Điều tiên quyết giúp phát triển một dân tộc, một quốc gia hay một cá nhân hóa ra không phải tài năng hay sự giàu có, mà chỉ đơn giản là lòng tự trọng.
Nhiều lần tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển khơi, tài nguyên hầu không có gì, đất đai hoa màu khan hiếm, chịu đựng đủ mọi thiên tai và hậu quả chiến tranh nặng nề, mật độ dân số gần đông nhất thế giới, cũng chẳng phải thông minh hơn các dân tộc khác, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn lại vươn lên vị trí cường quốc với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới? Nhưng chỉ sau vài ngày trên nước Nhật, tôi đã tự trả lời được câu hỏi này. Và cảm quan của tôi về người Nhật chỉ khoanh lại ở cụm từ duy nhất: Một dân tộc đáng kính trọng.
Điều tiên quyết giúp phát triển một dân tộc, một quốc gia hay một cá nhân hóa ra không phải tài năng hay sự giàu có, mà chỉ đơn giản là lòng tự trọng.Có lòng tự trọng, con người sẽ không tham lam (đồng nghĩa với không tham nhũng, không tranh giành, không ăn chặn của người nghèo, không trộm cắp, lừa đảo, hôi của, không thèm muốn của cải của người khác); không dựa dẫm, ỷ lại, lười biếng mà chăm chỉ, tự lực tự cường; không đố kỵ, đua đòi, không mưu mô hãm hại người hơn mình mà sẽ bao dung và trân trọng hơn những gì mình đang có; không chấp nhận dốt nát mà luôn trau dồi kỹ năng và tăng cường sáng tạo; không đổ lỗi khi mắc lỗi mà biết tự kiểm điểm bản thân; không đặt cái tôi lên trên cộng đồng; không sĩ diện hão hoặc hoang tưởng rồi cố gắng ngồi “nhầm chỗ” của người khác, người thợ làm tốt nhiệm vụ của người thợ, người thầy hoàn tất trách nhiệm của người thầy.
Có lòng tự trọng, con người sẽ tự giác, có ý thức kỷ luật, vì lòng tự trọng khiến người ta cảm thấy xấu hổ với bản thân trước khi lo xấu hổ với người khác. Lòng tự trọng chi phối mọi khía cạnh trong tính cách một con người, một dân tộc. Một dân tộc bao gồm những người tự trọng đồng nghĩa dân tộc đó chỉ có tiến mà không có lùi.
Lòng tự trọng của người Nhật đã tồn tại như một truyền thống, kể từ khi các samurai tự mổ bụng lúc thất thủ để tránh rơi vào tay quân thù và bị làm nhục. Đây cũng là cách để võ sĩ đạo bảo vệ danh dự. Đến giờ này tinh thần trọng danh dự của samurai vẫn tồn tại trong xã hội Nhật Bản khiến cả thế giới không ngừng ngạc nhiên. Người Nhật giàu lòng tự trọng và chính khía cạnh này đã chi phối mọi hành động của họ, trước hết là về ý thức tự giác.
Tokyo đông dân, nên việc có mặt ở các bến tàu điện ngầm vào giờ cao điểm thật khủng khiếp, cảm giác như bạn sẽ lạc lối trong cái đám đông này rồi bị nó nghiền nát. Nhưng không, tất cả đều trong kỷ luật, bạn cứ theo biển chỉ dẫn mà làm và mọi người đều tuân thủ trật tự như một đàn kiến. Những dòng xe cộ cũng giống như một đàn kiến khổng lồ, không ai có ý định làm khác đi trật tự mà tập thể đã đề ra. Sự tuân thủ này nhìn thấy ngay ở mỗi người Nhật khi còn nhỏ. Đấy là hôm đến Hakone, tôi đã chứng kiến một hình ảnh lạ mắt.
