Hôm nay ngày 30/4, tôi chợt nhớ tới ngày 30/4/1975 của 45 năm về trước.
Đó là năm tôi phải ra trường thông dịch của mình sau bốn năm dài đằng đẵng, là năm phải trình luận án trước một hội đồng giám khảo chuyên môn về đề tài luận án ấy, viết bằng một trong hai ngôn ngữ mình đã học trong 4 năm vừa qua. Tôi đã chọn tiếng Anh.
Giữa năm cuối, sinh viên đã phải suy nghĩ đến đề tài luận án của mình, và tìm một trong những giáo sư dạy ngôn ngữ (thường là hai, ba vị khác nhau), xin được giáo sư ấy nhận đỡ đầu. Từ lúc ấy trở đi, thầy trò phải làm việc đắc lực với nhau. Nếu đề tài không quá đặc biệt thì đôi khi thầy còn có thể giúp cung cấp tài liệu cho trò nữa.
Tôi chọn giáo sư CL. Đây là một trong những giáo sư tiếng Anh của lớp tôi, nổi tiếng là khó tính, ít tương tác với sinh viên nên không đứa nào chọn, viễn cảnh làm việc với ông không mấy gì hứng thú. Nói đúng ra, năm cuối của cái lớp mấy trăm người bốn năm về trước nay đã rút lại không quá 10,15 người, và các cặp sinh ngữ của những người này có thể khác nhau, thí dụ như cặp đôi của tôi là Anh ngữ và Tây Ban Nha, nhưng sinh viên khác có thể là tiếng Ý và tiếng Anh, hay tiếng Đức và tiếng Nga chẳng hạn. Số giờ học hằng tuần giữa các ngôn ngữ ấy tùy thuộc vào số sinh viên ghi tên học. Dĩ nhiên tiếng Anh có nhiều người học nhất vì ai cũng biết là ở thời đại này, ra làm việc mà không biết tiếng Anh là… chết đói. Thật ra, ban đầu tôi muốn học tiếng Anh và tiếng Nga, vì đã bắt đầu học tiếng Nga sau khi đọc những tác giả người Nga như Léon Tolstoy, Dotoievski, Soljénitsyne, những tác phẩm như Docteur Jivago, Anna Karina… và những tác phẩm ấy đã lôi cuốn tôi vào một thế giới xa lạ, lãng mạn, thơ mộng...
Nhưng me tôi cực lực phản đối. Với bà, Nga là nước C.S, học tiếng Nga sau này để theo C.S. à ? Me tôi không chịu hiểu là với cặp sinh ngữ ấy, khi ra trường tôi sẽ dễ kiếm việc làm hơn là với tiếng Anh và Tây Ban Nha, vì hình như ai cũng biết nói hai thứ tiếng này cả, đâu cần thông dịch viên làm gì. Nhưng tôi không dám làm cho me tôi buồn lòng ...
Tôi chọn giáo sư CL vì không ai chọn ông ấy cả, như thế ông sẽ có nhiều thì giờ để lo cho tôi hơn. Lý do không ai chọn ông là vì năm trước ông đã xui xẻo đỡ đầu cho một sinh viên bị đánh rớt. Đó là một hiện tượng rất hiếm, vì thường khi đã lên tới trình độ ấy rồi thì gần như không ai rớt nữa. Thế là ông đã bị "kỳ thị", bị cho là "xui xẻo", "có tỳ vết" v.v… Đối với một giáo sư, đó là một điều vô cùng nhục nhã và đau lòng.
Riêng tôi, chỉ cần một vị thầy có thể sửa tiếng Anh cho mình, còn đề tài Ca Dao là công việc của tôi, thầy chẳng cần phải làm gì và tôi biết chắc thầy không thể giúp gì cho tôi được. Ngày tôi xin ông chấp nhận đỡ đầu cho tôi và giải thích cho ông nghe qua về đề tài đã chọn, tôi biết là ông ngại ngùng lắm. Nhất là tôi người ngoại quốc nên ông lại càng ngại hơn, lo sợ rằng tôi sẽ không thể đậu và "bi kịch" năm ngoái sẽ tái diễn. Nhưng không một sinh viên nào chọn ông nên đành miễn cưỡng, đau khổ nhận lời ... tôi!
