Chia tay bốn điểm trường trong mấy ngày qua, đoàn đi về Sapa nghỉ lại đêm. 19 giờ xe lăn bánh vào địa danh nổi tiếng một thời, bây giờ, thất vọng cho một khu núi rừng Tây Bắc không còn giữ được nét hoang sơ, thanh tịnh trầm lắng như 10 năm về trước. Khu Trung tâm, trước nhà thờ, sinh hoạt văn nghệ náo nhiệt, kẻ đi xem đông hơn người bán đồ thổ sản như vải vóc, thủ công mỹ nghệ, cây thuốc...
Thành phố chỉ đi bộ 30 phút là hết đường. Nhà cửa chen chúc không thua phố thị miền xuôi. Rác, vật liệu xây dựng, nước thải tràn trề khắp lối đi. Một khách sạn không đúng nghĩa với tên Đăng Khoa, vừa là khách sạn, vừa là nhà hàng ăn nhậu ồn ào như chợ trời nhộn nhịp, dĩ nhiên việc phục vụ khách trú đêm không được thoải mái vì vệ sinh và cách tiếp đãi kém. Vừa là chủ, vừa là tiếp viên, vừa quản lý nhà hàng tại chỗ; ngoài nhân viên nhà hàng có 2 cháu gái, hai ông bà chủ, quán xuyến tất. Khi đoàn còn trên đường đến, điện thoại đăng ký phòng, chủ khách sạn bảo phải ứng tiền trước, trưởng đoàn phải nhờ người quen đứng ra bảo lãnh, đây là cách nhận khách một cách lạ đời của một khách sạn nơi xứ du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những khách sạn cao cấp như: như Violet, Royal, Victoria,... được xây dựng khoảng 2004 và khách sạn mới Panoramahotel,Graceful đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt. Nơi đây, không khí trong lành, còn giữ được chút hương thơm rừng núi.
Mặt trời thức muộn nhường cho những áng sương mù giăng ngang đỉnh lục, dệt cảnh thần tiên thoáng hiện thoáng ẩn. Điểm chung cho tất cả những phố chợ miền núi vào sáng tinh mơ, sinh hoạt chưa muốn xuất hiện sớm.Vài em bé mang đầy gùi đọt bông bí đỏ ra chợ, mỗi gùi bán được 15.000$, mua 5.000$ xôi ăn sáng, thế là các em còn 10.000$ đem về cho gia đình. Có lẽ các cháu đi vào núi từ 4 giờ sáng để có mặt lúc 6g ra chợ. Chúng an phận cuộc sống, chả cần biết đâu đó trên tinh cầu này, trên dãi đất chữ "S" này, bằng tuổi các cháu, có những trẻ con được nâng niu chiều chuộng, được ăn học và giải trí trong một xã hội sung túc, và cũng trong một góc của tinh cầu này, không thiếu những trẻ gầy đói bất hạnh như em bé châu Phi, những trẻ em bị buộc cầm súng giết người dưới tay quân IS. Có những trẻ mang căn bệnh nan y của thế kỷ, và không thiếu những trẻ bất hạnh bị bạc đãi giữa giòng sống loài người. Niềm vô tư hoan hỷ với gùi rau mỗi sáng, rồi suốt ngày cùng cha mẹ lên nương canh tác, cuộc sống các cháu cảm thấy như thế là đủ vui với tuổi hồn nhiên.
****
"Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu."...
"Những ngày chợ phiên ở Sa Pa nhộn nhịp vào tối thứ bảy kéo dài đến chủ nhật hàng tuần. Chợ Sa Pa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới. Người ta còn gọi nó là "chợ tình Sa Pa" vì ở đây nam nữ thanh niên người sắc tộc H'Mông, Dao đỏ có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn lá hay bằng lời hát để tìm hay gặp gỡ bạn tình."
"Đây là nơi sinh sống của 6 sắc dân cư ngụ: Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó." Mỗi sắc tộc ở Sa Pa đều có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng:
"Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200 m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người sắc tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phan Xi Păng, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong Thung lũng Mường Hoa. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Ở nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại hoa quý hiếm.
