Đản sinh, là nói chuyện Đức Phật đản sinh. Đặc khu, là nói chuyện thị trấn Lumbini, nơi Đức Phật ra đời, và cũng là nơi một giáo sư Bắc Kinh bỗng nhiên “khám phá” rằng Lumbini thời xa xưa là một đặc khu của triều đình Thục Vương của Trung Hoa cổ thời. Nghĩa là, lịch sử Phật giáo sẽ bị một vài giáo sư TQ viết lại... Lo ngại là gần đây, báo Global Times của nhà nước TQ đã nói về một “nghiên cứu mới” rằng chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang dòng máu người Hán, chớ không phải người Ấn Độ. Trong khi đó, cũng có thêm một nỗi lo khác cho Phật tử thế giới, là sức khỏe của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong tuần lễ vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 vừa tròn 83 tuổi. Viễn ảnh của nền văn hóa Tây Tạng tan biến trong biển người Hán tộc ngày càng thấy rõ. Đặc biệt là, nhà nước Trung Quốc đã nói minh bạch là sẽ lựa chọn và tấn phong người được xem là tái sanh của Ngài vào cương vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 sinh ngày 6 tháng 7/1935. Bản tin CNN hồi tháng 3/2018 nói rằng vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng sẽ không đi ra ngoài Ấn Độ thuyết pháp năm nay, vì tuổi già và sức yếu.
Sonam Dagpo, phát ngôn nhân chính phủ Tây Tạng lưu vong, nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời đi nhiều nước, nhưng phải từ chối nhiều nơi vì tuổi cao, sức yếu. Tuy nhiên, Dagpo nói, tình hình sức khỏe của Ngài vẫn tốt, vẫn giữ lịch trình thuyết pháp trong Ấn Độ.
Tuy nhiên, điều lo ngại là vì, thời gian Ngài còn ở với chúng ta không lâu nữa, trong khi ước mơ trở về Tây Tạng của Ngài càng lúc càng xa vời.
Báo The Quint hôm 11 tháng 6/2018 loan tin rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma bị ung thư tiền liệt tuyến (prostate cancer) và được chữa trị tại Hoa Kỳ trong hai năm qua. Bản tin do phóng viên Rajeev Sharma của The Quint viết rằng nguồn tin riêng của báo này nói rằng bệnh của Ngài đã vào giai đoạn cuối của ung thư, rằng chính phủ Ấn Độ biết và quan sát từ hơn một năm nay, trong khi chính phủ TQ biết mới vài tháng nay.
Tuy nhiên, khi báo The Quint xin xác minh từ văn phòng chính phủ Tây Tạng lưu vong, Tsering Dhondup của viện Tibetan Policy Institute trả lời rằng sức khỏe Đức Đạt Lai Lạt Ma tốt, không có gì quan ngại, và sẽ có chuyến đi hải ngoại năm nay.
Đọc kỹ câu trả lời, chúng ta không thấy nói gì về có hay không có ung thư. Dĩ nhiên, đối với những bậc cao tăng như Ngài, chuyện bệnh có nặng thế nào cũng chỉ là do nghiệp, cũng chỉ là bình thường. Điều lo ngại là lịch sử dân tộc Tây Tạng sẽ bị thay đổi, bị lèo lái theo những ý đồ Hán tộc bành trướng.
Năm 2015, trong khi nói với báo giới quốc tế, Đức Đạt Lai Lạt Ma giễu cợt chính phủ TQ về chuyện tìm cách kiểm soát việc Ngài sẽ tái sanh. Ngài nói rằng chuyện tái sanh đó sẽ giải quyết chính thức vào lúc Ngài đón sinh nhật thứ 90. Nghĩa là, phải bảy năm nữa. Ngài cũng nói giỡn rằng Ngài có thể tái sanh trong thân nữ, nghĩa là tương lai sẽ chẳng hề gì khi có một phụ nữ giữ ngôi vị Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Mới vài năm trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tới thăm Trung Tâm Nghiên Cứu Y Khoa Mayo Clinic tại Hoa Kỳ, và có dấu hiệu bệnh lý nơi Ngài. Tập san Phật giáo Lion's Roar ngày 28/9/2015 loan tin rằng Ngài tới khám bệnh ở Mayo Clinic, và theo lời khuyên các bác sĩ đã hủy bỏ nhiều buổi thuyết pháp trong lịch trình để về tịnh dưỡng ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng không có tin cụ thể là bệnh gì.
Báo The Quint nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma được chữa trị bằng phương pháp “proton beam therapy” (liệu pháp tia dương điện tử) tại Mayo Clinic.
