Trong bài chia sẻ Phật pháp lần thứ 15, chúng ta sẽ tìm hiểu về
chánh ngữ (正語), tức là lời nói chân chánh. Lời nói tạo ra một trong ba nghiệp của chúng ta, tức là thân nghiệp. Do ba nghiệp thân, khẩu và ý mà tất cả chúng ta phải chịu trôi lăn trong luân hồi. Kiểm soát được lời nói, tu tập để luôn nói lời chân chánh sẽ giúp chúng ta kiểm soát một phần nghiệp lực của chính mình, quyết định tương lai tốt đẹp hướng thiện hay đọa lạc khổ đau.
Khẩu nghiệp thường rơi vào 4 điều xấu ác. Thứ nhất là nói dối, không đúng sự thật. Thứ hai là nói lời độc ác, hung hăng, gây tổn hại người khác. Thứ ba là nói lời đâm thọc, gây chia rẽ, ly gián người khác. Thứ tư là nói lời thêu dệt, hoa mỹ, vô nghĩa… Cả 4 trường hợp này đều tạo ra nghiệp xấu ác, dẫn đến quả báo xấu ác trong đời sau. Ngược lại, lời nói không phạm vào những điều này được gọi là thiện nghiệp, nghiệp lành, dẫn đến những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Do vậy, chánh ngữ hay lời nói chân chánh trước tiên phải là những lời chân thật, không dối trá. Tiếp đến là phải hòa nhã, êm dịu, tránh gây tổn thương. Thứ ba là phải tránh tạo ra sự bất hòa, chia rẽ, nên cố gắng tạo sự gắn kết, cảm thông, hòa giải. Và thứ tư là phải thận trọng chỉ nói ra những lời hữu ích, những lời minh bạch, rõ ràng, đúng nghĩa.
Chúng ta có thể thấy là có quá nhiều điều phải lưu ý về lời nói, bởi những lời nói ra của chúng ta có thể tạo niềm tin hay sự nghi ngờ, có thể tạo môi trường hòa hợp hay thù hận oán hờn, có thể gắn kết hòa giải hay gây chia rẽ bất hòa, có thể mang lại lợi ích thiết thực hay phí thời gian vô ích. Đây đều là do sự lựa chọn tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người chúng ta. Và sự tu dưỡng đó chính là rèn luyện chánh ngữ.
Trong sự tu tập, lời nói rất quan trọng. Xét trong ba nghiệp thân, khẩu và ý thì nghiệp tạo ra từ lời nói là hết sức dễ dàng và rất khó kiểm soát. Đôi khi chúng ta nói ra một lời hoàn toàn không cố ý, nhưng nếu thiếu sự tỉnh giác suy xét thì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến người khác. Hơn thế nữa, tác hại của lời nói đôi khi không thể nhìn thấy ngay tức thời mà phải qua một thời gian nhất định mới gây hậu quả. Những đặc điểm như thế khiến cho việc thận trọng trong từng lời nói trở nên hết sức quan trọng đối với người tu tập. Đây cũng chính là lý do người xưa thường nhắc nhở ta “uốn lưỡi bảy lần”, hàm ý là phải hết sức cẩn trọng trước khi nói ra bất cứ điều gì.
Chánh ngữ còn bao hàm một ý nghĩa cao hơn nữa là nói đúng chánh pháp. Một lời nói đúng chánh pháp có thể mang lại lợi ích lớn lao cho người nghe, cao quý hơn bất kỳ lợi ích thế tục nào. Việc dùng lời nói để chia sẻ, khuyên dạy người khác tu tập đúng chánh pháp cũng chính là Pháp thí, là hình thức bố thí cao quý nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất.
Chánh ngữ cũng còn có nghĩa là biết im lặng khi không cần thiết phải nói ra, hoặc khi không thể nói ra những điều lợi ích chân chánh. Do vậy, biết im lặng đúng lúc và đúng chánh pháp cũng là tu tập chánh ngữ.
Trên phương diện thế tục, người thực hành chánh ngữ chắc chắn sẽ là người luôn được người khác tin cậy, kính trọng, bởi vì người ấy luôn nói ra những lời đúng sự thật và mang lại lợi ích cho người khác, cho cộng đồng. Ngược lại, người không thực hành chánh ngữ sẽ nhanh chóng đánh mất niềm tin nơi người khác, thường xuyên bị nghi ngờ hoặc lời nói bị xem nhẹ. Và những nhược điểm này sẽ làm cho người đó rất khó gặt hái được sự thành công trong giao tiếp cũng như trong công việc.
Còn xét trên phương diện tu tập thì thực hành chánh ngữ cũng có sự hỗ tương quan trọng đối với sự hoàn thiện tâm ý và hành vi của chúng ta. Người thường xuyên nói lời chân thật, êm dịu, nhu hòa thì tâm ý cũng được an ổn, ít cáu giận, không có nhiều mâu thuẫn hay lo lắng, hành vi cũng sẽ tránh được những hung hăng quá khích hoặc gây tổn hại đến người khác. Đây là những tương quan tất yếu giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm. Do vậy, nếu đã có chánh kiến và chánh tư duy, thì việc thực hành chánh ngữ sẽ giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường tu tập.
Tu tập và thực hành chánh ngữ mang lợi lợi ích trước mắt cho cuộc sống của chúng ta trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nhưng quan trọng hơn nữa, đây là một trong tám yếu tố tu tập hợp thành Bát chánh đạo do đức Phật thuyết dạy. Điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta muốn thực hành theo lời Phật dạy thì chắc chắn không có lựa chọn nào khác hơn là tu tập, thực hành đầy đủ các pháp tu trong Bát chánh đạo. Điều này đúng với tất cả mọi tông phái trong đạo Phật, bất kể là ta đang tu tập theo Tịnh độ, Thiền tông hay Mật tông. Bởi vì Bát chánh đạo có thể nói là phần giáo pháp chung nhất và quan trọng nhất đối với mọi tông phái trong đạo Phật.