Bước vào thiên niên kỷ mới, trong mười năm của giai đoạn đầu tiên (2006-2016), Phật giáo đã khai dụng được nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối diện với lắm thách thức giữa một thế giới đầy biến động.
● Xin nhận diện một số cơ hội: Xu thế mà người dân trong hai lục địa Âu và Mỹ đón nhận Phật giáo vừa như một triết lý sống nhân bản, vừa như một khoa học trị liệu hiệu quả đã bước qua khỏi giai đoạn nghiên cứu kinh viện để lan tỏa ra trong nhiều lãnh vực ứng dụng thiết thực khác của đời sống. – Hiện tượng những tổ chức Phật giáo quốc gia đơn lẽ đang nhịp nhàng gia nhập vào các mạng lưới Phật giáo quốc tế đã trở nên chặt chẻ hơn. – Những công trình nghiên cứu và khảo sát kinh điển Phật pháp càng lúc càng nhiều và càng có phẩm chất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin khi xử lý các văn bản. – Nghệ thuật và văn học Phật giáo được giới trí thức trên thế giới khám phá và xác nhận như một dòng chủ lưu đóng góp vào những giá trị nhân văn của nhân loại – …
● Tuy nhiên, cũng xin điểm mặt một số thách thức: Tại ba quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, vẫn có những lực lượng xã hội nhân danh Phật giáo để can thiệp bằng bạo động vào chính sự, tạo ra những tranh chấp tôn giáo cục bộ. – Trong lãnh vực diễn giải kinh điển, mâu thuẩn xuyên quốc gia giữa các Tông môn, Truyền thống, và Bộ phái vẫn âm ĩ cháy, chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt. – Trong một vài nước thiếu dân chủ, Phật giáo vẫn bị chính quyền kiểm soát, đẩy quan hệ Giáo hội-Chính quyền vào trong một cơ chế xin-cho, làm cho phẩm hạnh của một bộ phận Tăng đồ bị suy thoái. – Ít khi thấy Phật giáo lấy thái độ và mạnh dạn đưa ra những giải pháp về các khổ nạn ở kích thước toàn cầu như vi phạm nhân quyền, chiến tranh diệt chủng, hủy diệt môi sinh, buôn bán phụ nữ. – …
Trong bối cảnh sinh động và phức tạp như nhìn vào một ống kính vạn hoa nhiều màu sắc tương phản đó, nói chung, ta vẫn thấy Phật giáo càng lúc càng trở thành một tác nhân lịch sử chủ đạo, đang từ từ vươn lên để tạo ra các xu thế tích cực lớn hầu đóng góp cho hòa bình và cho văn minh nhân loại.
Giữa hằng hà sa số biến cố xãy ra trên cõi nhân gian, có mười sự kiện lớn và có ý nghĩa trong khoảng mười năm đầu của thế kỷ thứ 21 đã đóng góp vào tốc độ lan tỏa của Phật giáo trên thế giới. Và mười sự kiện nầy cũng khẳng định rằng Đạo Phật là một tôn giáo của sự thật, chủ yếu để cho con người sống với chứ không chỉ để tin vào mà thôi.
-- () –
1. Tháng 10/2006: Phục hồi Đại học Nalanda là cơ duyên giúp xiển dương Trí tuệ Phật giáo ở đẳng cấp toàn cầu.
• Từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ mười hai, Đại học Nālānda là định chế nghiên cứu học tập cao cấp của Phật giáo, với một thư viện rộng lớn chứa nhiều kinh sách rất giá trị. Đã có lúc trường thu nhận cả vạn tăng sinh, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng, Indonesia và các nước Trung Á khác. Học giả Phật giáo nổi tiếng đến nghiên cứu hoặc thuyết giảng ở đó gồm các đại sư Ấn Độ như Shantarakshita (Tịch Hộ, 750-802) và Padmasambhava (Liên Hoa Sinh, sống hạ bán thế kỷ thứ 8), hoặc hai nhà sư Trung Hoa uyên thâm là Huyền Trang (600-664) và Nghĩa Tịnh (635-713). Đại học Nālānda phát triển suốt chiều dài lịch sử 700 năm cho đến khi bị suy tàn từ khoảng năm 1200 CE vì bị hai đoàn quân xâm lược A Phú Hãn và Thổ Nhĩ Kỳ đốt phá. Hiện nay, di tích những tu viện đổ nát được xác định ở 60 dặm phía đông nam thành phố Patna của Ấn Độ.
• Năm 2006, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm một số quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các nước Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ, đã quyết định tiến hành các nổ lực phục hồi Đại học Nālānda. Tám năm sau (2014), Đại học Nalanda mới (Nalanda University) đã được hình thành tại Rajgir bởi một nhóm các học giả quốc tế, trong đó có hai giáo sư Đại học Harvard là Amartya Sen (Nobel về Kinh tế năm 1998) và Sugata Bose (Sử gia Ấn Độ), với mục đích tạo ra một định chế giáo dục đẳng cấp thế giới với các nhà nghiên cứu chuyên sâu, để hoàn chỉnh việc dạy và học ở trình độ hàn lâm cao.
