Bát-nhã Tâm Kinh dạy: ”Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.” “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” có nghĩa là chiếu phá vô minh hay chiếu kiến căn bản vô minh. Chúng ta phải dùng cái gì để chiếu phá vô minh? Tâm Kinh dạy phải hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật đa thời, tức là phải thường luôn dùng trí huệ Bát-nhã trong mới có thể phá trừ được vô minh. Nói cách khác, nếu chỉ dựa vào công phu định lực, không thể phá trừ được vô minh. Chúng ta phải hiểu, tu định ở mức độ cạn chỉ có thể chế phục phiền não, chớ không thể dứt đoạn phiền não. Khi nào chúng ta đạt được định lực rất sâu mới có thể dứt đoạn phiền não. Thế mà dứt đoạn phiền não vẫn chưa thể đoạn vô minh, vô minh chỉ có thể chiếu phá bằng trí tuệ Bát-nhã.
Trí huệ Bát-nhã lại là từ định sanh ra, không có định sẽ chẳng có huệ; cho nên định và huệ phải cân bằng với nhau mới phá được vô minh. Nếu trong định không có huệ thì định ấy là tà định, nếu trong huệ không có định thì huệ ấy là tà huệ. Chúng ta đọc nhiều kinh, nghe nhiều pháp, nhớ nhiều lời Phật dạy, bèn tưởng là mình có trí huệ, thì đó là điều lầm lẫn rất to lớn! Nếu phiền não vô minh chưa đoạn thì kiến thức Phật học đều trở thành thế trí biện thông, đó là tà huệ chớ chẳng phải là chánh huệ. Nếu chúng ta chẳng biết căn bản nền tảng của việc học Phật là như vậy, lại còn sanh tâm chấp trước đối với Phật pháp, thì kiến thức từ Phật học sẽ là sở tri chướng. Chúng ta học Phật là để phá trừ hết thảy các thứ chướng, chớ chẳng phải để tăng trưởng thêm sở tri chướng, rồi lại lầm lẫn ngỡ là mình đã khai mở trí huệ, thì có phải việc học Phật đã hỏng bét rồi hay sao?
Hiện nay, chúng ta học Phật trong thời Mạt pháp, ắt phải gặp nhiều chuyện quái lạ hiếm có. Có người hỏi tôi là họ có đắc trí huệ chưa? Người khác hỏi là họ thành Phật chưa? Có người bảo họ niệm Phật được mhất tâm bất loạn. Có người kể lúc họ tụng kinh, niệm Phật gặp chư Phật, Bồ-tát hiện thân trò chuyện với họ v.v... Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Nếu mình đắc trí huệ, tức là hiểu rõ mình bạch rồi, thì cần chi hỏi người khác? Nếu mình đã thành Phật thì sao lại còn thắc mắc, chưa thông suốt, phải đi hỏi người khác là mình thành Phật chưa? Nếu mình được nhất tâm bất loạn thì sao lại đem ra khoe khoang với người khác? Nếu chư Phật, Bồ-tát hiện thân nói chuyện trong lúc mình đang công phu tu định, thì các Ngài đã não loạn mình rồi, chớ nào phải đâu là gia trì? Đây đều là những chuyện quái lạ hiếm có thường xảy ra trong thời Mạt pháp mà khí chất của người chưa khai ngộ chẳng thể nhận ra một cách rõ ràng, nên bị lọt vào lưới vọng tưởng. Người đã khai ngộ thì không có vô minh nên không có phiền não, chẳng gì chẳng biết nên không có thắc mắc, hiểu rõ tánh không của vạn pháp nên chẳng có gì để khoe. Những hiện tượng xảy ra này đủ cho chúng ta thấy người tu hành ngày nay thật sự là bất bình thường và quái lạ! Nếu là người có tâm trạng bình thường, dù chưa khai ngộ vẫn có thể hiểu ra được những điều bình thường. Còn nếu như tự cho là mình đã khai ngộ mà lại chẳng hiểu rõ những việc rất bình thường thì thật sự là chuyện quái lạ, bất bình thường. Hơn nữa, nếu mình chưa khai ngộ mà tự cho là mình đã khai ngộ chính là phạm tội vọng ngữ; trong Phật pháp gọi là “tăng thượng mạn.”
