Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» HAI KHÚC BÁNH MÌ »»

Tùy bút
»» HAI KHÚC BÁNH MÌ

Donate

(Lượt xem: 6.943)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - HAI KHÚC BÁNH MÌ

Font chữ:

Lời thưa: Mỗi người xưng với Hòa Thượng Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover Đức quốc mỗi cách khác nhau, tùy từng mối quan hệ. Chính thức và đúng nhất thì gọi là Hòa Thượng. Các đệ tử gọi ngài là Sư Phụ. Có những tu sĩ không phải đệ tử thì gọi như thói quen nhà chùa là Ôn. Riêng đối với một số ít người rất quen thân từ trước thì vẫn gọi là thầy và ngài cũng xưng với họ là thầy. Tôi cũng thuộc vào nhóm đó. Bởi vậy trong suốt bài này tôi cũng xin phép gọi Hòa Thượng là Thầy (chứ không hề có ý bất kính). Và chữ Thầy này tôi sẽ viết hoa. VCT.

***

Mới vừa giao xong bài cho báo Viên Giác số tháng tư chủ đề Phật Đản đúng hẹn, tưởng sẽ thư thả chút đỉnh, không ngờ gặp anh Phù Vân trong một buổi Lễ Phật ở Bảo Quang Hamburg, anh níu lại và dặn: Gắng viết bài cho số báo tới về Thầy, viết như bài „Hai Đĩa Rau Muống“ về Hòa Thượng Minh Tâm lúc trước. Nhớ lại, lúc bài này đăng trên Trang nhà Quảng Đức năm 2013 thì cư sĩ Quảng An (Texas – USA) đã chọn và đọc vào một file MP3. Khi báo tin đã hoàn thành cho Thượng Tọa Nguyên Tạng là người trách nhiệm trang Quảng Đức thì chị nói đùa rằng: con đã „xơi“ xong đĩa rau muống ấy rồi.

Như vậy, chị Quảng An đã xơi xong đĩa rau muống năm xưa rồi thì còn đâu mà viết. Nhưng cũng nhờ có người nhắc chuyện cũ, nên cả những cuốn phim về một ít kỷ niệm ngày xưa với Thầy đã quay lại trong tôi.

1. Kỷ niệm hai khúc bánh mì chay

Thôi hai đĩa rau muống đã xong thì mời cơm tay cầm vậy. Chuyện là thế này.

Vào 1982, sau thời gian tạm ổn định nếp sống ở Đức, mùa hè tôi về chùa Viên Giác để xây dựng Thư Viện Chùa. Sách của Chùa đã có trên bốn ngàn cuốn mà chưa sắp xếp quy củ. Biết tôi là dân Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh cũ nên Thầy nhờ giúp phân loại, sắp xếp hệ thống thư viện để Phật tử có thể mượn sách được. Thầy là người rất quý trọng sách. Dù chùa còn nghèo nhưng không hề tiết kiệm tiền của, công sức để tìm tòi mua cho đủ sách. Hồi đó chưa có một nhà xuất bản Việt Nam nào ở Âu Châu. Sách thường do một trung tâm bán sỉ thực phẩm Á Đông ở Aachen chụp lại từ các bản chính rồi tự đóng bìa nên không được đẹp lắm. Vậy mà Thầy cũng đến mua số lượng lớn, từng thùng cạc tông. Có còn hơn không. Tôi còn nhớ, khi hỏi xin tiền mua kệ, và các văn phòng phẩm tương đối chuyên nghiệp cho thư viện, hai thầy trò cùng đi ra tiệm bán văn phòng phẩm ở Hannover. Tôi cứ lựa chọn theo nhu cầu thư viện, lúc ra tính tiền mới thấy sao nhiều quá. Thầy nói ngay, không sao, miễn là làm cho tươm tất là được. Việc sách vở thì không ngại tốn. Biết vậy tôi đã cố hết sức để Thư Viện hoàn chỉnh theo một tiêu chuẩn thư viện thực sự.

Cuối tuần tôi thường được phép tháp tùng Thầy dự các buổi lễ Phật tại các địa phương. Xin nói thêm rằng, lúc này Thầy chưa có đệ tử xuất gia nên chùa chỉ có Phật Tử công quả và giúp việc văn phòng thôi. Năm đó có anh chị Quang-Hồng thường về chùa cuối tuần và lái xe đưa Thầy đi. Có khi rất xa như tận tới miền Nam Đức như ở Freiburg, có khi đến các địa phương gần như vùng biển Norddeich. Nơi nào thuận tiện xe lửa thì hai thầy trò mua vé xe lửa đi, khỏi phiền anh chị, trong đó có chuyến đi Hamburg. Lần đó cũng là lần Thầy đến tổ chức Lễ Phật và chính thức thành lập Chi Hội Phật Tử Hamburg, bầu Ban Chấp Hành Chi Hội. Tôi còn nhớ rõ, buổi lễ tổ chức tại Hội Trường của nhà thờ Tin Lành vùng Jenfeld Hamburg. Sau buổi lễ hai thầy trò chúng tôi và một vài vị được mời dùng cơm trưa tại nhà một vị Phật tử thuần thành, đệ tử tại gia của Thầy. Nhân đó Thầy muốn trao đổi thêm vài Phật sự với Ban Chấp Hành mới. Rồi Thầy nhờ người chở ra nhà ga ở trung tâm thành phố ngay, mặc dầu bà con Phật Tử muốn giữ lại dùng cơm chiều. Và hai thầy trò chúng tôi đi… lang thang phố chiều Hamburg. Sở dĩ Thầy muốn vậy vì nghe kể ở trung tâm Hamburg có một nhà hàng chay. Thời đó việc ăn chay còn rất hiếm. Đây có thể là một trong những nhà hàng chay đầu tiên tại nước Đức (hay cả Âu châu). Thầy chỉ muốn biết vậy.

