Bài viết này sẽ khảo sát một số thắc mắc thường gặp về Thiền Tông, hy vọng tiện dụng cho một số độc giả còn nhiều nghi vấn. Những chỗ cần tham khảo, xin dò theo ký số kinh bản, hay dò theo các liên kết cuối bài. Một số câu được ghi kèm tiếng Anh để độc giả thấy ngay trước mắt không phải tạm ngưng để dò bản tiếng Anh trên mạng. Bài này sẽ tập trung vào khía cạnh thực dụng lời Đức Phật dạy, và sẽ viết rất mực đơn giản ở mức có thể được. Trong phần Ghi Chú cuối bài, độc giả sẽ thấy các ký số không bình thường, vì bài này được viết đi, viết lại nhiều lần, và khi cần ghi chú thêm giữa bài, đành chọn cách ghi số xen vào. Bài viết này có vài chỗ sẽ gây suy nghĩ phức tạp, nhưng người viết hoàn toàn không có ý muốn tranh luận, vì tự biết mình tu học chưa tới đâu, và cũng vì chỉ muốn giải thích Phật pháp qua những khía cạnh có thể thực tập tức khắc, để độc giả có thể kinh nghiệm ngay trên thân và tâm trong thời gian nhanh nhất. Mọi sai sót xin được sám hối và lắng nghe chỉ dạy.
Nói giải thoát, chỉ đơn giản là xa lìa tham sân si. Nói Thiền Tông là bất lập văn tự, vì không dùng lời nói hết được, vì lời nào cũng vướng vào nhị nguyên đúng/sai, có/không. Chỉ duy Đức Phật mới đủ biện tài để dùng lời siêu việt mọi vướng mắc ở ba cõi. Đặc biệt, Thiền Tông và cả hệ thống Bát Nhã của ngài Long Thọ, đều là từ những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong những năm đầu Thế Tôn hoằng pháp. Lúc đó, các vị sa môn trong những năm đầu đã đọc tụng hằng ngày một số kinh, trong đó hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, khi Đức Phật sinh tiền, là:
- Atthaka Vagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ tư, còn gọi là 'The Octet Chapter' tức Phẩm Tám).
- Parayanavagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ năm, còn gọi là 'The Chapter on the Way to the Far Shore' tức Phẩm Qua Bờ Bên Kia).
Dẫn chứng hai nhóm kinh này dùng cho tứ chúng thời Đức Phật làm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời đã giải thích trong “Vài Ghi Chú Rời Về Thiền” (1), nơi đây sẽ thảo luận khía cạnh khác.
Sự thật của vũ trụ, hay sự thật của chúng sinh ba cõi (Dục, Sắc, Vô Sắc), là Bốn Sự Thật, hay Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), có khi còn gọi tắt là Hai Sự Thật, hay Nhị Đế (Khổ, Diệt Khổ). Phương pháp lìa khổ là Bát Chánh Đạo, hay đường đi có 8 chi, nằm trong Đạo Đế.
Điều ngạc nhiên là, trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không nói gì tới Tứ Đế, mà chỉ nói tới khổ và lìa khổ. Nghĩa là, chúng ta có thể đoán rằng, trong các năm đầu tiên, Đức Phật dạy Nhị Đế (khổ và lìa khổ), và nhiều năm sau mới soạn lại thành Tứ Đế. Cũng có thể vì khi dạy quý tăng chúng trong các năm đầu chủ yếu là đối cơ, tùy căn cơ mà dạy.
Trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời cũng không nói gì tới Bát Chánh Đạo, nghĩa là, không sắp theo trật tự 8 chi như bây giờ chúng ta học, tuy rằng tất cả nội dung Bát Chánh Đạo đều rải rác, có đầy đủ qua các kinh nhật tụng này. Chủ yếu phương pháp tu là, tùy theo kinh trong hai nhóm kinh này: xa lìa cả Hữu và Vô, xả ly (buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức ở cả ba thời, quá, hiện, vị lai), giữ tâm vô sở trụ, thấy các pháp là vô ngã, là vô thường, là Không, là như huyễn… Nghĩa là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời thuần túy là Thiền Tông (mà chúng ta còn gọi là Thiền Đạt Ma, Thiền Đông Độ, hay tại Việt Nam có khi còn quen gọi là Thiền Trúc Lâm, vì dòng này lớn nhất và ảnh hưởng nhất tại VN). Bài này sẽ khảo sát thêm các ý vừa nói.
Cũng bất ngờ là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời này không sử dụng chữ A La Hán hay các bậc Thánh, cũng không phân chia thứ bậc Tứ Thánh, như hiện nay chúng ta học là: Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán. Nghĩa là, những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật không dùng các chữ vừa ghi.
Lấy thí dụ như ở Phẩm Tám, Kinh Snp 4.2 gồm tám bài kệ, trong đó hai đoạn cuối kinh, bài kệ số 778 và bài kệ 779, có 2 chữ để chỉ người đã giải thoát.
Bản dịch Khantipalo (1) theo thứ tự hai bài kệ 778 và 779, dùng chữ: "the sage" (hiền giả), "the wise" (trí giả).
Bản dịch Thanissaro Bhikkhu (1), tương tự, dùng chữ: "the enlightened person" (người giác ngộ), "the sage" (hiền giả).
Bản dịch Bhikkhu Bodhi (1), tương tự, dùng chữ: "the wise person" (người trí tuệ), "the muni" (người tịch tịnh).
Bản dịch Bhante Varado (1), tương tự, dùng chữ: "the wise person" (người trí tuệ), "the sage" (hiền giả).
Tương tự, đọc toàn bộ gần 40 bài kinh trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không hề thấy chữ “A La Hán”, cũng không thấy dạy về pháp thở, không dạy những gì cần tới con số thứ tự. Chúng ta không biết chính xác vì sao. Có thể suy đoán rằng, Đức Phật yêu cầu tứ chúng hàng ngày đọc tụng hai nhóm kinh đó, vì thời xa xưa chưa có chữ viết, và không nhiều người dân có học – lúc đó, giai cấp thượng lưu là Bà La Môn và Sát Đế Lợi mới được học để cai trị đất nước – nên lời dạy cần trực tiếp, nói thẳng vào tâm người. Có thể, nhiều năm sau, Đức Phật mới sắp xếp theo các pháp số. Chúng ta chỉ tạm suy đoán như thế, vì nghiên cứu này xin để cho các học giả. Điều muốn nói nơi đây rằng, Thiền Tông là phần lớn trực tiếp từ hai nhóm kinh này, trong khi vài trăm năm sau mới có chuyện Nam Truyền và Bắc Truyền.