• Theo trang web chính thức của Đại học Nālānda ( www.nalandauni.edu.in ) thì hiện nay có chín nhóm giảng viên từ các nước khác nhau đến giảng dạy ba phân khoa: (i) Nghiên cứu Lịch sử, (ii) Môi trường và Sinh thái, và (iii) Phật học, Triết học và Tôn giáo tỉ giảo. Ba phân khoa nầy sẽ hợp tác tích cực với các Hiệp hội châu Âu về Nghiên cứu thực địa châu Á (ECAF, Pháp), Khoa Lịch sử Trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, và Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc. Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ là việc thành lập các trường Kinh tế và Quản lý, các ngôn ngữ Đông phương và Công nghệ thông tin.
• Phục dựng lại Đại học Nālānda là một kỳ công khảo cổ và kiến trúc vĩ đại. Nhưng quan trọng hơn thế, vì Đạo Phật vốn là đạo của Trí Tuệ, lấy “Văn” đứng đầu trong quá trình tu tập Văn-Tư-Tu, nên sự hồi sinh của Đại học Nālānda là một cơ duyên to lớn để tạo ra môi trường xiễn dương trí tuệ cho Phật giáo ở kích thước toàn cầu.
[Cập nhật và viết theo Đạo Phật Ngày Nay ]
2. Tháng 5/2008: Tìm ra băng tuyết trên sao Hỏa giúp giải trình ý niệm Thấp sinh trong cõi Lục đạo.
• Sau 7 tháng du hành trong không gian, phi thuyền Phoenix do JPL/NASA điều khiển đã đáp xuống sao Hỏa (Mars). Hai ngày sau, ngày 31-5-2008, khi đào xới một khoảng đất nhỏ, máy ảnh của phi thuyền thấy một vũng sáng trắng lấp lánh. Giám đốc nghiên cứu Peter Smith cho rằng trong khi hạ cánh, phi thuyền Phoenix đã thổi bay một mãng bụi cát và làm lộ ra một lớp băng tuyết. Ngày 19-6-2008, các nhà khoa học so sánh 2 tấm ảnh chụp vũng sáng trắng đó ở hai thời điểm (cách nhau 4 ngày), rồi đối chiếu với nhiệt độ cũng như áp xuất khí quyển và nhiều thông số khoa học khác giữa hai khoảng thời gian đó, họ tuyên bố các “vũng sáng” nầy chính là nước đóng băng thành cục, nay đã tan chảy. Như vậy, kết hợp với sự có mặt của khí Methane tìm được sau nầy (2014) trên sao Hỏa, thì theo Sinh-Hóa học, có nước là ắt có 4 yếu tố (solvent, temperature buffer, metabolite và living environment) để tạo hệ sinh thái cho vi sinh vật (living microbial organism) xuất hiện và tồn tại.
• Từ trước đến nay, khoa học và thần học Tây phương cho rằng sinh vật vốn chỉ xuất hiện trên quả địa cầu mà thôi. Thậm chí Kinh Cựu Ước, sách Sáng Thế của Thiên Chúa giáo, còn khẳng định rằng mọi sinh vật (gồm 2 “con người” đầu tiên, Adam và Eva, và muôn loài) được Chúa Trời tạo dựng trong vườn “Địa Đàng” ở trên quả địa cầu nầy cách đây chỉ mới khoảng 6 nghìn năm (theo phả hệ của gia đình ngài Giêsu, do Tông đồ Luke liệt kê, vốn là hậu duệ đời thứ 77 của ông thủy tổ loài người Adam). Kinh sách Phật giáo thì cho rằng “hình hài” của sinh vật do nhân duyên và nghiệp lực tác động tích hợp mà thành, và được tạo ra trong 4 loại môi trường: Thai sinh, Thấp sinh, Noản sinh và Hóa sinh trong đó Thấp sinh là hệ sinh thái ẩm thấp có nước. Ngoài ra, cũng theo Phật giáo, tùy nghiệp lực và nhân duyên mà chúng sanh có thể đầu thai về một trong 6 cõi Lục đạo, trong đó có cả các “cõi trời” ngoài trái đất trong Tam thiên đại thiên thế giới.
• Như vậy, sự kiện phi thuyền Phoenix khám phá ra dấu tích của nước trên sao Hỏa, tạo tiền đề sinh-hóa học cho sự hiện diện của sinh vật, thì phù hợp với lời dạy về “Thấp sinh” và cõi trời trong “Lục đạo” mà kinh sách Phật giáo đã nói tới. Từ đó mới thấy rằng cách đây gần 26 thế kỷ, giữa lúc nhân loại còn mông muội và sợ hãi phủ phục trước thiên nhiên, hoặc giữa lúc kiến thức con người còn bị khống chế bởi những lý thuyết về thần linh sáng tạo đầy huyển hoặc, thì Đức Phật đã bằng trí tuệ của mình, biết được có những sinh vật hiện diện trong vũ trụ bao la rồi. Ngài đã chỉ nói thật, đúng như lời Ngài di giáo trước lúc nhập Niết bàn: “Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.”