Tôi theo lời hướng dẫn, cùng Thầy đi đến ngay khu phố trung ương gần bờ hồ Alster và khu nhà cổ Tòa Thị Chính. Một khu nhà có thể nói là sang và đắt tiền nhất của thành phố. Đúng vậy, kế bên bờ hồ có một nhà hàng chay phía trên lầu và ở tầng trệt có một tiệm Imbiss bán thức ăn chay cho khách mua mang đi hay đứng bàn Bistro nhưng cùng một chủ. Chúng tôi tò mò muốn biết người Đức nấu thức ăn chay như thế nào nên mua mỗi người một phần bánh mì và đi về phía bờ hồ. Vì Thầy ngại gặp những Phật tử Việt Nam mình khi trông thấy Thầy ăn ngoài đường nên chúng tôi đi tìm một góc vắng. Hai thầy trò cùng thử món ăn chay của người Đức, dù cả hai không đói lắm. Vừa ăn vừa nói chuyện, đồng thời phân tích cách nấu nướng của người ta. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng chia bớt phần ăn cho mấy chú thiên nga đang bơi dưới nước. Thầy rất vui vì thấy người Đức đã quan tâm việc ăn chay và tiên đoán ngay rằng, chắc chắn những năm tới việc ăn chay sẽ phát triển nhanh ở Đức. Nếu không, sao người ta dám mướn một khu nhà sang trọng như vậy để làm việc kinh doanh thực phẩm chay. Chúng tôi cũng nhận thấy tiệm khá đông khách (con xin lỗi Thầy đã viết kỷ niệm này ra đây, tuy ngày ấy Thầy nói là không muốn ai biết).

Quả vậy, chỉ thời gian ngắn chừng mười năm sau, phong trào ăn chay đã phát triển nhanh ở Đức. Một điều đáng mừng! Nước Đức cũng là nơi sản xuất nhiều loại đồ hộp chay rất ngon miệng, nổi tiếng thế giới. Có thể người Đức không nghĩ đến một tâm từ như Phật tử chúng ta, nhưng việc bớt ăn thịt, sát hại chúng sanh và bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng là một điều mà nhà Phật thường nói đến. Chân lý luôn luôn là chân lý, bất kể cách thể hiện là như thế nào.

Theo bảng liệt kê HappyCow-The Healthy Eating Guide, hiện nay (2019) thì thành phố Hamburg đã có 217 nhà hàng hay tiệm ăn chay, thành phố Hannover có 83, ở thủ đô Berlin thì nhiều hơn, có đến 652 tiệm. Và dĩ nhiên còn có hàng loạt những nhà hàng chay ở các thành phố khác trên khắp thế giới. Một con số đáng mừng cho việc ý thức về sức khỏe và bảo vệ thiên nhiên.

Con số tỷ lệ phần trăm người ăn chay trên thế giới cũng đã được VEBU thống kê năm 2016, trong đó ở nước Đức có 9% dân số toàn quốc. Con số này mỗi năm tăng vọt cao hơn.

Đó chính những quan tâm của Thầy từ mấy mươi năm trước về một tiền đồ, đã thấy và đánh giá trước một khuynh hướng sống rất tích cực và lành mạnh của nhân loại.

2. Trồng cây, trồng người

Thầy thường hay nói với mọi người rằng, tôi không có khiếu trồng cây, nhưng có khiếu trồng người.

Quả vậy, năm kia Thầy có ghé thăm nhà chúng tôi hai hôm, nhân trên đường đi hoằng pháp tại các nước Bắc Âu. Tháp tùng có hai Đại Đức Thông Tránh và Thông Triển giúp lái xe và thị giả. Hai vị này là đệ tử của Thượng Tọa Hạnh Tấn, và thầy Hạnh Tấn là một trong hai vị đệ tử đầu của Thầy (Hòa Thượng). Nhìn cung cách, oai nghi của hai vị Đại Đức này tôi nhận ra ngay là việc „trồng người“ của Thầy đã đến hồi đâm hoa, kết nụ và tỏa ngát hương thơm.

Nhớ lại câu chuyện Thầy kể lúc Thầy mới xuất gia, năm 1964, ở Chùa Viên Giác Hội An. Trong những ngày ở gần sư phụ (tức cố Hòa Thượng Long Trí), lời dạy đầu tiên mà Thầy nghe được từ sư phụ của mình là: Dù khó khăn đến đâu mà đã học thuộc bài Kinh Bát Nhã thì sẽ không bao giờ bị đói. Câu nói thật khó hiểu. Không thể nào dùng cái đầu suy luận bình thường mà hiểu được. Khó hiểu vì đó là một công án. Nhưng đối với một cậu bé nhà quê chỉ 15 tuổi đầu lúc ấy thì không cần biết ý nghĩa thâm sâu đằng sau các từ ấy. Sư phụ dạy học kinh thì học kinh, nên chỉ ba tháng sau Thầy đã học thuộc lòng hai thời công phu và những bài kinh tụng thường nhật khác.

Vừa mấy tháng trước (2/2019), anh Olaf Beuchling và tôi cùng đi về Viên Giác hầu chuyện với Thầy để chuẩn bị cho một tác phẩm mới. Vừa gặp, Thầy chỉ cho chúng tôi xem cuốn Kinh Thiền Môn Nhật Tụng đã được dịch sang tiếng Nga mới được một nhà xuất bản Nga in rất đẹp mắt. Đây cũng là một công trình quý báu mà Thầy đầu tư lâu nay. Đó là việc Thầy cho sưu tập và phiên dịch bản kinh Thiền Môn Nhật Tụng của Việt Nam gồm hai thời công phu bái sám như Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, Di Đà, Hồng Danh, Mông Sơn Thí Thực và một số bài Kệ sang ngoại ngữ. Gồm có: 1) Hán Việt(khuyết danh); 2) Việt ngữ (Cố HT Thích Thiện Thanh); 3) Hán cổ (Pháp Sư Xingci); 4) Đức ngữ (Dr. Günzel); 5) Anh ngữ (Sư Cô Ani Jinpa Lhamo); 6) Tiếng Sanscrit (phần Lăng Nghiêm, Đại Bi và Thập Chú); 7) Tiếng Ý (Thầy Tairi); 8) Tiếng Nga (Mikhnevich Igor Olegovich & Quảng Thiện) . Có thể nói, đây là lần đầu tiên một số nghi lễ của Phật Giáo Việt Nam được phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ thế giới để Phật Tử hay học giả nước ngoài có thể tụng niệm hay nghiên cứu.

