Con người chẳng tôn trọng Phật pháp, chẳng coi lời giáo huấn của Phật là của báu vô tận, chẳng chịu phụng kinh trì giới, y giáo tu hành, nên Phật pháp dần dần diệt mất, khiến ngũ thiêu, ngũ thống chuyển thành dữ dội hơn. Vì lẽ đó, Phật răn dạy chúng sanh phải bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp như kẻ nghèo đặng của báu. Kinh chép: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương. Ta cõi này thành Phật, lấy thiện trừ ác, nhổ gốc khổ sinh tử, khiến đặng năm đức, đặng an vô vi. Ta vào Niết-bàn, kinh đạo lần diệt, nhân dân tà ngụy, lại làm điều ác, năm thiêu năm khổ, lâu sau càng nguy. Các ông thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm.”
Cha mẹ chỉ hạn cuộc trong một đời, còn Phật là cha mẹ trong vô lượng kiếp. Cha mẹ chẳng bình đẳng, Phật thường bình đẳng. Cha mẹ chán ghét đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, Phật thương xót kẻ ác nghịch. Cha mẹ chỉ nuôi dưỡng sắc thân ta trong một đời, còn Phật thì dùng lòng đại từ bình đẳng ở trong vô lượng kiếp nuôi dưỡng huệ mạng ta, vượt xa khả năng của cha mẹ. Vì thương chúng sanh nên Phật thuyết pháp lành, giáo hóa, hàng phục những lỗi ác, nhằm tiêu trừ năm điều đau đớn, diệt năm sự thiêu đốt ở nơi chúng sanh. Phật khiến chúng sanh hành năm điều thiện, bỏ năm điều ác, quay lưng với trần cảnh, trở về với giác ngộ, nhổ tận cội gốc khổ sanh tử, được sự thường lạc vô vi. Do những yếu tố ấy, nên Phật mới nói: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương.”
Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni tồn tại năm trăm năm, Tượng pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm. Khi cả ba thời gian này đã qua, kinh pháp đều bị diệt hết. Trong kinh Pháp Diệt Tận có nói, kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị diệt mất trước tiên, các kinh khác cũng tiếp theo đó mà dần dần diệt mất. Vào lúc ấy, nhân dân tà ngụy, tức là những người tham lam, dối trá, dâm tà, giảo quyệt, chỉ biết tự tư tư lợi, sẽ nổi lên làm ra những điều cực ác, khiến những sự đau đớn, thiêu đốt ngày càng thêm lừng lẫy; năm sự thiêu đốt, năm sự khổ đau, lâu sau càng thêm nguy ngập. Vì lẽ đó, Phật dạy Ngài Di Lặc Bồ-tát cùng hết thảy đại chúng trong pháp hội Đại Thừa Vô Lượng Thọ phải nên thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở chúng sanh, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm!
Nếu chúng ta biết vâng lời Phật dạy, dùng tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thật thà mà buông xả vạn duyên, tự tại chuyên tu một bộ kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm một câu Phật hiệu A Di Đà, thì hiện đời ắt sẽ thấy Phật, vãng sanh Cực Lạc. Còn nếu như chúng ta cứ tiếp tục đi ngược lại lời Phật dạy, hằng ngày đều khởi tâm tham tài, đắm sắc, sân giận, ngu si, ngã mạn, thì sẽ khởi sanh vô tận phiền não, đời đời kiếp kiếp không biết lúc nào ngừng dứt. Phiền não trược thuộc về kiến tư hoặc, tức là thấy biết sai lầm. Kiến trược và phiền não trược thuộc về vọng tâm, không phải Chân tâm. Chân tâm là tâm thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ chân thật, tuyệt đối không có tham-sân-si-mạn, cũng không có ngã chấp và pháp chấp, thì làm gì có kiến trược và phiền não trược. Kiến trược và phiền não trược là do tham-sân-si-mạn, ngã chấp và pháp chấp sanh khởi, nhất định chẳng từ Chân tâm. Nhưng, làm thế nào để hồi phục Chân tâm? Một câu niệm Phật là phương pháp vô cùng hiệu quả, lại rất đơn giản và dễ dàng, chỉ cần niệm một câu A Di Đà Phật không hề gián đoạn, đến một lúc nào đó, Chân tâm tự nhiên hiện ra. Hiện ra được Chân tâm rồi, tâm hoan hỷ tự nhiên sanh khởi và nắm chắc phần vãng sanh. Niềm hỷ lạc lưu lộ ra từ Chân tâm chính là đã diệt được khổ, niềm vui này không do sự kích thích từ bên ngoài, cũng không do bất cứ một ai có thể ban bố cho mình, nó đơn thuần chỉ là niềm vui tự nhiên có sẵn trong nội tâm. Khi tâm mình thường sanh hoan hỷ, tự nhiên trở nên tích cực hơn với mọi công việc hằng ngày đối vật tiếp người, thì đó mới là pháp hỷ sung mãn, là cảnh giới của minh tâm kiến tánh. Lão Hòa Thượng Hải Hiền luôn hiện tướng hỷ duyên ra bên ngoài trong mọi hoàn cảnh đối vật, tiếp người. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra tướng phiền não, mõi mệt. Vì sao vậy? Vì Ngài đã buông xả được cái ta. Quên đi cái ta thì không còn phiền não, mệt mõi và bệnh hoạn nữa, sức lực dồi dào, tất cả đều tốt lành. Hòa Thượng Hải Hiền nói “tất cả đều tốt cả” bởi do Ngài đã buông xả được cái ta. Buông xả được cái ta thì mọi công việc mình làm đều chỉ vì người khác, chẳng cho riêng mình. Thân thể của chúng ta không tốt là do không thể buông xả vạn duyên; đạo lý nằm ở chỗ này!
