Chư Bồ-tát trong hội có trí vô ngại gần giống như Phật, các Ngài có thể hưng khởi bốn thứ biện tài: Nghĩa vô ngại biện, Pháp vô ngại biện, Từ vô ngại biện, Nhạo thuyết vô ngại biện, để thuyết pháp một cách viên dung. Các Ngài giảng giải Phật pháp rộng rãi, bàn luận pháp yếu khéo léo, rành rẽ, lời lẽ bóng bảy, đáp ứng nhanh chóng, thích hợp với từng mỗi căn cơ, không có điều gì Bồ-tát nói ra mà chẳng phát xuất từ Thánh trí, ngôn âm dứt khỏi hai thứ Kiến hoặc và Tư hoặc. Nếu chúng ta vì lợi ích cho hữu tình mà nói ra lời Phật nói thì cũng gọi là đắc Phật biện tài. Vì sao? Vì khi chúng ta lập lại lời Phật thì cũng chính là tán dương Phật huệ, lưu truyền chánh pháp của Như Lai để khai hóa kẻ hữu duyên trong mười phương, thì có khác nào chính mình cũng được Phật biện tài.
Từ trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta biết, không riêng gì Văn Thù, Phổ Hiền tự mình phát nguyện cầu sanh Tịnh độ mà các Ngài còn xuất lãnh bốn mươi mốt Pháp thân Đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm sang Thế giới Cực Lạc gặp A Di Đà Phật. Hai vị đại Bồ-tát này là đại trợ thủ của Tỳ Lô Giá Na Phật mà lại đem toàn bộ đại đệ tử của Tỳ Lô Giá Na Phật sang Thế giới Cực Lạc, các Ngài làm ra chuyện như vậy có nghịch lại Tỳ Lô Giá Na Phật không? Chẳng những là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ-tát không nghịch lại Tỳ Lô Giá Na Phật mà các Ngài lại còn làm đúng với bổn hoài của mười phương chư Phật; bởi vì mười phương Như Lai đồng thanh xưng tán Tịnh độ là để khuyên bảo hết thảy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Lại nữa, Thiện Tài đồng tử là đệ tử của Văn Thù Bồ-tát, mà Ngài Văn Thù do chuyên tu pháp môn Tịnh độ mà thành chánh giác; cho nên pháp môn cao tột bậc nhất mà Bồ-tát Văn Thù truyền cho Thiện Tài đồng tử cũng chính là Niệm Phật thành Phật. Vì sao chúng ta biết vậy? Kinh Hoa Nghiêm nói rõ, Văn Thù Bồ-tát giới thiệu Thiện Tài đi tham vấn với Tỳ-kheo Cát Tường Vân, mà Tỳ-kheo Cát Tường Vân thì chuyên tu trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Trong kinh Hoa Nghiêm chỉ có một mình Ngài Phổ Hiền Bồ-tát xướng xuất, dắt dìu chúng sanh quy về Cực Lạc. Thế mà ở trong kinh Vô Lượng Thọ lại nói có vô lượng vô biên Pháp thân Đại sĩ có đức hạnh như Phổ Hiền Bồ-tát đều đến nhóm hội, cùng nhau tu theo đức hạnh của Ngài Phổ Hiền, tức là hoằng truyền Tịnh tông, dùng Mười Đại Nguyện Vương dẫn dắt chúng sanh quy về Cực Lạc. Đấy cũng đủ cho chúng ta thấy kinh này là kinh thù thắng bậc nhất trong hết thảy các kinh của Tịnh tông, còn thù thắng hơn cả kinh Hoa Nghiêm.
Vì sao chư vị Pháp thân Đại sĩ hoằng truyền pháp môn Tịnh độ? Vì pháp môn Tịnh độ là phương tiện rốt ráo đến tột cùng, khéo thích ứng với mọi căn cơ, chẳng cần phải tu theo thứ lớp từ thấp lên cao, mà một đời này có thể chặt ngang tam giới vãng sanh Tịnh độ, chứng bốn cõi Tịnh độ, sánh vai cùng Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, nên pháp môn này còn gọi là “hoành xuất” hay “hoành siêu,” tức là vượt khỏi tam giới theo chiều ngang. Do đâu mà lại được những lợi ích hy hữu như vậy? Do nhân duyên niệm Phật mà được nhập vào trong biển đại thệ nguyện của Như Lai, do nương vào từ lực Phật mà các tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng. Đến lúc sắp mạng chung, tự biết trước ngày giờ, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý chẳng điên đảo, nên nhập thiền định rất sâu. Lúc ấy, Phật và Thánh chúng tay cầm đài vàng, đến nghênh đón, trong khoảng một niệm, sanh về cõi Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa, mau khai Phật huệ, rộng độ chúng sanh, mãn nguyện Bồ-đề. Vì lợi ích chân thật này nên thập phương chư Phật đều dạy hết thảy chúng sanh, nhất tâm quy mạng Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, chánh niệm phân minh xưng danh Như Lai, vì đạo Bồ-đề, cầu sanh Tịnh độ. Còn tu theo tám vạn bốn ngàn pháp môn khác thì phải tiến lên từng bậc, từng phẩm vị theo chiều dọc để thoát ra khỏi tam giới, nên gọi đó là “thụ xuất.” Trong kinh Hoa Nghiêm nói rõ, các địa vị của Bồ-tát trong thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật vẫn còn phải tiếp tục tu hành để tiến lên từng bước một từ Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập-hồi-hướng, Thập-địa, Đẳng Giác cho đến Diệu giác; giống như chúng ta phải đi học theo từng lớp từ Tiểu Học, Trung Học, Đại Học cho đến Tiến sĩ vậy, nên gọi là “thụ xuất.”
