Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật sự đó đây »» Hành Trình Thiện Nguyện Của Chùa Từ Hiếu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Về Với Đồng Bào Miền Cao »»

Phật sự đó đây
»» Hành Trình Thiện Nguyện Của Chùa Từ Hiếu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Về Với Đồng Bào Miền Cao

Donate

(Lượt xem: 8.509)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Hành Trình Thiện Nguyện Của Chùa Từ Hiếu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Về Với Đồng Bào Miền Cao

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Khi lá thư kêu gọi của Hòa Thượng Thích Nguyên Lý trú trì chùa Từ Hiếu quận 8 Sài Gòn phát đi, là lúc những người con Phật khởi phát tâm Từ Bi. Từ bi chính là ước vọng mãnh liệt thúc đẩy ta phải Giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta, ra khỏi khổ đau. Đức Phật đã thuyết «Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau» (Đạo Đế), Từ Bi không đơn thuần là xót thương!

Xe chuyển bánh từ chùa Từ Hiếu, ánh đèn vàng hắt theo những con đường vắng bóng người qua lại vì trời vẫn còn nhá nhem tối. Trên xe có Hòa Thượng với tôi và thầy Quảng Hiệp cùng các chị trong nhóm Thiện Nguyện Từ Hiếu, tổng cộng 11 người. Khi trời sáng hẳn thì gặp chiếc xe thứ 2. Trên xe là thầy Nhuận Sanh và một thầy khác. Hai chiếc 16 chỗ ngồi với tổng thiện nguyện viên trong đoàn là 19 người.

Về Kon Tum

Vượt hơn 550 cây số trên con đường nhỏ qua Bình Dương, Bình Phước, hình ảnh trên đường là những vạt rừng cao su. Chúng tôi theo đường ĐT741 vào Phú Riềng rồi vào quốc lộ 14. Từ đây thẳng về Buôn Ma Thuộc, Đắk Nông là tỉnh Gia Nghĩa xưa. Những con đường lên xuống đúng là “phố núi cao phố núi đầy sương”. Các chị yên lặng, cả xe im lặng chìm vào giấc ngủ để lấy lại sức, do đi quá sớm như một thời Thiền. Xe dừng lại một thời gian ngắn ngủi để mọi người ăn lót bụng và nạp nhiên liệu cho xe. Người mệt nhất là anh tài xế tên Trường, trẻ khỏe và kiệm lời.

Tất cả những cố gắng để có thể sớm đến một ngôi trường tiểu học ở DaKBla Kon Tum đã trở thành vô vọng, khi một chiếc xe cảnh sát giao thông lướt qua mặt và báo hiệu xe chúng tôi phải tấp vào lề. 30 phút cho việc xét hỏi rồi bị buộc quay xe lui về trạm cách đó khoảng 3 km, với lỗi duy nhất là bảo hiểm hết hạn. Giấy biên lai phạt 500.000 đồng, nộp qua đường bưu điện. Cơn mưa bất chợt của tháng tư nắng nóng, chú cảnh sát giao thông nhắc nhở: “Mưa trên Tu Mơ Rông lớn lắm, Thầy và cô chú đi đường cẩn thận.”

Vừa trễ lại vừa mưa, và vài lí do sơ sót không đâu vào đâu từ phía cô Hiệu Trưởng trường, có lẽ do cô không trình báo với Mặt trận Tổ quốc xã nên đoàn đã không thể mang 128 phần quà, mỗi phần gồm 6 hộp sữa, bút viết, bút màu, vở và 200 ngàn tiền mặt đến với các cháu tiểu học ở DaKBla. Có một phần lỗi từ trong đoàn.

Thở hơi thở Thiền

Trên đường lên Tu Mơ Rông, trời tối đen như mực. Những con dốc dần dần cao hơn, dài hơn. Tôi bắt đầu nghe tiếng máy xe nặng nề, khò khò, rù rù... Tài xế cho xe chạy hình chữ chi để lên dốc. Bất ngờ, xe tắt máy ở lưng chừng dốc. Hòa thượng quyết định đi bộ lên. Bảy mươi hai tuổi, thầy vẫn bước đi khoan thai nhẹ nhàng lên dốc. Các cô đi bộ lên dốc nặng nhọc, có cô đã phải nhờ “chú ơi cho tôi vịn nhờ cái tay”. Tôi thầm niệm “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mĩm cười, an trú trong hiện tại, giờ phút đẹp tuyệt vời”. Có cô đứng nghiêm trang, chắp tay, mặt hướng vào vách núi mà thì thầm vái van… Tôi đi, và một cô nữa dìu một cô lớn tuổi đã thở dốc, đã thấm mệt khi phải lội con dốc quá dài.

