Lệ Uyên uống thuốc ngủ tự vận! Gia đình phát hiện kịp thời, đưa cô đi bệnh viện cấp cứu cô mới thoát được vòng hái của tử thần.
Lệ Uyên tự vận do thất tình? Đúng vậy! Nhưng, nguyên nhân nào khiến cô thất tình? Bị người yêu bội bạc, tham phú phụ bần hay gặp thằng “phải gió” sau khi biết rõ “đường đi lối về” rồi quất ngựa truy phong, chuồn mất? Hoặc vì không được môn đăng hộ đối, vì áp lực gia đình, cha mẹ ngăn cấm? Tất cả đều không phải!
Lệ Uyên và Phú quen nhau và yêu nhau trong giảng đường đại học. Tình yêu của họ trong sáng, chân thành và trong vòng lễ giáo, gạo chưa nấu thành cơm. Suốt bốn năm dài tìm hiểu, va chạm, thách thức, cả hai mới quyết định tiến tới hôn nhân sau khi ra trường và có việc làm ổn định. Lệ Uyên quê miền Trung, con út trong gia đình có chín anh chị. Phú quê Sài Gòn, là anh cả của ba đứa em. Cuộc sống của hai gia đình đều tương đương, “bên tám lạng bên nửa cân”. Tuổi tác suôi gia tuy khá chênh lệch nhưng “chọn gà chứ đâu chọn chủ kê”, hơn nữa, bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy chứ không còn như trước cho nên cha mẹ đôi bên đều ưng thuận và xúc tiến việc cưới hỏi cho con.
Hôm đám hỏi, do đường xá xa xôi, nhà trai không về ngay được, phải ở lại nhà gái một đêm sáng ra về sớm. Trong lúc suôi gia trò chuyện, ông Cảnh -ba Lệ Uyên- phát hiện một chuyện “động trời” khiến mọi người “chết đứng” như bị “trời trồng”. Nếu không phát hiện sớm mọi người sẽ ân hận suốt đời!
Vào khoảng tháng 3 năm 1975, ông Cảnh cùng đứa con trai đầu lòng chín tuổi tên Đại chạy vào Sài Gòn. Trên đường đi, ông và Đại lạc nhau giữa đoàn người hỗn loạn, tranh giành sự sống trong tiếng bom đạn ì đùng. Trời đất bao la, lạ nước lạ cái`nhưng ông bất kể vất vả, hiểm nguy, cố công tìm kiếm Đại với hy vọng hết sức mong manh trong thời điểm đó và suốt cả năm sau vẫn không gặp được con. “Chắc nó đã chết”. Ông Cảnh nghĩ. “Không chết vì bị dẫm đap cũng chết vì đói khát, tai nạn, bom đạn chiến tranh”. Ông buồn bã ôm gói lủi thủi về quê với nỗi lòng nặng trĩu.
Nào ngờ, sau gần 40 năm, Đại vẫn còn sống và hai cha con gặp lại nhau trong một hoàn cảnh…vô cùng éo le, ngang trái! Đại chính là…“ông suôi trai” đang ngồi trước mặt ông, Phú là cháu nội ông và kêu Lệ Uyên bằng cô ruột! Lệ Uyên đau khổ tột cùng! Đầu óc rối bung như điên như dại. Không ngờ người con trai mà cô yêu thiết tha, yêu say đắm và sắp trở thành chồng cô lại là cháu ruột cô! Chuyện kỳ quặc đến hoang đường!
