Khi chúng ta vừa mở quyển kinh Vô Lượng Thọ ra, liền thấy phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền, tức là Phật bảo chúng ta trước hết phải tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ. Hết thảy chư vị Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc nói riêng và thập phương thế giới chư Phật nói chung, đều tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ, đều lấy Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát làm khuôn mẫu tốt nhất để noi theo tu hành. Do đó, những người thật sự tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ chính là thiện tri thức, là khuôn mẫu, là điển hình đáng để chúng ta nương tựa và tu tập Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc. Như vậy, tu pháp môn Niệm Phật chính là tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ, Tây Phương Cực Lạc chính là pháp giới Phổ Hiền, mà điều đầu tiên trong pháp giới của Phổ Hiền chính là Lễ Kính Chư Phật.
Người hiện thời phần đông đều là tự cao, tự đại, khinh người, chẳng để người khác vào mắt. Nghĩ mình tài giỏi hơn người khác là cuồng vọng, lẽ nào chẳng bị đọa lạc? Lẽ đâu học Phật như vậy cũng có thể thành tựu? Trong các thời khoá cộng tu, chúng thường đọc Mười Đại Nguyện Vương: “Nhất giả lễ kính chư Phật. Nhị giả xưng tán Như Lai. Tam giả quảng tu cùng dường v.v…” Thế nhưng, có khi nào chúng ta tự hỏi: Ta có thật sự muốn làm hay không? Ta có làm được hay không? Và phải làm như thế nào cho đúng với đạo lý của thế gian và xuất thế gian? Dựa trên sự thật mà nói, chúng ta chẳng thật sự muốn làm, dù có làm cũng chỉ là miễn cưỡng làm, chớ chẳng phải chân thật làm, nên làm không giống Phật, Bồ-tát. Thật ra, ngay điều thứ nhất Lễ Kính Chư Phật trong Thập Đại Nguyện Vương, chúng ta vẫn chưa làm được thì chẳng thể nói là thật sự tu pháp môn Tịnh độ hay tu theo Phổ Hiền đại hạnh đức.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên Chủng Trí,” rồi kinh lại dạy Lễ Kính Chư Phật. Phật pháp thường nói đến chín pháp giới chúng sanh bao gồm dưới là lục đạo phàm phu, trên là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Như vậy, từ Đẳng giác Bồ-tát trở xuống đều thuộc về chúng sanh. Vì sao? Vì tuy Đẳng giác Bồ-tát giác, nhưng giác ấy chưa viên mãn, vẫn còn một phẩm vô minh chưa đoạn. Cho nên, Phật gọi tất cả từ Đẳng giác Bồ-tát cho đến phàm phu đều là chúng sanh. Chữ “chúng sanh” được kiến lập trong Phật pháp là để đối ứng giữa chúng sanh và Phật, tức là đối ứng giữa mê và giác, chúng sanh là mê, Phật là giác. Thế nhưng, mê chỉ là do quên mất Tự tánh, chớ Tự tánh nào có mê hay ngộ. Như vậy, chữ “chư Phật” trong Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Đại sĩ bao gồm hết thảy hữu tình lẫn vô tình chúng sanh. Nói cách khác, trong Phật pháp có hai cái nhìn về Phật và chúng sanh. Nếu đứng trên phương diện Phật, tức là từ trong giác ngộ mà nói, thì hết thảy chúng sanh đều là Phật, đây là cách nói theo chân lý tuyệt đối. Nếu đứng trên phương diện chúng sanh, tức là từ trong mê tình mà nói, thì hết chúng sanh trong cửu giới, từ lục đạo phàm phu cho đến Đẳng giác Bồ-tát đều chẳng phải là Phật. Nay, Phổ Hiền Đại sĩ dạy chúng ta phải đứng trên phương diện giác ngộ để tu pháp Lễ Kính, tức là phải lễ kính hết thảy hữu tình và vô tình chúng sanh giống như lễ kính chư Phật. Như vậy, tu pháp Lễ Kính Cư Phật của Phổ Hiền cũng chính là tu Nhất tâm, tu tâm bình đẳng, tu tâm chẳng chấp trước phân biệt và cũng tức là tu theo kinh Kim Cang, phá vô minh bằng cách lìa bốn tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả.