May thay, có một chiếc xe bảy chỗ từ trên dốc cao đổ xuống, thấy Hòa Thượng và các cô lớn tuổi cuốc bộ trong đêm, động lòng thương cảm. Đôi vợ chồng trẻ quay đầu xe và thưa cùng hòa thượng xin được chở giúp lên một đoạn. Phải chăng Mẹ Từ Bi đã phái Long Thần Hộ Pháp đến chăng?

Trao gởi yêu thương

Mười địa điểm mà đoàn thiện nguyện sẽ đến đều ở huyện Tu Mơ Rông. Có một trở ngại làm cả đoàn lo lắng, chiếc xe vận tải không chở nổi số hàng đến nơi như dự kiến, đã nằm lại từ đêm qua. Người chịu trách nhiệm tên Quyền, tỏ ra rất chuyên nghiệp. Sau những lời trách cứ nhẹ nhàng, em lập tức điều xe, phân phối chở ngay đến những điểm đã được ấn định. Trong đó, ba điểm đầu tiên của buổi sáng ngày 3/4/2021 là 190 phần quà tại xã Măng Ri, 162 phần quà tại xã Tê Xăng và 145 phần quà cho xã Ngọk Lây. Mỗi phần là 5 kg gạo, một thùng mì, một chai dầu ăn, một chai nước mắm, 1 kg cá khô, 1 gói bột nêm, hai lon cá hộp, một tấm chăn đắp và 200.000 đồng tiền mặt. Tổng giá trị mỗi phần quà là 500.000 đồng.

Xe lăn bánh trên đại ngàn, hun hút màu xanh, quanh co qua những sườn đồi, lúc thoai thoải, lúc dốc ngược ghê người. Phát xong quà, nắng đã lên ngang đỉnh đầu. Chúng tôi nghỉ ngơi và dùng bữa trưa để đến kịp sớm bốn địa điểm khác theo chương trình vào buổi chiều.

Người dẫn đường là em Quyền, là người có thâm niên kết nối chùa Từ Hiếu đến với đồng bào Kon Tum. Những bản làng xa xôi, đèo heo hút gió, những con đường vòng vèo, lúc êm đềm, lúc cho đoàn thiện nguyện lên mây. Thót ruột thót tim. Những cung đường mà chỉ có thể đi vào mùa nắng, mùa mưa thì khỏi. Mùa mưa ở Ngok Yêu là xem như xã cách ly với thế giới bên ngoài. Theo sắp xếp của em Quyền thì phải vào trong sâu, rồi từ đó cuốn chiếu ngược ra. Nhờ vậy, bốn điểm Ngok Yêu 260 phần quà, Văn Xuôi 229 phần, Tu Mơ Rông 120 phần, và về lại gần nơi nghỉ ngơi là Xã DaK Hà 360 phần, đều được phát đủ. Tất cả những phần quà là những phẩm vật có số lượng như nhau và 200.000 tiền mặt.