Người thật sự khai ngộ, ít nhất phải chứng được quả A-la-hán. Một vị A-la-hán chắc chắn phải có Lục Thông. Trong tâm người khác nghĩ gì, khởi vọng tưởng gì, họ đều biết rõ ràng. Người chưa chứng đắc, tất nhiên là không có Tha Tâm thông, không có Thiên Nhãn Trí thông, cũng không có Thiên Nhĩ thông, nên cái gì cũng không hiểu, không thấy, không nghe rõ ràng, mới nẩy sanh lầm lẫn, ngay cả bản thân của mình cũng chẳng biết rõ, mình chưa chứng đắc mà tưởng lầm là đã chứng đắc, mình chưa khai ngộ mà tưởng lầm là đã khai ngộ. Nguyên nhân từ đâu? Do chúng ta đọc kinh quá ít nên chẳng hiểu rõ cảnh giới, tưởng lầm cảnh giới của vọng là chân; giống như người đi đường, không có bản đồ trên tay, nên chưa đến nơi mà tưởng đã đến nơi. Kinh điển của Phật ví như cái bản đồ giúp mình nhận biết rõ con đường mình đang đi để khỏi bị lầm lạc.
Nhiều người cho rằng tu hành không cần biết cảnh giới. Vậy, thật ra chúng ta tu hành có cần biết cảnh giới không? Phật thuyết kinh là để giúp chúng sanh khai ngộ. Khai ngộ tức là biết rõ cảnh giới hiện tại mình đang sống và cảnh giới mình muốn đạt đến. Biết rõ cảnh giới giống như biết rõ con đường mình đang đi và chỗ muốn đến, biết rõ công phu tu hành của mình đạt đến trình độ nào, con đường trước mặt phải đi như thế nào, chướng ngại là ở đâu, con đường mình đi đến nơi còn bao xa v.v... Khi mình biết được thật rõ ràng những điều này thì quyết chẳng lầm đường lạc lối. Hiện nay, chúng ta học kinh, nghe pháp, bàn luận kinh điển đều nhằm để hiểu rõ lý luận, cảnh giới và phương pháp tu hành của pháp môn mình tu. Nếu chúng ta chẳng dốc lòng công phu nơi định lẫn huệ sẽ chẳng thấu rõ cảnh giới; rốt cuộc rồi cái gì mình đạt được cũng đều là giả mà tự mình chẳng hay chẳng biết, lại tưởng lầm là đã khai ngộ. Người hiểu rõ lý luận của pháp mình tu sẽ có khả năng phân biệt chân vọng, tà chánh, đúng sai, quyết định chẳng bị mê lầm phương hướng, chẳng bị kẻ khác lừa gạt, đùa bỡn với mình. Hiện thời, kẻ gạt người rất đông, nhưng rất nhiều người bằng lòng bị gạt. Nếu chúng ta đem ý thật trong kinh Phật ra nói với họ, họ không chịu nghe vì họ chẳng tin kinh Phật, tâm chẳng lo xa, vẫn còn ưa thích đắm mình trong vọng tưởng, chẳng thật sự muốn chiếu phá vô minh.
