Lời tựa “Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng giác Kinh” đã nêu rõ toàn bộ ý chỉ của Kinh này:
· “Phật” là tiếng Phạn, gọi tắc là Phật Đà, phiên dịch ra tiếng Hán là giác ngộ hay trí giả. Phật là bậc biết rõ tự thân và hoàn cảnh sinh hoạt của tự thân, nên gọi là bậc giác ngộ. Chữ “Phật” trong đề tựa này là chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta.
· “Đại thừa” là cỗ xe lớn có khả năng chuyên chở nhiều người từ nơi này đến nơi khác. Trong Kinh Phật thường dùng con trâu trắng lớn hay con voi trắng sáu ngà để biểu tượng cho sức mạnh của Đại thừa có thể đưa chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử, sang bờ kia giải thoát. Chữ “Đại thừa” trong đề tựa này chỉ rõ nội dung giáo dục của đức Phật trong Kinh là nhằm giúp chúng ta thấy rõ: Con người và muôn loài chúng sanh khác đang sống trong thế gian đầy dẫy ác khổ, để rồi từ ngục ba cõi ấy mà phản tỉnh, xả giả, nhập thật, niệm Phật vãng sanh, thoát ra khỏi tam giới, trở về với Chân tâm Bổn tánh của Tự thân.
· “Vô Lượng Thọ” là Chân tâm Bổn tánh của Tự thân vốn đầy đủ hết thảy các thứ vô lượng như là: trí huệ vô lượng, hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng, tài nghệ vô lượng, đức năng vô lượng, thanh tịnh vô lượng v.v... Kinh đây lấy chữ “Vô Lượng Thọ” làm đại biểu để chỉ cho hết thảy các thứ vô lượng mà người nhiếp giữ, thọ trì Kinh này đều sẽ đạt đến chỗ đồng nhất với Phật A Di Đà. Lại do vì trong tất cả các thứ vô lượng ấy, thọ mạng là điều trọng yếu nhất, vì sao? Bởi do có thọ mạng vô lượng thì mới có thể thọ dụng các thứ vô lượng khác; cho nên chữ “Vô Lượng Thọ” được dùng làm đại biểu cho hết thảy các thứ vô lượng sẵn có trong Chân tâm Bổn tánh của từng mỗi chúng sanh.
· “Trang nghiêm” là nói đến hoàn cảnh cuộc sống và thân tướng, hết thảy đều đầy đủ vô lượng các thứ tốt đẹp, không thiếu sót một mảy may nào.
· “Thanh tịnh” là rời khỏi mọi ô nhiễm ở nơi thân tướng và hoàn cảnh thế gian bằng cách viễn ly tâm tham, sân, si, kiêu mạn và nghi hoặc.
· “Bình đẳng” là không có sai biệt, không có tâm phân biệt, chấp trước.
· “Giác” là giác ngộ, không còn mê lầm.
Như vậy, chữ “Thanh tịnh Bình đẳng Giác” trên đề tựa của Kinh đã dạy rõ: Trong sinh hoạt đời thường, chúng ta cần phải lấy cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng và tâm giác ngộ để đối xử với tất cả mọi người, mọi sự và mọi vật.
· “Kinh” là giáo lý và phương pháp mà Phật tuyên nói, là quyển sách giáo khoa chánh xác nhất, mãi mãi không bao giờ thay đổi, cũng không bị hạn chế bởi bất cứ thời gian và không gian nào. Kinh tiếng Phạn là Sũtra. Chữ Kinh được dùng trong Kinh điển Phật giáo có hai nghĩa; đó là: Khế Kinh và Thường Pháp.
“Khế Kinh” nghĩa là trên thì khế hợp với đạo lý của chư Phật và dưới thì phù hợp với căn cơ, trình độ và hoàn cảnh sống của mọi chúng sanh để giáo hóa họ trong mọi lúc, mọi thời, không bỏ sót một ai. Khế Kinh chính là con đường dẫn dắt chúng sanh chứng ngộ chân lý mà có được giải thoát giác ngộ. Đạo lý Khổng Mạnh và Lão Tử cũng có Kinh Đạo Đức; tuy nhiên những Kinh này chỉ chú trọng vào Nhân đạo, tức là đạo lý ăn hiền, ở lành: trung, nghĩa, lễ, trí, tín để làm căn bản cho cuộc sống của con người, để con người có được một xả hội thái bình, yên vui, trật tự, nhưng chẳng thể gọi là Khế Kinh, vì sao? Vì chỉ Kinh do đức Phật thuyết, mới có thể giúp chúng sanh thấu triệt Thật tướng của nhân sinh vũ trụ, chứng ngộ chân lý giải thoát giác ngộ mà đạt vào cảnh giới vô sanh vô diệt; do đó, chỉ có Kinh Phật mới được gọi là Khế Kinh.
“Thường Pháp” nghĩa là một chân lý không hề thay đổi. Quá khứ Phật đã nói Pháp thế nào, hiện tại Phật nói Pháp như vậy và tương lai Phật cũng sẽ nói Pháp như thế ấy. Dù cho Phật dùng phương tiện nói pháp có khác nhau, có cạn, có sâu, có tiểu, có trung, có đại, nhưng tánh của tất cả các pháp mà Phật nói đều là nhất thể bất biến, không bao giờ thay đổi. Thí dụ, Phật Thích Ca thuyết Tứ Diệu Đế: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, thì Phật quá khứ Ca Diếp hay Phật tương lai Di Lặc cũng nói chân lý Tứ Diệu Đế giống hệt như vậy, không sai không khác. Phật Thích Ca nói hết thảy chúng sanh đều nằm trong chu kỳ sanh lão bệnh tử, đã mang thân ngũ ấm thì phải chịu sanh, trụ, hoại, diệt. Thế giới vũ trụ dù rộng lớn, bao la vô cùng vô tận đến mấy cũng không thoát khỏi thành, trụ, hoại, không. Vì đây là chân lý sự thật của vũ trụ nhân sanh, không hề có thay đổi, nên chư Phật ba đời đều thuyết giống nhau; giáo pháp này gọi là Thường Pháp.
