1 – Dượng Bảy nâng ly rượu. Ly vừa chạm môi, dượng nhướng mắt nhìn ra phía hàng rào râm bụt, đặt ly xuống, chỉ ra phiá đó, hỏi:
“Thấy thằng kia không?”
Tôi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn theo hướng tay chỉ của dượng. Đang đứng bên hàng rào râm bụt đỏ chói, dáng vẻ thư thái, mặt ưu tư, là một chàng trai mặc y phục màu nâu sồng. Tôi không biết chàng ta là ai, nhà ở đâu và đang làm gì mà đứng nơi ấy nghĩ ngợi, trầm ngâm.
“Ai vậy dượng?” Tôi hỏi.
Dượng Bảy cười cười, nói tỉnh:
“Đó là Thằng Lừa Mẹ.”
Tôi trố mắt hỏi ngay:
“Một thằng con bất hiếu phải không dượng? Nhà ở đâu vậy?”
Dượng Bảy lại cười cười, cạn ly rượu, đánh khà một tiếng:
“Nhà nó ở đó chớ đâu. Nó đang đứng trong sân nhà nó mà.”
“Ủa, nhưng đó là nhà bà Ba Hâm mà? Hắn là gì của bả?”
“Nó là con trai của bả.”
“Ủa, bà Ba Hâm có ba người con trai đều trở thành tử sĩ từ lâu rồi mà?”
“Đúng. Mày nhớ cũng giỏi. Hai thằng con đầu và giữa hi sinh trước ngày giải phóng, thằng theo lính Nam, thằng theo lính Bắc, oái oăm oan nghiệt hai đầu chiến tuyến. Còn thằng Út, thằng còn lại duy nhất, tình nguyện nhập ngũ vào những năm biên giới Tây Nam nóng bỏng …”
“Rồi cũng hy sinh luôn?”
“Không. Nó bị thương, được phục viên trở về sống với mẹ.”
“Vậy mà con tưởng đã mất mạng. Nhưng …”
“Nhưng thằng Út cũng chết. Một cái chết tội nghiệp, và thật là … vô duyên thái thậm.”
“Vậy người đang đứng ở nơi hàng rào kia là ai?”
“Là người thế chỗ khuất bóng của thằng Út.”
Tôi nhíu mày nhăn mặt. Không hiểu gì cả. Dượng Bảy vẫn cứ nụ cười bí hiểm nở trên môi, lắc đầu nguầy nguậy, chép miệng:
“Làng này ai cũng rõ chuyện kỳ dị này. Và ai cũng thông cảm, thương yêu bảo bọc thằng đó, nhưng lại thích gọi nó là Thằng Lừa Mẹ. Cái tên này do ông Sáu chủ tịch xã vui miệng đặt chơi trong một cuộc họp, không ngờ thằng đó lại chết luôn với cái biệt danh lạ lùng này, lạ lùng như câu chuyện đã xảy ra.
Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện “Thằng Lừa Mẹ” qua cái giọng khàn khàn của dượng Bảy. Dĩa mồi bắp xào xả ớt ngon tuyệt. Rượu thuốc ngâm rắn lục của dượng Bảy còn ngon hơn. Cảnh chiều miền quê yên ả với gió rì rào, với tiếng gà mẹ túc túc gọi con, với hương trái ngọt ngào thoang thoảng khắp vườn cây sum suê trở nên tuyệt vời cho những ngày về quê nội của tôi. Nhưng mọi thứ tuyệt vơì ấy, tôi phải tạm quên đi, để đi vào một thế giới kỳ dị, kỳ dị ngay giữa đời thường mà tôi đang hít thở, đang sống, đang chơi, đang hưởng thụ …
2 – Người trong làng gọi bà là bà Ba Hâm, vì bà hâm hâm, tâm trí đã không còn bình ổn. Bà ngớ ngẫn từ dạo nhận được hung tin dồn dập: hai người con trai hi sinh ngoài trận tuyến, trước ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng khoảng một tháng. Bà chỉ còn thằng con trai út, lúc ấy được mười bốn tuổi. Hai mẹ con thui thủi với nhau trong ngôi nhà rêu phong ẩm thấp, giữa vườn cây trái um tùm. Được bà con trong thôn đùm bọc, giúp đỡ nên cuộc sống của hai mẹ con trôi qua êm ả bình lặng.
Đến khi mặt trận ở biên giới Tây Nam trở nên nóng bỏng, thằng Út tình nguyện gia nhập quân ngũ đi chiến đấu, mặt dù nhiều người can ngăn, mặc dù nó được hưởng chế độ ưu tiên miễn nghĩa vụ quân sự vì mẹ già con côi. Không ai ngăn cản nó được, và không ai kiềm dòng máu anh hùng sôi sục trong người nó. Dòng máu chiến đấu truyền thống của gia đình nó, như một thứ gia bảo sáng ngời bao đời. Bà Ba Hâm lại chịu cảnh xa con, nhớ hình bóng con trai quay quắc, lại trông ngóng chiều chiều ra sân như thời trông ngóng hai đứa con trai lớn.
