Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở hoa, hắn không dám tin vội rằng đó là sự thật, vì nếu là sự thật thì quả đã có trời, và trời đã có tai để nghe mấy lời hắn vẫn thầm thì cầu nguyện trong đêm vắng. Hắn cầu nguyện rất khẽ, thế mà trời nghe được, trời linh thiêng quá.
Nhà hắn không giàu, người ta vẫn bảo rằng có tiếng mà không có miếng, rất đúng, nhưng có một số thiên hạ vẫn đồn đại rằng nhà hắn giàu lắm, bạc giấy năm trăm may vào nệm nằm đến mục ra. Giá là sự thật thì sướng biết bao nhiêu.
Chạy chọt xin cho được cái giấy thông hành cũng không phải dễ gì, nhưng rồi cái ngày hắn chễm chệ ngồi trên “xích-lô” đạp để ra hãng máy bay ấy cũng phải đến. Mẹ hắn khóc âm thầm, cha hắn ủ rũ, còn hắn thì cố gắng lắm cũng chỉ buồn được hơn một phút rồi lại cười lên ha hả.
Trong thâm tâm hắn vẫn hồi hộp suốt cả thời kỳ xin giấy tờ. Hắn chỉ sợ một sự gì thay đổi và hắn sẽ không được đi nữa. Có đêm hắn nằm mơ thấy bị sở Công an gọi hắn bảo cấm không được ra khỏi nước, hắn uất ức gần phát khóc. Đến khi tỉnh dậy biết rằng chỉ là một giấc mơ, hắn lồm cồm mở đèn âu yếm nhìn lại một lần nữa cái giấy thông hành và cái vé máy bay “bằng xương bằng thịt” rõ ràng rồi mới yên lòng nằm xuống ngủ nốt.
Những người khác trước khi lên đường có mang cùng một tâm trạng với hắn không? Hay chỉ một mình hắn mới điên rồ như thế?
Trên máy bay, vì hắn là học trò, giá có nửa tiền nên được xếp ngồi sau góc đuôi và cô chiêu đãi viên xinh đẹp cười với tất cả các hành khách mà đến phiên hắn thì hình như không phải là nụ cười ban nãy nữa mà là cái miệng mếu máo. Nếu nụ cười là một cái máy để người ta có thể bấm vào khuy hoặc cắm vào lỗ điện thì hắn cũng sẽ được nhận một vài nụ cười chăng.
Nhưng thôi, hắn cần gì những nụ cười ấy, miễn hắn đặt chân trên đất Pháp là được rồi.
Hắn đi với một thằng bạn cũng một hoàn cảnh như hắn, nghĩa là rất nghèo.
Khi máy bay từ từ hạ cánh xuông sân bay Orly, lòng hắn rộn ràng quên cả mệt nhọc, mãi bây giờ hắn mới dám tin chắc rằng hắn được đi Pháp học. Hình như trong huyết quản của người dân Việt nào cũng có con sâu giang hồ, hẳn thế, cái thèm đi của người dân Việt thật là vô bờ bến. Thì xem như hắn, xa gia đình, xa cha mẹ mà quên cả buồn, dầu chỉ là một chút buồn ngoại giao hay tượng trưng. Xách va-li lang thang đi tìm phòng trọ, hắn như một cụ lý toét mà thằng bạn hắn lại càng đình đù hơn. Bộ quần áo của hắn mới may chưa cắt hết đường chỉ, thế mà sang đến đây sao thấy nó vừa chật vừa cũn cỡn, so với những chàng trai Việt qua đã lâu năm trông hắn quê mùa đến thảm thương.
Tuy vậy, đứng cạnh thằng bạn trông hắn cũng còn tươm tất hơn. Bộ quần áo thằng bạn là bộ quần áo của cha mang chữa lại, chỗ đáng chật thì rộng, đáng dài thì ngắn, không biết thợ nào chữa mà khéo thế, làm thằng bé lúng ta lúng túng như người đang ăn vụng, trông phát tội nghiệp.
Cứ thế hai thằng ngơ ngác đi tìm phòng trọ giữa cái thành phố Ba Lê nghìn năm văn vật. Tay xách va-li mắt liếc bên này bên kia, thỉnh thoảng lại đứng nhìn trố ra một cửa hàng hay một chiếc xe hơi kiểu mới. Ai không biết sẽ nhầm rằng hai chú mán rừng lần thứ nhất xuống phố bán thuốc ê.