Lục đạo là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, Tứ Thánh pháp giới là cõi Phương Tiện, Thế giới Hoa Tạng là Nhất chân Pháp giới, còn gọi là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, tiến lên cao hơn nữa là Thường Tịch Quang Tịnh độ. Tịnh độ Di Đà thì khác hẳn, bốn cõi Tịnh độ của A Di Đà Phật đều ở cùng một chỗ, không có giới hạn, không có các chiều không gian khác nhau phân cách giữa phàm và Thánh. Vì thế, kinh mới nói, một khi sanh vào Cực Lạc Thế Giới thì hết thảy đều sanh, chứng ngay bốn cõi Tịnh độ. Kệ vãng sanh có câu: “Chín phẩm hoa sen là cha mẹ. Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh. Bất thoái Bồ-tát vi bạn lữ,” có nghĩa là trong cõi Cực Lạc, phàm phu và bất thối Bồ-tát đều là anh em cùng sanh ra từ trong hoa sen nơi ao thất bảo, đều là bạn hữu cùng trong một lớp học. Phòng học của A Di Đà Phật to lớn vô tận, bao gồm hết thảy các lớp từ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa cho đến lớp Phật thừa; tất cả học sinh đều ở cùng chung một chỗ để học Phật với Phật A Di Đà. Nói cho rõ ra, người hạ phẩm vãng sanh vào trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thế giới Cực Lạc vẫn thấy được Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền và hết thảy các Pháp thân Đại sĩ cùng ở chung một nơi. Do được cùng với hết thảy Pháp thân Đại sĩ cùng ở một chỗ, cùng nhau làm bạn đồng tu trong một phòng học của Phật A Di Đà, nên sự thành tựu Phật quả sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng. Bởi do Thế giới Cực Lạc là chỗ thù thắng bậc nhất mà không có cõi Phật nào có thể sánh nổi; cho nên mười phương chư Phật đều tán thán cõi này. Chỗ viên đốn nhất là ngay sau khi vãng sanh Cực Lạc, hành nhân lập tức được sánh vai cùng các chư đại Bồ-tát như Quán Âm, Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù v.v..., đều là học trò của A Di Đà Phật. Các Ngài là lớp đàn anh, chúng ta là lớp đàn em; lớp đàn anh và lớp đàn em đều cùng ở trong một phòng học; đấy đã nói lên chỗ thanh tịnh, bình đẳng đến cùng cực của cõi Cực Lạc mà chẳng có cõi nào sánh bằng nổi! Khác hẵn với Tây Phương Cực Lạc, cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới Sa bà này tuy cũng nói là Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng chúng ta chẳng thấy được chư Phật, Bồ-tát, cũng chẳng thấy được thầy của mình là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thường đang thuyết pháp, nên sự tu hành thường phải gặp rất nhiều chướng ngại. Thậm chí, ở trong cõi này mà muốn tìm gặp một Thiện Trí Thức làm bạn đồng tu lại là việc rất khó, nên kinh này mới nói: “Như Lai khó gặp, khó thấy, gặp thiện tri thức nghe pháp hay hành việc này cũng khó.”
