Chúng ta phải biết, trí tuệ của phàm phu và Nhị thừa không thể nào nhận biết nổi các thức do vô minh huân tập dấy khởi lên, vì sao? Vì tuy Tự tánh của tâm vốn sẵn thanh tịnh, nhưng tâm ấy ngay trong bản chất lại có ẩn chứa vô minh và bị vô minh làm cho ô nhiễm mà trở thành nhiễm tâm; ví như bản chất của nước là trong suốt nhưng do trong nước có chứa đất bùn nên trở thành nước đục. Chỉ có chư Bồ-tát trong hàng Thập-tín, tâm thường luôn an trụ trong chánh định, dùng trí tuệ Bát-nhã để quán sát pháp giới chúng sanh thì mới biết được một phần nhỏ thức do vô minh huân tập. Thậm chí, cho đến các bậc Địa-tận Bồ-tát cũng còn chưa biết hết các thức vi tế của vô minh một cách rốt ráo, chỉ có Phật mới nhận biết rõ ràng các thức vi tế của vô minh bằng một cái tâm hoàn toàn thanh tịnh và bình đẳng mà thôi. Do nhiễm tâm vi tế rất khó nhận biết như vậy, nên cũng rất khó dứt trừ. Chư Bồ-tát phải theo Phật tu học rất nhiều phương tiện mới dần dần xả bỏ được nhiễm tâm vi tế, cho đến khi các Ngài chứng đắc Tịnh Tâm Địa thì mới trừ bỏ được từng phần các thức vi tế của vô minh, và mãi cho đến khi các Ngài đắc Như Lai Địa thì mới rốt ráo trừ xong vô thủy vô minh.
Thật thà mà nói, phàm phu chúng ta ngay cả nhiễm tâm rất thô kệt còn không nhận biết nổi, huống gì là nhiễm tâm vi tế; cho nên, chúng ta chẳng có cách chi tu chứng được Tịnh Tâm Địa; vậy thì cần chi phải bàn bạc đến việc trừ bỏ nhiễm tâm vi thế hay đoạn trừ vô thủy vô minh? Nếu nói như vậy, đối với việc chứng đạo giải thoát, liễu sanh tử, phàm phu chúng ta thật sự không có hy vọng rồi sao? Trên thật tế, phàm tình chúng sanh không có đủ phương tiện và năng lực phá trừ nhiễm tâm, nhưng Đức Phật A Di Đà có! Vì vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật mới dạy chúng ta chỉ cần tín, nhận, phụng hành theo kinh Vô Lượng Thọ để được vãng sanh về cõi Cực Lạc; sau khi về tới đó rồi, chúng ta sẽ lần lượt xuyên qua bốn hóa thành do Phật A Di Đà biến hiện ra mà lần lượt quét sạch nhiễm tâm. Có thể nói, đây là phương pháp duy nhất cho một phàm phu đầy rẫy vọng nghiệp mà cũng có thể chứng đạo giải thoát, liễu sanh tử trong một đời này.
Trong phẩm Từ Thị Thuật Chỗ Thấy, Đức Thích Tôn hỏi đại chúng: “Các ông có nghe, A Di Ðà Phật, đại âm tuyên bố, tất cả thế giới, giáo hóa chúng sinh?” Rõ ràng là A Di Đà Phật không những chỉ giáo hóa các vị thánh chúng nơi cõi Cực Lạc mà Ngài còn thị hiện trong khắp tất cả thế giới phương khác để giáo hóa hết thảy các loài chúng sanh. Nói một cách hạn hẹp cho dễ hiểu, ngay ở trong thế gian này, Phật A Di Đà cũng biến hóa ra rất nhiều hóa thành, làm chỗ cho chúng ta nương tựa, tu tập. Nếu ai biết kết hợp giữa tự lực của mình và tha lực gia trì của Phật A Di Đà thì ngay trong đời này cũng có thể lần lượt quét sạch nhiễm tâm, mau chóng thành tựu đạo nghiệp. Cho nên, nếu chúng ta không nương vào kinh Vô Lượng Thọ tu hành thì khó thể quét sạch nhiễm tâm mà thoát ra khỏi tam giới. Vì lẽ đó, trong kinh này, Đức Phật mới bảo: “Nếu như có người thiện nam, thiện nữ, nghe kinh điển này, thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, ngày đêm không ngừng, cầu sinh Cực Lạc, phát tâm Bồ-đề, giữ gìn giới cấm, vững vàng không phạm. Lợi lạc hữu tình, căn lành đã làm, đều ban cho họ, khiến họ an lạc, nhớ niệm Ðức Phật Di Ðà phương Tây, cùng quốc độ Ngài. Người này mạng chung, sắc tướng như Phật, mỗi mỗi trang nghiêm, sinh về cõi báu, mau được nghe pháp, hằng Bất Thối Chuyển.” Thiết nghĩ, những điều được nói trong câu kinh văn này đã quá rõ ràng rồi, không cần giải thích chi nữa. Thế nhưng, có mấy ai trong khắp thế gian trong mười phướng thế giới có thiện duyên đọc được, hiểu được và phát lòng tin ưa, y giáo phụng hành? Thật sự là rất hiếm, rất ít. Vì lẽ đó, Đức Phật gọi những người thật sự tin tưởng và y theo giáo pháp này tu hành là “thiện nam, thiện nữ,” là “đệ tử bậc nhất của Phật,” là “chẳng phải người phàm.”
