Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
chọn những bông hoa
và những nụ cười...
(TCS)
Tôi nhớ Phạm Trọng Cầu đã "xuyên tạc" câu hát đó bằng cách đổi lời là: "Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi, từ sáng tinh mơ cho tới chiều tà..." rồi nhớ Trịnh Công Sơn viết "...một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ, ngày qua" mới thấy để cho ngày qua thật nhẹ đôi khi người ta cần một chút say. Có người say cái này, có người say cái khác, nhưng say. Ở tuổi chớm già, người ta gần như phải say một cái gì đó nếu không muốn... tự tử. Có người say... hoa kiểng, chiều chiều bắt chước người áo xanh Tư mã Giang Châu tỉa một cành hoa, nắn một nậm rượu còn xanh trên giàn bầu, có người trau chuốt một vần thơ, có người hò hét ở sân bóng đá, cũng có người đắm đuối vào chén rượu, canh bạc. Có cái say tốt và cái say không tốt, dĩ nhiên. Ở đây ta nói cái say, cái đam mê, cái sở thích của tuổi chớm già. Hình như ở tuổi đó, sở thích của người ta khựng lại, chắt lọc hơn, tinh chất hơn và lắng đọng hơn. Phần đông không chọn cái ồn ào mà chọn cái yên ả, đôi khi rất một mình để lắng nghe cái im lặng chung quanh và..."im lặng đời mình". Nhiều người chọn đọc sách như một thú vui tao nhã, thanh khiết. Sách cổ, lịch sử, danh nhân, hồi ký có vẻ hợp với tuổi chớm già hơn là tiểu thuyết giả tưởng, hành động, phiêu lưu. Dĩ nhiên cũng tùy người, tùy cá tính. Có người gắn chặt vào cái TV, hết chương trình này qua chương trình khác, cầm cái “remote” bấm liên tục, đổi từ kênh nọ qua kênh kia đến nỗi thành một thứ bệnh mới, bệnh "bấm nút". Nhiều người thuở trẻ bay nhảy, hào hoa, bỗng nhiên về già ngán ngẩm tìm đến những thú vui văn hoá, tao nhã, từ bỏ những bữa nhậu nhẹt bí tỉ, bù khú bạn bè, ồn ào náo nhiệt. Tuổi chớm già dường như thích nghe hoà nhạc, nghe diễn thuyết, xem kịch, xem triển lãm hội họa, nhiếp ảnh nhiều hơn. Trước kia nhiều cuộc vui tổ chức nam riêng nữ riêng thì nay các... chớm già có thể chia sẻ niềm vui chung với nhau, vì thú vui đã gần như giống nhau, và phải chăng một phần cũng do nguồn kích thích tố đã cạn dần nên họ gần như đồng nhất với nhau, chẳng cần õng ẹo chi nữa cho thêm mệt!
Nhưng cũng có cái không giống. Đàn ông thường có vẻ tìm thú vui trong nghề nghiệp của mình, đặc biệt khi họ thành công, họ sẵn sàng dành hết thì giờ cho sự nghiệp, sẵn sàng bỏ bê tất cả. Phụ nữ thì khác, sau bao năm nặng gánh gia đình, con cái, nay họ đã có nhiều thời gian hơn để có thể tìm lại những thú vui riêng. Có người thích học một kỹ năng mới nào đó như cắm hoa, thêu đan, bánh trái, bơi lội... Nói chung tuổi này người ta ít đi tìm cái gì mới lạ hoàn toàn mà tìm lại những thú vui, sở thích cũ hồi còn trẻ, thí dụ một người hồi trẻ chơi bóng bàn thì ở tuổi này người ta cũng lại chơi bóng bàn thay vì chơi tennis. Học một kỹ năng mới dĩ nhiên là khó rồi, nhất là khi đã lọng cọng, lưng mỏi, khớp cùn, ở đây còn chủ yếu là do ngươì ta tự tin hơn khi sử dụng lại kỹ năng cũ của mình và do người ta biết rõ giá trị của nó. Có vẻ như ở tuổi chớm già người ta để ý đến chuyện ăn mặc của mình hơn. Có gì đâu, trước kia khi ngươì ta trẻ thì ăn mặc sao cũng thấy được, thấy hợp, thấy tươi mát, nay về già thì cần phải chăm sóc bộ cánh mình hơn chút để phù hợp với tuổi tác, để trông chững chạc, trẻ trung hơn, và nếu họ có tham gia vào các hoạt động xã hội thì sự ăn mặc càng được chăm sóc, chọn lọc kỹ càng hơn. Không ngạc nhiên khi thấy một người chớm già dành thời giờ săm soi chăm sóc quần áo tỉ mỉ, có vẻ như "điệu" hơn xưa, đặc biệt là ở các ông, nhiều khi còn bị nghi oan.