Do vì chúng ta chưa chiếu phá vô minh nên chẳng thể nào hiểu Phật tánh, mà Phật tánh lại là cái chẳng thể nói, chẳng thể bàn cũng thể suy nghĩ ra nổi, nên Phật phải dùng phương tiện quyền biến để khai thị, hiển bày Phật tri kiến. Phật thường dùng quyền nghĩa, tức là dùng thí dụ để nói pháp Đại thừa, hiển bày Phật tánh, nên kinh Phật cần phải được giảng giải mới được hiểu một cách chân thật. Thế nhưng, người đời chỉ thích nghe cái giả, nếu ai nói lời giả với họ, gạt gẫm họ, thì họ hết sức vui thích lắng nghe. Thậm chí có người tự cho mình là Phật sống tái lai, vậy mà cũng có rất nhiều người tin ngay, bèn đem hết tiền bạc của cải tích cóp trong nhà dâng cúng cho hắn. Kẻ lừa bịp ấy chẳng sợ nhân quả báo ứng! Họ chẳng biết gạt người thì phải mang nợ. Họ đã khiến cho Pháp thân huệ mạng của chúng sanh bị lầm lỡ, lại còn gạt gẫm tài vật của người khác, thì phải làm cách nào để trả cho hết món nợ này đây? Chỉ phải là suốt kiếp về sau mang lông đội sừng để trả hết món nợ này.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng về năm mươi loại ấm ma. Cảnh giới ma lúc nào cũng hiện tiền trong thế gian này ngay ở trong tâm mình. Nếu chúng ta không học Phật sẽ không thấu rõ tướng cảnh giới của tâm, chắc chắn sẽ nhận lầm cảnh giới ma là cảnh giới Phật. Chúng ta học Phật phải cẩn thận chú ý, phải biết phán đoán thật giả, chánh tà một cách phân minh. Phương pháp duy nhất để có chánh kiến phán đoán mọi việc một cách phân minh là đọc kinh, lấy lời kinh Phật dạy đối chiếu với những điều người ta nói, để nhận biết thật, giải, đúng, sai. Nếu trong mười câu họ nói có một câu khác với lời Phật nói, thì toàn bộ lời nói ấy có vấn đề! Vì sao? Bởi vì chỉ một câu nói sai thì toàn bộ ý nghĩa của chín câu kia liền bị hiểu lầm. Thủ đoạn của bọn gạt người thời nay rất xảo diệu, biến giả thành chân, nếu người sơ học không thấu rõ Phật pháp sẽ chẳng thể phân biệt chân và vọng, thoạt nghe chín câu kia là thật nên ngỡ toàn bộ là thật; nhưng thật ra trong ấy có xen lẫn một câu giả, làm ý nghĩa của chính câu kia hoàn toàn biến đổi sai khác với ý của Phật. Người học Phật có trí tuệ sẽ nhận ra ngay, còn người sơ học thì không thể nhận ra nên bị gạt. Đối với công phu tu học Phật pháp hiện nay, chúng ta hoàn toàn không có bản lãnh để phân biệt cảnh giới, nhất định sẽ bị gạt mà rơi vào bẫy của ma. Do vậy, kinh Thủ Lăng Nghiêm cảnh tỉnh chúng ta: Trong thế giới này, yêu ma quỷ quái rất nhiều, chỗ nào cũng có chúng hiện hữu, đáng sợ nhất là năm mươi ấm ma thường luôn có mặt ở trong tâm mình. Vì vậy, nếu chúng ta không nỗ lực đọc kinh, nghe pháp để hiểu rõ nguyên tắc tu hành sẽ dễ dàng bị chúng ma lừa gạt. Nguyên tắc tu hành có ba tầng lớp thứ tự từ thấp lên cao; đó là khuất phục phiền não, đoạn trừ phiền não và phá vô minh. Nguyên pháp tu hành là Tam Học Giới-Định-Huệ, thành tựu Văn-Tư-Tu, nhằm tăng trưởng định lực, tâm thanh tịnh và trí huệ. Có tu hành đúng theo nguyên tắc này mới có thể quyết định con đường tu hành của mình là chính xác, không bị sai lạc.
Chúng ta do mê mất Bổn giác nên tâm tâm niệm niệm nắm đều là níu ngũ dục, lục trần. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó đều là những thứ thô nhất trong các tướng thô, rất dễ nhận ra. Thế mà do vô minh, chúng ta cứ mãi chạy theo, nắm víu lấy những thứ ấy, nên sanh ra nghiệp tướng cho đến tạo nghiệp, phải lãnh chịu quả báo vô cùng khổ, dần dần xa cách sự giác ngộ nơi Chân như, trái nghịch Bổn giác. Cho nên, trong tất cả kinh luận, hết thảy chư Phật, Bồ-tát đều chỉ dạy chúng ta phải tu pháp Tam Vô Lậu Học Giới-Định-Huệ để chuyển thức thành trí. Nếu chúng ta thật sự muốn khôi phục Bổn giác tánh, tức là muốn thành tựu tâm thanh tịnh và trí tuệ Bát-nhã, thì trước hết phải theo đúng con đường Phật, Bồ-tát vạch ra, tức là phải Văn-Tư-Tu theo đúng với nền giáo học của Phật-đà, mới hòng có thể chuyển ngũ trược thành cõi thanh thái.