Tự tử không thành, Lệ Uyên bị gia đình giám sát chặc chẽ vì hai lẽ, sợ cô tự tử lần nữa và…cùng Phú trốn đi xây tổ uyên ương, bất chấp luân lý đạo đức. Mặt khác, cha mẹ cùng anh chị cô thường xuyên khuyên nhủ, phân tích phải trái cho cô nghe để tránh trường hợp xấu xảy ra và ổn định tinh thần cô. Nhưng, do vết thương lòng quá sậu nặng nên cô chỉ vâng dạ cho qua chứ tâm tư cô luôn luôn u sầu buồn bã, thất thơ thất thểu như kẻ không hồn. Đây là loại độc dược không màu sắc, mùi vị nhưng Lệ Uyên sẽ chết dần chết mòn vì nó. Gia đình rất lo lắng song đã hết cách. Nhìn Lệ Uyên ngày càng tiều tụy, khô héo như bầu đứt dây ai nấy đều thở ra, lắc đầu ngao ngán.
Ông Cảnh có người cháu gái xuất gia từ nhỏ -ni sư Diệu Liên- trụ trì chùa Quan Âm ở vùng nông thôn tĩnh lặng. Ni sư khoảng năm mươi, có đạo hạnh, có uy tín, được tín đồ và Phật tử kính trọng. Những tín đồ, phật tử đáng con cháu và trẻ con đều gọi ni sư bằng Sư mẫu (như Sư ông đối với thầy tu nam), ni sư xưng mẹ. Chùa có mở đạo tràng cho tín đồ, Phật tử đến tu tập. Có người khuyên ông Cảnh nên đưa Lệ Uyên vào chùa nhờ ni sư dùng đạo pháp chữa trị cho cô. “Đúng rồi!” Ông Cảnh nghĩ. “Tâm bệnh phải trị bằng tâm dược mới khỏi. Chùa là nơi thanh tịnh, hy vọng tiếng kệ lời kinh sẽ làm cho nó vơi đi khổ đau thất vọng. Biết đâu phước chủ may thầy?”. Trước khi đưa Lệ Uyên vô chùa, ông kể hết chuyện cho ni sư Diệu Liên nghe.
Lệ Uyên được đưa vào chùa. Ni sư Diệu Liên đón nhận cô như người mẹ độ lượng nhân từ đón nhận đứa con gái lầm đường trở về chính đạo. Gặp ni sư, Lệ Uyên khóc nức nở:
-Con khổ quá mẹ ơi! Sao không để con chết đi mà cứu con chi vậy?
Ni sư ôm Lệ Uyên vào lòng, âu yếm vỗ về an ủi cô ngọt ngào êm ái như người mẹ thật sự chứ không phải nhà tu:
-Con gái ngoan! Khóc đi con, khóc đi cho vơi khổ đau thất vọng, khóc thật nhiều cho bất hạnh tuôn ra theo giòng nước mắt, đừng để nó đọng lại trong lòng. Mọi người đều thương yêu con và chia sẻ khổ đau thất vọng với con, mẹ cũng đang sẳn sàng đây.
Lệ Uyên tức tưởi trong lòng ni sư Diệu Liên khá lâu, nước mắt thấm ướt áo sư. Chờ Lệ Uyên hết xúc động, Sư đưa cô vào phòng riêng của mình cho cô không có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi. Có Lệ Uyên, Sư không ngủ trên chiếc “đơn” mà trải chiếu dưới sàn nhà ngủ chung với cô cho dễ dàng ấp yêu tâm sự. Sư không vội vàng mà lựa từng thời điểm thích hợp chữa trị tâm bệnh Lệ Uyên. Mỗi khi lên chánh điện tụng kinh Sư đều kêu Lệ Uyên theo lạy Phật nghe kinh. Lần nào đi làm công tác phật sự hoặc từ thiện xã hội Sư cũng dắt Lệ Uyên đi cùng. Sư còn căn dặn các ni sư đệ tử và phật tử trong chùa đừng hỏi han hoặc xầm xì bàn tán gì đến khổ đau thất vọng của Lệ Uyên mà cố gắng tạo điều kiện cho cô hòa nhập vào cuộc sống thực tại cho cô quên đi những gì trong quá khứ. Sư cũng giao việc cho Lệ Uyên, cho cô không có thì giờ rãnh rỗi nhớ lại chuyện xưa. Lệ Uyên siêng năng cần mẫn như một người làm công quả.
