Lý Thật tướng, Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa khế hợp với chánh giác của Như, chẳng thể do nơi hình tướng, ngôn ngữ, phân biệt mà biết được nổi thì gọi là Pháp Vi Diệu. Do lý của kinh Phật Thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác là diệu pháp của Như Lai, nên nếu ai chứng đắc trọn vẹn pháp lý ẩn chứa trong kinh này sẽ thành Tối Chánh Giác, nên đức Thế Tôn gọi kinh này là Pháp Vi Diệu. Tối Chánh Giác là sự giác ngộ vô thượng cứu cánh viên mãn của Phật, là đạo vô thượng chánh chân. Vậy, nếu ai được Pháp Vi Diệu, ắt sẽ khế hợp với Phật trí, nhập vào diệu lý Thật tướng, chứng Bồ-đề chánh chân, thành Tối Chánh Giác. Lại nữa, Do Tịnh độ là pháp môn tu để một đời thành Phật nên gọi là Pháp Vi Diệu. Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp khó tin bởi vì chỉ có Phật cùng Phật mới hay biết nổi. Nay, chúng ta chỉ cần tiến sâu vào một cửa pháp này để tu hành, huân tập lâu dài, niệm Phật vãng sanh không thối chuyển, thì sẽ mau chóng thành Tối Chánh Giác.
Phật pháp chẳng có gì là bí mật cả, Phật cũng chẳng hề che giấu pháp của Ngài. Kinh Vô Lượng Thọ được gọi “mật truyền tâm ấn Phật” chỉ vì lý pháp của kinh rất thâm mật, sâu kín và vi diệu; chỉ có chư Phật mới có trí tuệ viên mãn cao độ để hiểu rõ được. Tuy bản thể định lực của Như Lai đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sanh, không ai thiếu sót cả, nhưng bởi vì “mật nhân” của chúng sanh chưa được hiển bày, vẫn còn ẩn mật nên chẳng thể khởi tác dụng mà hiểu được pháp thâm mật của Như Lai. Niệm Phật là Pháp Vi Diệu của Như Lai bởi vì bản thể định lực và diệu dụng của Pháp môn Niệm Phật rất cao sâu, huyền diệu, không thể dùng trí của phàm phu mà hiểu được. Do pháp này dễ tu dễ chứng, nhưng lại khó hiểu nên kinh gọi là “pháp khó tin.”
Kinh Vô Lượng Thọ là “liễu nghĩa kinh,” bởi vì kinh này hiển bày sự chân thật của Pháp tánh Chân như và sự thật chứng một cách trọn vẹn đầy đủ tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, giúp hành nhân thấy được Thể tánh Chân như mà có được sự giải thoát, giác ngộ viên mãn. Hành nhân muốn được Vô Lượng Thọ tam muội thì phải trường kỳ huân tu, chuyên tâm thọ trì, tư duy, quán chiếu kinh này thì mới có thể phát khởi bản thể định lực. Một khi hành nhân đạt được Vô Lượng Thọ tam muội, tức là tu chứng được “liễu nghĩa” thì không còn pháp nào để tu, để chứng nữa, tức là đạt đến chỗ rốt ráo, cùng tận của nghĩa lý. Do đó, người tu theo kinh Vô Lượng Thọ là người tu chứng “liễu nghĩa” để đạt được Thật tướng Chân như, giải thoát viên mãn và thành tựu đạo quả Bồ-đề. Đó là cảnh giới Phật, là quả vị Phật, ngang hàng với chư Phật trong ba đời, chớ không phải là pháp tu để thành thần, thành thánh. Đây mới chính là lối tu chứng rốt ráo! Ngược lại, người niệm Phật không y theo “liễu nghĩa kinh” để tu chứng đến bảo sở (hoàn toàn, viên mãn), thì gọi là tu “bất liễu nghĩa,” tức là họ tu với sự không hiểu biết hay hiểu biết mập mờ về Chân như Thật tánh. Cách tu “bất liễu nghĩa” này cũng giống như sự tu chứng tạm nghĩ ở trong Hóa Thành Dụ của các vị Thanh Văn, Duyên Giác được nói trong kinh Pháp Hoa. Người niệm Phật “bất liễu nghĩa” cũng được vãng sanh, nhưng chỉ có thể đới nghiệp vãng sanh vào cảnh giới Phàm Thánh Đồng Cư hay Phương Tiện Hữu Dư. Hai cảnh giới này chỉ là Hóa Thành để cho các vị với căn tánh Nhân Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác tạm nghĩ; nhưng họ vẫn phải tiếp tục tu trên con đường lâu dài mới có thể nhập vào Thật Báo Trang Nghiêm hay Thường Tịch Quang độ.
