Tất cả các xuất hiện hình tướng đều xuất phát từ thức căn bản a-lại-da hay tạng thức. Kinh nói về tạng thức như sau:
“Tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh, chỉ vì khách trần nhiễm ô mà hoá bất tịnh, có sanh diệt”.
“Như Lai tạng tạng thức này là cảnh giới Phật, là chỗ hành của các Bồ-tát trí thanh tịnh tuỳ thuận chân nghĩa”.
“Chân như là tự tánh viên thành Như Lai tạng tâm”.
Như Lai tạng tức là Pháp thân của tất cả chư Phật. Như Lai tạng này bản tánh là ánh sáng:
“Đại Huệ! Đại Bồ-tát sơ địa nhờ lực gia trì của chư Phật mà nhập định Đại thừa quang minh”. Như Lai tạng hay Pháp thân là quang minh, cho nên các Bồ-tát từ sơ địa bắt đầu vào Pháp thân được gọi là “nhập định Đại thừa quang minh”. Tạng thức Như Lai tạng là nền tảng cho mọi xuất hiện hình tướng, và sự xuất hiện trên nền tảng này được kinh cho nhiều thí dụ: “… như tấm gương sáng không có phân biệt, tuỳ thuận các duyên mà hiện các hình bóng, đó chẳng phải là hình chẳng phải không phải hình, mà người ngu phân biệt bèn thấy ra các tướng hình và chẳng phải hình…”; “… như trong gương sáng hiện các hình sắc, hiện thức cũng vậy…”; “… như nơi gương mặt nước tự thấy mặt mình…”; “… thấy đủ thứ ngọn lửa, tánh lửa vẫn là một…”; “…sóng và nước đại dương…”; “…như ngọc ma-ni tuỳ tâm mà hiện sắc, các pháp như huyễn như mộng, như ảnh, như bóng trong gương, như trăng trong nước, xa lìa sanh diệt, thường đoạn…”; “… như hoa giữa hư không, không sanh không diệt”…
Ở đây, chúng ta chỉ nghiên cứu thí dụ “tấm gương sáng và các hình bóng trong gương”. Các bóng trong gương là do các duyên mà hiện, vì duyên sanh nên vô tự tánh, như huyễn, như mộng… Nhưng các bóng ấy luôn luôn hiện trên nền tảng tấm gương sáng “Như Lai tạng tạng thức bản tánh thanh tịnh”. Người bình thường không thấy tấm gương sáng vì họ chỉ chú mục vào các bóng và chạy theo chúng, bỏ quên nền tảng của các bóng là tấm gương vốn bất động và hằng sáng. Cho nên để thấy tấm gương sáng thì phải thấy như thật các bóng trong gương là như huyễn:
Thân, tài sản, chỗ ở
Đều duy tâm ảnh hiện
Phàm ngu không thể biết
Khởi chấp có chấp không
Cảnh giới chỉ là tâm
Lìa tâm không thể đắc.
Thấy các bóng là không thật, như huyễn đến đâu thì tấm gương sáng hiện ra đến đó. Thấy như huyễn đến đâu thì giải thoát đến đó. Thấy như huyễn là đi vào các địa của Pháp thân:
“Đại Huệ! Lại có Sa-môn, Bà-la-môn quán thấy tất cả pháp đều vô tự tánh, như mây giữa hư không, như vòng lửa quay, như trăng trong nước, như cảnh trong mộng, chẳng lìa tự tâm, do hư vọng thấy từ vô thuỷ đến nay mà bám giữ cho là bên ngoài. Quán như thế rồi, cắt đứt duyên phân biệt, cũng lìa sự bám giữ danh và nghĩa của vọng tâm, biết thân, tài sản, chỗ ở… tất cả đều là cảnh giới của tạng thức, không có gì là năng sở bám giữ và sanh trụ diệt,tư duy như vậy thường xuyên không bỏ. Đại Huệ! Các Đại Bồ-tát ấy không lâu sẽ đắc sanh tử và Niết-bàn cả hai bình đẳng, đại bi phương tiện vô công dụng hạnh, quán thấy chúng sanh như huyễn như ảnh theo duyên mà khởi, biết tất cả cảnh giới lìa tâm thì không thể đắc. Hành đạo vô tướng dần lên các địa, trụ trong tam-muội, thấy rõ ba cõi đều duy tự tâm, đắc như huyễn định, tuyệt hết tất cả ảnh tượng, thành tựu trí huệ, chứng vô sanh nhẫn, nhập định như kim cương, sẽ đắc Phật thân, hằng trụ như như, khởi các lực thần thông biến hoá tự tại. Đại Huệ! Các vị ấy có phương tiện để trang nghiêm, du hý các cõi nước Phật, lìa tâm, ý, ý thức, lần lượt chuyển y thành thân Như Lai.
