào cơn sóng vừa lăn tăn kéo vào bờ.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 0924