Rời khỏi Sapa độ 12km, Thác Bạc là một huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 4D, tuyến đường huyết mạch để đến tỉnh Lai Châu Thác Bạc có độ cao hơn 200 mét - là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang mây thoáng. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc. Khu vực Thác Bạc là một trong những nơi tuyết rơi dày nhất tại Sa Pa.
Khu du lịch Thác Bạc có hai đường lên xuống tách biệt, đường lên ở phía bên phải, đến lưng chừng thác, du khách sẽ đi qua một chiếc cầu để sang phần bên trái. Ở khu vực gần cầu Thác Bạc trên tuyến quốc lộ 4A có một số hàng quán bán đồ ăn và đồ lưu niệm. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi của du khách và các hàng quán đã khiến cho môi trường khu lịch Thác Bạc không còn được trong sạch.
Có một trung tâm giống cá hồi nằm dưới chân con dốc dẫn lên thác Bạc, nơi đây có tham vọng trở thành trạm nghiên cứu các đối tượng thủy sản nước lạnh lớn nhất cả nước. Cá hồi ở trung tâm được nuôi với nguồn nước dâng từ thác Bạc về có hơn 1.000 mét ống dẫn nước."
Tấp bên lề đường, vài điểm bán nông sản,cơm lam, hột gà nướng, khoai lang lùi, rau rừng và nông sản địa phương, chợ chồm hổm bày đồ la liệt dưới mặt đất, có chỗ được cái sạp tre nứa sau khi lấy những khúc làm "cơm lam", còn lại tận dụng làm tấm nia để bày bán thổ sản. Ngày xưa, đồng bào thượng vào rừng, mang theo nếp, lấy ống "lồ ô" đổ gạo nếp vào, đốt cháy, bên trong chín cơm, họ chẻ ra chấm với muối. Ngày nay họ không làm như thế tại hàng chợ, họ nấu sẵn cơm nếp, nhét vào ống nứa, hơ trên lửa cho nóng để bán cho du khách. Dân miền ngoài mới phân biệt "cơm lam" nấu trực tiếp trong ống nứa hay cơm nếp nấu bên ngoài nhét vào ống nứa, Thông, tài xế đoàn giải thích - cơm nấu trực tiếp trong ống, khi chẻ ra nó có lớp lụa dính vào cơm, cơm nấu ngoài nhét vào thì không được như thế.
Đoàn ngồi xuống những chiếc ghế nhựa thấp tương xứng với mặt bàn. Phía ăn mặn ngồi sát cô chủ quán nướng trứng và cơm lam,Thông vừa ăn vừa tán dóc, nhóm chay lạt thì ngồi ngoài thưởng thức khoai lùi, cơm Lam với muối vừng; Việt Ly mang rong biển muối vừng ăn với cơm Lam, anh Duy khen ngon đáo để; Thật vậy, bên Mỹ làm gì có những món ăn thuần túy dân dã như vậy. Mưa rả rích, đoàn ngồi co ro một góc quán, bên trong trưng bày đủ loại thực phẩm địa phương như nấm rừng, măng khô, vải vóc...Nước suối mát lạnh chứa trong thùng nhựa phía sau nhà, kế chiếc cầu bắt ngang đường cho nước suối chảy xuống vùng thấp, rửa tay rửa mặt làm tỉnh hẳn, chả bù những vùng cao thiếu nước mà đoàn đã đi qua. Tuy là đồng bào thiểu số, nhưng cô chủ quán không quá tuổi 30, tiếng Việt, ăn nói rành rẽ lịch thiệp.
Bên kia đường, bầy trẻ cầm những xâu đồ thủ công mỹ nghệ nài nỉ du khách. Bánh trái trên xe đem xuống cho chúng chia nhau vui vẻ. Thông dặn, không ai mua gì của chúng, vì mua một đứa là bao nhiêu đứa bâu vào không đi được. Trẻ con vùng thấp lanh hẳn trẻ vùng cao. Cô Chung trưởng đoàn bảo, trẻ con nơi đây chưa phải nghèo đói như nơi khác nên cho bánh trái như thế cũng đủ.
Hơn nửa giờ ăn sáng, đoàn lên xe rời Sapa về Điện Biên.
27/7/2017 (còn tiếp)