Đại Huệ! Đại Bồ-tát muốn đắc thân Phật, phải nên xa lìa uẩn, giới, xứ do tâm nhân duyên tạo ra, các pháp sanh trụ diệt, các phân biệt hý luận. Chỉ trụ tâm lượng quán sát ba cõi từ vô thuỷ đến nay đều do hư vọng tích tập mà khởi. Tư duy Phật địa vốn vô tướng, vô sanh, tự chứng thánh pháp, được tâm tự tại vô công dụng hạnh, như ngọc như ý tuỳ nghi hiện thân, khiến đạt duy tâm dần vào các địa. Thế nên, Đại Huệ! Đại Bồ-tát nên khéo tu học chân lý tự chứng này”.
Đây là con đường quán như huyễn để thấy sanh tử là như huyễn, do đó thoát khỏi sanh tử, dần vào như huyễn tam-muội, chứng vô sanh pháp nhẫn và đi đến giác ngộ viên mãn của một vị Phật. Người ta “lìa tâm, ý, ý thức” phân biệt hư vọng bằng cách quan như huyễn để đi vào các địa Pháp thân. Ở đây, chúng ta học như huyễn như mộng bằng thí dụ “tấm gương sáng và các bóng trong gương”, soi sáng những khía cạnh của thí dụ ấy, bởi vì thấy các bóng trong gương, các hình tướng của sanh tử là như huyễn như mộng tức là giải thoát.
- Các bóng là như huyễn vì không có tự tánh, có hiện là nhờ nền tảng là tấm gương sáng, tuỳ các duyên mà hiện, một duyên thay đổi thì toàn cảnh thay đổi. Không có duyên thì không hiện. Điều này cũng giống như trong giấc mộng.
- Giấc mộng sở dĩ có được là do sự phóng chiếu của nghiệp thức cá nhân trên nền tảng là Như Lai tạng vốn thanh tịnh và quang minh. Cũng thế, các trạng thái một đời người có thể kinh nghiệm là trạng thái thức, trạng thái ngủ, trạng thái thiền định và trạng thái trung ấm đều là sự phóng chiếu, biến hiện của thức cá nhân trên nền tảng Như Lai tạng thanh tịnh và quang minh. Chúng là các hình bóng theo các duyên mà hiện trên tấm gương vốn thanh tịnh và quang minh.
- Các bóng là do thức sai biệt mà hiện ra sai khác, nhưng thật ra sự sai khác đó không thật vì các bóng chỉ là gương, lìa gương thì không thể có bóng nào cả. Hai người nghiệp thức khác nhau thì thấy gương hình như khác nhau vì các bóng trong đó khác nhau, nhưng thật ra chỉ có một gương sáng “thật tướng của tạng thức là vô sai biệt”.