Các bà... chớm già thì khác. Hồi trẻ hình như họ quan tâm chăm sóc sự ăn mặc nhiều hơn để được hấp dẫn hơn, còn nay, họ thấy sao cũng được, bất cần, nhiều khi ăn mặc cẩu thả vì coi như thôi già rồi, bày đặt chi nưã! Tuy vậy khi phải ăn mặc phù hợp với công việc, với giao đãi bên ngoài xã hội, họ cũng hết sức chăm chút. Ngày nay, nhờ biết cách chọn thức ăn, không để cho bị béo phệ, rèn luyện thể hình, quần áo phù hợp, trang nhã, với một chút mỹ phẩm sẽ làm cho người phụ nữ trông trẻ hơn nhiều so với tuổi tác. Cả các ông nữa, đã bắt đầu ra vào các thẩm mỹ viện. Đã có khá nhiều những loại mỹ phẩm, nước hoa dành cho đàn ông, đã có những kỹ thuật căng da, độn mặt, xóa nếp nhăn cho cả bà lẫn ông.
Ai cũng thấy một đặc tính chung của người lớn tuổi là... keo kiệt, nhiều khi bủn xỉn. Dễ hiểu thôi, họ không còn khả năng tăng thu nhập dễ dàng như hồi trẻ, họ phải chắt mót dành dụm cho những lúc bất trắc, khó khăn. Tuổi già neo đơn, tuổi già bị con cái bỏ rơi vẫn thường thấy, vậy để có sự an toàn, họ phải chắt mót, dành dụm. Đàn ông có vẻ như ít quan tâm về tiền nong, họ quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp, danh tiếng, trừ những người nghề nghiệp không ổn định, nợ nần, sức khỏe yếu kém. Đàn bà thì khác, họ quan tâm đến kinh tế nhiều hơn, lo lắng dành dụm, không phải là để tiêu pha cho mình mà lo cho tương lai con cái, lo cho những lúc bất trắc, và để được sự an toàn hơn trong lúc tuổi già.
Ở tuổi chớm già người ta cũng thường quan tâm đến những biểu trưng xã hội, vì những biểu trưng đó "nói lên" vị trí của họ trong cộng đồng. Nhà này có xe dream, thì nhà nọ cũng phải có suzuki, nhà này có TV, thì nhà kia đầu máy... Nhiều kẻ trọc phú, đùa bỡn với đồng tiền, khoe của một cách vô văn hoá vẫn thường thấy. Dĩ nhiên, đa số người có học không ai làm như vậy. Tri túc rất cần thiết để cho thần kinh được dịu êm. Tôi mê nhất "Bài ca một nửa" ( Bán bán ca ) sau đây của Lý Mật Am mà Nguyễn Hiến Lê đã dịch ( Sống Đẹp, Lâm Ngữ Đường):
Tôi đã thấy già nửa kiếp phù sinh này rồi
Chữ "nửa" đó có công dụng vô biên
Có hưởng nửa tuổi trời rồi
mới cảm được hết cái vui nhàn nhã
Có vườn tược ở nửa đường lên núi nửa đường xuống sông
Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán
Nửa là kẻ sĩ nửa bình dân
Đồ dùng nửa nhã nửa thô
Nhà nửa đẹp nửa xấu
Quần áo nửa mới nửa cũ
Thức ăn nửa phong nửa kiệm
Vợ nửa chất phác nửa khôn lanh
Tên tuổi nửa vinh hiển nửa tối tăm
Uống rượu nửa say mới ngon
Ngắm hoa bán khai mới đẹp
Thuyền giương nửa buồm mới khỏi lật
Cuộc đời trăm năm nửa vui nửa khổ
Thì hưởng một nửa là thích đáng hơn cả...
