Bằng cách đọc vài câu thơ của Bùi Giáng, Thầy Thích Nhuận Tâm khởi đầu buổi nói chuyện hôm Thứ Bảy 10/6/2017.
Bằng giọng Miền Trung của xứ Quảng, Thầy Thích Nhuận Tâm kể về cơ duyên thành lập ngôi chùa ở Gò Vấp, lúc đầu được cư dân gọi là Chùa Lá, vì chùa và chung quanh chỉ thấy cây lá và đất hoang, trong một khu vực nhiều dân giang hồ, đầy bạo lực.
Thầy từ Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ trong vài tuần, gặp một số thân hữu và Phật tử tại một vài tiểu bang và rồi về lại VN để tiến hành khóa hè dạy ngoại ngữ miễn phí ở chùa của Thầy. Lý do sang Mỹ vì cần quyên tiền dựng 2 phỏng học, đã đổ bê tông nền, gắn khung sắt thì cạn tiền...
Buổi hội ngộ đêm Thứ Bảy tại tư gia anh chị Đức được ghi là “tâm tình, chia sẻ và trao đổi gồm có: Bài học cuộc sống: Ý chí vươn lên của Việt; Công việc dạy ngoại ngữ và duy trì văn hoá cho giới trẻ; Nghệ thuật đá cảnh và thư pháp (viết tặng thư pháp); Văn nghệ bỏ túi.”
Người MC của chương trình là chị Bích Trâm, một nhà truyền thông nổi tiếng trên băng tần Sài Gòn TV.
Tham dự có nhiều nhà hoạt động Phật sự, hoạt động cộng đồng, như chị Anh Thư (Trí Nhân Media), nhạc sĩ Phổ Đại và ca sĩ Phổ Hiệp, nhà báo Vũ Đình Trọng (Chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ), cư sĩ Nguyên Giác, Trương Ngãi Vinh (chủ tịch một cộng đồng vùng Nam Cali), và nhiều anh chị khác...
Trong khi chờ Thầy Thích Nhuận Tâm tới, nhạc sĩ Lại Tôn Dũng hàn huyên với anh Phổ Đại, nguyên là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử xuất sắc trong đơn vị do anh Lại Tôn Dũng hướng dẫn từ hơn ba thập niên trứớc.
Thầy Thích Nhuận Tâm và công việc của thầy là người được nhiều báo trong nước tường thuật trong nhiều năm qua vì đã gánh vác nhiều công việc khó làm.
Thi sĩ, nhà thư pháp, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu về đá cảnh, đá phong thủy... lĩnh vực nào, Thầy Nhuận Tâm cũng nổi tiếng.
Thầy Nhuận Tâm tự nhận là học trò của trường phái Bùi Giáng, mê thơ, ưa làm thơ, và làm nhanh. Khoảng gần 10 năm trước, Thầy Nhuận Tâm thực hiện Ngày Thơ Việt Nam với cuộc triển lãm các tập thơ kim cổ, thư pháp thơ tại thiền viện Vạn Hạnh. Thầy lúc đó cũng in tập thơ “Thơ ơi, cùng chảy nhé.”
Thầy Nhuận Tâm kể, tiền lúc đó phải quyên góp, nhưng để triển lãm thơ suốt gần một tuần với nhiều sự kiện, tuy được nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nhưng đâu có đủ.
May mắn, nhiều Phật tử góp tặng lá, tặng trẻ, tặng nguyên vật liệu để dựng thành một không gian thi ca...
Trưng bày này vượt hơn quy mô của Ngày thơ VN tại TPSG mỗi năm.
Phần lớn, Thầy Nhuận Tâm được hỗ trợ từ nhiều họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ... và cả doanh nghiệp khi chở hàng chục chậu cây cảnh tới sân Thiền viện Vạn Hạnh để làm triển lãm thơ.
Tuy nhiên, vị trí độc đáo của Thầy Nhuận Tâm là giáo dục.