Vô tình là hết thảy mọi vật, mọi sự, mọi hiện tượng v.v….. Đối với chúng nó, chúng ta có tâm cung kính hay không? Chúng ta ở ngoài đường phố xả rác, khạc nhổ bừa bãi. Chúng ta vào công viên bứt hoa, phá hoại cây cối. Chúng ta vào rừng đốt phá, săn bắn thú vật. Chúng ta vào công nghiệp ô nhiễm môi trường. Chúng ta đi tới đâu hủy diệt vô tình chúng sanh ở đó để tự cầu sướng thân, thậm chí ngay ở trong nhà của chính mình cũng không thường xuyên dọn dẹp, lau chùi, sửa chữa, chưng bày cho ngay ngắn v.v… Đấy có phải là cung kính không? Trong pháp tu Lễ Kính Chư Phật, bước đầu tiên nhất, điều sơ cấp nhất, dễ làm nhất, gần gũi nhất là tu cái tâm cung kính đối với vô tình chúng sanh, tức là phải giữ gìn cho hết thảy mọi vật, mọi sự chỉnh tề, thanh khiết, ngay cả thân thể, tóc tai, quần áo của chính mình cũng phải giữ gìn cho ngay ngắn, chỉnh tề, thanh khiết, sạch. Cổ nhân nói: “Chẳng thể giữ yên một nhà, làm sao cai quản quốc gia, thiên hạ.” Ngay cả căn phòng của chính mình còn không giữ nổi, vẫn còn dơ bẫn, lộn xộn, không thứ tự ngăn nắp, sạch sẽ mà muốn giúp đỡ người khác thì ai dám tiếp nhận?
Chúng ta bước vào bất cứ một tự viện nào, trước hết là đến bàn thờ lễ lạy tượng Phật, Bồ-tát, sau đó chắp tay bái xá sư thầy và các vị đồng tu, rồi lại còn phải coi trọng, chăm sóc hết thảy mọi vật cụ trong tự viện; đó chính là tu tâm cung kính, là tu điều thứ nhất Lễ Kính Chư Phật của Phổ Hiền hạnh đức. Đương nhiên, khi chúng ta vào trong chùa hay đạo tràng, tuyệt đối chẳng thể hoang phí thực phẩm, chỉ nên lấy đủ ăn, ăn hết thì lấy tiếp, chẳng nên lấy quá nhiều, ăn không hết rồi vứt bỏ; đó là chẳng biết cung kính của thường trụ. Như vậy, chúng ta muốn tu phép tu Lễ Kính Chư Phật thì phải nhìn từng mỗi gốc độ nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống đời thường, chớ chẳng phải mỗi này chỉ nhìn ông Phật trên bàn thờ, lễ lạy, xướng ca, tán tụng Mười Đại Nguyện Vương mà chẳng biết phải bắt đầu tu từ đâu. Thật thà mà nói, Phật pháp dù cao siêu đến mấy cũng chẳng nằm ngoài thế gian pháp, chúng ta có thể nhìn từ ngoài vào trong căn nhà của một người thì biết ngay công phu tu lễ kính của người ấy đã làm được mấy phần rồi.
