Trời vào xuân. Vùng phương ngoại đẹp như mơ, chồi non lộc biếc mát cả mắt, những nụ hoa đầy cành báo hiệu một mùa hoa rực rỡ sắc hương. Khí trời làmh lạnh mát mẻ thật dễ chịu và khoan khoái làm sao.
Gã du tử tự nhủ lòng và cũng có đôi khi bảo với cô con gái rằng: ”Giá mà mãi mãi ở trong cái không khí và cảnh sắc này thì tuyệt biết mấy!” Lời nói chưa quên, nào ngờ đâu đêm qua trời trở lạnh, cơn lạnh bất thường cuối mùa, sáng ra cả vườn cây tiêu điều hết. Bao nhiêu chồi non lộc biếc, bao nhiêu nụ hoa trên cành tiêu tùng cứ như rau luộc trong nước sôi. Lòng gã ngẩn ngơ thương hoa tiếc lá nhưng biết làm sao được? Vô thường mà! Mà nào chỉ có hoa lá, ngay cả hồ cá bảy màu vừa mang ra sân cũng chết sạch luôn, mấy trăm sinh linh bé bỏng chết thảm vì lạnh. Lòng gã du tử ăn năn: ”Vì ta mà bọn ngươi chết oan uổng thế này! Thế là thêm ràng buộc ân oán, dù là vô tình chứ không cố ý, những cái chết này do ta gây ra, mai kia sẽ có báo đền có thể tình cờ chứ chẳng phải hữu ý chi đâu.”
Thu qua, đông đi, xuân sang, hạ đến….Bốn mùa luân chuyển không ngừng, cây cối sinh trưởng ra hoa kết trái rồi luị tàn đi. Con người sanh ra lớn lên rồi cũng chẳng mấy chốc sẽ già, sẽ bệnh và chết. Chết không đáng sợ vì đó là điều tất yếu và tự nhiên, có điều chết như thế nào mới là đáng nói. Sư Toại Khanh bảo: ”Chết an, chết sạch, chết nhẹ là người có phước”. Chết an là không giận dữ, sợ sệt kinh hoàng hay giãy dụa vùng quẫy; chết sạch là không chảy đờm dãi nhớt, không phóng uế tiện; chết nhẹ là từ từ êm ái nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ. Người chết an, chết sạch, chết nhẹ thì nhất định kết qủa tái sanh sẽ tốt đẹp, sẽ là đường lành. Muốn chết an, chết sạch, chết nhẹ thì phải có chuẩn bị, phải có công phu.
Chết thì chẳng ai vui rồi, nhưng chết thì không thể tránh khỏi. Ai rồi cũng phải chết nhưng được chết an, chết sạch, chết nhẹ kể cũng tốt lành và đẹp đấy chứ! Bản thân người chết sẽ tái sanh đường lành, thân nhân người chết cũng nhẹ nhõm, thân tâm đều không quá mệt vì mình.
Khi chết rồi thì tất cả gia can sự nghiệp của cải bỏ lại hết, tình cảm cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè… cũng bỏ lại. Cái duy nhất mang theo là nghiệp thiện - ác đã làm trong một đời. Ai cũng biết và ai cũng nói thế nhưng chẳng làm theo thế mà toàn làm ngược lại, thế mới chết chứ! Con người kỳ cục thật, cứ muốn thêm thắt cho rườm rà rắc rối, thích vẽ vời làm cho những việc vốn đơn giản lại trở nên phức tạp lỉnh kỉnh. Ngay từ thời mông muội xa xưa, con người đã xăm trổ, cà răng căng tai, xỏ, xiên… làm cho cái thân thể mình vốn đơn giản bình thường lại trở nên quái dị mới chịu! Thân thể con người đầy đủ sáu căn là phước lắm rồi, nhưng phải xỏ, xiên, gắn, đeo… đủ thứ ở tai, mũi, lưỡi, rốn, tay, chân… mới chịu. Ấy là mặt thân, còn về tâm thì cũng hệt vậy! Sự việc vốn không có gì lại thích suy diễn, thêm thắt, gán ép cho nó thành những chuyện phức tạp; sự việc vốn chẳng phải thế nhưng suy diễn để thành lắm chuyện, đôi khi chỉ một câu nói vu vơ vô tình nhưng suy diễn ra rắc rối đến độ không thể tưởng nổi.
