Xíu và anh em mình đã từng kinh qua vô số trận bão lụt, cuồng phong, đất chuồi, núi lở…Có thể nói là từ thuở tạo thiên lập địa đến giờ thiên tai luôn hiện hữu và chưa từng ngưng lại bao giờ. Cũng vì cộng nghiệp mà Xíu và anh em Xíu vừa là nạn nhân mà cũng là một phần tử của nguyên nhân.
Cơn bão Yagi này chỉ là một trong vô vàn trận thiên tai trên thê giới, ấy vậy mà khi nhìn thấy thảm cảnh của nó khiến Xíu không sao kìm được giọt lệ rơi. Lòng Xíu đau đớn trước cảnh cảnh bất lực của con người, con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Cơn bão qua đi để lại bao nhiêu là nhà cửa hư hỏng, phố xá hoang tàn, cầu cống sụp đổ, mùa màng thất bát, hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương, tổn thất người và của thật nặng nề. Những tổn thất có thể tính bằng tiền nhưng nỗi đau của nạn nhân làm sao mà cân đo đong đếm được đây?
Con người vừa là nạn nhân nhưng con người cũng vừa là tác nhân tạo thêm tai họa cho chính mình. Họ cạo sạch núi rừng, tàn phá hủy hoại thiên nhiên một cách ghê gớm để rồi khi gió nổi lên, mưa trút xuống chẳng còn gì chống đỡ hay trì giữ. Rừng đã biến thành biệt phủ, dinh và những món sập, ngai, kệ... trong những biệt phủ đó. Rừng đã biến thành những con số trong tài khoản ngân hàng của các quan và nhóm lợi ích. Rừng và cư dân rừng trở thành những món ăn uống trên bàn tiệc máu của những kẻ có chức quyền và những kẻ có tiền của. Người nghèo cũng không vô can, họ cũng góp phần vào phá rừng, săn bắt mua bán thú rừng. Những nhóm lợi ích và những kẻ có trách nhiệm chỉ biết tiền, chúng xây hồ vô tội vạ, nắng thì tích nước, khi mưa thì xả hồ đồng loạt… thử hỏi sao không gây tai họa? Bọn người quản lýy có chức quyền chỉ quan tâm tiền, chỉ có lương lậu mà không có lương tâm.
Thảm họa xảy ra thì bọn họ cũng không thể vô can, những biệt phủ, dinh thự, xe sang, đồ mắc tiền… cũng ngập hết ráo. Bọn họ có tiền nhưng chung quanh là cả một môi trường kinh khủng như thế thì cái biệt phủ ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bọn họ chui rúc trong ấy cũng như thú rúc trong hang.
Cuồng phong, lũ lụt tàn hại cả một vùng rộng lớn. Người phương Nam lại góp công góp của, góp sức để cứu trợ đồng bào. Có nhiều người nhiệt tâm nhiệt huyết nhưng làm tự phát nên rất lộn xộn hiệu quả kém hẳn đi, chỗ thì dồn dập hai, ba đoàn cứu trợ, nơi thì không có. Đồ đạc thì có khi trùng lắp một món và thiếu những món cần thiết, phần nhiều là mì gói…
Thiên tai xảy ra, những người có trách nhiệm thì thiếu trách nhiệm, không có kỹ năng tổ chức cứu trợ, thậm chí xảy ra xà xẻo, ăn chặn, làm khó những đoàn cứu trợ tự phát. Những kẻ có trách nhiệm thích làm màu để chụp ảnh quay phim khoe khoang. Thực tế nhiều người dân không tin những cơ quan cứu trợ, họ chỉ đóng góp cho những cá nhân hay những đoàn cứu trợ tự phát, quả là nghịch lý của xứ này, khổ chồng khổ, vì cộng nghiệp mà đồng bào chịu khổ thiên tai lẫn khổ vì con người.
Thiên tai địch họa gây thống khổ cho đồng bào, lẽ ra những lúc này mọi người nên dốc lòng giúp đỡ đồng bào thay vì lý luận chủ nghĩa nọ kia, phân biệt vùng miền. Trên mạng xã hội có không ít những ý kiến thiển cận, ích kỷ chống lại việc trợ giúp đồng bào. Họ không phân biệt được hay cố tình không phân biệt được giữa dân tộc và thể chế chính trị, giữa quốc gia và hình thái nhà nước. Họ cứ nghĩ giúp dân là giúp thể chế chính trị, thật ngu xuẩn! Dân tộc và quốc gia là dài lâu, thể chế chính trị và hình thái nhà nước chỉ một giai đoạn. Dân gian cũng có câu: “Quan nhất thời dân vạn đại” kia mà!
