Phật A Di Đà thuyết pháp và thọ ký Bồ tát sẽ thành Phật - Quang cảnh cảm ứng đạo giao khó thể nghĩ bàn
Kinh Vô Lượng Thọ diễn tả quang cảnh cảm ứng đạo giao trong lúc mười phương Chánh sĩ đang đảnh lễ, cúng dường đức Phật Di Đà nơi cõi Cực Lạc là: “Liền đó đấng Tối Thắng. Mỉm cười hiện thân vàng. Quang minh từ miệng phóng. Chiếu khắp mười phương cõi. Thâu về nhiễu quanh Phật. Ba vòng xong nhập đảnh. Bồ tát thấy hào quang. Liền chứng ngôi bất thối. Lúc hội tất cả chúng. Ðồng sinh tâm hoan hỷ. ”
Bản Tống dịch chép: “Lúc bấy giờ, đức Phật Vô Lượng Thọ nhằm khai ngộ tâm các Bồ tát từ phương khác đến, nên ngầm dùng thần thông phóng ra đại quang minh. Quang minh ấy từ diện môn tỏa ra.” Bản Tống dịch còn ghi: “Lúc bấy giờ, hết thảy các chúng sanh kính trọng, khen ngợi quang minh của Phật là chưa từng có; ai nấy đều phát Bồ Ðề tâm, nguyện thoát khỏi trần lao, đạt lên bờ kia.” Ngay lúc Bồ tát vừa phát “tâm vô thượng Bồ Ðề” xong, đức A Di Đà Như Lai liền phóng quang gia trì. Đại chúng thấy hào quang phát ra từ khuôn mặt rạng rỡ như vàng ròng, lại hiện ra tướng mỉm cười của Phật Di Đà, liền phát lòng hoan hỷ lớn, chứng địa vị Bất Thoái Chuyển.
Đức Như Lai thường trụ tam muội, an tường bất động, nên tâm Phật vắng lặng không vui, không buồn, nhưng sao lại hiện tướng “mỉm cười”? “Mỉm cười” ở đây là tướng thọ ký! Lúc Phật sắp thọ ký cho Bồ tát, Ngài liền hiện tướng mỉm cười. Lưỡi của Phật mỏng, sạch, có màu đồng đỏ. Trên lưỡi có năm đường vạch như nét khắc trên ấn. Khi Ngài cười, lưỡi khẽ động phóng ra ánh sáng năm màu lộng lẫy. Đấy là điềm báo trước là Ngài sắp thọ ký cho Bồ tát. Kinh Ðại Bảo Tích nói: “Pháp thường của chư Phật là: Nếu thọ ký chúng sanh sẽ bị đọa địa ngục, thì quang minh sẽ trở vào chân rồi biến mất… Nếu thọ ký Bồ Ðề, thì quang minh sẽ nhập vào đảnh đầu rồi biến mất.” Do vì thiện căn của đại chúng trong hội đã thuần thục, nên Phật hiện tướng mỉm cười, và từ trong miệng của Phật phóng ra quang minh chiếu khắp mười phương, quang minh ấy lại quay trở về nhiễu quanh thân Phật ba vòng, rồi nhập vào trong đảnh Phật. Ðiều này thể hiện Phật thọ ký Bồ tát sẽ được Cứu Cánh Quả Giác. Theo kinh Hoa Nghiêm, đây là hiện tượng Phật thọ ký cho Bồ tát sắp được thành Phật. Các vị Bồ tát trong hội thấy điềm lành hiện ra như vậy, liền biết mình sẽ được Phật thọ ký Bồ Đề, nên mọi người đều mừng rỡ, không ai là chẳng hoan hỷ.
Tiếp theo đấy, đức Thích Ca Mâu Ni Phật đọc bài kệ thuật lại việc Phật A Di Đà thuyết pháp và thọ ký Bồ tát sẽ thành Phật như sau: “Phật ngữ phạm rúng động. Bát âm thông diệu thanh. Chánh sĩ mười phương tới. Ta tất biết nguyện kia. Chí cầu nghiêm Tịnh Ðộ. Thọ ký sẽ thành Phật. Liễu triệt tất cả pháp. Như dư vang mộng huyễn. Ðủ đầy các diệu nguyện. Ắt thành cõi như thế. Biết cõi như bóng ảnh. Thường phát tâm hoằng thệ. Rốt ráo đạo Bồ tát. Ðủ đầy cội công đức. Tu thắng hạnh Bồ Ðề. Thọ ký sẽ thành Phật. Thông đạt các pháp tánh. Tất cả Không, Vô Ngã. Chuyên cầu Tịnh Ðộ Phật. Ắt thành cõi như thế.”
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán âm thanh thuyết pháp của A Di Đà Phật là “Phật ngữ phạm rúng động.” Bản Ðường dịch ghi là: “Rền sấm đại pháp khai ngộ hết thảy.” Vì sao đức Bổn Sư tán thán tiếng thuyết pháp của A Di Đà Phật là “Phật ngữ phạm rúng động”? Có hai lý do chánh: Lý do thứ nhất, âm thanh của Phật Di Đà thuyết pháp thanh tịnh, giống như tiếng của Ðại Phạm thiên vương, nên gọi là “phạm âm.” “Phạm âm” là năm thứ âm thanh phát ra từ miệng của Phạm thiên vương: một là rền xa như tiếng sấm; hai là trong trẻo vang xa, người nghe sanh lòng vui thích; ba là người nghe sanh tâm kính mến; bốn là đúng đắn, rõ ràng dễ hiểu; năm là nghe không biết chán. Lý do thứ hai, âm thanh của Phật Di Đà thuyết pháp “rúng động” như tiếng “sấm sét” có khả năng đánh động hữu tình, thức tỉnh vô minh. Vậy, “Phật ngữ phạm rúng động” chính là “pháp vô ngại trí” mà đức Phật dùng hóa độ chúng sanh, đúng như bản Ðường dịch ghi: “Rền sấm đại pháp khai ngộ hết thảy.”
