Nhật Bản ngày… tháng… năm…Thưa cha,
Con vừa đến Nhật Bản được hai hôm nay, gặp vào ngày hội Anh Đào nên thích quá, hoa cứ hồng lên khắp trời, hình như cả thời gian lẫn không gian đều nhuộm hồng. Dân chúng từ thành thị đến thôn quê đều bồng bế nhau đi xem hội. Chuyến tàu nào cũng đông nghẹt cả người.
Con chỉ tiếc rằng không có cha để cùng vui trong mấy ngày hội. Con có mua để biếu cha một cái gạt tàn thuốc bằng men trắng đẹp vô cùng.
Lạy trời cho vừa ý cha.
Con kính thư.
Hồng Kông ngày...tháng...năm...
Một trong những thành phố linh động nhất thế giới. Ban đêm ánh đèn nê-ông viết bằng chữ tàu cứ thay nhau nhấp nháy đủ muôn màu, tưởng như lạc vào thế giới của lũ đom đóm thần.
Nơi đây quả thật là chỗ tập trung của tất cả những tài nghệ, vốn liếng nhan sắc, anh hùng và gian hùng thế giới. Cái giàu và cái nghèo đứng cạnh nhau không hề chút ngượng nghịu.
Giá có cha cùng đi. Con có tìm mua được cho cha một cái gạt tàn thuốc bằng sứ, rất thanh, chắc cha sẽ thích.
Con kính thư.
Ba Lê ngày...tháng...năm...Đêm mùa hè bên này xanh như màu men của những chiếc lọ cổ vẫn chưng ở phòng khách nhà ta. Dọc bờ sông Seine hàng bán sách cũ mở cửa đến gần tối. Cuộc sống thoải mái, một trong những nơi mà con người có thể nói những gì muốn nói, làm những gì thích làm, đọc những gì muốn đọc. Chẳng ai tìm biết đến ai. Rất nhiều sách, giá có cha để cùng con đi lùng mua sách. Nhân tiện đi viếng nhà thờ Sacré-Coeur con có mua gửi cha một cái gạt tàn thuốc.
Con kính thư.
Thụy Sĩ ngày...tháng...năm...………………………………
Con có mua cho cha một cái gạt tàn thuốc…
…………………………………..
Rồi cứ thế mỗi chuyến đi của người con ấy thì ở quê nhà, trên bàn người cha lại thêm một cái gạt tàn thuốc đủ hình, đủ kiểu, đủ màu men. Những cái gạt tàn thuốc mang hình ảnh của xứ này, xứ khác. Những cái gạt tàn thuốc rất mỹ thuật và hợp ý người cha. Người cha vẫn bảo xứ Việt ta nóng bức, quạt điện chạy trên trần suốt ngày, vì thế cái gạt tàn thuốc cần phải có bề sâu để cho tàn thuốc khỏi bay tung ra ngoài. Ở những xứ lạnh đâu có cần nghĩ đến sự ấy, hơn nữa người cha lại nghiện thuốc lá vào hạng nặng. Buồn phải hút thuốc cho quên, vui cũng phải hút một điếu gọi là đánh dấu cái niềm vui ấy. Có bạn đến phải hút thuốc cho câu chuyện thêm hào hứng, một mình cũng phải hút thuốc cho bớt cô đơn.
Nói chung, điếu thuốc là một nguồn cảm hứng, gợi hứng vô biên.
Vì hút thuốc nhiều như thế nên những cái gạt tàn thuốc đối với người cha cũng là một sự đóng góp lớn trong cuộc đời.
Những cái gạt tàn thuốc bé quá không tiện vì cứ phải mang đi đổ luôn. Trái lại những cái gạt tàn thuốc quá to như cái chậu rửa bát thì vừa kém mỹ thuật vừa hôi vì chứa chất nhiều tàn thuốc lâu ngày.
Mua cho được những cái gạt tàn thuốc vừa ý cha không phải là một chuyện dễ, mỗi lần mang về hoặc gửi về mà được cha khen cho một lời thì thật là nở cả ruột gan. Có những khi gửi về bị cha viết thư bảo thiếu thẩm mỹ, phí tiền, và còn có những bận cha bảo ngu nữa là khác.
Ai làm con của một người cha nghệ sĩ đều trải qua những phút vui buồn như thế.
Người cha nghệ sĩ không thích ăn, cha bảo ngồi ăn mất thì giờ. Nhưng người cha nghệ sĩ thích hút thuốc vì khói thuốc, cốc rượu, chén trà đều là những thứ gợi hứng, gợi cảm.
Muốn làm quà cho cha thì chỉ có hoặc sách báo, hoặc gạt tàn thuốc tuy rằng trong nhà đã có hằng nghìn quyển sách, hàng trăm cái gạt tàn thuốc. Cha vẫn dặn rằng ngày nào cha chết, các con có cúng thì chỉ cần cúng một bao thuốc, một quyển sách thật hay, một bản nhạc giá trị, thế là cha về ngay.
