Bài hát “Độ ta không độ nàng” thuộc dạng cổ phong hiện đang rất hot và nổi tiếng tại Trung Quốc và Việt Nam. Tác giả bài hát tên là Cô Độc Thi Nhân từng có thời gian ở chùa và tu tập theo hình thức Cư Sĩ tại Thiếu Lâm Tự. Anh viết rất nhiều bài hát theo lối Cổ Phong trong đó có bài “Độ ta không độ nàng” nằm trong album phát hành vào tháng 1 năm 2019. Chính tác giả đã khẳng định rằng bài hát không liên quan gì tới câu chuyện nàng Quận Chúa và một vị tiểu Hoà Thượng yêu nhau nhưng duyên không thành nên quận chúa quyên sinh để lại căm hờn và xót thương cho tiểu hoà thượng. Anh tâm sự vì cảm hứng mà sáng tác ra bài hát này, sau đó câu chuyện Nàng quận chúa được dàn dựng theo. Có rất nhiều lời bài dịch ra tiếng Việt, nhưng hiện nay bản dịch của Tuyên Chính được mọi người biết đến và nhiều ca sĩ cover nhất. Tuyên Chính là người Việt, hiện đang làm việc và sinh sống tại Bắc Kinh, anh cũng là người chịu khó dịch nhiều bài hát tiếng Hoa ra tiếng Việt nhất nhưng bài “Độ ta không độ nàng” mới được đông đảo mọi người biết đến.
- Tầm quan trọng của âm nhạc Như chúng ta đã biết âm nhạc không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, nó không chỉ đơn thuần mang hình thức giải trí mà còn chứa đựng, phản ánh một nền văn hoá và lối sống của đất nước đó. Nó đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ Tôn giáo cũng như văn hoá dân gian. Vì âm nhạc có một vai trò hết sức to lớn như thế nên cổ nhân đã từng dùng nó để cai trị con người. Như câu nói nổi tiếng của Khổng Tử: “Thánh Nhân chi trị thiên hạ dã, ngại chư dĩ lễ nhạc”.
Nghĩa là: bậc thánh nhân cai trị thiên hạ, kiềm chế họ bằng lễ nhạc. Lễ là cách quân vương có thể dùng để trị quốc, lúc ấy chẳng cần pháp luật hà khắc thiên hạ cũng tự nhiên thái bình, trong khi đó Nhạc là cái củng cố, giúp Lễ trở nên trọn vẹn đầy đủ. Người xưa cho rằng, khi con người chạy theo vật chất và dục vọng họ sẽ đánh mất bản tính, khi đó tâm tham lam, độc ác dục vọng... sẽ hình thành, chỉ có lễ nhạc mới trau chuốt và đưa con người vào khuôn khổ để hướng tới cái đẹp, cái toàn mỹ.
Nhìn lại xã hội chúng ta ngày nay đạo đức suy thoái, các tệ nạn xã hội quá ư phức tạp, văn hoá ứng xử không còn...đó cũng là một phần sụp đổ của lễ nhạc. Khi xã hội buông lung theo thị hiếu thì nhan nhản vấn đề phức tạp sẽ xảy ra, trong đó, nguy hiểm nhất là mất đi tính “nhân bản”. Những tấm gương Đạo đức, những việc tốt, việc tử tế thì không ai quan tâm và đón nhận, ấy vậy mà những thứ vô bổ, những thứ quá sức là vớ vẩn thì giới trẻ lại cổ xúy và tin theo. Điển hình trên Youtobe, thời gian qua xuất hiện anh chàng Khá Bảnh, với những clip chỉ xoay quanh những vấn đề nhảm nhí và bạo lực, vậy mà có cả 1,5tr lượt người theo dõi. Đáng buồn thay cho tâm hồn của giới trẻ ngày nay vậy! Xã hội không còn những khuôn thước để định hướng con người tới nẻo thiện thì những ca khúc âm nhạc mang tính u sầu, tiêu cực, oán trách...như “Độ ta không độ nàng” xuất hiện và được đông đảo người đón nhận không có gì là lạ cả.
- Phần nội dung bài hát Thông điệp bài hát “Độ ta không độ nàng” gửi tới người nghe sự ai oán, thù hận, ái tình dục vọng... trái hoàn toàn với tư tưởng Nhà Phật. Phật dạy muốn thoát ly sinh tử việc đầu tiên là xả ly ái dục, nếu không xả ly ái dục thì tu tập vô ích như mong nấu cát thành cơm. Bản thân tiểu hoà thượng không hiểu điều đó nên oán trách Phật tại sao không độ. Thực tế chẳng có ông Thầy Tỳ kheo nào như thế cả, bởi vì đã là tu sĩ thì đều hiểu “Phật lực vô cùng, Phật trí vô biên nhưng chẳng thể độ những kẻ vô duyên”. Thông điệp của Đức Phật, Ngài là người đã giác ngộ và chỉ dẫn con đường đó, lộ trình đó cho những ai muốn thoát khỏi khổ đau đạt tới an lạc giải thoát, còn chúng sinh đi hay không là tuỳ ở họ.
