Có một loại hành nhân tin Tha Phật mà chẳng tự tin mình (Tự Phật), cũng có loại tin Tự Phật nhưng không hoàn tòan tin Tha Phật. Cả hai loại người này đều là hạng tín căn chẳng đủ, vì sao? Vì người học Phật cần phải có đến sáu thứ đức tin; đó là: tin lý, tin sự, tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả. Ðầy đủ cả sáu niềm tin này mới gọi là lòng tin đầy đủ.
Loại hành nhân biết mong cầu trí Phật, đó là ba thứ Trí: Trí Phổ Biến, Trí Vô Đẳng, Oai Đức Rộng Lớn Trí Không Nghĩ Bàn. “Trí Phổ Biến” tương đương Trí Rộng Đại Thừa (Bình Đẳng Tánh Trí), là Trí bình đẳng phổ biến độ thoát hết thảy hữu tình cho đều đạt đến vô thượng Bồ Ðề. “Trí Vô Đẳng” tương ứng với Trí Vô Đẳng Vô Luân Thù Thắng Tối Thượng (Đại Viên Minh Cảnh Trí). “Oai Đức Rộng Lớn Trí Không Nghĩ Bàn” tương đương với Trí Không Nghĩ Bàn và Trí Không Xưng Lường (Thành Sở Tác Trí và Diệu Quán Sát Trí). Loại hành nhân biết mong cầu Phật trí, tin được Tha Phật, nhưng chẳng tin nổi Tự Phật. Do chẳng tin nổi ý chỉ “tâm này là Phật” nên trong lòng còn nghi ngờ nơi chính mình; đấy là lỗi lầm rất lớn.
Người niệm Phật cần phải thấu rõ Phật trí cho đến Thắng trí, thì mới gọi là lòng tin chân thật, vì sao? Vì hết thảy các trí chẳng lìa tự tâm, vô ngã, vô ngã sở, phàm thánh giống như nhau, đều cùng có chung những trí này. Nếu hoàn toàn tin rằng tâm mình vốn đầy đủ hết thảy các trí, vốn sẵn thành Phật, chẳng hề ở ngoài tâm lại có một cái tâm tin Phật riêng biệt, người niệm Phật tin được những điều như thế thì gọi là duy tâm Tịnh Ðộ, sẽ mau được gặp Phật. Nếu đối với các trí trong tự tâm mà còn vướng mắc mối nghi ngờ thì chẳng tránh khỏi chuyện thấy có Phật ngoài tâm, nên dẫu tu các điều lành, nương theo nguyện mà được vãng sanh, nhưng chẳng thấy được Phật vì chẳng khế hợp Phật trí. Vì thế, kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới dạy: “Tam thế hết thảy chư Phật đều vô sở hữu, chỉ nương vào tự tâm. Bồ tát nếu có thể biết rõ chư Phật và hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng thì sẽ đắc Tùy Thuận Nhẫn, hoặc chứng bậc Sơ Ðịa, bỏ thân mau sanh vào thế giới Diệu Hỷ, hoặc sanh trong Phật Tịnh Ðộ Cực Lạc.” Như vậy, hễ biết rõ tâm lượng của mình thì chẳng nhọc công tu hành mà hết thảy công đức đều thành tựu đầy đủ. Do đó, ta thấy là phải có trí quyết định thì mới có thể sanh có được lòng tin quyết định. Có lòng tin quyết định thì mới quyết định vãng sanh nổi.
Phật răn dạy, người niệm Phật cầu sanh Cực Lạc phải nên luôn dè dặt chớ để sanh lòng nghi hoặc nơi Tha Phật lẫn Tự Phật mà khiến mình mất điều lợi lớn. Do vậy, tin Tha Phật mà chẳng tin nổi Tự Phật, thì chính là trí còn kém cỏi. Tự mình không có trí quyết định thì chẳng sanh nổi lòng tin quyết định, lúc nghe người khác nói thế này, thế kia trong tâm thường sanh bèn sanh ngờ vực. Bởi do tín nguyện chẳng vững vàng nên ý chí tu hành còn do dự, chỗ mình y cứ để tu tập chẳng thể chuyên nhất nổi, nên dễ bị thoái chuyển, việc niệm Phật cũng không được chuyên tâm. Tuy vậy, vì do hành nhân niệm Phật liên tục nên nương theo sức niệm Phật và sức phát nguyện cũng được vãng sanh, nhưng chỉ được sanh nơi Biên Địa, Nghi Thành.
