ôi cát bụi tuyệt vời
tiếng động nào
gõ nhịp khôn nguôi
(TCS)
Phải thấy cuộc hành trình đầy gian nan của cái trứng rụng tình cờ từ mấy trăm ngàn cái trứng, lọt tỏm vào loa vòi trứng trông giống như cái bông loa kèn, hối hả chui vào ống dẫn trứng, cái mà y học gọi là vòi Fallop, chạy hằng ngàn cây số để hy vọng kịp gặp một tinh trùng ở khoảng hai phần ba đường đến tử cung, và một cuộc rượt đuổi marathon khiếp đảm, hay nói đúng hơn, một cuộc bơi đua ngược dòng qua bao ghềnh thác đầy đe doạ chết chóc của hơn hai tỷ tinh trùng để chỉ có một con duy nhất được đến đích, phá vỡ lớp vỏ, chui vào trong lòng trứng, trộn lẫn các nhiễm sắc thể vào nhau rồi hình thành rồi phát triển cái thai ban đầu... mới thấy một sự ngẫu nhiên vĩ đại như là đã được xếp đặt từ chân tơ kẽ tóc tự bao giờ. Ổ đã được lót, vườn địa đàng đã sẵn, thai lớn lên không phải làm mà cũng có ăn, lớn như thổi, đến đủ chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, thoát ra ngoài với bao hiểm nguy mà chỉ một chút sơ sẩy đã phải trả giá bằng mạng sống, hoặc bằng sự tàn tật suốt đời, rồi những ngày thơ ấu, rồi vui sướng, rồi khổ đau, rồi hạnh phúc, rồi bước vào tuổi dậy thì với bao nhiêu rắc rối để tiếp tục cuộc săn đuổi, tìm kiếm... cho đến một lúc nào kia bỗng thảng thốt nhận ra "bao nhiêu năm làm kiếp con người, rồi một chiều tóc trắng như vôi"...
Cũng giống như ở tuổi dậy thì, là một cuộc chuyển tiếp đặc biệt -giúp cho một chú nhóc thò lò mũi xanh thành một thanh niên cường tráng, khoẻ mạnh, đẹp trai, một cô gái ốm o gầy còm hỉ mũi không sạch thành một thiếu nữ yêu kiều, diễm lệ - thì giờ đây ở tuổi chớm già là một quy trình chuyển tiếp ngược lại. Ở nam, ấy là sự giảm sút nam tính, khả năng sinh sản, đầu hói, tóc bạc, lưng còng; ở nữ là sự giảm sút nữ tính, khả năng có con, khô khốc, nhăn nheo... Tất cả cuộc sống gần như phải điều chỉnh lại, thích nghi với hoàn cảnh mới, những niềm vui mới, quan tâm mới, giá trị mới, nhiều khi thay đổi cả thái độ, hành vi của một con người. Một cậu trai năng động, vui nhộn ngày nào trở nên nghiêm nghị, khó tính : một cụ ông chính cống! Một cô gái đỏng đảnh, hừng hực ngày nào trở nên cứng rắn, lạnh lùng : một "lão bà bà" chính hiệu! Dĩ nhiên là có yếu tố sinh lý tác động. Thiếu kích thích tố nữ Estrogen, cô gái không còn tóc mượt, lưng ong, mà da mồi tóc bạc; thiếu kích thích tố nam Testosteron thì cậu trai năng động, vận động viên điền kinh kia thành một người chậm chạp, nghễnh ngãng. Thế nhưng, cái khó khăn lớn hơn chính là ở chỗ thay đổi vai trò xã hội, buộc ta phải thích nghi với một vai trò mới. Ở nam tuổi chớm già, ấy là từ một người hoạt động sôi nổi, có một vị trí đáng kể nào đó trong xã hội, có một vai trò trụ cột trong gia đình giờ đã phải chuẩn bị cho một thời kỳ làm việc vưà sức, chuẩn bị về hưu, từ bỏ tất cả. Ở nữ tuổi chớm già, ấy là từ một bà mẹ bận rộn, túi bụi suốt ngày giờ đây có thể phải loay hoay với chiếc "tổ trống" của mình vì con cái đã lớn khôn, đã đủ lông đủ cánh, đã bay xa. ( Dĩ nhiên, nữ độc thân, sống với sự nghiệp thì hoàn cảnh cũng giống như nam giơí ).
