Bản Tống dịch của kinh Vô Lượng Thọ nói, tất cả thánh chúng nơi cõi Cực Lạc phát đại đạo tâm, muốn dùng chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc men, hương hoa, kỹ nhạc v.v... để thừa sự cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác mà chẳng qua được chỗ các Ngài để cúng dường, thì ngay trong khi ấy, Phật A Di Đà liền gia trì thần lực khiến cho các Đức Phật Thế Tôn đó đều duỗi cánh tay dài đến tận cõi Cực Lạc để tiếp nhận lấy sự cúng dường, khiến cho các thánh chúng ấy tăng trưởng thiện căn, mau chứng Phật quả. Lại nữa, nơi cõi Cực Lạc cũng có những chúng Bồ-tát đã chứng tịnh tâm kiên cố nên nơi tự lực, chỉ trong một niệm mà họ có thể dạo khắp mười phương cõi Phật để cúng dường vô lượng vô số chư Phật Thế Tôn mà chẳng mất định ý. Như vậy, nhân dân cõi Cực Lạc, hoặc do Phật tha lực gia bị, hoặc do tự lực viên mãn, đều có thể tùy lòng nghĩ tưởng, cúng dường khắp các Đức Phật trong mười phương thế giới.
Chúng ta học kinh không khỏi sanh lòng thắc mắc khi đọc đoạn kinh văn trong Phẩm Nhân Địa Pháp Tạng ghi: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu Chánh Giác.” Nay, Nguyện “Ứng niệm thọ cúng” trong bản Tống dịch lại bảo Bồ-tát cõi Cực Lạc do cúng dường các loại tài vật như là: chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc men, hương hoa, kỹ nhạc v.v... nên mau chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề; nghĩa này là như thế sao? Kinh Kim Cang trả nói: “Thấy hết thảy các tướng là không tướng, tức thấy Như Lai.” Ý là: Người học Phật phải xả bỏ hết thảy các danh tướng thì mới hiểu lý chân thật của Như Lai.
Khi xưa, Phật ở trước đại chúng đưa cành hoa sen kim sắc lên, chẳng ai hiểu ý Phật muốn làm gì; chỉ riêng mình Ngài Đại Ca Diếp hiểu được ý của Phật là muốn trao chức Sơ tổ của Thiền tông cho người ngộ tánh nên chỉ mỉm cười mà không nói gì. Phật biết Ngài Đại Ca Diếp có ngộ tánh, chỉ thấy cành hoa sen đưa lên trên tay của Phật mà hiểu ý Phật, nên Phật trao truyền tâm ấn cho Đại Ca Diếp làm sơ tổ của Thiền tông. Có người nghĩ rằng tâm ấn mà Phật trao cho Ngài Đại Diếp chắc phải là một pháp bí mật nào đó; nhưng thật ra Phật chẳng có trao cho Ngài Đại Ca Diếp gì cả; Phật chỉ là ngầm ấn chứng Ngài Ca Diếp đã chứng được Thật tướng Vô tướng Nhãn Tạng Niết-bàn Diệu Tâm hay gọi tắt là Chánh Pháp Nhãn; tức là Ngài Đại Ca Diếp đã phá trừ được hết thảy các chướng hoặc, phiền não, trói buộc, nên tự nhiên được tự tại vô ngại nơi các pháp và thấu rõ Phật tâm. Nay, trong kinh Vô Lượng Thọ cũng vậy, Phật dùng các hình tướng để làm ký hiệu, mục đích là để chúng sanh tự mình phải biết xả bỏ các tướng để hiểu ý của Như Lai. Do vậy, kinh này dùng các danh tướng của tài vật chỉ là để làm ký hiệu biểu thị các pháp vô tướng. Cho nên, người học Phật khi nghe thấy hết thảy các danh tướng đều là không tướng, tức thấy được tâm ý của Như Lai. Thấy tâm ý của Như Lai cũng chính là thấy Pháp thân của Như Lai. Vì Pháp thân của Như Lai nào đâu có tướng để thấy bằng con mắt thịt, nên chúng ta phải thấy bằng một cái tâm hoàn toàn thanh tịnh, lìa khỏi hết thảy các tướng.
Dưới đây là một vài thí dụ để chúng ta nhận biết thế nào là ý nghĩa của câu “Thấy hết thảy các tướng là không tướng, tức thấy Như Lai.”