Thầy kể, bản thân Thầy từng là sinh viên Miền Trung vào Sài Gòn du học, từng nằm bụi, nằm bờ, nhịn đói... nên khi có miếng đất trống ở Gò Vấp, được bạn cho vay tiền dựng chùa liền dựng thành ngôi chùa -- lúc đó là hoang vu, chung quanh là giang hồ, tội phạm -- để mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên cần học.
Thầy nói lý do dạy tiếng Anh miễn phí, vì muốn đất nước phát triển, giới trẻ cần học tiếng Anh. Từ vài chục sinh viên ghi danh đầu tiên, sau 3 tháng, sinh viên ghi danh nhiều hơn. Vậy là, trong năm đầu tiên, có 500 em sinh viên học khóa 3 tháng. Năm thứ nhì có 2,000 em học. Và bây giờ, trong một năm có 30,000 em sinh viên học.
Các khóa học chia ra 3 tháng, xoay vần theo thời khóa biểu từ sáng cho đến tối. Thầy Nhuận Tâm nói, không thiếu giáo viên, vì thầy cô tình nguyện dạy rất nhiều.
Giáo viên ngoại quốc tình nguyện không lãnh lương, nhưng trong khóa 3 tháng, Chùa Lá phải nuôi 15 giáo viên ngoại kiều chi phí ăn 3 bữa và tiền nhà.
Còn giáo viên người Việt, Chùa Lá trả lương tượng trưng từ 1 triệu tới 1.5 triệu/người/tháng.
Thầy nói, học tiếng Anh ở Chùa Lá có phẩm chất cao, vì thầy cô ngoạị kiều tận lực thiện nguyện.
Bây giờ, Chùa Lá đang dạy 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Hoa, Nhật, Hàn... và có đủ giáo viên thiện nguyện.
Thầy Thích Nhuận Tâm nói, Thầy tuyệt nhiên không thuyết giảng gì về Phật giáo, và Thầy cũng dặn dò các giáo viên là không nói gì về giáo lý nhà Phật. Lý do, dạy miễn phí để giúp các em thuần tuý là bất vụ lợi.
Tuy nhiên, Thầy Thích Nhuận Tâm nói rằng Thầy dạy sinh viên đaọ lý dân tộc: kính trên, nhường dưới, lễ phép với thầy cô, và Thầy tổ chức những buổi từ thiện hàng tháng ở vùng sâu, vùng xa để sinh viên thấy cảnh nghèo đất nước mới siêng học, và mới ý thức về vai trò trí thức trẻ phải chuyển đổi đất nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nguyên Giác, rằng trên nguyên tắc, Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá phải có giấy phép của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, và Thầy Thích Nhuận Tâm đã từng bị kiểm tra như thế nào.
Thầy Thích Nhuận Tâm nói, lúc đầu, Thầy nghĩ tới việc nuôi trẻ mồ côi, nhưng lại thấy là chưa ngôi chùa nào dạy Anh ngữ miễn phí trong khi sinh viên nghèo từ Miền Trung và Miền Tây lên Sài Gòn không theo kịp các học trình đại học, nên Thầy -- một người từng từ Miền Trung vào học ở Sài Gòn -- nghĩ ngay tới việc dạy Anh văn miễn phí. Và không ngờ, phát triển tăng vọt như thế. Thầy chỉ là một nhà thơ, một nhà thư pháp, một nhà sư... không hề nghĩ tới việc kinh doanh giáo dục.
Thầy nói, chung quanh Thầy từ trước tới giờ toàn là nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, và Thầy cũng làm nhiều sự kiện nghệ thuật trước khi mở lớp dạy Anh văn, nên được báo chí ủng hộ, và hình như nhà nước không nghi ngờ gì, vì có lúc thầy nghĩ là công an cũng lặng lẽ vào ghi tên học, và “Chùa Lá còn mấy ký gạo, họ cũng biết, thì có gì mà kiểm tra.”