Ngày xưa, trước khi quy y theo Phật, Ngài Mã Minh là một luận sư danh tiếng. Vì nghe tiếng tăm của Hiếp Tôn giả nên tìm đến thách thức luận chiến và đánh cuộc bằng chính thủ cấp của mình. Ngài Mã Minh đưa ra đề tài tranh luận rằng: “Tất cả ngôn ngữ đều có thể bị phủ định,” nghĩa là cái gì nói ra được thì đều có chỗ sai lầm. Nghe xong Hiếp Tôn giả im lặng. Mã Minh thấy Hiếp Tôn giả không trả lời được cho rằng mình thắng, nên sanh tâm kiêu mạn mà cho rằng Hiếp Tôn giả chỉ là hư danh, không phá nổi luận điểm của mình. Một thời gian sau, Mã Minh tự mình nghiệm biết sự sai lầm; bởi vì sự im lặng của Hiếp Tôn giả vốn đã là câu trả lời cho đề tài mà Ngài Mã Minh đưa ra, tức là “tất cả ngôn ngữ đều có thể bị phủ định” rồi, và tâm háo thắng và kiêu mạn của Mã Minh vốn tự nó phủ định luận điểm của Ngài. Y như lời giao ước, Mã Minh tìm đến để giao thủ cấp cho Hiếp Tôn giả. Bấy giờ, Hiếp Tôn giả mới nói: “Tôi không cần cắt thủ cấp của ông, mà chỉ cần cắt tóc của ông thôi.” Từ đó, Mã Minh tôn Hiếp Tôn giả làm thầy và về sau trở thành vị đại luận sư rất nổi tiếng của Đại thừa. Một lần nữa, văn tự ngôn ngữ không phải là chân lý cũng khộng phải là tuệ giác thật sự, chúng chỉ là lý thuyết tương đối, sanh diệt được dùng nhằm để khai mở tuệ giác cho chúng sanh. Nói cho dễ hiểu, văn tự ngôn ngữ trong kinh điển chỉ là chiếc chìa khóa để mở kho tàng tuệ giác, nhưng nó không chẳng phải là kho tàng tuệ giác. Vì thế, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật ví ngôn ngữ văn tự trong Phật pháp như là cái ngón tay chỉ mặt trăng, chớ nó chẳng phải là mặt trăng. Cũng giống như thế, kinh Vô Lượng Thọ nói về Chân tâm mà đã là Chân tâm, Phật tánh thì làm sao có thể nói hay diễn tả được. Thế nhưng, đức Phật có trí huệ siêu việt quán sát thấy rõ căn cơ của chúng sanh, Ngài dùng cả hai thứ Quyền pháp và Thật pháp để nói kinh này nhằm chỉ phương, lập hướng giúp chúng sanh nhận ra Chân tâm, Phật tánh của mình, nên mới bảo kinh này là Pháp Vi Diệu có thể giúp mọi căn cơ thành Tối Chánh Giác.