CÁC PHÁP NHƯ HUYỄN
Đức Phật đã dạy rằng tất cả những gì ý thức chúng ta nhận biết, nghĩ ngợi, tư lường thực ra đều là sản phẩm dựng lên như trò ảo thuật. Trong Tương Ưng Bộ, có Kinh SN 22.95 có thể tóm tắt như sau: Sắc y hệt như đống bọt nước, Thọ như bong bóng nước, Tưởng như tia ráng nắng, Hành như lớp vỏ cây chuối, Thức như ảo thuật gia dựng lên đủ thứ hình ảnh... Hãy tu như lửa đang cháy trên đầu, hãy tỉnh giác đêm ngày nhìn thấy các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều rỗng rang, và hãy xả ly tất cả các pháp, rồi sẽ
chứng được cảnh bất động, bất khả hư hoại. (Bhikkhu Bodhi dịch là:
the imperishable state; Thanissaro Bhikkhu dịch:
the state with no falling away; Piya Tan dịch:
the death-free state). Đó là Kinh SN 22.95. Nghĩa là, thấy trước mắt, bên tai, toàn thân toàn tâm, trong và ngoài, đều rỗng rang, đều như huyễn. Nhưng khi ly huyễn xong, sẽ là cảnh bất động của Niết Bàn.
Kinh rất mực đơn giản, yêu cầu ngày đêm giữ tâm nhìn tất cả các pháp như ráng nắng, như trò ảo thuật, trong đó phần đầu y hệt Bát Nhã Tâm Kinh, phần sau là giữ tâm xả ly, y hệt lời dạy “buông xả cả thân tâm” (thân tâm phóng hạ) trong Thiền Tào Động. Pháp xả ly này cũng có nghĩa là tâm vô sở trụ, nghĩa là, như Kinh Kim Cương để thấy không có chỗ nào cho tâm an trụ, hay như Kinh Tiểu Không ghi lời Đức Phật rằng nhờ an trú Không cho nên an trú rất nhiều.
Trong Bắc Tông, Kinh Viên Giác ghi lời Đức Phật trả lời Bồ Tát Phổ Hiền rằng khi thường trực giữ tâm nhận biết các pháp như huyễn, sẽ không cần phương tiện tu hành gì khác, và biết huyễn là pháp trực tiếp không có thứ bậc, vì tức khắc không tham sân si nào vướng nữa:
tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ.... biết các pháp hóa hiện như huyễn tức khắc đạt xả ly, chẳng khởi phương tiện gì, xả ly các huyễn tức là tỉnh giác, cũng không có tu tập thứ lớp...
Trong Tạng Pali, Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) để lại bài kệ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” mô tả rằng tất cả các pháp trong ba cõi, cả thân tâm (sắc thọ tưởng hành thức) đều đang chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim:
Those who have been born are standing
Like a seed upon a needle. (1)
(Dịch: Những người đã sinh ra, đang đứng đây y hệt như một hạt mè lơ lửng trên đầu một mũi kim.)
Hễ cảm nhận các pháp trôi chảy như thế, đó là thấy như huyễn. Trong cái nhìn đó, hễ khởi tâm gì đi nữa, cũng sẽ làm mất cảm nhận về dòng chảy như huyễn. Khi cảm nhận như huyễn trôi chảy qua thân tâm mình như thế, không có gì khác cần làm nữa, vì lập tức là ly nhất thiết pháp. Khi cảm nhận dòng vô thường trôi chảy trên toàn thân như thế, trôi chảy xuyên qua khắp toàn thân mình, cũng có thể gọi đó là “niệm vô thường” và cũng có thể gọi là “niệm toàn thân, và là niệm toàn tâm” vì lúc đó thân và tâm sẽ thấy như là một, nhưng không hề một hay nhiều, không hề có “tôi” hay “người” và tất cả chỉ là dòng thời gian trôi chảy trên toàn thân. Thiền Tào Động Hoa Kỳ thường dùng chữ “body practice” khi diễn giải lời của Thiền sư Dogen (1200 – 1253) rằng:
mindfulness of the body is the body’s mindfulness (
tỉnh thức niệm về thân cũng chính là niệm tỉnh thức của thân), nghĩa là toàn thân da xương máu thịt đang tự tỉnh thức, tự niệm. Ai cũng có thể tập pháp này, chỉ cần cảm nhận toàn thân lặng lẽ trong khi tất cả vô thường chảy xiết toàn thân, như điểm tiếp giáp của hạt đậu trên đầu mũi kim. Tức khắc tự nhiên ngôn ngữ biến mất, không nghĩ ngợi gì được, dù là nghĩ chuyện hôm qua, ngày mai hay hiện tại, và tất cả nghĩ ngợi vắng bặt, vì hễ nghĩ ngợi là sẽ mất cảm nhận về dòng vô thường trên toàn thân. Nghĩa là, bất tác phương tiện.
Chỗ này nên giải thích thêm, rằng Thiền Tông xem thân và tâm là một thể. Tạng Pali có Kinh SN 12.67 ghi lời Đức Phật so sánh với bó cỏ tranh (có sinh tức có danh-sắc, tức có thức, tức có sáu căn, tức có xúc, tức có thọ, tức có tham luyến say mê, tức có già chết đau khổ…). Và khi rút một cọng tranh ra, dù là cọng tranh nào, rồi cả bó cỏ tranh sẽ sụp đổ (If one were to pull away one of those sheaves of reeds, the other would fall; if one were to pull away the other, the first one would fall) dù đó là xả ly và tịch diệt thức (consciousness) hay tịch diệt hành (fabrications). Thiền Tông xem khắp thế giới này (trong và ngoài) đều là kinh nghiệm của thân tâm; không phải là không có thế giới bên ngoài, nhưng, để thí dụ, như “mây xanh, gà gáy” chỉ là “cái được thấy và cái được nghe”… Và thế thôi. Như thế, Thiền Tông là sống với kinh nghiệm về toàn thể thế giới (trong và ngoài) y hệt như Kinh Bahiya. Ngay khi kinh nghiệm như thế, ngôn ngữ vắng bặt; có nói gì cũng không trúng.
.
EINSTEIN: TẤT CẢ ĐỀU NHƯ HUYỄN
Các nhà khoa học cũng nói sau Đức Phật hơn hai ngàn năm rằng tất cả các pháp đều như huyễn, như mộng.
Nhà khoa học Albert Einstein trong lá thư gửi người bạn thân Robert S. Marcus năm 1950 đã viết rằng “
ảo giác quang học của ý thức” đã phóng chiếu ra kinh nghiệm của từng người. (2)
Trong lá thư khác, gửi cho gia đình nhà vật lý Michele Angelo Besso năm 1955, khi Besso từ trần, Einstein an ủi gia đình người bạn thân đó, trích: “
Bây giờ, anh bạn tôi đã rời thế giới kỳ lạ này một chút trước tôi. Như thế không có nghĩa gì cả. Những người như chúng tôi, những người tin vào môn vật lý, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo giác cứ mãi không tan.” (2)
Có nghĩa là: Einstein nói rằng phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là ảo giác. Câu hỏi nơi đây là, Phật Giáo nói gì về thời gian?
Nếu chỉ dựa theo Kinh, sẽ thấy Đức Phật có nói về ba thời, rằng hãy buông bỏ tất cả các uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) trong quá khứ, tương lai, và hiện tại. Tích truyện Kinh Pháp Cú, kệ 348, ghi về chàng trai Uggasena trong đoàn xiếc làm trò, đứng trên đỉnh một cây gậy, giữa thị trấn Rajagaha. Đức Phật tới gần, nói với chàng: “
Uggasena, người trí nên buông bỏ tất cả dính mắc tới các uẩn, và phải tìm giải thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.”
