Phương châm của Thế Vận đưa ra từ năm 1894 là “Nhanh Hơn, Cao Hơn, Mạnh Hơn.” Trong tiếng Anh là "Faster, Higher, Stronger" – tất cả đều chỉ về thành công trong các môn thi thể lực. Nghĩa là, không có vẻ gì liên hệ tới thiền tập. Tuy nhiên, phương pháp thiền tập đang được nhiều lực sĩ Thế Vận luyện tập hàng ngày, và xem như một phần quan trọng trong các thành công có thể có.
.
Riêng đối với đội tuyển Thế Vận Úc Châu, thiền tập được luyện tập để dùng thay cho thuốc ngủ, lý do được phóng viên Mary Gearin của thông tấn ABC.net.au ghi nhận vì có lệnh cấm sử dụng thuốc ngủ Stilnox – và từ đây, và cũng vì Thế Vận Rio 2016 xét nghiệm y tế về độ thuốc tăng lực rất gắt gao, đội tuyển Úc châu sẽ không dùng bất kỳ thứ thuốc gì hết, thay vào đó sẽ là tập thiền.
Thêm nữa, các lực sĩ đội tuyển Úc châu sẽ có những trận thi vào giờ gần nửa đêm, và sau những thử nghiệm thuốc tăng lực và sau khi trả lời phỏng vấn với truyền thông, họ có thể chỉ vào giường ngủ lúc 3 hay 4 giờ sáng, trong khi ngày kế tiếp có thể là những cuộc thi chung kết.
Khi rời bỏ tất cả các loại thuốc, đội tuyển Úc châu quyết định sử dụng thiền tập.
Vận động viên bơi lội Josh Beaver nói rằng anh ưa thích thiền chánh niệm (mindfulness), “Tôi thấy rất là hiệu quả, chỉ cần tập thiền chánh niệm 10 hay 15 phút, cũng tương đương với một giờ ngủ trưa, với tôi là thế.”
.
Trong cách riêng, tất cả các tôn giáo đều lo chăm sóc cho các lực sĩ tín đồ của họ. Báo The Gospel Herald kể rằng Làng Thế Vận 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil, sẽ có những đền thờ, nơi cầu nguyện dựng lên cho các lực sĩ, và sẽ có tu sĩ thuộc năm tôn giáo tại các nhà nguyện này. Các tôn giáo này là: Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Độ Giáo, và Phật Giáo. Báo này không nói rõ có bao nhiêu nhà sư, chỉ nhắc tới tên nhà sư Nhật Bản Jyun Sho Yoshikawa trong lực lượng tuyên úy các tôn giáo này.
Một điểm có thể nhận ra giữa dị biệt hai chế độ Hoa Kỳ và Nga: trong khi chính phủ Mỹ mang tính thế tục thực sự, vì là đất nước của nhiều tín đồ tôn giáo dị biệt và cả vô thần, nhà nước Nga chỉ là thế tục hình thức, vì Tổng Thống Vladimir Putin có chính sách dựa riêng vào Chính Thống Giáo Nga.
Bản tin Interfax cho biết Đức Giám Mục Andrey Alexeyev được Đức Giáo Trưởng Kirill bổ nhiệm làm Cha tinh thần (Spiritual father) của đội tuyển Thế Vận Nga. Ngài Alexeyev cũng sẽ là Linh mục giải tội (father-confessor) cho đội tuyển Nga trong suốt thời gian Thế Vận ở Rio.
Trong khi đó, Đức Giáo Trưởng Kirill đã tiếp đón và an ủi các lực sĩ Nga bị Thế Vận Rio cấm tranh tài vì cho là có sử dụng thuốc tăng lực. Khoảng 135 lực sĩ điền kinh Nga trong đó có những người bị Thế Vận Rio cấm, sẽ tranh tài trong một Thế Vận Thu Hẹp ở sân Znamensky Brothers Stadium tại Moscow.