Trong nhà Phật thường nói: “Hồi đầu thị ngạn,” có nghĩa là quay đầu là bờ. Nhưng, phải bắt đầu từ đâu để quay trở lại? Trước hết phải bắt đầu từ ngũ dục lục trần mà quay lại, tức là phải buông xả ngũ dục lục trần; kế tiếp là phải từ tâm ô nhiễm quay trở về tâm thanh tịnh, tức là phải buông xả mọi vọng tưởng, phân biệt chấp trước, trở về với Chân như Bổn tánh. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật có kể một câu chuyện rất dài, tóm tắc là đứa con trai của vị trưởng giả giàu có do quên mất cái nhà nguy nga lộng lẫy của mình, bỏ trốn ra ngoài đi xin ăn, nên phải chịu khổ sở khôn xiết. Câu chuyện này hàm chứa ý nghĩa là khi chúng ta xa cách, trái nghịch Chân như Bổn giác, kết quả là giống như vậy đó. Sau khi vô minh khởi lên, liền mê mất đi Bổn giác tánh, giống như đứa con trai kia bỏ cha đi đến nơi khác, phải chịu cảnh nghèo cùng túng thiếu, khi nào hắn quay đầu trở về với cha liền hết nghèo cùng túng thiếu, được hưởng mọi sự vui sướng. Nói theo Pháp môn Tịnh độ, Phật dạy chúng ta hãy lìa khỏi thế giới Sa-bà, quy hướng Thế giới Cực Lạc. Giống như đứa con trai kia từ bỏ cuộc sống nghèo cùng túng thiếu để trở với cha mình là ông trưởng giả. Ông trưởng giả kia chính là A Di Đà Phật, cũng tức là Bổn giác tánh của chính mình. Thế giới Sa-bà quả thật có quá nhiều sự khổ, nếu chúng còn ở lại đây một ngày thì phải thọ khổ một ngày, chẳng thể giải quyết vấn đề gì cả, đừng nói chi là độ chúng sanh. Tây Phương Cực Lạc có đầy đủ mọi sự vui sướng của thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả cảnh tướng tốt đẹp nơi ấy đều là pháp trợ đạo của A Di Đà Phật nhằm giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề chướng ngại mà chúng ta chẳng thể giải quyết được ở trong cõi này. Như vậy, chúng ta cần chi phải đi tìm con đường nào khác, cứ theo một đường của A Di Đà Phật vạch ra, thẳng tắp đi về nhà. Khi về nhà rồi sẽ tức thời gặp lại từ phụ A Di Đà Phật, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, trở về với Chân như Bổn giác, thì đó mới thật sự là “hồi đầu thị ngạn.”
Đức Phật mở ra tám vạn bốn ngàn con đường để chúng sanh theo đó trở về nhà. Trong các con đường ấy, chỉ có con đường về Tây Phương Cực Lạc mới là con đường tắt về nhà, chẳng cần phải đi lòng vòng. Chúng ta tu pháp môn Niệm Phật thì cứ y theo lời kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Tư nhiên gìn giữ thân tâm khiết tịnh, tham ái không khởi, chí nguyện an định, không tăng khuyết giảm, cầu đạo hòa chánh, không nghiêng theo tà, y lời kinh dạy, chẳng dám sai quấy, như dây chỉ mực, thảy đều mộ đạo, rỗng rang vô niệm,” thì sẽ thẳng tiến trở về nhà, chẳng cần phải học theo người khác, đi trên con đường vòng vo, quanh co, mà lại chưa chắc có thể về đến nhà. Học Phật nhất định phải khế cơ, tức là phải thích hợp với căn tánh và trình độ của chính mình, lại còn phải biết uyển chuyển sáng suốt để thích hợp hoàn cảnh sống hiện thời, chẳng nên gây chướng ngại hay mâu thuẫn với cuộc sống hiện tại của mình và mọi người thân cận với mình. Tu hành như vậy chẳng những rất tự tại, vui vẻ và thuận tiện mà lại còn có nhiều thành tựu chân thật, hiển minh được lời Phật dạy ngay trong cuộc sống đời thường, chẳng cần phải chạy đông chạy tây để tìm lông rùa sừng thỏ.