Thằng Út đi được một năm rưỡi thì trở về với mẹ. Một vết thương nơi chân phải, một vết thẹo hằn sâu trên tấm lưng to bè bè của nó. Không hề gì, miễn là nó trở về, bà Ba Hâm sung sướng lắm. Bà vui mừng khi khuôn mặt con trai út của bà vẫn còn xuất hiện bên bà – một gương mặt sáng sủa, lành lặn với một nốt ruồi đen to hơn hạt đậu xanh nơi khoé miệng. Nốt ruồi trên gương mặt thằng Út giống cha nó như in, nên bà thấy thằng Út là nhớ đến ông ba Nghĩa chồng của bà.
3 – Những tháng ngày thằng Út đi chiến đấu với bọn giặc diệt chủng man rợ ở biên giới phía Tây Nam, bà Ba Hâm dường như hoảng loạn tinh thần hơn trước. Bà thường đứng giữa trời nắng gắt gay réo gọi tên từng đứa con, hay lang thang khắp nẻo đường thôn xóm để hỏi han mọi người tin tức của thằng Hai Hưng, thằng Ba Thịnh, và thằng Út Vượng … những đứa con lính tráng của bà. Bà tin rằng cả ba đứa đều còn sống, nhưng chúng trốn tránh bà, núp ở xó xỉnh nào đó, như hồi chúng còn nhỏ, thường chạy trốn cây chổi lông gà lăm lăm trong tay, mỗi khi bà tìm chúng để trị cái tội rủ nhau nghịch phá cây trái trong vườn. Bà gọi tên từng đứa, hỏi han cặn kẽ. Ai cũng lắc đầu ngao ngán, thương xót cho bà.
Một hôm, bà Ba Hâm hỏi nhằm lão Sáu Xị, khi lão đang lè nhè bên dĩa mồi chai rượu trước sân nhà. Lão bợm nhạu trắc nết này nói đùa một câu:
“Khi nào bà trèo lên cây dừa nhà bà, tìm bắt được con cóc thì khi ấy cả ba đứa con bà sẽ về đoàn tụ đông đủ.”
Bà ba Hâm nghe vậy tưởng thật, mừng lắm, vội về nhà để tính chuyện trèo cây bắt cóc. Cóc đâu có bao giờ ở trên ngọn cây. Điều khốn nạn nằm ở chổ đó. Bà Ba Hâm đi nhờ vả người ta trèo cây bắt cóc giùm, tìm cóc giùm, dĩ nhiên là ai cũng từ chối với nụ cười tủm tỉm và lòng thương hại. Thế rồi thằng Út về với bà, và vui đón con, nói:
“Má chưa bắt được cóc trên cây mà con đã về rồi. Con về thì giúp má tìm bắt mấy con cóc trên ngọn dừa, để hai thằng anh con về đây cho đông đủ.”
Một câu nói đùa của lão Sáu Xị không ngờ lại gây rắc rối đến mức đó. Và, thằng Út thương mẹ, phải ráng trèo lên tuốt ngọn dừa để tìm cóc bắt cho mẹ. Ngày nào nó cũng trèo dừa, và bắt được cóc mang xuống cho người mẹ ngớ ngẩn đang đứng dưới gốc dừa ngửa cổ lên bằng ánh mắt hi vọng khát khao. Ngày nào cũng có cóc, nhưng nào thấy hai người con trai đầu về với mẹ.
Bà mẹ đâu biết rằng chính mấy con cóc kia đã được thằng Út tìm bắt sẵn trong vườn, ngoài đồng, bỏ sẵn trong túi áo trước khi trèo lên ngọn dừa. Bà cũng đâu biết thằng Út của bà phải nghiến răng bấm bụng, ráng hết sức để trèo lên ngọn dừa cao bằng đôi chân khập khiểng thương tật của nó. Mặt nó vui tươi, nụ cười nó toe toét, đâu thấy nó nhăn nhó than vãn bao giờ. Nó cũng chẳng khi nào nhờ vả người khác trèo cây bắt cóc giùm. Nó biết chỉ có chính nó mới làm vui lòng mẹ. Vì vậy mà nó cứ lặng lẽ làm cái công việc vô lý, vô ích, vô duyên là… trèo cây bắt cóc.
