Thế là ngày sinh nhật Phật lại đến với chúng ta, mọi người hân hoan nao nức mừng ngày đản sanh của đấng cha lành. Rằm tháng Tư hoa nở chim ca, muôn loài tươi mới, khắp nơi dâng hương hoa cúng dường. Trong tâm tưởng hàng Phật tử chúng ta còn “thấy” chư thiên rải hoa mạn thù sa, mạn đà la cúng dường đức Thế Tôn.
Kinh sách thường bảo mười ngàn thế giới chấn động ba lần ấy là khi đức Phật thị hiện ra đời, đức Phật thành đạo và lúc đức Phật nhập niết bàn. Sự chấn động ấy đúng thực nghĩa hay là biểu trưng cũng đều đầy đủ ý nghĩa vô tiền khoáng hậu của sự kiện. Đức Phật thị hiện ra đời để khai phá con đường sáng, con đường giải thoát. Ngài thị hiện ở thế gian để nói cho con người biết sự thật chơn tướng của con người và vạn sự ở thế gian. Con người từ lâu mê mờ không rõ sự thật, chìm đắm trong ngũ dục lục trần, lạc lối trong khu rừng vô minh tăm tối mờ mịt không biết đường ra. Con người khổ mà không thấy khổ, không biết vì sao mình khổ, có đôi khi biết nhưng tặc lưỡi cho qua. Con người lấy khổ làm vui. Con người quanh quẩn lên xuống trong tam đồ lục đạo… Bởi vậy mà Phật thị hiện ra đời để cứu khổ ban vui. Đừng hiểu cứu khổ ban vui kiểu thánh thần có phép tắc có thể ban phước giáng họa. Phật cứu khổ bằng cách nói cho ta biết tại sao ta khổ, nguyên nhân cái khổ, phương cách thoát khổ, con đường đi đến hết khổ, giải thoát, niết bàn…Ban vui ấy chính là khi biết khổ, loại bỏ nguyên nhân gây khổ thì sẽ vui, dứt sanh tử luân hồi sẽ vui trong tịch tịnh niết bàn. Cứu khổ ban vui tùy theo trình độ, căn cơ của mỗi con người, xu hướng và tính cách của mỗi nhóm người… Bởi vậy mà Phật “Quyền thật phương tiện thuyết”. Căn bản Phật pháp vẫn là tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, lục độ ba la mật… nhưng vì chúng sanhcăn cơ sai biệt, tính cách đa dạng, xu hướng không giống nhau nên mới có nhiều phương pháp độ sanh, cho dù có tám vạn bốn ngàn pháp môn hay không thì Phật pháp vẫn phải phù hợp, khế cơ, khế lý thì mới độ được người.
Đức Phật đản sanh thị hiện ở vườn Lâm Tỳ Ni, quang minh rực rỡ sáng hơn cả ánh sáng trời trăng, lục chủng chấn động khắp mười ngàn thế giới. Thiên nhân chấn động tâm. Ma vương cũng bị chấn động, một sự kiện hy hữu ở thế gian này. Ngài thị hiện vào hòang cung rồi xuất gia học đạo, rồi lại từ bỏ tu khổ hạnh để thực hành trung đạo, cuối cùng hiện chứng thành chánh đẳng chánh giác. Đây là cả một quá trình vượt thoát vô cùng vĩ đại. Ngài đã thành Phật, cuộc đời đức Phật như một đóa hoa sen, hoa sen từ trong bùn nhơ hôi tanh vươn lên khỏi mặc nước để nở hoa và tỏa hương.