Tuổi chớm già, trên dưới năm mươi như người xưa nói, là tuổi " tri thiên mệnh" gẫm không sai. Muốn không tri cũng không được. Tạo hóa sẽ cho ngay một vố để sáng mắt ra. Tục ngữ nói “bốn chín chưa qua năm ba đã tới” là vậy. Người bị cú này, người bị cú khác như một cảnh báo. Đủ rồi. Thôi đi. Chuẩn bị đi. Bác LC, một nhà báo đã bảy mươi lăm tuổi nói với tôi, hồi còn trẻ ông không tin những gì ông bà mình nói, nay thì càng ngẫm càng thấy đúng đến phát sợ. Hình như mọi thứ đều đã được sắp đặt đâu đó rồi, nhất ẩm nhất trác giai do tiền định. Do vậy mà tuổi chớm già thích tìm tới tôn giáo. Nhỏ đọc Khổng, lớn đọc Lão Trang, già nữa thì Lão Trang cũng không đủ mà phải Chúa, phải Phật. Người ta thích tìm đến thiền, đọc thiền, hành thiền. Người ta theo dưỡng sinh, tập khí công, ráng đưa khí vào huyệt đan điền... trong tư thế bán già, kiết già gì gì đó. Một số nhà khoa học đâm ra tin huyền bí, điều mà lúc trẻ họ phản đối quyết liệt. Tôn giáo trở thành niềm an ủi, niềm hạnh phúc của nhiều người. Một số thích đi chùa, lễ Phật, số thích đi nhà thờ, nguyện Chúa và người ta cũng thích làm việc từ thiện. Nhưng nói chung, ở tuổi chớm già, ngươì ta không bám vào những giáo điều cứng nhắc. Người ta có thể hiểu sâu xa hơn ý nghĩa cuả Từ bi, Bác ái. Người ta nhìn đời bằng con mắt cảm thông hơn, độ lượng hơn bởi vì người ta đã từng trải, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, người ta đã “tri thiên mệnh”.
Ở nông thôn, ngày xưa, người vào tuổi năm mươi đã con đàn cháu đống, ra đường đã có nhiều người gọi là ông, là cụ, và mỗi khi có lễ lạc trong làng họ luôn được ăn trên ngồi trước ("sống lâu lên lão làng", "kính lão đắc thọ" ). Nhiều người mới hườm hườm cũng ráng đóng vai già, nói năng điệu bộ cho ra vẻ già khá ngộ nghĩnh. Tuy vậy, nhờ xã hội hóa theo một nếp văn hóa lâu đời ít thay đổi ở nông thôn như vậy, người chớm già dễ dàng chấp nhận và an phận. Đó là ngày xưa. Bây giờ nông thôn cũng đã khác. Người chớm già ở đô thị nói chung thường thích tham gia vào một công việc nào đó của cộng đồng, như tham gia vào một hội đoàn, một câu lạc bộ, là thành viên của hội phụ huynh học sinh, hội chữ thập đỏ , hội từ thiện v.v... Nhờ sinh hoạt trong một tập thể như vậy họ thấy thoải mái, dễ chịu, thấy mình vẫn có ích cho cộng đồng, vẫn có thể đóng góp những kinh nghiệm trong lãnh vực này hay lãnh vực khác. Những người vốn quen với công việc xã hội sẽ thích nghi dễ dàng và hài lòng với công việc mới này, nhưng những người không quen cũng không phải dễ dàng tham gia một cách thoải mái. Một số người tìm kiếm những người bạn cùng sở thích, hợp thành những nhóm nhỏ thân mật, gần gũi, tổ chức những cuộc vui chơi yên tĩnh, hoặc đi đó đi đây, thăm viếng các thắng cảnh, chuà chiền cũng là một cái thú rất tốt. Lúc này họ thường đi với nhau từng nhóm nhỏ mà không đi theo từng gia đình có nhiều thế hệ như trước. Thực ra bọn nhóc cũng đã lớn, có khuynh hướng tách thành từng nhóm riêng của chúng mà không theo cha mẹ nữa.