3. Tháng 1/2009: Tổng thống da màu Barack Obama và tính Bình đẳng trong Phật giáo.
• Kể từ năm 1862, khi Tổng thống Abraham Lincoln đọc bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô Lệ đến năm 1964, khi Mục sư da đen Martin Luther King trở thành khôi nguyên giải Nobel Hòa bình nhờ cuộc đấu tranh cho dân quyền của người Mỹ gốc Phi châu (African-American), 100 năm đã trôi qua mà thân phận người Mỹ da đen vẫn là thân phận của một thiểu số bị ngược đãi và đứng bên lề xã hội Mỹ. Cho đến nay (2016), họ vẫn còn bị phân biệt đối xử trong hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt, thậm chí ở nhiều tiểu bang, còn bị áp bức bằng bạo lực và áp chế bằng các biện pháp hành chánh.
• Thế mà vào tháng 1-2009, một người Mỹ da màu gốc Phi châu đã tuyên thệ để trở thành vị Tổng thống dân cử thứ 44 của siêu cường Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Người đó là ông Barack Hussein Obama II. Ông sinh trưởng ở Honolulu, sống với ông bà ngoại từ nhỏ. Mẹ là người Mỹ gốc Anh còn cha là người Kenya. Ông tốt nghiệp Đại học Columbia và Trường Luật của Đại học Harvard, hoạt động xã hội từ thời còn là một thanh niên. Ông sinh hoạt cộng đồng tại Chicago, rồi làm luật sư về Dân quyền và dạy Luật Hiến pháp tại Trường Luật thuộc Đại học Chicago từ 1992 đến 2004. Năm 2008, ông Obama đánh bại ứng viên Cộng hòa John McCain trong cuộc tổng tuyển cử, và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20 tháng 1, 2009. Chín tháng sau, ông được trao giải Nobel Hòa Bình. Và năm 2012, ông tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ nhì. Đây là một trường hợp biểu trưng tính bình đẳng về quyền công dân trong một chế độ chính trị dân chủ Tây phương.
• Chảy xuyên suốt giáo lý nhà Phật, chúng ta được học về tính bình đẳng của chúng sanh. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, (bản dịch của HT Thích Minh Châu) ghi rằng “… Tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đến nước và tắm rửa, trừ khử các cấu bẩn cho thật sạch. . . tất cả những người trong trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên”. Hãy “Trừ khử cáu bẫn cho thật sạch”, hãy “dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lữa” thì sẽ thấy được chân như, thì sẽ làm hiển lộ được tánh Phật. Do đó, chúng sinh trong sáu cõi ai cũng đã có Phật tánh trong mình rồi tại vì “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nhất thiết chúng sanh giai cam tác Phật”. Bản thể chân như nằm sẵn nơi mỗi chủng loại, vì chúng sanh có thể khác nhau về tất cả nhưng Phật tánh thì không khác nhau. Vì vậy, Đức Phật tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”
• Thật không có một tôn giáo nào, từ Đa Thần giáo Đông phương đến Độc Thần giáo Tây phương, mà vị Giáo chủ lại tôn trọng và tuyên dương sự bình đẳng đối với chính đệ tử của mình như thế! Sự kiện một công dân Mỹ gốc da màu, thân phụ là người nước ngoài, cha mẹ lại ly dị từ hồi còn nhỏ, được dân bầu làm Tổng thống Mỹ là một hiện tượng còn hiếm hoi của thế tục, nhưng nó lại nhất quán với nguyên lý bình đẳng trong Phật giáo: Nếu tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước cơ hội làm nguyên thủ quốc gia, thì tất cả chúng sinh cũng bình đẳng trước nỗ lực tiến đến giác ngộ để chứng đắc quả vị cao nhất là thành Phật. Lấy con người, chứ không phải thần linh hay giáo chủ, làm trung tâm của chủ thể giải phóng, nên Phật giáo được gọi là một tôn giáo nhân bản chính vì thế. Thoát khỏi thân phận làm sản phẩm thụ tạo “hèn mọn” của một Thượng Đế cao ngạo để đứng lên, tự làm chủ vận mệnh của mình, đạt bình đẳng với thần linh, nên Phật giáo được xem như một tôn giáo nhân chủ cũng chính vì thế.
4. Tháng 3/2011: Đức Đạt-lai Lạt-ma được xếp hạng đứng thứ nhì trong Danh sách 100 Nhân vật Tâm linh kiệt xuất nhất trên thế giới.
• Ngày 1 tháng 3 năm 2011, nhà xuất bản Watkins Books tại thủ đô London (Anh quốc) đã phát hành ấn phẩm Mùa Xuân Watkins Review, số 26, trong đó, Ban Biên tập đã thiết lập danh sách của 100 nhân vật hiện còn sống, và đang có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất trên thế giới. Cứ mỗi ba năm, Watkins Books lại cập nhật danh sách một lần để gửi đến 30.000 độc giả chọn lọc của họ. Việc tuyển chọn những học giả và các giảng sư tâm linh, mà những đóng góp của họ trong lãnh vực tâm linh đã tác động sâu rộng trên thế giới, là một quá trình phức tạp và khó khăn.