Những người niệm Phật, một là không rõ tin Phật trí, tức là không tin Tha Phật, hai là không tin Tự Phật, nhưng do cái nhân tu thiện niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc, nên cảm được chốn Biên Ðịa nơi cõi Cực Lạc, sống trong cung điện bảy báu, ao báu, hoa sen, hưởng thụ mọi sự vui thú như ở trên trời Ðao Lợi và được cái quả bất thoái. Thế nhưng, do vì họ phạm lỗi nghi hoặc, nên phải cảm lấy cái quả bị ngăn nơi Biên Địa Phật, sống trong nghi thành chẳng thoát ra được. Suốt năm trăm năm, họ chẳng được thấy nghe Tam Bảo. Những điều như thế đều do tự tâm của họ tạo thành nghiệp lực dẫn dắt tới nơi ấy, chớ Phật chẳng hề làm thế. Ðây chính là điều kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Nên quán pháp giới tánh, hết thảy chỉ là do tâm tạo.” Nghiệp là do tâm sanh, tâm sanh thì các pháp sanh; địa ngục, thiên đường hay Tịnh Ðộ đều chỉ do tâm mình biến hiện ra. Thân mình hướng đến đâu cũng đều do nghiệp lực của chính mình lôi kéo.
Sanh trong Biên Địa cũng có hoa sen ao báu, tự nhiên thọ thân, chớ chẳng phải là kiểu thai sanh như trong thế gian, nên thật sự cũng là liên hoa hóa sanh. Người sanh trong Biên Địa sanh sống khoái lạc như ở trong cõi trời Ðao Lợi, nhưng ở miết trong ấy suốt năm trăm năm chẳng ra được bên ngoài. Chốn họ cư ngụ là ngay trên mặt đất (tức trong hoa sen chưa nở), chẳng thể thăng lên hư không, nhà cửa cũng chẳng thể tùy ý hóa ra cao và to theo ý muốn. Ðiều tệ nhất trong cõi ấy là trong cả năm trăm năm chẳng được thấy Phật, nghe pháp và cùng với chư Bồ tát tu tập công đức.
Phẩm Hết Lầm Thấy Phật trong kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu chúng sinh đó, biết gốc tội mình ... mới được thoát khỏi.” Vào đời nhà Minh, có một vị tiến sĩ, tên Viên Hoằng Đạo, tức cư sĩ Thạch Đầu rất nổi tiếng. Tiên sinh có một người anh và một người em đều là tiến sĩ và cũng là văn nhân siêu xuất đương thời. Dù thế, cả ba ông đều không màng tới bả lợi danh, đều quy hướng về Phật pháp rồi trở thành người hữu danh trong Phật pháp và đều nhất tâm quy hướng về Lạc Bang. Sau khi tiên sinh Hoằng Đạo vãng sanh, ông tìm phương tiện làm cho em mình là Trung Đạo được thần du cõi An Dưỡng để nương nhờ đó mà thăng tiến sự tu trì. Sau khi thần du An Dưỡng quốc, Trung Đạo thuật lại việc mình thấy nơi cõi Cực Lạc, chẳng khác những điều đã được ghi chép trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ông Trung Đạo cũng thuật lại sự vãng sanh của Viên Hoằng Đạo, và cho biết rằng tiên sinh Viên Hoằng Đạo cũng bị rơi vào Biên Địa do bởi chấp vào công đức viết bộ sách Tây Phương Hiệp Luận. Nhưng do trí huệ thù thắng nên chẳng lâu sau tiên sinh liền thức tĩnh, mau mau sám hối, đoạn trừ lưới nghi thì tức thời thoát khỏi Biên Địa, liền được thấy Phật, nghe Pháp, đúng như lời kinh Phật nói: “Nếu chúng sinh đó, biết gốc tội mình ... mới được thoát khỏi.” Vì vậy, sám hối đoạn nghi mới chính là mấu chốt để thoát khỏi Biên Địa, còn thời gian năm trăm năm chỉ là con số tiêu biểu, chẳng phải là nhất định.