Đi bộ hơn ba tiếng đồng hồ mới tìm được một cái phòng trọ tối tăm u ám, tuy u ám nhưng cũng còn hơn cái phòng hắn ở nhà, nhất là những gian phòng trọ trong thời tản cư.
Trong phòng trọ sao người ta đặt lắm gương soi thế, hắn nghĩ thầm “Tây đầm chúng nó thật đỏm dáng, ở đâu cũng muốn thấy cái nhan sắc của mình.”
***
Ba tháng rồi hắn ở Ba Lê. Độ này trông hắn đỡ mán hơn một chút, hắn đã thay bộ quần áo chật chội bằng một bộ quần áo khác, vừa vặn với con người hắn hơn, tuy rằng thư nào cha hắn cũng đã dặn dò phải biết hà tiện.
Cha hắn lo ngại một ngày kia không gửi được tiền, hắn cũng biết rằng nhà hắn nghèo, nghèo lắm, nhưng giá cha hắn đừng có gào lên trong mỗi thư chắc hắn sẽ thú vị hơn. Nếu không bị cái đạo Khổng ràng buộc hay đúng hơn sợ bị cha hắn giận mà cúp tiền thì hắn đã viết thư mà xin với cha hắn điều ấy.
Tuổi trẻ quả thật là vô tư, vô tư gần như là gỗ đá.
Sao người Việt sang đây lắm thế, nhưng ở bên này người ta gọi nhau bằng Mít để phân biệt với ông táo tức là những chàng đen. Quả thật phải sang đây mới thấy rõ màu da vàng và dáng dấp nhỏ bé của người Á Đông, nhất là người Việt.
Trong lúc dân các nước khác gặp nhau thì mừng rỡ, Mít gặp nhau thì cứ lờ đi như không thấy hoặc là trong cái nhìn im lặng như đặt một câu hỏi:
— Mày mà cũng sang đây ư?
Rất nhiều người Việt mới sang bị bẽ bàng vì cái dáng điệu “phớt tỉnh ăng-lê” của đồng bào, hỏi ra mới biết rằng chỉ vì sợ quen biết la cà rồi hỏi mượn tiền thì phiền quá.
Nhiều người bảo dân Mít giống dân Do thái ở những tính xấu mà không giống những tính tốt của dân xứ ấy. Nghe hơi bi quan nhưng có lẽ cũng đúng một phần nào chăng?
Ba Lê có đủ các hạng Mít, từ mít đi xe Hoa Kỳ bóng nhoáng, cho đến thứ mít nghèo xơ xác sống bám vào cái ví của các cô đầm.
Hắn vẫn cười thầm mỗi khi thấy một chàng mít đi với cô gái Âu. Muôn hôn lên trán phải bắc một cái thang, nhưng cười người chớ vội cười lâu, câu ấy Đông Tây đều có dặn, quả thật đúng, một độ suýt nữa hắn cũng vấp phải, thế mới chết. Chỉ lỗi tại cái nhà trọ có một cô làm phòng xinh xinh, không đặc biệt gì, nhưng lòng chàng trai chưa đến hai mươi mới sang còn nguyên vẹn, đầm bên nhà lại cao giá. Hàng nhập cảng bao giờ chẳng nhiều thuế.
Hơn nữa hình ảnh những bà Thống sứ, bà Mật thám, thơm tho trắng trẻo đang còn như nghễu nghệu trước mắt. Nhớ đến người tài xế lái xe nhà hắn một bận được bà thống sứ bắt tay mà đến ba ngày sau chưa dám rửa tay. Có ngờ đâu các bà ấy ở bên này cũng chỉ là những cô khâu vá, bán rau cải, cao hơn một bực thì hoặc thư ký, hoặc nữ hộ sinh nhưng sang đến các thuộc địa các bà ấy tạo ngay cái dáng điệu sang trọng như từ thuở bé sinh ra trong bông hoa hồng vườn ngự uyển.