Khi anh Olaf Beuchling hỏi về pháp môn tu của Thầy, thì Thầy cầm cuốn Kinh đưa lên và cười rồi nói: Pháp Môn là đây, hằng ngày đọc tụng, tụng thuộc lòng rồi có ngày sẽ thấm và vỡ ra. Chúng tôi đã tụng không biết bao nhiêu lần mỗi ngày rằng: „thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải“ là vậy. Sau đó Thầy bảo anh Olaf đưa Thầy giấy bút và viết vào đó chữ thâm (深) rồi giải thích cặn kẽ chiết tự chữ này. Nhưng hôm ấy nhiều chuyện quá nên tôi chỉ nhớ chữ được chữ mất. Về nhà sau đó mới viết Email hỏi Thầy thì được Thầy giải thích cặn kẽ và chính xác như sau:

Thâm nhập Kinh tạng. Chữ Thâm 深 nầy có bộ "thủy" (氵) bên tay trái, có nghĩa là nước. Bên phải phía bên trên là chữ "huyệt" (穴) có nghĩa là cái hang; dưới cùng là chữ "mộc" (木); có nghĩa là cái cây. Cây ấy có rễ; rễ ấy hút nước và bên trên thì có đất che trong hang được đào (để trồng cây). Ba phần này gộp lại thành chữ "Thâm" (深); Thâm ở đây có nghĩa là thấm dần dần, qua nhiều ngày tháng thì mới hiểu được. Cho nên thâm nhập Kinh Tạng phải đòi hỏi thời gian là như vậy.

Đó là nói chuyện học nội điển trong chùa. Chuyện học ngoại điển thì cũng có một câu chuyện thú vị khác, đã được Thầy viết lại trong sách „Hương Lúa Chùa Quê“ (tr. 250), đoạn viết về Sư Phụ của Thầy:

Sau khi cạo tóc xong, Thầy gọi đến phòng khách để dặn dò mấy việc, trong đó có việc quan trọng là:

- Sắp đến ngày khai giảng rồi, chú nên lo sách vở để đi học.

- Thưa Thầy đi học gì?

- Học văn hóa, chứ học gì nữa!

- Bạch Thầy! Đi tu rồi, còn phải đi học để làm gì?

Thầy nhìn tôi có vẻ không bằng lòng lắm, rồi người quay sang nơi khác.

Cái suy nghĩ đơn thuần của tuổi thơ là vậy. Theo tôi nghĩ – tu rồi còn phải đi học để làm gì? Thế nhưng suy nghĩ này đã sai từ thuở ấy. Bây giờ ngay cả tuổi “gần đất xa trời” rồi, tôi vẫn thấy còn cần phải học nữa và theo tôi: khi nào nắp quan tài đậy lại thì người ta mới không học nữa và nếu còn hơi thở thì còn phải học hỏi như thường.

Như thế, ta hiểu ngay rằng tại sao cả đời Thầy rất chú trọng đến việc học. Thầy đã nói một câu nói để đời: „Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được, nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được“

Rồi trong tác phẩm Nhật Bản Trong Lòng Tôi (tr. 235), Thầy viết:

Tôi quá hạnh phúc; bởi vì từ đệ tử tại gia đến xuất gia, người nào cũng lo tu hành tinh tấn, siêng năng học hỏi qua trải nghiệm của mình và của những người khác. Tôi chấp nhận những thị phi, nhơn ngã. Vì đó là cái đà để lập thân, lập đức của mình. Tôi ví dụ những việc này giống như thân thể của chúng ta vậy. Trong thân thể này vừa có kháng thể mà cũng vừa có những vi trùng là độc tố. Bình thường vì chất kháng thể của ta mạnh; nên vi trùng bệnh hoạn của ho, sổ mũi, cảm cúm v.v… không hiện ra. Nhưng đến một lúc nào đó khi cơ thể của ta yếu, không đủ chất kháng thể nữa, thì vi trùng sẽ hoành hành và ta sẽ bị bịnh; nhưng ta phải biết chắc một điều rằng: Nếu không có những con vi trùng ấy trong thân thể mình thì mình sẽ khó tồn tại được. Do vậy chúng ta chỉ cần chuyển hóa phiền não thành Bồ Đề; khổ đau thành an lạc, hạnh phúc; chứ chúng ta không chạy trốn và vứt bỏ cũng như đối đầu với nỗi khổ. Điều ấy liệu có ích gì?

3. Tạo những nếp sinh hoạt để trở thành nguyên tắc và truyền thống

Do tiếp thu nhanh được hai nền giáo dục Nhật Bản và Đức quốc cộng thêm biết quý trọng những nét đẹp văn hóa Phật Giáo Việt Nam mà Thầy có những nguyên tắc đặc biệt khi làm việc, ứng dụng rất hay trong sinh hoạt nhà chùa.

Một mặt Thầy trân quý, gìn giữ những nét đẹp trong kho tàng truyền thống Phật Giáo. Do đó, không những tại Viên Giác mà tất cả những ngôi chùa ở nước Đức thuộc hệ thống Chi Bộ GHPGVN Thống Nhất do Thầy lãnh đạo đều có nếp sinh hoạt truyền thống như ở các tự viện ở Việt Nam. Nghĩa là: ít nhất mỗi ngày phải có ba thời kinh là Công Phu Khuya, Cúng Ngọ, Thí Thực Cô Hồn, dù bận rộn bao nhiêu. Hằng năm, vào dịp Tết âm lịch đều có thời Kinh Pháp Hoa trọn bộ. Rồi cách xưng hô trong nhà Chùa, nghi thức tụng niệm… cũng đã được mẫu mực hóa như đề nghị của Thầy. Việc ấy bây giờ nói ra nghe rất dễ nhưng đã phải tốn bao nhiêu công sức, nhiều lần đã làm phật ý, mất lòng bao nhiêu người mới có được nếp sống và tôn ti trật tự như hôm nay. Và phải thành thật mà nói, không phải chùa nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả nhiều ngôi chùa ở Việt Nam bây giờ.