Kinh nói, Người vãng sanh với đầy đủ lòng tin và trí huệ, thì chẳng những tin vào Phật trí, mà còn phải tin vào thiện căn của chính mình, ngoài thì kính mộ chư hiền thánh, trong lại tôn trọng linh giác của mình, nương vào thiện căn đó mà tu các công đức, chí tâm hồi hướng thì đều được hóa sanh trong hoa sen ở trước Phật, ở trong khoảng khắc người ấy thành tựu quang minh, trí huệ, công đức đầy đủ như các vị đại Bồ tát. Ngược lại, kẻ do si mê vô trí bởi do chẳng biết nhiều về kinh điển Ðại Thừa, nên trong lòng luôn ngờ vực, cấu nhiễm sâu nặng, lại chẳng tôn thánh kính thiện, nên tâm chẳng khai ngộ, ý chẳng hiểu biết. Lại vì do tâm ngờ vực chập chồng; cho nên trong lòng không vui vẻ, pháp hỷ không sung mãn. Những người này dù tinh chuyên niệm Phật, nhưng ắt phải bị đọa vào thai sanh, trong năm trăm năm, chẳng được nghe thấy Tam Bảo, không biết đặng pháp thức Bồ tát, không được duyên tu tập công đức và cũng không nhân gần gũi Phật Vô Lượng Thọ. Đấy đều là do thiếu hẳn trí huệ nên mới ngờ vực Tự Phật và Tha Phật mà phải chịu nông nỗi ấy. Bởi vậy, đoạn nghi sanh tín là điều cực kỳ thiết yếu vậy! Muốn đoạn nghi sanh chánh tín thì việc thọ trì, đọc tụng và nghe giảng kinh Vô Lượng thọ là việc thiết yếu nhất.
Hiện nay chúng ta may mắn gặp được quyển kinh Vô Lượng Thọ hoàn chỉnh nhất từ xưa đến nay do lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư hội tập, lại được lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ trải qua mười năm để chú giảng tường tận nghĩa lý thâm sâu của kinh này. Hòa thượng Tịnh Không nói, cụ Hạ Liên Cư chính là Phổ Hiền Bồ tát hiện thân để kết tập và hoàn chỉnh lại toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ. Còn cụ Hoàng Niệm Tổ lại chính là ứng thân của Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân để chú giải kinh này. Ngày nay, chúng ta lại may mắn có lão hòa thượng Tịnh Không trụ thế để giảng giải kinh điển này một cách tường tận, rành rõ và thứ tự từ cạn cho đến sâu, cốt hầu giáo hóa mọi căn cơ từ hạ đến thượng, khiến mọi căn cơ đều được lợi ích. Gần đây, Lão hòa thượng Tịnh Không lại tiết lộ cho chúng ta biết là hòa thượng Hải Hiền chính là ứng thân của Phổ Hiền Bồ tát thị hiện ở thế gian để biểu pháp tướng. Phàm phu chúng ta tuy sanh ra trong thời mạt pháp, nhưng do phước đức tích lũy từ vô số đời trước, nên đời này được các vị đại Bồ tát Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí v.v... hiện thân làm Thầy, Tổ dẫn dắt về Tây Phương Cực Lạc, xin đồng tu chớ nên bỏ lỡ cơ hội này.
Kinh Vô Lượng Thọ chính là hóa thân của A Di Đà Phật, là con thuyền Bát Nhã đưa chúng sanh đến An Dưỡng quốc; thế mà lại có những người không tin, vì sao họ không tin? Kinh này nói, vì do họ từ trong ba đường dữ mà tới cõi này, tai ương trong đời trước của họ chưa dứt, đời này họ chưa được giải thoát nên tâm của họ sanh hồ nghi, chẳng tin kinh này. Chẳng tin kinh này cũng chính là chẳng tin Phật Trí, Trí Không Nghĩ Bàn, Trí Không Xưng Lường, Trí Rộng Đại Thừa, Trí Vô Đẳng Vô Luân Thù Thắng Tối Thượng vậy!