Trong hết thảy thiện niệm, vô niệm là thiện niệm bậc nhất. Vì sao? Hễ vô niệm thì tâm chẳng loạn, tương ứng với giác-chánh-tịnh, thoát ta khỏi tam đồ ác nạn. Hễ tâm có ý niệm, liền có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng và phiền não, tương ứng với mê-tà-nhiễm, mà bị luân hồi chao đảo. Thế nhưng, do bởi phàm phu chúng ta đã quen thối khởi tâm động niệm từ vô thủy kiếp đến nay, nên chẳng dễ dàng gì đạt được vô niệm. Nếu chẳng thể vô niệm thì phải làm sao? Phải tu pháp nào để được vô niệm? Đại kinh Vô Lượng Thọ dạy ra một phương pháp chân chánh nhất, xảo diệu nhất; đó là đọc kinh, nhớ kinh, hiểu nghĩa chân thật trong kinh và y giáo phụng hành. Trong pháp môn Tịnh độ, y giáo phụng hành là tuân theo lời giáo huấn trong kinh Vô Lượng Thọ, nhiếp thủ sáu căn vào một câu Phật hiệu không gián đoạn cho đến khi đạt được vô niệm. Mỗi khi trong tâm khởi lên vọng niệm, liền niệm kinh hoặc niệm Phật, thì vọng niệm đều chẳng còn nữa. Vì sao? Vì niệm kinh, niệm Phật là thiện niệm bậc nhất, thay thế tất cả vọng niệm bằng thiện niệm này, thì loạn tâm cũng phải trở thành Phật tâm. Niệm kinh đến mức thuộc làu làu, nên trong cuộc sống hằng ngày lúc nào cũng có thể nghĩ nhớ đến lời Phật dạy, thì đấy là thiện niệm, chớ chẳng phải là vọng niệm. Niệm Phật với tâm này là Phật, tâm này làm Phật là thiện niệm bậc nhất, vì chẳng có thiện tâm nào có thể sánh nổi Phật tâm.
Trong kinh Phật có nói: “quán kinh ước lệnh”, dịch nghĩa là: Ghi nhớ những điều ước thúc, những điều ngăn cấm trong kinh đến mức thuộc làu làu, chẳng quên mất một chữ nào hết. Quán kinh có ý nghĩa sâu hơn đọc kinh, bởi do trong pháp quán kinh có đầy đủ các công phu như Quán chiếu, Chiếu trụ, và Chiếu kiến, nên quán kinh có thể khắc sâu ấn tượng hơn là đọc kinh. Nếu chẳng có công phu quán chiếu thì chẳng thể chẳng khởi tác dụng những gì nghe được từ kinh. Một khi quán chiếu kinh đến mức thấu hiểu sâu xa, tâm tâm luôn an trụ trong chân thật nghĩa của Như Lai, bèn kiến tánh, thì đấy gọi là Chiếu kiến. Chiếu kiến chính là minh tâm kiến tánh và cũng chính là nhất tâm bất loạn. Công phu Quán chiếu là như thế? Kinh này dạy: “Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ” là hình ảnh biểu tượng cho công phu Quán chiếu. Lúc đọc kinh, khởi lên ý niệm đối chiếu lời Phật dạy trong kinh như thế nào, liền phản tỉnh lỗi lầm, thấy mỗi lúc mình khởi tâm động niệm đều vi phạm những điều Phật ngăn cấm, ngay lập tức sửa đổi chính mình, ngừng dứt vọng niệm. Thời thời khắc khắc đều ghi nhớ lời giáo huấn của Phật trong lòng, chẳng dám vi phạm, thì đó gọi là Quán kinh. Quán chiếu chính mình, thấy rõ hết thảy các lỗi lầm đã phạm, nguyên nhân gây ra lỗi lầm ấy và hậu quả của nó, thì đó là chân thật trí huệ. Pháp Quán chiếu thật sự đơn giản như vậy đó, chẳng có gì u huyền, khó hiểu, khó tu cả!
