Ngày đức Phật nhập niết bàn là một ngày quan trọng trong đạo phật. Ngài nhập niết bàn bỏ lại thân xác vật chất, chấm dứt bốn mươi chín năm thuyết pháp, hoàn thành một quá trình vượt thoát sinh tử luân hồi.
Thông thường thì đây là một ngày lễ tưởng niệm riêng vào ngày rằm tháng hai âm lịch, nhưng từ khi các hiệp hội Phật giáo quốc tế thống nhất ba sự kiện trong cuộc đời đức Phật lại thành một lễ tam hợp (vesak) vào rằm tháng tư thì việc tưởng niệm được tổ chức chung trong lễ Vesak. Ngày giờ tháng năm vốn tương đối, lịch pháp nhiều sai biệt, việc tưởng niệm nhằm tưởng nhớ ân sư, thành kính niệm ân đức Phật đấng cha lành của hàng trời người, thiết nghĩ không cần lắm phải chính xác ngày giờ tháng năm.
Với người phương Đông thì ngày mất là ngày quan trọng, luôn luôn ghi nhớ, tưởng niệm, giỗ kỵ… Chết không phải là hết, không phải chấm dứt mà là mở ra một quá trình mới, một đời sống khác, điểm đầu cũng là điểm cuối. Một khi xác thân vật chất chấm dứt sự sống thì thần thức sẽ bị (được) dẫn dắt lôi kéo vào một cảnh giới tương ưng với hành nghiệp (nói, làm, nghĩ) đã làm trong quá khứ gần và xa. Với hầu hết mọi người là vậy, chỉ những bậc thượng thừa, bồ tát hóa thân… với hạnh nguyện đi vào cảnh giới nào đó và thọ thân nào đó để độ sanh thì là nguyện lực chứ không phải nghiệp lực.
Đức Phật nhập niết bàn, xả bỏ thân vật chất, cái thân ngũ uẩn bất tịnh nhưng pháp thân thì thường trụ mười phương, bất sanh bất diệt. Ngài đến thế giới này với nguyện lực chứ không phải vì nghiệp lực, đến để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, đến để mở ra con đường sáng, đến để truyền bá giáo pháp giác ngộ và giải thoát, đến để chỉ bày cho mọi người thấy chơn tướng sủa sự vật sự việc, đến để chỉ dạy phương pháp đi đến bớt khổ, hết khổ và mục đích tối thượng là giải thoát.
Một khi điều cần nói đã nói, việc cần làm đã làm thì ngài ra đi vì chẳng còn lý do gì ở lại. Đức Phật thị hiện cũng sanh ra và lớn lên trong ngũ dục lục trần, cũng trăn trở vì khổ đau, vì sanh tử, rồi ngài tìm đường tu học, rồi thành đạo và cuối cùng chết như một con người, đây là điều chúng ta thấy, hàng phàm phu thấy. Ngài thị hiện cho chúng ta thấy: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành.” Ngài dùng thân giáo để chứng minh “Ai cũng có Phật tánh, ai cũng có thể tu học và giác ngộ”. Ngài thị hiện có sanh tử để mọi người thấy ngài không phải là thần linh, thượng đế mà là một con người bình thường như mọi người, cũng có cha mẹ, vợ con, anh em, có sanh tử, từ trong ngũ dục lục trần… rồi vươn lên, vượt thoát và giải thoát.
Một số tài liệu cho rằng sau khi ăn bát cháo nấm của Thuần Đà, ngài bị kiết lỵ và cuối cùng xả báo thân ở dưới hai hàng cây Ta La. Ngài nhập niết bàn, chữ niết bàn ở đây là ra khỏi khu rừng u minh, tối tăm, ghê rợn, thật sự thì ngài đã ra khỏi từ lâu. Chữ niết bàn, níp ban (Nirvana) hoặc là (Nibbana) tùy theo từng trường phái Phật giáo mà có cách viết, đọc khác nhau và dĩ nhiên ý nghĩa vẫn như nhau. Nói một cách dễ hiểu nhất thì niết bàn là trạng thái chấm dứt mọi tham lam, sân hận và si mê. Niết bàn vừa là một trạng thái tâm lý mà cũng là một cảnh giới. Niết bàn có hữu dư và vô dư (Phật giáo Tiểu thừa hướng về hữu dư niết bàn còn Phật giáo Đại thừa hướng về Vô dư niết bàn), khi đạt niết bàn thì không còn ngũ uẩn nào để tái sanh, nghĩa là chấm dứt luân hồi sanh tử trong ba cõi bốn loài. (Khái niệm niết bàn có từ Ấn Độ giáo nhưng cách giải thích khác với Phật giáo.)
Khi đức Phật nhập niết bàn, mười ngàn thế giới rúng động, muôn loài sầu bi vì sự niết bàn của ngài. Mười ngàn thế giới rung chuyển là cách nói tượng trưng để chỉ cho tâm của hàng trời người rung động. Mười ngàn thế giới rung chuyển cũng lại là một cách nói thật, thật sự chấn động, tuy nhiên phàm phu đãy da mắt thịt vô cùng thô tháo không thể nào thấy, biết hay cảm được được sự kiện lớn lao như thế. May mắn là chúng ta nhờ có dư phước nên được học Phật, đọc kinh sách, gặp được Phật pháp… nên mới biết sự kiện vĩ đại này, tuy nhiên biết là mới ở mặt văn tự chữ nghĩa mà thôi.
Đức Phật nhập niết bàn nhưng lời dạy còn đấy, phương pháp tu học còn đây, kinh sách chất đầy viện, tăng ni và các bậc thiện tri thức vẫn miệt mài hành đạo để tự độ và độ tha. Vậy thì Phật nhập niết bàn chúng ta chỉ xa rời với cái thân vật chất chứ pháp thân vẫn thường trụ mười phương.
Phật nhập niết bàn nhưng trong mỗi người ai cũng có Phật tánh (tánh giác). Mọi người tự thắp đuốc lên mà đi, nương theo pháp mà Phật đã chỉ dạy. Nếu mọi người y giáo phụng hành thì Phật vẫn trong ta, Phật vẫn đồng hành cùng ta. Ngày Phật nhập niết bàn, chúng con đê đầu đảnh lễ bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, cảm niệm ân đức không cùng tận của đấng Năng Nhân Tịch Mặc. Một lần tôn xưng thập hiệu của Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như chư Phật ba đời mười phương:
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật – Thế Tôn.Phật nhập niết bàn xả báo thân
Pháp thân thường trụ vẫn như gần
Hóa hiện ứng thân muôn vạn biến
Tùy người, tùy cảnh, nguyện tùy duyên
Đầu bắc diện tây dưới cội cây
An nhiên từ biệt thế gian này
Việc đã xong rồi ngài nhập diệt
Từ đây non nước tuyệt đường mây
Phật nhập niết bàn buồn lắm thay
Trời, người đau xót luống đêm ngày
Mười ngàn thế giới đầy rung chuyển
Chấn động nhân thiên luyến nhớ thầy
Phật đã xa rồi pháp còn đây
Bao nhiên ân đức những sâu dày
Trí huệ từ bi bình đẳng giáo
Rộng đường giải thoát vượt trần lao
Tiểu Lục Thần PhongẤt Lăng thành, 0324