• Năm 2011 nầy, nhân vật đứng đầu bảng là ông Eckhart Tolle, người Canada, tác giả của 3 cuốn sách nỗi tiếng: Stillness Speaks, The Power Of Now và A New Earth. Ông triển khai hiện tượng biến đổi của ý thức như một tỉnh thức tâm linh mà ông cho là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của con người. Nhân vật thứ nhì là Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng. Nhân vật thứ ba là tiến sĩ Wayne W. Dyer, một chuyên gia Mỹ về phương pháp tư duy tích cực (positive thinking). Nhân vật thứ tư là Thiền sư Giảng sư Thích Nhất Hạnh, người dùng thơ văn để kêu gọi Hòa bình trong chiến tranh Việt Nam. Và nhân vật thứ năm là diễn giả và tác giả Mỹ gốc Ấn Độ Deepak Chopra. Ông nguyên là một bác sĩ Sinh học Nội tiết (endocrinologist), lấy quan hệ giữa thân và tâm làm phương pháp điều trị. Các tác phẩm rất thành công của ông là Ageless Body, Timeless Mind và The Seven Spiritual Laws of Success.
• Để thấy tính nghiêm túc và độ khắt khe trong Danh sách chọn lọc nầy, ta thấy Tổng thống Nam Phi, khôi nguyên Nobel Hòa bình Nelson Mandela đứng tận vị trí thứ 19. Tổng Giám mục Anh giáo, một khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình khác là Desmond Tutu đứng thứ 28. Giáo hoàng Benedict XIV, vị chủ chăn hơn một tỉ giáo dân của Giáo hội Công giáo La Mã, đứng mãi thứ 34. Lạt-ma Tây Tạng Sogyal Rinpoche, sáng lập viên Hệ thống Mật viện Quốc tế Rigpa, với hơn 100 trung tâm trên 23 quốc gia, và là tác giả cuốn sách nỗi tiếng The Tibetian Book of Living and Dying, đứng thứ 82. (Xem thêm về Danh sách Watkins 2011 ở đây)
• Khi vinh danh Đức Đạt-lai Lạt-ma, Watkins Books không những chỉ tuyên xưng nhân cách trí tuệ và từ bi của cá nhân Ngài mà còn khẳng định tác động tích cực, hiệu quả và độ lan tỏa của yếu tố tâm linh của Phật giáo trên toàn thế giới.
5. Tháng 9/2011: Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đúc tượng vinh danh tại Hoa Kỳ.
• Ngày thứ Ba 6-9-2011, tại công viên Fox Square Park thuộc thành phố Oakland, tiểu bang California, đã diễn ra buổi lễ khánh thành một quần thể những bức tượng đồng của 25 nhân vật nổi tiếng toàn cầu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một Tăng sĩ Việt Nam, cùng 24 vị khác đã được vinh danh vì những cống hiến của họ cho nhân loại và cho nền hòa bình trên thế giới. Cụm tượng đài “Remember Them: Champions For Humanity” [Hãy nhớ đến Họ: Những nhà Vô địch vì Nhân loại] do điêu khắc gia Mario Chiodo thực hiện là để xưng tụng những người đấu tranh cho dân quyền và tuyên dương tính nhân văn trên thế giới.
• Công trình điêu khắc nầy gồm tượng bán thân hoặc toàn thân quấn quyện với nhau của 25 nhân vật đã từng tranh đấu cho quyền dân sự và những lý tưởng nhân bản. Họ gồm có Mục sư Martin Luther King, Jr. và bà Coretta Scott King, Luật sư lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động cho nền độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Delano Roosevelt, Thiền sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh, Tộc trưởng da đỏ Joseph, Mẹ Teresa, Nhà báo Nhân quyền Frederick Douglass, Thủ lãnh Nghiệp đoàn gốc Mexico Cesar Chavez, Nữ thi sĩ da đen Maya Angelou, Nhà nữ đấu tranh Dân quyền Rosa Park, Khôi nguyên Nobel Văn chương gốc Do Thái Elie Wiesel, Ân nhân người Đức Oskar Schindler từng cứu hàng nghìn tù nhân Do Thái trong thảm kịch Holocaust, …
• Khi dựng tượng một nhà đấu tranh bất bạo động cho hòa bình như Thiền sư Thích Nhất Hạnh bên cạnh các nhân vật lẫy lừng khác từ khắp nơi trên thế giới trong gần 100 năm qua, hẵn những người trong Ban Tuyển chọn không thể không nghiêm túc xét đến điểm xuất phát tâm linh của nhà đấu tranh nầy. Mà điểm xuất phát đó là gì nếu không phải là Đạo Phật với một truyền thống và một lịch sử yêu chuộng hòa bình, một giới răn căn bản là không lấy đi sinh mạng hay làm đau khổ bất kỳ một chúng sinh nào kể cả cỏ đá vô tình (xem thêm deep ecology và Phật giáo), và một motto “lấy tình thương hóa giải hận thù”. Qua hành trạng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đã được tuyên xưng là một Champion for Humanity như chính tên gọi của tượng đài.