- Dù tuỳ theo nghiệp riêng mà có các bóng khác nhau nhưng bản chất của các bóng là ánh sáng, chung một ánh sáng của gương. Các bóng chỉ là ánh sáng được nhìn qua nghiệp thức phân biệt biến hiện của mỗi người. Cho nên khi nhìn thấy các bóng chỉ là ánh sáng của gương được khuôn theo tạng thức riêng của mỗi người, các bóng chỉ là ánh sáng được “đóng khuôn thành hình tướng” theo cái vọng thấy của mỗi người, chúng ta thấy như thật các bóng là như huyễn và có bản chất là ánh sáng căn bản vốn có của gương. Các hình tướng thấy được khi thức và khi ngủ đều là ánh sáng, nhưng hiện hình theo nghiệp thức của mỗi người. Thấy các bóng, các hình tướng là hiện hình của ánh sáng đồng nhất và độc nhất, ánh sáng của tấm gương toàn khắp, đó là cái thấy giải thoát.
- Các bóng là biểu hiện của ánh sáng của gương, các hình tướng là biểu hiện của ánh sáng của Pháp thân, thấy được như vậy là chúng ta bắt đầu “nhập định Đại thừa quang minh” hay đi vào ánh sáng của Pháp thân. Càng thấy các bóng, các hình tướng là như huyễn, nghĩa là càng xa lìa cái vọng thấy cho là có thật, chúng ta càng đi sâu vào ánh sáng của gương; càng thấy ánh sáng rộng khắp của gương, càng thấy toàn bộ mặt gương sáng.
Toàn bộ mặt gương sáng này, Duy thức gọi là Đại viên cảnh trí, trí như tấm gương lớn tròn sáng. Đây là trí làm nền tảng cho ba trí Bình đẳng tánh, Diệu quan sát và Thành sở tác. Trí này cũng được gọi là “Pháp thân của chư Phật”.
- Khi thấy các bóng là biểu hiện theo duyên sanh của ánh sáng vốn sẵn của gương, các hình tướng là biểu hiện theo duyên sanh của ánh sáng nền tảng căn bản vốn sẵn có của Pháp thân, nghĩa là chúng như huyễn như mộng, người ta đi vào “định Đại thừa quang minh” hay “Như huyễn tam-muội”. Như huyễn nghĩa là vô sanh, như huyễn tam-muội là vô sanh pháp nhẫn.
“Chư Như Lai quá khứ, vị lai, hiện tại nói tất cả pháp chẳng sanh. Vì sao thế? Vì cái mà tự tâm thấy chẳng phải có tánh, lìa có, cho nên vô sanh, như sừng thỏ, sừng ngựa… mà người ngu vọng chấp. Đại Huệ! Thân thể, tài sản, thế giới… tất cả đều là ảnh tượng của tạng thức, đối tượng để nắm giữ và người nắm giữ cả hai đồng thời hiện, những người ngu kia theo hai kiến chấp sanh trụ diệt, ở trong đó mà vọng khởi phân biệt có, không. Đại Huệ! Ông nên chuyên cần tu học nghĩa này”.
Như thế, các tướng, các bóng thấy như có sanh nhưng thật ra là vô sanh. Như huyễn là ở trong các tướng tạo ra sanh tử, với chúng sanh là có sanh thì với Bồ-tát là vô sanh. Người tu hạnh Bồ-tát thì không bỏ chúng sanh, không bỏ thế giới hình tướng sanh tử nơi trú ngụ của chúng sanh để hoàn toàn chứng đắc tấm gương không có bóng, ánh sáng căn bản không có các hình tướng. Người Bồ-tát vẫn ở nơi sanh tử, ở nơi tấm gương có tất cả các bóng, mà thấy chúng là vô sanh.
Người Bồ-tát sống trong cùng một tấm gương sáng có các bóng, trong cùng ánh sáng căn bản có các tướng như chúng sanh, nhưng thay vì như người thường thấy các bóng, các tướng là thật, thì người Bồ- tát thấy chúng là như huyễn, là vô sanh. Đây là như huyễn tam-muội.