Thế nào là trì pháp? Trì là gìn giữ, chẳng hề bỏ mất. Pháp là phương pháp tu hành. Nói một cách tổng quát, trì pháp là gìn giữ pháp môn mình đang tu. Nói theo pháp môn Tịnh độ, nếu chúng ta có nguyện vãng sanh chân thật thì dù phải vào trong lửa địa ngục, nguyện tâm của mình vẫn vĩnh viễn chẳng hề mảy may thay đổi. Do có tín tâm và nguyện lực mạnh mẽ và chân thật như vậy nên có thể phát sanh hiệu lực gìn giữ pháp mình tu, chẳng bị biến đổi bởi hoàn cảnh nhân sự, chẳng bị lạc đường, rẻ vào nẻo khác, thì đó gọi là trì pháp! Lại nữa, do có tín tâm và nguyện lực kiên cố, nên Pháp thân huệ mạng thường luôn tăng trưởng, chẳng hề sụt lùi. Những điều như vậy, chúng ta phải thật sự làm mới có thể thấu hiểu và chứng nghiệm được những điều Phật dạy trong kinh. Nếu chỉ đọc kinh hoặc nghe người khác nói kinh mà chẳng thật sự làm, sẽ chẳng thể hiểu thấu những điều vi diệu trong kinh; đấy gọi là “nói ăn mà chẳng thật sự ăn.” Do chẳng thật ăn nên chẳng thật sự biết hương vị Đại thừa là như thế nào.
Trong kinh A Hàm của Tiểu thừa và kinh Duy Thức của Đại thừa Thỉ Giáo, Đức Phật đều nói, người chân thật tu hành chẳng cần cầu xin mà vẫn được năm thứ thức ăn ngon, đó là Thiền duyệt, Nguyện, Niệm, Giải thoát và Pháp hỷ. Thiền định dùng để bồi bổ tinh thần, nhẹ nhàng, thoải mái, nên có ý nghĩa là ăn. Nguyện lực dùng để gìn giữ pháp, tăng trưởng Pháp thân, nên cũng có nghĩa là ăn. Hiện nay, phần đông chúng ta học Phật chẳng có thiền định, cũng chẳng có nguyện lực thật sự, thì có khác gì nói ăn mà chẳng thật ăn. Vì sao chúng ta tu hành khổ quá sức mà lại bị mắc vào tình trạng này? Vì nguyện của chúng ta là giả, chẳng thật, nên chẳng thể biểu hiện được công đức lợi ích thật sự. Chúng ta có thể quán sát ở ngay nơi chính mình thì sẽ biết ngay! Khi chúng ta gặp cảnh giới hiện tiền, nguyện ấy liền bị biến đổi theo hoàn cảnh nhân sự, lúc buồn đời thì muốn vãng sanh, lúc yêu đời thì muốn ở lại thế gian để hưởng phước v.v…, đấy chứng minh rõ ràng nguyện ấy là giả, chẳng thật. Thế nào mới là nguyện chân thật? Nguyện lực giống như nguyện của A Di Đà Phật lúc phát tâm tu Bồ-tát đạo mới là nguyện chân thật. Ngài nguyện: “Dẫu cho thân vào trong lửa lớn, nguyện tâm như vậy vĩnh viễn chẳng lui sụt.” Do nguyện của A Di Đà Phật là chân thật nên mới sanh ra hiệu lực, còn nguyện của chúng ta là giả nên cứ mong cầu mãi mà chẳng có hiệu lực chi cả. Bất luận trong cảnh giới nào, nếu nguyện là chân thật thì nó tự nhiên kiên cố, chẳng thoái chuyển, chẳng đổi khác. Nguyện ấy có hiệu lực trì pháp và sanh ra các điều thiện khác đúng như lòng mong muốn.