Vào mỗi sáng sớm thường có nhiều nhóm học sinh đi hàng một trên vỉa hè. Mỗi nhóm khoảng 5-6 nhóc, cậu đi đầu lớn nhất, độ lớp 7, cậu thứ hai nhỏ hơn, cậu thứ ba nhỏ hơn nữa và em bé sau cùng áng chừng lớp 1. Như một hàng những con Matreshka bằng gỗ vậy. Là ở Nhật Bản, bố mẹ không đưa con đến trường, trẻ em sẽ phải tự đi xe buýt hoặc đi bộ dù còn lớp 1. Gia đình và nhà trường sẽ phân các nhóm theo từng tổ dân phố.
Những cậu bé học cùng mà ở gần nhà sẽ tự đưa nhau đến trường. Em lớn nhất làm trưởng nhóm, dẫn đầu đoàn và chịu trách nhiệm đưa các em đi đến nơi về đến chốn an toàn, cho đến khi nào chuyển sang trường cấp cao hơn thì lại “nhường ngôi” cho em thứ hai.
Thoạt nhìn tôi đã nghĩ bụng “Mình chẳng dại như thế, sao lại dám giao con cho một ông nhóc tì dẫn đến trường. Cái tuổi còn đang mải chơi, làm sao chúng có thể đảm nhận trông nom những đứa trẻ khác”. Nhưng sau lại nghĩ: mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Có thể đây là một truyền thống của người Nhật. Khi một đứa trẻ được giao vai trò “dẫn đầu”, nó sẽ phải “tuyên thệ” với bố mẹ mình, bố mẹ của tất cả các em bé khác và cả thầy giáo nữa. Nó cảm nhận được rằng nó đang nhận một trọng trách vô cùng to lớn: đảm bảo sự an toàn và kỷ luật cho nhóm của mình. Nó đã được giao phó trách nhiệm và rèn giũa lòng tự trọng, tính kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ.
Như vậy, tất cả trẻ con Nhật Bản đều lần lượt được lãnh nhiệm vụ “lãnh đạo” và vai trò “đi đầu” từ tuổi đến trường. Bảo sao khi trở thành người lớn, họ lại không trách nhiệm và kỷ luật cho được. Những trẻ bé hơn cũng luôn được giáo dục về việc phải đi theo “người dẫn đầu”, không được tách hàng và vô kỷ luật. Cái tôn ti trật tự trong một nhóm nhỏ xíu này cứ thế tiếp diễn cho đến khi trẻ trưởng thành. Nhìn hàng Matreshka từ cao đến thấp di chuyển trên đường vừa đáng yêu vừa đáng nể.
Ở Việt Nam bây giờ bán rất nhiều sách dạy con kiểu Nhật. Tôi chưa đọc bao giờ, nhưng khi đến Nhật mới biết tại sao lại thế. Lúc ở khu vực đền Minh Trị, tôi bắt gặp nhiều cảnh lạ lùng đối với một người được thấm đẫm nền giáo dục gia đình theo phong cách Việt Nam. Một em bé năm tuổi vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết nhưng bố mẹ đi bên cạnh vẫn điềm nhiên nói chuyện với nhau như thể tiếng khóc của đứa con rứt ruột đẻ ra chẳng tác động gì tới họ, như thể họ đã bị khiếm thính.
Đó là một cách giáo dục kiểu Nhật, không chạy theo lối ăn vạ của trẻ con. Họ nghĩ rằng trẻ lấy khóc hờn để đạt mục đích là chuyện bình thường, nếu cứ chạy theo trẻ thì vô hình trung sẽ khiến chúng trở nên yếu mềm, ỷ lại và vô trách nhiệm, vô kỷ luật, rồi lần sau chúng lại tiếp tục trò “tống tiền cảm xúc”.
Một em bé Nhật bị ngã trong công viên và người mẹ đứng từ xa khuyến khích con tự đứng lên, không đến đỡ dậy. Sau khoảng 10 phút khóc nhè, đứa bé đã tự đứng lên!