Câu “khéo hay phân biệt ngôn ngữ chúng sanh, khai hóa chỉ bày, bờ mé chân thật, vượt hơn các pháp, sở hữu thế gian” đã chỉ rõ, các Đại sĩ trong hội đều có trí huệ biện tài và công đức oai lực thù thắng có thể nhập vào các thứ ngôn âm của chúng sanh để thuyết pháp, khai hóa cho hết thảy các loài chúng sanh. Ngay cả các loài bàng sanh, ngạ quỉ v.v... cũng được nghe đức Như Lai và Pháp thân Đại sĩ dùng ngôn âm của từng loại mà thuyết pháp để được khai hóa, chỉ bày bờ mé chân thật. “Khai hóa” là khai Phật tri kiến. “Chỉ bày” là thị Phật tri kiến. “Bờ mé chân thật” là Phật tri kiến. Toàn thể của bộ diệu pháp Tịnh độ, kinh Vô Lượng Thọ đều là Phật tri kiến, chỗ nào cũng là cảnh giới Phật Hoa Nghiêm, từng câu, từng chữ trong kinh đều lưu lộ ra từ Tánh đức và Trí đức của A Di Đà Phật. Vì vậy, toàn thể nội dung của kinh này đều là để khai hóa chỉ bày bờ mé chân thật, tức đều là khai, thị, ngộ và nhập Phật tri kiến. “Chân thật” là Thật tướng, là cương lãnh của Đại kinh này. Có ba thứ chân thật mà chẳng có gì chân thật hơn nữa; đó là Chân thật tế, Chân thật lợi và Chân thật huệ:
· Chân thật tế là diệu lý Thật tướng cứu cánh chí cực, cũng chính là tri kiến Phật. Vậy, “khai hóa chỉ bày bờ mé chân thật” có nghĩa là hiển thị tri kiến Phật, cũng tức là đem mười pháp giới quy nhập về một Phật thừa, quyết định thành Bồ-đề. Nói cách khác, Chân thật tế là dùng một Phật thừa để làm pháp tối hậu, xả bỏ cả ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát! Vì vậy, Chân thật tế chính là Tự tâm. Thấy được bổn tánh của mình tức thấy Phật, cũng chính là khai hóa mở bày bờ mé chân thật. Pháp môn Niệm Phật hiển thị lý bất nhị của Tự tâm “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Vì vậy, tâm mình niệm Phật để khế hợp cùng với Chân như Phật tánh chính là Chân thật tế, cũng chính là khai hóa mở bày bờ mé chân thật! Vì thế, chư cổ đức mới nói: “Một tiếng Phật hiệu là một tiếng tâm.” Kinh cũng dạy: “Nếu ai chỉ niệm A Di Ðà thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền.”
· Chân thật lợi là như trong phẩm Duyên Khởi Đại Giáo của kinh này nói: Đức Như Lai vì muốn cứu quần sanh nên ban cho họ cái lợi chân thật. Vậy, cái lợi chân thật ấy chính là kinh này, là sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” dẫn về Cực Lạc. Người niệm Phật bỏ vọng quy chân, khuất phục sáu căn, không cho nó tạo tác, trở về quê cũ thanh thái, nuốt trọn khắp mười phương pháp giới, phá tan các tối tăm của vô minh phiền não như mặt trời chói rực giữa bầu trời làm mây đen tan mất, như thuốc thiện kiến trị hết các bệnh tật khổ. Bởi do cái lợi ích của Phật hiệu là chân thật như thế, nên kinh mới nói: “Vừa xưng danh hiệu A Di Đà Phật, diệt được các khổ trong tám vạn ức kiếp sanh tử.” Lợi ích chân thật như thế thì làm sao mà có lời nói, thí dụ nào diễn tả trọn vẹn cho nổi!
· Chân thật huệ là như trong phẩm Tích Công Dồn Đức của kinh này nói: “Pháp Tạng Tỳ-kheo trụ huệ chân thật, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm cõi tịnh.” Tam giới đều là hư dối, đều chẳng thường trụ, đều là các thứ hữu vi có thể bị phá hoại nên gọi là thế gian. Chúng sanh và các cõi nước có muôn vàn sai khác; y báo, chánh báo, thiện, ác, nhân, quả và hết thảy các pháp hữu vi đều gọi là các pháp sở hữu thế gian. Bồ-tát có đại trí huệ, thấu đạt Tánh không, Vô tướng của tất cả các pháp một cách sâu xa. Tuy rằng Bồ-tát biết được hết thảy tam giới đều là hư vọng, nhưng các Ngài chẳng bỏ các hạnh thế gian để phổ độ quần sanh, nên nói là “vượt hơn các pháp sở hữu thế gian.” Hết thảy các pháp sở hữu thế gian đều được sanh ra do bởi nhân duyên chớ chẳng phải là thật có, nên khi duyên không còn thì pháp sẽ tự diệt. Vì thế, trong kinh Bát-nhã, đức Phật bảo: “Pháp còn nên bỏ, huống gì phi pháp.” Những lời dạy này của đức Phật đều có cùng một ý nghĩa, đều rất thấu triệt! Phật pháp dù có tốt đẹp đến mấy, cũng chỉ là pháp duyên sanh; cho nên Phật dạy chúng ta chớ nên khởi tâm tham đắm. Bởi vì khi chúng ta phát khởi cái tâm tham lên thì tức thời có phiền não, vọng tưởng, chấp trước cũng theo đó mà cùng sanh, thế là sai rồi! thế là hỏng rồi! Vì vậy, trong kinh Kim Cang, đức Phật có nêu lên một tỷ dụ rằng: Phật pháp giống như chiếc thuyền để chuyển chở chúng sanh vượt sông từ bờ này sang bờ bên kia, khi đến bờ bên kia rồi, phải bỏ chiếc thuyền thì mới có thể lên bờ được. Nếu chúng ta đến bờ rồi mà lại còn muốn nắm giữ, chẳng chịu bỏ thuyền thì làm sao có thể lên bờ được, vậy là làm sai trật rồi! Vì thế, Phật dạy chúng ta: “Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp.” Chữ “bỏ” ở đây có nghĩa là không chấp trước, đừng ghim trong lòng, ghim trong lòng là trật! Vì sao trật? Vì Phật pháp cũng là pháp hữu vi, là pháp duyên sanh, chẳng phải là Tự tánh. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật ví Phật pháp như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ nó chẳng phải là mặt trăng. Tự tánh mới là ánh mặt trăng, còn Phật pháp chỉ là ngón tay chỉ phương hướng để tìm thấy mặt trăng. Nếu chúng ta buông xuống hết thảy các pháp thì sẽ kiến tánh, tức là tìm thấy Tự tánh. Tự tánh bất sanh bất diệt; đấy mới chính là pháp chân thật duy nhất. Tự tánh sáng tỏ soi thấy rõ ràng tất cả vạn pháp, thứ gì cũng trọn đủ, thứ gì cũng viên mãn, trí huệ trọn đủ, đức năng trọn đủ, phước báo trọn đủ, nên kinh ví Tự tánh như là ánh mặt trăng tròn đầy, sáng tỏ.