6. Tháng 10/2012: Giải Nobel Hóa học làm rõ thuyết Thập Nhị Nhân Duyên.
• Giải Nobel Hoá học năm 2012 thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka cho các nghiên cứu về “Các thụ thể bắt cặp protein G” (G-protein-coupled receptors: GPCR). Công trình của hai nhà khoa học này đặt nền tảng trên ngành Hoá học, giải thích GPCR hoạt động trong cơ thể con người như thế nào, nhờ đó giải mã các chuỗi phản ứng hoá học tạo cảm giác, xúc cảm của con người. Công trình có liên quan mật thiết đến lĩnh vực Y Dược, đặc biệt thúc đẩy sự nghiên cứu phát triển các dược phẩm.
• “Thập nhị nhân duyên” là chuỗi 12 giai đoạn cụ thể hoá thuyết Duyên khởi nhằm lý giải sự hình thành và phát triển của nghiệp, của đời sống, nhất là của khổ. Đạo Phật ra đời nhằm để diệt khổ, vì thế, “Thập nhị nhân duyên” trước hết vạch ra tiến trình của sự dứt khổ, nhưng đồng thời lại nêu rõ sự hình thành của con người và thế giới. Thập nhị nhân duyên là mười hai giai đoạn làm nên một đời của con người, giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau, giai đoạn này sinh thì giai đoạn kia sinh, giai đoạn này diệt thì giai đoạn kia diệt, các giai đoạn nối tiếp nhau tạo vòng sinh tử. Đó là Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập, Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử.
• Riêng giai đoạn “Lục nhập sinh Xúc”, tức khi con người tiếp xúc với môi trường bên ngoài và có những cảm xúc như thương yêu, sợ hãi thì đã được giải mã làm rõ qua các công trình nghiên cứu khoa học mà đỉnh cao là công trình của hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Hoá học 2012. Việc tìm ra các thụ thể và vai trò của chúng trong việc truyền tin (cái nầy sinh/diệt thì cái kia sinh/diệt) không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ con người, mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cơ chế phát sinh cảm giác, sau đó là cảm xúc của bản thân mình. Cho rằng giải Nobel 2012 góp phần làm rõ thuyết “Thập nhị nhân duyên”, ở chỗ giải thích được “Lục nhập sinh Xúc” là vì thế.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Hữu Đức, Giải Nobel Hóa Học Làm Rõ Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên]
7. Tháng 9/2013: Thành viên sáng lập của Liên minh Phật giáo Tòan cầu (IBC) họp lần thứ nhất.
• Hội nghị “Các thành viên sáng lập lần thứ nhất” của Liên minh Phật giáo thế giới (International Buddhist Confederation, IBC) đã được khai mạc trọng thể tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào sáng ngày 9-9-2013. Tham dự Hội nghị này có khoảng 600 đại biểu thuộc 100 phái đoàn của 39 quốc gia, bao gồm nhiều vị Tăng thống, chủ tịch các tổ chức Giáo hội Phật giáo lớn trên thế giới. Về phía quan khách có bà Sheila Dixit, thống đốc thủ đô Delhi, công chúa Ashi Kesang Wangmo Wangchuck và cựu thủ tướng Jigmi Y. Thinley của Bhutan, ông thứ trưởng Bộ Tôn giáo Miến Điện U Soe Win, ông vụ trưởng Phật giáo thuộc Bộ Tôn giáo Lào Somboun Aliya và nhiều quan khách khác v.v... Thông điệp chúc mừng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, thông điệp của Giáo hoàng Francis, thông điệp của bà Daw Aung San Suu Kyi, thông điệp của nguyên Thủ tướng Bhutan, thông điệp đức Dalai Lama và thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ v.v... đã lần lượt được tuyên đọc, hoặc được trình chiếu qua máy phóng ảnh tại Hội nghị.
• Với tư cách pháp nhân là tổ chức Phật giáo liên kết và điều hành Phật sự lớn nhất thế giới, Liên minh có năm nhiệm vụ: (i) Là tiếng nói hợp nhất (united voice) của mọi tổ chức Phật giáo về những mối quan tâm toàn cầu; (ii) Bảo tồn các truyền thống và gia tài văn hóa Phật giáo thế giới và phối hợp tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của Phật tử khắp nơi; (iii) Tạo sự thông cảm giữa các tổ chức, tông phái và truyền thống Phật giáo để giải quyết mọi hình thức bạo động; (iv) Xiễn dương quyền bình đẳng xã hội và bình đẳng giới tính. Khuyến khích tinh thần từ bi và tương hệ trong thế giới Phật giáo; và (v) Hoạt động như một mạng lưới để vận động các chính phủ và các định chế quốc tế về những vấn đề mà Phật giáo quan tâm.
• Đây là lần thứ nhì Liên Minh nhóm họp ở cấp toàn cầu sau hai năm hoạt động. Đó là một bước tiến vĩ đại nếu ta biết rằng Liên minh đã phải vượt qua những trở ngại to lớn như thế nào trong giai đoạn mới khai sinh. Theo báo cáo tại Hội nghị, Liên minh đã đạt được những thành quả to lớn trong các dự án được thông qua trong Hội nghị lần trước nhằm thể hiện 5 nhiệm vụ mà Liên Minh đề ra.