Tiếp theo, đức Thế Tôn lại khen tiếng thuyết pháp của Phật A Di Ðà là “bát âm thông diệu thanh.” “Bát âm” là tám điều thành tựu nơi giọng nói của Như Lai. Kinh Phạm Ma Dụ bảo “bát âm” là tám thứ âm thanh như sau:
· Một là âm thanh tối đẹp, êm dịu.
· Hai là tiếng nói dễ hiểu, ngôn từ rõ ràng, khéo léo.
· Ba là tiếng hòa điệu, dù Ðại thừa hay Tiểu thừa nghe thấy đều ngộ được Trung Ðạo.
· Bốn là âm thanh nhu nhuyễn, khiến người nghe vui thích, bỏ ý ương ngạnh, tự nhiên thể nhập giới luật, đạo pháp của Như Lai.
· Năm là lời lẽ không lỗi lầm, khiến người nghe cũng được chánh kiến, lìa khỏi năm thứ lỗi tà kiến.
· Sáu là âm thanh hùng hồn, sang sảng, khiến người, trời, ma và ngoại đạo nghe cùng kính trọng, quy phục.
· Bảy là tiếng nói có oai lực của bậc Đại Giác Ngộ, khiến người nghe tôn trọng, trí huệ khai hiểu.
· Tám là âm thanh sâu xa. Tiếng Phật vang rất xa ví như tiếng sấm rền, người nghe tiếng Phật đều chứng lý thậm thâm.
Phật Di Ðà dùng tiếng nói có đầy đủ bát âm “vang vọng, thấu triệt, trong trẻo, mềm mại, êm dịu, rõ ràng, điều hòa và thanh nhã” như thế để diễn thuyết pháp nhiệm mầu, nên kinh gọi là “bát âm thông diệu thanh.” Câu “bát âm thông diệu thanh” có cùng ý nghĩa với câu văn trong kinh Di Ðà là “âm thanh ấy diễn nói ngũ căn, ngũ lực.” Do đó, chữ “thông” ở đây có nghĩa là “diễn nói.”
Từ câu “Chánh sĩ mười phương tới. Ta tất biết nguyện kia” cho đến câu cuối cùng “ắt thành cõi như thế” đều là lời nói của đức Bổn Sư Thích Ca thuật lại những pháp âm được diễn xướng bởi Phật A Di Ðà. “Chánh sĩ” chính là Tại Gia Bồ tát từ mười phương đến cõi Phật A Di Đà. Ai nấy đều có đại nguyện thù thắng. Các vị Chánh sĩ này vừa khởi tâm động niệm, Phật A Di Đà liền biết rõ ý nguyện của họ đều là muốn được giống như Phật Di Ðà, thành tựu Ðại Giác, nhiếp lấy cõi Phật Tịnh độ để tiếp độ chúng sanh, thì lẽ đương nhiên là được Phật A Di Ðà lập tức khen ngợi và thọ ký cho họ đều sẽ thành Phật trong tương lai. Sau khi thọ ký xong, Phật A Di Đà còn vì các vị Bồ tát ấy mà nói ra những pháp tương ứng khiến Bồ tát thỏa mãn tâm nguyện của họ. Những pháp ấy là gì?
- Pháp thứ nhất là “Liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn. Ðủ đầy các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế.”:
“Liễu triệt tất cả pháp” nghĩa là do chứng ngộ nên biết rõ hết thảy “pháp vạn hữu.” Nói đại lược, hết thảy pháp gồm có ba thứ; đó là: pháp hữu vi, pháp vô vi và pháp bất khả thuyết. “Liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn” là trí huệ biết rõ tất cả các pháp ấy đều là chỉ hư vọng, chẳng thật, chỉ là như mộng, như huyễn hóa, như tiếng vang vọng lại. Tuy Bồ tát biết hết thảy các pháp, các hạnh chỉ giống như là “giấc mộng,” chẳng có gì là thật, giống như lúc trong mộng, ta ngỡ là thật, nhưng khi tỉnh giấc, liền biết mộng là không thật. Bồ tát biết hết thảy các pháp, các hạnh đều tùy thuộc vào nhân duyên, nên chẳng tự tại và cũng chẳng tồn tại lâu dài; đấy gọi là thấy hết thảy các pháp như “huyễn.”
Bồ tát lại biết hết thảy các pháp, các hạnh cũng chỉ như là tiếng vang vọng lại mà thôi, nên không bị lầm lẫn. Tỷ dụ, khi ta ở nơi hang hẹp trong núi sâu, hoặc ở nơi khe núi sâu thẳm, hay ở trong căn nhà lớn trống rỗng, nếu nói ra tiếng hoặc tạo tiếng động, thì sẽ có tiếng vang đáp lại. Người vô trí nghĩ là thật có người đáp lại, người trí suy nghĩ tiếng này chẳng phải do ai tạo ra, chỉ do tiếng ban đầu sanh ra, nên gọi là “tiếng vọng.” Bồ tát biết rất rõ ràng là tuy tiếng vang ấy là không thật, nhưng nó lại có thể khiến nhĩ căn bị lầm lẫn, nên đối với hết thảy các pháp, Bồ tát chỉ coi đó như là “tiếng vọng.”
