Rahula là con trai của Thái Tử Shiddhattha Gotama thuộc vương quốc Sakya vùng Kapilavasta mà tiếng Việt dịch là thành vương xá Ca Tì La Vệ. Khi Thái Tử Shiddhattha (Sĩ Đạt Ta) vào rừng sâu tìm đạo giải thoát và chứng thành đạo quả được trời người tôn xưng là Shakya Muni Buddha, đấng giác ngộ giòng Shakya hay Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã đi khắp các lâng bang vùng châu thổ sông Hằng để hoá độ chúng sanh. Sau khi du hóa lãnh địa Magadha (Ma kiệt đà), Ngài đã cùng trên một ngàn vị đệ tử trở về thành vương xá Ca Tì La Vệ thăm phụ hoàng là vua Suddahodana (Tịnh Phạn), vợ là Công chúa Yaso-dhara (Da Du Đà La) và con trai Rahala (La Hầu La) đã hơn mười năm xa cách. Công chúa Da Du Đà La xinh đẹp, thông minh tuyệt trần nên duyên với Thái Tử Sĩ Đạt Ta khi nàng vừa tròn mười sáu tuổi. Mười ba năm sau khi kết hôn, Công chúa Da Du Đà La hạ sinh một hoàng nam là La Hầu La vô cùng khôi ngô. Những tưởng từ đây cuộc sống trở nên viên mãn, trọn vẹn nhưng không bao lâu sau đó thì người chồng cao quý tức Thái Tử Shiddhattha từ bỏ cuộc sống thế tục, tìm lối xuất gia. Ở tuổi hai mươi chín, lần đầu làm mẹ, công chúa Da Du Đà La một mình vò võ nhớ chồng, nuôi hài nhi còn đỏ hỏn là một thử thách chua cay.
Khi biết chồng sống đời tu sĩ, công chúa Da Du Đà La cũng nguyện sống đời đơn giản, không phấn son lụa là gấm vóc, từ bỏ lối sống xa hoa của hoàng tộc, ăn uống kham nhẫn, đi chân trần, nằm dưới đất để đồng hành với người chồng cao thượng của bà.
Tới lúc Tăng đoàn về đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ, đức Phật vấn an phụ hoàng rồi viếng thăm Công chúa Da Du Đà La và Hoàng nhi La hầu La; được nghe Phật thuyết pháp, Công chúa đã thấm nhuần giáo pháp và dù quyến luyến đứa con trai yêu quý nhất trên đời, Da Du Đà La cũng hoan hỷ chấp nhận cho Hoàng nhi La Hầu La theo Phật xuất gia, bước vào Tăng đoàn trở thành vị Sa Di đầu tiên trong lịch sử Tăng già, một thiên thần bé nhỏ, đồng chơn nhập đạo, sau này là một trong Thập đại đệ tử của Đức Phật, mệnh danh là Mật Hạnh Đệ nhất. Cuộc đời và hành trạng của La Hầu La thật đáng cho người đời cung kính, quy ngưỡng vì là bậc sở đắc hai thứ cao quý nhất thế gian bởi sự kế thừa dòng dõi huyết thống và thánh đạo sở đắc, thứ nhất tại chốn trần gian thì La hầu La thuộc dòng dõi quý tộc, hoàng thân quốc thích; thứ hai là khi xuất gia, La Hầu La đi trên con đường của các bậc thánh xuyên qua tiến trình giác ngộ giải thoát. La Hầu La khai đại lộ cho vô số chú tiểu bé nhỏ khác trên hành tinh ở mọi thời đại bước vào vòm trời cao rộng siêu thoát của nếp sống Thiền môn.
Trong Kinh Giáo Giới La Hầu La thuộc Trung bộ 61 có ghi rõ hành trạng của La Hầu La khi mới xuất gia, vì rằng còn quá nhỏ lại có gốc gác vương giả nên chưa thể một sớm một chiều mà tu hành được như người trưởng thành, cho nên những lúc vắng người, La Hầu La cũng bày trò nghịch ngợm. Lúc lên mười tuổi, khi ở thành Vương Xá, một đôi lần vào dịp có quan đại thần, trưởng giả hay cư sĩ đến hỏi thăm Đức Phật hiện ở đâu thì La Hầu La thường tìm cách nói gạt hướng khác để trêu ghẹo mọi người lấy làm trò vui.
