VUA LÀ PHẬT - PHẬT LÀ VUA: MỘT TÁC PHẨM MANG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ HIỆN THỰC CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂNNgay sau tác phẩm Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, người đọc lại được đón đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua của nhà văn Thích Như Điển. Đây là cuốn sách thứ hai về đề tài lịch sử ở thời (kỳ) đầu nhà Trần mà tôi đã được đọc. Có thể nói, đây là giai đoạn xây dựng đất nước, và chống giặc ngoại xâm oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc. Cũng như Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển vẫn cho đây là cuốn tiểu thuyết phóng tác lịch sử. Nhưng với tôi, không hẳn như vậy. Bởi, tuy có một số chi tiết, hình ảnh tưởng tượng, song dường như rất ít ngôn ngữ, tính đối thoại của tiểu thuyết, làm cho lời văn chậm. Do đó, tôi nghiêng về phần nghiên cứu, biên khảo, cùng sự liên tưởng một cách khoa học để soi rọi những vấn đề lịch sử bấy lâu còn chìm trong bóng tối của nhà văn thì đúng hơn. Ở đây ngoài thủ pháp trong nghệ thuật văn chương, rõ ràng ta còn thấy giá trị lịch sử và hiện thực thông qua sự nhận định, phân tích rất công phu của tác giả.
Vẫn nghệ thuật lồng ghép truyện trong truyện, mở rộng, đan xen tình tiết, cài cắm tư tưởng khi phân tích, hay dẫn chứng như tiểu thuyết Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa trước đây, tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua đưa người đọc đến với (một giai đoạn) lịch sử một cách chân thực nhất của nhà văn Thích Như Điển. Và, Vua Là Phật - Phật Là Vua như một sự tiếp nối những vấn đề mà tiểu thuyết Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa trước đó chưa được phân tích, làm sáng tỏ thật đầy đủ chuyển tải đến người đọc vậy. Từ chính những quan điểm, tư tưởng hiện sinh, tính hiện thực:
“Tâm mới là chủ động, còn thân là bị động. Thân chỉ làm theo mệnh lệnh của tâm, chứ tâm không làm theo mệnh lệnh của thân. Do vậy, nếu tâm biết ngăn dừng thì mọi việc sẽ yên lặng… Họ đang ở trên ngai vàng, nhưng không đắm trước mùi tục lụy, như vua Trần Thái Tông hay Nhân Tông sau này thì chính họ là những vị Phật. Vậy Vua là Phật, Phật là Vua, cũng từ quan điểm này mà ra vậy.“ (Sách đã dẫn) là cơ sở để nhà văn Thích Như Điển viết nên tác phẩm này.
* Tư tưởng Phật giáo linh hồn của một vương triều.Nếu trước đây đã đọc Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa ta thấy, việc gả bán Huyền Trân đặt nền móng cho sự mở mang bờ cõi, một sách lược của Trần Nhân Tông, thì đến tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển đã quay trở về cái ngày đầu củng cố quyền lực nhà Trần, với thân phận Công chúa Thuận Thiên:
“Vừa sống với Trần Liễu chẳng được bao lâu và đang mang trong mình dòng máu của chồng, Thuận Thiên thật khó xử khi gọi em chồng là chồng, nó ngờ ngợ làm sao. Những ngày đầu Trần Thái Tông kém vui…“ (trang 34). Có thể nói, đây là một đại bi kịch. Sự trớ trêu ấy, không chỉ ngoài sức tưởng tượng của hai chị em Thuận Thiên, Lý Chiêu Hoàng, mà còn cả cho Trần Thái Tông. Hoang mang đến tột cùng, Trần Thái Tông bỏ cả ngôi Vua trốn khỏi cung điện lên rừng Trúc Yên Tử tìm vào cửa Phật. Nhưng giặc phương Bắc sắp tràn qua biên ải, gánh nặng giang sơn chưa thể đặt xuống, ngay sau đó Thái Tông phải trở lại Hoàng cung. Tuy nhiên, dưới lăng kính, tư tưởng Phật giáo, khi đi sâu vào phân tích, tìm tòi nhà văn Thích Như Điển còn đưa ra dẫn chứng khác, dẫn đến những nhận định trái ngược nhau, ở cùng cuốn sách này:
“Vậy thì trong thời gian 10 năm của thời niên thiếu này tại Thăng Long, vua Thái Tông đã được Trần Thủ Độ hoặc trực tiếp hay gián tiếp mời những bậc kỳ lão dạy cho chữ nghĩa và cách làm vua. Trí thông tuệ sáng đã giúp vua ý niệm được cuộc đời là khổ, cho nên mới tìm cách xuất gia học đạo. Sau khi trở về Thăng Long vào năm 1236 nhà vua chong đèn học Phật vào ban đêm, suy tầm lẽ đạo. Có lẽ nhờ thế mà vua đã ngộ được thiền cơ.“ (SĐD). Vâng, với cách viết và góc nhìn mở như vậy, nhà văn Thích Như Điển cho người đọc có cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử.
Đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua, ta cảm thấy, nhà văn Thích Như Điển dường như đang đi tìm từng mảnh vỡ để ghép nên một giai đoạn lịch sử, với ba đời hoàng đế, cùng ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông vậy. Tác phẩm này, nhà văn Thích Như Điển đã miêu tả khá đầy đủ, sinh động cục diện, cũng như diễn biến từng trận đánh của quân dân Đại Việt với giặc Nguyên Mông. Đặc biệt ba cuộc chiến đó đều dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, với những Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Và vẫn từ góc nhìn của một vị chân tu, nhà văn Thích Như Điển đánh giá rất cao vai trò, mưu lược của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung góp phần làm nên những chiến công hiển hách này. Đây là một nhân vật, dường như ít được sử sách nói đến.
Sau khi đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua, tôi tự đi tìm, và lật lại những trang sử cũ. Quả thực, cho tôi nhiều điều mới mẻ về nhân vật Tuệ Trung Thượng Sĩ này. Vì vậy, tôi nghĩ, đây là sự liên tưởng logic, khoa học (dưới cái nhìn) khách quan của nhà văn Thích Như Điển.
Thành thật mà nói, tôi là người rất lười đọc, và mù mờ về Phật pháp, hay các giáo lý. Nhưng đọc xong mấy cuốn sách này của nhà văn Thích Như Điển đâm ra khai thông các thuật ngữ Phật pháp ra phết. Chứ trước đây, động đến cái món này, y rằng phải điện hỏi nhà thơ Tùy Anh, Chủ bút tạp chí Viên Giác.
Không độc quyền chân lý, nhưng đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua, tôi đánh giá cao cái Tôi (bản ngã) của nhà văn Thích Như Điển, khi đi vào phân tích, hoặc nhận định đánh giá. Thật vậy, để có nhận định chính xác làm sáng tỏ về lịch sử du nhập của một pháp môn (từ năm 352 - thế kỷ thứ 4), thì quả thật người phải có “công lực thật thâm hậu“ như Hòa Thượng Thích Như Điển mới đủ can đảm. Tôi nghĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa, Phật học, hay các Tăng Ni, Phật tử khi bập vào đọc cuốn sách này, thật khó có thể dứt ra được. Trích đoạn dưới đây, chứng minh cho ta thấy, sự uyên thâm ấy của nhà văn Thích Như Điển:
“Như vậy đến đời nhà Trần, Tịnh độ tông đã tiến triển khá nhanh qua việc giải thích cũng như hướng dẫn của Vua Trần Thái Tông. Các nhà nghiên cứu về Tịnh độ tông Việt Nam chưa ấn định rõ ràng là Tịnh độ tông đã du nhập vào Việt Nam tự lúc nào, nhưng theo người viết sách này thì cho rằng đó là vào khoảng năm 352, tức thế kỷ thứ 4, qua việc Ngài Đàm Hoằng đã tu theo Pháp môn Tịnh độ và hành trì kinh Quán Vô Lượng Thọ trước khi tự thiêu tại núi Tiên Du ở Bắc Ninh. Như vậy ta có thể kết luận rằng: Tịnh Độ Tông Việt Nam có mặt còn sớm hơn Thiền tông nữa. Dĩ nhiên là vào thế kỷ thứ nhất, thứ hai Phật giáo đã có mặt tại Giao Châu như các Ngài Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Chi Cương Lương, Ma Ha Tăng Kỳ Vực v.v…“ (SĐD)