Do vì Bồ tát “liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn,” nên trong hết thảy các pháp, các hạnh, các Ngài đều có thể an trú không, tự tại không dính mắc, không lầm lẫn mà có thể phát lên được các diệu nguyện thù thắng. Vì thế, kinh này mới nói, các Bồ tát ấy có “đủ đầy các diệu nguyện”! Nếu chúng ta đọc một mạch câu kinh văn “liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn, đủ đầy các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế” thì sẽ thấy nguồn gốc phát sanh các “trí nguyện” thù thắng nơi các Bồ tát chính là vì các Ngài an trú “không, vô tướng, vô tác.” Do an trú trong Nếu chúng ta đọc một mạch câu kinh văn “liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn, đủ đầy các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế” thì sẽ thấy nguồn gốc phát sanh các “trí nguyện” thù thắng nơi các Bồ tát chính là vì các Ngài an trú “không, vô tướng, vô tác,” nên không bị dính mắc với cảnh giới của sáu trần, xả ly mọi chấp trước đối với sự sai biệt của vọng tâm của chúng sanh. Nhờ đó mà Bồ tát mới có thể phát xuất ra rất nhiều các diệu nguyện, diệu hạnh nhằm làm lợi ích cho hết thảy hữu tình, thành tựu vô lượng vô biên công đức và căn lành thù thắng. Do nguyên nhân đó, các Bồ tát ấy đều được hết thảy chư Phật đồng nhau khen ngợi và thọ ký Bồ Đề là họ sẽ đắc cõi Tịnh độ đúng như ý nguyện của họ. Câu “liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn” là nói về trí huệ biết rõ pháp không, vô tướng. Câu “đủ đầy các diệu nguyện” là nói đến Bồ tát chẳng những chỉ khởi lên các đại nguyện vi diệu nhiệm mầu mà còn có thể tu tập, nhiếp thủ, viên mãn trọn vẹn các đại nguyện ấy. Đấy đã đủ chứng tỏ các diệu nguyện ấy đều là phát khởi từ lòng chân thành, thiết tha của Bồ tát! Do vì Bồ tát lấy “Không Trí” và “Đại Nguyện” làm nhân để cầu cõi Tịnh độ, nên được Phật thọ ký là “ắt thành cõi như thế.” Nói cách khác, cõi nước mà Phật thọ ký Bồ tát sẽ thành tựu chính là cái quả báo của “Không Trí” và “Đại Nguyện.”
Do vì Bồ tát đắc trí huệ viên mãn, an trú không, nên mới có thể “liễu triệt tất cả pháp, như dư vang mộng huyễn.” Do nhờ vào “trí huệ viên mãn” này mà Bồ tát dù trải qua kiếp số như vi trần, nhưng vẫn coi đó chỉ như trong một niệm. Và cũng do nhờ vào “trí huệ viên mãn” này mà Bồ tát dù ở trong sanh tử, nhưng xem đó như dạo chơi trong vườn hoa, đài các. Bồ tát Địa Tạng vào địa ngục, Bồ tát Quán Âm vào chốn sanh tử, các Ngài thấy gì? Các Ngài thấy những chốn ấy toàn là vườn hoa, đài các làm bằng bảy báu. Vì sao các Ngài thấy khác với chúng sanh trong lục đạo? Vì các Ngài hiểu rõ và thành tựu những điều này, nên mới đủ đầy các diệu nguyện và diệu quả tự nhiên viên mãn mà kiến lập được cõi Tịnh độ mầu nhiệm trọn khắp, chẳng có nơi nào chẳng phải là Tịnh độ. Hễ tâm tịnh, thì dù đi tới đâu cũng thấy chỗ đó là cõi nước tịnh!
Do vì Bồ tát rõ thấu các pháp là không, nên bèn nguyện nhiếp lấy Tịnh Ðộ thì mới khế hợp khéo léo với Trung Ðạo, chẳng rớt vào nhị biên. Đấy chính là “an trú không, nên an trú rất nhiều;” đấy cũng chính là tông chỉ của Tịnh tông như kinh Duy Ma nói: “Tuy biết các cõi Phật và chúng sanh là không, mà thường tu Tịnh Ðộ, giáo hóa quần sanh.” Ðây đều là sự lý vô ngại trong Viên tông, là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Đại Bồ tát dùng để cúng dường A Di Đà Phật. Cúng dường Phật Di Đà như vậy mới thật đúng với lòng mong muốn của A Di Đà Phật là “ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác.”
Cũng cùng nói lên ý chỉ ấy, Phật A Di Đà lại tiếp tục dạy các bậc Chánh sĩ pháp thứ hai.
- Pháp thứ hai là “Biết cõi như bóng ảnh. Thường phát tâm hoằng thệ. Rốt ráo đạo Bồ tát. Ðủ đầy cội công đức. Tu thắng hạnh Bồ Ðề. Thọ ký sẽ thành Phật.”
Trong Kinh Kim Cang, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy: “Hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng.” Cùng với ý nghĩa ấy, trong kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà Phật dạy các Bồ tát phải nên biết rõ: Các cõi Phật cũng chỉ là “bóng ảnh.” Nói cách khác, chẳng những chín pháp giới của chúng sanh là “bóng ảnh,” mà cõi Phật Tịnh độ cũng là “bóng ảnh.” Các cõi Phật cũng giống như bóng dáng của các vật, bóng dáng tuy sanh ra từ Thật Thể, nhưng không có Thật Tánh.
Các bậc Chánh sĩ tuy hiểu rõ ràng, minh bạch rằng: cõi Phật Tịnh độ vốn là không, chỉ giống như là “bóng ảnh,” nhưng các Ngài vẫn luôn thường phát tâm hoằng thệ thành lập cõi Tịnh độ để tiếp độ chúng sanh, vì sao ? Vì chỉ có cách này, chỉ có phương tiện này, mới có thể mau chóng đưa chúng sanh vượt sanh tử qua bờ bên kia. Bồ tát nếu thấu rõ như thế thì mới gọi là hiểu rất sâu xa! Nhị thừa chẳng hiểu nổi đạo lý này, nên gọi là hiểu nông cạn! Do Bồ tát hiểu biết sâu xa, nên các Ngài luôn hành Trung Đạo, không bị rơi vào nhị biên, mà có thể thường phát tâm hoằng thệ. Còn Nhị thừa do hiểu nông cạn, chấp không, nên chẳng thể phát tâm hoằng thệ. “Hoằng thệ” là thệ nguyện rất sâu rộng; từ nguyện này mà khởi lên các hạnh để thành tựu rốt ráo đạo Bồ tát. “Rốt ráo” là chí cực, chí viên, là quyết định đạt đến chỗ chung cục, tột cùng nhất. “Đạo Bồ tát” còn gọi là Bồ tát hạnh hay Lục Độ, đây chính là đại hạnh của Bồ tát nhằm để viên mãn hạnh lợi mình, lợi người, thành tựu Phật quả.
