I.Mới có mùng mười tháng chạp chưa gì con tôi đã kêu - Tết rồi tía ơi. Ngày hai mươi ba lo sửa soạn cúng ông Táo, vừa nghĩ ngợi việc tiền nong không biết mình có bao nhiêu nhuận bút để lo sắm sửa gia đình, lo mối quan hệ bên ngoại, bên nội, bên vợ cần phải có một năm một lần xuân cho vui vẻ, ngặt nổi giá cả thị trường cứ như con ngựa chạy. Mấy ông thầy tu coi vậy mà sướng, không phải lo đám cưới, đám hỏi, những việc hiếu hỉ gì hết, các ông lo việc khác để trả nợ cho đời.
Cõi nhân gian, cái gì cũng có hai, riêng cái miệng chỉ một, nhỏ xíu lại để ra lắm điều, từ đó còn sinh ra đủ thứ vui buồn. Ông con đã tám tuổi, lớn trọng cải sao mà còn thơ ngây, có xôi chè thôi thì ăn đi, đằng này vừa ăn vừa nhìn quanh ngẫm nghĩ - Tết vui quá hả tía - Có mày vui chứ ai, mà Tết hồi nào, còn bảy tám ngày nữa... Bực mình tôi trả lời con để rồi quên đi mình khá vô lý trước con trẻ ngây thơ.
Cũng như tôi quên bao thứ khác, trong những đêm cuối năm êm đềm như vậy, gió chuyển mùa rì rào, cây mai trước sân nhà không ngủ đang rung theo gió nhẹ chuyển mình nở ra một nụ, hai nụ rồi ba bốn nụ... Vì quên nên buổi sáng mở cửa ra cảm thấy bất ngờ nhìn những đoá hoa vàng như đến đúng hẹn. Nay đã lo xong mọi thứ vừa đủ, ăn Tết xong việc gì nữa tính sau, bụng dạ trống trải nên có chỗ để nhìn hoa bâng khuâng ngẫm nghĩ, và trí não sau khi dứt điều vụn vặt mới sáng ra. Hỏi mình hay là hỏi ai? Chính xác, xuân len lén tìm đến trong lúc nào? Có phải lúc mình đang lo lắng bận rộn đó lại là mùa xuân? Hay đợi đến lúc hoa nở rộ, ngày mùng một, tháng giêng mới gọi bắt đầu vào xuân? Mùa đến mang ý nghĩa gì, sao nhà thơ Xuân Diệu kêu lên - Xuân đã tới nghĩ là xuân đã qua “đi”. Đến rồi đi, cặp hành trình sóng đôi không tách rời nhau, nên một nhà thơ khác đã viết - Ôi đẹp quá mùa xuân trong mùa hạ. Ông này viết lạ quá, có phải là một vị thiền sư không?
Như vậy, tâm xuân nằm trong tất cả, trong đất, trong gió, trong bốn mùa. Sao tôi đã không nhận ra, trong khi đứa nhỏ lại nhận ra? Điều này nó như xác định - ai là người vui nhất mùa xuân, có thể chính là nó, tuổi thơ ngây không như người lớn, vừa nặng nề với quá khứ, vừa lo lắng cho tương lai, mà vẫn chưa biết bao giờ xong việc. Mùa xuân chỉ tiếp nhận những ai biết vui, bằng lòng với hiện tại. Còn ta hay còn bao nhiêu người khác nữa, đợi đến khi hoa nở thẩn thơ tìm tới ngắm nghía rồi ngơ ngác, từ cội hoa như phát ra tiếng nói chê trách: Thưa anh đã già...
II.Đó là lời phát ra từ hoa hay đó là tiếng thì thầm của ai? Kiếp người rồi chỉ hữu hạn so với thời gian, một dòng chảy không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Rồi thời gian nhập với không gian trở nên vô hạn. Tự nhiên đâm ra thương lấy mình và thương cho người khác. Tỉ như thương cho Văn Cao những năm cuối đời làm bài thơ:
Thời gian qua kẻ tayLàm úa những chiếc láKỷ niệm rơi như tiếng sỏi...Rơi mất tăm. Thời gian khép lại màu trắng lạnh lùng rồi tiếp tục mở ra với người khác. Thời gian có màu, điều này mới xạo làm sao! Màu sắc tùy theo con mắt, lăng kính người ta, tỉ như có lúc người nhìn nó là màu vàng, lúc nhận ra nó là màu hồng, như Đoàn Phú Tứ trong bài thơ màu thời gian, cùng một lúc thấy - màu thời gian xanh xanh - màu thời gian tím ngắt.