· Thế nào là “cúng dường chân châu” cho Phật? Thể tánh của chân châu là chiếu sáng, chân châu phóng quang chiếu sáng, soi rõ vạn vật xung quang, lại còn tự quay lại soi rõ toàn bộ diện mục của hạt châu, nên kinh ví trí huệ của Bồ-tát giống như là chân châu chiếu sáng rực rở nơi hai hạnh tự giác, giác tha. Bồ-tát đem công đức tự giác giác tha cúng dường chư Phật nên kinh ví sự cúng dường đó là “cúng dường chân châu.”
· Thế nào là “cúng dường chuổi Anh Lạc” cho Phật? Chuổi Anh Lạc tượng trưng cho muôn thứ công đức lành của Lục độ vạn hạnh, Bồ-tát tu Lục độ vạn hạnh thành tựu công đức vô lậu, kết thành đức hoa để tự trang nghiêm Pháp thân, mỗi công đức ấy ví như mỗi hạt Anh Lạc dùng kết thành sâu chuổi Anh Lạc. Bồ-tát lấy công đức ấy cúng dường Phật nên kinh bảo là “cúng dường chuổi Anh Lạc.” Trong kinh Pháp Hoa, ngay sau khi Long nữ tám tuổi dâng cúng Phật Thích Ca Mâu Ni sâu chuổi ngọc thì lập tức thành Phật. Ở đây kinh Pháp Hoa muốn dùng hình ảnh ấy để nói: Long nữ đã trải qua hằng sa số kiếp tu Bồ-tát đạo, tích lũy vô lượng vô biên công đức, nay Long nữ đã viên mãn quả Bồ-đề nên đem công đức ấy cúng dường Phật, chớ đâu phải là Long nữ do tặng sâu chuổi cho Phật mà được thành Phật!
· Thế nào là “cúng dường lọng báu” cho Phật? lọng báu hay bảo cái là cái dù dùng để che mưa nắng. Kinh dùng cái lọng báu để tạo ra cảnh tượng “hộ trì” của người tu Bồ-tát đạo, nhằm dạy người tu đạo Bồ-tát phải đối với chúng sanh xem như chính mình mà đảm trách việc che chở, cứu giúp cho họ cùng qua bờ giác ngộ. Thêm nữa, người đảm trách việc hộ trì cho chánh pháp của Như Lai, khiến cho Phật pháp trụ thế lâu dài, khiến cho chúng sanh cùng nhập vào Phật trí kiến, cùng giác ngộ, cùng liễu sanh thoát tử, cùng vãng sanh về An Lạc quốc thì đấy mới là sự cúng dường quý báu nhất cho Phật.
Lời nguyện thứ mười của Quán Thế Âm Bồ-tát là: “Nam mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện.” Lời nguyện này hàm chứa ý nghĩa là: Nếu ai tu hành đúng theo chánh pháp được chỉ dạy bởi Đức Như Lai, rồi đem công đức ấy hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc, thì Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát nguyện sẽ gia hộ, che chở và dẫn đường cho người ấy thuận đường đi thẳng đến Tây Phương Cực Lạc, không gặp chướng ngại. Kinh ví đấy là sự “cúng dường tràng phan và lọng báu” cho chư Phật và chúng sanh của Bồ-tát Quán Âm.
Tràng phan nghĩa là lá cờ. Khi xưa, nơi nào có pháp sư thuyết pháp thì người ta treo lá cờ hình tròn trước nhà để thông báo cho mọi người biết mà đến nghe pháp. Ngày nay, các hướng dẫn viên du lịch (tour guide), tay thường cầm cờ của công ty du lịch để làm dấu hiệu hướng dẫn du đoàn. Trong đám đông người, nếu du khách nào bị lạc đoàn, nhìn thấy lá cờ vơ trên cao liền biết tìm phương hướng trở lại nhóm. Lại nữa, khi xưa khi đoàn bộ binh ra trận tác chiến thì thường có vị một tướng tiên phong tay cầm cờ đi trước để dẫn đường. Nếu người tướng tiên phong này bị tử trận thì phải có người tiên phong khác lập tức thay thế cầm cờ để dẫn quân, nếu không có vị tướng tiên phong dẫn quân thì quân đoàn sẽ giống như là rắn không đầu, chạy tán loạn khắp nơi v.v... Người dẫn chúng hay “di-na” trong một đạo tràng Phật giáo cũng ví như người tay cầm tràng phan hướng dẫn đại chúng thực hành các phép lễ bái, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật v.v... Do đó, ý nghĩa của việc cúng dường lá cờ cho Phật hàm chứa ý nghĩa là tự mình đảm lãnh trách nhiệm đi trước dẫn đường hay phát khởi các Phật sự làm lợi ích chúng sanh. Mọi người trong chúng ta tự mình phát tâm học Phật, học giảng kinh hay đảm trách tổ chức, hướng dẫn những buổi niệm Phật, giảng kinh, nghe pháp v.v... đều là cúng dường tràng phan cho Phật; chớ chẳng phải chúng ta đem lá cờ thêu thùa thật đẹp treo trên bàn thờ Phật rồi cho đó là cúng dường tràng phan cho Phật. Chúng ta thử suy nghĩ xem, Phật cần lá cờ ấy để làm gì chứ?