Bây giờ Ngài đã hủy bỏ tất cả những chuyến đi hải ngoại dự định, vì không đủ sức khỏe cho đường xa. Chỉ trừ một sự kiện Ngài chưa hủy bỏ: dự định sẽ thăm Thụy Sĩ vào tháng 9/2018 để tham dự lễ mừng 50 năm thiết lập Phật học viện Tibet Institute Rikon tại đây.
Tuy nhiên, trong một video ngắn vài phút, thông tấn The News Now của Ấn Độ ghi lại hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma tới dự một buổi lễ ở Đại học University of Jammu ngày 18/3/2018, chúng ta thấy dáng đi của Ngài không còn bình thường, và phải nương vào các phụ tá dìu đi. Xem: https://youtu.be/pBdmgV5KrJ8 từ phút 1:00 khi Ngài bước ra xe và đi vào hội trường.
Sang năm 2019 sẽ có nhiều kỷ niệm về chuyến đi của Ngài vào Ấn Độ. Sau cuộc nổi dậy 1959 thất bại của dân tộc Tây Tạng, Ngài cùng một đơn vị tàn quân băng đường bộ vượt núi Hy Mã Lạp Sơn để vào Ấn Độ ngày 30/3/1959, tới thị trấn Tezpur trong tiểu bang Assam của Ấn Độ ngày 18/4/1959. Một thời gian ngắn sau, chính phủ Ấn Độ đưa Ngài về thị trấn Dharamshala, và nơi đây trở thành trú xứ cho chính phủ Tây Tạng lưu vong tới giờ.
Một điểm để suy nghĩ: tới đúng cuối tháng 3/2019, mới tròn 60 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma ra đi lưu vong. Vậy thì, tại sao chính phủ Tây Tạng lưu vong tổ chức các nghi lễ tưởng niệm “60 năm Tây Tạng lưu vong” vào đúng ngày Thứ Bảy 31/3/2018 tại Dharamsala?
Báo The Guardian ghi rằng trong lễ tưởng niệm, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay nói rằng Tây Tạng trong 60 năm qua bị người Trung Hoa tàn phá về văn hóa và căn cước.
Đếm cho đúng, lẽ ra là đến 2019 mới tròn 60 năm. Nhưng cũng có thể, các lễ tưởng niệm sẽ kéo dài trọn một năm?
Trong những thay đổi lớn do nhà nước TQ áp đặt vào sắc dân Tây Tạng có một điểm nổi bật về tôn giáo: Sắc lệnh 5 của Tôn giáo vụ về Quản lý việc tái sanh của các vị Phật Sống (Measures on the Management of the Reincarnation of Living Buddhas). Sắc lệnh 5 viết rằng một đơn xin công nhận một thiếu niên nào là cao tăng tái sanh phải do các tự viện Phật giáo nộp lên chính phủ để xét rồi mới công nhận một trẻ em nào là tulkus (đạo sư tái sanh). Nghĩa là, Đức Đạt Lai Lạt Ma tương lai phải do nhà nước TQ chỉ định.
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài có thể sẽ tái sanh ở hải ngoại, thậm chí có thể sẽ không tái sanh… thế là Bắc Kinh nổi giận. Thông tấn Reuters vào tháng 3/2015 ghi lời Zhu Weiqun, Chủ tịch Ủy ban Tôn giáo và Sắc tộc trong Quốc Vụ Viện Trung Quốc (tức, trong Quốc Hội TQ), nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 đã “phản bội và không tôn trọng truyền thống” khi nói rằng có thể sẽ không còn chuyện tái sanh nữa.
Zhu nổi giận, nói: “Phút này, ông ta nói sẽ tái sanh làm người ngoại quốc… sang phút sau, ông ta nói sẽ tái sanh trong thân nữ giới. Nếu quý vị trao cho ông ta một hũ mật ong, ông ta sẽ vui vẻ nói rằng kiếp sau ông ta sẽ là một con ong.”
Lý do Zhu nổi giận cũng vì trước đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng chuyện Quốc hội TQ chọn người tái sanh Đạt Lai Lạt Ma cũng y hệt như lãnh tụ Fidel Castro của Cuba lựa chọn Đức Giáo Hoàng cho đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên, TQ luôn luôn có độc chiêu, và thế gian không thể đo lường hết các mê lộ do Bắc Kinh bày ra. Trong đó có một “khám phá khảo cổ” mới, nói rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang dòng máu người Hán, không phải người Ấn Độ.
Báo The Times of India trong ấn bản ngày 23/2/2018, có bản tin tiếng Anh “Chinese scholar slams claim that Gautam Buddha was of Chinese origin” (Một học giả Trung Quốc chỉ trích bài viết nói rằng Đức Phật Thích Ca là người Trung Hoa)… Bản tin này có thể tìm qua Google, khi gõ câu tiếng Anh trên.