Vài phút sau tôi lại nhìn thấy một đứa trẻ ăn vạ khác. Nó chỉ chừng ba tuổi và đang nằm úp sấp trên nền đá dăm, cách gì cũng không chịu đứng lên. Bà mẹ trẻ không đỡ con dậy mà chỉ đứng đằng xa chờ đợi, tay giơ cao con gấu nhồi bông để khuyến khích con đứng dậy. Đứa trẻ thi gan, cứ nằm vạ như thế. Cánh tay nó trắng ngần cạ vào nền đá dăm nhọn, và cái đầu trần phơi ra giữa trưa nắng gắt. Ngay cả khách phương Tây đi qua cũng lấy đó làm lạ lùng, xót xa. Nhiều người ngoại quốc đã đứng lại chụp ảnh. Còn người Nhật thì cho đấy là chuyện bình thường, không thèm để mắt.
Mười phút trôi qua, bà mẹ vẫn “sắt đá” không gì lay chuyển nổi, nhất quyết không đỡ con dậy, trong khi bản thân mình cũng kiên nhẫn đứng nắng để chờ con. Được giáo dục từ bé như vậy, hỏi sao sau bao nhiêu thảm họa, người dân Nhật vẫn bình tĩnh, đoàn kết, không hoảng loạn, không hỗn loạn, không phàn nàn, kêu than, vẫn kiên nhẫn xếp hàng một cách trật tự chờ đến lượt lên xe buýt trong khi đó là phương tiện công cộng duy nhất còn hoạt động, kiên nhẫn xếp hàng gọi điện thoại công cộng khi mọi đường dây liên lạc khác bị cắt đứt hoàn toàn. Dù thực phẩm sau thiên tai trở nên khan hiếm, họ cũng không đục nước béo cò mà trục lợi. Họ không ăn cắp, ăn trộm, càng không bao giờ “hôi của”.
Chính vì thế mà trong suốt mấy thập niên, tỷ lệ tội phạm của Nhật Bản luôn xếp vị trí thấp nhất thế giới, dù mật độ dân đông và gần như đã được đô thị hóa hoàn toàn. Đến nỗi cảnh sát Nhật thường ngày không có việc gì để làm, nên toàn đi săn đuổi những vụ trộm quần đùi trên dây phơi hoặc tổ chức giăng bẫy với một chiếc xe hơi không khóa và một thùng bia trên xe. Suốt cả tuần trời chẳng ai buồn đụng đến chiếc xe và thùng bia, mãi đến ngày thứ bảy mới có một ông trung niên “nổi lòng tham” bê thùng bia về liền bị cả nhóm cảnh sát nhảy ra tóm gọn.
Tất cả là do lòng tự trọng chi phối, hay đúng hơn, cách giáo dục về lòng tự trọng đã ngấm vào máu người Nhật từ lúc mới nhận thức được sự vật xung quanh. Để rồi thời của các samurai đã qua nhưng tinh thần võ sĩ đạo vẫn nằm trong tiềm thức người Nhật. Và chính sức mạnh con người Nhật Bản còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần công nghệ Nhật Bản.
Ở Nhật Bản có lẽ không tồn tại ăn xin. Hôm đi mua sắm ở phố Ginza, tôi chỉ bắt gặp một người không rõ có thể được gọi là vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ, chân đi giày trắng bóc như vừa lấy ra từ cửa hiệu, tay cầm chuông, tay cầm bát gỗ, đầu đội nón che khuất hết cả khuôn mặt, rồi cứ đứng im như tượng trên vỉa hè, ai cho thì cho, không xin.
Ở một ga tàu khác tôi cũng bắt gặp một người đàn ông tương tự, trang phục còn có phần giống tướng quân, nón cũng sùm sụp che kín mặt, cũng “tùy tâm”, không xin. Đến người hành khất ở Nhật Bản mà cũng tự trọng đến thế sao? Đi khắp Tokyo tôi chỉ thấy có mỗi hai bác hành khất ấy, ăn mặc thì sang trọng như võ sĩ đạo, đầu đội nón để dân tình đỡ nhìn thấy mặt thì khỏi xấu hổ.