Phần tôi, viết luận án trong khi miền nam Việt Nam đang quằn quại, tôi đã bỏ hết tâm tư trong những câu ca dao trữ tình, dí dỏm, khôn ngoan để quên đi một thực tại đang đe dọa. Mỗi tuần tôi nộp cho ông khoảng 10 trang giấy đánh máy, và tuần sau đó ông đem trả lại tôi với một nụ cười chế diễu :"Kiệt tác của cô đây".
Cứ như thế cho tới ngày 30/4, là ngày tôi phải đem cho ông phần giới thiệu và kết luận của bài viết vì ngày thi đã gần kề. Hôm ấy nghe tin miền Nam đã thất thủ trong radio buổi sáng trước khi đi học, tôi chỉ muốn trùm mền ngủ tiếp để khi thức dậy, hy vọng đó chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng thói quen và kỷ luật bắt tôi phải đứng dậy sửa soạn đến trường. Hôm ấy, tôi chọn mặc áo dài đi học, điều tôi chưa bao giờ làm. Bỗng dưng, tôi có cảm giác như mình cần phải tự chứng minh và chứng minh cho người khác biết rằng mình là người Việt Nam.
Tôi đến trường nhưng không vào lớp, chỉ thẫn thờ ngồi xuống một bậc cầu thang. Tôi biết rồi sẽ phải vào lớp gặp thầy, nhưng không muốn vào. Không nhớ tôi đã ngồi như thế bao lâu, nhưng một chốc sau ông bỏ dạy ra ngồi xuống bậc thang bên cạnh tôi. Hai thầy trò ngồi như thế khá lâu, rồi phá tan yên lặng, ông nói :
- Cô đã xuống tận đáy giếng rồi, bây giờ chỉ còn có một con đường duy nhất là trồi lên mặt nước thôi .
Tôi không trả lời, ngồi trơ trơ bất động, trong đầu chỉ có hai câu cứ lặp đi lặp lại như cái dĩa hát rè :
"Quê hương còn, không còn em cũng được,"Quê hương mất rồi, em có cũng bằng không !"Ông CL ngồi kiên nhẫn như thế khá lâu, thấy tôi vẫn chưa có phản ứng gì, ông tiếp :
- Nếu cô không làm cho cô, thì xin cô hãy vì tôi mà làm…
Câu nói của ông như một gáo nước lạnh làm cho tôi bừng tỉnh, kéo tôi trở về hiện tại. Tôi ngước mặt lên nhìn ông và chợt hiểu ra, nếu năm nay tôi bỏ thi hoặc không đậu, không có bằng cấp thì "bi kịch" năm ngoái sẽ tái diễn, ông sẽ thất bại một lần nữa và sẽ mất hết danh dự. Tôi biết mình không có quyền làm điều ấy nên gật đầu và chậm rãi theo ông vào lớp học cho đến hết giờ.
Sau đó, tôi vùi đầu vào việc học, tuy lúc ấy tôi chẳng còn hứng thú, không thấy cần thiết nữa. Giấc mơ về Việt Nam mở phòng dịch thuật tan nát, có bằng cấp để làm gì…
Tôi thi cuối năm thứ tư rồi là phải lo chuẩn bị việc bảo vệ luận án để tấm bằng của mình có giá trị. Vì đề tài của tôi quá đặc biệt nên nhà trường phải mời một vị chuyên gia về văn hóa và ngôn ngữ Á Đông vào hàng ngũ giám khảo. Vị này đã đọc qua luận án của tôi, có lẽ vì thế mà chỉ có ông ta là đã "quay" tôi như một cái chong chóng, với những câu hỏi…quái đản mà tôi không biết làm sao trả lời, thí dụ như :
- Tại sao trong ca dao có những câu rất là "táo bạo", mà trong luận án của cô lại không có đề cập đến ?
- Thưa, vì… tôi không biết dịch những chữ … táo bạo ấy… sang tiếng Anh !
Cả ban giám khảo bật cười và không bắt lỗi tôi .
Kết quả là tôi được đậu hạng nhì. Khi nghe kết quả, tôi thấy ông CL đứng đằng xa đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi mỉm cười trả lại, và thấy miệng ông phác ra hai chữ "thank you".
Chính tôi phải "thank you" ông mới đúng. Nếu không có ông, tôi đã không thi đậu, không ra trường, không có tấm bằng che thân.