Câu “đều ban cho họ” trong câu kinh văn trên hàm chứa ý nghĩa rằng: Kinh Vô Lượng Thọ chính là nước Bát-nhã mà Phật Di Đà ban bố cho hết thảy chúng sanh dùng để tẩy rửa bụi trần trong tâm chúng sanh, cốt hầu làm lợi ích cho muôn loài. Bởi vì nước Bát-nhã này có công hiệu vô cùng như vậy, nên Phật bảo chúng ta phải nên dùng nó để rửa sạch hết các tạp niệm vọng tưởng nơi tâm mình thì gương trí tuệ tròn đủ mới hiện tiền. Khi vật đến thì gương biết tùy duyên, tùy cảnh mà chiếu soi, không gì chướng ngại được. Lúc vật đi thì gương im lìm, phẳng lặng, chẳng để lại một dấu vết gì cả. Bổn thể của Phật tánh cũng giống như tấm gương trí tuệ tròn đầy ấy, ở nơi thánh hiền không tăng, ở nơi phàm phu không giảm, tuy chiếu soi khắp thế giới trong mười phương nhưng lại chẳng hề giữ lại một thứ gì dù nhỏ nhiệm, vi tế nhất.
Tuy thánh, phàm mỗi mỗi đều có đầy đủ trí tuệ quang minh giống hệt như nhau, nhưng vì chúng sanh có một niệm bất giác vô minh mà sanh thành ba tướng vi tế; đó là Hiện tướng, Nghiệp tướng và Chuyển tướng. Rồi từ đó lưu lạc trong năm đường ác thú, luân hồi theo sáu nẻo. Lại nữa, do vì chúng sanh thường hay khởi tâm nghi hoặc nơi Chánh pháp của Như Lai, nên phải lãnh quả báo ở mãi trong lục đạo, chịu bao khổ ách, không trồi đầu ra được. Tâm tánh của chúng sanh điên đảo như nước trong biển vỡ bờ, tuôn ra, phân tán thành vô số chi nhánh, ngàn đầu vạn mối, càng phân tán càng loạn động, càng loạn động càng khó quy tụ trở về. Các thứ nghiệp lực tràn lan đó lại ngày càng khuếch đại thêm ra, đến nỗi không thể nào sửa chữa tình cảnh lại được. Những món nợ ô nhiễm đó chúng ta phải trả mãi từ kiếp này đến kiếp nọ không bao giờ trả xong, cũng chẳng ai biết tương lai của mình rốt cuộc rồi sẽ ra sao? Phật có đại trí tuệ rõ biết chúng sanh chẳng có khả năng tự mình vượt ra khỏi tam giới, nên vì lòng từ bi mà nói ra Tha Lực pháp môn, dạy chúng sanh nương vào nguyện lực gia trì của Phật A Di Đà, niệm Phật để quay trở về với Nhất Tâm. Phật đã chân thật mở bày, khuyên dạy tỏ tường, nhưng có mấy ai trong thế gian thật sự chịu tin tưởng, lắng nghe. Thế nên mới có ngũ thống, ngũ thiêu đốt cháy thân tâm trong năm cõi, sáu đường.