Quyền pháp là phương tiện dùng để chỉ phương lập hướng dẫn dụ chúng sanh nhập vào cửa pháp. Khi hành nhân đã nhập môn rồi, thì tự mình nghiệm ra lúc nào phải xả Quyền nhập Thật. Do đó, chúng ta tu theo kinh này chẳng nên chấp vào ngôn ngữ, văn tự và cảnh tướng, phải xả bỏ mọi ý nghĩ riêng, giữ tâm mình như như bất động, nơi huyễn mà lìa huyễn thì mới hiểu chân thật nghĩa của Như Lai. Cách học kinh như vậy sẽ giúp chúng ta xả bỏ được tập khí chấp tướng, phân biệt và hàng phục tất cả vô minh phiền não trần lao để trở về với Thể tánh Chân tâm của chính mình. Đây mới chính là con đường giải thoát giác ngộ rốt ráo, đưa chúng sanh từ phàm phu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên kinh bảo là “được Pháp Vi Diệu, thành Tối Chánh Giác.” Còn nếu như chúng ta cứ mãi chấp vào sắc tướng, âm thanh, ngôn ngữ, văn tự, phải trái, đúng sai, xuôi ngược v.v...thì càng học Phật càng tăng trưởng vọng tưởng, phân biệt chấp trước. Do chấp pháp, chấp ngã nên dù tu hành có tích cực, tinh tấn, nhưng kết quả cũng chỉ là phước báu hữu lậu, chẳng thể thoát ra khỏi tam giới.
Nói tóm lại, kinh Vô Lượng Thọ chính là Chân tâm Bổn tánh của chúng ta, mà trong tất cả chúng ta luôn có sẵn bản thể Chân tâm thanh tịnh, như như bất động, tức là trong ta luôn có Vô Lượng Thọ rồi, đâu cần phải đi tìm kiếm ở bất cứ một nơi nào khác ngoài tâm mình. Nếu chúng ta dùng Chân tâm của mình để tuân tu theo tông chỉ của kinh Vô Lượng Thọ, tức là “phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật” thì chính là có đầy đủ lục độ vạn hạnh ngang bằng với chư đại Bồ-tát đã thành tựu trong hằng hà sa số kiếp, nên trì danh niệm Phật chính là Chư Bồ-tát Vạn hạnh. Nếu chúng ta dùng Chân tâm của mình an trụ trong kinh Vô Lượng Thọ, y theo lời chỉ dạy của Phật, không trái phạm, không thiếu sót, không nghiên theo tà, thì sự tu chứng này mới thật sự là sự tu chứng liễu nghĩa, rốt ráo, tột cùng. Kết quả sau cùng của sự tu chứng này là cứu cánh tột đỉnh của giải thoát giác ngộ, là thành Phật giống như chư Phật trong mười phương thế giới. Vì kinh này có khả năng làm cho Chân tâm Bổn tánh hiển lộ như vậy, nên đức Phật mới nói là “được Pháp Vi Diệu, thành Tối Chánh Giác.”
Kinh này xuất phát ra từ Chân tâm Tự tánh thanh tịnh của Phật A Di Đà, mà Phật và chúng sanh lại vốn đồng một Thể tánh Chân tâm. Vì thế mới nói kinh Vô Lượng chính là Chân tâm Bổn tánh vốn có sẵn trong mỗi chúng sanh, đúng như lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Nào ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh. Nào ngờ Tự tánh vốn không sanh diệt. Nào ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ các pháp. Nào ngờ Tự tánh vốn không giao động. Nào ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp.” Toàn bộ nội dung của kinh Vô Lượng Thọ đều chỉ dạy chúng sanh lấy một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” làm Chân tâm của mình, tức là phát Bồ-đề tâm, rồi nhất dạ chuyên niệm danh hiệu Phật cho đến khi sáu căn đều tịch tĩnh, thì Chân tâm Thật tướng của mình sẽ tự nhiên hiển lộ. Đấy chính là sự phối hợp tinh xảo của cả hai thứ Quyền pháp và Thật pháp nên gọi là “Pháp Vi Diệu.” Nếu ai chấp trì đúng như lời Phật dạy trong kinh này, không xen tạp với bất cứ một pháp môn khác, thì nhất định sẽ mau chóng thành Tối Chánh Giác, tức là thành Phật.