Nhưng ở mặt khác, Thầy tiếp thu và ứng dụng nhanh những tập quán hay của Tây phương. Có nhiều chuyện như thế lắm, như những lần tổ chức các hoạt động, lễ hội… nhịp nhàng, đúng giờ giấc. Nói ra hết sẽ dài dòng lắm, chỉ xin nhắc một chuyện thôi. Đó là chuyện mà tôi chứng kiến trong những năm đầu 1980 và rất khâm phục Thầy. Bây giờ trong trong các dịp đại lễ, lúc đến giờ cơm Ban Tổ Chức lập các quầy phát cơm và khách đến xếp hàng nhận các phần cơm. Chuyện xem như là chuyện dĩ nhiên ngày nay mà trong những năm đầu thập niên 80 là cả một vấn đề. Vì theo thói quen từ các chùa ở Việt Nam, trong các dịp đại lễ thì Phật Tử đến chùa thường được nhà chùa mời dùng cơm. Cứ chừng 10-12 người sẽ được mời ngồi vào một mâm cơm. Ăn xong có các Phật Tử công quả bưng vào bếp và dọn dẹp. Dù số khách đông bao nhiêu cũng vậy, 10 bàn, 20 cho đến 50 bàn… cũng đều vậy. Nhà bếp sẽ rất cực nhọc. Ở nước Đức, Thầy và các anh em trong Hội Phật Tử theo kiểu Tây phương, Ban Trai Soạn phát cơm và mọi người đều phải đến xếp hàng nhận rồi tự tìm một góc ngồi ăn. Việc này lúc đó có nhiều người phản đối mạnh, nhất là các vị lớn tuổi hay những người từng có địa vị trong xã hội Việt Nam cũ. Họ nói, họ đi chùa và chùa mời dùng cơm rồi họ cúng dường chùa, chứ đâu phải đi ăn xin của bố thí mà phải xếp hàng như ăn mày. Có người còn nói: tôi đâu muốn lãnh cơm tù. Quả vậy, năm 1981 tôi đi đến các chùa ở Pháp đều ăn cơm ở bàn 10 người với chén đũa. Khi nghĩ đến số thức ăn còn lại trên bàn, nhà bếp sẽ dồn chung vào dĩa mới và mang ra cho mình dùng, nên hơi ái ngại về vấn đề vệ sinh. Ở Viên Giác Hannover, Thầy bảo cứ phát cơm phần, ai không muốn xếp hàng lãnh cơm thì thôi. Hôm ấy có nhiều vị đi rất xa từng đoàn xe buýt đến viếng chùa đã không vui. Có người trong anh em chúng tôi cũng ái ngại vì quyết định như thế có thể làm phật lòng khách và qua đó thùng phước sương của chùa cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhưng Thầy vẫn quyết chí làm như vậy. Cho đến bây giờ, hầu như tất cả các chùa trên thế giới đều áp dụng theo cách này. Nếu lúc đó mà xin Giấy chứng nhận bản quyền (Patent) thì chắc bây giờ mình phải gọi phương pháp này là Phương-pháp-Thích-Như-Điển.

Không phải vậy sao? Ở Nhật đã từng có một món ăn mang tên một vị Hòa Thượng. Trong cuốn sách mang tên: Nước Nhật Trong Lòng Tôi Thầy có kể lại câu chuyện:

( … ) món ăn của Nhật người Việt Nam ít thích hơn là món ăn Trung Hoa. Duy chỉ có đồ Otsukemono là tuyệt vời. Đó là những loại rau, cải, dưa leo, giá, măng v.v… họ ướp muối rất ngon, đặc biệt là củ cải muối. Họ có những câu chuyện về các món ăn này, trong đó có Takuwan Osho là một. Đây là một vị Hòa Thượng, có lẽ ngày xưa tu trên núi, không có gì ăn trong mùa đông; nên ông ta nghĩ ra cách ướp những củ cải với muối và cám để ăn qua mùa đông dài tại Nhật và từ đó loại củ cải muối này mang tên vị Hòa Thượng này luôn.

4. Welcome Back

Đây là lời chào mừng của Thượng Tọa Nguyên Tạng, Trưởng ban Tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ thứ 17 tại Portsea Camp lúc đón Thầy tại phi trường Melbourne. Welcome Back - Chào mừng người về thường khiến ta nghĩ đến việc mừng người từ xa quay về nhà, về lại quê hương. Về quê nhà mà có người chào mừng thì vui thật. Nhưng nước Úc thì không phải quê hương của Thầy. Xét cho cùng thì nước Đức, nơi Thầy sống lâu nhất – đã 40 năm cũng không phải quê hương. Và nước Nhật cũng không. Trong bài viết Welcome Back, Thầy viết: Quê Hương là gì nhỉ? Chẳng ai có thể định nghĩa hết được hai từ này, nhưng nó đã hằn sâu vào ký ức, vào tâm hồn của những kẻ xa quê từ độ nào. Riêng tôi đã xa nơi chôn nhau cắt rốn Mỹ Hạc từ năm 1964, xa Hội An từ năm 1968, xa Sài Gòn từ đầu năm 1972, xa Tokyo từ tháng tư năm 1977, rồi trụ lại Hannover cho đến ngày nay để có được cơ duyên đi 73 nước trên thế giới. Bình thường thì thấy rằng nơi nào cũng là quê hương của mình, nhưng ở nơi sâu thẳm của tâm hồn, một quê hương, một chốn để trở về, ngoài quê Nội là Phật Pháp, chốn Quảng Nam, tôi còn những quê Ngoại như Nhật Bản, Úc Châu, Hoa Kỳ và những nơi tôi có nhiều năm tháng sinh sống cũng như hoạt động Phật sự tại đó nữa. Đây mới là những hình ảnh mà trong tâm khảm của tôi lúc nào cũng đong đầy cả.

Nhưng có một điều chắc chắn: Thầy luôn hướng về một Quê Hương Đạo Pháp, Quê Hương Tông Môn và ngược lại Thầy cũng được chư Tôn Đức trong Tông Môn quý mến.