Ấn Quang Tổ sư dạy: “Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người.” Đây chính là tu Bồ-tát đạo! Tu Bồ-tát đạo chẳng phải khó khăn như chúng ta tưởng tượng, người thật sự biết tu Bồ-tát đạo họ chỉ chuyên chí tu nơi chính mình, chẳng màng xét đoán kẻ khác. Người tu hành được như vậy khiến cho kẻ khác hết sức kính phục, chớ chẳng phải từ sáng tới tối chỉ xét lỗi người khác mà chẳng biết tới lỗi mình. Thật ra, chẳng biết soi xét lỗi mình cũng chính là chẳng biết chăm sóc chính mình. Tuy chúng ta cùng ở chung với nhau trong một nhà, cùng làm việc chung một công sở, cùng cộng tu trong một đạo tràng v.v…, nhưng thật ra ai nấy đều chẳng liên quan gì với nhau. Chúng ta thấy kẻ khác chẳng làm, rồi nghĩ họ chẳng làm thì vì sao ta phải làm? Nếu chúng ta mang ý nghĩ này thì cũng nên tự hỏi mình, kẻ khác xuống địa ngục, vì sao ta chẳng theo họ xuống địa ngục? Kẻ khác chẳng làm họ sẽ đọa địa ngục, ta làm ta sẽ sanh vào cõi trời, cõi Bồ-tát, cõi Phật. Một đạo tràng tu hành chân thật thì phải có đạo, tức là phải có thời khóa tụng kinh, giảng kinh, niệm Phật v.v… Tụng kinh, nghe kinh là để tìm thấy lỗi lầm của chính mình, niệm Phật là để sửa đổi lỗi lầm của chính mình, chớ chẳng phải tụng suông, niệm suông. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy, Phật vạch ra phương hướng tu hành rất rõ ràng, mạch lạc, đó là con đường để chúng ta đi nhằm đạt được mục tiêu mình mong muốn. Con đường ấy gọi là đạo. Hết thảy những gì Đức Phật dạy trong kinh điển đều là nhằm để răn dạy chính mình, chẳng phải răn dạy người khác. Người khác không học Phật thì Phật chẳng thể răn dạy họ, ta chân thành siêng năng học Phật thì Phật răn dạy cho riêng ta những gì chính ta cần phải làm để thoát khỏi phiền não, vượt trỗi tam giới. Đạo lý trong Phật pháp là ở chỗ này! Chúng ta phải tu đúng như vậy thì mới có thể đắc định, mới có thể khai mở trí huệ mà có được sự thành tựu chân thật trong Phật pháp. Nếu chúng ta trì giới mà coi giới luật như một công cụ nhằm để răn đe, hù dọa kẻ khác. Chúng ta thấy kẻ này phá giới, kẻ kia phạm giới, bèn lập tức đem giới luật nhà Phật ra để chỉ trích, phê bình, răn đe, hù dọa họ, thì dẫu chúng ta thật sự có thể trì giới tốt đẹp hơn họ đến mấy, nhưng trong tâm vẫn còn bị não loạn trước ngoại cảnh, nên chẳng thể đắc định. Hễ không có định thì làm sao phát sanh trí huệ? Do đó, Bồ-tát tu là tu cho chính mình, chẳng xen vào chuyện của người khác, đúng theo lời Ấn Quang Tổ sư dạy: “Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người.”
Lục Tổ cũng nói rất hay: ”Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác.” Tâm của chính mình vĩnh viễn thanh tịnh, chẳng bị người khác làm ô nhiễm, mới có thể thành tựu. Một khi chúng ta còn thấy người này chẳng đúng, kẻ khác có lỗi, thì tối đa là chỉ biết được những điều lành trong Phật môn mà thôi, chớ thật ra nơi chính mình vẫn chưa tu được những điều lành ấy, nên chẳng có cách nào thành tựu công đức! Nói thật ra, người tu học trong Phật môn, cả đời nhọc nhằn chăm lo phục vụ, cúng dường người khác cũng chỉ tu được một chút ít phước báo hữu lậu mà thôi. Trong khi đó, kẻ tự mình ẩn mật tu hành, chuyên chí tu cho chính mình để đạt được công phu định huệ chân thật, được tâm thanh tịnh vĩnh viễn, lại được vô lượng vô biên công đức vô lậu, có khả năng chuyển phàm thành thánh, thoát ly tam giới, thì đó mới là cao minh! Những người chẳng lo chuyên tâm tu Giới-Định-Huệ cho chính mình, chỉ lo tu phước báo hữu lậu, rốt cuộc rồi, họ sẽ đến đâu để hưởng phước báo ấy? Vẫn chưa thể nhất định, còn phải xét công phu thật sự ở tâm họ mới biết rõ. Nếu họ tu phước báo vô cùng to lớn bằng cái tâm bất hảo, lúc chết vẫn bị đoạ trong tam ác đạo, chẳng thể vãng sanh Cực Lạc. Do vậy, tu hành, đích xác chẳng phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta chẳng thấu triệt kinh luận, chẳng có cơ sở căn bản vững vàng trong Phật pháp, không biết tu từ chỗ nào, tu theo cách nào? Kết quả gặt hái được sẽ hoàn toàn nằm ngoài ý muốn, thật là đáng tiếc! Cho nên, chúng ta học Phật chân thật thì phải y theo lời giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, lấy kinh Phật làm căn cứ tu học.
Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phu nhân Vy Đề Hy hướng đến Thích Ca Mâu Ni Phật mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đức Phật bèn dạy ra ba thứ phương tiện để cho bà thiết lập cơ sở căn bản vững vàng trước khi bắt đầu tu Tam Vô Lậu Học, Lục độ Ba-la-mật, Mười Đại Nguyện Vương, Nhất tâm xưng niệm A-Di-Đà Phật, để đạt đủ điều kiện vãng sanh. Ba phương tiện nhập môn ấy chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước: Một là “hiếu dưỡng phụ mẫu, tôn kính sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp,” hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi,” ba là “phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Trong phần cuối cùng của Tịnh Nghiệp Tam Phước, Phật dạy phải “đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Khi nào đọc tụng kinh điển Đại thừa đến mức tin sâu, hiểu rõ, ghi nhớ toàn bộ không thiếu sót, chẳng còn nghi ngờ, chẳng còn hiểu lầm và chẳng quên mất một phần nào hết, bèn có thể dùng sự tin, hiểu và ghi nhớ ấy mà thuật lại cho người khác nghe, nói cho họ biết rõ ràng vì sao chúng ta phải tu pháp môn Niệm Phật, vì sao chúng ta phải cầu vãng sanh Cực Lạc. Nếu chúng ta chưa thông hiểu toàn bộ lý luận của pháp môn Tịnh độ mà vội vàng đi khuyến tấn hành giả sẽ mắc phải rất nhiều sai lầm. Chính mình ghi nhớ sai sót, tin sai và hiểu sai, rồi lại đem những cái sai trái đó nói cho người khác nghe, thì sẽ giống như Đức Phật đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ: “Người mù dắt kẻ đui đi trong đêm tăm tối.” Đấy là lý do vì sao chúng ta phải siêng năng tu học kinh Vô Lượng Thọ cho thật kỹ càng, nhằm thông suốt toàn bộ lý luận của pháp môn Tịnh độ để có thể vì người diễn nói, khuyến tấn hành giả.
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì, Phật bảo Di Lặc Bồ-tát: “Pháp vô thượng của chư Phật Như Lai, mười lực vô úy, vô ngại vô trước, pháp rất thậm sâu, pháp Ba La Mật, của chư Bồ Tát, chẳng phải dễ gặp. Người hay nói pháp, cũng khó mở bày, vững chắc tin sâu, thời cũng khó gặp.” Một pháp viên mãn như thế này chẳng phải dễ gặp, dù người giỏi nói pháp cũng chẳng dễ mở bày chỗ vi diệu trong kinh pháp này, cho nên muốn gặp người có trí huệ chân thật, vững chắc tin sâu, có thể nói ra hết những sự vi diệu trong kinh pháp này là điều vô cùng khó. Thế mà hiện nay, chúng ta lại có cơ duyên cùng nhau học tập, nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ, thì đấy đã chứng minh thiện căn phước đức và nhân duyên của chúng ta đã tích lũy từ vô lượng kiếp trước đến nay thù thắng không gì sánh bằng, rất khó được khó thấy. Do những điều khó có như vậy mà nay chúng ta lại có được, hy vọng mọi người đều phát khởi tín tâm, thường xuyên siêng năng học tập kinh điển này, nhằm có thể ghi nhớ và hiểu rõ chương trình giáo học của Phật-đà trong pháp môn Tịnh độ. Có tin sâu, hiểu rõ và ghi nhớ thì mới có thể nắm chắc pháp môn Niệm Phật mà bảo đảm vãng sanh Tịnh độ. Đấy mới là kính lễ chư Phật thật sự, đấy mới chẳng cô phụ tấm lòng từ bi của Phật, chẳng trái nghịch với lời căn dặn của Phật được ghi trong kinh Vô Lượng Thọ: “Ta thương các ông, khổ tâm khuyên dạy, trao cho kinh pháp, thảy đều thọ trì, quán chiếu, phụng hành.”