Nếu ở tác phẩm Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, nhân vật Trần Nhân Tông với tầm nhìn chiến lược về chính trị quân sự, thì đến Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển đi sâu phân tích con đường xuất gia, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, cũng như tài năng thi phú của ông. Dưới ngòi bút của nhà văn, hình ảnh Trần Nhân Tông hiện lên một cách chân thực, một con người kiệt xuất:
“Một ông vua, vừa làm vua vừa làm Phật, vừa làm thiền sư, vừa làm thi sĩ v.v… quả thật trong lịch sử nước Nam ta chưa có vị vua nào được như vậy“ (SĐD). Đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua ta có thể thấy, linh khí nhà Trần được hun đúc lên bởi lòng nhân bản, dưới ánh sáng của Phật pháp. Tôi cho đây là cái nhìn có tính logic, khoa học của nhà văn Thích Như Điển. Và cũng chính cái tư tưởng ấy, để cho ông hình thành nên tác phẩm này:
“Lúc ngồi trên ngai vàng, ông đã làm vua với tâm Phật. Nhờ vậy mà nước nhà thịnh trị, mưa thuận gió hòa, nơi nơi an cư lạc nghiệp.“ (SĐD)
Có thể nói, nếu không có tinh thần đoàn kết Phật giáo, thì con dân Đại Việt khó có thể chiến thắng giặc Nguyên Mông, và mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước cường thịnh đến như vậy. Tinh thần ấy, cần được lưu mãi mãi cho hậu thế. Và nhà văn, Hòa Thượng Thích Như Điển đã và đang cần mẫn làm điều đó, bằng chính những tác phẩm của mình.
* Thiền Thơ - tinh hoa văn học thời TrầnĐể làm nên tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển đã chuyển dịch khá nhiều Thiền Thơ, trong đó có khoảng 40 bài của Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông sang thể lục bát. Những bài thơ lúc chí khí, khi hoài cảm, đẹp như một bức tranh làm rung động không biết bao nhiêu thế hệ người đọc. Và cái cảm xúc, tình yêu ấy của con dân Đại Việt được hun đúc lên, rồi như tan chảy vào hồn khí của non sông đất nước vậy. Điều đó, không chỉ thấy rõ tài năng, đức độ của những nhà vua thi sĩ, mà còn cho ta thấy được cái nội lực thâm hậu của nhà văn Thích Như Điển. Với tư tưởng và sự đồng cảm của người chân tu, từ nỗi đau của những cuộc chiến vệ quốc, nhà văn Thích Như Điển đã khơi lại cho chúng ta thấy chí khí, một lời khẳng định sự bền vững núi sông Đại Việt qua hai câu thơ đầy hình ảnh so sánh, mà Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu.” Có thể nói, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông nằm trong số những nhà thơ tiêu biểu của Văn học trung đại Việt Nam. Thật vậy, hai bài thơ cùng viết về Phủ Thiên Trường của họ ở tác phẩm này, tuy khác nhau về tâm trạng, nhưng đều bộc lộ rõ tài năng, với lời thơ đẹp, hình ảnh sâu sắc, qua bản dịch (rất hay) của nhà văn Thích Như Điển.
