Bhutan là quốc gia không hứng thú với Internet, chẳng mặn mà với giải trí và hơn một nửa dân số chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng vẫn thu hút hàng triệu du khách quốc tế. Điều gì làm nên sức hút của quốc gia nhỏ bé này?
Hành trình gian nan đến với quốc gia hạnh phúc Nằm sâu trong dãy Himalaya, lọt thỏm giữa Tây Tạng và Ấn Độ, Bhutan được mệnh danh là “vùng đất của Thần Sấm”, hay là quốc gia hạnh phúc, nơi được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống cuối cùng còn sót lại.
Tuy là quốc gia nhỏ bé, gần như bị cô lập với bên ngoài, nhưng Bhutan lại gây chú ý với thế giới bằng chính cách sống khác biệt của mình: Chọn GNH - chỉ số hạnh phúc thay cho GDP.
Vì lo ngại những tác động tiêu cực từ du lịch lên hệ sinh thái nhạy cảm của đất nước mà Chính phủ Bhutan rất khắt khe đối với du khách. Visa đến đây chỉ cấp theo yêu cầu của các công ty khai thác du lịch và phải đầy đủ giấy tờ hợp lệ mới được thông qua.
Một lý do hạn chế du lịch khác lại nằm ở hành trình bay đến quốc gia hạnh phúc này. Bhutan chỉ có một sân bay quốc tế là Paro, nhưng cũng rất bé, thậm chí còn nhỏ hơn cả Sân bay Nà Sản (Sơn La) - sân bay bé nhất của Việt Nam tôi từng chứng kiến. Chưa kể, nó còn nằm kẹp giữa hai dãy núi cao, rất nguy hiểm khi cất và hạ cánh nếu phi công không quen đường.
Muốn đến Bhutan, tôi phải quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan) rất lâu, sau đó phải dừng chân ở Ấn Độ để đổi phi cơ. Tuy nhiên, với nhiều du khách, càng khó khăn, họ càng tò mò và khát khao khám phá vùng đất cổ tích này.
Trong chuyến hành trình đến Bhutan, khi máy bay của tôi ngang qua đỉnh Everest lấp lánh phủ tuyết, vị cơ trưởng tự hào “xúi’ hành khách của mình nên ngó ra cửa sổ, vì bên ngoài là nóc nhà quyến rũ nhất hành tinh.
Quả thực, ai cũng sững sờ trước sự kỳ diệu và hùng vĩ của thiên nhiên. Những người theo đạo Phật thì bắt đầu tụng kinh và ca ngợi ân huệ thánh thần đã cho họ cơ hội được 1 lần trong đời hạnh ngộ với Everest kiêu hùng.
Đang say sưa trong niềm hạnh phúc được ngắm nhìn nóc nhà thế giới, thì máy bay bỗng giảm độ cao rồi từ từ xuyên qua khe núi hẹp như phim hành động, khiến tôi thót tim và chỉ thở phào khi hai chân đã vững trên mặt đất.
Hạnh phúc bên trong cánh cửa “mở hé” Bhutan, vương quốc hạnh phúc nhất thế gian đây rồi. Những con phố sạch sẽ, yên bình tô điểm cho các dãy nhà truyền thống cầu kỳ treo đầy ớt. Cảnh vật nhuốm màu thời gian huyễn hoặc như hiện ra từ một quá khứ xa xôi.
Anh hướng dẫn viên đón đoàn rồi đưa chúng tôi đến một quán ăn chay. Vừa lái xe chạy qua các phố, anh vừa chuyện trò rôm rả rồi khuyên mọi người đã đến Bhutan thì nên bỏ lại mọi ý niệm về thế giới ở bên ngoài. Vì quốc gia hạnh phúc này chẳng tuân theo quy luật nào của nhân loại cả. Hãy cứ để tinh thần mình thật trống rỗng, tâm hồn rộng lòng hết cỡ và một cái bụng đói cồn cào nữa để đón nhận hết thảy những bất ngờ về Bhutan.
Anh đưa chúng tôi đến một quán chay treo đầy ớt với các món ăn theo phong cách người Ấn. Tức là có cà ri, rau củ quả, thêm bơ sữa, phô mai và không thể quên ớt cay xè lưỡi.
Mới ở Bhutan có vài phút, nhưng đâu đâu tôi cũng thấy toàn ớt là ớt. Ớt bán đầy ngoài chợ, phơi đỏ thành từng bao tải, ớt trong từng mâm cơm, treo đầy cửa sổ như thể ớt chính là quốc quả của xứ này vậy.
Vì đói, tôi vội đưa ngay đồ ăn vào miệng, nhưng phải nhai chậm lại do gạo Ấn khá khô, cùng với vị cay của các loại gia vị mới lạ. Nào thêm chút sốt củ quả cà ri cay nồng cùng hương thơm the thé của lá thảo dược, bơ siêu ngậy, phomai siêu cứng, hạt tiêu Sichuan bốc lửa dữ dội. Các lớp gia vị xoay vần luân chuyển khiến vị giác tôi ban đầu sợ hãi dè chừng, sau đó tôi quen và cuối bữa ăn thì yêu lấy sự mới mẻ này.
Sau bữa ăn lót dạ, chúng tôi chính thức bước vào hành trình khám phá Bhutan nhỏ bé, nhưng ẩn giấu nhiều điều trong trẻo và hạnh phúc thế gian.