Biết được hành vi của La Hầu La như vậy nên Đức Phật đã quan tâm giáo dục vị Sa Di đặc biệt này theo cách riêng. Bấy giờ từ Veluvana (Trúc Lâm Tinh xá) Phật đến khu rừng Ambalatthika gặp La Hầu La dạy bảo. Thấy Phật từ xa, La Hầu La vội vàng cung đón rồi lấy nước dâng Ngài rửa chân. Vừa rửa chân xong, Phật hỏi con rằng phẩm chất của nước trong chậu sau khi Ngài đã rửa chân có còn sạch sẻ để uống được không? qua đó, Ngài dạy cho La-hầu-la biết về cách gìn giữ thân khẩu và ý nghiệp luôn thanh tịnh, hướng dẫn La Hầu La phải biết hành động sao cho lợi mình, lợi người và lợi tất cả quần sanh.
Phật chỉ phương cách quan trọng của tính chân thật, rằng nếu La Hầu La muốn tìm ra sự thật, thì trước hết tự mình phải sống thành thật, sử dụng những hành động của mình như tấm gương soi. Ngài dạy con rằng trước khi làm bất cứ việc gì, hãy tự hỏi mình: Việc tôi sắp làm đây thiện hay bất thiện? Sẽ đem lại lợi ích hay tai hại? Nếu thấy có hại, thì đừng làm. Nếu tốt, thì cứ tiến hành, thử nghiệm, ngược lại khi đang thực hiện các hành động đó, cũng cần đặt câu hỏi như trên, giả dụ thấy nó đem bao tai hại, dừng ngay lập tức, nếu không, tiếp tục thực hiện. Ngay cả sau khi hoàn tất, cũng hỏi những câu đó như: “Điều này thiện hay bất thiện?”, nếu con thấy điều ấy lúc đầu có vẻ tốt, thực sự cuối cùng là xấu, thì hãy trao đổi với huynh đệ, và nhất quyết không bao giờ lặp lại lỗi lầm đó nữa. Con phải luôn quán chiếu về thân, khẩu, ý để thấy rằng nó không đưa đến ưu phiền… Đấy là một hành động thiện xảo mang lại kết quả hoàn mỹ, ảnh hưởng tốt đẹp, thì tâm con trong sáng, vui tươi, tu tập ngày đêm với các tâm thiện đó. Phật đã dạy con trai về sự thiết yếu của việc học hỏi từ các lỗi lầm do mình tạo, tự mình phải chịu trách nhiệm cho các hành động mình gây, và vun trồng tâm bi mẫn. Quan trọng không kém là việc đức Phật dạy con về chủ đích của mỗi hành động và hậu quả của chúng sẽ như thế nào khi những nghiệp lực đó mang lại kết quả tức thời hay dài lâu sau này.
Thật ra hạnh phúc của bậc làm cha mẹ là được thấy con cái nên người, hiếu hạnh và thiện lương. Ngược lại, nếu con cái hư hỏng sẽ là một nỗi đắng cay phiền muộn và tủi hổ. Kết quả đáng mừng hay đáng tủi ấy tùy vào sự bận tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ thở ban đầu. Giáo dục con cái không phải chỉ là một bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự thiêng liêng của phụ mẫu bởi chính họ đã cùng tổ tiên bao đời, cùng xã hội chung quanh tạo nên những con người mới, những người con của đất nước đang cưu mang gia đình mình, đó là việc mà Quản Trọng, Tể tướng Nước Tề thời Xuân Thu chiến quốc gọi là trồng người; không chỉ trồng nên những người hữu ích cho xã hội, cho quốc gia dân tộc mà còn trồng nên những nhân tố lành thiện cho nhiều đời nhiều kiếp mai sau. Vì thế, giáo dục con cái không phải là một việc tùy hứng, tùy thời mà cần có một đường hướng, kế hoạch và phương pháp đúng đắn, hợp thời, hợp lý và hợp đạo đức nhân luân.
Chúng ta cần ý thức về bổn phận giáo dục con cái là cốt lõi của việc làm cha làm mẹ, bởi vì nó liên quan đến chuyện lưu truyền nòi giống, sự sống còn và xa hơn là một dân tộc. Vai trò giáo dục là khởi nguồn ánh sáng và là cơ bản nhất vì tương quan yêu thương độc nhất vô nhị giữa cha mẹ và con cái, nếu so sánh với những đối tượng khác trong dòng tộc thì tình cảm thiêng liêng này gói trong chữ “Từ” đúng nghĩa nhất. Chính vai trò giáo dục của cha mẹ thật cao cả như vậy nên khó ai thay thế được và cũng không nhường cho bất kỳ người khác hay khoán trắng cho ai đó chiếm đoạt.
