Cầm quyển sách Khảo Luận dày 370 trang của Hòa Thượng Thích Phước An viết trong nhiều năm tại Việt Nam, và tháng 11 năm 2016 vừa rồi nhà Xuất Bản Hồng Đức đã cho in ấn phát hành. Sách do Đạo hữu Nguyên Trí mang tay qua Đức và có cả chữ ký của Tác giả nữa. Xin vô vàn niệm ân Hòa Thượng. Lâu nay chỉ được nghe danh chứ chưa được diện kiến, Hòa Thượng lại sinh cùng năm 1949 với tôi và hiện nay Ngài đang ở tại chùa Hải Đức, Nha Trang. Đây cũng là một niềm vui, vì mùa An Cư Kiết Hạ năm 2017 này tôi có nhiều thời gian để đọc kinh sách, vì lẽ sách viết năm nay đã xong và các Phật tử đang hoàn thiện khâu đánh máy cho quyển “Phóng tác lịch sử tiểu thuyết về cuối Lý đầu Trần và mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa”. Sang năm 2018 quý vị sẽ có sách này để đọc.
Đã gọi là Khảo Luận thì cũng có thể những bài này đã được thuyết trình ở đâu đó, trong những Khóa Tu Học hay Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo v.v…, nhưng hình như Thầy viết chỉ để giải tỏa những tâm sự của một người trí thức Phật Giáo trong một hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước hiện nay, nên chỉ lấy bối cảnh lịch sử và những con người lịch sử cùng tư tưởng của họ để trực tiếp hay gián tiếp nói lên sự suy tư của mình cho một Đạo Phật Việt Nam bây giờ và mai hậu. Do đó qua những lời bình của Tác giả với từng tiêu đề, người đọc thấy rõ được việc này, ví dụ như những chương viết khảo luận về Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Thiền Sư Huyền Quang, Nguyễn Du v.v… thì ít nhiều tôi đã đọc đâu đó từ lâu rồi. Tuy nhiên ở những chương này, Thầy Phước An đã khảo cứu thêm nhiều bài thơ chữ Hán hay chữ Nôm của họ sáng tác, mà từ lâu rồi trong thi ca cổ điển của văn học Việt Nam cũng khó tìm đâu ra được. Đây cũng là một điểm mới trong những khảo luận này. Điều làm tôi tâm đắc và khâm phục là lần đầu tiên nghe đến Trần Quang Triều, Ông sinh năm 1286, là con cả của Trần Quốc Tảng và là cháu nội của Trần Hưng Đạo, ông cũng là một Phật tử thuần thành cho nên Thầy Phước An đã dành tiêu đề cho bài khảo luận là: Trần Quang Triều, người gìn giữ ngôi chùa tâm linh của quê hương. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ của Trần Quang Triều do Thầy Phước An giới thiệu.
Rồi đến Trần Minh Tông, sự ân hận của một nhà vua Phật tử với bài thơ:
Lúc đói, no nê một bát cơm
Nước trong đầy bình đủ giải cơn khát
Trên chiếc gối ở giường mây, đánh giấc ngủ trưa
Chính là sung sướng thật sự ở trong đó.
Đọc bài này xong ta thấy Trần Minh Tông có tư tưởng không khác với Điều Ngự Giác Hoàng là mấy trong bài Cư Trần Lạc Đạo như sau:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi, mệt nghỉ liền
Của báu trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền
(Lê Mạnh Thát dịch)
Đến Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm lại một lần nữa làm cho tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì Thầy Phước An tìm lại được những bài thơ vô cùng quý hiếm để tự hỏi rằng: Nguyễn Trãi có phải là một Thiền Sư không? Nhưng trước tiên chúng ta phải rõ Nguyễn Trãi là một nhà Nho, một danh tướng, một công thần, một quân sư của Vua Lê Lợi khi chống lại nhà Minh từ những năm 1418 đến 1427. Và cũng là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo, trong đó ta thấy được tư tưởng của ông qua cách chủ trương đánh giặc Minh mà cũng đem tấm lòng của một bậc anh hùng dân tộc ra khuyên lính như sau:
… “Áo không, ta cởi áo cho
Cơm không, ta sẻ cơm cho no lòng”…
Rồi sau khi lên làm vua, Lê Lợi được Nguyễn Trãi khuyên rằng: “Dân cũng giống như nước, Vua giống như kẻ lái thuyền. Chính nước đó sẽ chở thuyền đi đến nơi đến chốn và chính nước đó cũng sẽ lật thuyền. Bệ Hạ hãy khéo xét phân.” Đây là trung ngôn và chắc rằng sẽ nghịch nhĩ với những bạo chúa, nhưng với Lê Lợi thì không, nên nhà Hậu Lê đã bền vững cả hằng mấy trăm năm lịch sử sau đó. Nhưng sau này thì Nguyễn Trãi đã bị án oan và bị tru di tam tộc do chính triều đình mà Ông phục vụ ban lệnh, Ông đã bị giết vào năm 1442. Còn Ngô Thì Nhậm thì bị ngã gục bởi sự đối ngịch với triều đại Tây Sơn mà Ông đang phục vụ. Thầy Phước An nhận định rằng: “Bởi vậy hai cái chết của hai nhà đại trí thức của dân tộc vẫn để lại vết thương đau đớn không phải chỉ ở thời đại của Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm thôi, mà vết thương đó vẫn tiếp tục mưng mủ cho đến nhiều thế kỷ về sau nữa, đặc biệt là đối với những người biết vui cũng như buồn về lẽ thịnh suy của lịch sử dân tộc.”