Chúng ta là những người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, tức là tu hạnh Phổ Hiền. Phổ Hiền hạnh đức chính là Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc. Vì vậy, chư Bồ-tát cõi Cực Lạc đều phát tâm đi khắp mười phương, tình nguyện làm bạn với chúng sanh để đảm trách việc giáo hóa, cứu vớt chúng sanh qua bờ giác, gìn giữ giống Phật khiến không bị đứt đoạn, thì đó được ví như là sự “cúng dường tràng phan và bảo cái” cho Phật. Mặc dù ngày nay chúng ta chưa có đầy đủ hai thứ phước và trí để thực hành hai việc quan trọng là “thỉnh Phật trụ thế” và “thỉnh chuyển pháp luân;” nhưng chúng ta phải có cái tâm muốn thực hành hai điều này để viên mãn Bồ-đề tâm vì đấy là bước đầu tiên của việc phát Bồ-đề tâm.
“Thường tùy học Phật” hay cầu Phật huệ chính là bước đầu tiên dẫn đến hai hạnh khác là “thỉnh Phật trụ thế” và “thỉnh chuyển pháp luân.” Nếu nơi bản thân chúng ta không muốn học Phật, thì chúng ta thỉnh Phật trụ thế để làm gì? Và nếu chúng ta không thông hiểu Phật pháp thì chúng ta chuyển pháp luân như thế nào đây? Bởi vậy, chỉ có việc thuyết giảng kinh Phật mới xứng hợp với hai hạnh “thỉnh Phật trụ thế” và “thỉnh chuyển pháp luân.” Cho nên, người học Phật phải vì mục đích thượng cầu hạ hóa mà phát tâm muốn học Phật, muốn nghe pháp để có thể thuyết pháp độ sanh. Có như vậy thì hai việc “thỉnh Phật trụ thế” và “thỉnh chuyển pháp luân” mới hợp tình đạt lý. Chúng ta thường tùy học Phật với ý nguyện rằng, một ngày nào đó chính mình cũng có thể vì hết thảy chúng sanh mà thuyết pháp độ sanh thì đấy mới là đại hạnh của chư Bồ-tát. Nếu chúng ta học Phật với ý niệm làm lợi ích cho riêng mình, rõ ràng là chúng ta chưa phát khởi nổi Bồ-đề tâm. Vì sao? Bởi nếu Bồ-tát chẳng thuyết pháp độ sanh thì trên chẳng thể đền đáp nổi ân Phật, dưới chẳng thể hóa độ chúng sanh. Do đó hạnh thuyết giảng kinh Phật chính là để thành tựu nguyện “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ,” và cũng chính là sự cúng dường “tràng phan, bảo cái” cho Phật
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì, Đức Thế Tôn ân cần nhắc nhở chúng ta: “Ðối Phật phải hiếu, thường nhớ ơn thầy, khiến pháp môn này trụ lâu chẳng diệt, phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế, nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh Ðộ.” Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng dạy: “Nếu không thuyết pháp độ sanh thì chẳng thể báo đền nổi ân Phật.” Nay, chúng ta tu theo đức hạnh của Ngài Phổ Hiền Đại sĩ thì không thể không phát nguyện được thấu rõ kinh Phật và có đầy đủ biện tài để thuyết pháp độ sanh. Khi chúng ta đã phát được tâm nguyện này rồi, thì dù cho gian nan khổ sở bao nhiêu, dù cho gặp nhiều chướng duyên bao nhiêu, thì tâm Bồ-đề này cũng giống như núi sắt Tu Di chẳng bị ai lay động nổi. Đấy mới chính thật là Bồ-đề tâm phát xuất ra từ một trí tuệ kim cang sắt bén và kiên cố. Khi chúng ta đã phát ra được cái tâm chân thật vì hết thảy chúng sanh để cầu có biện tài thuyết pháp độ sanh, thì chúng ta phải biết hết thảy chư Phật, Bồ-tát đều hoan hỷ gia hộ, che chở, chỉ dạy và dẫn dắt chúng ta đi đúng theo con đường chánh đạo. Đấy cũng chính là các Ngài đang cúng dường “tràng phan, bảo cái” cho chúng ta, nhằm giúp chúng ta mau chóng thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Do vậy, lời nguyện của Quán Thế Âm Bồ-tát: “Nam mô tiền tràng phan, hậu bảo cái Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện” cũng chính là nguyện cho hết thảy chúng sanh cùng thành Phật, vì sao? Vì hễ được vãng sanh Cực Lạc rồi thì quyết định sẽ chứng quả Bồ-đề Vô thượng. Do vậy, bản Tống dịch chép: “Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc phát đại đạo tâm, dùng chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan v.v... để thừa sự, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác, nên mau chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.”
