Bài này được viết trong ngày gần Ngày Lễ Mẹ tại Hoa Kỳ, để cúng dường Tam Bảo, và dâng tặng tất cả các bà mẹ từ vô lượng kiếp trên đời này. Bài này ghi về một số vị Thánh Ni thường được nhắc tới trong kho tàng Kinh Tạng Pali, cụ thể tổng hợp từ Therigatha, các sách “Psalms Of The Sisters” của dịch giả Mrs. Rhys Davids, “Inspiration from Enlightened Nuns” cùa dịch giả Susan Elbaum Jootla, “Buddhist Women at the Time of The Buddha” của dịch giả Hellmuth Hecker (dịch từ bản tiếng Đức của Ni Trưởng Khema). (1) Các Thánh Ni này trước khi xuất gia đã là những bà mẹ trong những hoàn cảnh rất mực đau khổ.
THÁNH NI UBBIRI Trải qua nhiều kiếp quá khứ, bà Ubbiri đã có nhiều công đức trong thời của nhiều vị Cổ Phật. Trong một kiếp ở thời Cổ Phật Padumuttara Buddha, bà sinh tại thị trấn Haŋsavatī. Một hôm, khi ở nhà một mình vì ba mẹ dự tiệc ngoài phố, bà nhìn thấy một vị A La Hán trới gần nữa, bà mới bước ra cung thỉnh vị sư tới trước nhàm mời ngài ngồi, lấy bình bát của ngài và chất đầy thức ăn dâng cúng. Vị trưởng lão thọ nhận, cảm ơn và bước đi. Nhờ công đức như thế, bà sinh lên cõi trời. Tới thời Đức Phật Thích Ca, bà sinh trong một gia tộc quyền quý ở thành Savatthi.
Vì bà xinh đẹp, Vua Kosala đưa bà vào nội cung. Vài năm sau, bà sinh hạ môt bé gái tên là Jiva. Vua hài lòng, tấn phong bà Ubbiri làm Hoàng Hậu. Một thời gian ngắn sau, bé gái từ trần, và bà tới khóc con hàng ngày ở nghĩa trang. Một hôm, bà tới bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật, ngồi xuống giây lát, và rồi bước ra, đứng than khóc bên bờ Sông Achiravatī.
Đức Phật hiện thần thông, tới trước mặt bà và hỏi: Tại sao con khóc?
Hoàng hậu đáp: Bạch Thế Tôn, con khóc con gái của con.
Đức Phật nói: Thiêu xác trong nghĩa trang này có 84,000 đứa con gái của con, con muốn khóc đứa nào?
Oai lực từ lời dạy của Đức Phật Thích Ca và công đức nhiều kiếp quá khứ tức khắc giúp bà Ubbiri nhìn thấy cái mênh mông vô tận của cõi luân hồi, và nhận ra bà đã nhiều kiếp ẵm xác con ra thiêu nơi nghĩa trang này.
Đức Phật đọc bài kệ:
Người khóc trong rừng: "Jiva, con gái ta ơi."
Ubbiri, tỉnh thức đi: 84,000 đứa con trước giờ đều có tên Jiva
đã thiêu xác nơi nghĩa trang này.
Ngươi thương khóc đứa con nào?
.
Hoàng Hậu Ubbiri tức khắc đắc quả A La Hán. Đây là một trong vài trường hợp hy hữu, đắc quả cao nhất trong khi chưa xuất gia.
Bà Ubbiri đọc bài thơ tạ ơn Đức Phật:
Xong rồi, đã hoàn toàn
bứt ra mũi tên rất mực khó thấy
từ trái tim con
Con đang tràn ngập nỗi đau đớn vì thương đứa con gái
Và Đức Thế Tôn đã lấy ra nỗi đau cho con.
.
Hôm nay -- với mũi tên bứt ra
không còn tham luyến gì, toàn bộ
là Niết Bàn --
Đối trước Phật, Pháp, Tăng
con xin quy y Tam Bảo.
.
THÁNH NI KISAGOTAMI Tại thành Savatthi có một bé gái tên là Gotami, sinh trong giai cấp thấp. Bởi vì cô bé rất gầy gò, xanh xao, cho nên mọi người gọi Kisagotami, nghĩa là, Gotami Ốm Nhom.