Năm 2003, sau khi xây dựng hoàn chỉnh ngôi chùa Viên Giác, Thầy trao nhiệm vụ trụ trì lại cho đệ tử, lúc đó là Đại Đức Hạnh Tấn. Trong dịp này, trưởng Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh là cố Hòa Thượng Thích Bảo An (lúc đó đã 90 tuổi, viên tịch 2011) đã dẫn đầu một phái đoàn chư tôn đức giáo phẩm môn phái từ Bình Định đến viếng chùa Viên Giác Hannover. Hòa Thượng Bảo An đã thỉnh ý Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang và được Ngài cho tám chữ sau đây để những nghệ nhân khắc thành hai tấm hoành phi. Rồi sau đó Ngài đích thân mang hai pháp bảo này đến Viên Giác để tặng. Xin nói thêm, ở thời điểm ấy nhị vị Đại Lão Hòa Thượng Thich Huyền Quang và Thích Bảo An là hai đại tăng có giáo phẩm cao nhất của Lâm Tế Chúc Thánh đang sống tại Bình Định, nơi ngày xưa Tổ Nguyên Thiều tránh loạn Mãn Châu đầu tiên đặt chân đến và sáng lập dòng thiền Lâm Tế ở Việt Nam vào năm Đinh Tỵ 1677.

Đó là, tấm Hoành Phi thứ nhất: Chúc Thánh Dư Hương

Tấm Hoành Phi thứ hai: Chi Vinh Bổn Cố

Vui mừng quá Thầy Như Điển có gọi điện thoại về Việt Nam vấn an Đại Lão Hòa Thượng Huyền Quang và được đức đệ tứ Tăng Thống trực tiếp giải thích ý nghĩa như sau.

Chúc Thánh Dư Hương (祝聖餘香): có nghĩa là hương thừa của dòng Chúc Thánh. Ở đây ý nói sự tiếp nối của Lâm Tế Chúc Thánh từ thuở Ngài Minh Hải mang dòng Thiền Lâm Tế đến đất Việt Nam để rồi hôm nay phổ biến ra đến hải ngọai nói chung và Viên Giác nước Đức nói riêng.

Chi Vinh Bổn Cố (枝榮本固): có nghĩa là “cành tốt, gốc chắc”. Gốc chắc là gốc từ Hội An, Quảng Nam do Tổ Minh Hải khai sơn phá thạch hơn 300 năm trước. Cành tốt là ý nói Tông Lâm Tế Chúc Thánh đã đâm cành xanh tốt, vươn xa đến Đức quốc, hàng con cháu Lâm Tế Chúc Thánh đã làm rạng rỡ sơn môn.

Năm năm trước (2014) nhân tìm tài liệu viết bài cho dịp Kỷ Niệm 50 Năm Xuất Gia của Thầy tôi có biết được nhưng ít thắc mắc. Lần này đi cùng anh Olaf Beuchling về chùa để hầu chuyện cùng Thầy, giờ trưa rảnh rỗi tôi đi chụp hình hai tấm hoành phi này. Về nhà xem kỹ hình bức hoành phi thứ hai này tự dưng nảy sinh lòng thắc mắc. Thường tình người ta nói "bổn cố chi vinh (本固枝榮) – gốc tốt, cành chắc“. Như người đời hay nói, gốc từ ông bà cha mẹ vững vàng thì con cháu sẽ thành đạt ví như cành lá xanh tươi. Ý nghĩa như hai chữ „Phúc nhà“. Với trình độ chữ Hán ở bậc mẫu giáo của tôi thì nghĩ ngay rằng có thể mấy ông nghệ nhân ở Bình Định viết lộn. Nhưng ở trường hợp này chắc chắn không phải vậy. Sở học và trí tuệ của Đức đệ tứ Tăng Thống là bậc thầy của những bậc thầy, chắc chắn Ngài không thể nhầm. Thêm vào đó khả năng Hán học của quý Hòa Thượng ở Bình Định cũng rất tinh thông. Hòa Thượng Bảo An là bậc tinh thông Hán học, từng bạn đồng môn với các ngài Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh v.v.. thời trường An Nam Phật Học ở Huế do Ngài Trí Độ làm giám đốc (1940). Vậy chắc chắn phải có thâm ý gì đây.

Cứ suy đi nghĩ lại mãi suốt mấy tuần lễ, tôi mới nhận ra được rằng (và không biết có đúng như vậy không). Khi Đức Tăng Thống và Chư Tôn Thiền Đức đặt vế ngược lại như vậy thì phải hiểu, đó đích thị là lời khen tặng mà chư Tôn Đức trong môn phái dành cho Thầy Như Điển nói riêng và môn đồ Lâm Tế Chúc Thánh ở hải ngoại nói chung. Ngài Đệ Tứ Tăng Thống đã nhìn về hướng phát triển cũng như sách tấn cái cành cây xanh tươi của tông môn. Có thể hiểu ý của Ngài: Khá khen cái nhánh cây Chúc Thánh Viên Giác ở Đức quốc do Thầy Như Điển chăm sóc, giờ đã thật sự vững chắc, đang đâm chồi nẩy lộc. Thành công này có được cũng một phần là nhờ cái gốc cổ thụ Chúc Thánh ở trong nước vốn đã vô cùng vững chắc.

Điều đó xét ra hoàn toàn hữu lý. Gần gũi Thầy Như Điển lâu năm mới hiểu tấm lòng của Thầy, luôn biết kẻ trên người dưới, luôn kính trọng, hướng về sư trưởng và tông môn. Ví dụ, trong dịp trùng tu Tổ Đình Phước Lâm Hội An Thầy đã nỗ lực đi khắp nơi vận động để có một tài khoản đáng kể trùng tu Tổ Đình.

