Kinh Ðại Niết-bàn ghi: “Niết là không sinh, Bàn là không diệt. Không sinh không diệt thì gọi là Ðại Niết-bàn.” Kinh Duy Ma cũng dạy: “Pháp vốn chẳng sanh, nên nay chẳng diệt.” Vậy chữ “không sinh không diệt” có nghĩa là Niết-bàn.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp Ngài Xá Lợi Phất liền hỏi: “Niết-bàn, Niết-bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin nói cho biết Niết-bàn là cái gì vậy?” Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: “Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết-bàn.”
Khi nói về Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Nếu chúng sanh nào đã từ bỏ thú vui và lòng tham muốn, đã đầy đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự tịch tĩnh và sự giải thoát sanh tử; đã đạt đến Niết-bàn, tức là đến được nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh cửu ngay ở trong cõi đời nầy.” Như vậy, Niết-bàn không phải là một cõi, một cảnh, một tâm trạng và dĩ nhiên Niết-bàn cũng không phải là cái hư vô. Rõ ràng là chúng ta không thể dùng văn tự, ngôn ngữ của con người để diễn tả Niết-bàn.
Nói như vậy, Niết-bàn thật sự có hay không có? Trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo, vua Milinda hỏi Na Tiên Tỳ-kheo: “Thế nào là Niết-bàn?” Ngài Na Tiên trả lời: “Tâu Hoàng thượng, thật sự có Niết-bàn và Niết-bàn chỉ có thể lấy trí mà nhận biết. Nếu chúng sanh giữ được tâm thanh tịnh và chánh trực, thoát khỏi các nghiệp chướng và các tham muốn thấp hèn thì chính họ sẽ thấy được Niết-bàn.” Nhà vua hỏi Ông Na Tiên: “Xin Ngài cho một thí dụ về Niết-bàn.” Ngài Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua: “Hoàng thượng biết có một cái gọi là gió phải không? Nhưng Hoàng thượng có biết gió có màu sắc gì? Hình dáng ra sao? Nó dày hay mỏng? Dài hay ngắn như thế nào không?” Nhà vua đáp: “Gió thì vô hình vô sắc, làm sao chỉ được. Tuy không chỉ được, nhưng nó vẫn có.” Bây giờ Tỳ-kheo Na Tiên mới kết luận: “Cũng giống như thế, tâu Hoàng thượng, Niết-bàn là cái thật sự có, nhưng nó không có hình sắc, nên không thể dùng văn tự ngôn ngữ để diễn tả cho con người thấy được.” Nhà vua lại hỏi: “Thế thì làm sao biết được Niết-bàn? Thế nào là nhờ sự thoát khỏi phiền não, giải thoát nghiệp chướng, nhờ sự an ổn, an lạc thanh tịnh thì mới có được Niết-bàn?” Ngài Na Tiên trả lời: “Như người té vào đống lửa ngùn ngụt, nếu họ cố gắng vượt ra khỏi và lên được chỗ mát thì người ấy sẽ cảm thấy sung suớng vô cùng; đó chính là Niết-bàn. Cũng thế, người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ huởng cái sung sướng an tịch của Niết-bàn. Cũng như người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết-bàn. Và sau cùng, những ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, lão, bệnh, tử thì người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết-bàn.”
Tiểu thừa dựa vào lý Hữu Dư Niết-bàn để quán bất sanh bất diệt, nên nghiêng về Thiên Không. Ðại Thừa dựa vào Kim Cang Bát-nhã để quán lý Trung đạo Thật tướng, nên có thể tự tại từ không nhập giả, từ giả nhập không, tức là ngay nơi cái có sự tướng mà hiển thị lẽ không sinh không diệt. Trong Đại thừa Phật pháp: “Ngay nơi tướng chính là đạo, ngay nơi sự chính là chân,” thì đấy mới là Vô Dư Niết-bàn.
Khi xưa, Lục tổ Huệ Năng nhờ nghe được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang mà bổng nhiên đại ngộ. Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có nghĩa là đừng sanh vọng tâm mà trụ chấp vào bất cứ một nơi hay sự vật nào cả. Bồ tát do an trụ tâm như vậy nên có thể tuy độ vô lượng chúng sanh mà vẫn không thấy có một chúng sanh để độ, kinh gọi đó là hành Trung đạo! Bồ tát do an trụ tâm trong Trung đạo Thật tướng nên có thể bố thí Ba-la-mật, tức là có thể cúng dường pháp cho hết thảy chúng sanh bằng cái tâm Tam Luân Không Tịch, tức là không thấy mình bố thí, không thấy người nhận bố thí và cũng không thấy vật bố thí. Do bố thí như vậy nên Bồ-tát mới có thể an trụ trong hết thảy pháp công đức, thành tựu vô lượng vô biên công đức trang nghiêm. Nói cho căn kẽ hơn, Bồ-tát do hành Trung đạo nên có thể suốt ngày độ sanh mà suốt ngày cũng chẳng độ sanh, suốt ngày tiếp xúc với vạn duyên mà vẫn luôn nhất tâm không tịch, suốt ngày thực hành rốt ráo cả sáu độ Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ) mà vẫn luôn an trụ trong các tam muội bất sanh bất diệt, chẳng đánh mất định ý. Bồ-tát tâm thường an trú trong Vô Dư Niết-bàn mà lại có thể thực hành Lục độ Vạn hạnh với trí tuệ Bát nhã như vậy, nên thường được chư Phật đồng thanh khen ngợi: “Rốt ráo Bồ-tát, các Ba-la-mật, và thường an trú, nơi Tam-ma-địa, không sinh không diệt, đi khắp đạo tràng, xa cảnh Nhị thừa.”
Thập-trụ Tỳ Bà Sa Luận bảo: “Nếu đắm trong địa vị Thanh văn và địa vị Bích-chi Phật thì gọi là Bồ-tát chết, là mất hết thảy cái lợi. Dù đọa vào địa ngục cũng chẳng sợ hãi đến thế. Nếu sa vào địa vị Nhị thừa thì là điều sợ hãi lớn.” Đấy đã nêu rõ ý nghĩa vì sao Bồ-tát cõi Cực Lạc dù đi khắp đạo tràng mà vẫn xa lìa cảnh Nhị thừa, chẳng bị nhiễm trước bởi các pháp của hàng Thanh văn và Bích-chi Phật. Nói cách khác, tuy Bồ-tát hành quyền phương tiện, dạo khắp mười phương, diễn nói các pháp khác nhau thích ứng với căn cơ của từng mỗi chúng sanh, nhưng đối với những chánh hạnh đạo tràng, các Ngài chỉ nương theo một pháp Nhất thừa để rốt ráo đạt tới bờ kia, không có chút khuyết thiếu, cũng không lầm lạc mà bị rơi vào các pháp của hàng Nhị thừa. Vì vậy, chư cổ đức mới thường dạy: “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, mau chóng đại ngộ, đắc quả Nhất thừa.” Đây mới thật sự là an trụ trong hết thảy các pháp công đức chỉ bẳng một pháp nhất tâm, Bồ-tát cõi Cực Lạc chỉ chuyên tu một pháp môn Niệm Phật Nhất thừa của A Di Đà Phật mà thành tựu được hết thảy công đức chân thật chẳng thể nào nói ra cho nổi, nên Thích Ca Mâu Ni Phật mới khen ngợi rằng: “Ta nay lược nói cõi Cực Lạc kia, chỗ Bồ-tát sinh, chân thật công đức, thảy đều như thế. Nếu nói rộng ra, trăm ngàn vạn kiếp cũng không cùng tận.” Còn những người tu xen tạp là do tâm còn nghi hoặc nơi giáo pháp mình đang tu, hoặc còn bị chìm đắm trong địa vị Thanh văn hay Bích-chi Phật, chưa thể rời xa cảnh Nhị thừa, nên chẳng thể chân thật chuyên tu một môn niệm Phật Nhất thừa của A Di Đà Phật.
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì của kinh Vô Lượng Thọ, Phật bảo Bồ-tát Di Lặc: “Ta nay như lý, mà tuyên nói các pháp môn rộng lớn vi diệu như thế, chỗ khen ngợi của tất cả chư Phật, phú chúc các ông làm đại thủ hộ.” Trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực, Phật lại bảo Bồ-tát Di Lặc lần nữa: “Các hàng trời người... Nước Vô Lượng Thọ, Thanh văn Bồ-tát, công đức trí huệ, không thể nói hết. Lại cõi nước ấy, vi diệu an lạc, thanh tịnh như thế, làm sao mà không đủ sức làm lành, niệm Đạo Tự Nhiên?” Như vậy, Di Lặc Bồ-tát đương lai hạ sanh tất nhiên là sẽ tuân theo lời phó chúc của Phật Thích Ca Mâu Ni cũng diễn thuyết kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ.
Hết thảy sự tướng trong cõi Cực Lạc đều là thật tướng vô lậu, trang nghiêm siêu tuyệt chẳng có khổ não. Thế nào là thật tướng vô lậu? Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc,” có nghĩa là thật tướng chẳng phải là vô tướng, cũng chẳng phải là bất tướng, mọi thứ hiện ra đều là thật tướng của Trung đạo thì đó chính là thật tướng vô lậu. Mọi tướng hiện hữu trong cõi Cực Lạc đều là tướng vô lậu, tướng Thật tướng của Trung đạo, nên Phật bảo cõi ấy vi diệu, an lạc, thanh tịnh như thế! Vậy mà tại sao chúng sanh chẳng chịu tận hết sức mình làm lành, dùng công đức ấy hồi hướng Tịnh Ðộ để cầu vãng sanh. Phật bảo đại chúng chỉ cần niệm Đạo Tự Nhiên thì sẽ được vãng sanh, pháp này dễ tu như vậy đó, nhưng tại sao chúng sanh chẳng chịu tu? Câu nói “làm sao mà không đủ sức làm lành” của Phật là lời nói khích lệ chúng sanh phải nên xưng danh niệm Phật vì đây chính là điều lành căn bản vượt xa tất cả các điều thiện khác, có thể dùng để hồi hướng vãng sanh, một đời thành Phật.
“Niệm đạo” gồm có hai nghĩa: Niệm là năng niệm, đạo là điều được niệm. Nay, Phật gọi pháp môn Niệm Phật là Niệm Đạo Tự Nhiên bởi do hai nguyên nhân: Thứ nhất, Di Ðà bổn nguyện là tha lực đại đạo nên đạo này chỉ dùng tha lực của Phật A Di Đà để vượt thẳng ra khỏi tam giới, đạo này chỉ nương vào một câu Phật hiệu để nhất siêu trực nhập vào Nhất thừa Pháp giới, chứng Vô Dư Đại Niết-bàn; vì vậy, Phật gọi pháp môn Niệm Phật là Đạo Tự Nhiên. Thứ hai, đạo này được chứng bởi Tam thừa Vô vi tự nhiên vì thể tánh của nó là vô vi vô tác, nên Phật gọi là Đạo Tự Nhiên. Trực chỉ xưng danh niệm Phật là cội gốc của tất cả các điều lành, cũng là chánh hạnh trong Tịnh tông, hành nhân chỉ cần trực chỉ xưng danh niệm Phật thì tự nhiên thành tựu các đức, tự nhiên được vãng sanh, một đời thành Phật, nên Phật gọi Niệm Phật là Niệm Đạo Tự Nhiên. Rộng làm các điều thiện để hồi hướng cầu vãng sanh cũng là các làm điều lành, nhưng đó chỉ là trợ hạnh, chánh hạnh trong Tịnh tông là “trực chỉ xưng danh niệm Phật.” Vậy, câu Phật nói: “Làm sao mà không đủ sức làm lành, niệm Đạo Tự Nhiên?” đã nêu lên cả chánh hạnh lẫn trợ hạnh, chánh phụ phân minh chính là ưu điểm của Tịnh tông. Nếu người tu Tịnh độ đoạn được hết thảy các lưới nghi, vọng tình rong rủi, thấu rõ chỗ vi diệu của pháp môn này thì trợ hạnh cũng chẳng cần nữa, chỉ còn một hạnh “trực chỉ xưng danh niệm Phật,” đây chính là Nhất Hạnh tam muội của Ngài Văn Thù Sư Lợi Đại sĩ.