Đọc đến Thiền Sư Chân Nguyên (1647-1726) với tín ngưỡng Di Đà tại Việt Nam và với thế giới quan cho người dân quê Việt Nam, thì ta mới biết là có một tác phẩm đặc biệt dành riêng cho Tịnh Độ Tông. Đó là tác phẩm Tịnh Độ Yếu Nghĩa và được Giáo Sư Lê Mạnh Thát xem như một tác phẩm lý luận của Phật Giáo Việt Nam. Vào năm 2012 khi tôi viết quyển “Tư Tưởng Tịnh Độ Tông”, lúc đi tìm tài liệu về Tịnh Độ Tông Nhật Bản thì không khó, vì các vị Tổ Sư đều rõ ràng. Họ lấy hai vị Tổ Sư người Ấn Độ dẫn đầu là Ngài Long Thọ (Sơ Tổ), Ngài Thế Thân (Nhị Tổ). Rồi Trung Hoa có 3 vị, đó là Ngài Đàm Loan (Tam Tổ), Ngài Đạo Xước (Tứ Tổ), Ngài Thiện Đạo (Ngũ Tổ). Lúc ấy tôi lấy làm lạ là tại sao người Nhật không lấy Ngài Huệ Viễn làm sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa mà là Ngài Đàm Loan (Xem thêm sách đã dẫn để biết lý do). Kế tiếp tôi tra qua Phật Quang Đại Tự Điển do Hòa Thượng Quảng Độ dịch thì thấy Ngài Đàm Hoằng đã đến Giao Châu chúng ta vào thế kỷ thứ năm (422) và ở núi Tiên Du tu theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh cho đến năm 455 thì tự hỏa thiêu và viên tịch. (Có thể tham cứu thêm Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập của Giáo Sư Lê Mạnh Thát). Như vậy có thể kết luận rằng Tịnh Độ Tông truyền sang Việt Nam chúng ta trước cả Thiền Tông nữa. Vì phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền đến Việt Nam chúng ta sau cả gần 200 năm lịch sử so với Tịnh Độ. Do vậy mà trong những ngày lễ Chúc tán thù ân ở Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc này, sau khi xướng Ngài Khương Tăng Hội là Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam, tiếp theo tôi xướng Ngài Đàm Hoằng là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam và sau đó mới đến Thiền Tông. Người Nhật cũng vậy, họ lập Ngài Nguyên Tín (Lục Tổ), Ngài Pháp Nhiên (Thất Tổ) và Ngài Thân Loan (Bát Tổ). Có lẽ Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng nên làm một Pháp Phái của Tịnh Độ Tông từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 17,18 như thế để Tịnh Độ Tông Việt Nam có một sự truyền thừa rõ rệt hơn.