Lúc Đức Phật còn tại thế, đệ tử Phật chẳng cần phải tự mình chọn lựa pháp môn tu, vì sao? Vì khi họ đến thưa hỏi Đức Phật, Ngài liền nói ra một pháp môn thích hợp dành riêng cho họ ngay; giống như khi mình đi khám bệnh, sau khi bác sĩ chuẩn bệnh xong, lập tức kê toa thuốc đúng với căn bệnh của mình. Đức Phật giảng nhiều pháp môn khác nhau vì chúng sanh mắc các chứng bệnh không hoàn toàn giống nhau; giống như bác sĩ tùy mỗi căn bệnh mà kê thuốc nên mới có nhiều toa thuốc. Hiện thời, Đức Phật chẳng còn trụ thế nữa, những kinh điển được lưu lại chính là các toa thuốc đã kê cho rất nhiều người trong thuở ấy. Thời nay, chúng ta mắc bệnh rất nặng mà lại chẳng gặp được lương y giỏi cho thuốc, phải tự mình dọ xét lấy căn bệnh của mình, rồi lại còn phải tự mình lần mò tìm ra một toa thuốc trong các toa thuốc củ thời xa xưa để trị bệnh; cho nên rất dễ uống lộn thuốc. Do vậy, chúng ta phải chịu khó đọc các toa thuốc, rồi còn phải suy xét kỷ lưỡng xem toa thuốc nào thật sự có thể trị được căn bệnh của mình. Nếu chúng ta nhận thấy toa thuốc nào chẳng thích hợp với căn bệnh của mình, thì phải nhanh chóng thay đổi toa thuốc khác cho phù hợp, tức là phải thay đổi phương pháp tu hành của mình sao cho chính mình đạt được lợi ích thật sự trong sự tu học; đó gọi là hoan hỷ tự tại trong tất cả pháp! Do không chấp ngã, không chấp pháp, không chấp tướng, không chấp danh tự, không chấp tâm duyên trong việc học Phật, nên có thể thấy rõ bất cứ pháp môn nào trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật đều chẳng hề trái nghịch lẫn nhau. Nếu chúng ta thấy có một pháp môn nào trái nghịch với nguyên tắc, nguyên lý này, thì chắc chắn đó chẳng phải là Phật pháp. Bởi vì nguyên lý của Phật pháp vốn chỉ có một, chỉ là nhất pháp, nhằm đạt được tâm thanh tịnh giải thoát, chỗ khác nhau của các pháp chẳng qua chỉ là phương tiện thực hành sao cho thích hợp với từng người mà thôi.
