Nhằm đáp ứng hạnh nguyện độ sanh, Phật A Di Đà thị hiện Báo thân đang ở Tây Phương Cực Lạc thế giới thành lập Pháp môn Tịnh Ðộ để chỉ phương lập hướng, khiến chúng sanh chuyên nhất, quy tâm về một chỗ. Do nhân duyên ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo đại chúng hãy cùng nhau “hướng về Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật,” cũng chính là bảo đại chúng “buông xả vạn duyên, chuyên nhất, quy tâm vào một câu Phật hiệu, không trụ tâm vào bất cứ chỗ nào khác.”
Phật dạy, đại chúng! Nếu ai muốn thấy Phật, thì phải niệm Phật. Ðức Phật mình thấy ấy chính là Nhất niệm tâm tánh của người niệm Phật “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật”. Lại do các đức Như Lai của hai cõi gia bị, nên cảm ứng đạo giao ngay trong niệm ấy mà được thấy Phật A Di Đà. Do niệm Phật là làm cho cái tâm của mình chuyên nhất nên chúng ta cần phải khẩn thiết, chuyên tâm trì danh hiệu Phật. Nếu chúng ta có chí nguyện vãng sanh mà không thường niệm Phật, hoặc có niệm nhưng không chuyên nhất, thì chẳng khác nào bị tình ái dẫn đi nơi khác
Niệm Phật làm cho tâm ái nhẹ đi, tức là đang loại trừ vọng tưởng, chặt đứt tình căn, thoát ra khỏi lưới ái. Còn một niệm ái nặng, thì khi lúc lâm chung sẽ bị niệm ái ấy dẫn vào luân hồi sanh tử, huống gì là còn nhiều tâm ái? Còn một niệm không chuyên nhất, thì khi lâm chung sẽ bị niệm này lưu chuyển, huống gì là còn nhiều vọng niệm? Cho nên đức Phật bảo “nên hướng về Tây, phía mặt trời lặn” cũng là ngụ ý khuyên chúng ta phải loại trừ vọng tưởng, chặt đứt tình căn để cho tâm mình được nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Ái có nhẹ, có nặng, có mỏng, có dày, có chánh báo, có y báo. Những thứ ái buộc ràng trước mắt như cha mẹ, vợ con, anh em, bè bạn, công danh phú quý, văn chương thi phú, đạo thuật, nghề nghiệp, ăn uống, áo quần, nhà cửa, vườn ruộng, của cải bạc vàng v.v... nhiều không kể xiết. Hễ còn nhớ nghĩ một vật nào tức là còn tâm ái, tức là niệm không chuyên nhất. Hễ còn một niệm không chuyên nhất thì không được vãng sanh. Vì thế, cổ đức mới nói: “Ái không nặng thì không sanh Tà bà, niệm không nhất thì không sanh Cực Lạc.”
Chúng ta niệm Phật là để làm cho ái của Ta bà ngày càng nhẹ, để khiến cho niệm của Cực Lạc ngày một chuyên nhất, niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn cho đến khi tâm mình quy về một chỗ thì tự nhiên sẽ đạt đến vô niệm. Lâm chung chánh niệm hiện tiền thì chắc chắn vãng sanh Cực Lạc. Hiện nay, sở dĩ chúng ta niệm Phật không chuyên nhất là do tán tâm chạy theo duyên mà ra. Tán tâm chạy theo duyên là do loạn tưởng chạy theo cảnh mà có. Muôn duyên náo động bên trong nên rong ruổi tìm cầu ở bên ngoài. Tâm và cảnh theo nhau; cho nên muốn làm nhẹ tâm ái thì phải đoạn cái tâm duyên theo trần cảnh mà niệm Phật. Nếu muôn cảnh đều định, vạn duyên đều tịnh thì Nhất Niệm tự nhiên thành. Nhất niệm mà thành thì ái duyên đều tự dứt. Cho nên, muốn làm chuyên nhất cái niệm của mình thì không gì hơn làm nhẹ cái tâm ái của mình. Muốn làm nhẹ tâm ái của mình thì không gì hơn là chuyên tâm, nhất niệm một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật.”