Tình phụ tử và tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng và là yếu tố cơ bản trở thành mạch nguồn khởi đầu ghi dấu sự giáo huấn bằng chất liệu yêu thương. Chính tình yêu thương này, như nguồn suối xuất phát, trở thành tâm khảm và ước mơ gợi ra những sáng kiến và hướng dẫn cho mọi hoạt động giáo dục rõ ràng, điều này con trẻ nhất định thấm đượm những giá trị của cái nhân trong sự dịu dàng, kiên nhẫn, nhân hậu, tận tụy, hy sinh để trổ quả là những hoa trái quý giá nhất trong tình thương vô vụ lợi.
Khi biết mình mang thai, phụ nữ cần ý thức cách thai giáo, một hình thức giáo dục cho thai nhi phát triển trong lúc tượng hình. Mục đích của việc thai giáo là nhằm để thai nhi tránh xa những kích thích hay tác động xấu và làm cân bằng lại môi trường trong và ngoài cơ thể người mẹ. Nhờ thực dụng thai giáo mà thai nhi sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn như sức khỏe được củng cố, các cơ quan hình thể được phát triển và hoàn thiện tốt hơn. Theo các nghiên cứu khoa học thì thông thường, thai nhi được 23 tuần tuổi có thể nhận biết các thanh âm từ môi trường bên ngoài và hồi đáp lại bằng cách chuyển động cơ thể. Vì có khả năng này mà vấn đề thai giáo không quá khó khăn để thực hiện. Khi bà mẹ tụng kinh, đọc sách, cầu nguyện, nghe âm nhạc v.v. thai nhi có thể nghe thấy các âm thanh ở bên ngoài cơ thể mẹ chứ không chỉ riêng tiếng thở hay nhịp tim ở bên trong, có thể ghi nhớ tất cả và biểu hiện những phản hồi nhất định. Đây là phương pháp thai giáo rất hữu ích được dùng nhiều nhất ở tháng thứ tư đến tháng thứ bảy, giai đoạn quan trọng vô cùng của thai giáo để hài nhi dễ dàng tiếp nhận. Vì thế bà bầu cần phải vui tươi, siêng năng, tích cực, ăn uống đúng cách, chừng mực, không rượu bia, thuốc lá, nói năng hòa nhã, tính tình nhân ái, từ bi thì thai nhi chẳng những nhận biết âm thanh, phát triển trí não mà còn tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho cả mẹ lẫn con.
Tổ tiên ta thường nói: “Uốn cây từ thưở còn non, Dạy con từ thưở con còn đương thơ”. Còn thơ có nghĩa là ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, bao tâm tình và thái độ ứng xử của cha mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính đứa con sắp chào đời. Do đó, những bậc cha mẹ thương con sẽ hết sức lưu ý, để trong thời gian mang thai sống thật lành mạnh về luân lý và tâm linh. Lúc đứa con chào đời, cha mẹ trực tiếp giáo dục khi đứa con bắt đầu có trí khôn, khả dĩ nhận biết về những điều cha mẹ dạy bảo. Lúc bấy giờ gia đình sẽ trở nên mái trường đầu tiên truyền cho đứa bé những bài học làm người. Trong mái trường đó, cha mẹ chính là những “thầy cô” được tín nhiệm và yêu thương hơn cả, vì cha mẹ là những người sống gần gũi, hiểu biết và chăm lo con cái hơn ai hết. Trong việc giáo dục con cái, phải để ý đến mặt nhân bản bao gồm ba phương diện: đức dục, trí dục và thể dục.
Về phương diện đức dục, cha mẹ luôn gương mẫu, dạy con thành thật, lễ độ, hiếu kính, trách nhiệm và tin sâu nhân quả. Trí dục là trau dồi cho con về học vấn, nghề nghiệp để mai sau sống đời tự lập, xây dựng tương lai, góp phần tô bồi xã hội và quốc gia dân tộc. Thể dục là dạy con biết vệ sinh sạch sẽ, giữ gìn sức khoẻ tráng kiện, luôn siêng năng tinh tấn, tiết độ, kỷ luật, can đảm.
Để con cái sau này dễ thành công thì luôn dạy trẻ biết khiêm nhuờng, khôn ngoan lắng nghe, suy nghĩ cân nhắc trước khi làm và hoàn tất việc gì cũng cần nhìn lại đặng rút tỉa kinh nghiệm về sau. Khuyến khích con siêng năng chăm chỉ để chu toàn mọi bổn phận thật chu đáo, tôn trọng của chung và biết lo cho công ích; luôn thành thật trong lời nói và việc làm, tập cho con biết tiết kiệm, không phung phí tài sản, đúng giờ giấc và chừng mực trong những điều bình thường hằng ngày, biết can đảm đứng vững trong điều tốt và loại trừ điều xấu xa tội lỗi; biết chấp nhận điều sai sót về mình, tự tin và tự lập, nhận lãnh trách nhiệm khi hậu quả do chính mình gây tạo để sai lầm chừa bỏ, việc tốt phát huy.