Chúng ta đang ở trong thế giới ô nhiễm, đất nước, hoàn cảnh và không khí đều bị nhiễm ô, lại thêm thiên tai động loạn, bệnh dịch dồn dập xảy ra khắp nơi. Những thứ ô nhiễm đó từ đâu tới? Nguồn căn là từ một niệm vô minh của chúng ta gây ra! Vô minh giống như ngọn lửa lớn, lửa càng thiêu càng đốt mạnh mẽ, khiến cho tánh tình của con người càng thêm ô nhiễm, mù mờ, đen tối. Khí chúng sanh trong cõi này ô nhiễm như thế thì tất nhiên khí trời đất cũng chẳng thể sai khác; do vậy, trong phẩm Như Nghèo Đặng Của Báu của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật tha thiết khuyên bảo: “Ta cõi này thành Phật, lấy thiện trừ ác, nhổ gốc khổ sinh tử, khiến đặng năm đức, đặng an vô vi. Ta vào Niết-bàn, kinh đạo lần diệt, nhân dân tà ngụy, lại làm điều ác, năm thiêu năm khổ, lâu sau càng nguy. Các ông thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm.” Câu “y kinh pháp Phật” có nghĩa là tu pháp môn Niệm Phật. Vì sao Phật khuyên chúng ta tu pháp môn Niệm Phật? Trong phẩm Nguyện Lực Hoằng Thâm, Đức Phật giải thích: “Giống như biển lớn là vua của nước, muôn sông đổ về, đều vào biển cả, mà nước biển lớn nào có tăng giảm!” Đức Phật ví pháp môn Niệm Phật như là biến cả, còn các pháp môn khác như là muôn sông, tu pháp môn Niệm Phật cũng giống như là việc đem tất cả các pháp môn quy tụ trở về một môn.
Di Lặc Bồ-tát là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ đã thật chứng Như Lai Địa, thấu rõ nhiễm tâm của hết thảy chúng sanh đến mức rốt ráo, nên vừa nghe Đức Phật khuyên lơn nhắc nhở chúng sanh như vậy, liền chắp tay bạch mà than thở rằng: “Người đời khổ ác, như thế như thế, Phật đều thương xót, Phật đều độ thoát, chúng con xin vâng, theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Di Lặc biết rõ, người thế gian chẳng có mấy ai chịu lắng nghe theo lời Phật dạy, nên phải lãnh chịu nhiều thống khổ. Vì sao người thế gian chẳng chịu vâng lời Phật dạy? Vì người thế gian, ai nấy cũng đều tham lam, sân, giận, ngu si, chẳng có người nào chịu bị thiệt thòi cho người nào hết, ai ai cũng đều tự tư, tự lợi, tự cầu sướng thân cho riêng mình, mặc sức tranh nhau, tạo ác, thì thế giới này làm sao tránh khỏi cảnh bị năm thiêu, năm khổ hủy diệt! Bằng chứng cụ thể là ngày nay thiên tai động loạn xảy ra khắp mọi nơi. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có nhận thức rõ ràng rằng: Thời đại hỗn trược, dơ bẩn này là do chính mình gây ra, chớ chẳng phải là do người khác gây ra; có biết rõ như thế thì mới chịu quay đầu tỉnh giác, phát tâm giác ngộ đạo Bồ-đề, một dạ chuyên niệm, cầu sanh Cực Lạc.
Do nhờ nước Bát-nhã của Phật thấm nhuận tâm mình nên mới tỉnh ngộ mà biết rằng: Những gì người thế gian cho là thành công thì bậc thánh hiền cho là thất bại; còn những gì người thế gian cho là thất bại thì bậc thánh hiền lại cho là thành công. Người tu hành đạo Bồ-phải thấm nhuần nước Bát-nhã của Phật mới có đủ sáng suốt mà đi ngược dòng đời, xuất ly tam giới, vĩnh viễn giải thoát ra khỏi sinh tử. Phật có nghĩa là giác, tức là đại trí huệ; người biết niệm Phật là niệm giác mà không mê, tức biết dùng đại trí huệ của mình trong cuộc sống tu hành và tất cả các sự đối vật, tiếp người, chứ chẳng dùng vô minh tham muốn làm cho tâm mình càng thêm ô nhiễm. Khi nào chúng ta hiểu rõ chân lý của pháp môn Niệm Phật chính là dùng sức Quán chiếu Bát-nhã để niệm Thật tướng Bát-nhã, thì mới có thể tu hành một cách đúng đắn, chân thật và chắc chắn được, đừng nên theo vọng tưởng vô minh để tu hành gian dối mà phải luống uổng công phu!
