Tuy Đức Phật A Di Đà Phật phát ra 48 Đại Nguyện Nhất Thừa, nhưng rốt cuộc, chỉ quy về một nguyện; đó là muốn khiến cho hết thảy chúng sanh ngay trong một đời này chứng quả Bất Thoái Chuyển cứu cánh thành Phật, nên Nguyện cuối cùng của Ngài là “Hiện Chứng Quả Bất Thoái Chuyển.”Do vậy, đối với pháp môn Tịnh độ, hành nhân chỉ cần nương vào Di Đà Đại Nguyện mà những công đức và thiện căn tu tập tăng tiến rất nhanh, chẳng hề lui sụt hay mất đi.
Nếu mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, thiện căn trí tuệ của mình không có tăng trưởng hay ngừng tại một chỗ, thì đấy chính là bị thoái chuyển. Vì sao bị thoái chuyển? Nguyên nhân chánh yếu là do không y theo kinh giáo của Phật tu hành cho đúng đắn. Bởi do kinh Vô Lượng Thọ là trí huệ quang của A Di Đà Phật, nên người thường thọ trì kinh điển này là thường được trí huệ quang của Phật A Di Đà chiếu chạm. Do tâm tâm thường luôn lưu nhập trong trí tuệ tạng của Di Đà Như Lai, nên nhất định trí tuệ phải thường luôn tăng trưởng, chẳng hề bị lui sụt hoặc mất đi, thì đấy gọi là được Phật lực gia trì, nên mau chóng chứng Quả Bất Thoái Chuyển. Bất Thoái Chuyển gọi tắc là Bất Thoái, hay gọi theo tiếng Phạn là A-Bệ-Bạt-Trí.
Kinh Niết-bàn Bản Nam nói: “Có vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu Bồ-đề, nhưng khi họ thấy chút duyên trái nghịch thì liền thoái chuyển A-nậu Bồ-đề, như ánh trăng trong nước, nước vừa xao động, ánh trăng liền động.” Kinh còn chép: “Cá con, hoa am-la, Bồ-tát sơ phát tâm, ba thứ ấy nhân thì nhiều, nhưng kết quả lại ít.” Nói tóm lại, kinh Niết-bàn ví von sự thành tựu quả Bồ-đề của chư vị Bồ-tát cũng giống như cá mẹ sanh nhiều cá con, nhưng chỉ có được chút ít cá con được khôn lớn; hay giống như cây am-la sanh ra rất nhiều hoa, nhưng chỉ kết được chút ít trái mà thôi. Trong kinh Thập-trụ Bồ-tát Ðoạn Kết, Ngài Xá Lợi Phất bảo với các Bồ-tát chúng đến dự hội rằng: “Bọn chúng tôi khi xưa, từ nhất trụ đạt tới ngũ trụ, rồi lại thoái chuyển xuống sơ trụ, rồi lại từ sơ trụ đạt đến ngũ trụ, lục trụ; trải qua sáu mươi kiếp như thế, trọn chẳng đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển.” Nguyên nhân của vấn nạn này là gì? Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật giải thích: “Các vị Bồ-tát do chẳng gặp được kinh này nên tâm bị thoái chuyển quả vị Vô thượng Bồ-đề.” Đấy là Đức Phật nói đến cảnh giới thoái chuyển của các bậc Bồ-tát thuộc Tín vị trong Biệt giáo mà kinh Nhân Vương gọi họ là Khinh-mao Bồ-tát; có nghĩa là đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề, tâm của các bậc Tín vị Bồ-tát vẫn còn thay đổi, chưa vững chắc, giống như sợi lông mao bị gió thổi bay loạn xạ khắp nơi. Thế mới biết, tuy chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhiều đến vô lượng, nhưng người thành tựu thì quá ít ỏi chẳng đáng để nói đến; nguyên nhân là do họ không gặp được kinh điển này, hoặc tuy gặp được kinh này nhưng chẳng chịu nhiếp giữ thọ trì, nên chẳng được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí.
Chúng ta thấy đó, hạnh nguyện Bồ-tát rất khó phát mà lại rất dễ bị thoái thất. Cho nên, dẫu có đến vô lượng Bồ-tát tu hành cực kỳ dũng mãnh như cứu lửa đầu cháy, nhưng bởi do chướng duyên bời bợi dồn dập tới, nên lần lần đều bị thoái chuyển, đến nỗi người học đạo nhiều như lông bò, kẻ đắc đạo hiếm tựa vảy lân. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật mới nói: “Có nhiều Bồ-tát do không gặp kinh này nên tâm bị thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề; còn Bồ-tát nghe được danh hiệu Phật A Di Đà mà phát lòng tin ưa, y theo giáo lý được dạy trong kinh tu hành thì quyết định sẽ chứng quả Bất Thối Chuyển.”