Thầy Phước An cũng đã viết khảo luận về “Núi Hồng Lĩnh nơi nuôi dưỡng lòng từ bi của thi hào Nguyễn Du” và cũng đã trích Kiều cũng như những vần thơ của Nguyễn Du khi sống tại quê nhà với thân phụ Nguyễn Nghiễm hay bào huynh của mình. Nơi đâu sông, núi, mây, sương vẫn là chốn bồng lai tiên cảnh của Đại Thi Hào và đặc biệt là Phật Giáo. Nếu Cụ Nguyễn Du không đọc Kinh Kim Cang đến 1.000 lần hay Pháp Hoa và Hoa Nghiêm thì tác phẩm Kim Vân Kiều cũng khó mà hình thành, nhất là sau khi đi sứ sang Trung Hoa vào triều Gia Long năm 1813, nghĩa là cách nay hơn 200 năm và cho dù 100 năm nữa chắc cũng sẽ không có người sinh ra trong thời tao loạn như Nguyễn Du, đã phải làm quan trong 3 triều đại của Vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, rồi nhà Nguyễn Tây Sơn và cuối cùng là Gia Long Nguyễn Ánh. Thân phận làm tôi trung trong 3 triều đại ấy cũng đâu có khác gì phận bạc của nàng Kiều trải qua một cuộc đời hồng nhan bạc mệnh? Nên Ông đã thốt lên câu:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Tiếp đến là bài khảo luận về “Một vài cảm nhận nhân đọc lịch sử Phật Giáo Việt Nam của Giáo Sư Lê Mạnh Thát” thì Thầy Phước An cho biết rằng Thầy Lê Mạnh Thát mới viết đến đời Trần Thánh Tông (1278) nhưng đã 3.000 trang rồi. Những tập sách này thì tôi cũng đã đọc và đã phát hiện ra rằng Đạo Phật Việt Nam đã được truyền vào từ đời vua Hùng Vương thứ 18 và Chử Đồng Tử cùng Công chúa Tiên Dung là hai người Phật tử đầu tiên của nước Việt theo tinh thần của Lục Độ Tập Kinh mà Giáo Sư Lê Mạnh Thát đã chứng minh. Nghĩa là sự chứng minh này đã vượt thời gian sớm hơn 200 năm về trước qua sự chứng minh của Nguyễn Lang (Thiền Sư Nhất Hạnh) vào thế kỷ thứ nhất trong tác phẩm “Phật Giáo Việt Nam Sử Luận” và Hòa Thượng Thích Mật Thể qua tác phẩm “Phật Giáo Việt Nam Yếu Lược” đã chứng minh vào cuối thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch. Hôm nay ở trong phần này tôi cũng đã phát hiện thêm phần “Cao Tăng cầu pháp Tây Thiên Trúc” đời nhà Đường (618-907), lại có Ngài Đại Thừa Đăng người Giao Châu đã cùng với các vị Sư Trung Hoa sang Thiên Trúc thỉnh kinh, và lúc về lại kinh đô Trường An năm Trinh Quán thứ 19 (646) được vua Đường Thái Tông giao cho cung Ngọc Hoa, để Ngài Huyền Trang phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán những kinh sách mang về từ Ấn Độ trong 19 năm như vậy. Đến năm 665 Ngài Huyền Trang viên tịch thì sử này cho biết có từ bảy đến tám phần mười những bộ Kinh mà Ngài Huyền Trang phiên dịch sang chữ Hán là do Ngài Đại Thừa Đăng người Giao Châu của chúng ta bút thọ (nhuận bút). Như vậy chứng tỏ rằng khả năng tiếng Phạn và chữ Hán của Ngài Đại Thừa Đăng rất giỏi nên Ngài Huyền Trang mới giao cho việc giảo chính đó. Chữ Pradipa, Ngài Huyền Trang dịch là Quang, còn Ngài Nghĩa Tịnh thì dịch là Đăng, nhưng theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát thì hai vị này là một người chứ không phải hai người. Đây cũng là niềm hỷ lạc mới mà chư Tăng Ni cũng như Phật Tử Việt Nam chúng ta nên biết. Vì lẽ lâu nay ai tu học theo Đại Thừa Phật Giáo Trung Hoa cũng đều tán thán công đức của Ngài Huyền Trang không ít, nhưng nay lại có Ngài Đại Thừa Đăng, người Giao Châu của chúng ta đã hiệu đính cho những bản dịch này từ chữ Phạn sang chữ Hán của Ngài Huyền Trang nữa, thì đây là một niềm an ủi lớn lao cho người Việt Nam của chúng ta dù đang sống ở trong hay ngoài nước Việt Nam.