Rồi Đức Phật đọc bài kệ 348: “
Hãy buông bỏ quá khứ, hãy buông bỏ tương lai, hãy buông bỏ hiện tại. Đạt tới mức cuối của cuộc sinh tồn, với tâm xa lìa tất cả các pháp hữu vi, con sẽ không trở lại sinh tử nữa.” (3)
Tức khắc, Uggasena, trong khi còn đứng trên đầu gậy, đắc quả A La Hán. Chàng trai nhảy xuống, và xin xuất gia theo Đức Phật.
Thời gian thứ tư là “phi thời gian” là khi Đức Phật nói về Niết Bàn. Đó là vĩnh cửu.
Thời gian này là thường hằng, là an lạc, là thanh tịnh -- như ghi trong nhóm Kinh Như Thị Thuyết, Itivuttaka 43, Việt dịch trích như sau:
Giải thoát ra khỏi [sinh tử] là hạnh phúc,
Vượt ngoài lý luận, cái thời gian vĩnh cửu,
Cái không sanh khởi, không tạo tác
Không hề sầu khổ, không hề nhiễm ô
Tịch diệt tất cả những gì liên hệ tới khổ
Vắng tất cả các duyên khởi -- rất mực an lạc. (3)
Cái thời gian vĩnh cữu trong bài kệ trên, Thanissaro Bhikkhu dịch là: The escape from that is calm,
permanent; John D. Ireland dịch là: The escape from that, the peaceful, Beyond reasoning,
everlasting…
Như thế, dựa theo Kinh, sẽ thấy có 4 loại thời gian. Tuy nhiên, trong các bộ luận, như Abhidhamma, thời gian phân chia phức tạp hơn; nhưng đó là chuyện của các luận sư. Như thế, trong khi chúng ta đi đứng nằm ngồi, hãy buông hết tất cả những gì dính tới ba thời.
Tu pháp này cực kỳ hạnh phúc. Sẽ thấy toàn thân, toàn tâm, toàn thế giới dường như là một thể trong dòng phi thời gian, bất kể chúng ta đang đi đứng nằm ngồi. Sách Trung Luận của ngài Long Thọ (Nagaruna), bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu, ghi bài kệ về “Quán Sát Về Đi Đến” là:
“
Lúc đã đi thì không có đi, lúc chưa đi thì cũng không có đi, lìa ngoài đã đi và chưa đi, lúc đang đi cũng không có đi.” (3)
Cũng là diễn lại Kinh Pháp Cú, Kệ 348 đã nói trên, khi tất cả các pháp trở thành một hiện thể thực tướng, là vô thường, và là Phật Tánh hiện ra trước mắt, bên tai – trôi chảy, nhưng vẫn là bất động. Bước đi trong cái không đi, cực kỳ hạnh phúc. Trong khi thấy ba thời vắng lặng, tự nhiên tâm sẽ lặng lẽ, sẽ không dấy động, bất kể mình đang bước đi. Ai cũng có thể tập pháp này: buông hết cả ba thời. Cũng có nghĩa là, nói theo Thiền Tông: bên ngoài lìa tướng, bên trong chẳng loạn.
.
BỒ ĐỀ ĐẠT MA: KHÔNG VƯỚNG TRONG NGOÀI
Tới đây, có một thắc mắc: chàng trai Uggasena trong khoảnh khắc trở thành A La Hán, như thế Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền Tông, theo truyền thuyết ngồi 9 năm nhìn vách đá trên núi Thiếu Thất. Chúng ta thường nghe, thường đọc rằng pháp tu của Thiền Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy là không có pháp nào để tu hết, vì là buông nhất thiết pháp… Vậy thì, Ngài ngồi làm gì?
Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, nơi Cửa Thứ Ba là Nhị Chủng Nhập, phần Xứng Pháp Hạnh có bài kệ, với 4 câu đầu là:
Ngoại tức chư duyên
Nội tâm vô ĐOAN
Tâm như tường bích
Khả dĩ nhập đạo.
(Ghi chú để xin một số trang web và nhà xuất bản dò lại giùm: trong câu thứ nhì nêu trên, chữ "
ĐOAN" không có dấu nặng; một số trang web tiếng Việt đánh máy sai chính tả là: nội tâm vô
ĐOẠN.)
Tạm dịch:
Ngoài, dứt hết các duyên
Trong, không tư lường dính mắc
Tâm hệt như tường vách
Mới có thể vào đạo.
Khi dạy như thế, Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã vâng lời Đức Phật, rằng: hãy để tâm lặng lẽ, không dính gì tới trong hay ngoài, và đó là kết thúc sinh già bệnh chết. Thế nào là “tâm như tường vách”? Vô tướng mới thực là tường vách, vì vô tướng là lìa sanh diệt, bất khả hư hoại.
Trong Trung Bộ, Kinh MN 138, bản tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy ngắn gọn:
"
Thế Tôn nói như sau:
—Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.
Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bước vào tinh xá." (4)
Bản Anh dịch của Ni Trưởng Uppalavanna, đọc y hệt 4 câu kệ trên của Bồ Đề Đạt Ma:
“…the Blessed One said thus. `Bhikkhus, in whatever manner the bhikkhu examines, he finds his external
consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried. Bhikkhus, when the bhikkhu's external consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried, there would not be to him future arisings of birth, decay, death and unpleasantness,' The Blessed One said thus, got up from his seat and went to his dwelling...” (4)
Trong khi HT Thích Minh Châu trong đoạn trên dùng chữ “thức” để chỉ hướng ra ngoài và chữ “tâm” chỉ hướng vào trong, các bản Anh văn chỉ dùng một chữ “consciousness” (thức) cho cái biết về cả ngoài và trong.
Bản của Thanissaro Bhikkhu dịch là: “…his
consciousness neither externally scattered & diffused, nor internally positioned…” (thức của vị đó không phân tán và phan duyên ra ngoài, mà cũng không trụ bên trong…)
Như thế, Đức Phật nơi kinh này dùng chữ “
thức” thay cho chữ chúng ta thường gọi là “
niệm” (thought) – tức một đơn vị diễn biến của tâm.
Bài kệ của Bồ Đề Đạt Ma và Kinh MN 138 dẫn trên cho thấy chỉ để tâm lặng lẽ, trong ngoài không vướng như thế thôi, là tròn đầy giới định huệ. Tâm lặng lẽ là định, thấy rõ trong ngoài mà không vướng là huệ. Nếu tâm không được như thế, bấy giờ mới bàn chuyện phải tu cái gì, phải hành cái gì.
Lục Tổ Huệ Năng cũng nói tu pháp vô tướng nghĩa là không vướng gì tới tất cả trong ngoài. Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực, Phẩm Tọa Thiền viết:
“
Thiện tri thức, nếu người tu theo pháp chẳng động, khi thấy mọi người mà chẳng thấy tất cả thị phi, thiện ác, lỗi lầm của người, tức là tự tánh chẳng động… Thiện tri thức, sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Bên ngoài lìa tướng là THIỀN, bên trong chẳng loạn là ĐỊNH.” (4)
Thực sự, trong với ngoài chỉ là tạm nói, vì khắp thế giới trong ngoài chỉ là những gì hiện ra trong kinh nghiệm của tâm mình thôi.