Một buổi chiều nắng đẹp, ni sư Diệu Liên cùng Lệ Uyên đi ra trước sân chùa xem hoa kiểng, đến trước tượng Quán Thế Âm bồ tát đứng trên tòa sen giữa lòng hồ trồng đầy hoa sen, tay trái cầm thanh tịnh bình, tay phải cầm nhành dương liễu. Lệ Uyên nhìn pho tượng rất chăm chú. “Ngài đang rưới nước Cam lồ cứu khổ cứu nạn chúng sinh đó con”. Sư giải thích. Lệ Uyên nín thinh, Sư dẫn cô đến ngồi trên ghế đá trò chuyện. Thấy tâm trạng Lệ Uyên tương đối ổn định, Sư nhỏ nhẹ nói:
-Quán Thế Âm bồ tát cứu khổ cứu nạn chúng sinh nhưng trước khi được ngài cứu thì mình hãy tự cứu lấy mình. Ở đời, không ai không có khổ đau thất vọng, người can đảm, có nghị lực thì đương đầu với nó, vượt qua nó dễ dàng, còn người hèn nhát, thiếu tự tin thì đầu hàng, trốn chạy. Chết là chạy trốn nhưng không giải quyết gì được mà còn tạo thêm nghiệp chướng cho mình và khổ đau cho người còn sống. Con hãy nghĩ lại xem sau khi con chết, con sẽ nhận được gì và cha mẹ anh chị con đau khổ biết chừng nào không?
Lệ Uyên buồn bã đáp::
-Dạ! Con biết. Con cũng rất hối hận.
Sư nhìn Lệ Uyên mỉm cười. Phải nó biết sớm thì hay biết mấy? Sư nghĩ. Tuy nhiên, ở đây nó thông suốt nhưng khi về nhà nó tái phạm thì sao? Sư tiếp tục thuyết phục Lệ Uyên:
-Tốt lắm! Trong lục đạo, con người ở hàng thứ nhì chứng tỏ được làm người không phải dễ cho nên đừng hủy hoại thân mình với bất cứ lý do gì. Thân thể tóc da do cha mẹ sanh ra, hủy hoại thân thể là bất hiếu, phụ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mọi người đều quan tâm con, thương yêu con, mong muốn con sung sướng hạnh phúc, con đừng làm cho mọi người thất vọng nghe con?
Lệ Uyên gật đầu, Sư chỉ chậu ớt kiểng, hỏi cô:
-Con có thấy chậu ớt kiểng kia không? Khi trái ớt chín muồi rụng xuống đất thân nó tan rã nhưng cái hột nó vẫn còn và sẽ mọc lên cây ớt mới, đậu trái ớt mới. Trái ớt mới không phải trái ớt cũ nhưng không khác trái ớt cũ. Con người cũng vậy, chết không phải hết mà là chuyển tiếp đến sự sống mới. Khi chết, linh hồn hay còn gọi là trường sinh học rời khỏi thân xác, gặp cơ duyên sẽ hình thành con người mới trong vòng bốn mươi chín ngày. Con người mới không khác con người cũ nhưng không phải con người cũ. Sự chuyển tiếp đó kéo dài vô tận, con người mới là cái quả của con người cũ đồng thời là cái nhân của con người mới tiếp theo, gieo nhân nào gặt quả nấy.
Lệ Uyên trầm ngâm suy nghĩ, có vẻ nhận ra điều huyền diệu đó.