Nếu chúng ta thật sự tin tưởng pháp môn Niệm Phật, thật sự tu hành đúng theo phương pháp Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, thì tối đa là ba năm sẽ nắm chắc phần vãng sanh. Từ nay trở đi sẽ chẳng còn lo sợ bị đọa trong lục đạo luân hồi nữa. Mặc cho ai nói gì thì nói, mặc cho ai làm gì thì làm, nơi ta chẳng cần những thứ ấy, nơi ta chỉ giữ lấy một quyển kinh Vô Lượng Thọ, một danh hiệu A Di Đà Phật là đủ để đi tới mức cuối cùng, vãng sanh Cực Lạc, thấy Phật, ngộ vô sanh. Đây là một đại sự phi phàm mà chỉ có người thật sự tin tưởng, thật sự có nguyện vãng sanh, mới có đủ năng lực làm được chuyện đại sự này. Trong suốt ba năm đó, chúng ta làm những gì mà gọi là một đại sự phi phàm? Trong suốt ba năm, chúng ta chẳng làm bất cứ chuyện gì khác, chỉ thật sự buông xả vạn duyên, chẳng khởi tâm động niệm, chẳng chấp trước, chẳng chạy lung tung khắp nơi để tìm cầu, chẳng muốn xem kinh luận khác, chẳng muốn nghe giảng cái này cái kia, chẳng muốn đến chùa này miếu nọ, cũng chẳng muốn đi dự pháp hội khắp nơi v.v…., chỉ muốn ở một chỗ tụng một bộ kinh Vô Lượng Thọ, niệm một danh hiệu Phật, cho đến khi tâm mình thật sự thanh tịnh. Đây chính là ba năm nghiêm túc tu Căn Bản trí để chứng Pháp thân, thì đó chẳng phải một Đại sư phi phàm đó ư?
Ngược lại, nếu chúng ta không thật sự tin tưởng pháp môn Niệm, cứ mãi chạy lung tung để tìm cầu những thứ gì khác với một quyển kinh, một câu Phật hiệu, thì dù sau ba mươi năm hoặc ba trăm năm cũng vẫn là y như củ, vẫn chưa làm được những điều mình mong cầu, vẫn chẳng có một chút tiến bộ nào cả, vẫn còn là một phàm phu chạy lung tung trong sanh tử luân hồi, chưa chịu ngừng lại một chỗ. Vì thế, người tu hành thật sự, trong Phật đường tại nhà, chỉ cần thờ một bức tượng A Di Đà Phật, một quyển kinh Vô Lượng Thọ hay kinh Di Đà, một lư hương, tối đa là thêm một cái dẫn khánh và một cái mõ, ngoài mấy thứ này ra, thứ gì cũng đều chẳng có, càng ít thứ rờm rà, càng tinh ròng niệm Phật, tâm càng chuyên nhất. Người tu hành mà không tinh chuyên thì chẳng có cách nào hiểu được đạo lý này? Chuyện này giống như người uống nước ấm lạnh tự mình biết, người thật sự ăn món ăn ấy mới biết rõ nó ngon dở ra sao. Nếu trong suốt ba tháng, chẳng đọc báo chí, chẳng nghe radio, chẳng xem TV, chẳng tiếp xúc với người khác, chẳng la cà chuyện gẫu, những thứ thù tạc chẳng cần thiết đều bỏ sạch, chỉ tinh ròng niệm một quyển kinh Vô Lượng Thọ, chỉ chuyên nhất niệm một danh hiệu A Di Đà Phật, nhất định sẽ tự biết hương vị và ích lợi của pháp môn Tịnh độ là gì. Thật ra mà nói, nếu chúng ta chẳng có nguyện lực chân thật thì nhất định sẽ chẳng thể duy trì cách tu trì này; khi cảnh giới khác bên ngoài vừa đến, ngay lập tức dao động, lui sụt, chẳng giữ nổi chánh niệm.