Cũng trên mạng xã hội có không ít những lời ngu xuẩn, cuồng cộng của lũ bò đỏ, chúng xúc phạm người phương Nam, tấn công một cách điên cuồng đến những người có lòng giúp đỡ đồng bào. Chúng phun ra những lời lẽ thô tục, bẩn thỉu nhất mà chúng có thể nghĩ ra. Biết làm sao được khi mà thời thế nó thế, vận nước mệnh người như thế! Mấy chục năm sống với sự nhồi sọ, tẩy não, sống giả, ăn theo nói leo đã thành nết rồi!
Xíu, Xinh, Sót, Út, Điệu...bay là là qua vùng thiên tai mà tan nát cõi lòng, nước lũ, bùn non phủ khắp nơi, núi lở từng mảng, đất chuồi loang lổ cứ như những vết thương trên thân thể mẹ thiên nhiên. Người chết đã chết, người sống lại tiếp tục cuộc hành trình làm lại từ đầu với vô vàn khó khăn vất vả. Nhiều người lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng, nước lũ đã cuốn đi tất cả, chỉ còn lại nỗi khổ đau chất ngất. Cả bọn chúng kiến nỗi khổ đau của đồng bào nhưng bất lực không thể làm gì được hơn. Cả bọn cũng có chút an ủi là vì đồng bào ở miền Nam và những nơi an toàn đang dốc lòng cứu giúp dân, quốc tế cũng ra tay ủng hộ tiền của vật chất để khắc phục nỗi đau này. Riêng ông bạn láng giềng to lớn nhưng tham lam và tàn độc kia thì chẳng thấy động tịnh gì. Ông ấy cũng chính là một trong những kẻ góp phần vào việc ngăn sông, xả hồ, đắp đập, lấn đất, cướp biển... để gây thêm tai họa. Vì cộng nghiệp mà bao đời nay người mình chịu sự xâm lăng, cai trị, đồng hóa, kiềm tỏa… của ông ấy. Khi Tây qua là một cơ duyên thoát khỏi cái ách này, nhưng rồi thời gian biến thiên, cơ duyên chuyển biến… Sau này những kẻ có trách nhiệm lại lôi đầu dân tộc vào tròng ông ấy lần nữa, quả thật là nghiệp chướng!
Xíu, Xinh, Sót, Út, Thừa, Mập… kiểm thảo lại và nhận thấy cả bọn cũng có trách nhiệm trong thảm họa này, mặc dù cả bọn chỉ là những phân tử nhỏ bé nhất nhưng vì cái nhân duyên nào đó mà phải theo mưa, bị lôi vào cơn mưa khiến cho đồng bào dưới kia phải thốt lên: “Trời, sao mà mưa mãi thế này!”, “ Trời đất ơi, mưa như thể trút nước”, “ Tội nghiệp chi mà mưa lắm thế?”…Cả bọn muốn tách ra khỏi cơn mưa, muốn bay ra khỏi làn mưa, muốn đến những vùng khô hạn nhưng không thể nào tách ra được, khí hậu thời tiết nó thế, nghiệp lực nó trói buộc như vậy! Bọn Xíu, Xinh, Điệu, Sót, Thừa… và cả anh em họ hàng cứ bốc hơi lên là lập tực ngưng tụ thành giọt ngay và cứ thế mà mưa. Cả bọn cố gắng đến kiệt sức nhưng không tài nào thoát khỏi cơn mưa này. Xíu biết đó là cộng nghiệp, cái nghiệp chung của tất cả người và vật ở vùng này.
Kiếp người khổ thật, vui thì ít buồn nhiều, sướng không bao nhiêu mà mà khổ vô cùng và khổ dài lâu: ba khổ, tám khổ, trăm lẻ tám khổ, tám vạn bốn ngàn khổ, vô lượng khổ… và cái khổ lớn nhất chính là sanh tử luân hồi.