Cô buồn vì nghèo và kém nhan sắc. Một hôm, một thương gia giàu nhận ra tâm hồn cao quý của cô, và kết hôn với cô bất kể giai cấp cách biệt. Gia đình chồng cô không hài lòng, thường gây nhiều phiền não cho cô và chồng cô. Khi Kisagotami sinh một bé trai, cả gia tộc bên chồng mới chấp nhận cô là mẹ đứa con trai nhỏ kia, người sẽ thừa kế gia tài lớn. Cô hạnh phúc, trong khi đứa con trai lớn dần từng ngày. Một hôm đứa con trai nhỏ của cô chết đột ngột. Cô đau đớn vô cùng tận. Cô lo sợ gia tộc nhà chồng, và cả chồngc ô, có thể hất hủi cô.
Nỗi đau đã làm cô sống trong ảo tưởng rằng đứa con trai chưa chết, mà chỉ đang bệnh thôi. Và do vậy, cô cần đi xin thuốc về chữa bệnh cho con. Cô ẵm xác con trên tay, chạy ra khỏi nhà, và đi từ nhà này sang nhà kia hỏi xin thuốc cứu mạng cho con.
Tới gõ cửa từng nhà, cô nói, “Làm ơn cho tôi thuốc chữa bệnh cho con tôi,” nhưng mọi người trả lời rằng không có thuốc nào cứu nổi, vì em bé đã chét rồi. Nhưng cô không hiểu mọi người nói gì, vì cô cứ nghĩ trong tâm rằng đứa con chưa chết. Trong khi một số người cười cô không còn tỉnh táo nữa, một người tử tế nói với cô rằng hãy tới xin thuốc từ Đức Phật, một đại y vương có thể chữa được tất cả nỗi khổ trần gian này.
Cô tức khắc chạy tới Tu Viện Anathapindika's Monastery, tại Vườn Jeta, nơi Đức Phật đang cư ngụ. Cô tới nhằm lúc Đức Phật đang giảng kinh cho một hội chúng đông người. Nước mắt ràn rụa, cô ẵm xác con tới trước Đức Phật, xin thuốc cứu con nhỏ. Đức Phật gián đoạn buổi giảng, trả lời cô rằng Đức Phật biết có thuốc chữa. Cô vui mừng hỏi, xin cho con biết tìm thuốc ở đâu.
Đức Phật trả lời, “Hạt mù tạt (mustard seeds).” Mọi người nghe đều bất ngờ.
Cô Kisagotami vui mừng, hỏi rằng tìm ở đâu, và tìm loại hạt mù tạt nào. Mù tạt còn gọi là cải mù tạt, dùng làm gia vị thức ăn ở Ấn Độ.
Đức Phật nói rằng cô chỉ cần một lượng rất nhỏ hạt mù tạt từ bất kỳ căn nhà nào mà chưa có ai từng chết. Cô cảm ơn Đức Phật và tức khắc trở về thị trấn, gõ cửa từng nhà để xin hạt mù tạt. Tất cả đều trả lời cô rằng họ có hạt mù tạt, nhưng nhà nào cũng từng có người chết. Cô nhận ra một sự thực: người chết còn nhiều hơn cả người sống, và không chỉ riêng cô đau đớn vì người thân chết, mà đây là số phận của nhân loại, và hễ có sinh tất có tử.
Cô Kisagotami mang xác con tới nghĩa trang, chấp nhận rằng con mình đã chết. Rồi cô trở về tạ ơn Đức Phật. Đức Phật hỏi rằng cô có tìm được hạt mù tạt nào như thế không. Cô nói rằng nỗi đau đớn của cô đã được Đức Phật chữa lành.
Đức Phật nói bài kệ -- được ghi lại trong Kinh Pháp Cú Kệ 287:
Người nào có tâm tham đắm con cái và gia súc
Sẽ bị cái chết nắm lấy và dẫn đi, như cơn lụt lớn cuốn trôi ngôi làng say ngủ.
Ngay khi nghe như thế, cô Kisagotami đắc quả Dự Lưu. Cô lúc đó xin xuất gia.