Mọi mặt đời sống như thế, Phật pháp cũng không thể khác. Phật pháp bị thêm thắt gắn thêm gán ép… rất nhiều thứ phi Phật pháp. Phật pháp truyền đến địa phương nào thì thêm vào những yếu tố tín ngưỡng của địa phương ấy; qua mỗi thời đại thì lại gắn thêm những dấu vết của thời đại. Ngoài yếu tố khế cơ khế lý ra thì có những thứ gán ép tào lao đã làm cho Phật pháp có những thứ rườm rà, lỉnh kỉnh chẳng có ích gì trong việc giác ngộ giải thoát, thậm chí còn làm cho ràng buộc thêm.
Phật pháp vốn rõ ràng và minh bạch, cốt lõi vốn là: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, lục độ… về phương pháp thì có thiền định, niệm Phật nhưng giờ thì trong cửa chùa tùm lum đủ thứ hằm bà lằng làm cho người ta thêm mù mờ, thêm ràng buộc chẳng thể nào buông hay giải thoát được. Những thứ thêm thắt, gán ép một cách khiên cưỡng như: Xin xăm, bói toán, xem quẻ, giải hạn, cúng sao, trừ tà, mở ngải, phong thủy, coi ngày giờ, cầu an, hô thần nhập tượng, điểm nhãn khai quang…(Phật là bậc giác ngộ, là đấng thiên nhân sư vậy mà ông thầy nào có năng lực để hô thần nhập tượng Phật? Rồi đòi khai quang điểm nhãn cho Phật nữa chứ, kinh thật!). Những điều này có thể khẳng định một cách mạnh mẽ là hòan toàn phi phật pháp, chẳng phải pháp Phật! Tất cả những thứ đó cũng giống như những món: Khuyên, nhẫn, vòng, kim, bi, xích… gắn thêm vào lục căn của thân thể người!
Ngày xưa Phật buông tất cả, từ bỏ cả cung vàng điện ngọc, áo lụa ngọc ngà, vợ đẹp con xinh…chỉ còn tam y nhất bát, mà phải là y hoại sắc. Ngày nay thì người ta sính những bộ cà sa lộng lẫy rực rỡ như thể hoàng bào của vua chúa. Ngày xưa Phật khất thực, có gì ăn nấy, ngày ăn một bữa, nay thì ăn chay nhưng mân cao cỗ đầy, chế biến cầu kỳ, tên gọi sáo ngữ, chấp chặt vào hương sắc, khen ngon chê dở...Người ngoài đời thêm thắt đã đành, người trong đạo cũng bày vẽ lắm thứ để rồi dính mắc ở tông môn pháp phái, truyền thống, hình tướng… mỗi chùa mỗi kiểu tranh đua để được danh hiệu này, kỷ lục nọ, vật kia độc nhất, món khác vô địch…Điều kinh khủng nhất là gắn cái đuôi xhcn vào Phật pháp! Toàn những việc chẳng dính dáng gì đến Phât pháp, càng chẳng có ích chi cho việc giác ngộ giải thoát, nói thẳng ra thì chính việc ấy lại càng làm cho mê thêm, ràng buộc thêm.