Đức Phật từ một con người bình thường như bao con người khác, rồi ngài thực hành trung đạo mà thành bậc chánh đẳng chánh giác. Con người nếu tu theo giáo pháp của ngài thì cũng thành tựu như ngài. Đức Phật tuyên bố: “Ta là phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Đây là một câu nói vô tiền khoáng hậu. Một câu nói chấn động tâm nhân thiên, từ trước đến giờ chưa từng có ai nói như thế cả! Ấn Độ lúc ấy có chín mươi sáu tôn giáo, thế giới loài người từ cổ sơ đến giờ có hàng trăm tôn giáo khác nhau nhưng chưa từng có một vị giáo chủ hay một thủ lĩnh nào nói với mọi người là ai cũng có thể đạt địa vị như mình, chứng đắc như mình. Với các tôn giáo ở thế gian này thì tất cả tín đồ vĩnh viễn là tôi đòi phải nghe lời và thần phục tuyệt đối, các tín đồ chịu sự phán xét hay ban thưởng của giáo chủ, phải trung thành và phục tùng vô điều kiện...Thế gian này chưa có một vị giáo chủ nào cho phép tín đồ của mình bằng mình. Đừng nói là ở lĩnh vực tôn giáo, ngay cả đời thường thế tục cũng không hề có việc này. Chưa từng có một ông vua, thủ lãnh, nguyên thủ nào cho phép kẻ dưới bằng địa vị của mình. Câu nói: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành” vĩ đại thật khó có thể nghĩ bàn hay dùng ngôn ngữ để tán tụng. Xưa nay chúng ta thường nói đến đấu tranh cho tự do, dân chủ, bình đẳng… nhưng suốt chiều dài lịch sử nhân loại chúng ta chưa hề đạt được điều đó. Chỉ riêng có Phật đạo là có thể. Đạo Phật đã chứng minh như thế. Câu nói của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là một bằng chứng. Lịch sử tu và chứng của các thánh giả Phật giáo là những minh chứng. Ngay cả danh tự mà chúng ta vẫn thường tôn xưng cũng nói lên tính bình đẳng, dân chủ tuyệt đối. Ngài là Bổn Sư, là ông thầy dạy đạo căn bản. Điều này mọi người có thể nhận thấy không hề có ở trong các tôn giáo khác. Với các tôn giáo khác thì chỉ có đấng tối cao, giáo chủ và tín đồ mà thôi!
Rằm tháng Tư năm nay hay rằm tháng Tư của 2568 năm trước và rồi rằm tháng Tư của những năm sau này nhân loại vẫn hân hoan đón chào ngày sinh nhật của đức Phật. Khi nào con người con khổ và chỉ có mỗi con đường giải thoát này. Khi nào mà con người còn chìm đắm trong ngũ dục lục trần, tâm còn đầy tam độc thì giáo pháp của đức Bổn Sư Thích ca Mâu Ni vẫn còn hiệu nghiệm để giải trừ khổ, giải thoát, đi đến tịch tĩnh niết bàn.
Mừng ngày Phật đản sanh, hương hoa cúng dường, ngôn văn tán tụng, cờ xí trang nghiêm, lễ lạc thành kính… ấy vẫn chỉ là hình tướng để tỏ bày. Thật sự nhớ ơn Phật, tạ ơn Phật, tôn kính Phật ấy chính là y giáo phụng hành, thực hành sống đạo, thực tập lời Phật dạy, áp dụng giáo pháp vào trong cuộc sống hàng ngày. Đạo Phật là đạo đến để thấy, để hành chứ không phải để nói suông, huyên thuyên chữ nghĩa.
Mừng ngày Phật đản sanh, ba ngàn thế giới hoan hỷ cung nghinh, nhân thiên thành tâm lễ kính, người bốn phương hướng về Lâm Tỳ Ni ngưỡng vọng, người xa gần về các đạo tràng để đảnh lễ chiêm bái tôn tượng của đức Bổn Sư. Ngày nay đạo Phật đã truyền bá khắp năm châu, người con Phật bây giờ có đủ mọi màu da, sắc dân và những truyền thống văn hóa khác nhau. Tuy nhiên tất cả đồng lòng hướng về Bồ Đề đạo tràng để cùng tưởng niệm hoa Ưu Đàm nở, một sự kiện hy hữu ở thế giới Sa Bà.
Thanh Nguyễn Ất Lăng thành, 0424