Sau một thời gian tu hành, một đêm Ni Sư nhìn thấy ngọn đèn lay động qua lại y hệt như kiếp người chuyển động giữa hai cõi sinh và tử. Ngay lúc đó, Đức Phật hiện thần thông, tới trước cô và đọc bài kệ (ghi lại trong Kinh Pháp Cú Kệ 114):
Hễ ai sống một trăm năm, mà không thấy được Niết Bàn
không bằng chỉ sống một ngày thôi, mà thấy được Niết Bàn.
Nghe xong bài kệ này, Ni sư Kisagotami nhìn thấy tất cả phiền não biến mất và liền đắc quả A La Hán.
Kinh sách kể rằng trong một kiếp rất xa, dưới thời vị Cổ Phật Buddha Phussa, Ni sư từng là vợ của một vị Bồ Tát. Trong một kiếp gần hơn, dưới thời Cổ Phật Buddha Kassapa trước thời Đức Phật Thích Ca, Ni sư là con gái một vị vua và xuất gia làm Ni cô.
Trưởng Lão Ni Kệ có ghi lại bài thơ của Thánh Ni Kisagotami, có những câu cuối:
…Người phụ nữ tội nghiệp, thân nhân đều chết
và vô lượng nỗi khổ người đã trải qua
Với quá nhiều nước mắt ngươi đã khóc
cho nhiều ngàn kiếp đã qua…
…Đã hoàn tất trong tôi là
Bát Chánh Đạo, đường tới Bất Tử,
Niết Bàn đã nhận ra
khi tôi nhìn vào tấm kính của Pháp
Với mũi tên đã được gỡ bỏ
gánh nặng đã buông xuống, những gì cần làm đã làm xong.
Tôi là vị ni già Kisagotami,
với tâm giải thoát, hát bài thơ này.
.
Sách ghi rằng Thánh Ni Kisagotami được xếp vào danh sách 75 vị Ni nổi bật của Ni Đoàn, trong đó bà nổi tiếng về khổ hạnh, mặc vải thô.
.
THÁNH NI PATACARA Patacara là cô con gái xinh đẹp của một thương gia rất giàu ở thành Savathi. Năm 16 tuổi, cô bị ba mẹ đưa vào một tòa tháp cao 7 tầng, cô ở tầng cao nhất, có người canh gác để không liên hệ với chàng trai nào. Dù vậy, cô yêu thương một người hầu trong nhà ba mẹ cô.
Khi ba mẹ sắp xếp để cô sẽ kết hôn với một thanh niên cùng giai cấp, cô quyết định cùng tình nhân trốn đi. Cô thoát từ tháp cao xuống, và hai người đi tới một nơi xa. Chồng làm nông và cô làm những việc trước kia chỉ để người hầu của cô làm.
Khi cô có thai, cô năn nỉ người chồng mang cô về nhà ba mẹ để sanh nở, nói rằng ba mẹ cô sẽ tha thứ cô bất kể chuyện gì đã xảy ra. Chồng cô từ chối, vì sợ sẽ bị hành hung hay bị tống giam. Cô quyết định tự về nhà ba mẹ. Khi chồng cô thấy cô biến mất, và nghe hàng xóm kể rằng cô đã đi, mới chạy theo, thuyết phục cô về với anh. Cô không chịu.
Trước khi họ tới thành Savatthi, cô chuyển bụng, và sinh ra một bé trai. Thế là không còn cớ gì để về nhà ba mẹ cô. Họ về lại ngôi làng kia, làm nông tiếp. Rồi cô có bầu lần thứ nhì, và yêu cầu chồng đưa cô về với ba mẹ. Chồng cô từ chối, cô lại bỏ đi, chồng cô đi theo. Một trận bão lớn tới, mưa giông ào ạt. Cô chuyển bụng, yêu cầu chồng cô tìm nơi tạm trú. Chồng cô tính dựng lều tạm, sửa soạn chặt một cây nhỏ. Một con rắn độc lúc đó cắn chồng cô chết tức khắc.