Chúng ta hãy thử nghĩ xem, thân Phật là thân kim cang bất hoại, lại luôn tỏa ra hương thơm Giới-Định-Huệ ngào ngạt xông khắp mười phương, thì đâu có lý nào Ngài lại cần chúng ta cúng dường thuốc men và dầu thơm để dùng chứ! Sự cúng dường hương thơm ví cho việc tu Giới-Định-Huệ, sự cúng dường thuốc men ví cho việc tu đoạn trừ độc ba khổ: tham, sân, si. Đó là hai thứ cúng dường mà Phật rất mong mỏi từ hết thảy chúng sanh.
Nếu suy xét sâu xa hơn nữa thì lời nguyện “Mười phương chư Phật ứng niệm thọ nhận các thứ cúng dường” của A Di Đà Phật là nhằm để khai thị Phật tri kiến cho hết thảy chúng sanh rằng: “Do Phật và chúng sanh bất nhị nên cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.” Khi chúng ta vừa khởi lên ý niệm cầu chánh giác, lấy tâm ấy cúng dường Phật, cúi đầu chắp tay kính lễ Phật, nguyện nguyện đều đem tâm chân thành, tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng này lễ kính hết thảy chư Phật, Bồ-tát và các loài chúng sanh trong mười phương pháp giới, thì Phật tánh liền hiển lộ và mười phương chư Phật đã nhận lấy sự cúng dường này rồi. Cảm ứng đạo giao vô cùng thần tốc ấy đã nêu rõ ý nghĩa: Chư Phật thường luôn hiện diện ở ngay trong tâm tưởng của mỗi chúng sanh và biết rõ từng ý niệm của chúng sanh. Do đấy, chúng ta nhận biết sự lý viên dung của pháp môn Niệm Phật là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Phật, tâm và chúng sanh vô sai biệt.” Khi nào chúng ta có thể lấy cái “tâm làm Phật, tâm là Phật” này cúng dường chư Phật thì đó mới thật sự là đốn tu, đốn chứng, nhân quả đồng thời; chớ nào phải đâu tu hành nơi dáng vẻ bên ngoài mà có thể được cảm ứng đạo giao với chư Phật. Vì thế, kinh Kim Cang mới bảo: “Thấy hết thảy các tướng là không tướng, tức thấy Như Lai.”
Lại nữa, cũng do nương nhờ lời nguyện “Mười phương chư Phật ứng niệm thọ nhận các thứ cúng dường” mà tiếng niệm Phật hay những lời ca, tiếng kệ tán tụng khen ngợi công đức của Tam Bảo với một bản tâm chân thành cung kính của chúng ta mới có mãnh lực như tiếng sấm chớp vang trời, chỉ trong khoảng khắc như điện chớp mà hết thảy chư Phật trong hải hội đều tiếp nhận được sự cúng dường này, đúng như bài kệ Tán Hương ghi: “Lò hương vừa đốt lên. Xông khắp cùng pháp giới. Chư Phật các pháp hội. Gần xa thảy đều nghe. Chốn chốn kết mây lành. Tâm chí thành dâng cúng. Chư Phật hiện toàn thân. Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát.” Cũng trong khoảng khắc ấy có những chúng sanh nghe được tiếng niệm A Di Đà Phật, bài kinh, tiếng kệ liền phát khởi Tự tánh Di Đà. Phật tánh ví như vầng trăng trên không, chẳng phải là bóng hình của bóng trăng dưới nước; cho nên, chỉ có Phật tánh mới là Thật tướng thường luôn hiện hữu, chẳng sanh chẳng diệt, còn mọi sự vật khác trên cõi đời đều là giả tạo như mây, như sương có rồi liền tan biến mất. Vì vậy, người tu hành muốn quay về bờ giác, tức là trở về với Phật tánh của mình, thì phải dùng tâm chân thanh cung kính, tin ưa, nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật; rồi lấy đó hồi hướng cho hết thảy chúng sanh cùng sanh Cực Lạc, thì đấy mới thật sự là sự cúng dường cao tột bậc nhất trong hết thảy các pháp cúng dường, vì sao? Vì nó xứng hợp với bổn hoài của chư Phật.