Niệm ở đây nghĩa là gì? Niệm là cái tâm hiện tại, là một niệm Chân tâm hiện tiền, chẳng phải là tâm quá khứ cũng chẳng phải là tâm vị lai. Chúng ta niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật chỉ bằng cái tâm hiện tại, chẳng xen tạp với tâm quá khứ và tâm vị lai, bèn có thể nhiếp trọn toàn bộ vô lượng công đức của Phật Di Đà thành công đức của chính mình. Vì sao? Vì lúc niệm Phật được nhất tâm, tâm mình và tâm A Di Đà Phật giao hòa như hai ánh sáng dung nhập lẫn nhau, trong ấy chẳng có giới tuyến. Lúc ấy, một niệm tâm của mình gieo vào trong Nhất thừa Nguyện Hải của A Di Đà Phật, Nhất thừa Nguyện Hải của A Di Đà Phật nhập vào tâm mình, tâm mình và tâm Phật chẳng hai, chẳng khác, trong ấy chẳng có giới tuyến. Nếu chẳng có giới tuyến thì mình chính là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật chính là mình. Niệm Phật như vậy chẳng khác gì như hư không hợp cùng hư không, như nước gieo vào trong nước; cho nên mới nói: “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật, một ngày tương ứng một ngày là Phật.” Phương pháp Niệm Phật này có công đức và hiệu quả thù thắng bậc nhất. Nếu chúng ta muốn tiêu tai miễn nạn, muốn tiêu trừ nghiệp chướng, thì chẳng có phương pháp nào cao minh, hữu hiệu bằng phương pháp Niệm Phật tam muội. Vì vậy, khi chúng ta niệm Phật có còn phải bái sám hay không? Chẳng cần thiết! Pháp tu bái sám chẳng phải là cách tu Căn Bản trí. Bái sám còn có năng và sở, có ta là phàm phu tạo ác nghiệp, có Phật là đấng độ sanh. Niệm Phật Nhất tâm Bất loạn dứt tuyệt cả năng lẫn sở, ngoài tâm chẳng có Phật, ngoài Phật chẳng có tâm, tâm ta và tâm Phật là một chẳng hai thì năng ở chỗ nào? sở ở chỗ nào? Nếu chúng ta chẳng hiểu rõ đạo lý này thì tuy miệng niệm A Di Đà Phật, nhưng trong tâm vẫn còn có năng và sở, vẫn còn hoài nghi Phật, vẫn chẳng tin vào chính mình, niệm Phật kiểu đó sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao, chẳng thể phá được giới tuyến ngăn cách giữa ta và Phật, nên chẳng thể nhập bào biển Nhất thừa của A Di Đà Phật.
Hoài nghi Phật là gì? Miệng niệm Phật mà trong lòng hoài nghi chẳng biết A Di Đà Phật có biết mình đang niệm Ngài hay không, đó là hoài nghi trí vô đẳng vô luân thù thắng tối thượng của Phật. Hoài nghi chính mình là gì? Ta nghĩ rằng một đời này đã tạo tội nghiệp quá sâu nặng, Phật có thể tha thứ cho ta hay không? Phật có thể rộng dung cho ta hay không? Miệng niệm Phật nhưng trong lòng chẳng tin Phật, lại chẳng tin chính mình, đó chẳng phải tâm thanh tịnh, nên niệm lực chẳng tương ứng. Niệm kiểu ấy làm sao có thể cảm ứng đạo giao cho được? Do vậy, Phật bảo chúng ta phải đọc kinh, nghe chú giải kinh nhằm phá nghi sanh tín. Một khi chúng ta thấu suốt lời kinh Phật dạy, liền đoạn hết nghi hoặc, tín tâm sanh khởi, khi ấy mới có thể niệm Phật với tâm thanh tịnh và bình đẳng, cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn, công đức ấy to lớn vô cùng. Vì sao? Vì công đức ấy là vô lậu, chẳng có giới tuyến, chẳng có hình sắc và cũng chẳng số lượng để đo lường. Trước kia chúng ta niệm Phật suốt ngày từ sáng đến tối nhưng chẳng có một câu nào tương ứng, nhưng bây giờ thì khác hẵn, sau khi thấu hiểu đạo lý, niệm Phật câu nào cũng tương ứng, câu nào cũng đều là tín tâm thanh tịnh, câu nào cũng dung hội với A Di Đà Phật thành một thể. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh giảng lý luận thấu triệt của pháp môn Niệm Phật chính là: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Do tâm ta và tâm A Di Đà Phật tương ứng nên công đức đã tu từ vô lượng kiếp đến nay của A Di Đà Phật liền biến thành công đức của ta. Cho nên mới nói pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, pháp môn này thù thắng bậc nhất không có pháp môn nào sánh bằng. Cũng vì lẽ đó, hết thảy chư Phật đều tán thán, hết thảy Bồ-tát đều phải cầu sanh Cực Lạc.