Phương pháp “chữa bệnh” kết hợp đạo pháp và tâm lý của ni sư Diệu Liên khá hiệu quả. Đóa hoa héo úa được tưới nước Cam lồ bắt đầu hồi sinh, tươi tắn. Tiếng nói nụ cười của Lệ Uyên cũng thường xuyên nở trên đôi môi không còn khô nhạt. Tinh thần ổn định, tính hiếu kỳ của tuổi trẻ trổi dậy khiến Lệ Uyên hay xem kinh sách và tranh ảnh trong chùa. Sư kêu đệ tử đem sự tích Phật Thích Ca từ bỏ cuộc sống vàng son cùng vợ đẹp con ngoan xuất gia tu hành cho Lệ Uyên nghe xem, cô tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Lệ Uyên vẫn hay tìm nơi vắng vẻ, ngồi một mình, đưa mắt nhìn về phương Nam đau đáu chứng tỏ cô còn nhớ Phú và những kỷ niệm vui buồn của mối tình đầu. Dù không đi qua con đường đó lần nào nhưng Sư vẫn biết tình đầu là mối tình rất khó quên, nhất là mối tình đẹp, có ấn tượng, càng cố quên lại càng nhớ thêm. Sư nghĩ cách cho Lệ Uyên lãng quên từ từ bằng việc bắt cô ngồi thiền tịnh tu.
Một hôm, ni sư Diệu Liên thấy Lệ Uyên chỉ khung ảnh có ba vị phật A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí rồi hỏi một ni sư ba vị ấy tên gì. Đây là cơ hội tốt giúp Lệ Uyên từ bỏ những kỷ niệm của mối tình ngang trái, Sư nghĩ, liền bước đến thay đệ tử giải thích rõ tên và đạo hạnh từng vị cho Lệ Uyện nghe. Đến ngài Đại Thế Chí, Sư nhấn mạnh:
-Đạo hạnh của Bồ tát là đại hỷ đại xả nghĩa là vui vẻ buông bỏ tất cả nghiệp chướng phiền não. Để có được đạo hạnh nầy Bồ tát đã trải qua rất nhiều kiếp sống đầy phong ba bão táp, khổ đau bất hạnh nhưng Bồ tát đều vượt qua được, buông xả hết. Buông bỏ tất cả phiền não nghiệp chướng tâm thức mới được thanh thản, an vui. Mẹ nghĩ con nên noi gương Bồ tát. Khổ đau thất vọng làm con quẩn trí chứ mẹ tin con của mẹ vẫn đủ bản lãnh, nghị lực buông bỏ tất cả để đứng lên làm lại từ đầu. Con nghĩ sao, mẹ nói đúng không? Sư khích lệ, động viên và hỏi Lệ Uyên.
Lệ Uyên vui vẻ hứa với Sư:
-Trước mặt Phật tổ và chư Bồ tát, con xin hứa với mẹ từ nay về sau con sẽ là con người mới, một phật tử thuần hành.
Sư mỉm cười hân hoan, nói:
-Tốt lắm! Con ngoan của mẹ. Ở đời không ai không thất bại ít nhất một lần, nhưng, họ sẽ tiếp tục thất bại nếu họ không biết học hỏi từ những lần thất bại trước. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến, hiện tại mới thật sự tuyệt vời con ạ. Mẹ tin tưởng con không làm cho mẹ và người thân của con thất vọng.
Lệ Uyên nhìn Sư gật đầu, miệng cười xinh xinh như đóa hoa hàm tiếu.
Sư còn đem khung ảnh đó treo trong phòng ngủ cho Lệ Uyên nhìn thấy thường xuyên để nhắc nhở, động viên cô noi gương bồ tát.
Vài tháng sau Lệ Uyên tỉnh ngộ, trở lại cuộc sống bình thường, coi những gì đã qua chỉ là ảo giác ảo mộng, hân hoan nhận lại người anh thất lạc và đứa cháu suýt nữa trở thành chồng cô. Sự tận tâm của ni sư Diệu Liên, phương pháp ngồi thiền tịnh tu loại trừ nghiệp chướng phiền não và môi trường từ bi trí huệ, chỉ có hoan hỷ chứ không có sân si là những giọt nước Cam lồ của Quán Thế Âm bồ tát đã xua tan khổ đau thất vọng của Lệ Uyên./
TRƯƠNG HOÀNG MINH