Đến phần “Toàn Nhật Thiền Sư với những nẻo đường cát bụi của quê hương và người muốn đưa tinh thần Phật Giáo đời nhà Trần xuống cho triều đại Tây Sơn” cũng rất là đặc biệt. Hai bài này đều dựa phần chính vào sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1,2,3 cũng như Pháp Chuyên Luật Truyền và Toàn Nhật Quang Đài toàn tập của Giáo Sư Lê Mạnh Thát cũng như tác phẩm “Lược Sử Phật Giáo Việt Nam và các chùa Phú Yên” của hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn. Trở về lại lịch sử truyền thừa của Thiền Phái Chúc Thánh để chúng ta hiểu thêm về Toàn Nhật Quang Đài như sau: Năm 1695 Ngài Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo (1670-1746) đã cùng với Hòa Thượng Thạch Liêm và Hội Đồng Thập Sư từ Trung Hoa sang Hội An và Bình Định, rồi Thuận Hóa để kiến đàn truyền giới cho chư Tăng Ni cũng như Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau đó Ngài Minh Hoằng Tử Dung ở lại Huế, Ngài Minh Hải Pháp Bảo và Ngài Minh Lượng Thành Đẳng vào Hội An, lập nên chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức. Ngài Minh Hải truyền pháp cho Ngài Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm (1712-1796); Ngài Thiệt Dinh khai sơn và Trụ Trì chùa Phước Lâm ở Hội An từ năm 1736 đến năm 1796. Trong thời gian này thì Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1726-1798) từ Thăng Bình Quảng Nam đến chùa Phước Lâm để xin làm Đệ Tử của Ngài Thiệt Dinh, sau đó Ngài Pháp Chuyên vào Bình Định và đến Phú Yên khai sơn chùa Từ Quang và làm Trụ Trì từ năm 1797 đến năm 1798. Ngài chỉ Trụ Trì ở chùa Từ Quang một năm rồi viên tịch, giao lại cho một trong mấy chục đệ tử đắc pháp với Ngài là: Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên (1765-1844) Trụ Trì từ năm 1798 đến 1844. Còn Ngài Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài (sanh ngày 28.10.1757 mất ngày 6.4.1834, thọ 78 tuổi) không làm Trụ trì chùa Từ Quang theo như Phổ Hệ đã ghi. Nếu Ngài Toàn Nhật Quang Đài xuất gia lúc 30 tuổi; tức năm 1785, 1786; nghĩa là lúc Ngài còn làm tướng cho Tây Sơn và khi Nguyễn Huệ đem quân về vây Nguyễn Nhạc là anh ruột của mình tại thành Đồ Bàn vào năm 1786, thì Toàn Nhật Quang Đài thấy nồi da xáo thịt nên mới đến chùa Từ Quang (lúc ấy có thể chỉ là một cái am tranh?) để xin Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền xuất gia và trú ngụ tại đó cùng với Thầy mình; hoặc giả hai Thầy trò đã từ Bình Định gặp nhau và từ đó cùng lên Phú Yên để tu niệm và sáng tác những tác phẩm để đời, trong đó có Hứa Sử Truyện Vãn, và theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát, tác giả là Toàn Nhật Quang Đài thì căn cứ theo văn phong trong sách, Ngài Toàn Nhật có thể là người sinh ra ở vùng Trị Thiên.
Triều Đại Quang Trung Nguyễn Huệ cũng chỉ đến năm 1792 là chấm dứt, sau đó là nhà Nguyễn trung hưng trong vòng 10 năm, Gia Long trở lại quê xưa từ Thái Lan để thống nhất sơn hà lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1802. Theo Thầy Phước An thì Ngài Toàn Nhật Quang Đài chỉ phò vua Quang Trung Nguyễn Huệ, còn nhà Nguyễn Gia Long thì hoàn toàn không cộng tác như Cụ Nguyễn Du đã làm. Ví dụ như trong ba bài bạt trong những lần in kinh năm 1819 (năm Gia Long băng hà và năm Minh Mạng lên ngôi) cũng như năm 1829 thì một bài bạt không đề ngày tháng gì hết, còn hai bài bạt kia, ta chỉ thấy ghi “Tuế thứ Kỷ Mão”và “Tuế thứ Kỷ Sửu”. Đây là những bằng chứng mà Ngài Toàn Nhật Quang Đài không thừa nhận triều đại Gia Long cũng như Minh Mạng (vì lẽ các dân tộc Á Châu khi còn vua trị vì, phải ghi rõ niên đại của vua). Trong hai bài khảo luận này Thầy Phước An cũng đã cho biết là Nguyễn Lữ em ruột của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã có thời làm Sư ở chùa tại Bình Định, nên sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Quang Trung cũng đã có sắc phong nhiều chùa và đối đãi tốt với Phật Giáo. Tuy nhiên cũng có sách (theo cái nhìn của