Nơi các vị Chánh sĩ ấy, Trí lẫn Nguyện đều đầy đủ, Hạnh lẫn Giải đều ưu việt, nên Phật bảo họ có “đủ đầy cội công đức.” “Cội” là căn bổn, là nguồn cội, cũng chính là “tâm địa” của mình, cũng là “gốc căn bản nhất” của mỗi chúng sanh và cũng chính là Lý thể của Pháp tánh, là “căn bản” tột cùng của các pháp. “Công đức” trong nhà Phật là cái đạt được do công năng tu hành, nên chữ “công đức” có nghĩa là “đắc.” Thế nhưng, Bát Nhã Tâm Kinh nói : “vô trí diệt vô đắc,” tức là “không có trí, cũng không có đắc.” Như vậy, “cội nguồn của công đức” chính là Phật tánh, là cái mà hết thảy chúng sanh vốn sẵn có đầy đủ, chớ chẳng phải là cái mà chúng ta có thể tìm thấy ở bên ngoài lẫn bên trong. Kinh Viên Giác gọi cái đó là “Bổn Nguyên Thanh Tịnh Đại Viên Kính,” có nghĩa là “cội nguồn thanh tịnh, như tấm gương sáng lớn.” Sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa gọi cái đó là: “Bổn Cực Pháp Thân Vi Diệu Thậm Thâm.” Kinh Vô Lượng Thọ gọi cái đó là “Cội Nguồn Của Công Đức.”
Như vậy rốt cuộc rồi, “Cội Nguồn Của Công Đức” là cái gì? “Cội Nguồn Của Công Đức” chính là Phật tánh, là Bổn Nguyên Thanh Tịnh Đại Viên Kính và cũng chính là Bổn Cực Pháp Thân Vi Diệu Thậm Thâm, là cái mà vốn sẵn có đầy đủ trong từng mỗi chúng sanh. Nói cách khác, Phật tánh chính là Bổn Tâm của chúng sanh, mà cũng chính là Thật Tế Lý Thể, là Chân Như Thật Tướng của vạn pháp, nên Kinh này nói, các vị Bồ tát ấy đã có “đủ đầy cội công đức” đến cùng tận cội nguồn, cũng tức là các Ngài đã an trụ trong Pháp Thân, có thể nhập vào Thật Tướng của tất cả các pháp. Ở đây, Phật đã ngầm nói đến Căn Bản Trí của Bồ tát Văn Thù và Sai Biệt Trí của Bồ tát Phổ Hiền. Từ đại trí của Văn Thù Đại sĩ, Bồ tát khởi ra đại hạnh của Phổ Hiền, mà tánh đức của Phổ Hiền Ðại Sĩ lại là dẫn dắt hết thảy chúng sanh trong cửu giới đồng quy hướng Cực Lạc. Đấy đã nêu rõ, đức Phật đã quy kết toàn bộ “cội nguồn của công đức” vào trong một cõi Tây Phương Cực Lạc Nhất Thừa Pháp Giới – Thường Tịch Quang độ, nên Tây Phương Cực Lạc Nhất Thừa Pháp Giới – Thường Tịch Quang độ chính là Chân Thật Tế! Ngoài Tây Phương Cực Lạc Nhất Thừa Pháp Giới – Thường Tịch Quang độ ra, hết thảy các cõi khác đều chỉ là “bóng ảnh.” Cho nên, chỉ riêng mình Tây Phương Cực Lạc Nhất Thừa Pháp Giới - Thường Tịch Quang độ mới là Chân Thật Tế!
Các vị Chánh sĩ ấy đều tu theo “Vô Thượng Phật Ðạo” của hai vị Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền mà thành tựu hai trí “Căn Bản Trí và Sai Biệt Trí,” nên họ được A Di Đà Phật khen là “tu thắng hạnh Bồ Ðề.” Bồ tát do tu thắng hạnh Bồ Ðề, tức là thành thục đầy đủ trí huệ, thệ nguyện và các diệu hạnh như đã nói trên, nên được Phật thọ ký họ sẽ viên mãn Phật quả. Các vị Chánh sĩ trong mười phương, do nghe kinh giáo của Phật A Di Đà, tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ và trí huệ của Văn Thù Đại sĩ; lại do các vị Chánh sĩ ấy đã chân thật phát chí nguyện cầu thành lập cõi nghiêm Tịnh độ giống như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, nên họ cảm được diệu quả là được Phật A Di Đà “thọ ký sẽ thành Phật.”
Tiếp theo đó, Phật A Di Đà dạy các bậc Chánh sĩ pháp thứ ba.