Thầy nói, thực sự Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá không hề có giấy phép gì của Bộ Giáo Dục, và hễ nhà nước nói thôi, là Thầy sẽ lên góc núi, ra góc rừng để ngồi làm thơ, vì Thầy “học theo trường phái Bùi GIáng mà...”
Học ngoạị ngữ miễn phí, nhưng không phải dở.
Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng có một em sinh viên phát nguyện là khi lãnh khoản lương đầu tiên là sẽ đem tới cúng cho Chùa Lá. Vậy rồi, em sinh viên đó, sau khi cầm khoản lương đầu, chạy xe liền về chùa, nửa chừng xe hết xăng, đậu giữa đường... cô không dám lấy tiền đó ra mua xăng, mới điện thoại gọi bạn tới để mượn tiền đổ xăng, rồi tới chùa cúng khoản tiền lương đầu tiên.
Bạn muốn biết suy nghĩ của các học viên?
Sau đây, xin trích từ trang nhà của Edu2Review:
“Cảm nhận học viên Trung tâm Thiện Nhơn - Chùa Lá Gò Vấp
09/01/2017 15:43
Bạn muốn biết về Trung tâm Ngoại ngữ Thiện Nhơn - Chùa Lá, Gò Vấp cũng như việc dạy và học ở đây có chất lượng không? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn đấy!
Có rất nhiều trung tâm Anh văn tại Gò Vấp nhưng trung tâm được Edu2Review nhắc đến trong bài lại rất đặc biệt. Đó là trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá. Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá, quận Gò Vấp TPHCM ra đời do sư thầy Thích Nhuận Tâm chủ trì dạy 6 loại ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa, Hàn. Vậy những học viên ở đây cảm nhận như thế nào về trường?
Giảng viên của trung tâm là các giáo viên dạy ngoại ngữ của một số trường Đại học ở TPHCM và một số thầy cô giáo nước ngoài – là sinh viên, tình nguyện viên trẻ đến Việt Nam được trung tâm mời dạy. Giáo trình của trung tâm do các giáo viên tổng hợp từ nhiều giáo trình ngoại ngữ của những trường Đại học mà họ đang giảng dạy. Việc sáng lập trung tâm có thể giúp cho nhiều bạn trẻ không có đủ điều kiện kinh tế có thể tiếp thu, trau dồi vốn ngoại ngữ trong thời buổi đất nước hội nhập như ngày nay...
Cảm nhận của các học sinh tại trung tâm:
“Những lớp học của thầy Nhuận Tâm giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn học, bản thân tôi cũng nhờ học ngoại ngữ ở đây mà có thêm kiến thức, kỹ năng để dễ xin việc và làm việc tốt hơn khi ra trường”, bạn Ngô Thời Danh chia sẻ.
"Ở đây tuy là một trung tâm dạy miễn phí nhưng các thầy cô rất tận tình trong việc giảng dạy, kỷ luật của trung tâm cũng rất nghiêm chỉnh nên việc tiếp thu của học viên có hiệu quả", bạn Ngọc Mai chia sẻ.
Nhìn chung, các bạn hầu hết đều đánh giá tích cực về trường, đặc biệt là sự nhiệt tình trong việc giảng dạy của giảng viên. Mặc dù chất lượng cơ sở vật chất vẫn chưa tốt, nhưng vì là miễn phí, tất cả kinh phí đều là do nhà chùa tự chủ nên cơ sở vật chất như vậy cũng được xem là tốt. Bên cạnh đó, trường cũng có tổ chức các buổi giao lưu, từ thiện để tạo điều kiện cho học viên trải nghiệm.
Trên đây là một số nhận xét và góp ý của học viên. Rất mong sẽ nhận được nhiều cảm nhận hơn nữa của các bạn trên trang Edu2Review nhé.”(hết trích)
Được hỏi, những khi kẹt tiền, Thầy làm thế nào, vì chi phí cho trung tâm dạy nhiều ngàn sinh viên là lớn vô cùng.