Những đôi mắt dõi nhìn nghe ngóng

Ngày thứ ba của hành trình là ngày 4/4/2021. Đúng 7h30, đoàn đến Đak Sao với 378 phần quà như trên. 378 đồng bào Xê Đăng đã có mặt trong sân ủy ban Đak Sao. Với tôi, đây là lần thứ hai theo chân Hòa Thượng Thích Nguyên Lý và các chị trong Đoàn thiện nguyện. Lần đầu là mùa lũ chồng lũ, bão chồng bão của năm 2020. Tôi đã nghe lời từ huấn của Hòa Thượng đối với đồng bào thật giản đơn, nếu thực hiện được lời giáo huấn nầy thì xã hội muôn vàn an lành hạnh phúc. “Bớt bia rượu để giảm thiểu tai nạn giao thông, vợ chồng bớt cãi nhau. Bớt săn bắn đập đầu thú rừng để khỏi phạm giới sát sanh, để khỏi tạo sự thù hằn giữa kiếp người và muôn thú. Đó là nhân quả luân hồi, trôi lăn trong vòng sinh tử.” Thấy tôi mang máy ảnh và quay phim một vài nhân viên thừa hành công vụ, đeo bám và luôn miệng nhắc nhở: “Chú ơi đừng livestream, chúng tôi sẽ bị kỷ luật, dễ bị đuổi việc.” Tôi hỏi vì sao vậy? Họ trả lời: “Đây là khuôn viên ủy ban.” Tôi cười và nhỏ nhẹ: “Đây không có biển báo cấm chụp hình. Hơn nữa, đây là đoàn thiện nguyên, đến để trao quà cho đồng bào vùng cao, chú quay phát hoạt động này nhằm mục đích minh bạch công khai, cho những đồng bào Phật tử và Chư tôn thiền đức tăng ni khắp nơi biết rằng những gì các vị ấy đóng góp đều được trao tận tay cho đồng bào.” Nghe đến đây, người thừa hành công vụ, hình như là công an viên của xã, người đồng bào Xê Đăng, lưỡng lự một lúc rồi nói: “Nhưng ít thôi, chú tắt đi”, với giọng lơ lớ tiếng Kinh. “Chú quay chụp và lưu lại là được rồi!” Tôi thầm nghĩ, việc quản lý theo dõi những diễn tiến, hoạt động của một đơn vị từ nơi khác đến là hoàn toàn đúng đắn của bất kì một quốc gia nào trên trái đất này. Đoàn không gặp sự phản đối nào trong những ngày hành thiện. Nhưng tôi biết, trong một góc khuất nào đó, luôn có những đôi mắt dõi theo những lời nói và việc làm của đoàn thiện nguyện chùa Từ Hiếu do Hòa Thượng Thích Nguyên Lý dẫn chúng. Xã hội loài người trong cõi nhân sinh này, mỗi một con người trong chúng ta có một công việc… Người học Phật, luôn tự biết kiềm giữ thân tâm và hướng về nẻo thiện, để phục vụ chúng sanh. Đúng như lời Hòa Thượng nói: “Đồng bào vui, tôi vui; đồng bào khổ, tôi có sướng gì đâu.” Quả đúng như lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.” Đoàn thiện nguyện liên tục di chuyển, đưa về Đak Rơ Ông 250 phần quà, mỗi phần cũng giống như những nơi đoàn đã đi qua. Bà con là giáo dân có người đến trễ vì phải dự Thánh Lễ Phục Sinh. Hòa Thượng ôn tồn nói: “Nán lại chút nữa để phát hết quà cho đồng bào.”

10 giờ 30 phút, đoàn đến với Đak Tơ Kan, nơi đây 400 phần quà được phân phát đúng như kế hoạch. Sau lời giới thiệu của vị đại diện xã, Hòa Thượng ban huấn từ, kế tiếp là thu phiếu phát quà. Đồng bào cứ theo một hàng thẳng đồng bào tiến về phía trước để tuần tự nhận chăn đắp, bột nêm, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, 1 kg khô, thùng mì và cuối cùng là 5 kg gạo. Những cháu nhỏ đi theo thì được trao bánh và sữa. Hy hữu lắm mới có một người không có phiếu, được nhận quà từ vợ chồng anh chị Quảng Phúc, Quảng Tâm.

Hai ngàn bốn trăm chín mươi bốn phần quà, đi qua mười xã cao nguyên, Kon Tum đèo mây heo hút gió, với cái nắng chói chan đại ngàn, tỏ rạng một tình thương Kinh-Thượng.

Về Với Quảng Nam

Từ giã Kon Tum vẫn còn âm vang lời cảm ơn của người Xê Đăng và lời cảm ơn của hai em Quyền và Sơn, lời cầu chúc cho Hòa Thượng pháp thể khinh an, và các cô chú luôn vui và mạnh khỏe, mong ngày trở lại năm sau.