- Pháp thứ ba là “Thông đạt các pháp tánh. Tất cả Không, Vô Ngã”
“Không” đồng nghĩa với “Vô Ngã.” Tuy “Không” và “Vô Ngã” là hai tên gọi khác nhau, nhưng thật ra chỉ nhằm nói lên cùng một ý nghĩa; giống như “mắt” và “nhãn” là hai danh từ khác nhau, nhưng nghĩa thì chỉ là một. Nhưng cớ sao Kinh cùng một lúc lập lại hai chữ Không và Vô Ngã ? Kinh nhằm muốn nhấn mạnh một đạo lý là: Hết thảy hữu tình, phi tình, phàm, thánh, tịnh, uế đều do nhân duyên hợp thành. Do tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà hiện ra, nên hết thảy các pháp đều là hư vọng, chỉ là giả danh mà thôi. Tuy hết thảy các pháp đều là hư vọng, sanh diệt biến đổi, nhưng tánh của các pháp lại chẳng đổi dời. Nói cách khác, “pháp tánh” là lý thể của “các pháp.” Lý thể sẵn có của các pháp vĩnh viễn chẳng biến cải, nên được gọi là Lý thể Thật tế hay Tự tánh. Tự tánh tịch diệt, thể của nó là bất khả đắc, nên kinh bảo là “không, vô ngã.” “Ngã” lại gồm có hai thứ: Nhân Ngã và Pháp Ngã. Phàm phu do chẳng hiểu rằng ngũ ấm hòa hợp là giả, nên lầm nhận con người là chủ tể cái thân của mình, đó gọi là Nhân Ngã. Nếu hiểu rõ đấy chỉ là năm uẩn giả hòa hợp, thật chẳng có tự thể, thì đó gọi là Nhân Vô Ngã. Ðây là cách tu hành của Tiểu thừa nhằm đoạn trừ phiền não để đắc Hữu Dư Niết Bàn. Nếu cố chấp các pháp thật sự có tự thể, thật sự có công dụng thì gọi là Pháp Ngã. Nếu hiểu rõ các pháp chỉ từ nhân duyên mà sanh ra, thật chẳng có tự thể thì gọi là Pháp Vô Ngã. Tiểu Thừa chỉ ngộ nhập được Nhân Vô Ngã, nhưng chưa ngộ được Pháp Vô Ngã, nên vẫn chưa rốt ráo phá được vô minh. Chỉ có Bồ tát ngộ được cả Nhân lẫn Pháp đều là Vô Ngã, nên lần lượt phá được các phẩm vô minh.
Do các Bồ tát phương khác đã giác ngộ “Nhân lẫn Pháp đều là Vô Ngã”, mà lần lượt phá vô minh, thành tựu trí huệ chân thật, nên Phật A Di Đà khuyên họ nên trụ trong trí huệ chân thật ấy mà mong cầu thành tựu cõi Phật Tịnh độ giống như cõi Cực Lạc để tiếp độ quần mê. Nếu Bồ tát có nguyện như vậy, Ngài sẽ đích thân thọ ký các Bồ tát đắc thành cõi Phật Tịnh độ như thế. Trong phần trước, Phật đã nói: “Liễu triệt tất cả pháp đều là như dư vang mộng huyễn,” là nói đến Tục Ðế Trí. Còn ở đây đức Phật nói: “Thông đạt các pháp tánh, tất cả đều là Không, Vô Ngã,” là nói đến Chân Ðế Trí. Do vì Bồ tát đắc Nhị Trí, thông rõ cả Tục Đế lẫn Chân Đế, nên các Ngài đều cùng nhau phát đại thệ nguyện :“Chuyên cầu Tịnh Ðộ Phật” giống như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Do bởi chí nguyện của các Bồ tát rốt ráo đến mức như vậy, lại còn khế hợp với bổn nguyện của Phật Di Đà, nên được Phật Di Đà thọ ký cho họ sẽ đắc cõi nước nghiêm tịnh như thế.
Chân Ðế Trí và Tục Ðế Trí tuy khác nhau, nhưng tánh của chúng đều là không. Tuy biết tánh của chúng là không, nhưng các Bồ tát vẫn chí tâm cầu đắc cõi Tịnh độ trang nghiêm để cứu độ quần mê. Điều này đã thể hiện lý viên dung của Trung Đạo Thật Tướng Đệ Nhất Nghĩa Đế là : Chẳng vướng vào “có,” chẳng vướng vào “không,” chẳng vướng vào “vừa có vừa không,” chẳng chấp vào “chẳng phải có, chẳng phải không,” cũng chẳng chấp vào “chẳng chấp trước.” Nói gọn lại là: Tịnh độ pháp môn chẳng trụ vào nhị biên, xa lìa tứ cú (không tánh, không tâm, không thân, không pháp), khế hợp nhiệm mầu với Trung Ðạo Bình Đẳng Nhất Tướng, đúng như lời Kinh Kim Cang dạy một cách chính xác là: “Không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, tu hết thảy thiện pháp liền đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.”
Mười phương Chánh sĩ thấu hiểu sâu xa rằng các pháp vốn là không, nhưng họ lại vẫn chuyên cầu Phật Tịnh Ðộ, thì đó chính là lìa khỏi bốn tướng (nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả) để tu hết thảy pháp lành, nên được Phật A Di Đà thọ ký cho họ “ắt thành cõi như thế.” Thêm nữa, Bồ tát tuy hiểu thấu suốt pháp ba không (không, vô tướng, vô tác), trí chẳng chấp trước, nhưng do vì lòng đại bi hun đúc tâm của các Ngài, nên các Ngài cùng phát nguyện trang nghiêm cõi Phật Tịnh. Tuy nghiêm tịnh cõi Phật, nhưng lại thường tịch tĩnh, thì đấy chính là một pháp cú, là một thanh tịnh cú, và cũng là chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Đây là sự thật tinh diệu bậc nhất của Tịnh độ! Vì trong hết thảy “các pháp,” không pháp nào chẳng do một pháp giới biến hiện ra, cũng không có một pháp nào lại chẳng quy về một pháp giới ấy, nên một pháp giới ấy chính là một pháp cú, cũng chính là chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân.