Trong khi TT Putin nói rằng lực sĩ Nga bị Thế Vận Rio kỳ thị, Đức Giáo Trưởng Kirill thực hiện thánh lễ ngày 27-7-2016 tại thánh đường Cathedral of the Kremlin để tiễn đưa phái đoàn lực sĩ Nga dự Thế Vận, và nói rằng "đọc kinh đối với họ sẽ là một công cụ quan trọng trong thành quả [Thế Vận] của họ." (prayer for them will be an important tool in their performances)
Đó cũng là một dị biệt với các lực sĩ lựa chọn thiền tập: tất cả các pháp thiền đều lặng lẽ, không dùng tới ngôn ngữ và suy nghĩ. Chỉ có sự lặng lẽ, chăm chú tỉnh thức.
.
Theo lịch trình chính thức của Thế Vận Rio 2016, lễ khai mạc là ngày 5 tháng 8-2016, bế mạc là ngày 21-8-2018. Tuy nhiên, một số cuộc thi đấu, trong đó có bóng đá (vâng, môn thể thao này còn gọi là túc cầu, hay bóng tròn -- bộ môn đa số dân Việt say mê) đã thi đấu từ ngày 3 tháng 8-2016.
Khẩu hiệu chính thức của Thế Vận 2016 là: Một thế giới mới. Vì Brazil sử dụng ngôn ngữ Bồ Đào Nha, khẩu hiệu này viết là: Um mundo novo.
Dự kiến sẽ có đội tuyển 207 quốc gia tham dự. Số lực sĩ tham gia dự kiến sẽ là hơn 10,500 lực sĩ.
Sẽ có 306 trận cuộc thi tài trong 28 bộ môn thể thao.
.
Hình như có một lý do khác để đội tuyển Úc Châu chọn thiền tập làm phương thuốc thay thế tất cả các phương thuốc. Có phải vì các thiền sư lúc nào cũng nổi tiếng là khổ hạnh tuyệt vời? Như thế, khổ hạnh sẽ tiện dụng khi bước vào Làng Thế Vận Rio 2016?
Thông tấn ESPN kể rằng Đội trưởng Đội tuyển Thế vận Úc châu Kitty Chiller nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật 31-7-2016 rằng phái đoàn 700 lực sĩ và viên chức thể thao sẽ cư ngụ bên ngoài Làng Thế Vận ít nhất là 2 ngày, lý do vì ngôi làng này có quá nhiều thử thách khổ hạnh…
Chiller nói rằng đây là kỳ tham dự Thế Vận lần thứ 5 của bà, nhưng chưa từng thấy ngôi Làng Thế Vận nào kinh dị như Làng Thế Vận Rio 2016, vì (lúc đó) chưa có đủ điện và nước.
Làng Thế Vận Rio 2016 gồm 31 căn buildings, dự kiến là nơi ở cho 18,000 lực sĩ, viên chức và phóng viên thể thao các nước.
Chiller và phát ngôn viên đội tuyển Úc Mike Tancred nói rằng Làng Thế Vận có vấn đề về ống dẫn nước, các vòi nước rỉ nữa, điện cũng thiếu ánh sáng ở một số cầu thang, “Hôm Thứ Bảy 30-7-2016, chúng tôi có thử vặn nước và giựt nước nhà vệ sinh, thế là nước trào ra chảy xuống các mép tường.”
Dù vậy có vẻ như câu chuyện điện, nước vẫn là chuyện khổ hạnh rất nhỏ, nếu so với các tu viện dưới rặng núi Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng nhiều lực sĩ lo ngại là chuyện dịch bệnh Zika.
Trong khi đó, báo New York Times ghi rằng các chuyên gia y tế tại Brazil đưa ra lời khuyên cho các lực sĩ tranh tài ở các môn thi liên hệ tới nước hồ, nước sông, nước biển…
Lời khuyên đó là: Hãy ngậm miệng lại… chớ để nước vào miệng.
Các viên chức thú nhận rằng thành phố biển Rio de Janeiro đẹp tuyệt vời, nhưng hệ thống lọc nước cống vẫn chưa ổn.
