Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Ethiopia và câu chuyện tình người »»

Tùy bút
»» Ethiopia và câu chuyện tình người

Donate

(Lượt xem: 6.598)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Ethiopia và câu chuyện tình người

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tặng riêng cho anh chị Diệu Liên & Những người bạn mà tôi rất kính mến, cảm phục


Qua gần 20 năm làm việc trong khoa dinh dưỡng của Thụy Sĩ, Hải đã có khá nhiều dịp đi công tác liên quan đến chuyên môn của mình ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi lần đi là một lần học hỏi, mở rộng kiến thức hơn về chuyên môn cũng như hiểu biết về con người và xã hội của thế giới. Mỗi lần đi là một lần tìm được những đều mới lạ để học hỏi, suy tư. Mỗi nơi đến là một lần biết được những điều mà mình chưa hề biết. Đấy chính là điều làm Hải hấp dẫn và không bao giờ từ chối nếu được cấp trên đề nghị.

Với người Thụy Sĩ thì khác, họ không muốn đi đến những nơi quá xa, nhiều bấp bênh vì nghèo đói, an ninh cũng như điều kiện sống còn thấp kém như phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Phi châu, Nam Mỹ và một số vùng ở Á châu. Có lẽ vì cá tính thích hưởng thụ cũng như hoàn cảnh sống của họ quá yên lành, nên họ ngán sợ gặp phải những trắc trở, khó khăn ra ngoài sự chịu đựng và hiểu biết. Nếu chẳng đặng đừng, vì công việc không thể chối từ, họ chỉ lựa chọn những công tác ngắn hạn vài ba ngày hay quá lắm một vài tuần lễ để thỏa trí tò mò về một nơi họ chưa biết đến mà thôi, nhưng phần lớn là những người trẻ tuổi, chưa có gia đình.

Ngược lại, Hải lại thích những lần công tác ở các quốc gia nghèo đói, dân trí còn thấp kém, kinh tế chưa phát triển lắm, dĩ nhiên vấn đề an ninh cũng phải có ở mức tương đối an toàn. Ở những nơi này Hải có cảm giác gần gũi, tìm được những tương đồng với quê hương Việt Nam của mình ngày xưa. Hải sẵn sàng chấp nhận những cuộc công tác kéo dài nhiều tuần lễ hay vài tháng để đủ thời gian cho anh tìm hiểu đời sống thực sự của người dân địa phương. Nếu không kể đến những lần về Việt Nam công tác đã đem đến cho Hải những cảm xúc vô cùng sâu đậm mà anh không thể diễn tả hết được. Có lẽ với Hải những lần công tác ở Phi Châu được xem là những chuyến đi mang đến cho anh nhiều ấn tượng, đáng ghi nhớ nhất.

Những lần công tác của Hải có thể dưới hình thức giảng viên cho một đại học địa phương trong chương trình viện trợ giáo dục của chính phủ Thụy Sĩ, cũng có thể là một chuyên viên của viện khảo cứu được đề cử tham gia vào những chương trình có tính cách nhân đạo, kết hợp với một cơ quan từ thiện quốc tế nào đó, đến những địa phương đang phải hứng chịu nạn đói hoành hành để giúp đỡ, giải quyết những vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, chẳng hạn như những trận chết đói kinh hoàng đã xảy ra ở những quốc gia vùng Tây Bắc Phi Châu, như Ethiopia, Somalia... Nhưng cũng có thể là những chuyến công tác chỉ nhằm mục đích khảo sát thực tiễn. Ghi nhận chính xác về những triệu chứng, bệnh tích cũng như phương pháp chữa trị đối với một vài căn bệnh dinh dưỡng nào đó, mà khoa học còn nghi ngờ hay chưa thống nhất trong khảo cứu.

Trong những lần công tác đó Hải thực sự tìm lại được những cảm giác bất hạnh bản thân xa xưa của chính mình từ những người đói khổ, kém may mắn mà anh trực tiếp giúp đỡ. Những hình ảnh đói nghèo, bạo lực xảy ra rất thường trước mắt, kéo Hải dìm mình vào những hồi tưởng về những giông bão, kém may mắn của chính mình trong thời niên thiếu, thời gian mà anh sinh ra lớn lên giữa chiến tranh chết chóc ở quê nhà. Tất cả những cảm xúc đó mang đến cho Hải cái nhìn rất thực tế, biết hòa nhập vào nỗi đau đớn của người dân, nhờ đó anh giúp đỡ họ tận tình và hữu hiệu hơn.

Những lần đi làm việc ở các trại tỵ nạn chiến tranh hay những khu vực đang bị những trận đói tấn công, nhìn thấy hình ảnh bà mẹ da đen da bọc xương nằm chết bên đứa con vẫn còn vô tư say ngủ... Hải lại nghĩ đến người mẹ quá cố của mình trong những lần nhịn ăn dành miếng cơm cho anh em Hải. Những lần mẹ ôm anh nhảy vội xuống hầm chữ chi sau nhà để tránh làn đạn xạ kích của máy bay trong chiến tranh Việt Pháp... Tất cả những hồi tưởng đó đến với Hải làm cho anh thấm thía nỗi đau khổ của những kẻ bất hạnh nơi anh làm việc. Anh đã cố gắng giúp đỡ, cảm thông và cả tha thứ những hành động của họ khi họ đã gây cho anh những khó chịu. Anh hiểu rõ sự nghèo đói, chết chóc, thiếu giáo dục và chiến tranh là những tác động sinh ra những phiền nhiễu đó.

Trong những lần công tác đó thì lần đến Ethiopia trong trận chết đói xảy ra vào khỏang giữa thập niên 1980, giết chết hàng trăm ngàn người, đã làm Hải có nhiều xúc động nhất. Nhìn những cảnh chết đói vì thiếu ăn, bệnh tật, những đoàn người da bọc xương lang thang chờ chết dưới ánh nắng khô khan làm anh liên tưởng đến trận đói năm Ất Dậu (1945) ở quê nhà, đã lấy đi gần 3 triệu sinh mạng người Việt.

Cũng trong dịp công tác ở Ethiopia này Hải đã vô tình mắc phải một lỗi lầm làm anh ân hận. Nhưng cũng chính nhờ ân hận đó anh đã có dịp trình bày tâm tư mình với một cô bác sĩ trẻ Thụy Sĩ trong đoàn công tác. Và cũng chính những tâm tư đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến hướng đi nhân đạo của cô ta sau này.

&

Ethiopia thuộc miền Đông bắc Phi Châu, gần như hằng năm vẫn bị nạn đói đe dọa, thêm vào tình trạng chính trị bất an. Dân chúng luôn luôn phải chờ đón sự giúp đỡ lương thực từ các cơ quan thiện nguyện thuộc liên hiệp Quốc, những quốc gia thịnh vượng từ Bắc Mỹ và Tây Âu. Thụy Sĩ là một trong số những quốc gia hằng năm vẫn gửi hàng cứu trợ và nhân viên đến giúp đỡ.

Lần đó Hải cùng đi với 4 người khác trong phái đoàn viện trợ nhân đạo được chính phủ Thụy Sĩ đề cử. Trong đó, 3 người thuộc khu vực Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Họ là những y sĩ và dược sĩ, hai người còn lại thuộc khu vực Thụy Sĩ nói tiếng Đức, trong đó có Hải là chuyên viên viện khảo cứu dinh dưỡng của tỉnh Zürich và Huber Claudia, một nữ bác sĩ trẻ của bệnh viện tỉnh Basel.

Hải và Claudia quen biết khá thân từ nhiều năm về trước. Khi Claudia còn là sinh viên y khoa của đại học Basel, trong dịp cô ta đến thực tập nhiều tháng tại viện khảo cứu dinh dưỡng nơi Hải làm việc. Trong thời gian thực tập đó, Hải là người hướng dẫn cô trong lãnh vực phân tích thực phẩm cũng như về những vấn đề sinh học liên quan đến khoa dinh dưỡng.