---oOo---
Nay, chúng do nghe được kinh phẩm này do chính A Di Đà Phật thuyết giảng cho các mười phương Bồ tát nghe, mà hiểu rõ bản thể của tất cả các pháp vốn chỉ là “Không, Vô Ngã”, thì phải nên biết rằng, tuyệt đối chẳng phải là do mỗi ngày chúng ta nghiên cứu, diễn giải kinh điển nhiều hơn, thì trí huệ sẽ tăng trưởng nhiều hơn. Trí huệ ấy là giả, chẳng thật! Cái gì là thật “Thật”? Phiền não tập khí mỗi ngày một giảm thiểu, trí huệ và đức năng trong Tự tánh mỗi ngày càng tăng trưởng, hiển lộ, thì đó mới là “Thật.” Những tri kiến lượm lặt được do nghiên cứu đều là giả. Nếu chúng ta biết dùng giả pháp để trị bệnh giả (vọng tưởng, phân biệt, chấp trước) thì cũng tốt lắm, nhưng nếu chúng ta khởi tâm chấp trước đối với các pháp, cho chúng nó là thật, thì bèn là tăng trưởng phiền não vô minh, chớ chẳng phải là tăng trưởng trí huệ. Bồ tát do biết tất cả các pháp là “không, vô ngã” nên các Ngài đoạn vô minh; ngược lại phàm phu chúng ta do xem các pháp là thật nên càng tu học Phật pháp càng tăng trưởng vô minh. Đấy là chỗ học Phật khác nhau giữa Bồ tát và phàm phu.
Thiện căn chẳng dễ tu! Phước đức cũng khó tu! Chỗ tinh yếu của phước đức là Thập Thiện, nhưng chúng ta phải biết dùng cái tâm như thế nào để tu Thập Thiện mới có thể chuyển Thập Thiện thành phước đức, thì đó mới là trí huệ chân thật. Chúng ta phải tự biết rõ, hiện nay chúng ta đích thực là phàm phu chánh cống, chẳng phải là Bồ tát, đã là phàm phu thì nhất định tâm địa vẫn còn ô nhiễm; đấy là lẽ tự nhiên, là điều khẳng định, chẳng sai trật. Do Bồ tát biết tất cả các pháp là “không, vô ngã”, nên tâm địa của các Ngài hoàn toàn thanh tịnh trong tất cả xử sự, tiếp vật, đãi người. Vì sao tâm địa của chúng ta chẳng được như vậy ? , Vì chúng ta chấp các pháp là thật có, nên dù rất muốn phát khởi tâm Bồ Đề, trên cầu Phật đạo, dưới cứu khổ chúng sanh, nhưng không làm nổi. Do chấp “có”, nên trong mọi việc thiện chúng ta làm, đều có khởi tâm động niệm, đều có tạo ác nghiệp. Vì thế, thiện căn và phước đức chẳng phải dễ tu!
Trong đời này, chúng ta thấy có những người thật sự tiếp nhận A Di Đà Phật, thật sự niệm Phật cầu vãng sanh, đó chẳng phải là do chút ít thiện căn, phước đức tu tập được trong đời này, mà là do thiện căn, phước đức mà họ đã tu tập, tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay. Nhìn từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy rất rõ: Vương tử A Xà Thế và năm trăm đại trưởng giả trong đời quá khứ đã từng trụ Bồ Tát đạo, đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Thiện căn, phước đức ấy có to lớn lắm không? Dĩ nhiên là rất to lớn! Vương Tử A Xà Thế và năm trăm vị đại trưởng giả nhất định là có phước đức rất lớn nên mới được nghe đức Phật giảng kinh Vô Lượng Thọ mà phát lòng hoan hỷ lớn, trong tâm lại dấy lên ý niệm “trong tương lai, ta thành Phật, sẽ giống như A Di Đà Phật.” Điều này đã khẳng định phước đức của họ chẳng phải nhỏ. Thế nhưng, tuy họ đã phát tâm như thế, mà chẳng thể dấy khởi lên được ý niệm “ta quyết định một dạ niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới,” thì phải biết thiện căn, phước đức của họ tuy nhiều, nhưng vẫn chưa đủ nhiều đến mức có thể phát khởi lên cái duyên với Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thế mà, hiện nay đồng tu chúng ta nghe kinh Vô Lượng Thọ, bèn lập tức tiếp nhận danh hiệu Phật, lại còn khăng khăng một mực y theo giáo pháp này tu học, quyết định bỏ sạch rốt ráo hết thảy các pháp môn khác, thì đó chứng tỏ là thiện căn và phước đức do chúng ta tu tập và tích lũy trong quá khứ đã vượt trỗi nhóm vương tử A Xà Thế quá nhiều, họ chẳng thể sánh bằng chúng ta. Đây là sự thật mà Phật đã giảng trong kinh này, một chút cũng chẳng giả dối! Nhất định chẳng phải vì chúng ta quá yêu thích pháp môn này mà thổi phồng pháp môn Tịnh độ một cách trái với sự thật.
Kinh Vô Lượng đã nói rõ, Vương Tử A Xà Thế và năm trăm vị đại trưởng giả đã trải qua rất nhiều số kiếp cúng dường 400 ức Phật, còn người nhất tâm xưng niệm cầu sanh Cực Lạc thì sao? Trong kinh này, đức Phật nói: Nếu ai sau khi nghe kinh điển này, một dạ phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, thì phải biết người ấy đã từng trải qua vô lượng vô biên số kiếp, cúng dường vô lượng vô biên đức Phật. Đây là sự thật được nói ra từ kim khẩu của đức Phật, thì nhất định, một chút cũng chẳng giả! Cũng lại từ kinh này, chúng ta thấy: Tôn giả A Nan sau khi thấy A Di Đà Phật, liền lập tức phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn nhóm vương tử A Xà Thế chẳng phát ra nổi cái tâm cầu vãng sanh. Đấy đã nói rõ “thiện căn, phước đức” của nhóm vương tử A Xà Thế thua “thiện căn, phước đức” của Tôn giả A Nan rất xa. Chân tướng sự thật là ở chỗ này đây!