Báo New York Times ghi lời các nhà hoạt động môi trường, trong đó có các nhà nghiên cứu ở Federal University of Rio, nói rằng nước ở thành phố Rio, và cả hai vùng bờ biển Ipanema và Leblon gần đó, những nơi các lực sĩ và khán giả sẽ đi tới lui thăm cảnh giữa các trận thi đấu, đều ô nhiễm và kháng thuốc, có “siêu vi khuẩn” có thể gây ra tiêu chảy và ói mửa; người có hệ miễn nhiễm yếu, có thể chết.
Do vậy, lời khuyên do New York Times đưa ra là: ngậm miệng lại, chớ để nước vào.
Đó là phóng viên Andrew Jacobs trên báo New York Times ngày 26-7-2016 chơi chữ, nói ngay ở tựa đề "Keep Your Mouth Closed: Aquatic Olympians Face a Toxic Stew in Rio" (Ngậm miệng quý vị lại: Lực sĩ Thế Vận các môn thi dưới nước gặp nước canh độc ở Rio).
Nhảy xuống hồ là thấy liền nước canh, nhưng nước vô bụng là bệnh liền.
Bởi vậy, mới cần tới thiền sư... Ngậm miệng? Phải chăng đây cũng là một kiểu nhà Thiền, nếu chúng ta nhớ tới một thiền sư Trung Hoa xưa từng nói rằng hãy để cho khóe miệng lên mốc?
Bản dịch của Thầy Thanh Từ ghi về Thiền sư Thanh Liễu Chơn Yết đời thứ 14 sau Lục Tổ Huệ Năng, trích:
"Sư thượng đường: Bên khóe miệng lên meo trắng, mới được vào cửa; khắp chân thối nát đi, mới biết có việc trong cửa. Lại phải biết có cái chẳng ra cửa. Sư bảo: - Gọi cái gì là cửa?"
Đó là pháp môn Vô Môn Quan, Không Cửa Vào, thời thời Thấy Tánh ngay trước mắt, ngay bên tai… nơi tất cả "niệm có và niệm không, niệm lành và niệm dữ" vừa hiện lên trong tâm là biến mất vào lặng lẽ của pháp tánh Như Thị.
.
Nhìn chung, các lực sĩ quốc tế ngày càng dựa nhiều vào thiền tập.
Lực sĩ bơi lặn Anh quốc Tom Daley, 22 tuổi, nói rằng phương diện tinh thần là điều quan trọng dẫn tới huy chương. Daley từng thắng huy chương đồng trong Thế Vận 2012 London Olympics về môn nhảy xuống hồ từ dàn cao 10 mét, nói rằng có thể nói 70% là thể lực, nhưng 30% là khả năng tinh thần để kiểm soát những gì chúng ta có thể làm khi tranh tài.
Daley cũng là vô địch thế giới năm 2009, nói rằng, “Khi nói Thế Vận, bạn chỉ có một cơ hội mỗi 4 năm. Nếu bạn không thể cầm giữ áp lực trong cái khoảnh khắc đó, trong một cú nhảy cầu lặn đó, thì, hoặc bạn thắng huy chương, hoặc bạn cuốn gói về nhà.”
Daley nói rằng mỗi buổi sáng, anh tập 10 phút thiền chánh niệm và như thế có lợi vô cùng.
.
Lực sĩ Hoa Kỳ Sam Mikulak cũng thấy như thế. Anh Mikulak là nam lực sĩ Hoa Kỳ về môn thể dục dụng cụ vĩ đại nhất trong thế hệ của anh, 4 lần đoạt giải vô địch toàn quốc Hoa Kỳ.