Thanh bình, tĩnh lặng sau hai trận chiến với giặc Nguyên Mông, dường như Đức vua Trần Thánh Tông cởi hết mũ áo, bụi trần chỉ còn lại tâm hồn thanh thản của người thi sĩ để viết về cuộc: “Dạo chơi hành cung Thiên Trường“. Bài thơ đầy ăm ắp chất thiền vị trong tình yêu, cùng tấm lòng trung kiên với non sông đất nước của ông:
“Thu này nước đã xanh trong/ Trời kia quang tạnh tấm lòng trung kiên/ Giờ đây bốn biển lặng yên/ Tấm lòng thanh bạch, lời nguyền thanh cao.“ Và cái lẽ vô thường ấy, không chỉ ở nhà thơ, mà nó còn đặt vào nhận thức, tư tưởng mỗi một con người:
“Ánh trăng sáng tỏ êm đềm/ Con người ở giữa hai miền có không.“ Chúng ta hãy đọc lại bản dịch theo thể lục bát của nhà văn Thích Như Điển, để thấy rõ điều đó:
“Cảnh đâu thanh vắng lạ thường,Vật kia lại cũng am tường như nhauCớ sao mười một tiên châu,Lại đem so với một châu mượt mà?Còn đây trăm giọng chim ca,Và trăm bộ sáo chỉ là góp vui.Hàng ngàn cây quýt ngọt bùi,Do người chăm bón vun bồi mà nên.Ánh trăng sáng tỏ êm đềm,Con người ở giữa hai miền có không.Thu này nước đã xanh trong,Trời kia quang tạnh tấm lòng trung kiên.Giờ đây bốn biển lặng yên,Tấm lòng thanh bạch, lời nguyền thanh cao.Bây giờ năm ấy thế nào?Khác xưa muôn vạn bước vào năm nay.”(Và nguyên bản: Hạnh Thiên Trường hành cung dưới đây của Trần Thánh Tông)
“Cảnh thanh u vật diệc thanh u,Thập nhất tiên châu thử nhất châu.Bách bộ sanh ca, cầm bách thiệt,Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu.Nguyệt vô sự chiếu nhơn vô sự,Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh,Kim niên du thắng tích niên du.“Nếu “Dạo chơi hành cung Thiên Trường“ bộc lộ tình yêu với non sông đất nước của Trần Thánh Tông, thì đến “Phủ Thiên Trường“ thi sĩ Trần Nhân Tông tìm về miền ký ức, với bóng hình vua cha dường như mãi mãi còn quanh quẩn đâu đây vậy. Vâng! Nhà thơ mượn hình ảnh, cảnh vật thiên nhiên để miêu tả diễn biến nội tâm của mình: “Sư về dứt tiếng, tịch không trong ngoài/Bên sông hàng quán sơ sài/ Trăng lên trời rộng bóng phai dưới cầu.“. Sự hoài niệm, nỗi nhớ thương thường trực đó, đã cảm hứng để thi sĩ vẽ nên bức tranh tĩnh trong động của Phủ Thiên Trường tuyệt đẹp. Từ những yếu tố này, nó đã truyền lửa cho nhà văn Thích Như Điển chuyển dịch tác phẩm này:
“Màu xanh màu đỏ quanh đây,Phủ đầy đêm trắng canh chầy vắng tanh.Mây không còn sắc thiên thanh,Cơn mưa vừa tạnh nhìn quanh sạch bùn.Trai đường ngọc nhả châu phun,Sư về dứt tiếng, tịch không trong ngoài.Bên sông hàng quán sơ sài,Trăng lên trời rộng bóng phai dưới cầu.Giường ai xếp đặt từ lâu,Ba mươi tiên nữ vào chầu thiên cung.Tám nghìn tháp báu ung dung,Như khua động nước triều dâng xuân về.Phổ Minh chốn cũ sơn khê,Trước sau như một chẳng hề đổi thay.Trong mơ như tỉnh như say,Bóng cha ẩn hiện những ngày ấu thơ.”(Và nguyên bản Phủ Thiên Trường dưới đây của Trần Nhân Tông)
“Lục ám hồng hi bội tịch liêuTễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.Trai đường giảng hậu tăng quy viện,Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.Tam thập tiên cung hoành dạ tháp,Bát thiên hương sát động xuân triều.Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.”Thành thật mà nói, phần chuyển dịch thơ văn của các Đức vua nhà Trần đã gây cho tôi cảm hứng nhất, khi đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua. Nó không chỉ cho tôi sự rung động, mà còn cho tôi kiến thức từ nhà văn Thích Như Điển.