Xe chạy đến ngã ba Dakto (Ngã ba xe Tăng), thấy nơi đây có một nghĩa trang. Trí Ánh xin Hòa Thượng cho xe ngừng lại 10 phút. Hai gói thuốc, một chai rượu được bày ra cạnh một cột đèn giao thông. Một nắm hương thơm được thắp lên giữa trưa nắng rát tháng tư ở đầu ngọn gió. Với lời thì thầm khấn nguyện: “Các anh ơi về đây, hút với chúng tôi điếu thuốc, về đây cùng hưởng chung rượu nhạt, các anh là những anh hùng tử sĩ vị quốc vong thân từ hai phía, ngã xuống cho nước non này còn nhớ mãi các anh…” Tôi cầm chai rượu rót tràn trên mặt đất mà lòng ứa lệ rưng rưng, bồi hồi và xúc động trong giây lát. Nhìn khói hương bay, nhìn những điếu thuốc dần tàn, dường như các anh đang quây quần bên nhau, chuyền cho nhau những điếu thuốc, chuyền cho nhau chút rượu lạt bên đường như ngày quê hương chưa tàn chinh chiến... Xuôi đường Trường Sơn, con đường về Quảng Nam chập chùng đèo núi, quanh co khúc khuỷu, vượt những cây cầu vắt qua những sông suối khô cạn, với màu tím của hoa bằng lăng cùng hoa sim, hoa mua hai bên đường. Những vạt rừng sạt lở, những hàng cây cao vút vươn thẳng lên trời cao, những biển báo thủy điện… vòng vèo lưng triền núi. Quảng Nam nổi tiếng nhiều thủy điện. Lại nhớ nhạc sĩ phó Đức Phương đã viết: “Con sông khô nơi đầu nguồn, bên em biển đã chết.” Biển khơi vẫn còn những con sóng vỗ, giằng co từng cơn gió. Con sông khô đầu nguồn, trơ lòng đá lởm chởm là có thật. Thi thoảng lại thấy được những hồ nước trong xanh mông mênh. Xe chạy giữa đôi bờ, lác đác những xóm nhà dân. Qua một địa danh nhà tù gì đó tôi không nhớ rõ. Qua đèo Lò xo là đến Khâm Đức, Quảng Nam. Đoàn dừng lại nghỉ đêm. Ánh đèn màu tỏa sáng một góc ngã tư, những hàng quán buôn bán nước giải khát, thức ăn uống vặt mọc hai bên đường. Đời sống dường như khởi sắc khi CoVid-19 không ghé thăm.

Hành trình đầu tiên ở vùng này là xã Trà Linh, Hiệp Đức, qua một cây cầu vừa được khánh thành trước đây không lâu, dài thoáng đẹp. Đứng trên cầu nhìn thấy miếu bà Trà Linh lẩn khuất sau hàng tre, xa xanh là Hòn Kẽm Đá Dừng như một lũy thành vững chắc giữa dòng sông Tranh. Những rẫy bắp xanh um, người dân gieo trồng dọc triền sông. Một cây hoa xoan sừng sững như điểm tô cho phong cảnh nơi này. Sông núi hữu tình nhưng người dân còn chút gian khổ. 150 phần quà được phát cho những cụ già và bà con nơi đây. Niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt. Những người đứng đầu trong xã nói lời cảm ơn Hòa Thượng và đoàn thiện nguyện… Buổi chiều ngày 5 tháng 4, xe phải di chuyển đến xã Tà Pơơ huyện Nam Giang (Bến Giằng ngày xưa) để gặp gỡ và phát cho đồng bào Cơ Tu những phần quà gồm gạo, mì, 1 kg khô cá cơm ngon, 1 túi bột ngọt, 1 bịch bột dinh dưỡng, một tấm chăn cùng hai chai nước mắm và 200.000 đồng. Nhìn đồng bào xếp hàng nhận lãnh phần quà của mình mà thương.

Từ Nam Giang cứ men theo con đường đèo để đến xã Moc Kooi, Huyện Đông Giang. Vì cho kịp giờ theo lịch trình, đoàn đã không dừng để ăn trưa mà chạy miết chạy mãi, qua những cung đường quanh co cheo leo heo hút, vì chỉ sợ đồng bào chờ đợi lâu. Đến nơi đã thấy đồng bào đứng dưới nắng chiều chói chang. Ngôi nhà rông truyền thống của người Cơ Tu thật đơn sơ nhưng nhiều ẩn ý mà chỉ có người Cơ Tu mới hiểu. 150 phần quà nữa được trao cho đồng bào cũng như ở Nam Giang. Chiều dần buông, sắc trời ngã màu tim tím, chúng tôi đến ngã tư đèn đỏ thị trấn Prao, Đông Giang nghỉ qua đêm.

Sáng ngày 6 tháng tư xe bon bon qua những cánh rừng già, với con đường đã được sửa sang sau những ngày bão lũ. Hòa Thượng khen những con đường rừng rú Quảng Nam đẹp và tốt hơn những nơi đã đi qua. Những tảng sương đêm chưa tan còn la đà trên chóp núi. Những tàn cây xanh, những con sông, con suối như thu hút những thiện nguyện viên trong đoàn. Có chị buột miệng khen, đất rừng quê hương đẹp quá. Chỉ tiếc là vài nơi có những dòng sông, suối đã khô cằn mùa hạ, hung dữ mùa đông. Đúng 8 giờ 30 sáng, Đoàn đã đến được xã A Nông huyện Tây Giang (trước đây là huyện Hiên) 160 phần quà đã được trao tận tay cho đồng bào. Người Cơ Tu hiền hòa chất phác, họ cười tươi và luôn miệng cảm ơn. Trên con đường Trường Sơn

Kết thúc hành trình Quảng Nam với đồng bào Cơ Tu, với tổng cộng 620 phần quà cho bốn điểm cách xa nhau, đúng với từ ngữ vùng cao, vùng sâu xa, xa thăm thẳm trên miền biên giới Việt Lào.