Người học Phật thì phải nghe pháp, nghe pháp chính là văn tuệ, có văn rồi thì thì tiếp theo là tư tuệ và tu tuệ. Nghe pháp phải biết chọn lọc, phải biết đúng sai, biết chánh tà ấy chính là trạch pháp trong thất bồ đề phần. Hiện nay trong đời sống và trên mạng NET có rất nhiều người nói pháp, tuy nhiên cũng có không ít người thiếu chánh kiến, nói pháp mà chẳng như pháp, thậm chí tà pháp. Nhiều người nói pháp nhưng lồng chính trị vào để định hướng tư tưởng và dẫn dắt dư luận theo ý đồ của thế lực chính trị. Có người nói pháp vì háo danh, vì danh văn lợi dưỡng, cũng có người nói pháp thât thà nhưng lại thêm thắt với ý địmh làm cho bài pháp thêm sinh động nhưng khổ nỗi, những cái thêm thắt ấy lại sai sự thật, không phù hợp lịch sử, những cái sai ấy vô tình làm cho bài pháp trở nên buồn cười và tác dụng ngược hoàn toàn. Có một ông tăng trẻ, rất nổi tiếng trên NET, ông ấy giảng về đề tài thu nhiếp lục căn, ông ấy ví dụ lục căn mình như sáu cái cửa, cần phải đóng lại (thủ hộ) chỉ để duy nhất một cửa mở để dễ quán xét. Ông tăng lấy ví dụ là đức Phật lấy cái hộp giấy có sáu lỗ, nhốt con dế trong ấy. Con dế dễ dàng đi ra sáu cái lỗ, giờ bịt năm lỗ lại, chỉ chừa duy nhất một lỗ để dễ bề quan sát con dế vào ra. Dụng ý ông tăng bảo người tu thu nhiếp các căn nhưng cái ví dụ hoàn toàn sai: Thời dức Phật làm gì đã có giấy, càng không có hộp giấy. Ông tăng chế ra câu chuyện hộp giấy và con dế để dẫn dụ nhưng chế vụng và sai sự thật lịch sử. Người nghe chỉ cần có chút trí sẽ nhận thấy sự vô lý ngay. Có một ví dụ khác nữa, có một vị thuyết pháp kể chuyện Phật và ông Anan cùng đi khất thực, chợt đức Phật chỉ vào bụi rậm và kêu lên “Rắn độc, rắn độc”, khiến ba người nông dân nghe được, họ banh bụi rậm và thấy túi vàng lớn. Ba người nổi tham và mưu đoạt cho riêng mình, cuối cùng cả ba người bị chết vì túi vàng. Bài pháp có dụng ý cảnh tỉnh về tam độc, tuy nhiên vụng ở chỗ dựng chuyện: Đức Phật không bao giờ nói vu vơ, ngài chỉ nói những gì cần nói, nói đúng lúc, đúng thời. Phật không có tùy tiện như chúng ta, không thể nào bâng quơ chỉ vào bụi rậm và kêu rắn độc để rồi ba người nông dân chết vì lời bâng quơ như thế!
Nghe pháp, thính pháp là việc cần thiết trong việc tu học nhưng người nghe cũng cần có trạch pháp, biết đúng sai, chánh tà.
Xuân đang đến cũng có nghĩa là ta đang già đi, cái vui tươi trẻ đang hiển hiện cũng đồng nghĩa cái buồn già nua sau đó… thời gian như nước chảy mây bay, đời người như hoa trôi diệp lạc, mạng sống như phù du, mạng sống vốn giữa hai làn hơi thở, đời vốn khổ nhiều hơn vui, đã thế thêm thắt ràng buộc thì càng thêm khổ, càng dính mắc, càng ôm đồm thì khó mà có thể chết an, chết sạch, chết nhẹ được!
Con người cứ đến rồi đi như bông dầu bay trong gió, bay bay vậy chứ đều rớt hết cả, chỉ có mây tưởng chừng như không có, ấy vậy mà bay hoài, bay vĩnh viễn. Người sanh ra rồi sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Người đến để rồi sớm muộn cũng phải bỏ mà đi, bỏ hết, dù muốn hay không cũng phải bỏ. Cái mang theo chỉ là thiện nghiệp ác nghiệp trong một đời và của quá khứ. Cái mang theo thì dù có muốn hay không muốn cũng vẫn phải mang theo.
Thanh NguyễnẤt Lăng thành, xuân 24