Cũng đànhdâu bể với thời gian...Vâng, có lẽ không ai trong chúng ta hài lòng với tất cả những gì mà thời gian mang đến hoặc cuốn đi. Tự thuở hồng hoang, điều này đã luôn tạo ra mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn con người. Tất thảy những gì ta yêu quý, trân trọng, ôm giữ... như tình yêu, tình bạn, hạnh phúc, niềm vui... tất cả đều lặng lẽ ra đi không trở lại trong dòng thời gian khắc nghiệt. Và biết bao điều ta ưu tư, lo lắng, khiếp sợ... như sự cô đơn, bệnh tật, tuổi già... tất cả lại cứ lừng lững theo thời gian tiến đến, đối mặt với ta, ôm siết lấy ta và quật ngã chúng ta một cách không thương tiếc.
Các nhà thơ của chúng ta với quyền năng thiên biến vạn hóa trong ngôn từ cũng không thể làm gì khác hơn để chống lại thời gian. Với tài năng của mình, các nhà thơ đã từng biến hóa để chỉ ra được màu thời gian, để ngửi được hương thời gian, để đo đếm suy lường những quãng thời gian hàng thiên niên kỷ hay rất ngắn chỉ trong một sát-na, nhưng rốt lại cũng chẳng thể làm gì để thay đổi những thực trạng mà thời gian mang đến...
Chẳng thế mà Vũ Đình Liên từng than thở:
Những người muôn năm cũ,Hồn ở đâu bây giờ?(Ông Đồ - Vũ Đình Liên)
Và Hàn Mặc Tử thì van lơn:
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé,Xin đừng luân chuyển để thời gianChậm đi, cho kẻ tôi yêu dấuVẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.(Thời gian - Hàn Mặc Tử)
Trong khi đó, Trần Trung Đạo tỏ ra “sòng phẳng” hơn khi đề nghị một cuộc trao đổi:
Ví mà tôi đổi thời gian được,Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.(Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười - Trần Trung Đạo)
Mỗi người một phương cách, một thái độ, nhưng nói chung không ai vượt ra khỏi được cái vòng kim cô muôn thuở của thời gian, hay nói chính xác hơn là định luật vô thường mà đức Phật đã chỉ ra từ cách đây hơn 25 thế kỷ.
Và đã là một định luật thì không thể nào đi ngược lại. Do vậy, nhà thơ Tùy Anh đã chọn cho mình cách nhìn thời gian trôi đi với một thái độ thật trầm tĩnh đến thản nhiên:
Xuân vẫn thế, đến rồi đi lặng lẽĐời vẫn trôi trong muôn kiếp phiêu linh.(Thôi cũng đành dâu bể với thời gian - Tùy Anh)
Trong sự trầm tĩnh an nhiên đó, nhà thơ nhận ra được dòng chảy sinh mệnh của muôn loài thật ra vốn chưa từng dứt mất, không chỉ là với hết thảy những chúng sinh hữu tình mà cho đến cỏ cây hoa lá cũng hòa đồng trong cuộc hóa sinh tồn lưu bất diệt:
Thảo mộc vươn lên từ vô thỉ,Hồn trong hoa lá cũng vô chung.(Thổi hồn vào lá thu vàng)
Đi qua chặng đường dài hơn ba phần tư thế kỷ của cuộc nhân sinh với sự nhận hiểu và tin tưởng vào lời Phật dạy, nhà thơ đã xác lập một cái nhìn đúng thật về cuộc đời:
Chập chờn trong cuộc phù sinhThấy tâm hư huyễn, thấy tình hư vô!(Lòng trần)
Tâm hư huyễn nên cảnh đời hư huyễn, khiến chúng sinh trôi lăn bất tận giữa dòng xoáy của muôn đời sinh tử, tử sinh. Thảm thương thay cho người đi tìm hạnh phúc chân thật bằng cái “tình hư vô” vốn chỉ là những bọt nước lao xao trên sóng nước, tuy nhìn thấy như thiên hình vạn trạng mà bản chất thật sự cũng chỉ là rỗng không vô thể.
Nhưng hạnh phúc chân thật của chúng sinh cũng không thể nằm ngoài cái tâm hư huyễn đó, mà chỉ có thể đạt đến khi chính tâm ấy không còn hư huyễn nữa, nghĩa là đã thấy ra được lẽ thật của cuộc tồn sinh. Đó là khi mà trong tâm ngoài cảnh đều lắng yên trong thực tại như nhiên với trí Bát-nhã chiếu soi và chân lý Hoa Nghiêm hiển lộ. Khi ấy thì từ một viên sỏi nhỏ cho đến tiếng chim kêu, không có gì mà không phải chân tâm tự tánh:
Tiếng chim ngoài thảo dãđượm âm hưởng Hoa Nghiêm,thơm mùi hương Bát Nhãlòng chợt ngộ tùy duyên.(Lắng tiếng chim buổi sáng)
Nhưng trong thực tế, từ nơi “chợt ngộ” đến bến bờ giải thoát vẫn còn là một chặng đường dài phải vượt qua. Chỉ có sự khác biệt là khi ấy người Phật tử không còn phải chịu khổ đau giằn vật quá nhiều bởi những sự việc bất như ý, cũng như không bị xô đẩy trôi giạt bởi quá nhiều tham muốn hay mê đắm.