Cô đầm làm phòng trọ ấy, mỗi lần lên làm phòng hắn là tim hắn đập ầm ầm như tiếng trống làng tề. Trong lòng hắn thầm có những cuộc cãi cọ về vấn đề giai cấp, vấn đề chủng tộc, ở đời chỉ có tình yêu là đáng kể và hắn ngấm ngầm xây dựng những cảnh hạnh phúc tương lai, tuy rằng tương lai chưa biết lấy gì mà ăn.
Chương trình hắn phác họa ra chưa đi đến giai đoạn thứ hai thì một hôm hắn mở ví của cô thấy có một tập ảnh đồng bào hắn. Thế là hắn sợ hãi vội vàng rút lui có trật tự.
Dầu sao hắn vẫn thấy sang Pháp mà còn đi cua cô gái Việt thì có khác gì sang Pháp mà còn đòi ăn cho được xoài với ổi, những thứ vừa đắt tiền vừa chưa chắc đã ngon. Đi đến đâu phải ăn quà địa phương chứ, tuy vậy hắn cũng không tán thành cái hành động đi “đuổi đầm” tức là chạy theo các cô đầm ở ngoài đường cho lắm.
Sang gần một năm, thỉnh thoảng hắn cũng cảm thấy nhớ nước, hắn nhớ đủ thứ nước, dòng nước sông Hương cũng có, mà cái thứ nước cay cay chua chua có vắt tí chanh của cô hàng bánh bèo mỗi buổi trưa gánh qua nhà hắn, cất giọng rao nghe dịu dàng quá, đố ai nghe mà không chảy nước miếng. Giá được về vài hôm, về thăm gia đình và thăm cô hàng bánh bèo ấy thì thích biết mấy, nhưng chỉ vài hôm thôi chứ ở lâu thì hắn chưa muốn, một là hắn học hành chưa xong, hai là dòng sông Seine còn lưu luyến quá, dứt đi sao đành.
Nghe nói đến chuyện hắn nhớ bánh bèo đừng vội bảo rằng hắn là phường tục tử, chỉ nghĩ đến chuyện ăn, thỉnh thoảng hắn cũng lang thang ra “Pont des Arts” đứng tựa vào thành cầu, nhìn dòng nước vô tình trôi dưới cầu và cất cái giọng ngỗng đực của hắn mà rống lên mấy bài ca nhớ quê hương một mình nghe cũng không đến nỗi dở lắm. Hát xong trở về phòng trọ và lòng hắn bớt nhớ nhung. Có bận còn hơn thế nữa, hôm ấy trong túi hắn vẻn vẹn không được nghìn quan thế mà dám đến nhà hàng Việt Nam mua ngay một đĩa hát giá những hơn năm trăm quan. Về đến nhà hắn nghe suốt buổi, nghe đến lúc hắn thuộc cả mấy bài ca và đến lúc lão tây già bên cạnh sang gây gổ rồi van xin hắn mới tha cho.
Trời phạt hắn, tháng ấy nhận tiền chậm phải ăn thiếu mất mấy hôm, kể ra như thế là hắn cũng có tâm hồn nghệ sĩ đấy chứ, hắn vẫn nói đùa với các bạn rằng, đỗ đạt xong hắn về nước và cưới luôn cả hai cô trong “ban hợp ca Thằn lằn” để thỉnh thoảng có buồn thì bắt hai cô ra múa hát cho hắn nghe, lũ bạn kêu ầm lên rằng hắn là tàn tích rơi rớt của chế độ phong kiến, may mà ai cũng biết tính hắn hay đùa, vả lại những con chó sủa là những con chó không dám cắn.
Hắn quên rằng đàn bà vốn chóng già, ngày hắn về nước thì có lẽ các cô ca sĩ ấy mỗi người đã có một bầy con, ai sống đấy mà chờ hắn.
Ở đây hắn có một vài người bạn thỉnh thoảng đến phòng nhau nấu cơm ăn uống nghe vọng cổ, sa mạc, ngâm thơ hoặc chưởi thề với nhau cho đỡ nhớ nhà. Một hôm có ông bạn mới sang mang theo rất nhiều quà của nhà, từ một trái chanh, trái ớt... Vừa sang tới đất Pháp là ông ta lo ngay đến sự hụt tiền, nên ông ta chỉ dám ăn thịt “hát sê” (hachée) là thứ thịt gân thịt vụn người ta mang vào máy xay ra bán từng cân từng lạng, ông bạn là người lớn nên cũng phải mời tụi hắn một bữa, ăn xong hắn cao hứng làm bài thơ tặng ông ấy. Thơ rằng :
Thịt hát xê, thịt hát xê
Chưa ăn đã chán ghê
Từ ngày ông "A" đến
Mang theo cái “xýt-tem” Đê.