Hết thảy các thứ trí huệ, đức năng và phước báo vốn sẵn có đầy đủ trong Tự tánh, chúng ta chẳng cần phải đi tìm từ bên ngoài, bởi bên ngoài không có những thứ này. Phước báo trong Tự tánh thì vĩnh viễn và bất tận nên gọi là “bảo.” Bảo này chính là Tự tánh Tam Bảo, là thứ phước báo mà Phật dạy chúng ta do mê mà đã đánh mất nó. Nay chúng ta biết được Phật pháp thì hãy thật sự nương vào đó mà tìm về Tự tánh Tam Bảo. Trí huệ trong Tự tánh vốn sẵn có đầy đủ, chẳng phải do cầu mà có. Vậy, chúng ta phải làm sao để trí huệ này hiển lộ? Phật dạy chúng ta phải định cái tâm của mình lại, tâm thanh tịnh thì trí huệ tự nhiên phát sanh. Do vì tâm của chúng ta bất định, chất chứa cả đống những thứ ô nhiễm, tham sân si, lộn xộn nên trí huệ ấy tạm thời chẳng thể sanh mà chỉ sanh phiền não; nhưng khi tâm thanh tịnh thì trí huệ ấy bèn phát sanh. Như vậy, trí huệ phát xuất từ buông xuống, hễ buông xuống được thì trí huệ bèn xuất hiện, còn nếu không thể buông xuống được thì vĩnh viễn chẳng có trí huệ. Tất cả những gì chúng ta học được từ kinh pháp đều là tri thức. Tri thức có thể giúp chúng ta giải quyết được một số vấn đề nhỏ nhặt, nhưng vẫn còn có những rắc rối về sau. Nếu chúng ta muốn vãng sanh Cực Lạc, xuất ra khỏi tam giới thì tri thức chẳng thể giúp chúng ta được.
Trong cuộc sống ở thế gian này, từ Khoa học đến chính trị xả hội, con người chúng ta toàn là dùng tri thức để giải quyết vấn đề. Sau khi chúng ta giải quyết được một vấn đề nhỏ này xong, thì từ đó lại phát sanh ra nhiều vấn đề nhỏ khác. Vậy, nếu chúng ta dùng tri thức để giải quyết vấn đề càng lớn thì sẽ càng gây ra tai nạn lớn hơn cho cả thế giới, cuối cùng là cái địa cầu này cũng có ngày bị tiêu diệt bởi tri thức của con người. Điều này chúng ta tự mình có thể nghiệm chứng rõ ràng, rành rành trước mắt! Ngày nay con người dùng tri thức để chế tạo bôm nguyên tử, với mục đích là bảo vệ hòa bình thế giới, mà mối đe dọa khủng khiếp nhất của nhân loại lại chính là chiến tranh hạt nhân. Con người dùng tri thức để chế tạo vật chất, cải thiện cuộc sống cho đầy đủ và tiện nghi, nhưng chính những vật chất và tiện nghi ấy lại làm cho môi trướng ô nhiễm, tạo ra các thiên tai, bệnh dịch, mâu thuẩn xung đột về chánh trị, kinh tế và xả hội v.v... cần phải giải quyết. Chúng ta đều nghe tin tức thế giới báo cáo: Môi trường sinh thái của địa cầu này mỗi ngày đều bị phá hỏng đến mức nghiêm trọng do sự phát triển của Khoa học kỷ thuật, bệnh ung thư càng ngày càng gia tăng chớ không có giảm bớt. Cuộc sống tinh thần của con người càng ngày càng bị suy đồi bởi do nền văn hóa hiện đại phát triển đến mức phải gọi là đồi trụy trầm trọng, làm mất đi phẩm chất đạo đức của con người, nên trên địa cầu này mới có lắm thứ tai nạn, cuộc sống con người mới có lắm thứ phiền não, khổ đau. Thời tiết khắc nghiệt, động đất, núi lửa, hỏa hoạn, sóng thần, lụt lội, bệnh dịch v.v.. xảy ra đều là do môi trường và tâm tánh của con người bị ô nhiễm. Quy chung, đấy đều là do tri thức của con người gây ra, nên đức Phật mới bảo: “Các ông hãy nhìn bao kẻ ngu si, căn lành không trồng mà chỉ biết đem thế trí biện thông, tăng lớn tâm tà, hỏi sao thoát khỏi, nạn lớn sinh tử.” Chánh báo như thế nào thì y báo sẽ như thế đó! Do vậy, nếu hiện tại chúng ta không sốt sắng nỗ lực học Phật để hóa giải tai nạn trước mắt, thì trong tương lai ắt sẽ bị đọa lạc, khốn khổ vô cùng. Hóa giải tai nạn không có gì khác là tự mình học Phật và khuyên lơn, hướng dẫn mọi người hồi tâm chuyển ý, đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức theo lời kinh Phật dạy cho đến khi tâm của chúng sanh bình thì cõi nước cũng sẽ bình.