8. Tháng 5/2014: Thủ tướng Narendra Modi, một tín đồ Ấn giáo, giúp Phật giáo Ấn Độ hồi sinh.
• Thái tử Tất Đạt Đa là người Ấn Độ, thành Phật tại Ấn Độ và Tăng đoàn Phật giáo đầu tiên đã được thiết lập cũng tại Ấn Độ. Phật giáo như một tôn giáo có tổ chức đã lên đến đỉnh điểm vào thế kỷ thứ 3 dưới thời Đại đế Ashoka và bắt đầu suy tàn từ thế kỷ thứ 12 khi Đại học Nālānda bị tiêu hủy. Sau hơn 18 thế kỷ bám rễ và triển khai thành nhiều bộ phái phái tông môn, Phật giáo tại Ấn Độ đã bị suy tàn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến tình trạng suy đồi giới hạnh của cấp lãnh đạo Phật giáo là nguyên cớ chính. Hiện nay, theo thống kê dân số của Pew Research Center năm 2013 thì số Phật tử tại Ấn Độ là 9,25 triệu người, chỉ chiếm 0,8% tổng dân số toàn quốc, và chỉ bằng 1/3 lượng tín đồ theo đạo Chúa (Công giáo La Mã và Tin Lành) tại Ấn Độ.
• Trong buổi hoàng hôn đó của Phật giáo tại Ấn Độ bổng xuất hiện một vị “cứu tinh” lạ lùng: Ông Narendra Modi, một tín đồ Ấn giáo. Ông sinh năm 1950 tại làng Vadnagar thuộc huyện Mehsana, miền Tây Bắc Ấn Độ. Ông là người con thứ ba trong số 6 người con của một người chủ quán trà. Theo học ngành chính trị học tại đại học Gujarat, ông tốt nghiệp với bằng thạc sĩ. Ông là thủ lĩnh của đảng Bharatiya Janata (đảng Nhân Dân), từng giữ chức Thống đốc tiểu bang Gujarat từ năm 2001 đến năm 2014. Ông Narendra Modi là một người theo dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo và là một thành viên của Tổ chức Tình nguyện Dân tộc (RSS). Ông được ca ngợi là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và quyết đoán, các chính sách kinh tế của ông tạo ra môi trường tối ưu cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở mức cao.
• Tuy là một tín đồ Ấn giáo nhưng ông đặc biệt ngưỡng mộ Đức Phật và Giáo pháp của Ngài, nhất là khi vận dụng nội dung Phật pháp để đối trị những cuộc khủng hoảng xã hội và nhân văn. Ông đã từng tuyên bố trước các diễn đàn tôn giáo rằng “Đức Phật là vương miện của nước Ấn Độ. Ngài là một nhà cải cách vĩ đại đã cho nhân loại một nhân sinh quan mới” (Buddha is India’s crown jewel. He is a great reformer who gave humanity a new world view). Lãnh đạo một xã hội phức tạp đa giai cấp và nhiều truyền thống tâm linh đan bện chồng chéo của hơn một tỷ công dân, ông không ngại ngùng xác định rằng “Đức Phật là người đầu tiên cho thế giới nầy một hệ thống đạo đức hoàn chỉnh” (Buddha was the first human being to give to this world a complete system of morality), và “Đức Phật là một nhà thuyết giảng vĩ đại về sự bình đẳng” (Buddha was a great preacher of equality).
• Là một nhà cải cách, trong nhiều lần đối thoại với các Tăng sĩ cũng như Cư sĩ lãnh đạo Phật giáo, ông đã thúc đẩy và thách thức Phật giáo Ấn Độ hãy mạnh dạn tiến hành một cuộc chấn hưng triệt để hầu trở lại với vai trò chủ đạo về đạo đức và tâm linh cho dân tộc Ấn. Tầm nhìn vĩ mô và dài hạn của ông được trình bày vào năm 2010 tại Cuộc hội thảo Di sản Phật giáo Quốc tế ở Thủ đô văn hóa Gujarat, bang Vadodara, với sự hiện diện của Đức Đạt-lai Lạt-ma và những vị chức sắc lãnh đạo của các tôn giáo khác, trong đó ông diễn giảng về một liên minh văn hóa giữa Ấn Độ (mà phần lớn theo Ấn giáo) và một Châu Á (mà đa số theo Đạo Phật) để đối trọng trong hòa bình và phát triển với Liên minh Châu Âu (một Liên minh các nước có nền tảng Thiên Chúa Giáo) và Tổ chức Hồi giáo (Hiệp hội gồm các quốc gia theo Đạo Hồi).
• Ngày 16-5-2014, đảng Nhân Dân (Bharatiya Janata, BJP) của ông đã oanh liệt thắng đảng Quốc Đại (Congress Party) trong cuộc bầu phiếu toàn quốc, chiếm 350 (trên 543) ghế trong Quốc hội. Mười ngày sau, ngày 26-5-2014, ông Narendra Modi tuyên thệ trở thành Thủ Tướng (thứ 15) của nước Cọng hòa Liên bang Ấn Độ.