nhà Nguyễn Gia Long) thì cho rằng Anh Em Tây Sơn là Ngụy, vì không chính truyền, trong khi đó Nguyễn Hoàng từ năm 1600 đã có mặt tại Đàng Trong rồi, thì việc thừa kế cơ nghiệp của tiên đế để lập nên Kinh Đô ở Phú Xuân và tiếp tục trị vì của dòng họ Nguyễn này cho đến năm 1945 cũng là điều hiển nhiên của lịch sử. Nhưng chỉ tiếc rằng sau khi đại thắng quân Thanh vào năm 1798, chỉ mấy năm sau đó thì Quang Trung Nguyễn Huệ đã băng hà, nên Nguyễn Gia Long mới có cơ hội trở về lại quê cha đất Tổ, nếu không thì lịch sử chắc đã sang trang? Tác Giả quyển sách khảo luận “Đường về núi cũ chùa xưa”này là người sinh ra tại Bình Định, nên Hòa Thượng Thích Phước An đa phần chỉ nhìn về những khía cạnh tốt của ba anh em nhà Tây Sơn, chứ đứng về phương diện lịch sử, thì Nguyễn Huệ cũng có nhiều điều sai trái khi cho quân lính tịch thu những đại hồng chung tại các chùa ở Huế để lấy đồng đúc súng, nhờ vậy mới đánh được quân Thanh, và tiếp đó Quang Trung cũng đã ra những sắc lệnh cho chư Tăng Ni, nếu ai không thuộc hai thời công phu bái sám và 4 quyển luật thì về nhà cày ruộng. Điều này cũng không khác với Minh Trị Thiên Hoàng (Meji Tenno) của Nhật Bản trong cuộc Duy Tân vào năm 1868 là mấy. Nhưng lịch sử là lịch sử và nghiệp lực là nghiệp lực của mỗi cá nhân hay của cả một dân tộc, không ai có thể gánh thay những tội lỗi này được. Đây chính là nhân quả nhiều đời, mà người Phật tử chúng ta cần phải nên biết.
Có thể từ nhiều lý do như vậy mà Ngài Toàn Nhật Quang Đài mới viết ra Hứa Sử Truyện Vãn để kể những câu chuyện nhằm khuyên vua, khuyên đời. Cuối cùng chỉ có lòng Từ Bi mới hóa giải được tất cả những muộn phiền của nhân thế, còn “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?” cũng là một thử thách của thời đại chính trị và Tôn Giáo vào cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19 để ngày nay chúng ta những kẻ hậu học lấy đó làm bài học về lòng Nhân Từ của con người, kể từ khi khai thiên lập địa trên quả địa cầu này. Đọc Kinh sách để nhớ lại công đức của tiền nhân. Đó là một việc phải cần quan tâm đến của những người thuộc những thế hệ kế thừa.
Tôi thuộc nhiều thơ của nhiều tác giả khác nhau, Đời cũng như Đạo, nhưng khi đọc đến tác phẩm này, tôi mới biết rằng những bài thơ của mình đã học, đã thuộc và đã biết không thấm vào đâu cả so với kho tàng văn chương, thi phú của người xưa, nhất là những bậc cổ đức trong Phật Giáo Việt Nam ở vào thời mới giành lại độc lập lần thứ nhất, thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, hay lần thứ hai dưới thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, rồi lần thứ ba dưới thời Lê Lợi v.v… Nhờ những vị Học Giả của Phật Giáo như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát v.v… mà ngày nay chúng ta dựng lại được nguồn mạch của Phật Giáo nước nhà. Bởi vì các Ngài ngoài việc giỏi những sinh ngữ như: Sanskrit, Hán ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Việt Ngữ v.v… các Ngài còn có tấm lòng cho quê hương và Đạo Pháp, nên những người như Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Bùi Giáng v.v… cũng là những cột trụ của văn học Phật Giáo Việt Nam mà đời này hay muôn đời về sau nữa, chắc chắn lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật Giáo sẽ không bao giờ quên đi những công trình nghiên cứu tuyệt vời to lớn ấy.
Xin niệm ân Hòa Thượng Thích Phước An, tác giả cuốn sách Khảo Luận “Đường về núi cũ chùa xưa” rất nhiều và xin trân trọng kính giới thiệu đến các độc giả Phật tử cũng như không là Phật tử, cũng nên đọc những bài khảo luận giá trị này để biết rằng người xưa đã hành xử như thế nào trong cuộc sống ở đời, cũng như đã dùng Đạo Lý nào để xử thế nhằm an bang tế thế cho muôn dân.
HT. THÍCH NHƯ ĐIỂN
Viết xong vào lúc 19:00 ngày 4 tháng 7 năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác nhân khóa Tu Gieo Duyên và khóa tu miên mật của Phật tử tại đây.
Phật Tử Thanh Phi sửa lại lỗi chính tả.