Nếu xét theo lý, “tâm này là Phật” có nghĩa là hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật. Nhưng nếu xét trên sự thật, do tâm chẳng tương ứng, niệm niệm đều nghĩ tới lục đạo, nghĩ tới mười pháp giới, nên chẳng phải là Phật! Nay chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật là một niệm làm Phật, niệm hai câu A Di Đà Phật là hai niệm làm Phật, cứ thế mà niệm niệm chẳng gián đoạn, thì niệm niệm đều làm Phật, như vậy sẽ thật sự thành Phật. Chúng ta niệm Bồ-tát bèn thành Bồ-tát. Chúng ta niệm Bích-chi Phật bèn thành Bích-chi Phật. Chúng ta niệm A-la-hán bèn thành A-la-hán. Chúng ta niệm tham, niệm sân, niệm si, bèn thành địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Niệm nhân nào sẽ có quả báo ấy hiện ra, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may. Một khi chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này, mới biết câu “tin sâu nhân quả” mà Phật nói trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh chính là “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, niệm Phật thật sự tốt đẹp, rốt ráo như vậy đó!
Phiền não là nhân của sanh tử luân hồi. Sanh tử luân hồi là quả báo của phiền não. Như vậy, nếu chúng ta muốn thoát lìa sanh tử luân hồi, thì nhất định phải tiêu diệt nhân tố của sanh tử luân hồi, nhân tố đó chính là kiến tư, trần-sa và vô minh phiền não. Nặng nhất trong các phiền não là kiến giải sai lầm và tư tưởng sai lầm, chúng được gọi gộp chung là kiến tư phiền não. Kiến phiền não sanh ra từ năm loại kiến giải sai lầm lớn, đó là thân kiến, biên biến, giới thủ kiến, kiến thủ kiến, và tà kiến. Tư phiền não sanh ra từ năm loại tư tưởng sai lầm lớn, đó là tham, sân, si, ngạo mạn và nghi ngờ. Hiện nay chúng ta học Phật là để giải ngộ, giải ngộ giúp chúng ta đoạn mười kiến tư phiền não. Một khi đoạn hết mười điều này, phiền não chướng không còn nữa, Pháp thân huệ mạng bèn tăng trưởng mà thoát khỏi lục đạo luân hồi, chứng quả vị A-la-hán. Trong giáo pháp của Tiểu thừa, Đức Phật chỉ nói đến kiến tư phiền não, chứng quả cao nhất của hàng Thanh Văn là A-la-hán. Nhưng trong Đại thừa, Phật nói đến phá trừ cả ba thứ chướng: kiến tư phiền não, trần-sa phiền não, và vô minh phiền não. Phá trừ kiến tư phiền não chẳng phải là chuyện dễ dàng, phá trừ trần-sa phiền và vô minh phiền não lại càng khó hơn. Nếu nói tới khả năng tự lực, phàm phu chúng ta hoàn toàn không có năng lực phá nổi các món phiền não này thì làm sao thoát ra khỏi tam giới? Nay, Đức Phật vô cùng từ bi chỉ cho chúng ta biết một pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ để giải thoát luân hồi sanh tử. Pháp đó là gì? Chính là Tín-Nguyện-Trì danh!
Trước hết, chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ là để có sự hiểu biết và niềm tin sâu sắc đối với Tịnh độ, tin tưởng trí huệ, nguyện lực và công đức của A Di Đà Phật, chẳng chút hoài nghi. Kế tiếp, chúng ta tin tưởng chính mình, rồi dùng cái tâm thanh tịnh như vậy để niệm Phật, nhằm đoạn trừ ba thứ kiến tư, trần-sa và vô minh phiền não, niệm niệm như vậy mới là chánh niệm, niệm niệm như vậy nhất định có thể tương ứng với A Di Đà Phật, trong tương lai khi lâm chung, A Di Đà Phật quyết định đến tiếp dẫn chúng ta. Phương pháp này vô cùng vi diệu và đòi hỏi sự tinh chuyên hành trì, không xen tạp, tức là tuyệt đối không dùng phương tiện pháp nào khác pha trộn với pháp này, Càng tinh chuyên niệm Phật bao nhiêu, càng dễ dàng phá trừ các lậu hoặc (kiến, tư, trần-sa và vô minh) bấy nhiêu. Ngài Đại Thế Chí Bồ-tát dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai.” “Chẳng nhọc phương tiện” có nghĩa là chẳng xen tạp với bất cứ một pháp phương tiện nào khác, chỉ chuyên nhất nhiếp giữ một bộ kinh Tinh độ (Kinh Vô Lượng Thọ hay kinh A Di Đà), một câu Phật hiệu mà niệm đến cùng, thì sẽ đạt tới kết quả viên mãn; đó là “tự được tâm khai.” Tâm khai là giải thoát, là xuất ly tam giới đến chỗ an vui Cực Lạc của Phật A Di Đà. Đây quả thật là một pháp thuần chánh bậc nhất trong hết thảy Đại thừa Phật pháp. Nếu chúng ta thật sự tin tưởng, nghiêm túc thực hiện đúng theo lời dạy của Đại Thế Chí Bồ-tát, không xen tạp vào công phu niệm Phật bằng những pháp khác, thì sẽ đạt được Nhất tâm Bất loạn. Người đời thường hay lầm lẫn, thường bị mê hoặc bởi các pháp khác mà sanh tâm thoái chuyển hư ngụy đối với pháp Niệm Phật Nhất tâm Bất Loạn, nên trong kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật nhắc nhở: “Phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế, nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh Ðộ.” Chúng ta phải biết, chữ “phước thiện” ở đây có nghĩa là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai.” Bởi vì chẳng có pháp tu phước thiện nào sánh bằng pháp tu phước thiện này nên Đức Phật bảo chúng ta phải nên kiên trì, không được bỏ mất.