Kinh Bảo Tích có nói đến mười thiện tâm: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ v.v…., cho đến cái tâm thứ mười là đối với chư Phật, xả lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm. Trọn đủ mười tâm ấy, bèn vãng sanh Tịnh độ.
“Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và Tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề và niềm vui tịch tỉnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy mới thật sự là chẳng có tâm tổn hại chúng sanh! “Pháp giới chúng sanh” là hết thảy chúng sanh trong pháp giới. “Tự tánh chúng sanh” là chính mình. Nói theo kinh Vô Lượng là “Đối với hết thảy chúng sanh xem như chính mình, đảm trách cứu giúp độ qua bờ giác.” Tiêu chuẩn này khá cao! Đối với người khác phải từ bi, đối với chính mình cũng phải từ bi, chớ nên gây tổn thương cho mình và người, thì đó mới là “đối với hết thảy chúng sanh xem như chính mình.” Người bất giác hằng ngày tổn hại chính mình, đấy cũng tức là chẳng từ bi với hết thảy chúng sanh. Nói một cách cạn cợt, nếu ta tự làm tổn thương chính mình, thì thử hỏi cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái, họ hàng quyến thuộc và bạn bè của ta có cảm lấy sự đau khổ lắm không ? Như vậy, nếu ta chẳng từ bi với chính mình, tự làm khổ mình, thì cũng chính là làm khổ những chúng sanh có quan hệ với mình. Như người đời thường nói : “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ,” là có mang ý nghĩa này !
Hằng ngày hại chính mình như thế nào? Hằng ngày đều tăng trưởng vô minh là hại chính mình. Hằng ngày đều tăng trưởng tà kiến là hại chính mình. Hằng ngày đều tăng trưởng tham, sân, si, mạn, nghi là hại chính mình. Vì sao? Vì vô minh, tà kiến, tham, sân, si, mạn, nghi là những thứ làm tổn hại Tự tánh chúng sanh, tức tự tạo tội lỗi với chính mình. Mỗi ngày chúng ta giác ngộ, mỗi ngày chúng ta giảm bớt mê hoặc, điên đảo, thì đó mới chính thực là dấy lòng đại từ đối với pháp giới chúng sanh và Tự tánh chúng sanh. Như vậy mới chẳng có lỗi với chính mình và cũng chẳng có lỗi với người khác. Hiện nay, chúng ta đang học Phật, tức là đang học cách thức làm thế nào để thành một vị Phật. Vậy, hãy nhìn cho kỷ cái tâm của chính mình xem, có phải là cái tâm ngày càng thanh tịnh hơn hay không? Có phải là trí huệ ngày càng tăng trưởng hơn hay không? Nếu đúng là như thế, thì đấy mới đúng thật là “dấy lòng đại từ đối với Tự tánh chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại.”
Chúng ta tu học Phật pháp chân chánh đích xác là tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát, chớ chẳng phải là tu theo hạnh của phàm phu. Cho nên, trước hết chúng ta phải độ chính mình; sau đấy mới có thể giúp đỡ người khác, tự lợi, lợi tha, lại giúp pháp giới chúng sanh lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ, thì đó mới là hạnh tu tập của Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng phải là hạnh tu của phàm phu! Do vậy, chúng ta phải biết: Thiện căn khó gieo, phước đức khó tu, còn ác nghiệp thì rất dễ tạo tác; như trong kinh Phật đã từng nói rõ: “chúng sanh khởi tâm động niệm đều là tạo ác nghiệp!” Bồ tát thì khác hẵn chúng ta, các Ngài luôn dấy lòng đại bi, chẳng có tâm bức não, nghĩa là đối với hữu tình thế gian và ngũ ấm thế gian, họ đều muốn dẹp trừ nỗi khổ bị cảnh giới bức bách, nỗi khổ bị phiền não trói buộc. Đó mới thật sự là “chẳng có tâm bức não.”
Bản thân chúng ta có phiền não, vướng mắc, lo âu, pháp giới chúng sanh cũng có những nỗi khổ này. Do đó, nếu chúng ta muốn giúp đỡ người khác lìa khổ được vui, thì trước hết phải dẹp trừ nỗi khổ của chính mình. Nói thật ra, cả hai điều ấy đều là rất khó, bất luận chúng ta tu học pháp môn nào cũng chẳng dễ dàng đạt được hai mục đích ấy. Cho nên, nói cho đến cuối cùng, sau hết thảy các kinh văn, bèn là kết quy Tịnh độ, vì sao phải kết quy Tịnh độ? Vì chỉ có tu pháp môn Tịnh độ mới là có thể dễ dàng đạt tới hai mục đích kia, chỉ trong pháp môn Tịnh độ chúng ta mới có thể làm được những điều như vậy.
Trong pháp môn Tịnh độ, tuy chúng ta nói là pháp dễ tu, chẳng khó, nhưng cũng đừng nên nghĩ nó quá dễ dàng mà coi thường. “Nói dễ dàng” là vì so sánh với các pháp môn khác, nó chẳng khó tu. “Nói kkông dễ dàng” là tùy thuộc chúng ta đã thật sự có đủ thiện căn, phước đức và nhân duyên để tiếp nhận pháp môn hày hay chưa? Nói đơn giản là, chúng ta có thật giác ngộ hay chưa? Nếu thật sự giác ngộ thì sẽ là rất dễ, nhưng nếu chưa giác ngộ thì lại là rất khó. Cái gì là khó nhất? Khó tin và khó hiểu là điều khó nhất trong các điều khó trong pháp môn Tịnh độ. Nhưng một khi đã thật sự tin tưởng, đã thật sự giác ngộ rồi, thì pháp môn này lại là dễ tu nhất, ngắn gọn nhất.