Claudia sinh ra với hai giòng máu Thụy Sĩ và Bỉ. Sau khi hoàn tất trung học ở Bỉ, cô trở về Thụy Sĩ, quê hương của cha, để học nghành Y Khoa. Claudia nói và viết thông thạo 4 ngôn ngữ là Pháp, Đức, Anh và Ý. Sau khi tốt nghiệp, Claudia làm việc cho bệnh viện của tỉnh Basel, chuyên nghành về dinh dưỡng, nên Hải và cô vẫn có nhiều dịp liên hệ làm việc với nhau trong lãnh vực chuyên môn.

Trước khi quen biết Hải, Claudia gần như không biết gì về con người và văn hoá Á châu, ngoài một vài kiến thức thô thiển mà cô thấy trong phim ảnh. Với Claudia, người Á châu tiêu biểu là hai giống dân da vàng, Tàu và Nhật Bản. Với người Tàu thì đó là giống dân đông nhất thế giới, đói nghèo, sở hữu vài trái bom nguyên tử và đang là nguồn lo lắng của thế giới! Còn Nhật Bản lại hiện ra trong kiến thức của cô như một quốc gia giàu mạnh với những đồ dùng điện tử và xe hơi. Chỉ có thế, về văn hoá Đông phương trong đầu óc cô rất mù mờ, hoàn toàn không có gì kích thích cô phải tìm hiểu.

Nhưng từ khi quen biết Hải, trong những dịp nói chuyện, thảo luận hằng ngày tại phòng thí nghiệm, lúc ăn trưa ... kéo dài suốt 3 tháng thực tập, Claudia đã có khá nhiều kiến thức về nền văn hoá cổ xưa và con người Á châu. Hải đã giúp cô hiểu biết về lịch sử với những cuộc tranh giành lãnh địa trải qua nhiều ngàn năm để có những quốc gia Á châu hiện nay. Đặc biệt, anh dẫn cô vào hiểu biết của nền văn minh “cầm đũa” mà đại diện là bốn dân tộc Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam, nền văn hoá trải dài nhiều ngàn năm dựa trên căn bản đạo đức và triết lý của 3 tôn giáo là Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo.

Lão giáo khuyên con người biết cách hoà nhập, ứng xử theo thiên nhiên, theo diễn biến của tạo hoá trong thái độ bình thản vô vi. Phật giáo giải thích hiện tượng vô thường của sự sống, vật chất luôn luôn biến chuyển, giúp con người hiểu rõ sự vô minh của mình để nhạt lòng với những dục vọng. Nho giáo với tinh thần tích cực hơn, dẫn người Á Châu vào những đức tính nhập thế, phục vụ nhân quần, khuyên người ta sống trên nền tảng đạo đức nhân bản phải biết hiếu đễ, sáng suốt trong sự trung thành với vua, và hình ảnh kẻ Sĩ, một biểu tượng cho vai trò thay trời giáo dục, cai trị dân của Nho giáo.

Từ những kiến thức căn bản của nền văn minh “cầm đũa” cổ xưa, đầy nhân bản đó. Hải đã dẫn dắt cô gái trí thức thuần chủng Tây phương vào sự say mê triết lý sống, nền tảng đạo lý của xã hội Đông Phương. Anh mô tả cho cô thấy hình bóng người sĩ phu trong xã hội đông Phương tương tự như người cao quý (gentlemen) của Tây phương. Hình bóng này có thể được mô tả dưới nhiều ngôn từ khác nhau như người quân tử (Trung Hoa), kẻ sĩ (Việt Nam) hay samurai (Nhật bản), nhưng nói chung họ là những người có tài năng và đức độ vượt trội so với đa số quần chúng. Họ là những người mang tài năng ra giúp xã hội, trong vai trò lãnh đạo, tạo hạnh phúc và bảo vệ cuộc sống cho quần chúng.

Đoàn làm việc của Hải đến thủ đô Addis Abeba của Ethiopia sau vài lần chuyển đổi máy bay. Cũng như mọi thành thị trên thế giới, thủ đô này đầy rẫy không khí ăn chơi, giàu có và bất công. Những căn nhà cao tầng vẫn hào nhoáng ánh đèn về đêm, tất cả biểu tượng cho những chênh lệch giàu nghèo của những quốc gia chậm tiến, bất công. Nếu không qua báo chí, truyền hình, bất cứ ai sống giữa thủ đô này, chẳng ai tin được đằng sau sự giàu có, ăn chơi này, cách đó khoảng vài ba trăm ki-lo-mét đang xảy ra những trận đói giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm. Nơi đó con người đang phải chịu đựng những đày đọa của địa ngục trần gian với đói khổ, chết chóc và tội phạm.

Hải và Claudia đến vùng đang xảy ra nạn đói làm việc cùng với vài đoàn thiện nguyện khác, được khoảng 2 tuần lễ rồi anh và Claudia trở lại thủ đô Addis Abeba để nghỉ ngơi đồng thời gửi và nhận tài liệu, mẫu vật, thuốc men, phẩm vật từ Thụy Sĩ gửi sang. Họ tạm trú ở một khách sạn hơi xa trung tâm thành phố.

Một buổi trưa, sau khi đi gửi một số bệnh phẩm và những bản tường trình công việc về Thụy Sĩ, hai người lang thang đi ngắm phố phường, dọc con đường khá sầm uất chỉ dành riêng cho người đi bộ ở trung tâm thành phố. Dưới ánh nắng gay gắt và khô khốc khó chịu, họ tạt vào một quán nước khá sang trọng, ngồi ở chiếc bàn trên hè phố đông nguời qua lại để uống nước.

Ngồi được một lúc, một phụ nữ ốm yếu lưng đeo một đứa bé xanh xao còn tuổi bú sữa mẹ, một tay dắt đứa bé thứ hai cũng chẳng khoẻ mạnh gì hơn. Tay kia xách cái giỏ đựng những món quà lưu niệm thô sơ của địa phương làm bằng tay. Bà ta đến trước bàn của hai người có ý mời mua, thằng bé đưa bàn tay cáu bẩn gõ nhẹ vào bắp đùi của Claudia xin tiền. Trong khi Hải lắc đầu tỏ vẻ không muốn mua món hàng của người phụ nữ, Claudia lại đùa giỡn với thằng bé, cô ta vuốt mái tóc xoắn tít của thằng bé với vẻ thích thú. Thằng bé được thể càng xoắn lấy Claudia, bà mẹ cũng quay sang Claudia với ánh mắt cầu xin, nói những câu gì mà hai người không hiểu. Claudia mở chiếc xách tay lấy ra vài cục chocolate Thụy Sĩ mà cô vừa nhận được từ mẹ gửi sang bằng bưu điện, đưa cho người thiếu phụ đói nghèo. Hải cũng lấy vài đồng tiền lẻ trong cái đĩa mà người hầu bàn vừa trả lại đưa vào tay thằng bé.

Hải và Claudia không thể ngờ được, sự tốt bụng và thân thiện đó đã mang đến cho họ những phiền phức. Ngay khi người đàn bà và đứa con cúi đầu cám ơn rời khỏi chiếc bàn, một nhóm trẻ khác cùng với mấy người đàn bà cũng với những món hàng trên tay, chạy lại bu quanh lấy hai người. Claudia mở túi xách lấy tất cả những thỏi chocolate và vài đồng tiền nhỏ đưa cho Hải phân phát cho lũ trẻ và những người đàn bà. Sau khi không còn gì có thể cho được nữa, hai người giơ bàn tay tỏ vẻ đã hết. Claudia mở banh chiếc xách tay để chứng minh với những đám người đang ồn ào tranh giành và cãi vã.