.
RỖNG RANG, AN TRÚ KHÔNG
Thiền Tông Việt Nam, trong truyền thống, chủ trương pháp đốn ngộ. Trong đó, trước tiên là nhận ra bản tâm chính là tánh không rỗng rang. Và do vậy, lấy Bát Nhã Tâm Kinh làm một phần không thể thiếu vắng trong các kinh nhật tụng. Thiền Tông dạy rằng trước tiên phải ngộ, phải thấy tánh, tức là thấy cái Không của các pháp, và sau khi biết thì cứ lẳng lặng an trú Không. Không này là gì ở cõi này? Thực sự là Duyên khởi, vì các pháp đều vô ngã. Nhưng đây không phải lý luận, mà phải thấy bằng mắt, nghe bằng tai, cảm bằng toàn thân. Không này là vô thường, là duyên khởi. Nghiêng đầu qua trái, qua phải, nhìn sau, nhìn trước đều thấy nghe hay biết và cảm nhận các pháp rỗng rang trong dòng chảy vô thường. Nói KHÔNG, hoàn toàn không có nghĩa là Không Có. Mà Không này là lìa cả Hữu, Vô.
Kinh SN 35.85, ghi lời Đức Phật dạy: Thế giới rỗng rang không tự ngã, mắt (tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều rỗng rang không tự ngã… Nhãn thức (nhĩ thức…) đều rỗng rang không tự ngã… (5)
Trong Trung Bộ, Đức Phật dạy chi tiết tuần tự trong Kinh MN 121 (Cula-suññata Sutta: The Lesser Discourse on Emptiness – Kinh Tiểu Không) về An Trú Không. Trước tiên, Đức Phật dạy ngài Ananda rằng chớ tưởng (hình dung) về ngôi làng, chớ tưởng về người, chỉ tưởng về cảnh rừng hoang dã, lúc đó trong tâm chỉ có tưởng là cảnh rừng hoang, rồi từ đây tưởng về mặt đất phẳng (không núi đồi sông hồ gì), từ đây tưởng về không gian vô tận và vào rỗng rang thanh tịnh… tuần tự, hình dung rằng thức trải rộng vô biên… tất cả trở thành không, nếu thấy cái gì còn, thì nghĩ rằng “cái này có hiện diện” vì còn duyên vào thân tâm của mình. Và Đức Phật dặn: “Ananda, you should train yourself: 'We will enter & remain in the emptiness that is pure, superior, & unsurpassed.'” (
Ananda, hãy tự tu thế này: Chúng ta sẽ vào, sẽ an trú trong cái Không, mà cái Không này rất mực thanh tịnh, siêu xuất và không gì cao hơn.) (5)
Nếu chúng ta muốn tìm lời dạy đơn giản và dễ nhớ, Đức Phật cũng dạy ngài Mogharaja trong Kinh Tiểu Bộ, Snp 5.15 (trong Nhóm Kinh Nhật Tụng khi Đức Phật còn sinh tiền):
“
Luôn luôn tỉnh thức, nhìn thế giới như là RỖNG KHÔNG, Moghraja; gỡ bỏ bất kỳ quan điểm vào về tự ngã; như thế ngươi sẽ vượt qua sự chết. Nhìn thế giới như thế, ngươi sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.” (5)
(Bản dịch Ireland:
Look upon the world as empty, Mogharaja, ever mindful; uprooting the view of self you may thus be one who overcomes death. So regarding the world one is not seen by the King of Death.
Bản dịch Thanissaro Bhikkhu:
Always mindful, Mogharaja, regard the world as empty, having removed any view in terms of self. This way, one is above and beyond death. One who regards the world in this way isn't seen by Death's King.)
.
Tương tự, Kinh Snp 5.14 trong Kinh Tập, Kinh Tiểu Bộ, ghi lời ngài Posala ca ngợi Đức Thế Tôn, theo bản dịch của Thanissaro Bhikkhu:
“
Tôi thỉnh vấn Đức Thích Ca về kiến thức của người đã xa lìa tưởng về sắc uẩn, người đã buông bỏ toàn bộ thân, tất cả thân, người thấy cả trong và ngoài, ‘Không có gì hết’…”
(I ask the Sakyan about the knowledge of one devoid of perception of forms, who has abandoned all the body, every body, who sees, within & without, 'There is nothing') (5)
Trong ngoài đều thấy là Không… tức là Bát Nhã Tâm Kinh vậy. Thấy trong và ngoài đều không, cũng là bất lập văn tự vậy.
.
Như thế, các Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam hiển nhiên là đã tu theo Kinh Nhật Tụng Sơ Thời.
Vì ngài Vô Ngôn Thông (759?-826) là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải, sang Việt Nam năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ (bây giờ thuộc Hà Nội), truyền pháp, dòng thiền của ngài kéo dài được 17 thế hệ.... Sách kể rằng, ngài Vô Ngôn Thông hốt nhiên triệt ngộ khi nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng:
“Tâm địa nhược KHÔNG, huệ nhật tự chiếu.” (Đất tâm nếu rỗng rang, thì mặt trời trí huệ tự chiếu sáng.)
Hai câu, tám chữ này đã tóm gọn Kinh Snp 5.15. Bản dịch của quý Thầy Thích Thanh Từ, Thích Duy Lực, GS Lê Mạnh Thát đều ghi là “tâm địa nhược KHÔNG.” Tuy nhiên, một vị sư Việt Nam nổi tiếng viết là “tâm địa nhược THÔNG,” và ngài giải thích theo nghĩa chữ THÔNG (tức thông suốt), và sách phổ biến khắp nơi. Nơi đây, người viết không tiện ghi links để tránh bị ngộ nhận là đa sự, bất lợi cho việc hoằng pháp. Nhưng không thể không ghi chú nơi đây.
Trong khi đó, sách Bát Nhã Tâm Kinh Trực Giải, trang 18-19, do ngài Minh Chánh Thiền Sư (Thiền sư Việt Nam thế kỷ 19) viết, bản dịch Thiền Viện Thường Chiếu, trích như sau:
“
Nay nói Sắc chẳng khác không là lúc nhãn căn thấy sắc, quán sắc cũng như bóng, rõ sắc vốn không nhãn căn như gương sáng trong sáng không có hình tượng, sắc tướng như bóng, bóng tuy hư giả mà toàn bóng là gương, cũng như sắc tuy huyễn vọng mà toàn sắc là tự tánh chiếu kiến của Chân không Như lai tạng, cho nên nói: Sắc chẳng khác không. Câu nầy nhằm phá phàm phu chấp sắc là có, chẳng biết nghĩa sắc tức là không. Chấp thấy là ta có thấy, chẳng biết cái thấy từ nơi sắc hiện, sắc từ nơi thấy mà sanh. Sắc tướng là bóng huyễn hóa như hoa đốm trong hư không, cái thấy là sự mỏi nhọc của con mắt bệnh. Sắc tướng còn không, cái thấy từ đâu mà có. Nên tuy nói sắc tức là không mà gồm trừ luôn cả cái thấy, đó là cái thấy cũng tức là không. Hãy tham!