Chữ “lún sâu bốn lóng” mang ý nghĩa chỉ phạm một tí lỗi lầm, chớ chẳng phải phạm lỗi cực nặng. Lúc quán chiếu chính mình thấy được một tí lỗi lầm nào đó, liền phản tỉnh, lập tức chỉnh sửa nó ngay để cho tâm thái trở lại thanh tịnh bình đẳng như cũ, thì gọi là Quán chiếu. Khi tâm thái trở nên phẳng lặng như cũ thì gọi là Chiếu kiến. Tướng trạng tu hành trong pháp Quán chiếu giống như lúc chân bị lún trong thảm hoa có chừng bốn lóng, liền phản tỉnh, giở chân lên ngay, không để cho nó lún sâu hơn nữa, lúc chân giở lên thì thảm hoa liền trở lại phẳng lại như cũ. Thảm hoa phẳng lại hình ảnh biểu tượng cho cảnh giới Chiến kiến hay minh tâm kiến tánh. Nếu chúng ta đọc kinh có sức quán chiếu đúng theo lời Phật chỉ dạy, thì sẽ sanh ra tác dụng ước thúc chính mình. Lời giáo huấn của Phật là mệnh lệnh của Phật, chúng ta tuyệt đối phục tùng, chẳng dám trái phạm dù chỉ là một li một tí, mới có thể tránh khỏi tà kiến, tà hạnh. Tăng thêm một chút hoặc giảm đi một chút lời giáo huấn của Phật là hắc nghiệp, chớ chẳng phải bạch nghiệp.
Chúng ta đọc kinh là để có được tâm lành, hạnh lành đúng với giáo huấn của Phật, chẳng bị sai lệch theo tâm tà, hạnh tà, thì đó chỉ là Phật pháp thế gian. Phật pháp thế gian mà còn phải làm cho đúng như thế, huống hồ là Phật pháp xuất ly thế gian Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Tây Phương Cực Lạc là cõi thiện bậc nhất trong hết thảy các cõi Phật, ngay cả danh từ ác khổ và những điều giả nói về ác khổ còn không có, thì làm gì có ý niệm bất thiện, Nếu chúng ta luôn giữ trong lòng bất cứ một ý niệm bất thiện nào, chắc chắn hiện tại phải chuốt lấy lắm thứ tai ương phiền não, tương lai sẽ không thể nào được vãnh sanh. Vì sao? Kinh nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nếu tâm hiện tại niệm điều bất thiện, thì tâm ấy sẽ dẫn mình vào tam ác đạo. Nếu chẳng chịu thay đổi ý niệm bất thiện ấy bằng câu Phật hiệu, thì A Di Đà Phật chẳng thể cứu nổi chúng ta. A Di Đà Phật không có cách cứu người bất thiện, duy trừ người ấy chuyển ác thành thiện, thì mới có thể cứu. Kinh nói: Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thường luôn có mưa hoa Mạn-Đà-La, mang ý nghĩa Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là chỗ của chư Phật, Bồ-tát, hiền thánh và các bậc thượng thiện nhóm hội, kẻ mang ý niệm bất thiện chẳng thể nào tới đó được.