Bài thơ xuất khẩu của hắn vừa ngâm chưa được mấy hôm thì có tin cha hắn về hưu trí. Hắn được tin mà lạnh đến xương sống, vì hắn biết rằng từ nay rồi đến thịt hát xê cũng sẽ không có mà ăn chứ đừng nói đến chuyện sang trọng.
Đúng như hắn đã lo sợ, từ đấy hắn nhận tiền tháng thiếu tháng đủ, có khi mấy tháng liền không nhận được đồng nào, vì sau khi hưu trí thì tiếp đến tin cha hắn bị ốm nặng phải vào nằm nhà thương.
May mà hắn không biết ăn chơi, không thích cuộc sống phù hoa trong khi quanh hắn có một số bạn dối nhà để lấy tiền đi học nhảy, học xong còn phải hành mà hành sự gì chứ sự ấy thì khá tốn, trót sinh làm cái “giống giả tiên” (sexe payant) thì lúc nào cũng phải lo sẵn sàng để mở ví.
Hắn lại còn biết có mấy thằng bạn đầu tháng nào cũng mua giấy ăn nhưng rồi bán dần để đi chơi, cuối tháng phải giật vay quanh, có khi nghèo túng quá đâm ra trộm cắp bạc bài và sau cùng là cái “Xa-na” ho lao chờ sẵn.
Hắn còn có một ông bạn đào hoa đến nỗi trong một tuần mà nhận được bảy “cú” điện thoại báo tin mừng sắp lên chức cha. Ông bạn của hắn sợ cuống cả người, có con thì phải cưới mà chả nhẽ lại cưới cả bảy, pháp luật nào cho phép. Vả lại có được phép cưới cả bảy chăng nữa theo như phong tục Ả-rập ngày xưa thì tiền đâu mà nuôi bảy đứa con với bảy bà mẹ ấy.
Ngay đến cưới một cô cũng đã là chuyện khó vì ông bạn chẳng có vốn liếng gì cả ngoài cái tốt mã, ăn mặc chải chuốt hợp thời trang, nhảy đầm giỏi, biết tán tỉnh nịnh hót đàn bà và biết khoe khoang. Ở cái xã hội mới mà cái gì cũng phải cần tiền mới giải quyết được, nếu đã không tiền mà còn không có cái mã thật chiến, cái lưỡi thật mềm thì đừng hòng được như ông bạn quý ấy.
Hắn vẫn cười thầm nếu có em gái, hắn sẽ nói cho em gái hắn biết rằng, thấy chàng trai nào ăn mặc sang trọng chải chuốt thì phải đừng quên rằng túi nó trống rỗng. Nếu cái cổ áo nó có sạch sẽ tươm tất là vì đêm nào nó cũng giặt chải phơi cẩn thận, đôi giày cũng thế. Còn bộ quần áo có sang, có mới thì nên ngờ rằng bộ áo ấy nó trả góp và có thể rằng nó mới bắt đầu trả tháng thứ nhất mà thôi.
Đấy cũng không phải là một đường lối độc nhất để thành công trong sự đi chinh phục người đẹp. Hắn còn có một ông bạn nữa rất tồi tàn, lúc nào cũng đưa cái vẻ xơ xác của mình ra kêu nghèo kêu túng, thế mà ông bạn ấy cũng rất đắt hàng vì có những cô đầm hảo tâm thương hại, rồi từ chỗ thương hại đến chỗ thương không hại cũng chẳng xa là bao nhiêu.
Còn hắn ư, ngày hai buổi sáng lê gót đi, chiều lê gót về, bữa cơm trưa ăn ở tại trường, lắm khi đau bụng xanh cả người chỉ vì gặp những món ăn vừa nguội vừa cũ, mỗi bữa ăn giá chưa đầy một trăm quan, làm sao mà sang trọng được.
Nhưng hắn cũng chẳng cần, cuộc đời lên voi xuống chó là thường.