...Sắc tức là không nghĩa là sắc tuy có tướng mà vốn không. Tại sao vốn không? Vì bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Cũng như hoa đốm trong hư không, hoặc sóng nắng đều nương vào hư không mà có tướng. Tướng chính là vô tướng, nên nói sắc tức là không.” (5)
Thiền sư Minh Chánh hiển nhiên là siêu xuất tuyệt vời, viết tới như thế quả là thần sầu quỷ khốc. Đọc xong cuốn Bát Nhã Tâm Kinh Trực Giải của ngài, hiển nhiên là không còn chỗ nào ngờ vực trong Kinh Phật nữa.
.
Như thế, sẽ thấy tương hợp bất ngờ khi nghe một Thiền sư Thái Lan, ngài Ajahn Chah, giải thích về Không Tam Muội.
Để gợi nhớ, cũng nên nhắc rằng trong Kinh Pháp Bảo Đàn, kể về chuyện khi gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vị tăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động.” Chỗ này không có gì bí ẩn đối với người trong cửa Thiền Tông. Điều bất ngờ là một vị sư nổi tiếng của Thái Lan, ngài Ajahn Chah, trong bài thuyết giảng được ghi âm và đánh máy lại, “Bodhinyana: A Collection of Dhamma Talks. Part 4 - The Empty Flag,” đã nhắc chuyện phướn và gió để giải thích:
“
Đây là pháp tu, rằng chớ [cho là] có bất cứ thứ gì, dù là lá cờ hay gió. Nếu có lá cờ, thì là có gió. Nếu có gió, thì là có lá cờ. Ngươi nên chiêm nghiệm và tư duy chỗ này kỹ càng, cho tới khi ngươi thấy phù hợp với Sự Thật. Nếu suy nghiệm kỹ, thì sẽ không còn gì hết. Nó rỗng rang, nó trống không; rỗng rang không có lá cờ, rỗng rang không có gió. Trong cái Không lớn vô cùng, không có lá cờ, không có gió. Không có sinh, không có già, không có bệnh hay chết. Hiểu biết quy ước của chúng ta về cờ và gió chỉ là khái niệm. Trong thực tại, không có gì hết. Thế thôi. Không có gì hơn các nhãn hiệu rỗng.” (5)
Nghe ngài Ajahn Chah qua lời trên, y hệt như đang dạy tham thoại đầu để trực ngộ Tánh Không. Đúng là ngôn phong Huệ Năng.
.
BẤT NHỊ
Chúng ta thường nghe về Bất Nhị, tức là Không Hai. Tuy nhiên, nên cẩn trọng, vì hai chữ này mang nhiều nghĩa, tùy người sử dụng.
Trong các đạo Cơ Đốc, thường dùng chữ Hiệp Nhất, nghĩa là khi kẻ thụ tạo hiệp thông với Đấng Tạo Hóa. Trong Ấn Độ Giáo cũng tương tự, dùng chữ Bất Nhị là khi Tiểu Ngã hòa vào Đại Ngã. Do Thái Giáo cũng có khái niệm Bất Nhị.
Trong nhà Phật, hoàn toàn không có khái niệm hiệp nhất gì hết, vì tất cả pháp đều vô ngã, vì thực tướng là vô ngã, cho nên nói là bất nhị, nhưng không phải là bất nhị, cũng không phải là phi-bất-nhị. Chỉ muốn nói rằng hễ nó như thế, là nó như thế. Gọi là Như Thị, hay gọi tắt là Như cũng được. Không gọi là một, cũng không gọi là nhiều. Y hệt như Gương Tâm Rỗng Rang Chiếu Sáng, không phải một, không phải nhiều…
Đức Phật giải thích về Bất Nhị trong Kinh SN 12.15 -- Kaccayanagotta Sutta. Có thể tóm lược thế này: Tỳ Kheo Kaccanagotta hỏi thế nào là chánh kiến, Đức Phật nói rằng thế giới được nhìn như là nhị nguyên, đó là Hữu (Có) và Vô (Không). Người có mắt tuệ thấy tập khởi thế giới, sẽ biết thế giới không phải là không hiện hữu (nonexistence), khi thấy tịch diệt thế giới, sẽ biết thế giới không phải là có (existence).
Đức Phật nói, "
Do vậy, Kaccana, nói 'Tất cả hiện hữu' là một cực đoan. Nói 'Tất cả không hiện hữu' là cực đoan thứ nhì." (“‘All exists’: Kaccana, this is one extreme. ‘All does not exist’: this is the second extreme.) (6)
Thiền Tông Việt Nam có bài kệ của Thiền sư Tông Diễn (1640-1711), trích: “
Hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô” (có và không đều không lập, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao).
Như thế, Thiền Việt Nam đã dạy pháp Bất Nhị một cách tuyệt vời.
Trong nhóm Kinh Tiểu Bộ, Kinh Snp 3.6, kể rằng du sĩ Sabhiya hỏi Đức Phật rằng thành tựu gì thì được gọi là “bhikkhu” (nhà sư), Đức Phật trả lời bằng pháp Bất Nhị, qua bản dịch của Sư Sujato:
By the path they walked themselves,
Nirvāṇa is realized and doubt is left behind;
Existence and non-existence have been abandoned,
Complete, having ended rebirth: they are a “bhikkhu”.(6)
Dịch:
Bằng con đường [đạo] họ bước đi trên đó
Niết Bàn được chứng nhập, và nghi ngờ được bỏ lại phía sau
Hữu và Vô đã được buông bỏ
Hoàn toàn, kết thúc hẳn tái sinh: họ là một nhà sư.
.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, có bài thơ nhan đề “Hữu cú, vô cú” gồm 9 đoạn thơ, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 4 chữ. Và bắt đầu mỗi đoạn thơ là câu “
Hữu cú vô cú”…
Đó là Bất Nhị, là Không Hai, là Sắc Không Bất Dị (Bát Nhã Tâm Kinh), là Trung Luận của Long Thọ, là lời Đức Phật dạy phải buông bỏ cả hai như kinh vừa dẫn, và sẽ kết thúc hẳn tái sinh.
Cũng có thể gọi là Một cũng được (nhà khoa học Albert Einstein ưa nói rằng vũ trụ thế giới này chỉ là Một). Trong nhóm Kinh Tương Ưng, bản Kinh SN 1.62 ghi lời Đức Phật dạy, qua bản dịch của Bhikkhu Bodhi, toàn văn kinh này rất ngắn, chỉ 8 câu, như sau:
“
Mind
“By what is the world led around?
By what is it dragged here and there?
What is the one thing that has
All under its control?”
.
“The world is led around by mind;
By mind it’s dragged here and there.