Mười phương chư Phật đều tán thán ba thứ trang nghiêm: Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, A Di Đà Phật và chư Bồ-tát trong cõi ấy, nên trong phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh, Đức Phật khuyên đại chúng: “Suốt cả ngày đêm nghĩ nhớ thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, các thứ công đức, các thứ trang nghiêm, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường, người này mạng chung, không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi Cực Lạc.” Chúng ta dù vẫn còn là kẻ bất thiện, nhưng do nhờ đọc kinh, quán kinh mà cũng được nhờ lây. Vì sao được nhờ lây? Vì niệm kinh Vô Lượng Thọ chính là niệm ba thứ trang nghiêm đó. Mười phương chư Phật thấy chúng ta niệm kinh này, cũng tán thán chúng ta gộp chung trong ba thứ trang nghiêm đó. Hơn nữa, người bất thiện niệm kinh này, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường kinh này, cũng sẽ có lúc trở thành người thiện. Người này lúc mạng chung, không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi Cực Lạc, thì sao mười phương chư Phật không tán thán chứ! Nói một cách cạn cợt theo pháp thế gian: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta thường đọc kinh, quán kinh chính là thường luôn gần gũi quang minh của Phật, Bồ-tát, thì đương nhiên là phải sáng rồi! Nói theo kinh Tịnh độ, mười phương chư Phật khen ngợi kinh này, tất nhiên cũng phải khen ngợi người đọc kinh này. Mười phương chư Phật khen ngợi A Di Đà Phật, tất nhiên cũng phải khen ngợi người niệm A Di Đà Phật. Mười phương chư Phật khen ngợi Bồ-tát trong cõi đó tuân tu theo hạnh đức của Ngài Phổ Hiền Bồ-tát, tất nhiên cũng phải khen ngợi người tu theo kinh Vô Lượng Thọ, bởi vì tu theo kinh Vô Lượng Thọ chính là tu theo Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát dẫn về Cực Lạc. Phật đã gọi Phổ Hiền Hạnh là Vương, tức là vua của các hạnh lành, thì tất nhiên hạnh ấy chẳng phải tầm thường. Đây là điều đúng lẽ! Chẳng có gì phải bàn cãi, so sánh nữa. Người tu học theo kinh Vô Lượng Thọ được mười phương chư Phật khen ngợi, thì lẽ tất nhiên cũng được các Ngài gia trì, bảo hộ, khiến mau chóng thành tựu đạo nghiệp. Nếu các Ngài tán thán người thọ trì kinh này mà chẳng gia trì, thì chẳng lẽ đó chỉ là lời tán thán suông, hữu danh vô thực hay sao? Đây là điều không đúng lẽ! Bởi vì Phật ngữ là thật ngữ, nhất định chẳng phải là vọng ngữ.
Người tu pháp môn Niệm Phật chỉ cần Tịnh Độ Ngũ kinh là đủ. Thật ra, tu theo Tịnh độ Ngũ kinh vẫn không phải là thù thắng bậc nhất. Vì sao? Vì còn nghi nên phải đọc hết thảy năm bộ kinh của Tịnh độ để phá nghi. Nếu đã phá nghi rồi, không có một mảy may nghi ngờ nữa, thì chỉ cần một quyển kinh Vô Lượng Thọ là đủ. Nhưng vì sao đã phá nghi rồi mà vẫn còn phải trì kinh? Vì chưa chứng đắc nên vẫn còn phải dùng kinh để quán chiếu tâm mình, mới có thể trực nhập vào Biển Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai mà mau chóng kiến đạo. Người tu Tịnh độ nếu còn nghi ngại, còn thấy một quyển kinh còn quá ít, chưa thể giải tỏa mối nghi lự trong lòng, tâm vẫn chưa thật sự buông xuống được, thì phải nên đọc hết trọn Tịnh Độ Ngũ kinh để phá nghi. Khi nào không còn nghi lự nữa mới có thể buông xả hết thảy các kinh khác, chỉ nhiếp giữ lấy một kinh Vô Lượng Thọ, trường kỳ huân tu cho đến khi triệt khai triệt ngộ, minh tâm kiến tánh. Nếu năm kinh mà vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn muốn nghiên cứu thêm nữa, thì hãy đọc luôn Tịnh độ Thập Yếu, Ấn Quang Đại sư Văn Sao, Di Đà Yếu Giải. Nếu đọc quá nhiều kinh luận như vậy mà vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn thấy chưa thỏa mãn mối nghi lự trong lòng, thì nhất định người ấy chẳng có duyên với Tịnh độ, chẳng có phần vãng sanh. Người thật sự có duyên thù thắng với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, có duyên với A Di Đà Phật, thì ngay buổi ban đầu lúc vừa mới nghe bốn chữ A Di Đà Phật, bèn lập tức tin ngay, chẳng chút hoài nghi. Người này chỉ cần chọn lấy một bộ kinh Tịnh độ để quán nhập trực tiếp vào trong cảnh giới ấy. Họ học kinh để trực nhập vào trong Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, chớ chẳng phải để phá nghi. Kinh nói, người này chẳng phải là người phàm tục học Phật!