Bởi do chúng sanh bị chìm trong sự vô minh tăm tối mà gây ra biết bao nhiêu là tai nạn, khổ đau như thế, nên chư Bồ-tát phải thường an trụ trong đạo độ thế vô vi một cách chân thật, vững vàng để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài đã xuất hữu vi, chứng vô vi, nhưng không chấp vào vô vi, tâm thường trụ nơi Vô trụ xứ Niết-bàn để hóa độ chúng sanh, nên kinh Vô Lượng Thọ bảo: “Tâm thường chân thật trong đạo độ đời.” Thế nào là Vô trụ xứ Niết-bàn? Vô trụ xứ Niết-bàn chính là buông xả rốt ráo, chẳng còn có đối đãi sai khác nữa. Vậy, vô trụ chính là sanh tâm, sanh tâm chính là vô trụ. Vì chư Bồ-tát hiểu rõ vô trụ và sanh tâm thật ra chỉ là một thứ tâm, chớ chẳng phải là hai, nên các Ngài đối với hai pháp vô trụ và sanh tâm chẳng còn có đối đãi, sai khác nữa mà có thể xuất hữu vi, chứng vô vi, nhưng lại buông xả luôn cái tướng vô vi; đây chính là cảnh giới Vô trụ xứ Niết-bàn của chư Đại Bồ-tát. Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ điều này thì sẽ đạt được cái lợi ích chân thật cho mình lẫn người; còn nếu như chúng ta không hiểu rõ điều này thì sẽ chẳng thể nào tiếp nhận được lợi ích chân thật và cũng chẳng thể nào thành tựu hai đức tự giác, giác tha của chư đại Bồ-tát. Bởi do phàm phu chúng ta không biết “vô trụ chính là sanh tâm, sanh tâm chính là vô trụ,” nên chẳng biết phải làm sao để cùng một lúc có thể vừa buông xả lại vừa hành Bồ-tát đạo trong cuộc sống đời thường. Tóm lại, Vô trụ xứ Niết-bàn chính là cảnh giới biết buông xả rốt ráo, chẳng còn có đối đãi sai khác nữa của Bồ-tát, càng buông xả được nhiều chừng nào thì Trí tuệ Bát-nhã càng gia tăng chừng ấy. Vì Bồ-tát buông xả rốt ráo, tâm chẳng còn vướng mắc vào các tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả, nên đối với chúng sanh mới có thể phát tâm đại bi cứu khổ, ban vui. Nói cách khác cho rõ ràng hơn, Bồ-tát do trụ tâm nơi vô trụ nên mới có thể sanh tâm đại bi. Nếu Bồ-tát không phát được tâm đại bi thì chẳng thể thành tựu hai thứ lợi ích chân thật; đó là: chứng Pháp thân (tự lợi) và cứu độ chúng sanh (lợi tha). Vậy, câu “vô trụ chính là sanh tâm, sanh tâm chính là vô trụ” chính là nói đến cái tâm chân thật do thành tựu hai đức tự giác và giác tha của chư đại Bồ-tát trong đạo độ đời.