Mind is the one thing that has
All under its control.” (6)
Có thể dịch như sau: “
Bởi cái gì, thế giới này bị xoay chuyển? Bởi cái gì, thế giới này bị lôi kéo nơi đây và nơi kia? Cái gì là một pháp mà kiểm soát hết Tất Cả? Thế giới bị xoay chuyển bởi tâm. Thế giới này bị lôi kéo nơi đây và nơi kia bởi tâm. Tâm là một pháp mà Tất Cả đều dưới sự kiểm soát của nó.”
Nghĩa là, như Kinh Lăng Nghiêm nói:
Toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng.
Thiền Tông giải thích tất cả pháp đều là Không. Có khi nói toàn sóng là nước, toàn ảnh là gương.
Tuyệt vời. Hiển nhiên, đây là ngôn ngữ Thiền Tông. Thử suy đoán: Nghi vấn rằng, sự thật Đức Phật đã cầm lên bông hoa và truyền pháp “bất lập văn tự” cho ngài Ca Diếp, nhưng rồi sự kiện này vì không dùng ngôn ngữ nên không ai biết cách đọc tụng để nhớ… và rồi bị lãng quên?
.
Nơi này nên nhắc tới Thiền Sư Đạo Hạnh (? - 1115) ghi trong sách Thiền Sư Việt Nam của Hoà Thượng Thích Thanh Từ cũng nói y hệt Kinh SN 1.62.
Trích như sau:
“...tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân. Đến đây, Sư cũng lặp lại câu hỏi:
- Thế nào là chân tâm?
Sùng Phạm đáp: - Cái gì chẳng phải chân tâm?
Sư hoát nhiên nhận được. Lại hỏi: - Làm sao gìn giữ? (Ghi chú của NG: “gìn giữ”nghĩa là “bảo nhậm.”)
Sùng Phạm bảo: - Đói ăn, khát uống.
Sư liền lễ bái rồi lui.
Sau, Sư trụ trì chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, (Chùa Thiên Phúc cũng gọi là chùa Thầy ở núi Phật Tích, nay là núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây… tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi:
- Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm?
Sư nói kệ đáp:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.”(6)
.
Bởi xa lìa cả Hữu và Vô như thế, thái độ người tu tất nhiên là NHƯ THỊ.
Kinh Bahiya ghi lời Đức Phật dạy ngài Bahiya là:
“
Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri. Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.” (6)
Lời dạy hãy nhìn các pháp Như Thị là Như Thị còn viết theo chi tiết khác trong Kinh AN 4.24. Trong kinh này, Đức Phật tự gọi là Như Lai. Chữ “Như Lai” trong kinh này, Bhikkhu Bodhi ghi là “the Stable One” trong khi Thanissaro Bhikkhu ghi là “Tathagata.”
Kinh AN 4.24 còn gọi là Kinh Kalaka Sutta, dựa vào bản Thanissaro Bhikkhu, sẽ tóm tắt như sau:
Này các sư, khi thấy cái được nhìn thấy, Như Lai không diễn giải suy lường một vật như cái được nhìn thấy, cũng không diễn giải suy lường cái không được nhìn thấy, cũng không diễn giải suy lường một vật như cái sẽ được nhìn thấy, cũng không diễn giải suy lường có ai đang thấy… Tương tự với nghe… với thức tri… Các sư, do vậy, Như Lai – hệt như thế với tất cả hiện tượng có thể được thấy nghe hay biết – là Như Thị, là Như Thế. Và ta nói với các sư rằng, không có pháp NHƯ nào khác cao hơn hay vi diệu hơn… Bất cứ những gì được thấy nghe hay biết và được người khác gọi là sự thật, một bậc giữ tâm Như Thị -- giữa những người tự phiền não – sẽ không bận tâm bàn thêm gì về đúng hay sai.
(Thus, monks, the Tathagata, when seeing what is to be seen, doesn't construe an [object as] seen. He doesn't construe an unseen. He doesn't construe an [object] to-be-seen. He doesn't construe a seer…When hearing... Thus, monks, the Tathagata — being the same with regard to all phenomena that can be seen, heard, sensed, & cognized — is 'Such.' And I tell you:
There's no other 'Such' higher or more sublime… Whatever is seen or heard or sensed and fastened onto as true by others, One who is Such — among the self-fettered — wouldn't further claim to be true or even false.) (6)
.
Trong Kinh SN 12.23, cũng dạy pháp BIẾT NHƯ THỊ & THẤY NHƯ THỊ. Kinh này có nhiều bản Anh dịch. Riêng Ngài Bhikkhu Bodhi có 2 bản Anh dịch, một bản năm 1995 và một bản năm 2000 (bản năm 2000 vừa để ở mạng Sutta Central, vừa in trên sách giấy, “The Connected Discourses of the Buddha,” trang 553-556). Trong đó, một khác biệt ở 2 bản này là, chữ "duyên để phá hủy phiền não". Cả 2 bản sẽ có links ở ghi chú (6).
Bản 1995 của ngài Bodhi viết: ...
with respect to destruction has a supporting condition... (duyên hỗ trợ phá hủy).
Bản 2000 của ngài Bodhi viết: ...
in regard to destruction has a proximate cause... (duyên trực tiếp, duyên tức khắc phá hủy).
Thế nào là tức khắc, là trực tiếp phá hủy phiền não? Đức Phật nói tới 15 pháp Như Thị. Có thể gọi là Năm Pháp Như Thị (Sắc như thị, Thọ như thị, Tưởng như thị, Hành như thị, Thức như thị). Cũng có thể gọi là Mười Pháp Như Thị (Thấy sắc khởi như thị, thấy sắc diệt như thị… tương tự với thọ, tưởng, hành, thức). Nếu cộng lại, là 15.
Thập Như Thị của Kinh 12.23 khác với Thập Như Thị của Kinh Pháp Hoa, nhưng cả hai kinh đều là tuyệt vời. Tức khắc, có nghĩa là không trải qua thời gian.
Kinh SN 12.23 viết: “Như thị sắc, như thị sắc khởi, như thị sắc diệt; như thị thọ… như thị tưởng… như thị hành… như thị thức, như thị thức khởi, như thị thức diệt: với người biết như thế, với người thấy như thế, phiền não sẽ tận diệt.”
Trong khi đó, Thiền Tông Việt Nam cũng tuyệt vời với bài kệ của Ngài Thích Phước Hậu (1862 – 1949) ở tỉnh Thái Bình, như sau:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
Trước mắt, bên tai là các pháp hữu vi, đang tập khởi và biến diệt, đang chảy xiết. Nhưng ngay khi chúng ta thấy “như thế là như thế” và thoát khỏi các tâm suy diễn tư lường, lập tức cõi hữu vi trở thành vô vi, tức Niết Bàn. Và ngôn ngữ vắng bặt. Đó là quan điểm Thiền Tông.
Ai dám nói Thiền Việt Nam không phải nguyên gốc. Với chữ Như, đó là tận cội nguồn. Và với pháp này, không cần niệm gì nữa hết. Vì đó cũng là VÔ NIỆM. Tu theo pháp Như Thị, nhìn các pháp thường trực ngày đêm như thế, sẽ một cách tự nhiên, không cần ngồi thiền, sẽ vẫn có định huệ đầy đủ. Nhưng, thường là huệ tới trước; trường hợp này, Kinh gọi là Tuệ Giải Thoát đối với những vị A La Hán chưa đắc định, và cũng không có thần thông.