Tuy trên bước đường hành hóa, Thầy đã rất thành công và có một thế đứng khá vững trên bình diện Phật Giáo quốc tế. Có những sự kiện tôi biết rất rõ, như trong dịp Đại Hội Ni Giới Toàn Cầu tại Đại Học Hamburg vào tháng 7 năm 2007 dưới sự chứng minh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Thầy đã được mời đến tham dự và sau đó được Ban Tổ Chức trân trọng sắp xếp ngồi chung bàn ăn với Ngài Đạt Lai Lạt Ma trong bữa ăn trưa. Chính Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng đã ba lần đến tận nơi thăm chùa Viên Giác Hannover và Trung Tâm Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, cũng như tiếp xúc với Thầy. Tại Trung Tâm Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng, khi nhìn thấy tấm hình Thầy Như Điển treo ở lối vào thư viện, Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã dừng chân lại và chỉ cho mọi người xem rồi nói: „I know him – Tôi có biết vị này“. Lần đến thăm chùa Viên Giác năm 2013, vị Trụ Trì lúc đó là Đại Đức Hạnh Giới và Tăng Chúng Viên Giác ra tận cửa xe ở tam quan chùa nghinh tiếp, khi bước ra khỏi xe gặp Thầy Như Điển cung kính đứng chắp tay đón thì Ngài Đạt Lai Lạt Ma đến vỗ vai Thầy và nói „Oh, my Friend! - Ồ, ông bạn tôi!“

Cũng xin phép nhắc thêm ở đây một vài sự kiện nổi bật khác để tán thán những thành quả trên bước hành đạo của Thầy, cũng là niềm hãnh diện của Phật Giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

- Tháng 4 năm 2001, đáp lời mời của Hoàng Gia Bhutan Thầy hướng dẫn một phái đoàn Phật giáo Việt Nam từ Đức đến thăm đất nước Phật Giáo này. Phái đoàn 20 vị này đã được chính phủ Bhutan tiếp đón và trang trải tất cả mọi chi phí. Phái đoàn cũng được Đức Phó Tăng Thống của Phật Giáo Bhutan đón rước và các viên chức cao cấp như Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa hướng dẫn đi tham quan nhiều nơi. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước Bhutan này đã đón tiếp long trọng một phái đoàn Phật giáo Việt Nam. Tưởng cần nói thêm, xứ sở có Phật Giáo là quốc giáo này rất coi trọng việc bảo vệ hạnh phúc của nhân dân Bhutan nên chỉ bắt đầu mở cửa cho người ngoại quốc đến đây - tuy vẫn còn rất hạn chế - khoảng mười năm gần đây. Nhất là trong những năm đầu thập kỷ trước, họ khép kín cửa vì lo ngại những biến động chính trị, văn hóa, những suy đồi đạo đức, luân lý bên ngoài tràn vào đất nước họ.

- Tiếp theo, vào tháng 7 năm 2011 tại thủ đô Colombo của nước Tích Lan, Hội Đồng Tăng Già Tích Lan đã trao giải thưởng cao quý cho HT Thích Như Điển và HT Thích Minh Tâm về công cuộc truyền bá giáo lý Phật Đà khắp năm châu. Chính Thủ Tướng đương nhiệm và Đại Diện của Tăng Già đã đến trao tận tay giải thưởng cho nhị vị Hòa Thượng. Nhị vị Hòa Thượng cũng nhận "Quạt Quốc Sư“ của chính phủ trao.

- Thêm việc khác là, mùa hè năm 2014, nhân chuyến viếng thăm Viện Phật Học Ứng Dụng tại Waldbröl, Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã sắp đặt để mời Thầy ngồi chung pháp tòa và sau đó Thiền sư dạy chư Tăng Ni đệ tử của Làng Mai hiện diện ra đảnh lễ “người đã đặt nền móng Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên nước Đức“ là Thầy Như Điển.

- Gần đây nhất, tháng 11 năm 2018 tại Penang Mã Lai, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 10 của Hội Đồng Phật Giáo Tăng Già Thế Giới, trụ sở tại Đài Loan, đã cung thỉnh Thầy vào ngôi vị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế giới (The World Buddhist Sangha Council, WBSC).

Còn nhiều sự kiện khác nhưng chỉ xin kể vài việc nổi bật như vậy thôi. Thử hỏi mấy ai có được những vinh dự như vậy? Ấy thế mà đối với chư Tôn Đức trưởng thượng trong môn phái Thầy rất mực cung kính, đặc biệt với Sư Phụ của mình tại quê nhà. Gương ấy thật đáng cho hậu học noi theo.

Trong cương vị như Thầy ngày nay, giữ được tâm thanh tịnh như vậy thật không dễ, vậy mà Thầy làm như trở bàn tay. Tôi nghĩ, nếu có ai đặt câu hỏi, Thầy sẽ trả lời ngay „Thị tắc danh vi báo Phật ân (是則名為報佛恩) - Đó là cách đáp đền ân đức chư Phật“ như câu kệ Lăng Nghiêm Thầy tụng miệt mài mỗi ngày trong suốt thời gian 55 năm qua.

4. Chuông từ gióng tiếng

Nói qua cũng phải nên nói lại. Nhân Khánh Tuế 70 tuổi của Thầy và các buổi lễ trọng đại tại Viên Giác Hannover, tôi đã cố ngồi ôn lại và ghi ra đây một vài điểm nổi bật nơi Thầy để tự mình và các thiện hữu có thể học hỏi theo. Bởi vậy, nếu ai hỏi tôi bây giờ, sao cứ mãi viết lời tán thán các ưu điểm, vậy Thầy có biết điều chi là nhược điểm, là khuyết điểm không?

Hỏi lạ chưa? Có chứ sao không! Thầy là một con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải là một tượng đá. Ai có sống, có hít vào thở ra, có đi qua đi lại, có sinh, có bệnh, lão … thì luôn có những ưu và khuyết điểm. Mà chưa chắc một bức tượng đá đứng chôn chân một chỗ đã không có khuyết điểm.

Bởi vậy tôi lại xin thuật thêm một câu chuyện hay ở xứ Nghìn Lẻ Một Đêm này nữa.