Từ xưa đã có nhiều vị Tổ sư Đại đức ở Trung Hoa suốt đời chỉ chuyên giảng một bộ kinh A Di Đà, giảng đến mấy trăm lượt, chẳng giảng bộ kinh thứ hai. Vì sao các Ngài suốt đời chỉ thuyết giảng một bộ kinh? Vì nếu muốn trực nhập vào Tạng Pháp của A Di Đà Như Lai, thì suốt đời phải dốc hết công sức chuyên tu, chuyên giảng chỉ một bộ kinh Vô Lượng Thọ hay một bộ kinh A Di Đà, chẳng đọc bất cứ một bộ kinh nào khác, mới có thể tiếp nhận được thần lực gia trì của A Di Đà Phật mà trực nhập vào Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật, trong tương lai sẽ là hóa thân của A Di Đà Phật, cùng với A Di Đà Phật là một chẳng sai biệt như Kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Một là tất cả, tất cả là một” - Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật cũng chính là Tạng pháp của tất cả các Đức Như Lai. Cũng giống như vậy, nếu ai thích tu hạnh Quán Âm thì cứ dốc hết công sức suốt đời chỉ chuyên niệm danh hiệu Quán Âm, chỉ chuyên giảng Quán Âm Tam kinh. Quán Âm Tam Kinh là Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa, Chương Quán Thế Âm Bồ-tát Nhĩ Căn Viên Thông trong kinh Thủ Lăng Nghiêm và Chương Quán Tự Tại trong kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày người ấy đều niệm Quán Âm, mỗi ngày đều tiếp nhận được thần lực gia trì của Quán Âm, thì trong tương lai người ấy sẽ là một Quán Thế Âm Bồ-tát sống, là Quán Thế Âm Bồ-tát tái lai, là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ-tát, chẳng sai khác tí nào. Lý sự của phương pháp tu hành xác thực là như vậy đó!
Thật thà mà nói, sau nhiều năm chuyên tu chỉ một bộ kinh Vô Lượng Thọ, chẳng những chỉ hợp nhất với A Di Đà Phật, mà còn hợp nhất với Quán Thế Âm Thế Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát và hết thảy chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc, bởi vì trong Pháp giới Tạng thân của A Di Đà Phật một là tất cả, tất cả là một! Cho nên, chúng ta phải nên tuân thủ theo cách thức tu hành chỉ bày trong bộ kinh này, không tạp tu, không tham học nhiều thứ khác, thì chắc chắn sẽ nắm chắc phần vãng sanh như kinh này đã dạy: “Phải nên tinh tấn sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người”. “Đứng sau người” có nghĩa là bị thoái đọa, bị sụt lùi. Tu hành quá nhiều thứ mà không tiến bộ, còn bị sụt lùi thì chính là thua thiệt quá lớn! Tạp tu loạn xạ sẽ khiến cho ý nghĩ bị ô nhiễm. Ý nghĩ bị ô nhiễm là gì? Chẳng chuyên nhất tập trung vào pháp môn mình tu là ý nghĩ ô nhiễm. Chúng ta học Phật là cầu Nhất tâm Bất loạn, là tu tâm thanh tịnh mà mỗi ngày vẫn làm chuyện nhiễm ô, mỗi ngày đều nhồi nhét quá nhiều thứ tri kiến khác nhau vào trong đầu óc, thì làm sao có thể đạt thanh tịnh tâm cho được chứ? Làm sao có thể đắc Nhất tâm cho được chứ?