.
Về quý ngài A La Hán, Đức Phật phân loại, trong Kinh SN 8.7, bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu có đoạn vấn đáp:
"—Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay về lời nói, vậy bạch Thế Tôn, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích hay không, về thân hay về lời nói?
—Này Sāriputta, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói. Này Sāriputta, trong khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc chứng được sáu Thắng trí, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Câu giải thoát, và các vị còn lại là bậc Tuệ giải thoát." (6)
Chữ “Câu giải thoát” là giải thoát bằng định và cùng lúc giải thoát bằng huệ. Còn Tuệ giải thoát là chỉ duy đắc Huệ.
.
Tương tự, trong Kinh SN 12.70, tôn giả Susima thắc mắc khi chứng kiến nhiều vị tăng tới trước Đức Phật, thưa rằng "
Chúng con biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'” nhưng khi hỏi trực tiếp, quý ngài A La Hán này trả lời tôn giả Susima rằng quý ngài chưa hề có thần thông, không hề nhớ đời quá khứ hay thấy tương lai, chưa hề đắc định nào... nhưng biết chắc rằng đã có Tuệ Giải Thoát. Ngài Susima mới nêu thắc mắc với Đức Phật, và được trả lời rằng đúng như thế, là có các A La Hán Tuệ giải thoát, không thần thông và chưa đắc định. (6)
.
ĐỨC PHẬT DẠY PHÁP THỞ
Vào chùa, bước đầu thường được dạy pháp thở. Bởi vì để an tâm nhanh nhất, không gì hơn pháp thở. Tuy nói rằng bước đầu, nhưng theo hướng dẫn của Đức Phật, pháp thở cũng là tận cùng, vì qua pháp thở sẽ hoàn mãn Tứ Niệm Xứ, Thất Giác Chi, và rồi Niết Bàn. Câu hỏi là, thở như thế nào?
Quý Thầy dạy thở, có khi dựa theo Kinh, có khi dựa theo Luận. Trong bài này, sẽ chỉ nói về pháp thở dựa theo Kinh.
Đức Phật dạy pháp thở khác với nhiều thầy đời sau. Các bộ luận như Thanh Tịnh Đạo, A Tỳ Đàm và nhiều luận khác đã dạy thở đếm số, hay dạy chú tâm vào chóp mũi… Hiển nhiên quý ngài luận sư muốn dùng cách tiện dụng tùy đối tượng. Giả sử, như dân quê mù chữ, không biết đếm số, có lẽ đếm hơi thở có thể không thích hợp (chúng ta chỉ đoán, không có ý chỉ trích, vì rất nhiều người đã vào cửa bằng thiền sổ tức).
Có một lý do nữa, lời dạy của Đức Phật là pháp bảo muôn đời. Trong khi lời dạy của các luận sư có thể chỉ thích hợp vào một thời nào, cho một thành phần nào, và có khi không phù hợp với kinh. Cho nên, nhiều vị sư, kể cả thuộc truyền thống Therevada Thái Lan, không dựa vào luận, mà chủ yếu dựa vào kinh.
Đọc về cuộc đời ngài Ajahn Chah, chúng ta thấy ngài nhiều năm ưa làm du tăng, lang thang tìm nơi rừng xa, hang động để ngồi thiền. Như thế, không có thì giờ bận tâm với các bộ luận phức tạp. Ngài nói: “Học A Tỳ Đàm có thể lợi ích, nhưng quý vị phải học mà không dính vào sách vở.” (Studying the Abhidhamma can be beneficial, but you have to do it without getting attached to the books.) (7)
Do vậy, những vị sư nối pháp của ngài Ajahn Chah dựa vào kinh nhiều hơn luận.
Nhà sư Ajahn Sumedho (tên đời là Robert Karr Jackman, sinh ngày 27/7/ 1934, tại Seattle) đang hoằng pháp ở Anh quốc, từng viết rằng trong đời ngài chưa bao giờ chán như khi học Abhidhamma (bằng tiếng Anh) tại Bangkok, và ngài nghĩ: “Đó không phải là điều mình muốn từ tôn giáo này.” Và chỉ khi học Phật pháp qua phương pháp và cuộc đời của Ajahn Chah, mới cảm thấy đó là tốt đẹp nhất trong đời. (7)
Nhà sư gốc người Úc Ajahn Sujato, cũng từ Thiền phái Lâm Truyền của ngài Ajahn Chah, hiện là một trong các học giả chủ lực của trang Sutta Central, trong một cuộc hội thoại dài về chủ đề “What is the meaning of Nama in Nama Rupa?” (Ý nghĩa của Nama trong Nama Rupa?) với nhiều học giả trên mạng này (tháng 3/2017), đã nhận xét:
“
Sujato (tháng 3/2017): Đây là một từ ngữ từ A Tỳ Đàm, nghĩa là “hiểu biết về sự phân biệt giữa tâm và thân.” Nó dựa vào sự diễn dịch A Tỳ Đàm chặt chẽ về namarupa như “tâm và thân,” mà [diễn dịch] này không tìm thấy ở kinh nào cả. Cảnh giác: dùng A Tỳ Đàm để hiểu kinh sẽ chỉ dẫn tới mệt mỏi và bực dọc! Quý vị sẽ phải học cả mớ phức tạp, và rồi mất nhiều năm sau để gỡ chúng ra khỏi trí nhớ! Y hệt như tôi đã làm!”
(This is an Abhidhamma term, which means “the knowledge of distinguishing between mind and body”. It relies on the strictly Abhidhamma interpretation of nāmarūpa as “mind and body,” which is not found in the suttas at all.
Warning: using the Abhidhamma to understand the suttas will only lead to weariness and vexation! You will have to learn a bunch of complicated stuff, and then spend years unlearning it! Like I did!” (7)
Ngài Sujato viết rằng khi kinh và luận dị biệt, hãy chỉ tin vào kinh; nhưng khi tương hợp, luận sẽ giúp ích.
Ajahn Brahm, một vị sư nối tiếng trong việc hoằng pháp ở Úc châu và Anh quốc, cũng từ truyền thống Ajahn Chah, có lập trường chỉ dùng Kinh Phật, không dựa vào các luận thư. Ngài giải thích qua video nhan đề “
Abhidhamma was not taught by the Buddha” (Đức Phật không dạy A Tỳ Đàm):
https://youtu.be/LIK3h-UMwaw (click cc: để xem phụ đề).
Đó là lý do, nơi đây chúng ta chỉ bàn về pháp thở trong Kinh Phật. Pháp niệm hơi thở là niệm thân, nhưng thực sự cũng là sẽ tuần tự niệm thân thọ tâm pháp.
Trích một phần Kinh SN 54.1, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, như sau:
“…Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra.
Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”. Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”.
“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập..." (ngưng trích -- có thể đọc toàn bộ kinh ở link
(7) cuối bài).
Làng Mai của Thầy Nhất Hạnh cũng dạy pháp thở trong kinh.