Nhưng sự việc không đơn giản như hai người nghĩ, vài đứa trẻ và mấy người đàn bà khác có lẽ là những người không may mắn vì đến muộn. Họ đổ xô đến, đưa những bàn tay cáu bẩn, chiếc thúng bán hàng nhấn sát vào hai người. Vài người mạnh bạo như muốn giật lấy chiếc xách tay của Claudia và chiếc máy ảnh nhỏ mà Hải còn để trên mặt bàn. Đến lúc này Hải và Claudia đã cảm thấy ân hận vì hành động thân thiện, rộng rãi quá mức của mình. Hải kéo Claudia đứng dậy, sát vào phía sau mình. Anh đưa tay đẩy lùi mấy đứa trẻ và người đàn bà đang quơ tay muốn giật chiếc xách tay của Claudia. Nhưng những cố gắng đó, hình như không thể ngăn chặn được những hành động gần như cướp giật của đám đông. Claudia có vẻ đã mất bình tĩnh, sợ hãi ra mặt, cô ta ôm chặt chiếc xách tay sát vào ngực, miệng la hét để ngăn cản những hành động vô lý, kỳ lạ của đám đông.

Hải đưa mắt ra hiệu cho Claudia, kéo cô ta bước lùi nhanh về phía sau, vòng qua dãy bàn khác rồi vội vã rời quán cà phê đi nhanh như trốn chạy. Nhưng đám đông vẫn không bỏ qua, họ chạy theo, hành động còn có vẻ táo bạo hơn. Chiếc máy ảnh nhỏ treo qua cổ, Hải giữ chặt trong bàn tay nhưng mấy lần dây treo máy ảnh vẫn bị lũ trẻ giật mạnh gần muốn đứt. Claudia cũng chẳng khá hơn, đầu tóc rối bời, cô ta la hét, xua đuổi như đánh nhau với đám đông để giữ lại chiếc xách tay. Hai người chạy được một quãng đường vài chục mét, đám đông vẫn không buông tha, mặc dù có vài người khách đi đường đứng lại la hét ngăn cản họ.

Đến một lúc Hải thấy không thể an toàn nếu tình trạng cứ tiếp diễn, chắc chắn hai người khó được yên lành trở về khách sạn. Hải nắm tay Claudia cùng chạy nhanh vào một tiệm bán thuốc tây bên cạnh đường. Lúc đó đám đông mới dừng lại ở bên ngoài cánh cửa kính của tiệm thuốc. Hai người nhìn nhau lắc đầu thở dài mừng rỡ vì nghĩ rằng đã thoát nạn.

Hải nói vài lời than phiền với người đàn ông, có lẽ là chủ tiệm thuốc tây. Ông ta hiểu vấn đề ngay, hơi cau mày tỏ vẻ bực bội với đám đông nghèo đói còn đứng luẩn quẩn bên ngoài, phía trước khung cửa kính. Sau khi nói vài lời trấn an hai người, ông chủ tiệm mở cửa quát thét đám đông bằng ngôn ngữ địa phương mà Hải và Claudia không hiểu gì.

Đứng trong tiệm thuốc tây “tỵ nạn” một lúc, hai người tưởng rằng đám đông sẽ buông tha và mọi chuyện sẽ đi qua. Nhưng nhìn ra phía ngoài vẫn thấy đám trẻ và mấy người đàn bà, họ chỉ lùi xa khung cửa kính nhưng vẫn lửng lơ ở phía ngoài nhìn vào tiệm thuốc như chờ đợi, chẳng có dấu hiệu gì tỏ vẻ buông tha. Người đàn ông chủ tiệm hình như nhìn thấy vẻ sốt ruột của hai người, nhất là nét mặt lo sợ của Claudia. Với sự giận dữ, ông ta mở cửa chỉ tay vào đám đông nói vài câu đe dọa rồi quay lại nói với hai người bằng Anh ngữ:

- Quí vị đừng lo. Chờ tôi một chút, nếu chúng không giải tán, tôi sẽ điện thoại cho cảnh sát. Họ sẽ đến giúp đỡ quý vị ngay.

Dù nói là đợi chờ, nhưng chẳng cần sự yêu cầu hay cám ơn của hai người, ông ta bước đến chiếc bàn điện thoại ở góc tiệm quay số và nói những câu gì bằng ngôn ngữ địa phương, rồi quay sang Hải và Claudia nói khá lớn:

- Tôi vừa điện thoại đến cảnh sát khu vực, chắc chắn họ sẽ đến giúp đỡ quý vị ngay.

Claudia nói vài câu cám ơn và xin lỗi đã làm phiền đến công việc buôn bán của ông. Hải cũng tế nhị giới thiệu với ông về công tác xã hội mà hai người đang làm cho Ethiopia.

Đúng như ông chủ tiệm nói, không quá 10 phút đồng hồ sau, hai người đàn ông cao lớn đẩy cửa bước vào tiệm. Một người mặc quân phục mầu lam đậm của cảnh sát, người kia mặc thường phục. Hình như đã được người chủ tiệm nói rõ trong điện thoại, hai người bước đến chào hỏi Hải và Claudia. Người mặc thường phục hỏi Hải vài câu về diễn tiến của sự việc. Hải và Claudia cho ông ta xem tờ giấy giới thiệu do chính quyền Ethiopia cấp, trong đó yêu cầu nhân viên công lực giúp đỡ, bảo vệ cho anh và Claudia trong thời gian công tác. Xem xong tờ giấy giới thiệu, người an ninh tỏ vẻ kính trọng hai người ra mặt. Ông gật đầu thân thiện chào, tự giới thiệu là trưởng trạm an ninh khu phố. Quay sang người mặc quân phục, ông nói một tràng tiếng địa phương, sau đó nói vài lời xin lỗi với Hải và Claudia vì những phiền hà mà lũ trẻ vô ý thức đã gây ra cho hai người. Ông cho biết sẽ đi sau bảo vệ Hải và Claudia đến hết con đường, nơi đó có trạm taxi để hai người lên xe về khách sạn. Người trưởng trạm an ninh còn nhấn mạnh, nếu cần thiết họ sẽ sử dụng võ lực để trấn áp những kẻ cướp bóc hay làm phiền hai người.

Hải và Claudia vừa bước ra khỏi tiệm thuốc tây, lũ trẻ con và mấy người đàn bà bám theo ngay. Hình như ban đầu đám đông cũng có tí ngại ngần khi trông thấy người an ninh mặc quân phục đi phía sau, nhưng cũng chỉ được vài chục mét, đám đông như bị kích thích, lại chồm đến sát hai người. Vài đứa trẻ còn bạo dạn hơn không ngần ngại nhảy lên giật lấy xách tay của Claudia dù cô đã cố gắng ép sát nó vào trước ngực. Cùng lúc, một người đàn bà đẩy chiếc thúng đựng bánh sát vào người Hải, một người khác cố tìm cách giật lấy chiếc máy ảnh mà anh đã thận trọng cầm chắc trong bàn tay.

Trong khi Hải và Claudia đang luống cuống tránh né những hành động gần như cướp giật của lũ trẻ và mấy người đàn bà. Hai người an ninh từ phía sau chạy đến, họ không hề nương tay đấm đá, xô đẩy đám đông. Mấy đứa trẻ và người đàn bà bị đá bắn ra xa, bò lê, bò càng, rên la ngay trên đường phố, vài chiếc thúng đựng bánh văng ra khỏi tay người đàn bà, đổ xuống đường. Những chiếc bánh bột nướng đen đủi rơi rãi khắp nơi bị nhem nhuốc đất cát, hũ nước sauce nhầy nhụa màu đỏ tung toé khắp nơi.

Hải gần như chết sững, ngẩn ngơ nhìn cảnh rượt đuổi đấm đá quá tàn khốc, không hề nương tay của hai người an ninh. Họ chẳng buông tha hay nhẹ tay, dù những đứa trẻ và người đàn bà đã gục ngã trên mặt đường. Những tiếng kêu đau đớn của nạn nhân hòa lẫn âm vang trầm nặng từ những cú đá, cái đấm vào thân thể kèm theo những tiếng chửi thề tức giận của hai người an ninh... Nhìn cảnh đấm đá tàn bạo đó, Hải bức xúc, cảm giác ăn năn đổ ập đến, đánh thức ký ức Hải, đưa anh trở lại những hồi tưởng về nỗi đau đớn của chính anh ngày xưa.

Hình ảnh của hơn 40 năm trước, khi còn là đứa học trò năm đầu tiên trung học, gia đình nghèo khó, cha mẹ không có tiền mua một cái sạp cố định để buôn bán trong chợ, mẹ Hải đã phải bán chuối rong hay bày trên những chiếc chiếu trải trên lề đường, trước mặt tiền của những nhà buôn bán khác. Một lần vì mẹ vô tình làm cản trở lối vào một cửa tiệm, mấy người con trai, con gái của chủ tiệm đã nhảy ra không nói một tiếng, họ giẫm nát tất cả những nải chuối đồng thời xô đẩy, thẳng tay đấm đá mẹ con Hải. Dù đau đớn với những cú đấm đá nhưng nhìn thấy mẹ mặt mũi lấm máu và cát đang bị người đàn ông đẩy ngã xuống mặt đường trong khi vài người đàn bà cũng đổ xô lại không tiếc lời nhiếc móc. Hải cố nhịn đau lồm cồm ngồi dậy chạy lại bênh mẹ, nhưng nhóm người dữ tợn lại tặng cho anh mấy cái đá. Lần đó hai mẹ con Hải đã phải nhờ vài người cùng khổ khác nâng đỡ về nhà với nhiều vết thương ê ẩm trên mặt và tay chân, phải mất cả tuần lễ nghỉ bán buôn.

Rồi một lần khác, cũng với vài nải chuối bán rong kiếm tiền độ nhật, mẹ con Hải xếp ở góc bên lề con đường đi vào chợ, thình lình mấy người cảnh sát chạy đến xách đôi quang thúng liệng lên chiếc xe GMC vừa trờ tới! Hai mẹ con Hải chạy theo mong giành lại đôi quang thúng, không biết vì trật tay hay vì cái gạt của người cảnh sát, mẹ Hải té xấp xuống mặt đường nhựa, trán và môi sây xước máu và bụi đường. Trong khi đó, Hải nhanh nhẹn hơn nắm được chiếc quai thúng cố ghì lại, đã bị người cảnh sát đứng trên xe đưa chân đá vào tay Hải cho đến khi Hải phải buông chiếc quai thúng. Lần đó mẹ con Hải mất tất cả, lủi thủi quay về nhà với thương tích máu me và những vết tím bầm trên khuôn mặt.

Cuốn phim dĩ vãng về nỗi đau thương vì nghèo khổ của chính mình ngày xưa như diễn lại trước mắt, nó lồng khít vào cảnh những đứa trẻ đang quằn quại trên mặt đường, với người phụ nữ mặt bầm tím, lem luốc máu và bụi đất. Họ đang lê lết, đưa cánh tay đen đúa, ốm còm vơ vội lấy chiếc thúng có lẽ là gia sản kiếm sống hằng ngày của cả gia đình... Hình ảnh đó đã đập vào mắt, vào con tim, ký ức của Hải bằng những cảm giác đau buốt. Hải tự nhiên hận ghét hai người an ninh. Anh chạy đến gần họ với vẻ tức giận nắm lấy cánh tay người mặc quân phục gần như muốn đánh nhau với hắn ta, hét lên:

- Dừng lại! Các ông tàn bạo quá!

Tiếng hét dữ dội và thái độ gần như điên cuồng của Hải đã làm cho hai người an ninh đứng sững, ngơ ngác nhìn anh không hiểu. Claudia cũng chẳng khá hơn, cô ta giương mắt nhìn diễn tiến, cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên tột độ với hành động bộc phát kỳ lạ như điên cuồng của Hải đối với hai người an ninh.

Không quan tâm đến vẻ ngơ ngác của mọi người, Hải chạy vội đến nâng mấy đứa bé đứng dậy, vuốt ve, nói với chúng vài câu an ủi bằng tiếng Anh, dù anh chắc chúng cũng chẳng hiểu gì. Rồi Hải đến nâng đỡ người thiếu phụ ngồi dậy, thu gom vài chiếc bánh còn vương vãi trên mặt đường vào chiếc thúng ọp ẹp. Nhìn bà ta với ánh mắt đầy cảm thương, cũng nói với bà ta những câu tiếng Anh, có lẽ bà ta chỉ hiểu khi nhìn thấy cảm giác ân hận buồn đau đang hiện rõ trên nét mặt của Hải mà thôi:

- Bà có đau lắm không? Xin lỗi bà, tôi sẽ trả tiền tất cả thúng bánh của bà.

Chẳng cần biết người thiếu phụ da đen nghèo khổ có hiểu, bằng lòng hay không, Hải móc ví lấy ra vài tờ bạc địa phương mà anh nghĩ rằng quá đủ cho thúng bánh, hay dư thừa thì đền bù cho những vết thương trên thân thể bà ta vì những cú đấm đá của hai người an ninh. Người đàn bà ngước mắt nhìn Hải ra chiều cảm động, cầm lấy món tiền không giấu được nét vui mừng hiện rất rõ trên khuôn mặt lem nhem máu và cát bẩn.

Quay về hướng Claudia, đưa tay ra trước mặt cô, Hải hỏi:

- Claudia, cô còn tiền lẻ không, cho tôi mượn để cho mấy đứa bé. Tội nghiệp chúng nó bị đánh đau quá.

Sau khi giải quyết xong sự việc, Hải mới quay nhìn đám đông hiếu kỳ bu quanh và cả 2 người an ninh, Hải phân trần:

- Các ông làm quá mạnh tay. Thật ra chỉ cần đe dọa họ là được rồi.

Mọi người ngẩn ngơ nhìn Hải, trong ánh mắt của họ lộ rõ sự cảm động vì lòng tốt thương người của anh, nhưng vẫn có chút gì ngạc nhiên lạ lùng. Họ nhíu mày khó hiểu với cảm xúc hơi bất chợt và có vẻ như bộc phát của anh. Có lẽ chẳng một ai, kể cả Claudia cũng không hiểu được lý do sâu kín trong lòng Hải. Đó là sự hồi tưởng về quá khứ đã làm Hải hiểu được rất chính xác nỗi đau thân xác từ những cú đấm đá trên thân thể đói nghèo yếu đuối của người đàn bà và mấy đứa bé. Đó cũng là nguyên nhân làm cho Hải tức giận la hét như điên cuồng để ngăn cản hành động bạo lực của hai người an ninh.

Hai người cảnh sát tiếp tục hộ tống Hải và Claudia đến hết con đường chính, rồi họ từ giã hai nguời sau khi đã gọi taxi cho hai người về khách sạn. Ngồi trong chiếc xe taxi cũ rích, xộc xệch, Hải im lặng để mắt bâng quơ nhìn ra ngoài khung kính chiếc xe, theo dõi sinh hoạt của những người dân địa phương đen đủi, nghèo khổ trên đường đi. Claudia im lặng ngồi bên cạnh, mặc dù cô chưa hiểu rõ những xúc cảm trong lòng Hải, nhưng cũng để mắt bâng quơ nhìn ra ngoài như không muốn làm phiền sự suy tư của Hải mà cô thấy như vẫn còn lắng đọng trên nét mặt, ánh mắt của anh.

Trở về khách sạn, công việc đầu tiên của Hải là chui vào phòng tắm, dùng làn nước ấm để làm dịu đi phần nào cảm giác hối hận vẫn còn vương vấn trong đầu. Anh muốn rửa đi hình ảnh của những vết thương trầy trụa trên thân thể những đứa bé và người phụ nữ nghèo túng còn trong trí nhớ mình. Tắm xong, mặc quần áo chỉnh tề, Hải một mình đến ngồi trên chiếc ghế sofa ở góc trái căn đại sảnh của khách sạn. Bên trái Hải, ở góc bên kia là một quầy bar khá đông khách.