Thật sự giác ngộ điều gì? Thật sự giác ngộ, sanh tử là chuyện lớn, vô thường rất nhanh chóng. Chúng ta ở trong thế gian này, mạng người vô thường ví như tia lửa xẹt, như ánh sáng chớp; mười năm, hai mươi năm cho đến một trăm năm cũng chỉ là khảy ngón tay một cái đã trôi qua. Hiện thời, trong tâm tưởng, chúng ta cứ ngỡ là vẫn còn mười tám tuổi thanh xuân, nhưng nhìn vào gương thì thấy đã là ông già sáu mươi tuổi, mấy mươi năm kế tiếp cũng sẽ trôi qua rất nhanh! Từ nay về sau, chúng ta còn có được thời gian dài như thế nữa hay chăng? Chẳng có! Dẫu có thời gian dài ngần ấy, nhưng cũng chỉ là sát-na sẽ sớm trôi qua. Chúng ta hãy nghĩ đến đây, có thấy đáng sợ hay không? Một hơi thở ra mà chẳng hít vào được nữa, thì phải làm thế nào đây? Phàm tình chúng ta ở trong thế gian làm ra toàn những chuyện sanh tử luân hồi. Người khác làm ra chuyện sanh tử luân hồi, ta cũng làm ra chuyện sanh tử luân hồi, chẳng mấy ai có chút xíu hy vọng thoát khỏi luân hồi! Vậy, hãy tự hỏi chính mình, cá nhân ta có năng lực gì để thoát ra khỏi tam giới trong một đời này đây? Xin hãy chớ say sưa trong giấc mộng nữa, hãy tỉnh thức hồi đầu, nhìn thẳng vào sự thật này, mà quay về nương tựa đại nguyện lực từ bi của A Di Đà Phật, thì mới hy vọng thoát khỏi sanh tử luân hồi ngay trong một đời này. Đấy mới đúng là thật sự giác ngộ! Phật pháp nói “sanh tử nhọc nhằn,” sanh rồi tử, tử rồi sanh; thế mà từ vô thỉ kiếp tới nay chúng ta vẫn luôn làm ra những chuyện sanh sanh tử tử, không hề ngừng nghĩ. Ấy thế mà lại còn tưởng lầm là cá nhân mình có đủ năng lực thoát tam giới! Đây chẳng phải là giác ngộ, mà là vẫn còn say sưa trong giấc mộng! Vì thế, trong Kinh này, đức Phật nhắc nhở mười phương Bồ tát phải “liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn.”
Thật thà mà nói, hiện nay chúng ta vào trong Phật pháp vẫn giống như là vào trong “dư vang mộng huyễn,” vì sao? Vì chúng ta ở trong Phật pháp vẫn làm ra những chuyện sanh sanh tử tử, chớ chưa hề thật sự làm chuyện thoát luân hồi sanh tử. Điều này chúng ta phải tự phản tỉnh chính mình mới thấy được chân tướng sự thật! Hằng ngày chúng ta đều khởi tâm chấp trước, vọng tưởng, phân biệt chính là hằng ngày làm ra chuyện sanh sanh tử tử! Nếu chúng ta thật sự giác ngộ chân tướng sự thật này, thì hãy phát tâm dũng mãnh, từ nay trở đi, chẳng muốn luân hồi sanh tử nữa. Nay, chúng ta may mắn gặp gỡ pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, thì hãy ngay trong đời này sử dụng câu Phật hiệu ấy mà thoát ra khỏi vòng sanh tử, thì đó mới thật sự là biết phản tĩnh hồi đầu, không còn ở trong “dư vang mộng huyễn” nữa.
Người thế gian đừng nói chi đến kẻ chưa học Phật, hoặc không biết đến Phật pháp, ngay cả những đồng tu đã từng học Phật rất nhiều năm, nhưng có thể nói đại đa số vẫn là “sống say, chết mộng!” Vì sao? Vì vẫn chưa liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn. Có mấy ai từ trong giấc mộng mà giác ngộ, thức tỉnh đâu? Quá ít quá ít! Trong một vạn người học Phật, có mấy kẻ suốt ngày từ sáng đến tối chỉ biết nhất tâm niệm một câu “A Di Đà Phật,” chỉ giữ lấy một nguyện quyết định vãng sanh, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi? Thật sự là chẳng có mấy ai làm được chuyện này! Vậy, nếu chúng ta gặp được người làm được chuyện này thì phải biết người ấy chẳng phải là phàm nhân, vì sao? Phàm nhân chẳng liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn, nên cũng chẳng có bản lãnh buông xả vạn duyên, buông xuống hết tất cả pháp, một dạ niệm Phật cầu sanh Cực Lạc! Cho nên, chúng ta phải hết sức cung kính, tôn trọng những vị Bồ tát đã làm được điều này.
Người khác thấy họ niệm Phật như vậy, tưởng là họ đang “sống say, chết mộng” hoặc đang chìm đắm trong “như dư vang mộng huyễn,” nào ngờ họ mới chính thực là người tỉnh thức ngay trong giấc mộng. Tuy từ lúc sơ phát tâm, họ cũng chỉ là niệm Phật trong mộng, vẫn đang nằm mộng niệm Phật, vẫn còn đang mê hoặc, điên đảo, nhưng do sự gia trì của đức Phật A Di Đà, nên ngay trong giấc mộng ấy họ thoát nhiên tỉnh thức hồi đầu, niệm niệm đều tự nhiên tương ứng với đại nguyện của A Di Đà Phật, nên lúc lâm vãng sanh Cực Lạc, vượt khỏi tam giới. Như vậy, ai là người đang sống say, chết mộng? Ai là người thật sự triệt để giác ngộ?