Đoàn ghé ăn trưa tại một ngôi chùa. Ăn vội vã để lên đường cho kịp lúc trao 200 phần quà cho xã Hồng Thủy, A Lưới, Thừa Thiên Huế. Trên núi cao lại có một đồng bằng, ngang qua vùng suối khe lại thấy người đồng bào ngồi đãi gì đó trên con sông cạn, dường như cố tìm chút vàng cốm nhờ may mắn? Những triền bắp lưng đồi ngút ngàn xanh và những vạt rừng keo lá tràm. Đồng bào nơi đây là sắc tộc Pakô, 200 phần quà được phát chóng vánh với sự hỗ trợ của những thanh niên thiếu nữ, lập thành một đường chuyền để giúp đoàn chuyển 200 phần quà các loại vào điểm phân phối.

Quay ngược xe về trên con đường cũ và quặt vào một lối rẽ, thời gian di chuyển hơn tiếng đồng hồ với người dẫn đường. Nếu không có người dẫn mà dựa vào ông Gu Gồ chỉ lối chắc sẽ sai lệch muôn phương. Đã có một điểm Gu Gồ chỉ suýt đi mất hút, may mà có người đón, điện thoại gọi quay lại ở Tà Pơ Quảng Nam.

200 phần quà nữa cho đồng bào Pa Kô, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, kết thúc hành trình đường Trường Sơn.

Xe thiện nguyện Từ Hiếu về đến Huế thì trời vừa sụp tối. Một vài thiện nguyện viên trong đoàn sau bữa ăn lên xích lô dạo thành phố trong đêm. Cầu Tràng Tiền “sáu vài mười hai nhịp” với những sắc màu soi chiếu trong đêm, khêu gợi du khách lang thang trên cây cầu gỗ dọc triền sông Hương. Có cô thiện nguyện ghé mua hàng lưu niệm, tại một quày lưu niệm của làng nghề truyền thống. Những chiếc nón bài thơ được chào mời, những cây quạt đủ sắc màu cũng được cô ấy mua. Tôi mua một hộp trầm với lời quảng cáo bùi tai của cô bán trầm xứ Huế. Cha tôi đã khuất chắc sẽ cười thầm tôi: “Già còn trả giá ngu.” Thực vậy, đốt lên chẳng tí mùi mẩn nào, chỉ là ngọn khói bổi! Buồn thiệt chớ. Hành trình cuối cùng của chuyến thiện nguyện Khởi hành từ Huế, đi về hướng Tây Nam 50 cây số là huyện Nam Đông. Đường rừng mải miết, đến xã Thượng Lộ vùng Trung du có 200 hộ dân Cơ Tu. Đồng bào đã có mặt từ sớm theo danh sách nhận quà. Chấp hành kế hoạch phòng dịch Covid còn duy trì nên đồng bào vẫn luôn đeo khẩu trang, vì thế khó mà nhìn được những khuôn mặt đẹp mặn mòi sạm nắng gió. Trồng keo, tỉa bắp và trồng lúa là công việc của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Sau lời huấn từ của Hòa Thượng Trụ Trì chùa Từ Hiếu quận 8 Sài Gòn, một thiện nguyện viên của xã nói với đồng bào bằng ngôn ngữ Cơ Tu, bà con xếp hàng và đợi gọi tên. Gọi đến đâu, nhóm thiện nguyện Từ Hiếu phát quà đến đó. Mỗi phần quà là 200.000 tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng. Niềm vui của đồng bào lộ rõ khi ôm nặng những món quà nghĩa tình trên tay. Hành trình khép lại nhưng trong lòng chúng tôi mỗi thiện nguyện viên vẫn còn vang vọng những lời từ ái. Yêu thương cho đi để rồi còn mãi, còn mãi trong mỗi ánh mắt nhìn từ bi, trí tuệ của người con Phật. Mở lòng ra là xóa đi những hố đen ích kỷ nhỏ nhen trong tâm khảm. Nghĩ về những điều tốt đẹp cho nhau, để có một hướng nhìn tươi sáng về một Đạo Từ Bi cho hết thảy mọi người trên hành tinh này.

---------

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Có và Không


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Đường Không Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.145.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...