Ngồi im lặng, đưa mắt nhìn qua khung kính của khách sạn, ánh nắng hoàng hôn tháng 9 dương lịch từ những rặng núi xa xa chiếu về, mang theo cái ấm nóng của một quốc gia phần lớn là cao nguyên xinh đẹp, quanh năm ấm áp mùa xuân.Trước khách sạn là con đường khá sầm uất, vài chiếc xe bóng lộn chạy qua nhấn còi inh ỏi xua đuổi những đứa bé ốm còi gò mình dưới những chiếc túi thô bẩn trên lưng đang vội vã qua đường. Thỉnh thoảng cũng có vài người đàn bà lam lũ, uốn tấm thân gầy còm giơ xương, cố đẩy những chiếc xe nặng nề chất đầy rau cỏ hay lờm xờm đủ thứ vật dụng chai lọ, thùng chậu bằng plastic... Có lẽ họ đã thu nhặt từ một đống rác nào đó.

Nhìn hình ảnh cơ cực nghèo túng đó, kèm theo cảm giác vẫn còn hối hận với sự kiện vừa qua, Hải lại bị kéo trở về với quá khứ cực nhọc đói khổ thời ấu thơ của mình, suốt mấy chục năm trải dài từ lúc sinh ra ở một làng quê miền Bắc. Thời thế, chiến tranh đã xô đẩy Hải vào miền Nam Việt Nam, nơi đó Hải và gia đình vẫn phải tiếp tục kiếp nghèo khổ và nhục nhã trong thân phận của tầng lớp thấp kém trong xã hội gần chục năm. Nhờ những cố gắng của chính mình và nhất là nhờ sự hy sinh tuyệt vời của bố mẹ, Hải và 6 đứa em đã dần dần bước ra khỏi vòng thua thiệt của xã hội. Chính vì nhìn rõ những đày đọa của đói khổ, Hải đã thấm thía nỗi đau buồn, bất công của kiếp nghèo trong xã hội một cách rất xác thực. Những lần được gửi đi công tác tại các quốc gia nghèo như Phi Châu mang đến cho Hải rất nhiều suy nghĩ và cảm thông nỗi đau của người dân địa phương. Hôm nay chỉ vì thiếu suy nghĩ, Hải đã gián tiếp tạo ra sự bạo hành giống y hệt như ngày xưa mà chính anh đã là nạn nhân. Hải thấy mình đáng trách, đáng xấu hổ vì chính anh đã lặp lại cái xấu xa, bỉ ổi mà anh đã thù ghét ngày xưa!

Trong khi Hải đang dìm mình trong hồi tưởng, Claudia từ lúc nào đã đứng phía sau chiếc ghế bành Hải đang ngồi. Cô ta đưa hai bàn tay thân thiện nắn nhẹ lên đôi vai Hải, làm anh giật mình, Hải ngước lên nhìn qua tấm kính đối diện, Claudia cũng đang nhìn mình mỉm cười qua tấm kính. Claudia cúi xuống sát vào mặt Hải, hơi thở âm ấm phà nhẹ bên tai anh, nói rất khẽ:

- Hải, tôi biết anh đang có nhiều suy nghĩ trong đầu, tôi cũng đang thắc mắc và muốn biết vì lý do gì đã làm anh đổi khác kỳ lạ từ sự kiện vừa qua.

Hải im lặng, cầm lấy cánh tay trắng muốt, mát lạnh của Claudia cà nhẹ vào má, vào môi mình, hưởng thụ cái cảm giác mềm mại, êm ái từ bàn tay của người bạn đồng nghiệp. Claudia cũng im lặng như muốn tôn trọng sự suy tư và tỏ vẻ cảm nhận hành động thân thiện của Hải. Một lúc sau nàng lại cúi sát, nói rất khẽ vào tai Hải:

- Uống rượu nhé? Tôi đang rất muốn nghe những suy tư của anh.

Chẳng cần chờ đợi Hải trả lời, Claudia vỗ nhẹ bàn tay vào vai Hải mấy cái rồi quay đi về hướng quầy bar nơi đang ồn ào tiếng nói chuyện của khách uống rượu. Trước khi đi, nàng còn nói với lại:

- Đừng lo lắng, chỉ là ly rượu ngọt mà thôi. Tôi không quên anh không thích và cũng không uống được rượu.

Ngồi sát bên Hải, Claudia giơ cao ly rượu ngọt tonic (Rượu Martini pha trong đá cục với một khoanh chanh đính vào thành ly) hướng ánh mắt về phía Hải. Sau tiếng cụng ly nhẹ, mỉm cười thân thiện nàng nói:

- Khỏe mạnh nhé, tôi đang chờ đợi nghe anh tậm sự đó.

Hải nhấp một ngụm nhỏ rượu ngọt rồi đổi hướng nhìn ra phía bên ngoài, đằng trước khách sạn. Ngoài đường vẫn có vài đứa bé da đen đang uốn cong thân thể ốm yếu với chiếc bao tải trên lưng. Một người thiếu phụ cùng đứa con gái khoảng 10 tuổi gần đó cũng đang gò mình đẩy chiếc xe gỗ lọc cọc, trên xe nồi bắp luộc đang nghi ngút tỏa khói. Hải hất nhẹ đầu, mắt không rời hoạt cảnh bên ngoài khách sạn, anh nói nhẹ vừa đủ cho Chaudia nghe:

- Claudia, cô hãy nhìn rất kỹ bóng dáng và cả thân phận của những đứa bé khốn khổ, nghèo nàn đó xem. Cô có nghĩ rằng 10 năm, 15 năm hay xa hơn nữa, những đứa bé nghèo khổ, nhem nhuốc da đen đó, chúng sẽ tốt nghiệp đại học rồi đi làm với một chức vụ, trí thức kha khá trong xã hội này không?

Không cần chờ đợi câu trả lời của Claudia, Hải vẫn đưa ánh mắt suy tư nhìn cảnh nghèo khổ, nói tiếp:

- Rồi cô có thể hình dung xa hơn nữa, chúng sẽ được du học ở một quốc gia tân tiến trên thế giới và thời thế đưa đẩy tiếp theo, chúng lại là một chuyên viên khá cao, có một vị trí tốt đẹp trong nghề nghiệp, ở một nơi an bình thịnh vượng trên thế giới, chẳng hạn như ở Thụy Sĩ, quê hương của cô không?

Claudia, hơi cau mày nhìn Hải như để xác định lời nói của anh không phải là đùa cợt, cô chuyển ánh mắt quan sát rất kỹ những đứa trẻ khốn khổ, đang ở mức tận cùng của một quốc gia đầy rẫy những đói khổ và chiến tranh như Ethiopia, nơi cô đang công tác và đã nhìn quá rõ. Những đứa trẻ đó nếu may mắn thoát ra khỏi thân phận hẩm hiu, hằng ngày có được những bữa cơm no, không bị chết đói đã là giấc mơ không tưởng rồi thì làm sao có thể như lời Hải nói được? Lắc nhẹ đầu ra vẻ phủ nhận, cô nói:

- Rất khó! Và có lẽ chẳng bao giờ là sự thật, họa chăng là trong thần thoại!

Hải mỉm cười quay nhìn Claudia, anh biết chắc chắn cô ta cũng như những đứa con thương yêu của anh hay bất cứ một người Thụy Sĩ nào khác. Chúng được sinh ra, lớn lên trong một xã hội sung túc với biết bao nhiêu điều kiện tốt đẹp, chúng cũng đã phải trầy vi tróc vẩy mới ngoi lên được, huống chi là những đứa bé khốn khổ ở một xứ thấp kém gần như ở tận đáy cùng của thế giới này, lại có thể len chân vào những xứ sở tân tiến, giàu có, văn minh, để có một vị trí kha khá trên mức bình thường được sao? Đã thế sự nhập cư vào Thụy Sĩ đâu có phải là một vấn đề dễ dàng, với bao nhiêu rào cản, lại là một chuyện không thể được!