* Một vài nhược điểm chínhKhi viết Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển trộn tất tần tật các thể loại văn học vào đó, như thể trộn men vào cơm rượu vậy.(1) Với nghệ thuật này, gần đây có một số nhà văn đã sử dụng làm lời văn sinh động, gây bất ngờ cho người đọc. Tuy nhiên, ở cuốn sách này, dường như cái chất men rượu ấy, chưa được nhà văn Thích Như Điển chưng cất kỹ cho lắm. Tôi có một cái tính có lẽ, hơi bị dở, bởi không đọc thì thôi, đã đọc thì đọc thật kỹ. Khi cuốn sách mình khoái, cảm thấy có một vài nhược điểm, kiểu gì cũng phải viết. Và đến tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua cũng vậy. Còn có một vài nhược điểm, tôi xin mạn phép đưa ra, để cùng nhau bàn luận:
Có thể nói, ngay lời nói đầu (trang 15) của cuốn sách, dường như nhà văn Thích Như Điển có chút lầm lẫn cụm từ tiểu thuyết hóa nhân vật:
“Tôi cố gắng tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử này để giới thiệu nguồn tư liệu đến với độc giả, nhất là cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Thái Tông.“ Tiểu thuyết là thể loại của văn xuôi có hư cấu, thông qua các nhân vật, sự việc để làm sáng tỏ, hay giải quyết mâu thuẫn của đời sống xã hội cách chân thực. Và là dù thể loại văn học nào đi chăng nữa cũng phải hướng người đọc đến giá trị chân thực của tác phẩm, thông qua nhân vật. Do vậy, nhà văn Thích Như Điển viết: Tiểu thuyết hóa những nhân vật… sẽ có sự mâu thuẫn (khái niệm) về tính chân thực mà tác giả đã dày công khai quật, phân tích ở cuốn sách này. Nếu được phép, tôi xin viết lại câu văn trên: “Với hình thức (hay thể loại) tiểu thuyết, tôi cố gắng làm sáng tỏ, chân thực những nhân vật lịch sử này, để giới thiệu nguồn tư liệu đến với độc giả, nhất là cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Thái Tông.“.
Lối hành văn giản dị, cứ ngỡ là sẽ đến gần hơn với người đọc, song không hẳn vậy. Đôi khi nó cũng trở nên rối rắm. Câu văn có tính khẩu ngữ, với hai đại từ nhân xưng về Trần Thánh Tông dưới đây sẽ cho ta thấy sự rối rắm ấy:
“Ông có rất nhiều tên, chẳng biết tại sao mà theo sử Trung Quốc thì ông có tên là Trần Uy Hoảng, Trần Quang Bính và Trần Nhật Huyên.“ (SĐD) Xin phép nhà văn, tôi thử ngắt câu văn trên bằng dấu chấm, bỏ trợ từ thì, xem có rõ nghĩa hơn không:
“Ông có rất nhiều tên. Và chẳng biết tại sao, theo sử Trung Quốc, ông còn có những tên như Trần Uy Hoảng, Trần Quang Bính hay Trần Nhật Huyên.“ Có lẽ, một câu văn kỵ nhất là có hai đại từ nhân xưng trùng nhau: “Ông mất vào ngày 3 tháng 7 năm 1290, lúc ấy ông 50 tuổi.“. Do vậy, câu này nên bỏ đi một đại từ ông, dường như, sáng và ngắn gọn hơn chăng: “Ông mất vào vào ngày 3 tháng 7 năm 1290, thọ 50 tuổi, (hoặc) ở cái tuổi 50“.
Có lẽ, những nhân vật, câu chuyện xảy ra cùng một giai đoạn lịch sử, cho nên tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua còn có không ít những hình ảnh, tình tiết, câu nói lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Và một trong những câu lặp đi lặp lại có tính liệt kê sau đây là ví dụ: “Bên Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông có 4 người con trai. Đó là: Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.“. Tôi nghĩ, đây cũng là thiếu sót của người biên tập cuốn sách này, chứ không riêng tác giả. Thật ra, cuốn sách cũng như con người vậy, có ưu chắc chắn phải có khuyết. Đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi, có thể là không đúng. Tuy nhiên, đúng hay sai, tôi vẫn phải viết thật và hết những điều mình suy nghĩ về cuốn sách lịch sử công phu, giá trị của nhà văn Thích Như Điển .
Và tôi xin mượn mấy câu thơ Lục bát về tâm trạng ngỡ ngàng, mờ ảo khói sương trước sự kết tụ giữa Đạo và Đời, giữa Vua và Phật một cách an nhiên tự tại trong bài: Nhiệm Mầu Hai Chữ Sắc Không rất hay của nhà thơ Tùy Anh để kết thúc (cũng như làm sáng tỏ thêm cho) bài viết này:
“Vua là Phật, Phật là Vua:Đọc xong tác phẩm ngỡ vừa chiêm bao!----
Phù vân kết tụ phương nàoKhi ra vô thỉ, khi vào vô chungMới hay thiền vị ung dungVua hay là Phật cũng cùng trái tim…“Leipzig ngày 12.5.2021
Đỗ Trường_____________________
(1) Mượn ý của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.