Bát-nhã Tâm Kinh nói, ruồng khắp năm uẩn từ uẩn sắc cho đến các uẩn tâm và cảnh giới sáu trần, tất cả đều rốt ráo chỉ là vô niệm. Hành nhân không học Phật, không thấm nhuần nước Bát-nhã của Phật, sẽ không bao giờ thấu rõ chân lý này nên thường hay nương vào nhiễm tâm để nhận biết các pháp, rồi từ đó phát sanh năng kiến, năng hiện và hư dối. Thậm chí, có người lại dùng các nhiễm tâm ấy để niệm Phật nhằm nắm bắt lấy cảnh giới, làm trái nghịch với tánh thanh tịnh bình đẳng của Chân như; cho nên, dù họ niệm Phật rất nhiều, nhưng càng niệm càng thêm động loạn, tạo nghiệp luân hồi trong sáu đường. Thế mới biết, nhiễm tâm chính thực là phiền não ngại, mà phiền não ngại lại chính là trí ngại làm che lấp Căn Bản trí, nên gọi là vô minh phiền não hay gọi tắt là vô minh. Chúng ta do bị vô minh mê hoặc mà nhận lầm niệm là tâm. Nếu chúng ta chịu khó ra sức học Phật, dùng chánh kiến Bát-nhã để quán sát thì thấy rõ, tâm không phải là niệm, hễ tâm có ý niệm thì đó là mê chớ chẳng phải giác. Nói cách khác cho dễ hiểu, tâm vốn không hề động, tâm vốn thật sự là vô niệm, chỉ có niệm mới động. Thế nhưng, do vì chúng sanh không hình dung ra nổi sự khác biệt giữa tâm và niệm, nhận lầm niệm là tâm, nên Phật A Di Đà phải tùy thuận vào ý niệm sai lầm ấy của chúng sanh mà dạy ra pháp môn Niệm Phật để giúp chúng sanh từ niệm mà trở về tâm; đấy gọi là ngay từ Sanh Diệt môn mà đi vào Chân Như môn. Nếu chẳng có pháp Sanh Diệt môn này thì chúng sanh phải biết đâu mà mò đến Chân Như môn.
Việc tu hành trong đạo Phật cũng giống như dựng cây để thấy hình, mỗi ngày chúng ta chăm bón trồng cây, mỗi ngày cây cao lớn dần lên, mặc dù chúng ta không để ý đến sự tăng trưởng của nó, nhưng chờ đến mười năm, hai mươi năm sau, bổng dưng thấy cây đó vô cùng to lớn, đươm hoa kết trái, trở nên hữu dụng. Do đó, việc tu hành đòi hỏi sự nhất tâm, bền chí, không thối lui, giống như người nhẫn nại trồng cây cho đến khi cây kết quả, chẳng thể gấp gáp được. Mỗi ngày chúng ta đều trau giồi sự hiểu biết Phật pháp bằng cách đọc kinh, quán kinh, nghe pháp và chuyên tâm tu luyện theo đúng pháp mình tu, không xen tạp, giữ giới hạnh thanh tịnh, giảm bớt dục vọng tham-sân-si thì mỗi ngày đều có tiến bộ. Tuy hiện tại chúng ta không để ý thấy rõ sự tiến bộ ấy, nhưng đến một ngày nào đó, chúng ta thoát nhiên khai ngộ, thành tựu đạo nghiệp. Người Á Đông có câu “dục tốc bất đạt,” ý là làm việc hấp tấp thiếu suy nghĩ sẽ thất bại, luống uổng công phu. Việc tu hành cũng vậy, cần phải có tâm kiên cố, bền bỉ và thường hằng, ngày ngày đều tu sám hối để sửa đổi lỗi lầm, ngày ngày đều tu định-huệ để thấy Phật tánh. Một ngày không tu hành, không vững mạnh cầu chánh giác là một ngày chẳng tạo được chút ít công đức chân thật nào cả. Nếu ngày nào không học Phật, trì kinh, giữ giới, sám hối tỗi lỗi, niệm Phật để khắc phục vọng tưởng tham-sân-si, phân biệt chấp trước thì trí huệ quang minh sẽ bị vô minh che phủ, làm cho mình cứ muốn thối lui; giống như trồng cây mà không thường xuyên chăm sóc cây thì cây sẽ bị chết dần đi. Chúng ta phải biết, việc tu hành không phải chỉ có một ngày một đêm, mà cần phải đem hết tấm lòng thành kính, tin ưa của mình để tu trong hết thảy các thời, các chỗ và phải bền bỉ trải qua một thời gian rất lâu dài mới trưởng dưỡng được công đức vô lậu và trí huệ Bát-nhã. Khi có đủ phước đức và trí tuệ rồi thì hoàn cảnh thuận hay nghịch gì đều không còn là vấn đề nữa, hoàn cảnh thuận hay nghịch đều bình đẳng như nhau, đều là chỗ để cho mình khai ngộ.