Hải đưa tay khoác qua vai Claudia, kéo sát vào thân mình, nắn nhẹ bờ vai của cô, với giọng thân thiện, anh nói thật chậm rãi:

- Claudia à, có lẽ cô không tin, nhưng đó là sự thật đã xảy ra rồi đó, những thằng bé khốn khổ đó gần như là tấm ảnh sao chép cuộc đời tôi. Ngày xưa, tôi đã sống trong hoàn cảnh giống y như vậy. Cũng chính vì không quên được quá khứ cực nhọc, khốn nạn của mình, tôi đã xúc động với những cú đấm đá của hai người an ninh vừa qua mà có những hành động kỳ lạ như cô đã thấy.

Claudia im lặng, đưa mắt nhìn Hải, ánh mắt cô đã mất đi vẻ nghi ngờ hay khó tin vào những điều Hải vừa nói, nhưng lại thoáng hiện sự suy tư, tò mò. Cô muốn nghe Hải kể lể về những ngẫu biến trong cuộc sống để ngày nay Hải đang hiện thực bên cô như một người bạn khá thân có trình độ trong xã hội quê hương cô.

Cầm ly rượu lạnh và ngọt lên nhấp một ngụm nhỏ như lấy hứng thú, Hải chậm rãi kể cho Claudia nghe tất cả những đổi thay may mắn cũng như bất hạnh của đời anh từ khi được sinh ra, lớn lên, đi làm việc trong mịt mù khói lửa và âm thanh của bom đạn chiến tranh. Được sinh ra khi nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 vừa đi qua vài tháng, từ một gia đình nông dân đúng nghĩa ở một làng quê thuộc tỉnh Nam Định, Bắc Việt nam. Tuổi thơ của Hải là kết nối với những tai họa và chết chóc, cảnh vỡ đê với giòng nước lũ phủ trắng làng mạc đến những hình ảnh hàng chục người rên xiết nằm la liệt trên sân rên la vì cháy phỏng bởi bom napal không thuốc chữa chạy. Chiến tranh đã mang giết chóc, đói khổ, xua đuổi gia đình Hải và bao nhiêu nông dân khác ra khỏi công việc đồng áng đến với thị thành, đẩy đưa họ vào công việc hạ tiện nhất, khốn cùng nhất trong thân phận cùng đinh. Hải đã lớn dần trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật và vô học đó, cho đến ngày được ngẫu nhiên hòa nhập vào cuộc di cư năm 1954 khi anh lên 9 tuổi. Cuộc ra đi của gia đình anh hoàn toàn không có gì liên quan đến ý thức chính trị, nó được diễn ra dưới thân phận kẻ làm công, đúng ra là kẻ nô lệ phải theo chủ nhân ra đi mà thôi.

Hải và 6 đứa em đã lớn lên trong sự hy sinh tuyệt vời của bố mẹ ở môi trường thành thị đầy rẫy những xảo trá và bạo lực. Những cảnh lừa đảo, ăn chặn trắng trợn tiền giúp đỡ từ những cơ quan nhân đạo quốc tế giúp đỡ gia đình người di cư như gia đình Hải. Những cú đấm, cú đá hay bị xô đẩy phá hủy quang gánh của mẹ con Hải trong đời sống buôn thúng bán bưng trên lề đường… Tất cả đã khắc sâu vào ký ức trẻ thơ, tuổi đang lớn của Hải như cơm bữa hằng ngày.

Trong nỗi cay cực nhục nhã của cha mẹ, Hải đã đi lên bằng cố gắng, bằng chăm chỉ và có lẽ cả bằng nỗi hận thù bạo lực của những kẻ bất nhân. Con đường duy nhất mà Hải đã chọn lựa là cố gắng học hành từ sự hy sinh tột cùng của cha mẹ, cũng chính trên con đường độc đạo mà Hải phải chọn này, đã mang đến cho anh sự thoát ly thân phận nghèo hèn. Nhưng Hải cũng không thể phủ nhận được cần phải có sự hy sinh vĩ đại của cha mẹ và cố gắng của chính anh nữa. Một điều hiển nhiên là anh cũng phải có rất nhiều may mắn để thoát được ngọn giáo của chiến tranh. Anh đã bước qua mặt rất nhiều những đứa trẻ đồng trang lứa khác, dù chúng có nhiều điều kiện ưu ái trong xã hội hơn. Anh đã vững mạnh vào đời với vốn liếng chuyên môn vững chắc, với thực tài của văn bằng đại học để rồi có một công việc rất tốt dẫn anh đến những dịp may kế tiếp đi tu nghiệp ở ngoại quốc.

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, tình thế và hoàn cảnh lại đưa đẩy Hải đến một môi trường khác, môi trường của một xã hội thịnh vượng, an lành Thụy Sĩ như ngày nay anh đang sống và làm việc. Tất cả với Hải hình như vẫn còn trong ít nhiều ngỡ ngàng, ngoài sức tưởng tượng và ước mơ khi anh hồi tưởng lại quá khứ, thân phận mình.

Claudia im lặng, chăm chú nghe Hải tâm sự, kể lể về mình. Thỉnh thoảng nàng nắn mạnh bàn tay Hải như muốn truyền cho anh sự an ủi, cảm thông với những đắng cay, bất hạnh của đời anh trong gần 30 năm sinh ra và lớn lên trong nghèo đói và chiến tranh. Buông tiếng thở dài, để mắt nhìn xa xa, Hải phân trần tiếp với cô bạn Thụy Sĩ đang kín đáo nhìn anh trong ánh mắt cảm phục:

- Chính vì vậy, khi hai người an ninh quá bạo hành như vừa rồi đã làm tôi sống lại cảm giác đau đớn hệt như ngày xưa. Khi tôi còn bé, khi mẹ tôi vì kiếm ăn, vì vô ý chiếm hữu lề đường, trước cửa tiệm của người khác đã bị người ta đánh đá, xô đẩy. Chỉ khác là những chiếc bánh bột nướng của người thiếu phụ da đen vung vãi trên mặt đường, thay bằng những nải chuối của mẹ con tôi bị giẫm choét với đất cát.

Claudia ngẩn ngơ, ngước nhìn Hải, bây giờ cô đã hiểu rõ lý do làm cho Hải buồn bã, suy tư suốt buổi chiều nay. Lắc nhẹ bàn tay Hải, cô an ủi:

- Nhưng quá khứ là những gì đã qua, hiện tại và tương lai mới là điều mà người ta cần nhìn đến để vui sống Hải ạ.

Dừng lại một chút như để thăm dò ý tứ của Hải, Claudia nói tiếp:

- Hiện tại anh là người đang may mắn, là công dân Thụy Sĩ như tôi. Chắc chắn chẳng bao giờ những đau buồn đó đến với anh hay với gia đình anh nữa. Hãy quên dĩ vãng đi. Đó là điều cần thiết cho anh.

Quay nhìn vào khuôn mặt khả ái, chẳng vương víu một tí buồn lo của người phụ nữ Thụy Sĩ ngồi bên cạnh. Hải ngần ngừ một tí trước khi phân trần với Claudia về một điều mà anh nghĩ có vẻ đi sâu vào triết lý đến mức những xã hội giàu có không có dịp để cảm thông:

- Khi một người vì hoàn cảnh hay một lý do nào đó bị rơi vào sự nghèo khổ, bất hạnh, rồi sau đó nhờ may mắn hay cố gắng, họ vượt qua được những bất hạnh, trở nên giàu có hay có quyền thế, lúc đó họ có thể rơi vào hai trường hợp khác nhau. Trường hợp đầu tiên, họ sẽ tìm cách bù đắp lại những gì họ đã khốn khổ, mất mát ngày xưa. Họ sẽ hưởng thụ, họ sẽ chèn ép, bóc lột người khác một cách mạnh mẽ, tàn bạo hơn cả những gì họ đã phải chịu đựng ngày xưa. Hạng người như thế này rất nhiều trong xã hội. Họ đã quên tất cả những gì họ đã khốn khổ chịu đựng ngày xưa. Họ muốn lột xác, họ muốn trả thù đời và quên đi quá khứ. Trường hợp thứ hai ít gặp hơn, họ không thể quên những đắng cay, thua thiệt của chính bản thân họ ngày xưa. Do vậy, họ có thái độ trong sáng cảm thông với những người kém may mắn dưới quyền họ hơn. Chính hạng người thứ hai này mới làm cho xã hội loài người thăng hoa, tốt đẹp hơn.