Rồi với con cái, những kỳ vọng liệu có đạt được ít nhiều không, hay đôi khi là cả một sự dằn vặt, tự trách mình, có phải đã sai lầm điều gì đó không, đã quá nuông chìu, đã gây lệ thuộc, đã đặt quá nhiều niềm tin hay đã thờ ơ, lơ đễnh. Rồi với các bậc song thân, bên vợ bên chồng, nay đã trở nên già cỗi, sẽ làm thế nào đây để chia ngọt sẻ bùi hay luôn cắn đắn vì không hiểu nhau. Nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà liệu có hòa hợp dễ dàng hay giải quyết như một số nước phương Tây đưa những người già lão vào ở chung với nhau trong một trại nuôi người già? Dĩ nhiên ở phương Đông quan niệm đối với người già có khác. Con cái có bổn phận cưu mang cha mẹ già. Người già cần sống bên con bên cháu, nhờ đó họ không cảm thấy bị hất hủi mà trái lại, thấy được cả một dòng sống trôi đi , sự tồn tại tiếp diễn của kiếp người. Dĩ nhiên, người già cũng phải hiểu rằng con mình nay đã chớm già- mặc dù đối với các cụ, một đứa con năm mươi tuổi cũng chỉ là một em bé chút xíu - đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp với những vấn đề tâm sinh lý phức tạp và những khó khăn riêng về sức khoẻ, về gia đình, về xã hội. Để cho có được sự hoà hợp tốt rõ ràng cần có sự hiểu biết, cảm thông giữa các thế hệ, sự tôn trọng những riêng tư của nhau.
Các nhà chuyên môn về tâm lý học chia cuộc đời của mỗi con người chúng ta thành nhiều giai đoạn: Giai đoạn trẻ thơ và thiếu niên, chủ yếu tập trung vào cá nhân mình (ego-centered); rồi khôn lớn, bắt đầu có bạn bè khác phái, kiếm tìm, chọn lựa để cuối cùng đi đến giai đoạn lứa đôi (pair-centered); rồi những đứa con ra đời, vợ chồng đầu tắt mặt tối lo cho công việc làm ăn, cho sự nghiệp, nuôi dạy con cái, đây là giai đoạn tập trung vào gia đình (family-centered), rồi đến khi con lớn khôn, mỗi đứa một ngã, có đôi bạn riêng thì cặp vợ chồng lúc này đã chớm già, lại quan tâm đến nhau nhiều hơn, lại trở lại giai đoạn của "lứa đôi" cho đến lúc già nua hơn nữa, thì mỗi người lại trở về khởi điểm, tức là giai đoạn tập trung vào cá nhân mình thành một chu kỳ cuộc sống. Cuộc hành trình cứ thế tiếp diễn. Một cái trứng rụng. Một cuộc rượt đuổi marathon. Một vườn điạ đàng. Những niềm vui. Những nỗi lo. Rồi trẻ thơ. Rồi đôi bạn.Rồi con cái. Rồi chớm già! Mới thấy dòng sống mênh mông, mới thấy “ ôi, cát bụi tuyệt vời..."
Tuổi chớm già, tuổi quá độ, chuyển tiếp, chưa hẳn già mà cũng không còn trẻ nữa, tuổi của vụng về, của lúng túng không thua ngày xưa mới lớn. Tùy mỗi nền văn hóa, có thể có những phản ứng rất khác nhau, như nền văn hóa tôn trọng già, nền văn hóa coi già là của nợ, nền văn hóa cạnh tranh giữa già với trẻ. Nói chung, tuổi già thường thua thiệt, thua về sức lực, thua về kỹ năng và trong thời đại khoa học kỹ thuật, bùng nổ thông tin ngày nay, sự truyền đạt kinh nghiệm cá nhân trực tiếp không còn độc quyền thì tuổi già dễ cô quạnh. Từ ngoài bốn mươi, người ta đã thấy có gì đó không ổn. Chậm chạp hơn, mau quên hơn, các kỹ năng đã kém. Một người thầy thuốc mổ giỏi có tiếng ở tuổi ba bốn mươi thì đến ngoài năm mươi tay đã run, mắt đã kém, mổ không còn được như xưa nữa (mặc dù kinh nghiệm của ông là một kho tàng qúy giá cho những đồng nghiệp trẻ). Một số người phản ứng với số phận, không chấp nhận tuổi già, đấu tranh đua đòi với tuổi trẻ, thường dẫn đến những thất bại đắng cay. Đa số chấp nhận, lánh mình, tìm kiếm sự yên tĩnh, những giá trị khác, những niềm vui khác. Thực ra cái cảm giác già có lẽ đã đến sớm hơn, từ lúc người ta bước vào tuổi ba mươi, không đợi đến năm mươi. Khi người ta không dám phiêu lưu, khi người ta không dám liều lĩnh , khi ngươi ta chợt nghĩ "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...". Nhưng cũng may, con người chỉ thỉnh thoảng nhận ra điều đó, còn thì miếng cơm manh áo, còn thì lý tưởng cuộc sống có thể giúp lãng quên. Hội chứng "tổ trống" khi đàn chim con đủ lông đủ cánh bay xa ảnh hưởng nặng nề với chim mẹ hơn là chim bố. Mẹ ấp ủ con, còn bố kiếm mồi, nên bố thì cứ quen bay mà mẹ thì cứ quen ấp. Đến lúc tổ trống rồi thì bố cứ còn bay, mà mẹ cứ mãi ấp. Có chăng, ở người đàn ông, cái cảm xúc rời bỏ công việc, về hưu có lẽ mới giống người phụ nữ với cảm xúc "tổ trống" đó của mình.