Độ lịch sự và nhường nhịn của người Nhật có lẽ cũng… nhất thế giới. Tôi đã đi nhiều nơi, thấy khổ nhất là lúc chụp ảnh ở các khu du lịch. Người thì đông như nêm cối trong khi mình lại luôn muốn chụp ảnh ở cái nơi nhiều người qua lại nhất. Chỗ đẹp thì người đông. Mình ngáng đường người ta, mình sai, nên đành phải theo “cách khổ” là “người mẫu” thì cứ nhe răng cười sẵn suốt 5 phút, “nhiếp ảnh gia” giương máy mỏi tay lấy trước khẩu độ, chờ lúc nào vãn người được một giây thì tranh thủ khoảnh khắc quý báu ấy mà bấm cái tạch. Vậy mà cũng phải vài ba cái tạch mới thành công, vì thể nào cũng có một vài “người đàn bà xa lạ” ló đầu vào khuôn hình.
Nhưng ở Nhật thì không thế.
Trên thung lũng Owakudani, rất nhiều người Nhật kiên nhẫn đứng chờ tôi chụp ảnh cho xong rồi mới đi qua. Thấy cả chục người phải đứng tụm lại chờ mình cười làm duyên đâm ngại quá, tôi ra hiệu cho họ cứ đi qua, họ lại ra hiệu cứ yên tâm mà chụp đi, tôi chờ được, rồi cười tươi rói như thể các bạn chụp ảnh ở đất nước mặt trời mọc là niềm vinh dự của chúng tôi. Một đứa trẻ Nhật Bản đang tuổi hiếu động cũng hành động theo cách như vậy. Lỡ trớn đi qua mà nhận ra mình đang cản trở ống kính là cậu nhóc lùi ngay lại rồi lập tức mỉm cười vẻ hối lỗi, trong khi chúng tôi mới là người có lỗi vì đứng chụp ảnh ngay lối ngược xuôi.
Người Nhật lịch sự làm vậy, nên bạn bước vào bất cứ nhà hàng Nhật nào trên trái đất này đều có thể thấy những người phục vụ đứng chờ sẵn ở cửa để mỉm cười và đồng thanh chào một cách nhẫn nại “Ohayo Gozaimasu” hoặc “Konichiwa”. Họ sẽ khiến bạn phát ngại lên vì ăn có một bữa mà được đối xử như ông hoàng, bà chúa.
Lòng tự trọng cũng chuyển hóa thành sự chăm chỉ một cách tự giác, đến nỗi 8 giờ tối thứ Sáu đi trên những cây cầu vượt, tôi vẫn còn thấy các tòa cao ốc gắn kính shopfront sáng trưng đèn. Nhìn qua các ô cửa không kéo rèm, giống như những tổ ong, ô bên này một nhóm đang thảo luận về thứ gì đó trải trên mặt bàn, ô bên kia chỉ còn một người duy nhất mải mê bên máy vi tính, ô khác có hai người, mỗi người lại cặm cụi làm việc của mình.
Đây là thời khắc mà cả thế giới đã nghỉ ngơi, đã giải trí và dạo bước bên người yêu, nhưng người Nhật hẵng còn tham công tiếc việc. Mười giờ đêm, lúc tôi loanh quanh ngoài cổng khách sạn để đi tìm một siêu thị còn mở cửa thì bắt gặp hai người đàn ông ăn mặc kiểu công chức xách cặp táp chậm rãi bước trên lề đường, giống như họ vừa rời một bến tàu điện ngầm nào đó, giờ mới được về nhà ăn bữa tối. Phải chăng cũng vì sự chăm chỉ có truyền thống ấy mà nhiều công dân đã ở ngưỡng 80 tuổi rồi vẫn còn đi làm. Hoặc lòng tự trọng đã khiến họ không muốn nhờ cậy vào con cái chăng?
Số lượng người Nhật thích đọc và đọc báo, theo thống kê, cũng nhiều nhất thế giới. Có lẽ lòng tự trọng đã khiến họ ham đọc, ham hiểu biết để không phải thua kém người khác. Tờ Yomiuri Shimbun vì thế đã trở thành nhật báo có mức phát hành lớn nhất thế giới với gần 15 triệu bản in.
Người Nhật làm việc gì cũng đáng trọng, ngay cả sự nghiêm túc đọc báo của họ cũng thực đáng nể hơn nhiều dân tộc khác.