Công cuộc hồi sinh của Phật giáo Ấn Độ sẽ được hưởng nhiều thuận lợi từ thắng lợi này bởi vì nhà lãnh đạo mới Narendra Modi hết lòng tán dương Đức Phật và rất quan tâm đến sự đóng góp to lớn của Phật giáo đối với việc nâng cao tiêu chuẩn tinh thần và đạo đức cho nhân loại trên toàn thế giới.
9. Tháng 10/2015: Thông điệp ủng hộ “Tuyên ngôn 2009 của Phật giáo về tình trạng Thay đổi khí hậu” trước thềm Hội nghị COP21 tại Paris.
• Ngày 29-10-2015, mười lăm nhân vật lãnh đạo Phật giáo đã ký tên vào một Thông điệp ủng hộ Tuyên Ngôn của Phật giáo về Thay đổi Khí hậu (Copenhagen, 2009), kêu gọi lãnh đạo thế giới hãy chấm dứt hoàn toàn việc khai thác và xử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thông điệp nầy là nỗ lực mới nhất của tổ chức Global Buddhist Climate Change Collective (GBCCC) vốn được thành lập từ tháng 9 năm 2015 để thể hiện đóng góp của Phật giáo cho COP21, một Hội nghị về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Paris vào ngày 30-11-2015.
• Bản Thông điệp ủng hộ “Tuyên Ngôn Phật giáo 2009” mở đầu như sau:
“Chúng tôi, các nhà lãnh đạo Phật giáo ký tên dưới đây, cùng tập hợp lại trước thềm Hội nghị lần thứ 21 (COP21) của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Paris, nhằm góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hợp tác với nhau trong tình thương và tuệ giác để có thể đạt được một thỏa thuận hiệu quả và đầy tham vọng về biến đổi khí hậu…. Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người chúng ta cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta.”
• Sau khi đưa ra các “mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm những phương thức tiêu thụ không bền vững, và những đòi hỏi về mặt đạo đức khi giải quyết những nguyên nhân cũng như tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất thế giới”, Thông điệp kêu gọi: “Để đạt được những mục tiêu nêu trên, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nỗ lực bằng ý chí chính trị của mình để thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải mà các quốc gia đã cam kết và đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp… Vì những lý do nêu trên, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán tại Paris:
1. Luôn lưu tâm đến các khía cạnh đạo đức liên quan đến biến đổi khí hậu, như đã nêu trong điều thứ 3 của Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC).
2. Đồng ý chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang hướng sử dụng 100% năng lượng sạch và có khả năng tái tạo.
3. Quyết tâm thu hẹp khoảng cách về mục tiêu khí thải mà các quốc gia đã cam kết và đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
4. Đi đến một cam kết chung về tăng cường nguồn lực tài chính trên mức 100 tỷ đô-la mà các nước phát triển đã cam kết đóng góp tại Copenhagen năm 2009, thông qua Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trên toàn cầu.
Thời điểm hành động là bây giờ.”
Đồng ký tên:
1- Đức Đạt-lai Lạt-ma Tenzing Gyatso - Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14
2- Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Vị thầy sáng lập Làng Mai (Pháp)
3- Đức Gyalwang Karmapa thứ 17 - Người đứng đầu của dòng phái Karma Kagyu
4- Hòa thượng Dharmasen Mahathero - Đức Tăng thống, Giáo hội Phật giáo Bangladesh
5- Ngài Hakuga Murayama - Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo trẻ Nhật Bản (JYBA)
6- Ngài Jaseung Sunim - Trưởng Tông phái Tào Khê (Jogye Order) của Phật giáo Hàn Quốc
7- Hòa thượng Bhante B. Sri Saranankara Nayaka Maha Thera - Giáo hội Phật giáo Malaysia
8- Hòa thượng Khamba Lama Gabju Demberel - Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Mông Cổ
9- Hòa thượng Bhaddanta Kumarabhivamsa - Đức Tăng thống, Chủ tịch Ủy ban Tăng đoàn Quốc gia Maha Nāyaka, Myanmar
10- Hòa thượng Agga Maha Panditha Dawuldena Gnanissara Maha Nayaka Thera - Đức Tăng Thống của Amarapura Maha Nikaya, Sri Lanka
11- Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
12- Ngài Lama Lobzang, Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Thế giới (IBC)
13- Ngài Olivier Reigen Wang-gen, Chủ tịch, Tổng hội Phật giáo Pháp (UBF)
14- Ngài Bhikku Bodhi - Chủ tịch Hội Phật giáo Hoa Kỳ (BAUS)
15- Công chúa Ashi Kesang Wangmo Wangchuk – Vương quốc Bhutan
10. Tháng 10/2016: Giải Nobel Y-Sinh học về quá trình Tái sinh của tế bào và ý niệm Vô thường của Phật giáo.
• Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho một nhà khoa học Nhật Bản là Giáo sư Yoshinori Oshumi. Ông hiện là giáo sư của Học Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology). Ông là người Nhật thứ 4 được trao giải Nobel Y-Sinh học, và người Nhật thứ 25 được trao giải Nobel. Giải thưởng năm nay ghi nhận khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào, được đặt tên tiếng Anh là macroautophagy, nhưng thường thì gọi tắt là autophagy. Thuật ngữ autophagy xuất phát từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là "tự ăn", nhưng có lẽ dịch sang tiếng Việt là "tự thực". Thật ra, nghĩa đúng và đầy đủ là quá trình tế bào tái sinh.