Lại nữa, vì chư đại Bồ-tát đã buông xả rốt ráo hết thảy pháp chấp nên đắc sanh trí tuệ Bát-nhã vi diệu, nên đối với tất cả pháp, tất cả vạn vật đều tùy ý tự tại, thông đạt vô ngại. Do đó, hết thảy các việc làm của Bồ-tát đều nhanh chóng viên mãn, thần thông tự tại, chẳng giống như phàm phu chúng ta, tâm thường bị vướng mắc nơi các pháp, nên bị vật chuyển, thành ra bị phiền não trói buộc. Phàm phu do chấp có nên gặp cái gì cũng sanh vọng tâm; còn Nhị Thừa thì do trì trệ nơi thiên không nên chẳng thể phát được tâm đại bi cứu độ chúng sanh. Do vậy, cả hai hạng này đều là bị đọa trong tình chấp, đều là tâm bị vật chuyển, nên đối với vạn vật chẳng được tự tại, vô ngại. Ngược lại, chư Bồ-tát thì thâm đạt Lý Trung đạo Thật tướng nên thấu rõ Pháp tánh và thành tựu sức thần thông thù thắng. Bồ-tát có thể ở ngay nơi tướng làm tất cả mọi việc của thế gian, mà nơi tâm thì vẫn lìa tướng, như như bất động, nên chẳng bị vật chuyển. Lại nữa, do vì Bồ-tát đối với hết thảy vạn vật trong thế gian, tâm chẳng bị câu thúc, trói buộc, nên có khả năng làm hết thảy mọi việc, chuyển vật, tùy duyên biến hóa làm lợi ích chúng sanh. Nhà Thiền cũng nói: “Chỉ cần vô tâm với vạn vật, nào ngại vạn vật thường vây quanh.” Kinh Hoa Nghiêm còn nói, Bồ-tát có khả năng bỏ núi Tu Di vào trong một hạt cải, chuyển bốn biển vào trong một đầu lông, tùy ý lợi người; đấy đã diễn tả trọn vẹn cảnh giới “tùy ý tự tại” của chư Bồ-tát.
Kinh Vô Lượng ghi: “Vì chúng hữu tình, tình nguyện làm bạn.” Kinh Niết-bàn chép: “Thế gian muốn được cứu phải cầu xin, rồi sau mới được. Như Lai chẳng được thỉnh, mà thường làm chỗ về nương.” Kinh Duy Ma cũng nói: “Mọi người chẳng thỉnh, mà làm bạn để giúp cho an ổn.” Chúng sanh quay lưng với giác ngộ, trầm mê trôi nổi, sanh manh không có mắt, lại không có lòng mong muốn được giải thoát. Phật, Bồ-tát ví như từ mẫu luôn thương xót và hướng đến chúng sanh như con trẻ, không có ý nghĩ nhàm mỏi cứu khổ con trẻ mà chẳng cần con trẻ phải thỉnh mời. Phật, Bồ-tát tự ý tình nguyện làm bạn với chúng sanh, tùy duyên yêu thương, che chở, khai giải cho chúng sanh, các Ngài đến pháp hội nghe Phật giảng kinh để sự hiểu biết được tăng trưởng, rành rẽ, thấu đáo, rồi lại y theo giáo pháp của Phật mà thọ trì đọc tụng, biên chép, cúng dường và vì người diễn nói để chính mình và hết thảy chúng sanh cùng thâm nhập vào trong tạng pháp của Như Lai. Như Lai tạng tánh là pháp tạng rất sâu của Như Lai, đó cũng chính là kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ. Nếu người tu hành y theo kinh này giải hành tương ứng đúng theo pháp tạng của Như Lai thì ám chướng sẽ được tiêu trừ, tâm sẽ minh sáng tỏ rõ, không còn mê lầm nữa, thì gọi là “thọ trì sâu rộng tạng pháp Như Lai.” Vậy, “thọ trì sâu rộng tạng pháp Như Lai” chính là minh tâm kiến tánh.
Nói theo ý chỉ của kinh này, “thọ trì sâu rộng tạng pháp Như Lai” là lắng nghe và tu trì pháp tạng của hết thảy Như Lai trong ba đời; sau khi thấu đáo rồi, thì đa văn quy về nhất văn, nhất văn chính là một danh hiệu A Di Đà Phật; đó cũng chính là từ Đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền quy về Nhất hạnh Niệm Phật tam muội của Bồ-tát Văn Thù. Nói cách khác, bằng một câu Phật hiệu A Di Đà Phật mà có thể từ Sai Biệt trí quay trở về Căn Bản trí, tức là quay trở về với Chân tâm Tự tánh của mình, thì chính là pháp khó thể nghĩ bàn. Vì vậy, Tịnh tông mới lấy “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” làm tông. Người niệm Phật y theo tông chỉ này mà tu hành thì tương lai sẽ thành Phật, tiếp nối dòng giống Phật; cho nên, kinh ghi là: “Gìn giữ giống Phật thường khiến không đoạn.” Do vậy, “Gìn giữ giống Phật, thường khiến không đoạn” chính là phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Khi chúng ta phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, thì phải biết là mình đang gìn giữ cái tâm mình là Phật, tâm mình làm Phật; đấy cũng chính là đang gìn giữ và khiến cho dòng giống Phật ở trong khắp mười phương thế giới không bị đoạn diệt. Vì vậy, thập phương chư Phật đều khen ngợi công đức niệm Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Giống