Ở thị trấn xa xôi nọ có một người thợ dệt thảm rất tài ba. Từ chốn cung đình cho đến nhà danh gia vọng tộc hay tư gia, nếu ai có được một tấm thảm của ông để trang trí nhà thì là một hạnh phúc và là một niềm hãnh diện. Lúc đến tuổi già yếu, trước khi giải nghệ ông lão muốn tự dệt cho mình một tác phẩm để đời. Sau một thời gian dày công sưu tầm gom góp những nguyên, vật liệu, ông bắt đầu thực hiện ý nguyện ấy. Ông dành một khoảnh nhỏ của xưởng dệt, đóng kín cửa và miệt mài làm việc một mình, không cho ai vào ra, kể cả người nhà cũng không được phép bén mảng đến. Bao nhiêu đồng nghiệp, hàng xóm hồi hộp mong chờ ngày hoàn thành để có thể nhìn thấy tác phẩm bất hủ ấy. Rồi ngày ấy cũng đến. Ông thợ dệt trình làng tấm thảm tuyệt tác của ông. Ai đến xem cũng trầm trồ khen ngợi một công trình nghệ thuật hiếm có, hoàn hảo đến độ không thể chê chỗ nào được. Chỉ trong ngày đầu tiên ấy, đã có số trăm, số ngàn… người đồn đãi nhau và xếp hàng để có thể tận mắt nhìn thấy tác phẩm vô tiền khoáng hậu của ông lão thợ dệt tài ba. Ông thợ dệt già tiếp khách cả ngày mệt nhoài. Đến buổi chạng vạng tối, có một ông tuổi cũng lớn đến xin xem tấm thảm. Ông thợ già lại cũng ân cần mời khách vào xem. Ông khách lạ còn mang theo cả kính lúp, đèn pin để soi từng sợi chỉ. Có cả triệu nút thắt, vậy mà nút nào cũng đều nhau như những giọt nước, không sai lệch một nét. Màu sắc lại rất hài hòa. Rồi khách cùng ông lão thợ dệt ngồi uống trà nói chuyện tâm đắc với nhau về nghệ thuật dệt thảm trước khi từ giã đi về. Mệt nhoài cả ngày với khách, ông thợ dệt ngả lưng trên chiếc ghế bành kê ở góc xưởng dệt và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ ông bỗng mơ gặp lại ông khách lạ khi nãy. Nhưng kỳ thay, lần này ông ta không thân thiện mà có vẻ trách móc nhìn ông. Ông thợ già ngạc nhiên hỏi:

- Ô, chẳng hay tôi có điều gì thất lễ làm phật lòng ông chăng? Chỗ đồng nghiệp có gì thì cứ dạy bảo nhau.

- Tôi đâu hề dám dạy bảo điều gì với ông.

- Nhưng sao trông ông có vẻ không vui.

- Đúng vậy, tôi không vui. Tôi buồn là buồn cho ông thôi.

- Xin cám ơn. Nhưng ông có thể nói cho tôi hiểu thêm việc gì không?

- Nếu ông thật lòng hỏi thì tôi sẽ nói.

- Vâng, tôi thật lòng muốn nghe.

- Ông bạn ơi, ông có biết là ông đang phạm một tội ác tày trời không?

- ???

- Ông có biết suốt cả ngày nay có ngàn người đến xem tác phẩm của ông, ai cũng nói rằng ông đã dệt nên một tấm thảm toàn bích.

- Đúng tôi có nghe như thế.

- Vậy ông có biết rằng, là một con người thì không thể nào toàn bích được. Chỉ có đức Allah trên cao mới là Đấng Toàn Bích.

- ! ? ! ?

- Ai là kẻ tạo ra một vật toàn bích thì kẻ ấy có tội vì cướp đi bàn tay vạn năng của Allah. Ông nghe không? Hiểu... k h ô n g?

Mấy chữ cuối này nghe giọng ông dằn mạnh, kéo dài như những tiếng thét giữa hư không. Giật mình tỉnh dậy, ông lão thợ dệt nghe có tiếng lũ diều hâu đang đập cánh mạnh ở cành cây sau vườn và cất tiếng kêu inh ỏi. Ông lão vùng dậy ngay, thắp sáng đèn đuốc lên và lấy kéo bén cắt ngay một bên góc của tấm thảm rồi nối các nút thắt sơ sài lại. Người nhà thấy đèn sáng chạy vội đến thì thấy tấm thảm bị hư một mảnh nhưng vẻ mặt của ông thợ già hoan hỷ như chưa bao giờ vui như vậy. Miệng ông lẩm bẩm: „Vâng, vâng… Chỉ có Ngài, duy chỉ có Ngài mới là Đấng Toàn Bích“.

Tất nhiên, là Phật tử nên tôi không suy nghĩ như người theo đạo Hồi, nhưng luôn trân trọng đức tin của họ. Giả sử trên đời này có một Đấng Toàn Bích – vị ấy có thể có những tên gọi khác nhau tùy theo tôn giáo – thì phải là một Đấng duy nhất thôi. Thử nghĩ, nếu cuộc đời có hai hay nhiều Đấng Hóa Công thì trật tự sẽ đảo lộn cả. Và chỉ có „Đấng“ ấy mới may ra không phạm một lỗi lầm, khuyết điểm nào. Bởi vậy chờ đợi sự hoàn hảo ở một con người là việc làm vô lý và vô ích. Một đường chỉ vụng, một nét màu lệch… trên tấm thảm tuyệt đẹp của cuộc đời này, nếu có thì là chuyện dĩ nhiên. Không bao giờ có thể có một tấm thảm, một mảnh đời hay bất cứ sự vật gì trên thế gian này toàn bích được. Cũng không thể có một người hoàn toàn không hề có khuyết điểm.

Sở dĩ tôi muốn kể lại câu chuyện trên vì năm năm trước đây, sau khi ra báo Viên Giác số 201, kỷ niệm 50 năm xuất gia của Thầy, cũng có người phê bình này nọ, tuy lời nói có phần nhẹ nhàng hơn những lần trước, và chỉ là những ý kiến cá nhân. Cũng như lúc khởi công xây chùa Viên Giác có người chống đối và tiên đoán rằng công trình này không thể nào thành tựu được. Bây giờ thì ngôi chùa đã sừng sững ra đó. Tôi không hề có ý trách họ. Chỉ thương thôi. Việc chùa khác việc đời, không phải ai cũng hiểu được. Phần khác, nếu quan sát kỹ ta sẽ cảm nhận được sự chuyển mình không ngừng nghỉ của thế giới theo nhịp quay của bánh xe Pháp, từ 2600 năm trước đến nay. Riêng ở xứ Đức, thời triết gia Arthur Schopenhauer (1788-1860) chỉ có mấy mươi người biết đến đạo Phật và hiểu Phật như một triết lý sống, thì bây giờ đã có 650.000 Phật Tử và còn rất nhiều người Đức đang tu tập hoặc hướng đời sống theo giáo lý Phật Đà.