Vì thế, cho đến hôm nay thì nhà thơ của chúng ta đã an nhiên vượt qua hơn nửa thế kỷ đầy biến động của đất nước, của dân tộc Việt và của chính bản thân mình. Trên chặng đường ấy, anh cũng đã từng buồn vui cười khóc với tình tự dân tộc, với sự thương yêu dành cho những người thân, với sự tin cậy sẻ chia cùng bạn bè thân hữu, và với biết bao tình cảm sâu xa thân thiết nhất mà một con người có thể dành cho một con người. Chúng ta đã đọc thấy tất cả những điều đó trong tập thơ này, như tiếng lòng của anh gửi gắm qua từng trang thơ, từng vần điệu...
Khi tiếng nói của tự do không còn tồn tại trên quê hương của nghìn năm văn hiến, anh đau đớn rời xa đất nước nhưng vẫn đau đáu một nỗi lòng vọng cố hương:
Một mình tỉnh giữa đêm thâuHồn quê thêm một nỗi đau nghìn trùng...(Mai rồi đời cũng sẽ vui)
Nhưng rồi anh ngỡ ngàng nhận ra một thực trạng phủ phàng trên quê hương hiện tại:
Tổ quốc ơi, bốn ngàn năm văn hiếnCòn lại gì ngoài dân tộc tả tơi!Dân lưu vong theo vận nước nổi trôi...(Nghĩ về quê hương)
Và trong nỗi niềm thương nhớ quê hương, trong anh còn chất chồng thêm một bóng hình thân thương khác, hình bóng mẹ già tựa cửa ngóng tin con:
Hai mấy năm con không về với mẹTháng ngày dài chồng chất nỗi nhớ thươngMẹ ơi mẹ, đã một lần hưng phếMà riêng con vẫn lưu lạc tha phương!(Mẹ mất rồi, đời mất cả niềm vui)
Do vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy Quê hương và Mẹ là hai chủ đề nối tiếp nhau được anh trang trọng đặt ở đầu tập thơ này. Thế nhưng, ranh giới giữa các phạm trù trong thơ anh cũng khá mong manh, hay nói đúng ra là chúng đã phần nào hòa quyện vào nhau, như những bản năng, tình cảm và phẩm tính thanh cao của sự tu tập đều đã hài hòa trong con người thật của anh. Bởi vậy, ta dễ dàng thấy được bóng dáng tình yêu trong thơ anh cũng không xa rời nhận thức về đạo pháp;
cảm ơn em,sắc không huyền nhiệmmà nguồn xưa còn biền biệt trùng khơihạt khổ đauvẫn khơi mầm vọng niệmnên nhân duyên mãi quấn quít với đời!(Cảm ơn em, mùa xuân)
Và tất nhiên là cũng hòa quyện trong nỗi nhớ quê hương:
Em có nghe sóng vỗ mạn thuyền nỗi buồn bất biếnThì thao thức của người đi cũng đòi đoạn từng cơn!(Lần nữa cảm ơn em)
Để cuối cùng vẫn là quay về với cái nhìn tịch tĩnh như nhiên, lặng lẽ nhìn vạn hữu xoay vần trong sinh diệt mà không còn nặng trĩu những ưu tư:
Hoa vẫn nở giữa đất trời tịch lặngVẫn vô tư khoe nghìn tía muôn hồng.Hương vẫn ngát giữa đêm dài quạnh vắngMặc thời gian lãng đãng tựa sắc không.(Thôi cũng đành dâu bể với thời gian)
Những gì nhà thơ Tùy Anh gửi gắm trong tuyển tập thơ này như đã vẽ ra trong tâm tưởng người đọc những chặng đường phiêu linh trôi giạt mà anh từng trải qua. Bao nhiêu tâm tình từ lúc lìa xa quê hương cho đến ngày tuổi đã xế chiều, những cung bậc cảm xúc ấy anh đều thể hiện qua từng vần điệu. Từ những xót xa thương cảm về một vùng quê bao năm không về lại chỉ còn trong ký ức, cho đến những thao thức khôn nguôi về một cuộc luân hồi vô thủy vô chung mà phận người chỉ như con sóng thoắt hiện rồi mất đi trên mặt biển mênh mông... Tất cả đều hiện ra trong thơ anh qua những câu chữ đơn sơ mà hàm súc, không trau chuốt cầu kỳ nhưng dễ làm rung động lòng người...
Và tuyệt vời thay, bao nhiêu cung bậc vui buồn thương ghét, cuối cùng rồi cũng chỉ là:
Mai rồi về cõi hoang sơLòng trần cũng trắng như tờ kinh thư...(Lòng Trần)
Tôi và anh cách nhau xa xôi lắm, hẳn phải vượt qua năm sáu ngàn dặm đường để gặp được nhau. Nhưng sao tôi vẫn thấy rất gần anh qua những lời thơ thấm đẫm ân tình và đạo vị.
Quế Minh Đường (Westminster) vào mùa Vu Lan năm Quý Mão (2023)
Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến