Tỳ-kheo Pháp Tạng, tức tiền thân của A Di Đà Phật, đứng trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật dùng kệ tụng rằng: “Như Phật trí vô ngại, Thực hành hạnh từ mẫn, Thường làm thầy trời, người, Ðặng bậc hùng ba cõi, Nói pháp sư tử hống, Rộng độ các hữu tình, Viên mãn lời nguyện xưa, Tất cả đều thành Phật.”
Sở dĩ Như Lai biết rõ tự địa và tha địa là vì Như Lai có vô ngại trí thấu suốt không có bờ mé, khéo hiểu rõ tam nghiệp của chúng sanh. Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện thành tựu Phật trí vô ngại tức là cầu có được trí huệ thông đạt tự tại giống như chư Phật để thấy rõ Pháp tánh sai khác của chúng sanh trong cửu giới mà vì họ diễn thuyết diệu pháp ứng hợp với căn tánh của họ. Chư Phật do vô duyên đại từ, thương xót chúng sanh như con một, dù không được thỉnh mời, các Ngài vẫn tự mình đảm trách cứu vớt, khiến tất cả chúng sanh đều lên bờ kia giác ngộ. Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện cầu hạnh của mình cũng được như hạnh từ mẫn của Phật chính là để phổ lợi quần sanh. Để thật sự có thể cứu độ chúng sanh, trước hết Ngài Pháp Tạng cầu Phật trí, sau đó lại cầu đạt được lòng từ bi của Phật, tức là cầu trí-bi song hành giống như con chim phải có đủ hai cánh mới có thể tự tại bay xa. Người tu Bồ-tát đạo cũng vậy, phải có đầy đủ cả hai thứ trí và bi mới có thể thể khế hợp trọn vẹn với Bồ-đề đạo. Cho nên, hình ảnh hai vị Bồ-tát Đại Thế Chí và Quán Thế Âm ở hai bên tay trái phải của Phật A Di Đà là để biểu thị trí-bi song hành của Đức A Di Đà Như Lai.
Chư cổ đức có câu: “Nguyện là hướng đạo của muôn hạnh, huệ là con mắt của Phật đạo.” Bởi vì trí huệ và thệ nguyện là nhân để thành Chánh Giác nên Phật dạy chúng sanh dùng nguyện để dẫn dắt nhân hạnh, dùng huệ để chiếu soi Phật đạo. Khi người tu hành viên mãn được cả hai thứ trí và nguyện thì từ nhân ấy mà đoạn trừ được tất cả vô minh phiền não, chứng đắc quả vị Phật, thành bậc Đại Hùng trong tam giới. Đấy là chí nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng và đấy cũng là chí nguyện của tất cả những người chân thật tu học Phật pháp. Phật là bậc Đại Hùng Đại Lực, là thầy của trời người, Ngài chẳng hề e sợ quần tà, dị học. Lời nói của Phật ví như Sư tử rống lên tiếng vô úy, không kinh sợ, muôn thú nghe được đều khép nép, kính phục, nghe theo. Nay, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện mình cũng giống như chư Phật Thế Tôn, có thể ở giữa đại chúng làm sư tử hống, thuyết pháp một cách vô úy. Có thuyết pháp được như thế, mới có thể rộng độ các hữu tình. Vả lại, “rộng độ hữu tình” chính là mục đích căn bản của hết thảy các nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng, nên Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Ngài, nguyện nào cũng chỉ là vì muốn cứu độ hết thảy chúng sanh.
Xưa kia, Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trong năm kiếp siêng năng tu tập, chọn lọc các điều tốt lành nhất để tạo nên Bốn Mươi Tám Đại Nguyện. Mỗi lời thệ nguyện mà Ngài đã phát đều được công viên, quả mãn. Lời nguyện xưa ấy là gì? Lạ lung thay, tuy Tỳ-kheo Pháp Tạng phát ra Bốn Mươi Tám lời nguyện lớn, nhưng thật ra bổn thể của chúng đều chỉ quy về một nguyện duy nhất: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật! Chỉ từ một nguyện này mà biến thành Bốn Mươi Tám Đại Nguyện, nhưng mỗi nguyện lại cũng chỉ nhằm để thể thực hiện một mục đích là: Tất cả chúng sanh đều thành Phật! Nay, chúng ta thọ trì kinh điển này, tức là học tập theo đức hạnh của A Di Đà Phật để cầu quả Bồ-đề; cho nên, sau khi nghe được câu nói “tất cả đều thành Phật” xuất phát từ kim khẩu của Đức Phật Thế Tôn, thì dù cho thân mình có tan nát ra trong khắp hư không, cũng khó thể nào đáp đền nổi từ ân của Phật A Di Đà. Vì sao? Vì Bốn Mươi Tám lời nguyện xưa của đức từ phụ A Di Đà Phật đã thành tựu viên mãn thì việc phổ độ tất cả chúng sanh đều thành Phật tất nhiên cũng thành tựu. Đấy chính là nổi mừng vui, sung sướng lớn nhất vượt hơn tất cả các sự vui sướng trong thế gian.