Patacara chờ tuyệt vọng, sinh bé trai thứ nhì. Cả hai em bé khóc giữa mưa bão, nên cô dùng thân cô che mưa cho hai con cả đêm. Tới sáng, cô ẵm em bé mới sinh bên hông, tay dắt đứa kia để tìm chồng. Mới vài bước, cô thấy xác chồng nằm đã lạnh cứng. Cô ngồi khóc miết.
Cô tiếp tục cùng hai con về nhà ba mẹ, nhưng khi tới dòng sông Aciravati, nơi nước dâng cao vì mưa lớn. Cô biết sức yếu, không đưa cả hai con qua sông được, nên đặt đứa con lớn bên bờ sông và mang em bé sơ sinh sang bờ kia trước, tính sẽ trờ lại mang đứa lớn sang sau. Khi tới giữa dòng, một chim ưng thấy bé sơ sinh, nhầm là một con mồi, nên dùng móng hai chân cắp em bé mang đi, bất kể cô Patacara khóc la.
Cậu bé lớn nhìn thấy mẹ ngưng giữa sông và nghe tiếng mẹ kêu lớn, tưởng là mẹ gọi cậu, nên xuống sông ra theo mẹ. Tức khắc, dòng sông cuốn trôi cậu bé. Cô Patacara đau đớn, trong một ngày mất cả chồng và 2 con. Khi tới gần thành Savatthi, cô gặp một người bước từ cửa thành ra. Cô hỏi về gia đình cô, nhưng người này không chịu trả lời. Khi cô nài nỉ, ông này mới kể rằng trận bão đã phá sập nhà, giết cả ba mẹ cô cùng với một người anh/em của cô, và hỏa thiêu vừa xong. Nghe như thế, cô đau đớn, tự xé áo quần, than khóc, đi lang thang… Người ta ném đá, không cho cô tới gần nhà họ.
Lúc đó, Đức Phật đang ở Tu viện Anathapindika's Monastery, trong vườn Jeta. Đức Phật nhìn thấy cô Patacara từ xa, nhận ra trong một kiếp quá khứ, cô đã có quyết tâm trở thành một vị ni giỏi về Luật. Đức Phật nói đại chúng để cô tới gần Ngài. Ngay khi tới gần Đức Phật, nhờ sức thần thông của Đức Phật, cô tỉnh trở lại, tự thấy cơ thể đang lõa lồ, mắc cỡ, nên bò mọp xuống đất. Lúc đó, một vị cư sĩ ném cho cô một tấm vải khoác, để cô quấn quanh người, và cô quỷ lạy dưới chân Đức Phật, kể lại thảm kịch mất toàn bộ người thân.
Đức Phật lắng nghe và từ bi nói rằng những kinh nghiệm đau thương đó chỉ là những giọt rất nhỏ trong biển sóng vô thường mà chúng sinh đang ngụp lặn. Đức Phật nói rằng trong vô lượng kiếp, cô đã khóc người thân nhiều hơn nước trong bốn biển.
Đức Phật nói bài kệ:
Nước trong bốn biển cũng không nhiều bằng
nước mắt một người khóc trong vô lượng kiếp.
Trong đau thương sầu khổ
Sao phụ nữ này vẫn còn chưa lo tu học?
Nghe như thế, tức khắc, cô đắc quả Dự Lưu. Thánh Ni Patacara tinh tấn tu học thêm, một thời gian sau đắc quả A La Hán.
Đức Phật nói rằng Thánh Ni Patacara đứng hàng đầu bên Ni giới về Giới Luật.
Thánh Ni Patacara có bài thơ trong Trưởng Lão Ni Kệ, trích như sau:
.
Một hôm, rửa chân, tôi nhìn thấy nước
chảy từ cao xuống thấp,
từ đó, tâm tôi đã an bình
y hệt như một tuấn mã thuần chủng.
.
Về căn lều, tôi thắp ngọn đèn
nhìn ngọn lửa, tôi lấy kim
đưa bấc xuống dầu
Ô ngọn lửa nhỏ bỗng tắt
Niết Bàn hiện ra! Tâm tôi hoàn toàn giải thoát.
.