Chúng ta thấy đó, sự vui thế gian còn khiến con người quên mất mệt nhọc, tinh thần phấn chấn, huống gì là niềm vui trong Phật pháp. Trong kinh Vô Lượng Thọ, vương tử A Xà Thế gọi niềm vui khi nghe được kinh này là niềm vui lớn nhất trong tất cả niềm vui trong cuộc đời của một vị đế vương. Đấy đã cho chúng ta thấy, chẳng có gì vui bằng được nghe kinh Vô Lượng Thọ và tiếng A Di Đà Phật. Vi sao niềm vui này lại lớn lao đến thế? Vì trong lúc niệm kinh hay niệm Phật chúng ta đều có thể cùng chư Phật, Bồ-tát cảm ứng đạo giao, chúng ta có thể thật sự ngộ nhập nghĩa lý sâu xa, tinh hoa, ẩn kín, vi tế trong Phật pháp. Đó đích thực là niềm vui sướng, khoái lạc chẳng gì bằng. Kinh diễn tả, so sánh niềm vui sướng khôn xiết của một người nghe được kinh điển này giống như người đang đói được ăn, đang khát được uống, thì có niềm vui nào bằng niềm vui này. Kinh lại nói: “Tuy ăn như thế, nhưng thật chẳng ăn, thấy sắc ngửi hương, dùng ý để ăn. Sắc lực tăng trưởng, không có tiện uế, thân tâm nhu nhuyến, không tham đắm vị.” Nếu chúng ta cảm nhận được những điều này, thì đó cũng chính là ngộ nhập nghĩa lý sâu xa, tinh hoa, ẩn kín, vi tế chứa đựng trong kinh. Do hiểu được ý nghĩa của chữ “ăn” trong kinh, nên mỗi khi đọc kinh, tinh thần tăng tấn gấp trăm lần, chẳng mệt mỏi. Nếu lúc niệm kinh mà thấy mệt mỏi tức là hoặc chẳng hiểu lợi ích của việc niệm kinh, hoặc công phu chẳng đúng pháp, hoặc nghiệp chướng còn rất nặng. Người niệm kinh rơi vào tình trạng này, phải dùng phương pháp niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Khi công phu niệm Phật đắc lực, nghiệp chướng dần dần tiêu trừ, lúc niệm kinh mới có pháp hỷ.