Vì sao thân thể không tốt nếu không buông xả? Vì Phiền não trược sanh ra Kiến trược, Kiến trược sanh ra Mạng trược, nên mới có các thứ bệnh khổ. Nói cách khác thân bệnh là do tâm bệnh sanh ra. Mạng trược chính là thân thể không khỏe mạnh, thọ mạng ngắn ngủi. Tiếp đó là Chúng sanh trược, tức là chúng sanh xưa nay đã tạo nhiều ác nghiệp: bất kính cha mẹ, coi nhẹ sư trưởng, không kính tin Phật, không kính trọng pháp, không tin nhân quả thiện ác v.v... Vì không tin những điều này nên không chịu bỏ ác làm thiện, không tu trai giới thanh tịnh; đây chính là nguyên nhân sanh ra các động loạn và tai biến từ nơi thân thể của mình cho đến trong nhà, ngoài đường, đoàn thể, quốc gia, thế giới. Trong suốt bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông gì hoàn cảnh sống cũng đều rối loạn; đó chính là Chúng sanh trược. Sau cùng, Phật nói đến Kiếp trược, tức là thời đại tương lai của chúng sanh trên quả địa này. Trong thời Kiếp trược, khi thọ mạng con người giảm đến ba mươi tuổi, nạn đói và bệnh dịch nổi lên; khi thọ mạng con người giảm đến mười tuổi, đao binh nổi lên khắp nơi, thế giới chúng sanh đều bị hại, con người ăn nuốt lẫn nhau.
Hiện nay chúng ta đang tiếp cận với thời đại Kiếp trược mà Phật nói trong kinh Pháp Diệt Tận. Vì sao chúng ta biết? Hãy quán sát tình hình thế giới hiện nay sẽ thấy rõ, các nạn đói rách, bệnh dịch, thiên tai, giết chóc, hãm hiếp, cướp bóc, mâu thuẩn xung đột, chiến tranh đang v.v… nổi lên và lan tỏa khắp nơi, ngay trong những quốc gia phú cường cũng có những người đói rách, bệnh tật, thì nói chi đến những nước nghèo nàn, lạc hậu. Vì lẽ đó, hơn lúc nào hết, chúng ta nhất định phải vãng sanh Cực Lạc trong đời này. Nếu đời này không vãng sanh thì coi như là xong rồi, đời sau chúng ta không sao tránh khỏi bị tái sanh vào thời Kiếp trược. Nếu tính theo tuổi thọ giảm dần, sau bốn ngàn năm nữa là bắt đầu thời Kiếp trược, nạn đói khắp nơi, sau hai ngàn năm nữa ôn dịch khắp nơi, sau một ngàn năm nữa nạn đao binh khởi dậy khắp nơi, người giết người, người ăn thịt người. Hiện thời, Chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn còn tồn tại thêm chín ngàn năm nữa; sau chín ngàn năm, các kinh đạo của Phật đều tận diệt, duy chỉ có kinh Vô Lượng Thọ này trụ thế thêm một trăm, rồi sau một trăm năm nữa kinh này cũng chẳng còn, chỉ còn có một câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Lúc ấy, người nào niệm được một câu Phật hiệu vẫn được độ thoát. Thế nhưng ngày nay, dù Chánh pháp của Phật vẫn còn tại thế mà người thật sự hiểu rõ và tin tưởng pháp môn Niệm Phật càng ngày càng khó, người thật sự làm lại càng ít hơn, thì làm sao có thể hy vọng là chín ngàn năm sau sẽ có người biết đến và tin tưởng pháp môn này mà phát tâm niệm Phật. Thật sự phải nói, đã khó rồi lại càng khó hơn!
Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật, rốt cuộc chỉ duy về một bộ kinh Vô Lượng Thọ, tất cả các pháp tu của Phật cuối cùng chỉ quy về một câu Nam Mô A Di Đà Phật dẫn về Cực Lạc. Nếu chúng ta biết rõ điều này, hãy lập tức y theo lời kinh Phật dạy, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, thì chính mình là kẻ nghèo vớ được của báu và biết sử dụng của báu ấy, chẳng đến nỗi giống như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa, có viên ngọc quý trong túi áo mà không biết giá trị liên thành của nó, lại chẳng biết dùng nó, nên mãi mãi vẫn là kẻ bần cùng lang thang, đói rách. Nếu kẻ ăn mày chịu nhận phần thưởng quý báu ấy, thì bổng dưng phát tài rồi, đâu còn phải nghèo cùng, ăn xin nữa. Chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ là để hiểu rõ giáo giới của Phật mà tu hành, chớ chẳng phải để tăng trưởng kiến thức, hoặc để bàn luận kiến văn... Giá trị của những thứ đó tuy cũng giống như viên ngọc quý, nhưng nếu chẳng biết đem nó đánh đổi lấy phước huệ cho chính mình, thì vẫn là vô dụng. Thế nhưng, phải làm như thế nào để đánh đổi giáo giới của Phật thành phước huệ để có thể thật sự hưởng thụ? Điều quan trọng nhất là phải biết buông xả, thật thà niệm Phật để khai nhập cảnh giới của pháp môn Tịnh độ. Một khi đã khai nhập vào kinh Vô Lượng Thọ rồi, nhất định hiện tiền thấy Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí. Đây chẳng phải là chuyện nói đùa, cũng chẳng phải là một tuồng kịch. Sự thật này chính mình phải thật sự tu hành đúng như lý như pháp mới có thể chứng nghiệm được.
Di Lặc Đại sĩ là đương cơ trong hàng Bồ-tát của kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Ngài hiểu được chỗ bí yếu của bản kinh, liền chắp tay bạch Phật: “Người đời khổ ác, như thế như thế, Phật đều thương xót, Phật đều độ thoát, chúng con xin vâng, theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Một câu nói “Phật đều độ thoát” đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tấm lòng đại từ bình đẳng của Phật. Ngài Di Lặc Đại sĩ kính cẩn nhận lãnh lời răn dạy của Phật, chắp tay kính tạ và khen ngợi Đức Như Lai rằng: Người đời hung ác sâu đậm cùng cực như thế mà Đức Phật vẫn phát lòng đại từ bình đẳng vô lượng, thường muốn độ thoát những kẻ hung ác cùng cực này. Nay, chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, cũng sẽ làm giống như Phật, không dám trái phạm. Nếu chúng ta cũng hiểu được chỗ bí yếu của kinh Vô Lượng Thọ và cảm nhận được lời ý chân thành của Bồ-tát Di Lặc, ắt hẵn đều phải tín nhận phụng hành kinh giáo này.
Chỗ bí ẩn của kinh này là gì? Phẩm Quyết Chứng Quả Tối Cực chép: “Nếu có thiện nam, nếu có thiện nữ, đã sinh sẽ sinh, thảy đều được trú trong Chánh Ðịnh Tụ, quyết định chứng đặng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tại vì sao thế? Nếu là tà định và Bất Định Tụ, chẳng thấu triệt đặng nhân tối cực đó.” Kinh A Di Ðà cũng ghi: “Nếu có kẻ đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Phật A Di Ðà, thì những người ấy đều được Bất Thoái Chuyển nơi A-nậu-đa-la tam-miệu tam-Bồ-đề.” Đó chính là chỗ bí ẩn của kinh Vô Lượng Thọ! Người hiện tại phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm A Di Đà Phật, thì ngay trong lúc này cũng đã thuộc vào Chánh Định Tụ, bí mật được Bất Thoái Chuyển nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề, tương lai nhất định sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc, một đời thành Phật. Bởi thế, Ngài Di Lặc mới thưa: “Phật đều độ thoát” cho hết thảy chúng sanh tín nhận phụng hành pháp môn Tịnh độ này.
Sách Di Ðà Yếu Giải viết: “Chẳng luận là chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hiểu hay chẳng hiểu, chỉ cần nghe danh hiệu của Phật, danh hiệu của sáu phương Phật và tên kinh này một phen thoảng qua tai thì dẫu cho ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo do đấy mà được độ thoát.” Ðây cũng chính là ý chỉ của câu “Phật đều độ thoát.” Chỉ vì một ý chỉ này của Phật mà Ngài Di Lặc Đại sĩ đại diện cho hết thảy hàm linh trong đời hiện tại và tương lai, chắp tay bạch Phật rằng: “Chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Vì thế, chúng ta ngày nay cũng đều phải tuân theo ý chỉ của Phật mà chắp tay bạch Phật: “Chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Vì sao chúng ta phải vâng theo lời Phật dạy, cầu sanh Tịnh độ? Vì Tịnh Ðộ là cõi chí thiện, cầu sanh Tịnh Ðộ là công phu chí thiện. Lại nữa, nếu chẳng tiếp nhận kinh Vô Lượng Thọ của Phật, y giáo tu hành, thì chẳng thể thâm nhập pháp môn Tịnh Ðộ và cũng chẳng thể viên mãn nổi điều thiện và diệt sạch điều ác. Vì vậy, hết thảy chúng ta đều phải tuân lời Phật dạy, phát Bồ-đề tâm, Tín-Nguyện-Trì danh, cầu sanh Tịnh Ðộ, giống như kẻ nghèo vớ được của báu, chẳng dám trái phạm!