Lại xin nhắc thêm một câu chuyện trong Kinh.

“Có một đêm Đức Phật đứng lặng lẽ trầm mặc bên dòng sông bạc. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đứng phía sau và nhìn xuống ánh trăng lung linh óng ánh trên mặt nước, bất giác Tôn giả buồn bã than rằng:

- “Bạch đức Thế Tôn! Thật đáng thương thay! Có những kẻ mò trăng đáy nước đến nỗi chết chìm.”

- “Đúng thế! Thật đáng thương xót! Nhưng đáng thương hơn nữa là những kẻ chấp rằng vũ trụ không trăng.”

Cuộc sống luôn luân chuyển, như thời gian luân chuyển. Mới đó, ngày nào tóc xanh bây giờ đã thành tóc bạc. Chúng ta như người mê ngủ, cứ tưởng rằng trăng rằm sáng chói ấy nằm dưới đáy nước nên lặn lội cả đời đi tìm ở đó, như ngụp lặn trong biển sinh tử rồi cuối cùng đuối sức thả trôi chết chìm trong đó. Nhưng, như thế vẫn còn may mắn. Khốn khổ thay cho những người nghĩ rằng vũ trụ này không trăng thì đúng là quá tội nghiệp cho họ.

Có cơ hội gần gũi Thầy, tôi nhận thấy ở trong Thầy như có chứa một sức mạnh tâm linh lạ kỳ, mà không phải ai cũng có được. Tin những lời Phật dạy trong kinh, tôi biết rằng, người thọ trì miên mật Kinh Lăng Nghiêm luôn được chư Thiện Thần Bát bộ Thiên Long Hộ trì Chánh pháp ở chung quanh. Do chư Thiện Thần này muốn thân cận người tinh chuyên thọ trì kinh để hằng ngày được nghe Pháp Phật. Cho nên cứ cuối thời Công Phu Khuya ta luôn tụng bài „Thiên A Tu La Dược Xoa đẳng, Lai thính Pháp giả ưng chí tâm (天阿蘇羅藥叉等 來聽法者應至心…) Tùy sở trú xứ thường an lạc“ (隨所住處常安樂) là vậy. Mà việc trì tụng tinh tấn kinh Lăng Nghiêm đối với Thầy là một pháp tu không bao giờ xao nhãng; dù ngày mưa ngày nắng, dù tuyết rơi hay bão táp, dù đang ở chùa hay trên đường hoằng hóa… Thầy chưa hề bỏ sót một thời. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy những Phật sự của Thầy làm thường rất thuận lợi, thuận buồm xuôi gió ít ai ngờ tới, dù Thầy không phải khổ nhọc bỏ nhiều công phu.

Hơn bốn mươi năm hoằng pháp ở xứ Đức này, Thầy đã để lại nhiều vết son đáng kể. Nhìn lại, trong mấy năm đầu, cả nước Đức mà chỉ có duy nhất một người biết mặc áo tràng trong khi hành lễ. Những sinh viên đến „thăm chùa“ chứ không phải đi lễ Phật. Họ bắt tay Thầy như người Đức thay vì chắp tay búp sen, họ gọi thầy bằng anh, vỗ vai Thầy như bạn. Có người còn gọi Thầy bằng em, bằng chú nữa. Bốn mươi năm sau, bất cứ đạo tràng nào ở Đức quốc, ít nhất người ta cũng nhìn thấy 99% Phật tử dự lễ mặc áo tràng nghiêm trang cung kính. Đa số Phật tử đã thuộc lòng các nghi thức thường nhật như cầu an, cầu siêu, cúng ngọ, thí thực v.v… Có nhiều người còn biết các bài „tán“ như Tán Lư Hương hay Tam Tự Quy. Rất đông Phật tử ăn chay trường, tụng kinh Lăng Nghiêm hằng ngày, con số có thể đến vài ngàn người như thế ở nước Đức. Các ngôi chùa, Niệm Phật Đường tạo dựng dưới sự hướng dẫn của Thầy đều giữ nếp sinh hoạt truyền thống như ở Việt Nam. Nghĩa là ít nhất có 3 thời kinh mỗi ngày, hai lần lạy sám hối trong tháng, an cư kiết hạ, lạy Phật Ngũ Bách Danh, Tam Thiên v.v… Dần dần số người Đức đến chùa rất đông. Họ còn tham gia một số hoạt động của chùa Viên Giác và ở các địa phương. Thầy còn nối kết được các tu sĩ Phật giáo người Đức các tông phái khác nhóm họp mỗi năm một lần tại Viên Đức để sách tấn tu tập. Tổ chức ấy mang tên là DBO (Deutscher Buddhist Ordination – Tăng Già Phật Giáo tại Đức).

Thành quả ấy nếu không phải do người đến gieo hạt giống đầu tiên, do người cầm mũi chiếc thuyền Phật Giáo Việt Nam tại Đức là Hòa Thượng thượng Như hạ Điển tạo ra thì là ai đây?

Để tạm kết thúc bài viết này, tôi xin mượn hai câu thơ của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Thạc (1925 – 1995), đã từ Chùa An Lạc Sài Gòn gởi tặng Thầy trước đây. Tôi xin bắt chước Ngài Quảng Thạc tán thán người đã đi tiên phong trong công cuộc xây dựng Phật Giáo Việt Nam tại Đức, người dũng cảm „mang chuông đi đánh xứ người“, đã gióng tiếng chuông từ bi trên trú xứ Đức lạnh lẽo này suốt bốn mươi năm qua.

Hai câu thơ ấy là:

Tuệ cự cao tiêu quang Việt địa
Từ chung trường khấu chấn Tây dương

慧炬高標光越地
慈鐘長叩震西洋

Tạm dịch như sau:

Đuốc tuệ giương cao (sáng) soi đất Việt
Chuông từ gióng tiếng (chấn) động trời Tây

Tiếng chuông từ bi ấy cũng đã vang xa khắp năm châu và sẽ còn vang vọng mãi.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Báo đáp công ơn cha mẹ


Lược sử Phật giáo


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.87.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...