Phẩm Thọ Lạc Vô Cực của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Tự nhiên gìn giữ, chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc. Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên, bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng.” Vạn pháp vốn chẳng tự có, sở dĩ có là do tình chấp. Cho nên “tình có” thì “vật có,” “tình không” thì “vật không.” Một khi vạn pháp rỗng không thì tự tánh hiện tiền. Tự tánh hiện tiền thì tình niệm liền dứt. Nó vốn tự nhiên là như vậy chứ không hề miễn cưỡng.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Cái thấy và cảnh bị thấy đều là tướng vọng tưởng, như hoa đốm giữa hư không, vốn không thật có.” Kinh Viên Giác lại chép: “Biết huyễn liền lìa, chẳng bày phương tiện, lìa huyễn tức giác, vốn chẳng thứ lớp. Cái này mất đi, cái kia tồn tại, không thể suy lường, hiệu nghiệm mau chóng, giống như đánh trống.” Vì vậy người học Phật cần nên dốc tâm nghiên cứu, ngẫm nghĩ sâu xa lời Phật dạy trong kinh điển Đại Thừa. Có thể làm nhẹ tâm ái cõi Ta bà, nhưng chưa chắc có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc. Ngược lại, nếu có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc tất thì sẽ làm nhẹ tâm ái ở Ta bà. Vì vậy phương pháp hành trì hỗ tương cho nhau không hề gián đoạn.
Phương pháp làm cho niệm chuyên nhất là Tín, Hạnh trì danh hiệu Phật. Không nghi ngờ gọi là Tín. Nếu còn một niệm nghi ngờ thì tâm không thể nào chuyên nhất được. Do đó, cầu sanh Tịnh Độ thì tâm thuần tín đứng đầu. Thế nên, người niệm Phật cần phải thọ trì, đọc tụng và tư duy, quán chiếu kinh điển một cách sâu xa để hiểu rõ giáo môn Tịnh độ một cách kỹ lưỡng, cốt hầu liễu đạt được Cực Lạc nguyên là Tịnh Độ duy tâm của chính mình chứ không phải ở cõi nào khác. Thấu triệt được Di Đà nguyên là chân thân Phật của chính bản tánh chúng ta chứ không phải Đức Phật nào khác. Vì lẽ đó, Phật mới bảo Ngài A Nan và tất cả đại chúng hãy cùng nhau “hướng về Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật” cũng chính là bảo đại chúng chuyên nhất niệm Phật, quy tâm về một chỗ.
A Nan nghe lời dạy của Thế Tôn, ngay lúc đó dùng ba nghiệp thanh tịnh, xưng danh hiệu Phật, đảnh lễ phát nguyện: “Con nay nguyện thấy, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, phụng sự cúng dường, trồng các căn lành.” Ngài Anan đảnh lễ chưa xong bổng dưng tận mắt trông thấy đấng giáo chủ cõi Cực Lạc, tai nghe các đức Như Lai khắp cả mười phương khen ngợi Phật Di Ðà. Vì sao lại có thứ cảm ứng đạo giao vô cùng thần tốc, khó thể nghĩ bàn đến thế? Ðó là vì cõi nước không có tướng nhất định, tịnh hay uế đều là do tâm của chính mình biến hiện ra. Ví như chư thiên cùng dùng bát bằng chất báu để ăn như nhau, nhưng tùy theo phước đức của mỗi vị mà sắc cơm sai khác. Bởi vậy, nếu nghiệp cấu che lấp cái tâm, thì kim dung cũng như tro bẩn.
Tây phương chẳng xa, nhưng do tâm mê nên liền thành xa cách. Nếu có thể nhất niệm quy chân, liền vãng sanh thấy được cõi nước; đó chính là ý chỉ “tâm tịnh, cõi nước tịnh.” A Nan thấy Phật chỉ là vì ngài đã trở về với cái tâm chân thật trong một niệm. Lúc niệm Phật thì tâm này niệm Phật, lúc thấy Phật thì tâm này thấy Phật, hết thảy đều chỉ là Nhất Tâm! Nếu chỉ là Nhất Tâm thì tâm ta, tâm Phật không hề cách trở dẫu chừng mảy may. Nếu chỉ là Nhất Tâm thì không còn quá khứ, hiện tại, vị lai nữa. Do vì A Nan niệm Phật, lễ Phật với một niệm quy chân như thế, nên liền thấy Phật A Di Ðà.
Thế nào là một niệm quy chân? Kinh Bát Nhã Kinh Bát Nhã dạy: “Niết Bàn gọi là vô tướng.” Nghĩa của vô tướng chính là tịch diệt, nhưng tịch diệt chỉ do tự tâm mà chứng, chứ chẳng thể từ cái khác mà có được, nên Niết Bàn không có các tướng. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Hễ cái gì có tướng, thì đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng, thì chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng, thì gọi là chư Phật.” Vậy, một niệm quy chân chính là một niệm lìa bỏ các tướng! Những điều vừa nói ở đây đều là “trí huệ vô tướng” được ghi chép trong kinh Vô Lượng Thọ: “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ Ðề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.” Đấy đều nói lên diệu chỉ của kinh Kim Cang: “Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu hết thảy thiện pháp, thì chính là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.”
Cũng bởi đó nếu lúc lâm chung, mà ta có thể quy chân trong một niệm, thì cũng sẽ ngay lúc đó thấy Phật, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Vì thế mới nói: “Lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật,” không còn có sự ngăn cách với những niệm khác hay thời gian nữa!