Người ta khinh khi hắn vì thấy hắn bất lợi, đàn ông khinh hắn vì nhà hắn nghèo, vì hắn chỉ là một sinh viên khổ. Đàn bà khinh hắn vì hắn quê mùa không biết nhảy đầm, không biết tán tỉnh, không biết vứt tiền ra để mua những món quà tặng cho đẹp lòng ai.
Tháng nào nhận thư nhà hắn cũng hồi hộp lo lắng, biết đâu đấy chẳng là món tiền cuối cùng, biết đâu thư cha hắn sẽ chẳng bảo hắn về ngay vì không thể cho hắn ăn học được nữa. Lần nào cầm bức thư hắn cũng ngập ngừng hằng mấy phút trước khi mở ra đọc.
Tự an ủi, hắn vẫn đưa câu chuyện lợn và dao ra suy nghĩ. Lợn nằm cạnh dao, ai cũng tưởng rằng dao sẽ cắt cổ lợn, nhưng thời gian qua, dao bị hoen rỉ dần trong khi lợn mỗi ngày một lớn và cứ thế lợn nằm chận lên dao.
Câu chuyện chẳng thơ mộng gì nhưng cũng vẫn an ủi hắn. Một ngày kia, ai biết trước được, sau những năm tháng xanh xao này, hắn sẽ vùng trỗi dậy. Hắn sẽ trả lời đúng nguyện vọng của cha mẹ hắn.
Nhiều tự ái nên mặc dầu có những người bạn thường đến khoe khoang rằng đã được đầm nuôi một cách sung túc và chỉ lối cho hắn theo, nhưng hắn tự xét thấy không thể nào làm như thế được. Có độ hắn nghèo, nghèo lắm, hàng mấy tháng liền không dám mua một tờ báo để đọc, hắn toàn đọc những tờ báo người ta treo ở trong nhà vệ sinh. Nói ra không đẹp nhưng sự thật có mấy khi đẹp đâu. Thế rồi hắn nhịn ăn để mua vé số. Tuần nào hắn cũng mua một tấm vé số, để suốt cả tuần nuôi hy vọng, nếu trời cho hắn trúng số hắn sẽ... hắn sẽ... Không biết bao nhiêu là sẽ trong đầu hắn, mà cái sẽ thứ nhất là không phiền đến cha mẹ nữa.
Nhưng rồi tuần nào cũng thế, đến sáng thứ năm là mộng hắn vỡ, vò nát tấm vé số trong tay, hắn thề sẽ không bao giờ điên nữa, thề làm gì vì ngay chiều hôm sau lúc đi học về ngang qua những tấm vé số duyên dáng và quyến rủ nằm phơi thân ở quầy tủ kính hàng bán vé số, hắn lại tần ngần đến hỏi mua để mà hy vọng rồi cũng để mà thất vọng.
Có một câu chuyện mà cứ mỗi lần nghĩ lại là hắn còn giật mình kinh khủng. Hôm ấy đang ngồi học bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, mở cửa ra hắn thấy một cô đầm không đẹp nhưng cũng không xấu lắm. Cô ấy bảo đến tìm một người bạn nhưng người ấy đi vắng, muốn xin hắn một cốc nước và ngồi nghỉ chân một lúc. Hắn vui vẻ mời vào, trong lòng cũng thầm đoán biết cô đầm ở vào hạng nào nhưng cái giống trời đã sinh ra thế, động thấy bóng dáng người đàn bà là phải xun xoe. Hắn niềm nở mời ngồi và lân la hắn cù được cô ta ở lại đêm ấy. Cố nhiên là cô nàng chỉ mong có thế. Sáng mai hắn bấm bụng đưa cho cô ta một nghìn quan vì hắn không có tiền lẻ mà chả nhẽ lại bắt cô ta thối trả lại. Thế là hơn một “các-nê” giấy ăn bị đi đời. Trong câu chuyện giữa đêm khuya hắn biết rằng cô ta ban ngày đi bán giày và ban đêm đi gõ cửa kiếm thêm tiền như thế vì bán giày không đủ ăn.
Sau đấy mấy hôm hắn cảm thấy “ngọc thể bất an” chẳng hiểu vì sao, phần thì nghèo, phần xấu hổ, hắn lại sợ tiêm thuốc. Hơn hai mươi ngày mất ăn, mất ngủ vì lo mang bệnh. May quá đi khám bác sĩ bảo không có gì, thế là thoát nạn, từ nay xin chừa. Một cốc cà phê hai mươi quan cũng hà tiện không dám uống, thế mà bỗng dưng bỏ ra một nghìn quan để chuốc lấy gần một tháng trời lo sợ.