Trong khi phần còn lại của thế giới đang phải chịu áp lực xây nhà to, mua xe đẹp, thì người Bhutan lại dễ dàng hài lòng với những gì họ đang có. Họ rất ít chú trọng đến vật chất, ít xây nhà hiện đại, không trưng nhiều biển quảng cáo, nhưng lại thích tận hưởng cuộc sống yên bình hòa quyện vào thiên nhiên. Sống giữa thiên nhiên, người Bhutan yêu quý, bảo vệ núi rừng như chính cuộc sống của mình.
Bởi vậy, những ngày rong ruổi ở đây, mùi hương tôi ngửi thấy nhiều nhất chính là không khí trong lành thoảng hương nhang trầm tĩnh tại. Khi lên núi lên rừng, tôi ngất ngây trong làn hương của nhiều loại hoa dại mọc vô tư, đan xen cùng hương hoa của xứ an lạc.
Ngoài ra, Bhutan còn là đất nước “5 không 3 có” lần đầu tiên tôi được biết. Năm không: Không đèn giao thông, không sử dụng túi nylon, không hút thuốc lá, không thuốc trừ sâu và không có tội phạm. Ba có: Là quốc gia duy nhất có Bộ Hạnh phúc, có nhiều tu viện và đền thở cổ xưa nhất và còn vua. Nhà vua rất được người dân yêu mến, vì tài giỏi, nhân hậu và đương nhiên ngài… rất đẹp trai.
Năm ngày ở Bhutan, tôi cũng rất ấn tượng với cách người bản xứ trò chuyện với nhau. Họ nói chuyện chỉ giống như chúng ta đang thì thầm. Còn khi gọi ới nhau từ xa, thì âm thanh mới giống như ta đang nói chuyện đối mặt. Làm khách ở đây, tôi cũng không dám nói lớn tiếng bao giờ, vì sợ làm cả Bhutan hốt hoảng. Thậm chí, chân bước cũng phải e dè như dâu mới về nhà chồng.
Ở xứ hạnh phúc, ngoài việc ngắm nhìn con người, phong cảnh và thưởng thức ẩm thực, tôi cũng gom nhặt cho mình một chút trải nghiệm Phật giáo diệu kỳ. Đó là buổi sớm mai trong trẻo tựa cổ tích ở Tu viện Rinpung Dzong trông như một pháo đài cổ. Hay Tu viện Taktsang chênh vênh trên vách núi 3.000 m nhìn xuống thung lũng Paro. Bên dưới, cả rừng cây đồng loạt đổ màu như rát vàng. Không biết khi đi sâu hơn vào núi cao, tuyết phủ hay các am tu mây mù bao phủ thì cảnh vật còn cổ tích đến dường nào.
Tôi lặng lẽ dạo bước chân trần trên hành lang gỗ đầy nắng, ánh mắt lướt đi như dò tìm một cánh áo cà sa đỏ thẫm nào đó. Kia rồi, các thầy tu đang ngồi chụm vào nhau tụng kinh niệm Phật quanh bát hương trầm khói tỏa mù mịt. Theo chân một trong số các thầy tu, tôi bước vào đền thờ cổ đi quanh các vòng xoay khấn nguyện. Người ta tin rằng, chỉ cần xoay các vòng xoay này, con người có thể gửi các lời cầu nguyện lên trời và được may mắn, bình an.
Người Bhutan coi Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà là lẽ sống. Họ coi Phật như người thầy để lại nhiều bài học tinh tế, nên trân trọng và tiếp nhận thực hành. Vì vậy, phần lớn người Bhutan đều theo đạo Phật và ăn chay. Họ luôn tin vào nhân quả, nên sống rất từ bi và nhân ái.
Ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ xứ mình la liệt lễ hội lắm rồi, nhưng hóa ra Bhutan còn nhiều gấp bội phần. Người dân ở đây chia sẻ, lễ hội có thể phủ kín Bhutan hàng tuần. Cứ đến lễ hội, mọi người thay vì tranh thủ bán hàng kiếm lời, thì đóng cửa hàng rồi đi chơi như du khách.
Ngoài buôn bán, làm ảnh mẫu cho du khách dường như là một nghề phụ của người Bhutan. Họ rất thân thiện chụp ảnh với du khách. Nét mặt thanh tú, hướng thiện như lan tỏa vào không khí một niềm hạnh phúc hân hoan. Thứ hạnh phúc không thể đến từ đồ hiệu xa xỉ hay trang sức đắt tiền.
Vài ngày lang thang ở Bhutan, tâm hồn tôi lúc nào cũng rạo rực sức sống, còn tâm trí thì thanh thản như có cả một cánh đồng hoa vàng rộn rã ở trong đó. Mọi ngõ ngách, mái nhà và nụ cười tỏa nắng ở đây đều như tiếp cho người ta thứ năng lượng dịệu kỳ. Những cảnh vật đơn sơ, giản dị nơi nào chẳng có, thế mà chúng đã khiến tâm hồn tôi rung lên những nhịp bồi hồi khó tả.
Tất cả đã khiến tôi nhận ra rằng, hạnh phúc ở Bhutan thật gần. Hạnh phúc của Bhutan được đong bằng hạnh phúc giản dị của người dân. Nó hiện hữu ngay trong ánh mắt nụ cười, trong sự tử tế, chân thành của người bản địa, trong tĩnh lặng, hiền hòa của những ngôi chùa trăm tuổi và ngay cả lúc này đây, khi tôi nhâm nhi tách cà phê nóng giữa điệp trùng núi đồi của dãy Himalaya huyền thoại.