Tiếng niệm A Di Đà Phật xuất phát từ tâm chí thành chí kính chính là Diệu Âm, là Hải Triều Âm, là một thứ âm thanh vi diệu nhất trong khắp pháp giới, là tiếng Ca Lăng Tần Già, một loài chim nơi cõi Cực Lạc do A Di Đà Phật biến hóa ra. Loài chim này có tiếng hót thánh thót không có loài chim nào sánh bằng. Vì vậy, âm thanh vi diệu, nghĩa lý thậm thâm của tiếng A Di Đà Phật duy chỉ có Phật cùng Phật mới hiểu nhau, các chúng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát cũng không làm sao mà hiểu nổi một cách trọn vẹn. Tuy thế, nếu phàm phu chúng sanh nào biết triệt để buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà niệm một tiếng A Di Đà Phật thì Tịnh độ chính là ở nơi tâm mình, Nhất chân Pháp giới của chư Phật hiện ra ngay ở trước mắt, không hề xa cách. Lúc ấy mới thật sự ngộ ra nghĩa lý vi diệu của tiếng A Di Đà Phật là chẳng thể nói và cũng chẳng thể bàn. Vì lợi ích chân thật này, mười phương chư Phật đều khuyên hết thảy chúng sanh phải nên phát khởi cái tâm nhớ Phật như con khát sữa mẹ hiền mà niệm câu Phật hiệu với Chân như Bổn tâm “tâm tâm tức Phật” để cúng dường chư Phật, Bồ-tát và hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới; thì đấy mới thật sự là pháp cúng dường cao quý nhất, đúng đắn nhất mà chư Phật, Bồ-tát trong mười phương hằng luôn mong mỏi tiếp nhận từ nơi chúng sanh.
Chư cổ đức dạy: “Lão thật niệm Phật, Di Đà đích thân thọ ký.” Kinh Niệm Phật Ba-la-mật bảo: “Vãng sanh tức là thành Phật.” Hơn nữa, vì niệm Phật chính là “tâm tâm tức Phật” nên dù người niệm Phật với chân tâm hay vọng tâm cũng đều là Phật. Ví như cơm và hủ tiếu tuy khác nhau nhưng đều là từ gạo mà chế biến ra. Vòng, xuyến, bình, mâm, chén, đĩa v.v... tuy hình dạng khác nhau nhưng đều được tinh luyện bằng vàng ròng. Cũng giống như vậy, Phật Phật duy tâm, kim Phật, cổ Phật, chúng sanh quá khứ, hiện tại hay vị lai đều có cùng chung một bản thể, cùng một chân tâm. Vì thế, cho dù cõi Tây Phương Cực Lạc cách xa mười vạn ức cõi Phật độ, không phân biệt quá khứ, hiện tại, vị lai; hễ một khi quay về với Tự tâm, niệm Phật với Nhất Tâm Bất Loạn thì cái tâm ấy chính là “tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Do vậy, phàm hay thánh niệm Phật đều như nhau, đều trở về một chỗ; nơi ấy chính là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, Thường Tịch Quang độ. Pháp cúng dường như thế mới thật sự là pháp cúng dường cao quý tột bậc! Cúng dường như vậy được kinh ví như là sự cúng dường tổng họp bao gồm tất cả các thứ như là: chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc men, hương hoa, kỹ nhạc v.v... cho Phật; chớ nào phải đâu Phật cần dùng những thứ vật dụng này nên bảo chúng ta hãy đem các thứ ấy đến biếu tặng cho Phật thì được công đức. Nếu người học Phật chấp vào hình tướng của ngôn từ như vậy thì chẳng thể nào biết được tâm Phật, trí Phật, nên kinh mới nói là “chẳng thấy Như Lai.”