Dừng lại một chút, đưa mắt nhìn Claudia như muốn thăm dò cảm giác của cô sau khi nghe anh phân tích, Hải ngạc nhiên khi nhìn thấy cô ta với ánh mắt đầy thích thú và có vẻ đang chú ý vào những lời phân tích của mình. Hải nói tiếp:

- Dĩ nhiên giữa hai hạng người đó cũng có nhiều mức độ trung gian. Có lẽ tôi thuộc hạng người không dễ quên quá khứ của mình. Đó cũng là điều làm tôi ray rứt suy tư rất nhiều trong những lần công tác ở Ethiopia, Somalia, Sudan… Hình ảnh người mẹ chết đói mà đứa con vẫn còn sống, vẫn mút vú mẹ hay bà mẹ chết gục bên đường vì súng đạn nhưng trong vòng tay là đứa con vẫn còn im ngủ say sưa… Tất cả những hình ảnh kinh dị của chết chóc nhưng tuyệt vời đẹp đẽ của lòng mẹ đó đã làm cho tôi lịm người buồn bã, tưởng nhớ đến những lần mẹ tôi, ôm tôi trong lòng, lấy thân mình che phủ cho tôi trong hầm chữ chi tránh bom đạn ngập nước sau vườn của căn nhà tranh ở miền Bắc.Trên trời những chiếc máy bay đang đâm nhào xuống bắn phá. Lúc đó tôi còn ấu thơ mà chiến tranh thì đang phủ trùm lên quê hương tôi.

Claudia ngước mắt nhìn khuôn mặt rất buồn, buồn như muốn khóc của Hải. Nàng gật đầu nhè nhẹ, nói với giọng chân tình, cảm phục:

- Anh Hải, anh có biết trong những năm quen biết anh, tôi đã học hỏi từ anh rất nhiều không? Đặc biệt trong lần công tác Phi Châu này, nhờ anh, tôi đang có linh cảm là tôi đã khám phá được cái bản chất thật của mình. Sự khám phá đó chưa rõ ràng, hãy còn mù mờ nhưng đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Hải im lặng quan sát người phụ nữ đồng nghiệp. Hình như từ ánh mắt, dáng điệu của cô tiềm ẩn những cảm xúc thật sự của một người có tấm lòng nhân đạo và lý tưởng. Nó có vẻ mù mờ liên quan đến thân phận thua kém của người nghèo, những kẻ thua thiệt trong xã hội thì phải? Một ý nghĩ chợt thoáng hiện trong lòng Hải, anh muốn làm cho những cảm xúc nhân đạo tiềm ẩn đó đi vào thực tế. Đắn đo một chút, anh nói tiếp:

- Với nghề nghiệp bác sĩ của cô, tôi chắc chắn sẽ mang đến cho cô rất nhiều sự hấp dẫn, thích thú hơn. Cô sẽ nhận được hằng ngày những ánh mắt nhìn cảm phục, tấm lòng biết ơn từ những bệnh nhân nghèo đói, thiếu thốn. Với họ, cô không còn là kẻ bình thường nữa mà là vị cứu tinh đầy kính ngưỡng. Tôi chắc chắn không bao giờ cô tìm thấy, dù rất ít những điều đó từ những bệnh nhân ở Thụy Sĩ, bởi vì nơi đó tất cả đã được tính toán bằng tiền bạc từ những công ty bảo hiểm hay quỹ an sinh quốc gia rồi. Cô làm việc, họ trực tiếp hay gián tiếp trả tiền cho cô, thế là công bằng, rất công bằng, chẳng có gì để bệnh nhân phải nhìn lại với sự cám ơn cả.

Ngừng lại một chút để nhìn rõ nét mặt suy tư của người bác sĩ trẻ đang lắng nghe mình, Hải nói tiếp:

- Làm việc thì ở đâu cũng thế thôi Claudia ạ, nhưng việc làm cho mình thích thú, tìm được nguồn vui trong sự cao thượng mới là điều đáng giá mà ít người biết đến. Nói rất thật với cô, trong hơn 8 năm qua, đã nhiều lần đi công tác ở những quốc gia nghèo Á châu và Phi Châu, tôi đã nhận thức được như vậy. Điều giới hạn, gây cho tôi khó khăn, đó là tôi không phải một y sĩ như cô để có nhiều dịp may trong những công tác về xã hội.

Claudia đưa mắt nhìn bâng quơ ra con đường phía ngoài khách sạn, nơi đó đang có vài đứa trẻ ốm yếu lang thang dưới bóng đèn đường vừa bật sáng. Đưa bàn tay lên vuốt nhẹ vài lọn tóc lòa xòa trên trán, với giọng rất khẽ, Claudia như nói với chính mình:

- Anh có lý Hải ạ, làm việc ở Thụy Sĩ tôi có thể nhìn rõ những gì tôi sẽ phải làm và tôi sẽ ra sao trong một năm, trong 5 năm, 10 năm hay trong suốt cả đời tôi. Có lẽ anh nói đúng, hơn 4 năm vừa qua làm việc trong bệnh viện tỉnh Basel, giữa tôi và bệnh nhân chẳng có gì để phải nhớ đến nhau, bởi vì tất cả đã được tính toán bằng tiền bạc.

Im lặng một chút, buông tiếng thở dài, Claudia nói tiếp:

- Đúng là nhàm chán và vô vị thật!

§

Sau lần công tác đó, Claudia thân thiện với gia đình Hải hơn, thỉnh thoảng có dịp lên Zürich, nàng tạt đến thăm gia đình Hải. Trong những dịp đó, cô luôn luôn hỏi chuyện Hải về lối sống, kinh nghiệm của anh về con người, xã hội của những quốc gia nghèo đói mà anh đã làm việc. Hải nhìn thấy từ con người Claudia đang manh nha một điều mới lạ, cô ta đang rơi vào sự băn khoăn trong lựa chọn liên quan đến hướng đi của nghề nghiệp. Cô đã bỏ dần những sở thích trưởng giả như trượt tuyết, và dành thời gian nghỉ thường niên cho những cuộc du lịch, thăm viếng những quốc gia nghèo đói ở Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Trong những lần nói chuyện, cô nhìn vào những nền văn hóa khác ngoài thế giới Tây phương với một nhãn quan rộng rãi hơn và chấp nhận sự khác biệt trong tinh thần cảm thông hơn.

Một lần, bất thình lình đến thăm gia đình Hải, Claudia giới thiệu Hải với Alex, người bạn trai của cô. Alex có phần lai Nhật Bản vì bà nội là người Nhật, đến Thụy Sĩ từ trước Thế chiến thứ 2. Hình dáng bề ngoài của Alex nếu chú ý lắm mới nhận thấy một chút Á châu, nhưng cá tính và văn hoá của anh ta hoàn toàn không còn một chút gì liên hệ đến Á châu. Alex không biết gì về họ hàng hay thân nhân ở Nhật, ngoài một điều duy nhất là bà nội là người Kobe, một hải cảng ở Nhật Bản. Bà quen biết ông nội anh trong dịp ông làm thủy thủ đến Nhật Bản trước thời chiến tranh thế giới thứ 2, rồi cưới nhau và trở về Thụy Sĩ sinh sống.