Kinh Bảo Vũ dạy: “Có thế giới tên là Sa-bà, cõi ấy có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Các hữu tình nếu nghe danh Ngài thì chẳng thoái chuyển A-nậu Bồ-đề, đó là do sức bổn nguyện của Đức Như Lai ấy vậy.” Ngài Trừng Hiến người Nhật đã từng ca ngợi lời rằng: “Trong năm trăm đại nguyện của đấng Thích Tôn, nguyện này thù thắng nhất.” Rõ ràng, cả hai bậc đại đạo sư Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật của hai cõi cùng phát ra nguyện tối thắng “Hiện Chứng Quả Bất Thối Chuyển” đã nêu rõ cho chúng ta thấy phương tiện tuy có nhiều cửa để vào, nhưng hết thảy các cửa đều cùng chỉ về cùng một con đường dẫn dắt đến Niết-bàn.
Khi còn tu nhân, Phật Di Ðà thương xót chư Bồ-tát tu hành khổ nhọc, nên Ngài phát vô thượng nguyện nhằm để gia bị cho họ. Thế nhưng, nguyện vọng duy nhất của Phật A Di Đà chỉ có một; đó là muốn khiến cho hết thảy trên từ chư Đại Bồ-tát xuống dưới đến chúng sanh trong địa ngục đều chứng quả Bất Thoái Chuyển, một đời thành Phật. Do nhờ vào oai đức và nguyện lực gia trì của Phật, nên các Bồ-tát từ Sơ-địa đến Thất-địa ở thế giới phương khác được nghe danh hiệu Ngài, liền đắc ba thứ Nhẫn “Âm Hưởng Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn,” lập tức trụ ở địa vị Bất Thoái nên việc tu hành của họ chỉ có tiến lên, chớ chẳng bao giờ thục lùi; nhờ đó mà họ mau chứng được Vô thượng Bồ-đề. Cho nên từ nơi kinh điển này, nếu chúng ta tin hiểu sâu xa diệu dụng của phương tiện rốt ráo đều là phát xuất từ Nhất thừa Nguyện Hải của Phật Di Ðà thì ắt hẳn trong lòng phải khởi sanh lên nỗi mừng rỡ lớn lao, cung kính tiếp nhận, y theo kinh này tu hành.
Nếu ai muốn mau chóng đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển thì phải dùng tâm cung kính chấp trì danh hiệu Phật theo lời chỉ dạy của kinh A Di Đà: “Nếu có người đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi Phật A Di Ðà thì những kẻ ấy đều được Bất Thoái Chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.” Như vậy, Tam Nhẫn và Bất Thoái Chuyển đều là nằm trong một danh hiệu A Di Đà Phật. Do danh và nghĩa chẳng rời nhau, nên một khi xưng danh hiệu Phật với trí tuệ hiểu biết, liền tự đạt được những công đức lớn lao như thế. Rõ ràng, nếu người được nghe danh hiệu Phật, chỉ cần Tín-Nguyện-Trì danh thì ắt có thể ngay trong hiện đời này chứng được quả Bất Thoái Chuyển. Diệu đức của Di Ðà Nhất thừa Nguyện Hải, thật khó nghĩ suy nổi, sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là phương tiện rốt ráo nhất để nhiếp độ chúng sanh. Bốn Mươi Tám Bi Nguyện, nguyện nào cũng hiển thị lẽ chân thật. Phân ra thì có đến Bốn Mươi Tám Nguyện, hợp lại thì chỉ là một pháp cú, một pháp cú đó là thanh tịnh cú mà cũng chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Do đó, chúng ta chỉ cần phát khởi một câu Phật hiệu ngay từ trong Chân tâm Tự tánh rỗng lặng thường nhiên của mình để niệm Quả Giác của Đức A Di Đà Như Lai, tức là sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” thì năng niệm và sở niệm đều cùng biến mất, cái còn lại chỉ là một pháp cú, một pháp cú đó là thanh tịnh cú, một thanh tịnh cú đó chính Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân của chính mình hoàn toàn đồng nhất với Pháp thân của A Di Đà Phật. Vì thế cho nên, chư cổ đức mới nói người niệm Phật như thế chính là “Di Đà niệm Di Đà.”