Thật ra, bản chất thời gian là màu trắng, vì màu trắng là tổng hợp của màu sắc (thí nghiệm Newton để 7 màu lên chiếc dĩa quay nhanh nó hoá ra màu trắng). Con số 7 cũng thật là trùng hợp khi đức Phật nói tâm người chứa những điều lục dục, thất tình. Những tham, sâm, si, biện (luận) nghị, kiến, thủ dẫn tới những điều hỉ nộ ái ố. Để rồi mái tóc ai cũng trở nên bạc phơ, đó chính là màu thời gian.
Thời gian như bóng câu bay qua cửa sổ ngày xưa Tô Đông Pha cũng đã thấy:
Xuân sắc tam phầnNhị phần trần thổNhất phần lưu thủyTế khán lai … Ngó lại càng... Dựa theo đó ta ngó lại thời gian tính theo. Thường ta nghe sống đến “thất thập cổ lai hy” - xưa nay hiếm, ta thử nâng nó lên 80 năm cuộc đời, thống kê người còn được điều gì cho mình. Trong 80 năm phải bỏ ra bao nhiêu năm dành cho các khoản lao động, ăn, ngủ, đi chơi, chuyện trò, vệ sinh, yêu đương... Ngay chuyện ngủ mỗi ngày mất 8 tiếng là đi đứt 27 năm, đời còn lại 53 năm. Để cho dễ hình dung, một ngày sau khi ngủ còn lại 16 giờ, dành cho 6 giờ kiếm miếng ăn, 2 giờ nấu nướng, 1 giờ tắm rửa vệ sinh, chuyện trò, trang điểm, uống cà phê… Sau khi trừ ra các khoản như vậy một ngày ta chỉ có được hai tiếng dành cho riêng ta là đã nhiều. Cuối cùng trong 53 năm ta thử tính ta còn được bao nhiêu năm để ngồi một mình trầm ngâm, để hiểu coi mình là ai, chạy đuổi theo ảo ảnh, cuối cùng cái thật, cái tâm kia nó là gì?
Đó là chưa kể khoản yêu đương, cái này thì khoa học đã tính rất là kỹ giùm cho ta, từ lúc lớn lên đến già, con người phải bỏ ra khoảng thời gian dành cho ì ạch yêu đương là 4 năm. Kể ra cũng thích thú, tuy nhiên phải thấy là nó chiếm quá nhiều thì giờ vô ích trong khi cuộc đời quá ngắn, lại sinh ra nhiều hệ lụy mệt mỏi. Đó cũng là lý do những nhà chủ trương tiết dục phải hạn chế để cuộc đời được dài hơn, dành thời gian đó cho tâm hồn, trí tuệ - nơi chứa niềm vui không dứt, cần cho ta hơn.
III.Nói dông nói dài cốt để hiểu sâu vì sao đức Phật dạy hai chuyện trọng đại của con người là sống và chết ngầm mang ý nghĩa bên trong, thời gian nó dành cho ta rất là ít, sống không hiểu mình là ai tất nhiên chết cũng chẳng nhẹ nhàng. Ngài cũng đã chỉ ra con ma hôn trầm tức con ma ngủ luôn rình rập lấy đi thời gian của ta. Ta mê ngủ, ngủ nhiều, đâu hay nó đã làm cho cuộc đời ta ngắn đi, tâm sẽ rơi vào chỗ mờ tối, trở nên ngu si. Hãy tỉnh thức. Thời gian trôi một dòng, trôi không trở lại. Quà tặng của thời gian là dành cho những ai quên nó, có nghĩa là quên chiều dài để vươn tới chiều cao: Thời gian cũng chính là không gian cao rộng.
Một ngày có 24 tiếng, ta thấy bối rối thấy ngày trôi qua rất nhanh, không nhớ ta đã mất quá nhiều với những việc thừa thãi vô ích. Giả sử ta bớt đi những điều thừa thãi vô ích, thời gian như có bước nhảy rút ngày ngắn xuống còn 22 tiếng, việc gì sẽ xảy ra, ta không đủ thời gian chăng? Không, thí dụ có một ngày ngắn ngủi như vậy, cuộc sống vẫn đầy đủ vì ta làm chủ được thời gian và đã sống trọn vẹn cùng nó theo hiện tại từng giây phút trôi qua, chẳng thừa mà cũng chẳng thiếu. Chẳng phải có những người tuổi tác đã cao mà tâm hồn vẫn luôn còn trẻ trung đó sao? Đây cũng là bí mật lớn của thời gian.