Nội dung bi kịch mà tiết tấu thì remix nên khá dễ được công chúng đón nhận. Lời bài hát đã đánh trúng tâm lý trần gian đầy luyến ái của con người thường tình. Nó xuất phát từ Trung Quốc, một đất nước theo Phật giáo nhưng lại kéo hàng ngũ xuất gia xuống ngang hàng với tâm phàm nhân của họ. Ngoài Cô Độc Thi Nhân còn có những tác giả như Bạch Lạc Mai... viết những tác phẩm nổi tiếng như “năm tháng tĩnh lặng kiếp này bình an” “gặp lại chốn hồng trần sâu nhất... mang hơi hướng tiêu cực đến mức tinh vi. Văn phong khiến người đọc cảm nhận rất hay, diễn giải Phật Pháp rất khéo léo nhưng lại hướng con người tới sự yếm thế trần tục. Thiết nghĩ đó chính là cách lợi dụng văn chương, lợi dụng nhạc lễ để cai trị con người vậy. Tất cả âu cũng là do học thuyết vô thần ảnh hưởng tới tư duy của người Trung Quốc và cả Việt Nam quá sâu đậm. Học thuyết ấy phá huỷ di sản hàng ngàn năm lịch sử để chạy theo cái viễn vông, để rồi ngày nay cả một xã hội phức tạp tới mức báo động đỏ. Hệ ý thức tư tưởng bị sụp đổ để thay vào đó ca ngợi những cái vô bổ tới mức “muôn năm” thì sẽ còn nhiều ca khúc oái oăm hơn “Độ ta không độ nàng” xuất hiện là điều thường tình.
- Đôi điều suy ngẫm Điều đáng nói ở đây là cái dòng nhạc thị hiếu này đã giết chết tâm hồn giới trẻ, nhồi sọ người nghe giống như kẻ tử tù, trước khi tiêm mũi thuốc độc thì phải tiêm mũi thuốc mê. Nội dung bài hát làm cho người nghe có cái nhìn rất xấu về giới Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam. Đồng nghĩa với việc bao nhiêu cái hay cái tinh túy của Phật giáo người ta không được biết đến nữa, chúng ta đều biết học cái xấu thì rất nhanh nhưng học cái tốt thì gian nan biết chừng nào! Thời nào cũng có Thánh Tăng và Phàm Tăng, những người tu chân chính có rất nhiều, tại sao cứ phải đưa những hình ảnh người tu còn tâm tư thế tục ra và gieo vào nhận thức con người, tạo cho người nghe tâm lý đánh đồng “vơ đũa cả nắm” đó phải chăng là mục đích của một số kẻ muốn chống phá Phật giáo? Tình cảm là cái mà ai cũng có, nhưng tình thương trong Đạo Phật nếu có đủ Trí Tuệ thì cả người thương lẫn người được thương đều có hạnh phúc, còn thứ tình thương có đan cài quá nhiều sự hồi đáp từ đối phương, thì tình thương đó luôn có sự chiếm hữu và đương nhiên sẽ đem lại nhiều hệ lụy và đau sầu. Đó cũng là tình thương của kẻ si mê vậy! Thêm vào đó bao nhiêu cống hiến, bao nhiêu tấm gương vì Đạo quên mình của các vị Thánh Tăng xưa nay cũng bị chìm dần vào trong quên lãng chỉ vì những con sâu làm rầu nồi canh! Đáng buồn thay những con sâu này là do người ta cố tình mở vung mà bỏ vào.
Đừng tưởng những gì ta lép nhép, những gì ta suy nghĩ thì không ai biết, không ảnh hưởng đến ai và không gây ra chuyện gì. Cái mà ta lép nhép đó sẽ từng ngày len lỏi vào tiềm thức và được bùng nổ qua ngôn ngữ, hành động, để rồi kiến tạo nên nhận thức, nhân cách, lối sống và âm thầm chi phối số phận của ta đời này rồi kiếp khác. Nhà Phật goi đó là Tà Tư Duy, nó sẽ kéo theo Tà Ngữ và Tà Nghiệp.
Nhận thức của tác giả bài hát đó chứa nhiều si mê, mình không chê trách họ vì hầu hết con người đều như vậy. Nội dung bài hát chỉ tạo ra sự thích thú với những con người còn quá nhiều tâm luyến ái, nó tác động đúng cái họ đang khao khát và ấp ủ. Các bậc có Trí và có Tuệ chắc chắn sẽ chỉ mỉm cười khi nghe bài này, và quý Ngài cũng sẽ không ngạc nhiên lắm khi thấy số đông cuồng theo đến vậy. Nhưng nếu đã là si mê thì không cần phải quan tâm tới nó, lép nhép theo nó mà hãy để nó qua một bên và tiếp tục đi trên con đường của chính mình, con đường của Chánh Niệm, của thình thương yêu và sự hiểu biết. Mong lắm thay!