Nghĩa là, hàng dỏm, hàng giả, hàng nhái cũng thấy có dấu tay Hán tộc trong cả khảo cổ học…
Báo Ấn Độ ghi rằng tờ báo quốc doanh Trung Quốc Global Times loan tin rằng một bài viết lưu hành rộng rãi trên mạng Internet tiếng Hoa kể từ ngày 1/1/2018, nói rằng một học giả người Nepal có tên là Amuhanson đã “khám phá” rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự là người Trung Hoa, không phải Ấn Độ.
Bản tin nói rằng cùng bài viết đó đã lưu hành trên mạng sohu.com tiếng Hoa hồi tháng 11/2017 mà không nhắc tên học giả Nepal nào. Bài viết nguyên thủy đó ký tên Li Liangsong, một giáo sư Đại Học Y Khoa Trung Hoa Bắc Kinh (Beijing University of Chinese Medicine) và là một chuyên gia về y khoa Phật giáo.
Li liệt kê ra 10 lý do ông “khám phá” như thế, thí dụ như sự kiện rằng Nepal, nơi có thị trấn Lumbini (nơi Đức Phật đản sanh) nằm trong một vùng từng được gọi là một đặc khu ("special district") của một đế quốc Trung Hoa thời cổ, và nội dung kinh điển Phật giáo có cho thấy văn hóa phát xuất từ miền Trung của Trung Quốc.
Li không phải người đầu tiên tìm cách chứng minh rằng Đức Phật Thích Ca là người Hoa.
Một nghiên cứu có ảnh hưởng mà Li nhắc tới là "Rethinking the Origin of Buddhism" (Nghĩ Lại về Cội Nguồn Phật Giáo) của Zhang Rubai, một giáo sư đại học Chengdu University of Technology ở tỉnh Sichuan. Zhang tin rằng Phật giáo lan truyền từ TQ sang Trung Á và các vùng phía tây xuyên qua Ấn Độ, và sau đó quay trở về nội địa TQ. Nghiên cứu của Zhang in trong tạp chí của Chengdu University of Technology hồi tháng 1/2016.
Nghiên cứu của Zhang dựa vào các hình tượng Phật khắc trên vật dụng bằng ngà voi hay ngọc bích, cũng như một đầu tượng Phật thủy tinh từ triều đại Shu Kingdom (Vương Quốc Nhà Thục) – một vương quốc có từ 1.000 năm trước Tây lịch. Bây giờ, nước Thục cổ này nằm trong tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên).
Năm 2009, Zhang ấn hành một cuốn sách về cổ vật văn hóa đào lên từ nơi di tích đổ nát có tên là Sanxingdui (tiếng Việt là: di chỉ Tam Tinh Đôi, hay là Gò Ba Ngôi Sao).
Tuy nhiên, tới 7 năm sau, Zhang mất mặt vì Viện bảo tàng Sanxingdui Museum trong tháng 3/2016 đưa ra chỉ trích Zhang rằng không có di chỉ cổ vật nào trong sách Zhang thực sự là từ khu di tích. Các nhà nghiên cứu tại Viện bảo tàng này nói rằng Zhang bịa đặt ra và viết về các điều vô nghĩa khi nói rằng Phật giáo phát xuất từ khu di chỉ Sanxingdui.
Bản nghiên cứu này khi phóng lên mạng xã hội Weibo, nói thẳng rằng, “Chúng ta chưa bao giờ thấy có ai không biết hổ thẹn như thế.”
Trong khi đó, Shen Guiping, một nhà nghiên cứu tôn giáo trong Học Viện Trung Ương Xã Hội Chủ Nghĩa (Central Institute of Socialism) ở Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn từ tờ báo rằng, “Tôi không thấy ý nghĩa nào trong nghiên cứu (Đức Phật là người Hoa). Các nghiên cứu như thế không giá trị, và phương pháp nghiên cứu lại sai. Nếu chỉ để chứng tỏ yêu nước, thì đó là ngạo mạn. Kiểu như thế cần kiểm soát, nếu không sẽ thành ra dị thường và rồi nguy hiểm.”
Có bài học nào nơi đây? Chúng ta đã thấy rồi đó: lịch sử Biển Đông đã bị các nhà nghiên cứu TQ bóp méo để trở thành tài sản nhiều ngàn năm trước của Phương Bắc.
Bây giờ phải coi chừng, có thể sẽ có một giáo sư sử học Bắc Kinh nào đó viết rằng An Dương Vương Thục Phán là cháu Thục Vương, kéo quân phương Bắc vào đánh tan vương quốc Văn Lang của dòng Hùng Vương, và rồi thiết lập một vùng có tên là Đặc khu Âu Lạc, nơi còn di tích là Thành Cổ Loa ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đặc khu Âu Lạc? Hay Đặc khu Hà Nội? Hình như đó sẽ là một câu chuyện dài, đang còn chờ một giáo sư sử học nào đó của Bắc Kinh nghĩ ra…