Phật còn được gọi là Phật chủng tánh. Bồ-tát lấy lục độ vạn hạnh tu hành làm Phật chủng tánh; do đó, sở hạnh của Bồ-tát gọi là Phật chủng tánh. Chư Bồ-tát đều lập đại thệ nguyện độ khắp chúng sanh giới. Chữ “độ” ở đây có nghĩa là cứu vớt chúng sanh vượt thoát ra khỏi dòng sanh tử, lên bờ Niết-bàn. Nếu chư Bồ-tát không độ chúng sanh thành Phật, thì dòng giống Phật sẽ bị đoạn diệt, nên chữ “độ” ở đây cũng có nghĩa là Phật chủng tánh. Chúng sanh ai nấy đều có sẵn Phật tánh, Bồ-tát khởi lên sự giáo hóa nhằm khai phát Như Lai tạng tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh thì gọi là “Thiệu long Phật chủng.” Kinh Hoa Thủ có dạy: “Nếu không có Bồ-tát phát tâm thì không có Phật chủng ... Nếu có Bồ-tát phát tâm thì Phật chủng chẳng đoạn.” Vì vậy, Bồ-tát lấy Bồ-đề tâm làm Phật chủng. Thế mới biết nếu Phật, Bồ-tát không độ chúng sanh, thì chúng sanh khó thể nào mà vượt ra khỏi tam giới, sanh sang cõi Tịnh độ để tiếp tục tu hành thành Phật. Kinh Bảo Tích dạy: “Này thiện nam tử! Nghe danh hiệu Phật là được hạt giống, đầy đủ nhân duyên lại được thọ ký.” Do vậy, trong Tịnh tông, người tu hành lấy xưng danh hiệu Phật làm Phật chủng. Bởi vì người nghe danh hiệu Phật ví như được hạt giống Phật, nếu người ấy biết nương theo sự gia trì của Phật A Di Đà mà chuyên tâm Tín-Nguyện-Trì danh hiệu Phật, thì cũng giống như là người biết đem hạt giống tốt gieo trồng trên mãnh đất mầu mỡ phì nhiêu. Người như vậy ắt hẳn sẽ có đầy đủ nhân duyên, thiện căn, phước đức và được Phật A Di Đà thọ ký vãng sanh Cực Lạc, một đời này thành Phật; cho nên Tịnh tông lấy “trì danh hiệu Phật” làm Phật chủng.
Bồ-tát lấy “Bồ-đề tâm làm nhân, đại bi làm căn bổn.” Các Ngài nương vào lòng từ bi phát xuất từ tâm vô trụ, tâm vô tác, tâm vô tư vô tưởng để nói ra pháp Tịnh độ nhằm mục đích dìu dắt và khiến cho chúng sanh thấy được Phật A Di Đà, vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát. Lòng từ bi thương xót hết thảy chúng sanh muốn làm cho tất cả được thoát khổ của Bồ-tát chẳng phải phát xuất từ lòng bi do ái kiến của Nhị Thừa phàm phu, nên gọi là đại bi. Tâm đại bi của Bồ-tát chính là Vô Duyên Đại Từ Đồng Thể Đại Bi, nên trong tâm ấy chẳng có phân biệt đối với các tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh và tướng thọ giả. Hơn nữa, Bồ-tát truyền dạy Phật pháp cũng chỉ là để khiến chúng sanh khai mở trí tuệ, hiểu biết đúng đắn, có chánh kiến thì cũng giống như là đem trao tặng cho chúng sanh con mắt pháp. Vì thế kinh ghi: “Phát tâm đại bi thương xót chúng sanh, diễn nói đại từ, trao truyền mắt pháp, đóng bít đường ác, mở toang cửa lành, đối với chúng sanh, xem như chính mình, đảm trách cứu giúp, độ qua bờ giác.” Ngũ nhãn gồm có: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Pháp nhãn hay con mắt pháp là trí tuệ soi thấu hết thảy các pháp để cứu độ chúng sanh của chư Phật. Phật đạo chánh kiến cũng gọi là pháp nhãn, một trong ngũ nhãn của Như Lai. Do có pháp nhãn nên Bồ-tát biết rõ các thứ căn khí của chúng sanh, khéo biết hết thảy các pháp để độ và biết tùy theo căn cơ của chúng sanh mà ban bố cho họ cái pháp thích hợp để họ có thể hiểu, có thể tu và có thể giải thoát thì đó gọi là “pháp nhãn thanh tịnh.” Trong kinh này, đức Di Ðà có đại nguyện: “Sanh về cõi ta chẳng còn đọa lạc vào ba đường ác” chính là “đóng bít đường ác.” Cũng giống như Phật, Bồ tát vì muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, nên phải giúp họ đóng bít các đường ác, mở toang các cửa lành. “Đường ác” là ba đường ác đạo: súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Chúng sanh ở trong ba đường ác rất khổ mà chẳng biết phải làm sao để thoát ra; vì thế, Bồ-tát muốn cứu giúp chúng sanh thoát ra khỏi ba đường ác thì phải dạy họ làm thế nào để lìa ác và đóng lấp con đường dẫn đến nẻo ác, thì đó chính là mở toang cửa lành. Cửa lành chân thật nhất chính là cánh cửa dẫn vào Bồ-đề Niết-bàn. Nhưng làm sao có thể mở toang cửa lành này? Phẩm Thọ Lạc Vô Cực dạy: “Tất triệt để siêu thoát, vãng sanh về cõi nước có vô lượng thanh tịnh của Phật A Di Ðà;” đây mới thật sự là mở toang cửa lành một cách chân thật nhất.