Trong phẩm Phước Huệ Được Nghe, Phật nói kệ rằng: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác, phải thường niệm Phật mà sinh hỷ, ta nói người này thật bạn hiền.” Vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác ở đây có nghĩa là xả bỏ tất cả các pháp trợ hạnh, chỉ giữ lấy một hạnh trực chỉ xưng danh niệm Phật của Văn Thù, mới có thể nhất siêu trực nhập vào Nhất thừa Nguyện Hải của A Di Đà Phật mà đắc quả vị Bất Thoái Chuyển cho đến Vô thượng Bồ-đề. Văn Thù Sự Lợi dịch nghĩa là Diệu Cát Tường, tức là hoan hỷ, câu “phải thường niệm Phật mà sinh hỷ” hàm chứa ý nghĩa là chỉ giữ lấy Nhất Hạnh tam muội của Ngài Văn Thù Sư Lợi Đại sĩ để thành tựu Căn Bản trí, chẳng cần khổ nhọc xen tạp với bất cứ hạnh môn nào khác. Điều chánh yếu của Nhất Hạnh tam muội hay Niệm Phật tam muội là chỉ dùng tha lực của Phật A Di Đà để vượt thẳng ra khỏi tam giới, chỉ ròng rặt niệm một câu Phật hiệu, thì sự trì tự nhiên trở thành lý trì mà đạt được những điều như vô tác, vô vi, Pháp thân v.v… Trong toàn bộ kinh này, Phật dùng đến tám chữ “tự nhiên” để hiển bày pháp môn Niệm Phật, đó là “niệm đạo tự nhiên,” “nghiêm chỉnh tự nhiên,” “tự nhiên vô vi,” “tự nhiên gìn giữ,” “trong tướng tự nhiên,” “bản nhiên thanh tịnh,” “dung hóa tự nhiên,” “tự nhiên dắt dẫn theo.” Đấy đủ cho chúng ta thấy hai chữ “tự nhiên” rất trọng yếu vì đó chính là lý thể của vô tác, vô vi và cũng là bản thể của Phật Pháp thân. Vậy, hai chữ “tự nhiên” ở đây có nghĩa là pháp vốn là tự nhiên như vậy, Tự tánh vốn tự nhiên thanh tịnh; cho nên, chỉ cần tự nhiên gìn giữ cái đạo tự nhiên vô vi ấy, thì tự nhiên sẽ chứng nhập vào Biển Nhất Thừa của A Di Đà Phật, chớ chẳng phải do tạo tác mà thành lập.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh.” “Tự” là Tự tánh, “thanh tịnh” là bản thể tự nhiên của Tự tánh. Vậy, hai chữ “tự nhiên” bao hàm ý nghĩa Tự tánh bản nhiên thanh tịnh cũng chính là Chân như, Thật tướng. Do đó, trì danh hiệu Phật chính là niệm Thật tướng vô vi vô tác, là niệm Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, là con đường trang nghiêm để nhất siêu trực nhập. Con đường như vậy, pháp tánh của nó vốn sẵn là tự nhiên. Những điều như vậy đều là để nói lên ý chỉ chánh yếu của Trung đạo, hành nhân nương theo Tín-Nguyện-Trì danh, nương vào tha lực đại đạo của A Đ Đà Phật, liền được vãng sanh Cực Lạc, đắc quả vị Bất Thoái Chuyển cho đến Vô thượng Bồ-đề. Tất cả những sự vi diệu của pháp môn Niệm Phật đều thuận theo bản thể tự nhiên của Tự tánh, nên Phật gọi đạo này là Đạo Tự Nhiên!