Lão Hòa Thượng Tịnh Không dạy: “Một kinh thông, tất cả kinh thông” là điều đúng lẽ. Thâm nhập một kinh, đoạn dứt phiền não, thì tự nhiên thông suốt vạn pháp, đạt được điều “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Do vậy, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” phải đặt sau “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Nói cách khác, một khi chúng ta tu một kinh, niệm một câu Phật hiệu, dứt đoạn phiền não, đạt được thanh tịnh tâm, thì tự nhiên thông suốt vạn pháp, ai hỏi pháp nào đều có thể trả lời một cách rành rẽ, thì đấy gọi là thành tựu “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, chớ chẳng phải là đi nghiên cứu cho thật nhiều kinh điển, ai hỏi gì bèn đem kinh văn ra đọc một mạch cho họ nghe mới gọi là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chúng ta đọc kinh là để phản tỉnh những lỗi lầm của chính mình, một khi không còn một lỗi lầm nào để phản tỉnh nữa, thì tâm mới thật sự thanh tịnh, trí huệ mới lưu lộ từ Tự tánh. Chỉ có trí huệ lưu lộ từ Tự tánh mới là thành tựu “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Còn những kiến thức phổ thông do thu thập được từ sự nghiên cứu nhiều kinh, nhiều luận đều là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chớ chẳng phải là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Hễ tâm còn phân biệt, chấp trước, chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng thì chẳng thể nào thấy vô lượng pháp chỉ là một pháp, không hai.
Hòa Thượng Tịnh Không còn dạy: “Nếu ai nghiêm túc đọc một quyển kinh Vô Lượng Thọ hoặc một quyển kinh Di Đà trong suốt mười năm, tương lai sẽ là hóa thân của A Di Đà Phật”. Nếu chỉ cần học thông suốt một kinh mà có thể minh tâm kiến tánh, phàm phu chúng ta có thể làm nổi, vì điều này dễ hơn học quá nhiều kinh, lẽ đâu chẳng thể làm được? Nếu phải thông suốt hết tất cả Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh như Ngài Huyền Trang Pháp sư vào đời Đường mới có thể minh tâm kiến tánh, thành tựu “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, thì phàm phu chúng ta đành phải bó tay, chịu thua, chẳng thể làm nổi. Vì thế, Phật mới từ bi nhắc nhở chúng ta: “Phải nên tinh tấn sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người”. Câu “phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới,” ở đây chỉ cho lòng tham pháp, tạp tu loạn xạ, không chuyên tâm nơi một kinh Vô Lượng Thọ mà phải bị thoái đọa, chẳng có thành tựu gì cả. Do đó, nếu chúng ta có thể triệt để nghe theo lời chỉ dạy của Phật, suốt đời chỉ chuyên tu nơi một bộ kinh này. Sau mười năm chuyên học, chuyên thực tập, chuyên giảng chỉ một bộ kinh này, ắt sẽ tự hiểu ý nghĩa của câu nói: “Tự mình sẽ biến thành A Di Đà Phật”. Hiện tại, dẫu chúng ta là đứa học trò ngu dỡ đến mấy, nhưng sau mười năm chuyên chú nơi một bộ kinh, nếu chẳng thể biến thành A Di Đà Phật, thì tệ nhất cũng được đới nghiệp vãng sanh, quyết chẳng luống uổng công phu. Hạ phẩm hạ sanh vào cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vẫn là cái quả báo hết sức thù thắng mà chẳng có bậc thánh nào trong mười phương thế giới có thể sánh bằng. Đây vĩnh viễn là sự thật mà chỉ có người chuyên tu kinh này, thâm nhập vào nghĩa tạng của kinh này, thì mới hiểu nổi và tin tưởng nổi.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: Người niệm kinh Vô Lượng Thọ là điều lành hy hữu bậc nhất trong khắp thế gian, là điều mà mười phương chư Phật đều khen ngợi, tán thán, ủng hộ, giúp đỡ, thì chắc chắn chư thiên cũng rất hoan hỷ, các Ngài nhất định sẽ rải mưa thiện hoa Mạn-Đà-La cúng dường người ấy. Đây là cách biểu lộ lòng cung kính, hoan hỷ và ngưỡng mộ của chư thiên. Chư thiên được nói trong kinh là tiếng chỉ cho chung hết thảy các bậc thánh bao gồm tất cả Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và Trời. Do chư thiên ưa chuộng điều lành, lại thích có nhiều quyến thuộc và bạn lành, nên hễ gặp người nào tu thiện pháp, làm việc thiện, thì các Ngài vô cùng hoan hỷ, liền ủng hộ, gia trì, giúp đỡ người ấy cho đến cùng.
Diệu Âm Trí Thành