Kinh Niết-bàn nói: “Hết thảy chúng sanh thọ các khổ khác nhau cũng như chính bản thân Như Lai chịu khổ.” Cái mà được người đời yêu mến nhất không gì bằng là bản thân mình. Thế mà Bồ-tát lại đối với chúng sanh, xem như chính mình, đảm trách, gánh vác nhiệm vụ bảo hộ và cứu vớt chúng sanh, khiến cho chúng sanh chứng nhập Vô Dư Niết-bàn, nên kinh ghi là: “Đảm trách cứu giúp độ qua bờ giác.” Nếu Bồ-tát không có cái tâm xem chúng sanh như chính mình thì sao? Thì Bồ-tát vẫn còn bốn tướng: nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng, nên chẳng thể cứu độ quần sanh đến vô tận đời vị lai mà chẳng hề tạm bỏ. Nói cách khác, Bồ-tát phải có cái tâm Vô Duyên Đại Từ Đồng Thể Đại Bi như chư Phật mới có thể phổ nguyện cứu vớt, gánh vác cho hết thảy chúng sanh đều vượt lên bờ kia mà chẳng hề nhàm mỏi. Bồ-tát lập thệ nguyện, tự mình lãnh trách nhiệm gánh vác, cứu vớt hết thảy chúng sanh xuất ly thế gian với tâm hạnh giống như ông trưởng giả giàu có dư dật, có nhiều của cải, mà chỉ có một đứa con độc nhất. Vì thương yêu đứa con độc nhất, nên ông trưởng giải đem hết của cải, những vật yêu thích nhất đều trao hết cho đứa con của mình. Chư Bồ-tát trong pháp hội cũng giống như ông trưởng giả ấy, các Ngài tận tâm tận lực học tập các hạnh tương ứng với chư Phật, rồi lại đem tất cả sự thành tựu của chính mình truyền dạy lại cho hết thảy chúng sanh, chẳng bỏ sót một ai.
Từ những điều kể trên, chúng ta thấy, địa vị và quả giác của chư Bồ-tát trong pháp hội Đại Thừa Vô Lượng Thọ gần giống như Phật, nên các Ngài mới có đầy đủ phước đức và trí đức trang nghiêm của Như Lai. Thật trí và Quyền trí của chư Bồ-tát phát sanh diệu dụng sáng tỏ vằng vặc, chiếu soi vạn pháp và chúng sanh, nên các Ngài có thể tùy nghi xử dụng Quyền pháp hay Thật pháp một cách linh chiếu, hoặc dung nhập cả hai thứ Quyền pháp và Thật pháp một cách tự tại, vô ngại; phàm phu và Nhị thừa chẳng thể nào dùng ngôn ngữ, suy nghĩ và bàn luận mà có thể hình dung ra nổi diệu trí của các Ngài, nên kinh ghi là: “Thảy được chư Phật vô lượng công đức, trí huệ sáng suốt, không thể nghĩ bàn.” Trong các pháp Nhân Thiên và Tiểu thừa chẳng hề có việc chẳng thể nghĩ bàn, chỉ trong pháp Ðại Thừa mới có. Ví dụ, đức Phật nói kinh Pháp Hoa suốt mười sáu kiếp mà người nghe tưởng chừng như trong khoảng bữa ăn; đó là chuyện mà phàm phu và Nhị Thừa chẳng thể nào suy nghĩ và bàn luận cho nổi. Lại nữa, các Thánh chúng trong cõi Cực Lạc chỉ ở trong khoảng thời gian ngắn ngủi chừng một bữa ăn mà có thể dạo khắp mười phương cõi Phật để nghe pháp, cúng dường chư Phật mà không mất định ý thì làm sao phàm tình chúng sanh và Nhị thừa có thể hiểu nổi mà suy nghĩ và luận bàn.
Chư đại Bồ-tát trong pháp hội đều cùng nhau tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ, nên pháp tâm của các Ngài đều giống nhau. Pháp tâm đó chính là: Do vì các Ngài muốn nghe Phật giảng kinh nên cùng nhau kéo đến như mây để dự pháp hội. Các Ngài đến pháp hội chẳng phải chỉ là để khen ngợi, tán thán diệu pháp Tịnh độ của Đức Di Đà Như Lai, mà còn là để tiếp nhận và hoằng truyền rộng rãi đại nguyện vương của Phổ Hiền Đại sĩ, nhằm dẫn dắt thập phương tam thế hết thảy hữu tình vãng sanh Tịnh độ, cứu cánh Niết-bàn. Vì những lý do đó mà các Ngài đồng đức đồng tâm cùng lúc nhóm đến pháp hội Đại Thừa Vô Lượng Thọ.