Người cha nghệ sĩ ấy không giàu nhưng sống một cuộc sống rất phong lưu, cái thứ phong lưu của con người nghệ sĩ thời xưa "khi chén rượu, khi cuộc cờ", tuy ít bạn vì phải cái tính gàn, không thích theo đòi, xu nịnh.
Có bận trong lúc buồn thế sự, người cha nghệ sĩ ấy viết lên một bài thơ, trong ấy có hai câu :
"Tại mình quỷ quyệt không lòn…"Nên chẳng ma mô chịu đỡ đầu".Câu trên cha bị ông nội kêu ầm lên, bắt phải chữa bằng chữ "lòn cúi", nhưng cha bảo như thế thì làm sao đối chọi được với chữ "đầu" là một danh từ chung.
Cố nhiên phận con thì đứa nào lại không kính phục cha, và người con chỉ biết kiêu hãnh được làm con một người cha nghệ sĩ.
Tại sao khi có một người cha nghệ sĩ như thế mà người con lại không biết ở nhà để cùng cha xướng họa, nghe cha ngâm nga. Cha có giọng ngâm thơ rất "cảm". Nếu cha có đào hoa thì một phần lớn cũng do cái giọng ngâm thơ ấy.
Còn người cha, tại sao không tìm cách giữ con ở gần bên mình mà lại cho phép con lang thang, hay là cái giống nghệ sĩ người nào cũng muốn lê gót chân đi đây đi đó, và người cha vì cảm thấy tuổi già nên đành nhường cái phần đi lại cho các con chăng.
Rồi một hôm, một hôm trời âm u lắm, có bức thư màu hồng, mà thư hồng sao không dành để báo tin vui.
"Em,Anh rất đau đớn báo cho em biết rằng cha đã mất vào quãng trưa hôm… sẽ chôn vào ngày… ở nghĩa trang Trung Việt…"Bức thư vẻn vẹn có mấy dòng của người anh viết vội gửi sang. Người con ngơ ngác tưởng như mình đọc nhầm thư của ai.
Bức thư đi từ mấy ngày nay, ngày thư đến tay con thì cha đã bị bỏ vào hòm, người ta đóng đinh lên hòm, trời, cha vốn ghét những tiếng động ồn ào… Người ta đã chôn, đào lỗ chôn cha xuống đất thật sâu… thật sâu…
Giá có con ở nhà thì ai dám bỏ cha vào hòm, ai dám mang cha đi chôn như thế. Con sẽ hét lên, con sẽ ôm chặt lấy xác cha. Người ta làm gì được, con sẽ đuổi tất cả, chỉ có mình con ở lại với xác cha, rồi hoặc là con sẽ được chết theo với cha, hoặc là tất cả sức mạnh, sức sống, hơi nóng của con sẽ truyền sang cha và cha sẽ sống lại.
Con như hình dung thấy rõ ràng tim cha nóng dần, nóng dần, môi cha mấp máy, mí mắt cha chập chờn. (Anh viết thư mà vội quá nên quên không bảo cho con biết rằng khi chết cha nhắm hay mở mắt). Tay chân cha bắt đầu cử động, cha đang gọi các con…
Từ bao lâu nay con vẫn thầm trách sao loài người quá vội vàng, biết đâu kẻ chết còn có thể sống lại, mỗi lần thấy một đám ma ai qua nhà là con vẫn cố ý lắng nghe, biết đâu trong quan tài đang có tiếng rền rĩ, đang có tiếng vùng vẫy kêu gào…
Cha có nhớ, khi cha còn làm việc, nhân một dịp lễ mồ cha đã viết lên bài văn tế cho các tù nhân trong ngục thất:
"Phạm hai chú bước cao bước thấpGánh ra đi biếng nỗi chân điChiếu nửa manh thiếu trước thiếu sauQuăng xuống lỗ ra ngoài miệng lỗ…"Bài văn tế của cha dài lắm nhưng con chỉ nhớ có bốn câu ấy, bốn câu hình dung rõ ràng sự cô độc thê lương của một người tù chết trong ngục.
Đến bây giờ hơn một năm qua rồi, con vẫn chưa có dịp về thăm mộ cha. Mỗi lần đi đâu con đều không quên chọn mua một cái gạt tàn thuốc, thật mỹ thuật, thật vừa ý cha, nhưng để làm gì? Cha còn đâu nữa mà khen, mà chê, mà dùng…
Trên bàn thờ cha, luôn luôn có những điếu thuốc đang cháy, đã cháy và sẽ cháy mãi mãi.
Nhưng cha ở đâu, biết cha ở đâu để gửi về dâng cha….