Thuở xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, đệ tử Phật thông thường là những vị xuất gia với Phật, mỗi ngày các Ngài chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ, ăn một bữa trước ngọ là đủ, vì sao? Vì pháp hỷ của các Ngài sung mãn. Mỗi ngày các Ngài đều được ở chung với Phật, Bồ-tát và A-la-hán, nên thường sanh tâm hoan hỷ, tâm địa thanh tịnh, chẳng cần ngủ nghĩ, ăn uống nhiều mà luôn cảm thấy sắc lực tăng trưởng, thân tâm nhu nhuyến, không tham đắm hương vị. Hiện nay chúng ta mỗi ngày, ăn ba bữa cơm, ngủ tám, chín tiếng đồng hồ, lại còn ăn thêm quà vặt hay nghĩ xả hơi; thế mà lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, nên lúc niệm kinh, niệm Phật thường bị buồn ngủ, hôn trầm. Đấy đều là do vọng tưởng quá nhiều, nghiệp chướng quá nặng, phần lớn năng lượng từ thức ăn đưa vào thân thể đều dùng để cung cấp cho vọng tưởng và nghiệp chướng, chớ chẳng phải để nuôi dưỡng thân thể và tinh thần. Cho nên, thân tâm lúc nào cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Vậy thì thay gì mỗi ngày chúng ta lo ăn, lo ngủ đến nỗi đầu óc mê hoặc, điên đảo, sao chẳng dùng thời gian ấy để niệm kinh, niệm Phật? Suốt ngày từ sáng đến tối, chẳng cần phương tiện nghi thức chi hết, bất luận trong hoàn cảnh nào, thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều thường luôn niệm kinh, niệm Phật, chẳng khởi vọng tưởng, thì thân tâm sẽ được khỏe mạnh, pháp hỷ sung mãn, trí huệ tăng trưởng, vui vẻ tự nhiên, chẳng có phiền não, chẳng còn ưu lự nữa, Phật pháp ví dụ đó là ăn xong, bèn tiêu hóa được thức ăn. Niệm Phật, niệm kinh chính là thức ăn tinh thần bổ dưỡng nhất, có thể giúp chúng ta sắc lực tăng trưởng, thân tâm nhu nhuyến mà lại chẳng sanh tiện uế, chỉ cần dấy khởi tinh thần niệm Phật, niệm kinh, bèn khiến quên mất mệt nhọc, giống như khi ăn đồ ăn vào bụng sẽ chẳng còn đói nữa.
Thật sự mà nói, bốn thứ Nguyện, Niệm, Giải Thoát và Pháp Hỷ đều xuất hiện từ trong định. Chúng ta tu pháp môn Tịnh độ, sử dụng phương pháp Niệm Phật, nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm tin tưởng chân thật và nguyện thiết tha, mới có cảm ứng với Phật, Bồ-tát mà được bốn thứ Nguyện, Niệm, Giải Thoát và Pháp Hỷ. Sự cảm ứng ấy chẳng phải là thấy Phật, thấy Bồ-tát hiện thân phóng quang tỏa ánh sáng rúng động cả trời đất, mà là cảm giác sung sướng bằng cái tâm thanh tịnh, không phiền não của chính mình. Thậm chí do niệm kinh, niệm Phật có cảm ứng, nên thân thể khỏe mạnh, bệnh củ chẳng cần chửa trị mà tự nhiên tiêu trừ. Đấy là cảm ứng thật sự, chẳng phải giả. Còn nếu như thường thấy Phật, Bồ-tát mà phiền não và bệnh tật chẳng giảm bớt chút nào, ngược lại còn gia tăng thêm, thì đó chẳng phải là cảm ứng thật mà là mê hoặc điên đảo. Chúng ta niệm kinh, niệm Phật khôi phục được tâm lý lành mạnh, khôi phục tâm thanh tịnh thì trăm thứ bệnh đều dứt trừ, chẳng thể sanh. Khi tâm thanh tịnh đến cùng cực, thân thể sẽ tự tỏa mùi thơm, sẽ tự phóng quang, đó mới là công phu chân thật. Còn những chuyện đồn đãi bên ngoài, người thấy chuyện vi diệu này, người thấy sự nhiệm mầu kia, đều chẳng thể tin tưởng nổi. Tâm chẳng thanh tịnh thì thân sẽ có tật bệnh, lại bốc ra mùi hôi, thường gặp ma quỷ và ác mộng v.v…; đó là nghiệp chướng quá nặng nề. Nếu là như vậy thì hãy nghiêm túc niệm Phật, dùng cái tâm này, phương pháp này, lý luận này để tiêu trừ nghiệp chướng. Thân tâm khỏe mạnh, tinh thần vui sướng là những điều đạt được trước mắt, nhà Phật gọi đó là hoa báo. Quả báo sẽ là chín phẩm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới làm Bồ-tát, làm Phật; đây mới là quả báo trang nghiêm thù thắng không đâu sánh bằng do từ công đức thọ trì Phật pháp.