Không lâu sau đó, Claudia kết hôn, rồi họ có một đứa con gái đầu lòng. Cũng thời gian đó, Hải được đổi sang một phân ngành khác, không liên quan đến dinh dưỡng, vì thế ít có dịp gặp lại Claudia trong lãnh vực chuyên môn như trước. Bẵng đi thời gian vài năm, trong một lần đi phố, ngẫu nhiên Hải gặp lại Claudia. Hình ảnh đầu tiên làm Hải ngạc nhiên là cô mất hẳn đi sự vui vẻ cởi mở cố hữu ngày xưa. Khuôn mặt thoáng buồn và hơi ngại ngùng khi nói chuyện với anh. Sau một lúc lâu tâm sự, Claudia cho biết gia đình đã tan vỡ, hiện nay đứa con gái đang sống với bà ngoại. Claudia vẫn làm việc cho bệnh viện tỉnh Basel nhưng cô đang có ý định thay đổi chỗ làm. Hải chẳng biết làm gì hơn là nói vài lời chia buồn và an ủi với cô bạn đồng nghiệp mà gia đình anh có nhiều quý mến.

Sau lần gặp gỡ không vui đó, Hải cũng không có dịp liên hệ với Claudia nữa. Anh nghĩ rằng vì hoàn cảnh gia đình không vừa ý đã làm cho Claudia không muốn gặp lại anh. Trong một lần có dịp đến Basel, Hải tạt vào bệnh viện Basel nơi Claudia làm việc với mục đích thăm viếng cô, nhưng một bạn thân của Claudia cũng là bác sĩ trong bệnh viện cho biết Claudia đã nghỉ việc ở đó từ lâu, hiện đang làm việc tại thủ đô Antananarivo của Madagasca ở Nam Phi Châu, trong đoàn công tác thiện nguyện của chính phủ Thụy Sĩ.

Có lẽ người bạn bác sĩ đó đã báo tin cho Claudia biết chuyện anh đến Basel tìm cô. Vài tuần lễ sau đó, Hải rất ngạc nhiên nhận được lá thư của Claudia viết từ Madagasca:

Antananarivo, ….. September, 1993

Anh Hải thân mến,

Chắc rằng anh sẽ ngạc nhiên lắm khi nhận được lá thư này của tôi? Đã hơn 2 năm rồi không liên lạc với anh, chẳng phải vì không có gì để kể lể tâm sự với anh, ngược lại tôi có hàng trăm điều muốn kể lể với anh lắm Hải à.

Như anh đã biết, những lần nói chuyện với anh và nhất là lần đi công tác với anh ở Ethiopia, những lời tâm sự và suy nghĩ của anh đã làm tôi xúc động, thúc đẩy tôi tìm một hướng đi phù hợp với bản chất thật của mình. Tôi có cảm tưởng trong tôi đã manh nha một cái gì mơ hồ liên hệ đến hai chữ nhân đạo.

Rồi khi trở về Thụy Sĩ với những xô đẩy của vật chất, tranh giành trong việc làm… Tiếp theo lại bị lôi kéo vào những phức tạp của đời sống gia đình, tôi đã tưởng rằng chẳng có dịp để lựa chọn hay đổi thay đời tôi. Nhưng sau khi cuộc sống gia đình tan vỡ, ước muốn lại sống dậy với tôi, thôi thúc tôi can đảm hơn để lựa chọn một hướng đi khác. Hướng đi hợp với bản chất thật của mình hơn, đó là lý do tôi đã bỏ việc làm cho bệnh viện Basel để xin vào làm cho cơ quan viện trợ nhân đạo của chính phủ Thụy Sĩ. Tôi đã được tiếp nhận dễ dàng, gần 3 năm nay tôi đã làm việc cho bệnh viện trung ương Antananarivo của Madagasca.

Anh Hải thân mến, đúng như một lần anh đã nói với tôi, làm việc thì ở đâu cũng thế, nhưng quan trọng là công việc mang đến cho mình sự sung sướng và hạnh phúc, hợp với ước nguyện của mình. Hiện nay tôi đã tìm được tất cả những điều đó mà còn có thêm những niềm tự hào về công việc làm của mình nữa anh Hải ạ. Gần như hằng ngày tôi đều nhận được những ánh mắt nhìn biết ơn, lời nói chân tình từ bệnh nhân mà có lẽ chưa bao giờ tôi có được trong những năm trời làm việc ở bệnh viện Thụy Sĩ. Những việc làm của tôi nơi đây mang một ý nghĩa và niềm vui gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nhiều hơn công sức mà tôi đã bỏ ra. Tôi đã được trả lại bằng hạnh phúc, bằng nể trọng của bệnh nhân mà hầu hết là những người nghèo khổ trong xã hội, cũng như của chính quyền địa phương.

Dĩ nhiên trong vài tháng đầu tiên, khi mới đến đây làm việc, xa gia đình, cha mẹ, nhớ quê hương là những giằn vặt mà tôi phải can đảm chịu đựng, nhưng tất cả cũng đã qua rồi. Hiện nay, tôi đã quen thuộc và hình như những lần về thăm Thụy Sĩ lại gây cho tôi cảm giác ngược lại. Tôi nhớ nơi đây, nhớ ánh mắt, nhớ lời nói ân cần hạnh phúc của những kẻ bất hạnh thường dành cho tôi, đợi chờ nơi tôi.

Anh Hải thân mến, có lẽ tôi phải cám ơn anh với những lời tâm sự, những suy tư chân thành của anh đã giúp tôi có một hướng đi. Tôi nghĩ rằng đời tôi sẽ gắn bó mãi với công việc nhân đạo này. Tôi yêu nghề nghiệp bác sĩ của tôi hơn vì nhờ nó tôi đã là một người rất hữu dụng. Ít ra tôi đã có dịp giúp đỡ được những thân phận hẩm hiu nghèo khổ mà họ cũng là con người như tôi.

Thân ái
(Huber Claudia)

Hải đọc lại mấy lần lá thư của Claudia, anh không ngạc nhiên khi nghe cô rời bỏ bệnh viện Basel để tìm một công việc khác. Anh biết người trẻ Thụy Sĩ vẫn luôn luôn tìm cách thay đổi nghề nghiệp, chỗ làm để tìm đường thăng tiến hơn trong cuộc sống. Nhưng Hải đã ngẩn ngơ khi biết rằng vì những lời tâm sự của mình mà Claudia đã khám phá ra bản chất nhân đạo tiềm ẩn trong con người của nàng và đã dám chọn một hướng đi, hướng đi mà chỉ những người có đầy thiện tâm và can đảm mới có thể thực hiện.

Đọc lá thư, Hải liên tưởng đến những người bạn trẻ Việt Nam, thế hệ sau anh, đã vì một hoàn cảnh nào đó sau năm 1975 phải rời bỏ Việt Nam. Họ định cư ở các quốc gia tiên tiến, thịnh vượng như Bắc Mỹ, Tây Âu. Họ đã nhờ sự cố gắng hy sinh của cha mẹ và của chính họ để trở thành những bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư… Rồi vì một tác động nào đó, có thể là một lần theo cha mẹ về thăm quê hương hay đơn giản hơn qua báo chí, truyền hình… họ đã thoáng nhìn thấy những đau khổ, thua thiệt của quê hương từ những hậu quả còn để lại của cuộc chiến tranh quá dài, quá tàn khốc. Những người đó đã dám bước ra khỏi những đố kỵ của thù hận chính trị để trở về giúp đỡ quê hương dân tộc dưới một hình thức nào đó trong lãnh vực nhân đạo. Họ mong ước hàn gắn lại những đau thương của những đứa trẻ mù lòa, tàn tật vì bom đạn, hay đói còm vì thiếu ăn cũng như những thân thể tật nguyền của những người chiến binh bên này hay bên kia…

Họ lặng lẽ bước vào công việc với tấm lòng quảng đại của một người đầy nhân đạo không vướng hận thù của chính trị chiến tranh. Tất cả những người trẻ đó cũng như Claudia, đã ít nhiều làm cho cuộc sống của nhân loại đẹp đẽ hơn. Những kẻ bất hạnh trong xã hội loài người nếu còn có được nụ cười hay niềm hạnh phúc ít ỏi nào đều là nhờ vào những tấm lòng đẹp đẽ đáng tôn vinh đó.

Hết




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.195.182 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...