Cha mẹ phải đồng nhất trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái, tìm hiểu tính tình, năng khiếu của trẻ con rồi áp dụng những phương pháp thích hợp dạy chúng đạt được mục đích. Đừng bao giờ trong gia đình có cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” khiến con cái không biết tin vào ai. Cha mẹ cần tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, hòa thuận, lạc quan và tin yêu lẫn nhau để giúp cho việc giáo dục con cái toàn diện trong đời sống cá nhân và xã hội vẹn toàn.
Giữa cha mẹ và con cái là hai thế hệ già, trẻ luôn có khoảng cách nhất định. Nếu không chịu tìm hiểu con cái, công việc giáo dục sẽ không đạt được những kết quả mong muốn, đôi khi gây nên những bực bội và oán trách vô duyên. Tuổi tác chênh lệch, thời gian và không gian của hai thế hệ khác biệt, môi trường sống phát sinh những dị biệt, bất đồng làm cho bao mái gia đình ly tan, đổ nát. Do vậy bậc cha mẹ cần phải kiên nhẫn, dạy nhiều lần chứ nói một lần rồi thôi thì chưa đủ. Hãy nhắc đi nhắc lại để lời khuyên nhủ được thấm nhuần vào đầu óc của tuổi thiên thần.
Tóm lại, quá trình giáo dục con cái là cách mà cha mẹ hướng dẫn, đồng hành, giúp đỡ để con trưởng thành và phát triển nhân phẩm một cách toàn diện. Biết rằng, đây là nghĩa vụ thiêng liêng tối quan trọng không ai có thể thay thế cha mẹ được, do vậy hành trình nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con cái trong gia đình mang lại cả những nụ cười hạnh phúc và những thử thách, khó khăn đầy kiên nhẫn cũng như lắm lúc bất lực, mệt mỏi, áp lực tứ bề mà bậc cha mẹ phải đối diện. Tuy nhiên, nuôi dưỡng và giáo dục con bằng tình yêu thương, bằng sự thông minh và trách nhiệm, không nuông chiều quá mức thì chắc chắn tương lai con cái sẽ thành công và đi theo hướng thiện, độc lập và can trường. Hãy luôn chú trọng tâm sinh lý của con trong từng giai đoạn phát triển, mỗi độ tuổi có những thay đổi kỳ diệu nên cha mẹ cần quan tâm đến suy nghĩ, tâm sinh lý của con để có phương pháp giáo dục phù hợp theo từng nhịp sống đang trưởng thành.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó, chúng có những thế mạnh, tài năng, ước mơ riêng, nên cha mẹ đừng so sánh và đặt quá nhiều áp lực lên con, bắt con mình phải giống như con người ta. Hãy để con được sống cuộc đời riêng, thỏa mãn với sở thích, đam mê của chính bản thân thì mới thành công và tỏa sáng; dĩ nhiên, cha mẹ từng dạy con hiểu rõ trách nhiệm của bản thân để từ đó con cái sẽ đi vào quỹ đạo của sự tự tin, can trường, thành tín, lòng từ ái và trái tim nhiệt huyết phục vụ nhân sinh. Và trên hết, cha mẹ là tấm gương phản chiếu mọi ngóc ngách tâm hồn con cái, muốn con tử tế, cha mẹ phải sống tử tế, biết điều với tất cả mọi người. Muốn con hiếu thảo thì cha mẹ cư xử chuẩn mực, hiếu hạnh với ông bà, tổ tiên. Muốn con có niềm tin tôn giáo thì cha mẹ siêng năng đi lễ chùa, nhà thờ cầu nguyện, muốn con yêu quê hương dân tộc thì phải cho con những bài học lịch sử oai hùng; dạy con biết chịu trách nhiệm trong cuộc sống, cha mẹ phải nêu cao ý thức trách nhiệm bản thân và dạy con từ ái yêu thương bằng hành động chia xẻ, an ủi đến bao sinh linh bất hạnh.
Đức Phật đã dạy con trai Rahula bằng chính thân giáo của Ngài. Thật ra con cái đến với cha mẹ ở kiếp này mà thôi nên hãy trân trọng dùng năng lực yêu thương trao truyền đặng mai này còn lại trần gian hình hài mình bằng chính đứa con phiên bản qua sự giáo dưỡng do mình tạo ra.