Bản tin AP ghi rằng 15 phút quan trọng nhất trong lịch rèn luyện hàng ngày của Sam Mikulak là sáng sớm, sau khi anh rời giường. Anh ngồi lặng lẽ, để tâm lặng lẽ, không để bất kỳ thứ gì khởi lên trong tâm. Không bận tâm gì về Thế Vận sắp tới, không bận tâm gì về chuyện phải luyện tập ra sao. Mikulak nói, “Khi một niệm khởi lên trong đầu tôi, tôi nhận ra niệm đó, và tôi dùng mắt nhìn để quét niệm kia biến mất đi. Và rồi tôi trở về niệm hơi thở, và vào một nhịp điệu đều đặn có thể tập cho tôi làm biến mất bất kỳ niệm nào không cần thiết khi tôi tranh tài ở sàn đấu lớn.”
.
Lực sĩ Mã Lai Nauraj Singh Randhawa, 24 tuổi, chuyên về môn nhảy cao – từng thắng huy chương vàng Đông Nam Á Vận Hội 2013 và 2014 – học thiền tập từ huấn luyện viên người Úc Alex Stewart.
Nauraj nói rằng anh thực tập câu thần chú nhà Thiền “Chop wood, carry water” (Chẻ củi, xách nước) – mà anh nói có nghĩa là hãy đặt toàn tâm, toàn trí, toàn lực thông minh và toàn bộ tâm hồn vào từng hành vi nhỏ nhất.
.
Trong khi đó, báo Asahi Shimbun kể về lực sĩ Kazuki Yazawa, cũng là một nhà sư 27 tuổi, sẽ đại diện Nhật Bản thi đấu trong môn chèo xuồng K1 (còn gọi là K-1 kayak slalom = chèo xuồng đơn, một người; K2, K3, K4 là thi chèo loại xuồng 2 người chèo, 3 người chèo, 4 người chèo). Yazawa từng đứng vị trí thứ 9 toàn cầu khi thi môn chèo xuồng K1 trong Thế Vận London 2012, nhưng rồi sau đó quyết định xuất gia.
Trong bộ môn thi chèo xuồng, hầu hết các huy chương là về tay các vận động viên Châu Âu, do vậy tuy đứng thứ 9, lực sĩ Yazawa vẫn là vô địch Nhật Bản môn thi K1 Kayak, và là nhà vô địch Nhật Bản năm 2015.
Yazawa xuất gia ở chùa Zenkoji Daikanjin Temple, tỉnh Nagano, được các vị sư cao cấp trong chùa chấp nhận cho tiếp tục sự nghiệp tranh tài Thế Vận, tuy rằng nhà sư Yazawa không còn xem chuyện trần gian hay huy chương là quan trọng nữa.
Yazawa thức dậy khi mặt trời chưa mọc, tu tập các thời khóa nhà chùa cho tới 3 giờ chiều, lúc đó lực sĩ cởi áo nhà sư và mặc trang phục thể thao ra dòng sông gần đó để luyện môn chèo xuồng K1 khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, sau đó là tập chạy bộ hay vào phòng gym tập các môn thể thao khác.
Yazawa xuất gia năm 2013, và nói là không hề có ý nghĩ quân bình giữa 2 phần đạo và đời, mà thuần túy nghĩ là nhiệm vụ chính yếu phải là tăng sĩ, và chỉ còn chèo xuồng khi nào rãnh thôi.
Nhưng khi Yazawa thắng giải vô địch chèo xuồng K1 năm 2015, cả nước đều thấy rằng nhà sư này phải thay mặt Nhật Bản trong môn này ở Thế Vận Rio 2016.
Em gái nhà sư Yazawa là cô Aki, 24 tuổi, cũng là một lực sĩ Thế Vận Rio 2016. Báo Nhật không nói rõ là cô thi bộ môn nào.
.
Thế đấy, năm 2016 cũng là lần đầu tiên báo chí quốc tế chú ý về hiện tượng: thiền tập trở thành một công cụ luyện tâm và thân cho nhiều lực sĩ Thế Vận.
Như thế, chúng ta có thể đề nghị ghi thêm vào phương châm Thế Vận để thành:
Nhanh Hơn, Cao Hơn, Mạnh Hơn, và Lặng Lẽ Tỉnh Thức Hơn.