Xíu hâm mộ những vị A La hán quá chừng luôn, các vị ấy dứt bặt mọi tham, sân, si trong tâm ý; lửa đã tắt, củi đã hết. Các vị ấy sanh tử đã tận, thiện thệ đã đủ, các ác đã tận… cứ thế mà an trú trong tịch tịnh niết bàn. Các vị Phật, Bồ Tát thì hóa thân, xả thân, dấn thân… vào sanh tử để cứu độ chúng sanh, giáo hóa dẫn dắt người mê. Vì cứu độ mà chịu bao nhiêu phiền não do chính kẻ được cứu độ gây ra. Dĩ nhiên là các vị Phật, Bồ Tát chẳng thấy mình có khổ, chẳng thấy có phiền não vì các vị ấy đã là bậc vô tướng, vô nhân, vô ngã kia mà!
Xíu nhớ có một truyện ngắn của một tay văn sĩ trẻ viết về chuyện đàn cừu. Con cừu đầu đàn muốn dẫn đàn cừu đi về thảo nguyên mênh mông bao la và tự do, thoát khỏi chuồng trại và lũ chó săn… Ấy vậy mà đàn cừu ngu muội thờ ơ, thậm chí còn quay lại tấn công con cừu đầu đàn khiến nó phải trả giá bằng cả sinh mạng mình. Xíu thấy câu ngạn ngữ của loài người thế mà hay và đúng với những trường hợp như con cừu đầu đàn này: “Thà làm tớ người khôn hơn là làm thầy kẻ dại”.
Xíu mơ được nhập vào cảnh giới niết bàn tịch tịnh, có như vậy trái tim đa cảm, đa tình, đa đoan mới có thể biển yên sóng lặng, không còn sướng – khổ, buồn – vui theo làn sóng loạn động của con người. Xíu mơ sanh tử luân hồi tận để rồi miên viễn với mây trắng trời xanh.
Mấy ngày sau bay theo gió, Xíu và anh em về phương Nam nắng ấm. Vùng này tương đối an toàn, ít thiên tai, đời sống dễ dàng hơn, có lẽ con người và vạn vật ở đây có phước báo nhiều hơn. Tuy nhiên Xíu nhận thấy khí hậu và môi trường tự nhiên bây giờ cũng đã khác xưa nhiều lắm. Vô thường là vậy, vô thường thay đổi không một phút giây ngưng lại, vô thường chính là thường. Phương Nam tương đối yên ổn hơn nhưng không có nghĩa là không bị vô thường, thiên tai bão, lũ, cháy, loạn… Vô thường chẳng phân biệt ranh giới như con người vạch ra. Vô thường hiện tướng trong từng phút giây, không có một vùng nào hay một dân tộc nào không bị chi phối của vô thường, không có bất cứ thứ gì không bị vô thường chi phối. Sự tương đối an ổn hay bất an ổn là phụ thuộc vào phước báo, biệt nghiệp và cộng nghiệp của con người. Con người không chỉ bị thiên tai mà còn bị nhân tai, thảm họa do con người gây ra đôi khi còn khủng khiếp hơn cả thiên tai. Những thể chế độc tài toàn trị, những nhà lãnh đạo hung hăng hiếu chiến, những học thuyết chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi… đều góp phần vô thường vào xã hội, vào sự thống khổ của con người. Vì ngán ngẩm vô thường dù là tự nhiên hay nhân tạo nên Xíu mơ cảnh giới niết bàn nhưng biết rằng điều đó khó lắm. Xíu biết mình còn ham muốn này nọ, yêu – ghét linh tinh, còn thọ, tưởng, hành, thức đầy vô minh thì không thể nào tịch tĩnh được! Vì vậy cái hành trình của Xíu còn dài theo với hành trình sanh tử của con người và muôn loài.
Xíu vẫn cứ là Xíu dù chưa chạm được cảnh giới tịch tĩnh. Xíu vẫn cứ phải luân hồi sanh tử, vẫn phải luân chuyển thân từ thể này sang thể khác: Hơi, rắn, lỏng… Xíu còn bay trong không gian bao la dưới nắng vàng trời xanh. Hành trình của Xíu còn dài bất tận theo sông suối, ao hồ, biển khơi và vô số nguồn mạch ngầm trong lòng đất.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 1024