Điều thứ mười trong Mười Đại Nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát là Phổ Giai Hồi Hướng. Chữ “phổ” ở đây có nghĩa là phổ biến rộng lớn. Phật pháp không nói tới số lượng mà chỉ nói tâm lượng. Phật pháp thường dùng số lượng để làm tỷ dụ, chớ chẳng phải là con số thật. Tâm lượng mở rộng bao dung ví như hư không, thì công đức mới là công đức viên mãn. Sau khi niệm Phật đắc Lý Nhất tâm, bèn dùng Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền mở rộng tâm lượng bao trọn khắp thái hư, suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, thì đó gọi là “phổ”.
Mười Nguyện Hoa Nghiêm của Phổ Hiền Đại sĩ là điều kiện để vãng sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Mỗi điều trong Mười Nguyện này đều là trí hạnh rộng lớn của Bồ-tát, chẳng dễ gieo, chẳng dễ tu, vì nó đòi hỏi phải thành tựu pháp Nhất tâm tam-muội của Văn Thù Sự Lợi Bồ-tát mới có thể tu học Mười Nguyện Hoa Nghiêm của Phổ Hiền Đại sĩ. Hiện thời, chúng ta vẫn chưa tu nổi pháp Nhất tâm của Ngài Văn Thù, thì làm sao có thể tu mười thứ tâm của Ngài Phổ Hiền đây? Thật thà mà nói dù phàm phu chúng ta có trải qua vô lượng kiếp tu các pháp môn khác cũng chẳng có cách chi đạt được Nhất tâm theo tiêu chuẩn của Văn Thù, thì nói chi đến việc hành đạo Phổ Hiền. Thế mà kinh Vô Lượng Thọ lại bảo: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác”. Nghĩa ấy là sao?
Câu “vượt hạnh Phổ Hiền” ở đây không có nghĩa là vứt bỏ hạnh Phổ Hiền, mà chính là dùng công đức trì danh hiệu A Di Đà Phật để thành tựu hạnh Phổ Hiền. Khi nào mới có thể thành tựu hạnh Phổ Hiền? Sau khi vãng sanh Cực Lạc, thấy Phật A Di Đà, nghe Phật giảng pháp, đắc Vô sanh Pháp nhẫn, đạt tới cảnh giới Nhất tâm Bất loạn rồi, thì khi ấy mới có thể thành tựu hạnh Phổ Hiền, chứng Phật Pháp thân. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ mới ghi: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác”. Như vậy, niệm Phật vãng sanh há chẳng phải là pháp tu nhiều thiện căn, lắm phước đức hay chăng? Chẳng cần nói quanh co, chỉ nói một câu thẳng thừng: Tu hành đơn giản, dễ dàng, không gặp các nỗi rắc rối, mà lại có thể thẳng chóng thành tựu sâu xa, thu hoạch rộng lớn, thì đó mới đáng gọi là pháp môn thù thắng bậc nhất, chẳng có pháp môn nào khác sánh bằng!
Kinh Vô Lượng Thọ gọi pháp môn Trì Danh Hiệu Phật cầu vãng sanh Cực Lạc là pháp kỳ đặc, là đạo tối thắng. Bởi do pháp này chẳng thể nêu, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, cũng chẳng thể đặt tên nổi, nên Tôn giả A Nan đành miễn cưỡng gọi là pháp kỳ đặc, tức là pháp vừa kỳ lạ, lại vừa đặc biệt. Trong pháp kỳ đặc này, ngay lúc mình đang niệm Phật, thì tâm mình là Phật, tâm mình làm Phật, nhân và quả đồng thời hiễn hiện, mau chóng được vô thượng giải thoát, thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lại nữa, trước khi khai diễn diệu pháp này, Đức Thích Tôn phải trụ nơi chỗ Phật A Di Ðà trụ, nguyện điều của Phật Di Đà nguyện, hành hạnh của Phật Di Ðà hành, niệm điều mà Phật Di Ðà niệm, nên Ngài A Nan bảo: “Chỗ chư Phật trú là đạo tối thắng”. Nói tóm lại, Đức Bổn Sư diễn thuyết kinh này, chính là Ngài đang trụ vào hạnh của đại đạo sư A Di Ðà Phật, nhằm dẵn dắt chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, sau khi hành nhân vãng sanh ắt sẽ chứng Niết-bàn, nên Ngài A Nan bảo Niệm Phật là đạo tối thắng, là vô thượng thượng đạo. Do vậy, những ai trụ trong kinh này và vì người khác diễn nói cũng chính là đang trụ vào trong hạnh của đạo sư A Di Ðà Phật, tức là trụ trong điều mà tất cả tam thế chư Phật đều thường hằng nghĩ nhớ. Điều đó chính là hóa độ chúng sanh!
Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta cũng thấy Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát chính là pháp được tu học bởi các vị Pháp thân Đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị trong hội Hoa Nghiêm. Chư đại Bồ-tát dùng công đức tu hành ấy để vãng sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm độ. Các vị Bồ-tát trong thế giới Tây Phương từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm, chẳng có vị nào không tu Mười Nguyện Phổ Hiền. Trí hạnh rộng lớn trong Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương chẳng dễ gieo trồng, vun bồi, cũng chẳng dễ gì tu học. Nay chúng ta có được phương pháp kỳ diệu nhất trong Đại kinh Vô Lượng Thọ, chỉ cần thành tựu Tịnh nghiệp trong công đức trì danh hiệu Phật, vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, bèn hoàn thành trọn vẹn Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương đến mức viên mãn, thì đấy quả thật là một sự kỳ diệu lạ lùng, không thể nào dùng trí giải của phàm phu mà thấu hiểu được. Cho nên, Đức Phật mới bảo: “Biển trí huệ Như Lai sâu rộng, chỉ Phật cùng Phật mới hay biết. Thanh văn ức kiếp suy Phật trí, đem hết thần lực chẳng thể lường”.
Tóm lại, chữ Phổ Giai Hồi Hướng tuy có ý nghĩa hồi hướng vô cùng rộng lớn, không có ngằn mé, không có giới hạn, nhưng cũng chẳng nằm ngoài một câu A Di Đà Phật mà có thể thành tựu đại nguyện này. Vì thế, Đức Phật mới bảo: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.” Như vậy, chúng ta cũng nên hiểu chữ Phổ Giai Hồi Hướng ở đây còn có nghĩa là hồi hướng tất cả công đức để viên mãn Phật quả. Chỉ khi nào Phật quả của chính mình đã viên thành, mới có thể phổ độ trọn khắp chúng sanh trong chín pháp giới. Thế nhưng, trước khi đạt được Phật quả cứu cánh, chúng ta phải hồi hướng tất cả công đức đã làm để trang nghiêm cõi Di Đà Tịnh độ. Vì sao phải làm vậy? Vì chỉ có ở nơi đó mới có thể thật sự thực hiện được điều Phổ Giai Hồi Hướng đến trọn khắp chúng sanh, chỉ có ở cõi đó mới thể ban cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới ba thứ chân thật, đó là chân thật lợi, chân thật huệ và chân thật tế. Hiện nay chúng ta niệm Phật, rồi lấy công đức ấy hồi hướng trang nghiêm cõi Tịnh độ của A Di Đà Phật, chính là góp phần công đức với A Di Đà Phật và chư Bồ-tát trong cõi ấy phổ độ chúng sanh, ban bố cho chúng sanh ba thứ lợi ích chân thật như trên đã nói. Do đó, niệm Phật hồi hướng trang nghiêm Phật Tịnh độ chính là pháp Phổ Giai Hồi Hướng của Phổ Hiền Đại sĩ vậy!