Thầy Thích Nhuận Tâm kể rằng, Chùa Lá được nhiều doanh nghiệp hứa giúp cúng dường, vì Thầy làm công việc phụ là lên núi tìm đá lạ, gọi là đá phong thủy, về xem đá hợp với doanh nhân nào, tuổi nào, thầy sẽ khuyên đặt đá làm sao cho kinh doanh thuận lợi. Lúc đó, nhiều doanh nghiệp hứa cúng dường. Tuy nhiên, khi gặp khủng hoảnh tài chánh, nhiều doanh nghiệp khó khăn... đành chịu. Và thầy làm thư pháp để ai thỉnh thì cúng... May mắn, nhiều sinh viên ra trường lâu năm, cũng giúp chùa xưa. Khi nào kẹt tiền quá, Thầy thắp nhang, xin hộ pháp giúp... và hiệu quả.
Thầy Thích Nhuận Tâm cũng kể về những ngày đầu lập chùa... Chung quanh là giang hồ, dân nghiện, bạo lực...
Có một lần, 4 tay bặm trợn trong xóm bên tới hăm dọa Thầy, ra hạn đòi Thầy đi chỗ khác. Đêm hôm đó, tự nhiên cả mấy khu xóm xôn xao ồn ào lên, vì có một thiếu nữ lên cơn la hét như điên khùng, như ma ám... Dân chúng trong xóm liền tới thỉnh Thầy sang trừ ma. Thầy không biết về trừ ma, nhưng cũng tới xem, vì tin vào Phật lực gia hộ. Thiếu nữ kia không ai kềm chế được, nhưng khi Thầy bước tới cổng nhà là tự nhiên nằm im, nhưng vẫn la hét, trong khi 4 thanh niêm bặm trợn kia đang ghìm tay chân thiếu nữ. Thầy mới nói, có phải 4 anh kia hồi sáng hăm dọa tui phải không? Bốn anh kia nói vâng, Thầy mới bảo là 4 anh phải sám hối, thì cô kia hiền lành trở lại.
Thời gian sau, có 3 người trong chốn giang hồ tới xin Thầy xuất gia. Chốn giang hồ xem chùa như nơi có những người bạn cũ, không quậy phá.
Một lần, Thầy làm mái nhà, trèo thang cao, tự nhiên trượt dây, thang ngả ra phía sau, Thầy biết sắp ngả, liền phóng người ra sau lưng nhào lộn theo một thế võ. Dân trong xóm vỗ tay, hoan hô Thầy biểu diễn võ Thiếu Lâm...
Thầy cho biết, ước mơ của Thầy là làm sao có 63 trung tâm học ngoại ngữ miễn phí ở 63 tỉnh thành, và thầy sẵn lòng yểm trợ -- không nhất thiết phải là nhà sư đứng ra làm, mà là người thường cũng cần được giúp để xây dựng mô hình này.
.
Sáng Thứ Hai 12 tháng 6/2017, Thầy Thích Nhuận Tâm gửi tin nhắn từ biệt, và đó là một bài thơ, như sau:
TRI ÂN
Sáng nay Ta đã đi rồi
Ta đi mang cả buồn vui theo cùng
Cúi hồn cảm tạ muôn trùng
Phút giây tương ngộ cảm rung rung hồn
Nghe ra tận đáy cội nguồn
Cung đàn tiết tấu ngân muôn điệu lòng
Cỏ hoa reo hát lời không
Ấm lòng lữ khách chiều mông mênh chiều
CaLi đầy cõi thương yêu
Trong yên lặng nói bao điều thiết tha
Mình ta ngồi với sân ga
Rảnh rang viết tặng thay quà tri ân
thích nhuận tâm.
Độc giả quan tâm có thể đọc thêm ở:
chualagovap.org.vn