Hắn viết ngay vào tường hai chữ “hú vía” thật to, ai đến hỏi tại sao, hắn chỉ mỉm cười không dám nói sự thật.
Về sau, có dịp đi chơi với các bạn ngang qua xóm chị em. Trông cái mặt ngây thơ của hắn, chị em nháy mắt bảo “Dà-na-đuy-phơ sê-ri". Tưởng thằng bé khờ khạo chưa biết gì, ai ngờ thằng bé cũng đã từng phen vào sinh ra tử.
Tính hắn vốn hay nghịch ngợm nên nghe chị em bảo có lửa, hắn hỏi ngay lại có cho trả góp không? Chị em chưởi hắn mấy câu, hắn cười hềnh hệch kéo tay thằng bạn đi mất.
Có người thấy hắn sống lầm lì mãi mới hỏi thế nghỉ hè hắn làm gì. Hắn thật thà kể rằng hắn cố mua được một cái xe đạp trả hai nghìn quan, xe cũ mua lại của một cô gái Anh quốc nên mới rẻ như thế.
Mỗi kỳ nghỉ hè hắn hì hục đạp đi chỗ này chỗ khác. Ban ngày đi, ban đêm ngủ lại ở các quán trọ thanh niên. Cố nhiên ở quán trọ thanh niên thì phải làm giường, quét dọn trước khi trả nhà, mỗi người phải mang theo một cái bao vải để đêm chui vào trong ấy mà ngủ, trước khi đi ngủ phải rửa chân, đến mười giờ đêm đèn tắt là không được nói chuyện. Không tiền thì người ta bảo gì mà chẳng phải nghe. Một bận không gặp quán trọ, hắn liều ngủ ngay ở lề cầu làm xe cộ qua lại đều dừng vì tưởng hắn chết. Một bận nữa khát nước quá hắn phải chui xuống ruộng hái trộm cà chua để ăn cho đỡ khát. May mà hắn chẳng phải là người tu hành, nếu không thì mỗi đêm phải đọc kinh sám hối đến bao nhiêu lần.
Ở Pháp mấy năm rồi mà chỉ có mỗi một chuyện hắn làm không được là hôn đầm ở ngoài đường. Ban đầu hắn với thằng bạn đình dù của hắn vẫn hỏi nhau, sau cùng hắn tìm ra chân lý. Hắn bảo chỉ vì đầm không biết gì nói nên đành phải hôn nhau cho qua thì giờ. Đúng thế chăng?
Hắn để ý nhận thấy là mít ít khi bắt được đầm đẹp, mít phải chịu thua đen chỗ ấy, chắc vì đen nhiều tiền hơn chăng?
Còn một vấn đề nữa là cái phòng trọ, không may cho hắn gặp phải một mụ chủ phòng khó tính và bần tiện hơn ai cả. Cuối tháng chậm tiền phòng là chết. Thì cứ nghe hôm nào hắn vừa đi lên cầu thang vừa hát vang, đấy là tháng ấy hắn đã trả tiền đầy đủ, nếu không thì hắn đã im thin thít. Mỗi lần đi đâu về qua phòng mụ chủ là hắn phải nhón gót giày bước rón rén như bước chân của những anh chàng sợ vợ, buổi sáng dậy sớm đi làm mà sợ bà nó thức giấc. Hắn thì sợ mụ chủ nghe thấy chạy ra hỏi tiền, cố nhiên tai mụ ấy thính hơn cả tai mèo, thế mới chán.
Một hôm ngồi thế nào hắn làm gãy mất một cái chân ghế, cố nhiên là tuổi ghế cũng đã đáng về hưu trí, thế mà hắn bị mụ chủ bắt đền ba trăm quan. Trả tiền xong hắn lặng lẽ lên phòng phá dây đèn cho hỏng, chiều hôm ấy hắn mừng rỡ khi nghe tin mụ già ấy phải gọi thợ đèn đến chữa mất hơn nghìn quan tiền công. Các “lô-ca-te” (locataires) đều hoan nghênh hắn.