Đối với người hiểu tiếng Anh, có thể vào YouTube để theo các hướng dẫn thiền về hơi thở của nhiều vị sư. Trong đó, Ajahn Brahm có cả trăm băng video, dài ngắn khác nhau, dạy về thiền hơi thở. Thầy Ajahn Brahm nói tiếng Anh dễ nghe, lại có phụ đề (click cc:) nên tiện dụng. (7)
.
LỖI IN SAI: DƯ MỘT CHỮ ‘KHÔNG’
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, có in nhầm: dư một chữ “không.”
Xin trình bày nơi đây, để Giáo hội khi tái bản, xin đề nghị hiệu đính chỗ này: xóa bớt một chữ “không.”
Kinh AN 2.125-126 “Ghosa Suttas: Voice” Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu viết:
"Monks, there are these two conditions for the arising of wrong view. Which two? The voice of another and inappropriate attention. These are the two conditions for the arising of wrong view."
"Monks, there are these two conditions for the arising of right view. Which two?
The voice of another and appropriate attention. These are the two conditions for the arising of right view." (8)
Bản tiếng Việt của HT Thích Minh Châu, nguyên văn:
“Có hai duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến tà kiến sanh khởi. Thế nào là hai? Tiếng nói của người khác và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến tà kiến sanh khởi.
Có hai duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến chánh kiến sanh khởi. Thế nào là hai?
Tiếng nói của người khác và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến chánh kiến sanh khởi.” (8)
Lỗi này, do vậy, trên rất nhiều trang web tiếng Việt đều bị vướng.
Khi tái bản Kinh Tăng Chi Bộ, kính xin cắt bỏ chữ “không” ở đoạn thứ nhì.
Bài viết này xin ngưng nơi đây, và xin gửi lời chúc đầu xuân tới tất cả chư tôn đức tứ chúng.
.
GHI CHÚ:
(1) Vài Ghi Chú Rời Về Thiền -
https://thuvienhoasen.org/a27186/vai-ghi-chu-roi-ve-thien
Bản dịch Khantipalo:
https://suttacentral.net/en/snp4.2
Bản dịch Thanissaro Bhikkhu:
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.4.02.than.html
Bản dịch Bhikkhu Bodhi: không có bản điện tử, trên sách giấy The Suttanipata, ấn bản 2017, trang 293.
Bản dịch Bhante Varado:
http://suttas.net/english/suttas/khuddaka-nikaya/sutta-nipata/atthakavagga%20-%20php%20version%201.4/02-cave.php
Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle -
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/nm/nm.2.04.olen.html
(2) Trích lá thư gửi Marcus năm 1950: “He experiences himself, his thoughts and feelings as something separated from the rest — a kind of optical delusion of his consciousness.” (
https://thuvienhoasen.org/a29217/khi-einstein-chia-buon)
Trích lá thư gửi gia đình Besso năm 1955: “Now he has departed from this strange world a little ahead of me. That means nothing. People like us, who believe in physics, know that the distinction between past, present and future is only a stubbornly persistent illusion.” (
https://en.wikipedia.org/wiki/Michele_Besso)
(3) Pháp Cú. Verse 348: Give up the past, give up the future, give up the present. Having reached the end of existences, with a mind freed from all (conditioned things), you will not again undergo birth and decay. (
http://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/verseload.php?verse=348 )
Thời gian vĩnh cửu trong Itivuttaka 43:
The escape from that, the peaceful,
Beyond reasoning, everlasting,
The not-born, the unproduced,
The sorrowless state that is void of stain,
The cessation of states linked to suffering,
The stilling of the conditioned—bliss.
https://suttacentral.net/en/iti43
Trung Luận:
https://thuvienhoasen.org/p19a15697/pham-02-quan-ve-di-lai
(4) Kinh MN 138, bản Việt:
https://suttacentral.net/vn/mn138
Bản của Ni Trưởng Uppalavanna:
http://awake.kiev.ua/dhamma/tipitaka/2Sutta-Pitaka/2Majjhima-Nikaya/Majjhima3/138-uddesavibhanga-e.html
Bản của Thanissaro Bhikkhu:
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.138.than.html
Kinh Pháp Bảo Đàn -
https://thuvienhoasen.org/p16a685/pham-toa-thien-thu-nam
(5) Kinh SN 35.85 --
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.085.than.html
Kinh MN 121 -
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.121.than.html
Snp 5.15, bản Ireland:
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.15.irel.html
Bản Thanissaro:
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.15.than.html
Bát Nhã Tâm Kinh Trực Giải -
https://thuvienhoasen.org/images/file/oDLGWJ1G0QgQAONU/batnhatamkinhtrucgiai.pdf
Ajahn Chah: This is the practice, not to have anything, not to have the flag and not to have the wind. If there is a flag, then there is a wind; if there is a wind, then there is a flag. You should contemplate and reflect on this thoroughly until you see in accordance with Truth. If considered well, then there will remain nothing. Its empty — void; empty of the flag and empty of the wind. In the great Void there is no flag and there is no wind. There is no birth, no old age, no sickness or death. Our conventional understanding of flag and wind is only a concept. In reality there is nothing. Thats all! There is nothing more than empty labels. (
https://www.wisdomlib.org/buddhism/essay/bodhinyana/d/doc1245.html )
Kinh Snp 5.14 -
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.14.than.html
(6) Kinh SN 12.15 -
https://suttacentral.net/en/sn12.15
Kinh Snp 3.6 --
https://suttacentral.net/en/snp3.6
Kinh SN 1.62 --
https://suttacentral.net/en/sn1.62
HT Thích Thanh Từ. Thiền Sư Việt Nam:
https://thuvienhoasen.org/p58a11306/5/phan-04
Kinh Bahiya -
https://thuvienhoasen.org/a14273/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta
Kinh AN 4.24 -
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an04/an04.024.than.html
(Bhikkhu Bodhi. Kinh SN 12.23.
Bản 1995 --
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn12/sn12.023.bodh.html
Bản 2000 --
https://suttacentral.net/en/sn12.23)
Kinh SN 8.7, HT Thích Minh Châu dịch -
https://suttacentral.net/vn/sn8.7
Kinh SN 12.70. Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu -
https://suttacentral.net/vn/sn12.70
(7) Ngài Ajah Chah nói về Abhidhamma --
https://www.budsas.org/ebud/ajchah_lib/01_key.htm
Ajahn Sumedho nói về Abhidhamma -
https://www.fsnewsletter.org/html/76/sumedho.htm
Sujato nói về Abhidhamma -
https://discourse.suttacentral.net/t/what-is-the-meaning-of-nama-in-nama-rupa/4600/10
Kinh SN 54.1, bản dịch của HT Thích Minh Châu:
https://suttacentral.net/vn/sn54.1
Ajahn Brahm dạy trên YouTube:
https://www.youtube.com/results?search_query=%22ajahn+brahm%22+%22breath+meditation%22
(8) Kinh AN 2.125. Bản của Thanissaro Bhikkhu:
https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an02/an02.125-126.than.html
Bản của HT Thích Minh Châu:
https://suttacentral.net/vn/an2.118-129
.