• Mỗi ngày, để duy trì sức khoẻ bình thường, cơ thể chúng ta phải đào thải một lượng protein bị hư hỏng, và thay thế chúng bằng protein mới. Tính chung, mỗi ngày cơ thể chúng ta cần phải thay thế khoảng 200 đến 300 g protein. Nhưng trong khi chúng ta chỉ thu nạp khoảng 60-80 g, và hơn phân nửa là bị thải ra, vậy thì lấy đâu để thay thế? Đó là "bí mật" của cơ thể. Giáo sư Yoshinori Oshumi tìm ra được cơ chế thay thế đó. Hoá ra, các tế bào và protein trong chúng ta có khả năng tự tái sinh (self-recycling). Nói cách khác, trong điều kiện thiếu thốn, các protein tự chúng tái sinh để đáp ứng đủ khối lượng protein mà cơ thể cần thiết. Cơ chế tái sinh này được đặt tên là autophagy. Ý nghĩa "tự thực" được hiểu từ cơ chế đó.
• Khái niệm sinh - diệt của tế bào rất gần với ý niệm "vô thường" trong Phật giáo. Kinh Tứ Thập Nhị Chương có thuật một câu chuyện, mà theo đó Đức Thế Tôn hỏi các tỳ kheo rằng con người sống bao lâu. Người thì trả lời là 100 năm, người cho rằng 70 năm, người lại nói vài tháng. Chỉ có một tỳ kheo nói rằng mạng người sống chỉ có một hơi thở! Đức Thế Tôn khen vị tỳ kheo đã hiểu đúng về định luật vô thường của sự sống. Định luật vô thường ở đây có thể hiểu là chu trình thành-trụ-hoại-không. Chu trình này diễn ra liên tục không ngơi nghỉ trong cơ thể chúng ta.
• Thật vậy, trong thực tế sinh học, tất cả chúng ta sống và chết trong một giây, và qui trình sinh-diệt này diễn ra một cách liên tục cho đến ngày chúng ta giã từ trần thế. Do đó, nói rằng chúng ta chết và sống trong từng giây không phải là một ví von, một mĩ từ tôn giáo, mà là một thực tế sinh học. Phát hiện của Giáo sư Yoshinori Oshumi tuy không mới nhưng giải thích được cái cơ chế của định luật vô thường qua phương pháp khoa học hiện đại.
• Phát hiện về cơ chế tự thực của Giáo sư Yoshinori Oshumi không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn phảng phất triết lí nhà Phật. Quá trình tái sinh của tế bào là một khía cạnh của ý niệm vô thường. Thật ra, rất nhiều những gì mà giới khoa học ngày nay gọi là "khám phá" hay "phát hiện" thực chất chỉ là minh hoạ và giải thích những ý niệm đã được Đức Phật phát biểu cách đây hơn 2500 năm. Nhưng cái đẹp của khoa học hiện đại là những phương pháp tinh vi và chính xác có thể giúp chúng ta xác minh và hiểu biết tốt hơn những ý tưởng cổ điển mà các bậc hiền triết ngày xưa nghĩ đến.
[Trích từng phần từ: Nguyễn Văn Tuấn, Giải Nobel Y-Sinh học phảng phất ý niệm Vô thường ]
-- () --
Mười năm đã trôi qua. Mười sự kiện có ý nghĩa lớn nêu trên như mười hạt ngọc lưu ly được gắn thêm vào một xâu chuổi ngọc trí tuệ, lóng lánh nội hàm của ba tạng kinh điển Phật giáo. Mỗi sát na biến hiện là mỗi sát na hiển lộ thêm tính Chân Thực vi diệu của lời Phật dạy, vượt ra ngoài và lên trên tri kiến tục đế để xuyên suốt vào từ Cực Tiểu vi tế của mầm sống đến Cực Đại mênh mông của vũ trụ bao la.
Lời Đức Phật dặn dò năm xưa, trước lúc Ngài giả biệt đệ tử, như còn vang vọng đâu đây trong chiều dài không-thời-gian vô tận, trong chiều sâu thăm thẳm của tâm thức hàng tỷ chúng sinh. Hãy mở lòng mở trí đọc lại một lần nữa để cùng nhau kiên trì và tinh tấn đi trên con đường thênh thang an lạc mà Đức Phật đã đi:
“Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.”…
“Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.”…
“Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con”.
Trí Tánh Đỗ Hữu Tài
California, 12/2016
Tham chiếu từ: daophatngaynay.com/vn, en.wikipedia.org, giacngo.vn, giaodiemonline.com, ibcworld.org, intpolicydigest.org, langmai.org, lotuspro.net, nalandauni.uni.in, rsc.org, space.com, theosophical.org và thuvienhoasen.org.
Xem phiên bản PDF với đầy đủ hình ảnh
tại đây.