Cho đến một buổi chiều mưa, mưa dầm dề, mưa xối xả, thằng Út phải trèo lên ngọn dừa theo ý mẹ. Lần này nó thích thú trèo, vì nhờ mưa mà nó bắt được sáu con cóc lớn. Nó tống hết vào một bị nhựa, nhận vào túi quần, hăm hở trèo lên. Phía dưới, bà Ba Hâm trùm tấm vải nhựa đứng ngước nhìn con trai với lòng tràn trề hi vọng. Và, thằng Út rơi từ ngọn dừa rơi xuống như một trái mít chín rụng. Nó trút hơi thở cuối cùng ở trạm y tế xã, bà mẹ hâm hâm càng thêm hâm hâm, cứ tưởng rằng vô phương cứu chữa nổi đau tột cùng của bà …
4 – Sáng sáng rồi lại chiều chiều, bà Ba Hâm cứ ra đứng dưới gốc cây dừa, ngước cổ nhìn lên mà réo:
“Xuống đi Út, xuống đi con. Có hay không có cóc cũng xuống đi. Xuống ăn cơm với má. Sao ở trên lâu vậy? Xuống mau con ơi …”
Ai nghe thấy cảnh này cũng đứt ruột, không kềm được nước mắt.
Cho đến một hôm, ông thôn trưởng mang về một người khách cho cả xóm làng. Thoạt trong người đó, ai cũng tưởng chính là thằng Út con bà Ba Hâm. Khách tên Trần Thiềng, lớn hơn thằng Út đến ba tuổi, da ngăm đen, ốm, là một bộ đội phục viên, không một thương tật, cũng là một Phật tử thuần thành, thường sinh hoạt trong nhóm thiện nguyện ở một ngôi chùa vùng quê nghèo. Những điểm ấy khác với thằng Út. Còn lại thì giống một tám một mười. Nhất là nốt ruồi đen to hơn hạt đậu xanh nằm ngay bên khoé miệng. Thật là lạ lùng, thật kỳ dị, và thật là trời xui đất khiến cho Thiềng lạc bước đến cái xã heo hút này, lọt vào mắt xanh của ông thôn trưởng vốn nhanh nhạy, uyên bác. Thiềng đi mua sắt phế liệu ở khắp các vùng xa xôi hẻo lánh, chở về thành phố bán nơi vựa thu mua, thu nhập đủ để trang trải lo toan nuôi một vợ một con nhỏ … Vậy là một cuộc họp của Xã hẳn hoi nghiêm túc được tiến hành để bàn về việc dùng người thay người. Người sống thế chỗ người chết. Trần Thiềng đã vui lòng đồng ý, nhập vai thằng Út Vượng, mang vợ con trở về sống với mẹ. Ngày thằng Út cùng vợ con về sống với mẹ, cả làng tề tựu đầy sân, nghẹt nhà như ngày hội. Bà mẹ khóc trong niềm sung sướng. Và không chỉ có bà khóc. Ai có mặt lúc đó, giờ thiêng liêng đó, đều phải rơm rớm nước mắt. Bà mẹ nói:
“Con đừng trèo cây bắt cóc nữa. Má có con, có dâu, có cháu là đầy đủ đông vui nhà mình, sung sướng lắm rồi!”
Tâm thần bất ổn, bà mẹ đâu để ý đến tấm lưng không còn thẹo và chân phải không thương tật của thằng con út. Bà chỉ thấy nốt ruồi đen nơi khóe miệng là đủ. Nhờ vậy Thiềng đã hoàn thành vai diễn xuất sắc. Vai diễn kéo dài cả đời người. cả đời người …
5 – Tôi nốc cạn ly rượu thuốc. Rượu ngon tuyệt. Dượng Bảy cười:
“Từ đó đến nay, thằng Thiềng ở với bà Ba Hâm như đứa con ruột rà, trở thành dân làng này. Và mọi người đặt cho nó bị danh là Thằng Lừa Mẹ. Đúng là Lừa Mẹ rồi còn gì?”
Tôi trầm ngâm nhìn sang bên hàng rào râm bụt đỏ chói, những bông hoa như những chiếc dù tỏa bóng râm cho người, cho đời đang khoe sắc dưới cái nắng chiều tà. Người nhập vai con trai út của một bà mẹ đau khổ đang thơ thẩn giữa bình yên chiều quê. Tôi cảm thấy mình trở nên ngơ ngác, ngớ ngẩn trước dòng đời biến chuyển không ngừng với biết bao điều huyền nhiệm, kỳ dị đến thiêng liêng. Dượng Bảy đốt điếu thuốc vấn, phì phà mấy luồng khói đậm đặc, chép miệng một câu:
“Đời có những chuyện lừa gạt thánh thiện!”
Tôi ngơ ngẩn sửng sốt, và rồi phải gục gặc đồng tình:
“Dạ, thật thánh thiện. Vậy mới hay, lừa gạt đâu phải hoàn toàn chỉ là xấu xa, bỉ ổi. Nhà Phật thường gọi đó là phương tiện thiện xảo.”
Chai rượu đã cạn. Chuyện đã hết. Tôi về lại thành phố với món quà đặc biệt dành cho bạn bè: chuyện “ Thằng Lừa Mẹ”.