Chúng ta cũng biết trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, đức Thế Tôn nói các Kinh khác chỉ một lần, nhưng đối với bộ Kinh “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” thì Ngài lại nói rất nhiều lần. Ngoài ra, theo mục lục liệt kê thì bộ Kinh này đã được dịch từ Kinh Phạn gốc đến mười hai lần. Hiện nay, chỉ còn lại năm bản dịch, bảy bản dịch khác đã bị thất truyền. Mỗi lần giảng nói, đức Phật đều tùy duyên mà nói sâu cạn khác nhau; do đó, từ năm bản dịch với nội dụng có phần khác nhau này, người ta ước đoán là Phật đã thuyết ít nhất là ba lần khác nhau. So với Kinh này, thì Kinh Kim Cang có tất cả là sáu bản dịch từ một bản Phạn gốc, chứng tỏ rằng đức Thế Tôn chỉ giảng Kinh Kim Cang chỉ có một lần. Những sự kiện này cũng đủ chứng minh bộ Kinh “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” rất quan trọng, là tâm tủy của hết thảy chư Phật, có thể cứu vớt chúng sanh thoát ra khỏi ngục ba cõi, vãng sanh Cực Lạc, thành tựu Phật quả cứu cánh; do vậy nên Phật mới nói nhiều lần.
Trong Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, đức Thế Tôn khuyên bảo chúng sanh: “Nơi Kinh điển này, xưng tán, biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”, “trai gái sang hèn, bà con bạn bè, thay nhau dạy bảo, cùng nhau kiểm thảo, nghĩa lý thuận hòa, vui vẻ hiếu hiền.” Nay, Phật tử chúng ta chân thành cung kính tiếp nhận Thánh ý, tùy hỷ kết duyên với bạn lành khắp nơi, để cùng nhau nghiên cứu, học tập theo những lời giáo huấn của đức Phật từ trong Kinh điển này, nhằm cùng dìu dắt nhau trên con đường tu hành chứng ngộ chân lý mà có được giải thoát giác ngộ chân thật.
Vì sao đức Phật khuyên bảo chúng ta phải xưng tán, biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói Kinh điển này? Vì chúng ta mỗi lần mắt thấy, tai nghe và miệng nói ra những văn tự Bát Nhã trong Kinh là mỗi lần cảm nhận được cảnh giới mới hiện ra khiến cho trí huệ, thiện căn và phước đức càng thêm tăng thượng. Những gì được chia sẻ trong quyển sách này chú giải của hạ nhân, phần lớn đều là những ý kiến trích dẫn từ những Kinh điển Đại thừa khác, hoặc những lời giảng dạy của chư Tổ sư Đại đức và đại lão cư sĩ, nhằm giúp hết thảy chúng ta cùng khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, ngộ Phật tri kiến và nhập Phật tri kiến một cách đúng đắn, không mắc phải lỗi lầm, xa rời ý chỉ của Phật.
Giáo lý của Phật Đà được xem như là cái địa bàn chỉ phương hướng, người tu hành cũng ví như kẻ vượt biển; trên biển cả mênh mông, bầu trời lại vắng ánh mặt trời, mặt trăng soi hướng. Nếu người vượt biển chẳng mang theo địa bàn ắt sẽ bị thất lạc hướng mình muốn đến. Lại nữa, trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn răn dạy những điều như là: “thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế, nên nói như thế, chỗ Như Lai làm cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh độ”, “nghe Kinh điển này thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, ngày đêm không ngừng cầu sanh Cực Lạc,” “ở trong Kinh này, sinh tưởng đạo sư”, “bởi trong pháp này, không chịu lắng nghe, nên ức Bồ-tát, tâm bị thối chuyển, quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” v.v… Từ trong những lời căn dặn này, chúng ta thấy đức Thế Tôn bi tâm vô lượng, Ngài dùng Kinh điển này để nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, không bỏ sót một ai. Lại nữa, bởi do Kinh này dạy vô thượng đại pháp Nhất Thừa Nguyện Hải, sáu chữ hồng danh, nên đức Thế Tôn cực lực khuyên gắng chúng sanh phải trì niệm Kinh này.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì muốn cứu quần sanh, ban cho họ cái lợi chân thật, nên mới nói ra Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ. Trong Kinh này, Phật nêu rõ hoàn cảnh sinh hoạt vô cùng tốt đẹp, không thể nói hết trong thế giới Tây Phương của Phật A Di Đà. Tất cả nhân dân ở cõi đó, ai nấy đều thành tựu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ triệt để, biết rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Thêm nữa, ở trong Kinh này, Phật còn dạy rất cặn kẽ phương pháp tu hành như thế nào để cầu sanh Tịnh độ. Nay, chúng ta phát tâm thọ trì Kinh này thì phải phụng hành đúng theo lời Phật chỉ bảo, thật sự vì sanh tử phát Bồ-đề tâm, tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật, ròng rặc chỉ giữ một câu Phật hiệu trong mọi niệm thì nhất định như người nhiễm hương, thân có mùi hương. Lúc lâm chung, chắc chắn sẽ thấy A Di Đà Phật, tướng hảo quang minh, hiện thân tiếp dẫn, từ bi gia hựu, khiến tâm chẳng loạn, quyết định được vãng sanh, chứng lên bất thoái, sanh trọn vẹn cả bốn cõi Tịnh độ, rốt ráo Niết-bàn.