THÁNH NI SONA Sona là một phụ nữ ở thành Savatthi có mười đứa con. Bà bận rộn liên tục nhiều năm vì sinh con, chăm sóc con, dạy con và sắp xếp hôn nhân cho các đứa con. Những đứa con là trọn đời bà. Người ta gọi bà là “Sona nhiều con.”
Chồng bà Sona là một cư sĩ của Đức Phật. Sau nhiều năm sống trong đời thường, ông quyết định xuất gia. Bà Sona thấy đời mình cần quyết định chuyên tâm tu học, nên thông báo cho các con và dâu rể rằng bà cần thời gian cho tu học.
Các con không nói, nhưng thấy không vui, bất kể mẹ già đã giành nhiều thập niên chăm sóc con cháu. Khi bà cảm thấy các con không vui, bà nhận ra rằng tất cả những tình yêu thương trong gia đình là để mong đợi đền bù, mong đợi chăm sóc. Bà Sona quyết định xin xuất gia.
Trong Ni đoàn, một vài vị ni chỉ trích Ni sư Sona về một số chuyện nhỏ nhặt. Ni sư Sona vào Ni đoàn trong cương vị một bà lão cao niên, mang theo nhiều thói quen đời thường vào môi trường mới, đã quen làm một số việc theo kiểu cũ, trong khi các vị ni khác làm khác hơn.
Do vậy, Ni sư Sona quyết ra sức học các bài Kinh Đức Phật dạy, học thuộc lòng trong trí nhớ, trong khi đối xử với các vị ni khác bằng lòng yeu thương, và liên tục tu trì chánh pháp. Một thời gian sau, Ni sư Sona chứng quả A La Hán. Một hôm, khi nói rằng Thánh Ni Sona đã hoàn toàn dứt sạch phiền não, Đức Phật nói rằng Ni sư Sona là đứng đầu trong Ni giới về tinh tấn tu học.
Thánh Ni Sona để lại trong Trưởng Lão Ni Kệ (Thig 102-106) bài thơ, dịch như sau:
Mười đứa con đã sinh ra từ tấm thân sồ sề này
bây giờ tôi già và yếu, tới một Ni sư hỏi Pháp
Ni sư này dạy tôi Pháp về -- năm uẩn,
mười hai xứ (6 căn, 6 trần)
và mười tám yếu tố (6 căn, 6 trần, 6 thức)
Tôi nghe Pháp
và cạo đầu, xuất gia.
.
Trong khi còn là tập sự nữ tu
tôi thanh tịnh được thiên nhãn
biết những kiếp xưa cũ
và những nơi tôi đã sống lâu xa.
.
Với nhất tâm, an tĩnh
tôi tu pháp Vô Tướng
tức khắc giải thoát
tịch lặng rồi, không gì để trụ.
.
Biết rõ ngũ uẩn vẫn còn
nhưng gốc rễ chúng đã nhổ xong
Tâm tôi bất động
trên nền vững không lay chuyển
bây giờ không còn tái sanh nữa.
.
Trường hợp Thánh Ni Sona rất dị thường, vì tuổi cao, sức yếu, trong khi mới vào, chưa thọ đại giới, đã đắc quả A La Hán, vì tu Pháp Vô Tướng (Signless Meditation, một trong Tam Giải Thoát Môn: Không, Vô Tướng, Vô Tác), và được Ni sư gọi đó là tức khắc giải thoát, tức khắc có tâm vô sở trụ, một sự tỉnh thức không đối tượng. Không như đời thường chúng ta, mới tu hành thường là tập thở, tập tỉnh thức có đối tượng.
Đoạn kệ áp chót đó được viết:
One-pointed, well-composed,
the Signless I developed,
immediately released,
unclinging now and quenched!
.
GHI CHÚ: (1) Nối kết các nguồn như sau.
Therigatha: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/thig/index.html
Psalms Of The Sisters by Mrs. Rhys Davids:
http://digital.library.upenn.edu/women/davids/psalms/psalms.html
Inspiration from Enlightened Nuns by Susan Elbaum Jootla:
https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/jootla/wheel349.html
Buddhist Women at the Time of The Buddha by Hellmuth Hecker (translated from the German by Sister Khema):
https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/hecker/wheel292.html