Người tu hành có trí huệ Bát-nhã phải tự mình biết cách chuyển phiền não thành Bồ-đề giống như loài trai nhuyễn thể. Khi có một hạt cát lọt vào thân con trai khiến nó đau đớn vô cùng, nó liền tự biết phản xạ lại để tự chữa lành vết thương bằng cách tiết ra chất dị vật (cacbonat canxi và conchiolin) bao bọc lấy hạt cát, tạo thành một hòn ngọc trai rất quý đẹp. Chúng ta tu hành cũng vậy, càng phiền não đau khổ bao nhiêu thì phải càng vững mạnh cầu chánh giác bấy nhiêu. Vì chánh giác ví như hòn ngọc quý có khả năng chuyển phiền não thành Bồ-đề, nên kinh này nói: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác.” “Vững mạnh cầu chánh giác” có nghĩa là dù mình tu hành trong thuận cảnh với mọi sự an lạc vui sướng hay trong nghịch cảnh với đầy dẫy các sự gian nan, khổ sở và chướng ngại, nhưng tâm Bồ-đề vẫn luôn vững chắc bất động, chẳng hề thay đổi hay thối lui. Người tu hành cần phải kiên nhẫn, bền lòng, vững chí thì mới có thể trừ bỏ được tàn dư tập khí, thối hư tật xấu, tư tưởng lầm lạc, khiến cho trí huệ quang minh xuất hiện.
Trong thời gian mình đang tu hành chưa có đủ thiện căn phước đức, nếu gặp những cảnh giới thuận hay hay nghịch, Phật hay ma, chúng ta đều phải niệm Phật với sức Quán chiếu Bát-nhã để giữ cho tâm mình thư thái, bình thản. Thế nào gọi là niệm Phật với sức Quán chiếu Bát-nhã? Niệm Phật với sức Quán chiếu Bát-nhã là niệm Phật với trí tuệ hiểu biết mọi thuận cảnh hay nghịch cảnh, Phật hay ma cũng đều bình đẳng như nhau, đều là diệu pháp giúp cho mình giác ngộ. Nếu chúng ta có trí tuệ Bát-nhã, lìa hết thảy các tướng chấp như vậy, thì sẽ hiểu được mọi vật, mọi thứ biến hiện ra trong thế gian đều diệu pháp do Đức Như Lai biến hóa ra để giáo hóa chúng sanh. Do đó, người tu hành có sức Quán chiếu Bát-nhã phải biết mượn pháp thế gian để vượt ra khỏi thế gian, hướng tới Nhất thừa, không bị vạn pháp làm mê lầm, không bị mọi hình tướng làm mê hoặc, bình tĩnh, sáng suốt, uyển chuyển, tự tại tùy duyên với tất cả cảnh giới thuận hay nghịch, Phật hay ma. Tu hành lâu ngày như vậy thì Thật tướng Bát-nhã sẽ hiện tiền. Lúc ấy, mình sẽ thấy được bản lai diện mục của chính mình.
Tóm lại, khi chúng ta học Phật thì phải học với tinh thần không chấp tướng, từ nơi Sanh Diệt môn đi vào Chân Như môn, tức là ở ngay trên các tướng cảnh giới của Tây Phương Cực Lạc như là cung điện, lầu quán, lan can, ao suối, cây cối, hoa quả, bảy báu, ánh sáng, hương thơm v.v... mà quét sạch tâm ô nhiễm, chấp tướng cảnh giới của mình để quán thấy bản lai diện mục của chính mình hiện ra ngay trên cảnh tướng ấy mà trở về Nhất Tâm. Niệm Phật như thế thì có khác gì đem nước của muôn sông quy tụ trở về biển cả, đem tất cả các pháp môn của Phật quy về một pháp Nhất Tâm như kinh này bảo: “Trong nước Phật đó, thường như nhất pháp, không có tăng nhiều. Tại vì sao thế? Giống như biển lớn, là vua của nước, muôn sông đổ về, đều vào biển cả, mà nước biển lớn, nào có tăng giảm.”