Lời nguyện “tất cả đều thành Phật” của A Di Đà Phật đã chỉ rõ rành rành ba thứ trang nghiêm “Cõi Phật, Phật và Bồ-tát” đều đồng quy vào trong một pháp cú, một pháp cú là thanh tịnh cú, thanh tịnh cú đó lại chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Đây đã nêu rõ: Tất cả chúng sanh niệm Phật đều được lực gia trì của lời nguyện “tất cả đều thành Phật” của A Di Đà Phật mà có thể an trụ trong Thanh Tịnh tam muội một cách vững chắc bất thoái cho đến khi chứng được Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Sự thanh tịnh trong Niệm Phật tam muội có hai loại: Một là khí thế gian thanh tịnh, hai là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Khí thế gian là vô tình chúng sanh như đất, nước, hoa, cây v.v... Chúng sanh thế gian là hữu tình chúng sanh như là con người và các loài động vật. Do người niệm Phật đạt được Niệm Phật tam muội sẽ an trú trong thể tánh thanh tịnh và bình đẳng, nên thành tựu Phật nhãn thấy tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều đồng thành Phật, thì đó mới chính thực là ý nghĩa của lời nguyện “tất cả đều thành Phật.” Vậy, lời nguyện “tất cả đều thành Phật” cũng chính là nguyện cho tất cả chúng sanh đều đắc Niệm Phật tam muội, được Thanh Tịnh Bình Đẳng Trụ.
Phẩm Suối Ao Công Ðức trong kinh Vô Lượng Thọ có ghi: “Tùy ý chúng sanh thần thể khai vui... Sóng lùi sóng tới, thong thả bủa văng, tiếng vang vi diệu, vô lượng âm thanh, hoặc giả nghe đặng, tiếng Phật Pháp Tăng, tiếng Ba-la-mật, Chỉ Tức Tịch Tịnh, Vô Sinh Vô Diệt, Mười lực Vô Úy, hoặc tiếng Vô Tánh, Vô Tác Vô ngã, hoặc tiếng Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả, hoặc tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị. Từng thanh từng loại, nghe đặng thế rồi, tâm ta thanh tịnh, chẳng chút phân biệt, chánh trực bình đẳng, thiện căn thuần thục, tùy chỗ muốn nghe, cùng pháp tương ưng, nguyện nghe tiếng nào, riêng nghe tiếng ấy, chỗ không muốn nghe, tuyệt nhiên chẳng nghe. Hằng bất thối tâm A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ-đề.” Câu kinh văn này đã nêu rõ vô tình chúng sanh nơi cõi Cực Lạc như nước cũng là Phật. Nước ở cõi Cực Lạc là vật chất vô tình lại có được vô lượng diệu dụng, đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn đến mức như vậy. Nước biết tùy nghi thích ứng căn cơ của từng mỗi chúng sanh mà thuyết pháp độ sanh, khiến cho người nghe được tiếng thuyết pháp của nước, trọn chẳng bị thoái chuyển, cứu cánh Phật quả. Đấy đã nêu rõ: Tỳ-kheo Pháp Tạng đã thành tựu Phật trí vô ngại dùng để trang nghiêm Phật Tịnh độ của Ngài. Rõ ràng là trong Nhất chân Pháp giới Tây Phương Cực Lạc, một hạt bụi, một mảy lông, không thứ nào mà chẳng viên minh cụ đức. Khi một thứ là chân thì hết thảy các thứ khác cũng đều là chân. Một mảy trần, một sợi lông, không thứ nào chẳng là viên viên quả hải, không thứ nào mà chẳng là Phật.
Viên viên quả hải là biển chánh giác quả đức vô thượng viên mãn của Như Lai. Do vì quả giác của Phật A Di Đà viên mãn rốt ráo đến mức vô thượng, chẳng có gì chẳng viên mãn rốt ráo, nên hết thảy chúng sanh thế gian và khí thế gian nơi quốc độ của Ngài đều thanh tịnh. Tức là hết thảy hữu tình và vô tình nơi cõi Cực Lạc đều cùng rốt ráo thành Phật như kinh đã bảo: “Tất cả đều thành Phật!” Chính vì lẽ đó, chư cổ đức mới dạy: “Cõi Tịnh độ không ở ngoài cái của chính mình, tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm bình thì cõi nước bình, tâm và cảnh chỉ là một thể như nhau. Tâm thành Phật thì cảnh vật xung quanh cũng thành Phật, một mảy bụi, một sợi lông cũng là Phật.” Do vậy, một câu nói “tất cả đều thành Phật” của Tỳ-kheo Pháp Tạng đã bóc trần tâm tủy của thập phương chư Phật, là một pháp cú quy kết tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Thích Tôn vào trong một thanh tịnh cú. Trong một thanh tịnh cú này, vạn đức cùng được phô bày, một pháp cũng chẳng thể thành lập, chẳng thể nói, cũng chẳng thể suy nghĩ đo lường nổi, chỉ có Phật cùng Phật mới biết. Do vậy, phàm phu chúng ta chỉ đành phải lặng im, cúi đầu sát đất mà tiếp nhận và lãnh hội công đức báu mà Đấng Bảo Vương Như Lai A Di Đà Phật ban bố cho mà thôi! Vì thế, Liên tông Nhị Tổ Thiện Đạo Đại sư mới bảo: “Mục đích của Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong đời này, chỉ vì muốn nói đến bổn nguyện của A Di Đà Phật.” Nhưng bởi do căn tánh của chúng sanh chẳng đồng, đa phần khó thể lãnh hội nổi ý chỉ của Như Lai, nên Phật phải vì phương tiện mà nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn để dần dà dẫn dắt chúng sanh đồng quy Tịnh độ.