Thế đã anh hùng gì mấy, hắn còn một thành tích vẻ vang hơn nữa, là trong mấy đêm liền hắn bố trí cho một cô bạn Thụy Điển về phòng hắn ăn ngủ lại. Mụ chủ phòng trọ ấy vốn nghiêm ngặt hơn tất cả những phòng trọ hắn đã ở trước, nhất là đến cái vấn đề dẫn đầm về phòng. Quá mười giờ đêm, ai về muộn phải khai số phòng.
Muốn cô bạn vào được hắn giả vờ đi về khuya, bắt cô bạn mặc quần dài chứ đừng mặc váy, hắn chỉ việc đưa cái áo khoác của hắn cho cô bạn mặc vào, cố nhiên là không quên đội cái mũ lên đầu để che mái tóc vàng tơ. Trong lúc ấy hắn hiên ngang đi bên cạnh. Lúc qua phòng mụ chủ, tuy mụ đã vào giường mà cũng còn chịu khó bấm cái đèn nhỏ lên nhìn ra. Hắn hô to số phòng hắn và phòng thằng bạn, thế là mụ chủ yên chí, tưởng hai cậu đi chơi đêm về cùng với nhau.
Cứ thế mà hắn thoát được mấy đêm liền.
Nhưng sau đấy tâm hồn hắn cứ vấn vương mãi, cái dân mít vốn giàu tình cảm là thế; không biết giờ này cô bạn hắn đã quên hắn chưa, nhưng riêng hắn thì hình ảnh mái tóc vàng tơ với đôi mắt trời xuân ấy thỉnh thoảng lại hiện về trêu chọc hắn.
Lắm khi hắn ngơ ngác nhìn một cô gái Việt và thầm hỏi tại sao tóc cô ấy không vàng, mắt cô không xanh.
Hắn cũng không hiểu tại sao hắn lại thế, có thể bảo rằng vì đời hắn quá khô khan, có bao giờ hắn nhận được một tình yêu chân thành. Mẹ hắn thương hắn thì lại ở cách quá xa, vả lại tình mẫu tử là thứ tình để trong trí chứ có ai để vào tim. Vì thế lòng hắn vẫn cô độc, tình hắn vẫn nguyên vẹn chưa bị ai xắn miếng nào.
Đời hắn đã từng cua đầm và cũng đã bị đầm cua. Thật đấy, có cô đầm một hôm hắn đến thăm, cô ta đang ngồi bình yên bỗng dưng nhìn chăm vào mắt hắn rồi bắt hắn cầu nguyện giùm vì cô ta cảm thấy đang bị cám dỗ.
Hắn ngạc nhiên hỏi :
— Ai cám dỗ cô ?
— Anh chứ còn ai.
Hắn ngơ ngác một chút nhưng rồi cũng đủ thông mình mà hiểu và bắt tay vào chương trình hành động dưới sự chỉ huy của nàng.
Chỉ tiếc rằng cuộc tình duyên quá ngắn ngủi vì sau đấy cô nàng tìm được những chiến tướng anh dũng hơn.
Trở về với các cô gái Việt thì nào phải dễ, các cô bao giờ cũng nhắm ai có bằng cấp địa vị chứ đâu thèm đến hắn.
Nghĩ xa nghĩ gần, hắn chỉ còn tìm được an ủi bên mấy cái đĩa hát cổ điển ngoài những giờ học ở trường. Chỉ có những cái đĩa hát ấy mới là những người bạn trung thành nhất, không vòi vĩnh cằn nhằn, không phũ phàng và khi nào tìm đến cũng gặp ngay được.
Một nguồn an ủi thứ hai của hắn là lang thang lên đến đại lộ Elysée để nhìn mấy chiếc xe Hoa Kỳ dài lê thê; hắn đã cảm nặng một cái xe “Đờ-xô tô” sập trần. Lắm khi mắt nhìn chiếc xe mà trí hắn tưởng tượng đến một nhân vật đang đứng trên xe đưa tay vẫy chào dân chúng.
Hình ảnh ấy đang mờ mịt trong tương lai.
Sau khi đã được an ủi, hắn yên lòng trở về với tấm bảng xanh cũ kỹ và mấy quyển sách dày cộm. Hắn còn phải học rất nhiều vì sắp đến kỳ thi.
MĐHT