Trong hết thảy các pháp, nếu chúng ta khởi tâm phân biệt, chấp trước, có cái tâm lấy bỏ được mất, thì phải biết đó đều hoàn toàn do từ nhân ngã chấp phát sanh ra. Nếu chúng ta chẳng lìa được các thứ tâm ấy, thì nhân ngã chấp sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhân ngã chấp chính là chấp trước có ta, có người, có pháp này pháp nọ khác nhau. Nếu còn có những thứ này trong tâm sẽ chẳng thể phá được nhân ngã chấp. Nếu không phá được nhân ngã chấp thì không thể nào niệm Phật được Nhất tâm Bất loạn. Vì điều này rất khẩn yếu đối với người tu hành, nên các Ngài Liên Trì và Ngẫu Ích Đại sư đều bảo: “Phá nhân ngã chấp, đắc Sự Nhất tâm Bất loạn,” đây chính cách thức để chiếu phá vô minh trong pháp môn Tịnh độ. Nam-mô A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Giác. Trong cái tâm giác ngộ ấy không có nhân ngã chấp, tức là không có chấp trước hay nắm giữ lấy bốn tướng: nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả, nên cũng không có so đo ngôn ngữ, danh tự; chỉ có tâm mê hoặc mới có những thứ chấp trước này. Pháp môn Niệm Phật dùng một câu Phật hiệu để nhắc nhở chính mình. Khi mình mê bèn khởi sanh ra ý niệm phân biệt, so đo chấp trước, thì một câu A Di Đà Phật liền lay tỉnh chính mình; đó gọi là “hồi đầu thị ngạn,” tức là theo đường quay trở về nhà. Con đường ấy chính là câu niệm Phật trong thâm tâm của mình, cái nhà ấy chính là Chân như Bổn tánh của mình; chớ nào phải là cái gì có thể tìm được ở bên ngoài. Nếu mỗi ngày chúng ta niệm mấy ngàn, mấy vạn tiếng Phật hiệu với ý nghĩ là A Di Đà Phật nghe mình niệm nhiều như vậy sẽ rất hoan hỷ, rất ưa thích mình, trong tương lai khi mình lâm chung, Ngài nhất định sẽ đến đón mình, thì đây chính là người học Phật mà vẫn là còn so đo danh tự, còn chấp bốn tướng như cũ. Mỗi ngày niệm Phật mà cứ vẫn tăng trưởng cả đống vọng tưởng, phiền não, chẳng giảm bớt chút nào, thí như Cổ Đức nói: “Niệm bễ cuống họng cũng uổng công.” A Di Đà Phật không chấp tướng cũng chẳng so đo danh tự; hễ ai niệm danh hiệu Ngài với tâm tin ưa, thanh tịnh và bình đẳng, thì Ngài sẽ đến rước người ấy. Phật chẳng có cảm tình riêng tư với bất cứ một ai cả; ngay cả ông bà cha mẹ, vợ con quyết thuộc của Phật trong các đời trước cũng không ngoại lệ.
Kinh Di Đà dạy điều kiện vãng sanh là “Nhất tâm Bất loạn, tâm chẳng điên đảo,” chứ hoàn toàn chẳng dạy hằng ngày niệm nhiều câu Phật hiệu mà không cần phải nhất tâm bất loạn. Kinh dạy chúng ta hằng ngày niệm Phật, nhớ Phật không hề gián đoạn là bảo chúng ta hằng ngày đều phải giác ngộ, chẳng để vọng tưởng có cơ hội khởi lên, chẳng để cho nghiệp chướng có duyên hiện hành, để mình có thể trở về Nhất tâm Bất loạn. Kinh dạy chúng ta niệm câu Phật hiệu sao cho từng tiếng niệm đều là giác chứ chẳng mê, từ trong mê tình mình hét to câu Phật hiệu để kêu gọi chính mình hãy quay đầu giác ngộ, ý nghĩa niệm Phật là như vậy đó! Niệm Phật như thế mới chính thực là biết quay trở về nhà. Nếu mỗi ngày mình niệm Phật đều thấy rõ cảnh giới ngày càng tốt đẹp hơn, phiền não chấp trước nhạt mỏng hơn, công phu tu hành và trí tuệ mỗi ngày đều có tiến bộ, có thể buông xuống dễ dàng hơn, thì đấy mới chính là công phu niệm Phật đắc lực; ngã chấp, pháp chấp sẽ theo đó mà tự nhiên dần dần được phá trừ. Pháp chấp là tri kiến, là sở tri chướng. Chúng ta tu tịnh nghiệp thì chỉ nên học hỏi và nghiên cứu những gì chúng ta cần thiết để niệm Phật sao cho đúng như lý như pháp; chớ chẳng nên cầu kiến thức, cầu bằng cấp Phật Học. Người ưa thích nghiên cứu, học hỏi này nọ cho thật nhiều đều là bị rơi vào sở tri chướng rất nặng, đó chính là tăng trưởng vô minh, chớ chẳng phải là chiếu phá vô minh!